Điều gì đang bị đe dọa?

Khu vực Biển Đông rộng 3,5 triệu km2 có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với kinh tế thế giới và an ninh khu vực. Mỗi năm, lượng hàng hóa trị giá khoảng 5 nghìn tỷ USD được trung chuyển qua khu vực này, nơi cũng được cho là có trữ lượng dầu khí lớn.

Trung Quốc tuyên bố rằng họ có “chủ quyền không thể tranh cãi” 2/3 diện tích Biển Đông, và các tuyên bố này cũng chồng lấn với các tuyên bố chủ quyền của một số nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei, cũng như vùng lãnh thổ Đài Loan.

Hai năm trước, Trung Quốc bắt đầu bồi đắp đất đá trên các rạn san hô mà họ chiếm đóng và xây dựng các căn cứ quân sự trên đó. Mặc dù không phải là bên đầu tiên làm vậy, nhưng trong 20 tháng qua, Trung Quốc đã xây các đảo nhân tạo có diện tích gấp 17 lần diện tích bồi đắp của các bên tranh chấp khác gộp lại. Mỹ hiện quan ngại rằng Trung Quốc đang tìm cách mở rộng phạm vi hoạt động tới gần hơn các căn cứ quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương, trong khi Trung Quốc cho rằng các thách thức đối với các tuyên bố chủ quyền của họ là một phần trong chính sách của Mỹ nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc trở thành cường quốc đối đầu Mỹ ở châu Á. 

Điều này có ý nghĩa gì với ASEAN?

Trong ngắn hạn, phán quyết của PCA có thể làm sâu sắc hơn các rạn nứt trong ASEAN. Với việc một số nước thành viên đang chịu sức ép lớn từ Bắc Kinh, ASEAN đã hai lần không thể ra một tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, lần đầu tại Campuchia năm 2012 và lần thứ hai tại Côn Minh (Trung Quốc) tháng 6/2016. Khó có khả năng ASEAN sẽ đưa ra một tuyên bố chung buộc Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết của Tòa. Thay vào đó, Philippines, Việt Nam và Malaysia - các nước có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn - cùng với Indonesia và Singapore, có thể sẽ đưa ra các tuyên bố riêng. Giới phân tích cho rằng cuối cùng, ASEAN sẽ phải giải quyết vấn đề này với tư cách một khối thống nhất. 

Nội dung vụ kiện là gì?

Mặc dù nội dung chi tiết vụ kiện là về các đặc quyền trên biển xung quanh các bãi đá và rạn san hô đang tranh chấp, nhưng trên thực tế, vụ kiện này là về yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc.

Philippines đã đệ trình vụ kiện năm 2013, không lâu sau khi Trung Quốc chiếm Bãi cạn Scarborough từ tay Manila.

Trung Quốc đã từ chối tham gia vụ kiện, nói rằng vụ kiện này liên quan đến quyết định ai làm chủ thực thể nào trên Biển Đông, tức là vấn đề chủ quyền, vốn thuộc thẩm quyền của Tòa Công lý Quốc tế (ICJ). Năm 2015, PCA tuyên bố họ có thẩm quyền xét xử 7 điểm trong số “các yêu cầu” mà Philippines đệ trình. 

Ai xét xử vụ kiện?

Được thành lập năm 1899, PCA là cơ quan liên chính phủ lâu đời nhất trên thế giới hiện đang tổ chức các phiên tòa trọng tài nhằm giải quyết các tranh chấp giữa 121 nước thành viên. Các phiên tòa này đã đưa ra hơn 70 phán quyết trong các vụ kiện trước đây và đang xem xét 116 vụ khác.

“Đường 9 đoạn” là gì?

Cái gọi là “đường 9 đoạn”, trên tấm bản đồ được vẽ năm 1947, đánh dấu biên giới chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, bao trùm gần như toàn bộ vùng biển này. Trung Quốc đã từ chối làm rõ thực thể nào mà họ tuyên bố chủ quyền bên trong đường ranh giới đó.

“Đường 9 đoạn” gây ra vấn đề gì?

“Đường 9 đoạn” chồng lấn với vùng biển mà Manila coi là một phần trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) và thềm lục địa mở rộng của họ. Trong EEZ (khu vực rộng 200 hải lý tính từ bờ biển), quốc gia ven biển có đặc quyền được thăm dò và khai thác các tài nguyên biển.

“Đường 9 đoạn” này cũng chồng lấn với các vùng biển đảo mà Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan tuyên bố chủ quyền. Philippines cho rằng “đường 9 đoạn” này vi phạm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). 

UNCLOS là gì?

UNCLOS là một công ước mà Philippines và Trung Quốc đã phê chuẩn, trong đó quy định hệ thống các vùng lãnh hải và các Vùng Đặc quyền Kinh tế, thềm lục địa, đảo, bãi cạn, rạn san hô, đảo san hô vòng, cồn cát, bãi cát và các thực thể đất đá khác. UNCLOS cho phép một quốc gia được thực thi chủ quyền ở vùng biển rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở và thực thi quyền kinh tế ở vùng biển trên thềm lục địa và EEZ. 

Tại sao lại tranh cãi về “đường 9 đoạn”?

Philippines đang tìm cách làm mất tính hợp pháp của các tuyên bố chủ quyền bành trướng của Trung Quốc bằng cách nhờ PCA bác bỏ tính pháp lý của “đường 9 đoạn”. Philippines cho rằng do không có quần thể đất đá nào ở Biển Đông đủ lớn để được hưởng các quyền trên biển và quyền lợi về kinh tế bao trùm khu vực rộng tới 2 triệu km2 trong “đường 9 đoạn”, nên không thể tồn tại đường ranh giới này.

Nội dung khác trong vụ kiện là gì?

Philippines cũng yêu cầu PCA tuyên bố rằng 7 thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa - gồm đá Xu Bi, đá Gaven, đá Tư Nghĩa, đá Gạc Ma, đá Chữ Thập, đá Châu Viên và đá Vành Khăn - cũng như bãi cạn Scarborough, chỉ mang lại vùng lãnh hải 12 hải lý, dù một số đã được bồi đắp thành đảo nhân tạo. Theo UNCLOS, các đảo nhân tạo không mang lại EEZ.

Một thực thể đất đá khác mà Philippines cũng đang tranh chấp là đảo Ba Bình rộng 49 ha mà Đài Loan đang chiếm giữ. Đài Loan đã nộp đơn can thiệp vụ kiện của Philippines để khẳng định rằng đảo Ba Bình - cách Đài Loan 2000km về phía Nam nhưng chỉ cách đảo Palawan của Philippines 416 km về phía Tây - là một “hòn đảo” mang lại EEZ. 

Diễn biến hậu phán quyết?

PCA đã ra phán quyết chủ yếu có lợi cho Philippines. 

Trung Quốc có thể phản ứng bằng cách tuyên bố lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Đông và đưa các máy bay chiến đấu tới các đảo nhân tạo. Trung Quốc sẽ yêu cầu tất cả các máy bay di chuyển qua ADIZ phải thông báo kế hoạch bay cho các quan chức an ninh Trung Quốc. Trung Quốc cũng có thể tìm cách biến bãi cạn Scarborough thành một hòn đảo nhân tạo, một giới hạn đỏ đối với Mỹ, và trở lại bao vây các binh sĩ Philippines đang đồn trú trên một chiến hạm cũ ở bãi Cỏ Mây.

Mỹ có thể sẽ phản ứng bằng cách tăng cường các hoạt động tuần tra để đảm bảo “tự do hàng hải” gần các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và tập hợp đồng minh để buộc Trung Quốc phải tôn trọng phán quyết của Tòa.

Theo Inquirer

Văn Cường (gt)