+ BBC - 21/11: Trung Quốc “xuống nước” tại Hội thảo Biển Đông? Từ ngày 19 - 21/11, Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 4 đã diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của hơn 100 học giả có uy tín, công chức và nhân viên ngoại giao từ Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Nga, Trung Quốc, Singapore, Việt Nam và nhiều nước khác. Hơn 30 tham luận đã được trình bày trong 10 phiên họp. Tiến sĩ Nguyễn Nhã nói quy mô của Hội thảo lần này lớn hơn hẳn so với 3 hội nghị trước đó cả về số lượng và sự đa dạng của các diễn giả cũng như của quan khách. Ông nói các học giả đã tranh luận hết sức thẳng thắn và “phân tích kỹ và khoa học” các vấn đề nhằm đóng góp cho sự “chuyển biến ở Biển Đông”. Ngoài các yếu tố quốc tế, một số học giả cũng nói các vấn đề chính trị nội bộ trong đó có lợi ích của chính quyền trung ương, địa phương và chủ nghĩa dân tộc tại các quốc gia liên quan càng làm cho vấn đề Biển Đông thêm phức tạp.

Hai học giả Trung Quốc Tô Hạo và Nguyễn Tông Trạch, Phó giám đốc Học viện Quan hệ Quốc tế Trung Quốc, đã có tham luận về “lợi ích quốc gia căn bản” và “Trung Quốc, ASEAN, Mỹ nên hướng đến điều tốt nhất mặc cho tranh chấp”. Có vẻ như học giả Tô Hạo từ Đại học Ngoại giao Trung Quốc ở Bắc Kinh có vẻ cho rằng quan hệ kinh tế giữa các nước ASEAN với Trung Quốc quan trọng hơn so với những gì ASEAN thu được từ Biển Đông khi nói rằng các nước ASEAN đã để “lợi ích quốc gia thứ yếu” lên trên “lợi ích quốc gia căn bản”.

Bình luận về hai học giả này, Tiến sĩ Nhã nói: “Các học giả Trung Quốc nói rằng là đối với các nước ASEAN, Trung Quốc càng ngày càng phát triển hợp tác kinh tế. Họ nói lợi ích cốt lõi của Trung Quốc không phải là Biển Đông”. Ông nhận xét “thái độ của các học giả Trung Quốc kỳ này không như trước”, “họ rất mềm mỏng”.

Tại hội nghị, các diễn giả cũng khẳng định sự quay lại châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ trong khi học giả Nga nói Moscow cũng đang trở lại khu vực và Đông Nam Á sau khi thất vọng với châu Âu.

Các tham luận được trình bày tại hội nghị cho thấy một bức tranh quốc tế phức tạp với sự tham gia và tái tham gia của các nước khác nhau với những mức độ quan tâm và quyết liệt khác nhau.

+ RFA, RFI, VOA - 21/11: Vấn đề Biển Đông tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á. Nhật báo The Cambodia Daily số ra ngày 21/11 nói rằng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh của Việt Nam không trực tiếp xác nhận lập trường của Hà Nội, nhưng nói rằng tranh chấp chủ quyền lãnh hải liên quan đến Trung Quốc và 4 nước trong ASEAN (Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei) đã là một mối quan tâm và lợi ích quốc tế vì đang có những lo ngại về tự do hàng hải và duy trì ổn định trong khu vực. Nhật báo này trích lời ông Phạm Bình Minh nói: “Thứ nhất là tranh chấp lãnh thổ, kế đến là hòa bình và ổn định trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng nếu có bất cứ chuyện gì xảy ra trên Biển Ðông, và thứ ba là các tuyến giao thông hàng hải. Nếu nhìn vào một bố cục đó, chúng ta có thể thấy được bản thân nó đã là một vấn đề quốc tế”.

Ngày 20/11, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario đã tái khẳng định quan điểm không có đồng thuận trong vấn đề không quốc tế hoá vấn đề tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông vì Philippines, cùng với một quốc gia ASEAN khác mà ông không nêu tên, tin rằng tranh chấp lãnh hải là một vấn đề quốc tế. Theo ông, để đạt được sự đồng thuận cần phải có sự nhất trí 100%, nên không có chuyện đồng thuận khi Philippines không đồng ý. Ông Rosario nói: “Trên thực tế, nếu quý vị hỏi Việt Nam, họ cũng không đồng ý. Việt Nam đang theo sáng kiến riêng của họ để chống lại quan điểm cho rằng có sự đồng thuận ở đây”. Ngoại trưởng Rosario cho biết thêm Tổng thống Aquino nhấn mạnh rằng các nước tranh chấp cần phải tự kiềm chế tránh để tình hình càng phức tạp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định. Trong đó, một số nước lớn cần phải hạn chế hành động của họ trên các hòn đảo.

Mặc dù, đã có nhiều bất đồng sau khi Phnom Penh đồng thuận với TQ không quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, nhưng Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa nói Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN kết thúc thành công, đặc biệt là một số vấn đề kinh tế và việc đàm phán về một số thỏa thuận thương mại tự do. Ông đánh giá thấp sự bất đồng giữa Campuchia và Việt Nam - Philippines. Ông nói các nhà lãnh đạo khu vực còn phải tập trung vào giải quyết các công việc khác. Ngoại trưởng Marty Natalegawa cho biết: “Chúng tôi đã đề cập rất nhiều về Bộ quy tắc ứng xử (COC). Các nước như Mỹ đã có thể nói trực tiếp hay gián tiếp tại Hội nghị về vấn đề tranh chấp Biển Đông và tự do hàng hải. Ngoài ra, nhà lãnh đạo các nước cũng đề cấp nhiều đến ngoại giao và thương mại”.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Phó Doanh lên tiếng bảo vệ quan điểm của mình là không thảo luận về vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn đa phương. Bắc Kinh thích để đối phó với các bên tranh chấp trên cơ sở song phương. Bà nói với phóng viên rằng Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói tại Hội nghị Trung Quốc không muốn lây lan tranh chấp trong khu vực. Theo bà Phó Doanh, hiện đã có rất nhiều khu vực đang có xung đột, tranh chấp. Bên cạnh đó, cũng có một số khu vực đã và đang bị chiến tranh đe dọa. Dù vậy, ASEAN có một chính sách ngoại giao giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế, Trung Quốc mong muốn ASEAN tham gia giữ hòa bình và ổn định khu vực để tạo điều kiện cho phát triển kinh tế.

Trong khi đó, Tân Hoa xã ngày 21/11 nói rằng Hội nghị Thượng đỉnh Ðông Á theo dự kiến tập trung vào những cách thức đẩy mạnh hợp tác kinh tế trong khu vực, nhưng chẳng may lại bị chi phối bởi những tranh chấp lãnh hải trên Biển Ðông vì nhiều nước cố tình nêu lên các vấn đề này không đúng lúc, đúng chỗ. Bài viết của Tân Hoa xã nói tiếp rằng “nêu lên các vấn đề tranh chấp nhân dịp này là đi ngược lại với tinh thần của ASEAN và tạo ra rủi ro gia tăng căng thẳng và gây phương hại cho tinh thần hợp tác giữa các quốc gia Ðông Á”. Tân Hoa xã bình luận “thật là thiếu khôn ngoan khi nêu lên vấn đề tranh chấp trên Biển Đông tại EAS. Tuy nhiên, Philippines và Việt Nam đã chi phối hội nghị bằng việc nhấn mạnh đến những tranh chấp này tại hội nghị thượng đỉnh một cách dai dẳng. Trong khi Campuchia nói rằng khối 10 nước thành viên ASEAN đồng ý không “quốc tế hóa” các tranh chấp này, thì Tổng thống Philippines Aquino lại bất chấp những nguyên tắc ngoại giao cơ bản và thẳng thừng trách cứ Thủ tướng Hun Sen của nước chủ nhà hội nghị”.

Bài viết của Tân Hoa xã nói tiếp: “Việc Philippines và Việt Nam bất chấp những nguyên tắc ngoại giao hình như bị tác động bởi lòng tham trữ lượng dầu khí, và nguồn hải sản dồi dào trên Biển Đông”. Cả Việt Nam và Philippines đều “chơi con bài kêu gào để tìm sự giúp đỡ từ các nước bên ngoài khu vực, mà cụ thể là Mỹ. Tân Hoa xã nói: “Việt Nam và Philippines muốn mượn tay Mỹ để gây sức ép với Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh có sự tham dự của Tổng thống Barack Obama”.

Cũng liên quan đến vấn đề quốc tế hoá Biển Đông trong Hội nghị EAS lần này, ngày 20/11, mạng truyền thông Singapore Chanel News Asia tiết lộ “Nhiều quốc gia ASEAN nêu lên tính không chính xác của một số điểm trong dự thảo Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh” tại Campuchia. Điểm đặc biệt gây tranh cãi là một số câu chữ nói về cách quản lý tranh chấp Biển Đông. Theo một số quan chức ASEAN, sai sót đến từ Chủ tịch ASEAN là Campuchia đã đưa điều khoản “không quốc tế hoá vấn đề Biển Đông” vào bản dự thảo đầu tiên được lưu hành. Sau đó, bất chấp lời phản đối của ông Aquino, mà theo các quan chức Philippines, đã được chính ông nêu thẳng với ông Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhân cuộc họp thượng đỉnh ASEAN - Nhật Bản, sai sót đó vẫn được duy trì trong bản dự thảo cuối cùng đã được lưu hành vào sáng ngày 20/11, ngày cuối cùng của hội nghị Phnom Penh.

Trước tình trạng đó, đại diện các nước không chấp nhận kết luận của Campuchia đã lập tức gởi công văn cho chủ tịch hội nghị để đòi điều chỉnh, và đoạn văn gây tranh cãi rốt cuộc đã bị xóa khỏi bản Tuyên bố chính thức. Theo ghi nhận của hãng Chanel News Asia, Philippines là quốc gia đầu tiên phủ nhận kết luận sai của Campuchia, sau đó đến lượt các nước Brunei, Indonesia, Việt Nam và Singapore cũng cho Campuchia biết rõ lập trường của mình.

Trong một thông báo, Bộ Ngoại giao Singapore, với lời lẽ tế nhị, đã cho rằng bản dự thảo của chủ tịch ASEAN chỉ “trích dẫn sai” các lãnh đạo khi họ thảo luận về Biển Đông. Sau khi sai sót này được điều chỉnh, Singapore thấy rằng phần nói về Biển Đông phản ánh đúng hơn những gì đã được thảo luận.

RFI đặt câu hỏi liệu trích dẫn sai hay cố tình áp đặt quan điểm của mình trên các đồng minh trong khối? Nghi vấn này chưa thể có câu trả lời, nhưng giới quan sát đã ghi nhận là sự trùng hợp tuyệt đối giữa Campuchia và Trung Quốc khi phát biểu về vấn đề quốc tế hóa hồ sơ Biển Đông điều mà Trung Quốc cực lực chống lại. Ngày 19/11, chẳng hạn một người phát ngôn chính phủ Trung Quốc đã không ngần ngại tuyên bố là khối ASEAN đã đạt được thỏa thuận là không quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông.

Đối với các nhà báo quốc tế, tiến trình thảo luận trong những ngày qua tại ASEAN đã lại cho thấy là Campuchia một lần nữa lại tranh thủ vai trò chủ tịch ASEAN để áp đặt các quan điểm của Trung Quốc về Biển Đông trên các đồng minh của mình.

+ Tin từ Australia, Nam Ninh - 21/11: Hội nghị cấp cao Đông Á - vấn đề Biển Đông. Mạng Tân Hoa, Phượng hoàng, Hoàn cầu, AFP ngày 21/11: Ngày 20/11, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã trình bày lập trường của Trung Quốc trên vấn đề tình hình khu vực và Nam Hải v.v tại cuộc họp kín Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 7. Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói, Trung Quốc hoan nghênh các nước đưa ra nhiều nỗ lực mang tính xây dựng hơn nhằm thúc đẩy sự hợp tác Đông Á, không tán thành nêu bật vấn đề tranh chấp lãnh thổ và biển tại Hội nghị Cấp cao Đông Á, gây nên bầu không khí căng thẳng. Nhằm vào lời phát biểu của lãnh đạo nước hữu quan, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói, hành động giữ gìn chủ quyền của Trung Quốc là chính đáng và cần thiết. Trung Quốc hy vọng các tuyến đường biển quốc tế đi qua Nam Hải sẽ được sử dụng đầy đủ hơn nữa trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phục hồi. Đảo Hoàng Nham là lãnh thổ vốn có của Trung Quốc, không tồn tại tranh chấp chủ quyền. Trung Quốc coi trọng cao hoà bình và ổn định ở Nam Hải và an ninh và tự do hàng hải. Hiện nay an ninh và tự do hàng hải ở Nam Hải được đảm bảo đầy đủ.

Phát biểu với báo giới Malaysia sau khi kết thúc Hội nghị cấp cao ASEAN 21 và các hội nghị liên quan tại Phnom Penh, ngày 20/11, Thủ Tướng Malaysia Najib Tun Razak cho biết, ASEAN hy vọng lập trường của Trung Quốc về COC có thể biến thành sự sẵn sàng tham gia vào đàm phán với ASEAN nhằm giải quyết những tuyên bố chủ quyền chồng chéo ở Biển Đông. Thủ tướng Najib nói rằng tại EAS, Thủ Tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã chỉ ra COC là một phần mở rộng hợp lý của DOC. Theo Thủ tướng Najib, phương pháp tiếp cận trước tiên của khối ASEAN sẽ là bất cứ khi nào Trung Quốc sẵn sàng thảo luận về COC, về cơ chế trong triển khai thực hiện DOC được ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc vào năm 2002. Sau đó, sẽ là sự khởi đầu của phần đàm phán phức tạp, cố gắng đàm phán để giải quyết những khu vực tranh chấp. Nếu ASEAN có thể khiến cho Trung Quốc bắt tay vào thảo luận chính thức với ASEAN về COC, đó sẽ là một bước đi tích cực đúng hướng và là động thái xây dựng lòng tin rất mạnh mẽ mà các bên sẽ cùng thực hiện để hướng tới. Thủ tướng Malaysia cho biết chủ quyền ở Biển Đông là một trong những chủ đề nóng bỏng nhất trong khu vực vì căng thẳng đôi khi bùng lên giữa một số bên tranh chấp.

Trong tuyên bố bằng văn bản được phát cho báo chí sau EAS, Tổng thống Philippines Benigno S. Aquino ngày 20/11 đã kêu gọi tất cả các bên tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước. Tổng thống Philippines nói rằng điều này đã được khẳng định phù hợp với các khoản trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Tuyên bố cho biết Tổng thống Aquino tại hội nghị EAS cũng nhấn mạnh rằng hành động trên phù hợp với nội dung trong DOC được ký giữa ASEAN và Trung Quốc. Tổng thống Aquino kêu gọi các bên có tuyên bố chủ quyền trong vùng biển mà Manila gọi là Biển Tây Philippines (Biển Đông) xem xét cùng nhau thảo luận và làm rõ những vùng biển tranh chấp, đồng thời đề ra giải pháp phù hợp với luật biển quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. Ông cũng nhấn mạnh tất cả các bên cần thảo luận để tiến tới hiện thực hóa COC.

Phát biểu sau cuộc gặp Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo bên lề EAS ở Campuchia, Thủ tướng Australia Julia Gillard tuyên bố muốn có một bộ quy tắc ứng xử để giải quyết những vụ tranh chấp ở Biển Đông. Thủ tướng Gillard nói rằng Australia không nghiêng về bên nào nhưng các tranh chấp cần phải được giải quyết một cách hòa bình. Gillard cho biết: “Chúng tôi tin rằng những vấn đề ở Biển Đông được xử lý một cách hòa bình, theo đúng luật pháp quốc tế là phù hợp với lợi ích của tất cả mọi người. Đó là lập trường của Australia.

Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Ben Rhodes tuyên bố nước này muốn có một bộ quy tắc ứng xử có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý và những vụ tranh chấp như vậy cần phải được giải quyết một cách đa phương bởi các nước liên quan, chứ không phải từng nước giải quyết riêng với TQ.

+ RFI - 21/11: Philippines sắp tổ chức hội nghị 4 nước ASEAN về vấn đề Biển Đông. Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Manila ngày 21/11, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario thông báo ngày 12/12, Philippines sẽ tổ chức cuộc họp bốn bên Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines nhằm thúc đẩy một giải pháp đa phương cho cuộc tranh chấp chủ quyền ngoài Biển Đông. Cuộc họp sẽ diễn ra ở cấp Thứ trưởng Ngoại giao và nhằm mục tiêu tìm kiếm giải pháp đa phương cho tranh chấp Biển Đông, giữa bốn nước Đông Nam Á với nhau và với Trung Quốc.

Trong buổi họp báo, Ngoại trưởng Philippines đã không ngần ngại bác bỏ chủ trương đàm phán song phương của Trung Quốc. Ông đã nhắc lại rằng sáng kiến cuộc họp bốn bên đã được chính Manila đề xuất lần đầu tiên vào năm 2011, ngược lại với cách tiếp cận song phương của Trung Quốc mà Philippines hoàn toàn không đồng ý. Ông tuyên bố “Chúng tôi tôn trọng những gì (Trung Quốc) nêu lên, nhưng chúng tôi không chấp nhận điều đó” vì “Chúng tôi xem tình hình ở Biển Đông là một mối đe dọa đến sự ổn định và an ninh trong khu vực”.

Đối với Ngoại trưởng Philippines, giải pháp đa phương là “một trong những phương án khả thi để thúc đẩy hồ sơ này tiến đến một giải pháp hòa bình”. “Chúng ta cần phải chú ý đến thực tế là có rất nhiều nước tranh chấp chủ quyền, do đó vấn đề phải được giải quyết một cách đa phương”.

Trung Quốc như vậy đã không được mời tham gia cuộc họp bốn bên sắp tới đây tại Philippines, cho dù là bên tranh chấp nặng ký nhất, đã đòi hỏi chủ quyền hầu như trên toàn bộ vùng Biển Đông, kể cả trên các vùng sát cạnh bờ biển của các láng giềng Đông Nam Á. Không những thế, Bắc Kinh còn phản bác phương án giải quyết tranh chấp một cách đa phương, mà muốn áp đặt cách giải quyết tay đôi.

Tổng hợp