Bản tin tuần Biển Đông (ngày 1 - 7/4/2022)

Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 5/4 cho biết tàu hải quân Trung Quốc PLAN 792 xâm nhập trái phép vào vùng biển của Philippines từ ngày 29/1 đến ngày 1/2 và quan sát cuộc tập trận chung của Philippines - Mỹ. Theo ông Lorenzana, đây không phải vùng biển quốc tế và Trung Quốc không thể giám sát ngay trong lãnh hải Philippines. Bấp chấp tàu hải quân Philippines yêu cầu rời đi, tàu Trung Quốc vẫn tuyên bố đang thực hiện hành động “đi lại vô hại”.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Ngày 31/3, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yeo Han-koo và Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai thảo luận về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF). Đây là lần tiếp xúc thứ 6 giữa quan chức hai bên kể từ khi Tổng thống Mỹ công bố kế hoạch của IPEF tháng 10/2021. Theo đó, IPEF kêu gọi tăng cường hợp tác với các nước đối tác trong một loạt vấn đề kinh tế và thương mại, bao gồm kỹ thuật số, chuỗi cung ứng và năng lượng sạch.

Trong cuộc điện đàm ngày 31/3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Đức Olaf Scholz hoan nghênh thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực hai nước cùng quan tâm thời gian tới. Về Biển Đông, hai nước nhất trí về sự cần thiết của việc giữ gìn hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982.

Về chuyến bay tuần tra của Tư lệnh INDOPACOM ở Biển Đông gần đây, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm ngày 31/3 tuyên bố những gì Mỹ làm hoàn toàn trái ngược với cam kết của Tổng thống Biden và Trung Quốc kiên quyết phản đối. Việc quân sự hóa Biển Đông là từ phía Mỹ, không nên đổ lỗi cho Trung Quốc. Thực tế, Mỹ duy trì số lượng lớn tàu và máy bay trong khu vực và chính là bên gây căng thẳng Biển Đông, ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định khu vực.

Trong cuộc gặp ngày 3/4, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Philippines Teodoro Locsin nhất trí vấn đề biển cần đặt đúng vị trí trong quan hệ song phương; hạn chế sự can thiệp, giải quyết đúng đắn các bất đồng, tránh ảnh hưởng tổng thể quan hệ. Ông Vương cho hay Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các bên khác, lấy kỷ niệm 20 năm ký kết DOC làm nền tảng thúc đẩy sự đồng thuận, đẩy mạnh tiến trình tham vấn COC, hướng tới xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình và hợp tác. Ngoại trưởng Locsin khẳng định Philippines sẵn sàng tham vấn, tham gia nỗ lực chung với Trung Quốc.

Phát biểu ngày 4/4, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton cho hay, “Mỹ, Anh hiểu rõ mối đe dọa hiện hữu ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và nỗ lực ngăn chặn các hành động quyết đoán. Họ đang nỗ lực và tôi tin rằng Úc có thể sở hữu tàu ngầm sớm hơn dự kiến.” Ông Dutton cảnh báo hành động bắt nạt của Trung Quốc cùng với hoạt động quân sự hóa gia tăng ở Biển Đông, “Úc thực sự quan ngại hoạt động quân sự hóa 20 điểm đóng quân ở Biển Đông. Có những tín hiệu đáng lo ngại và chúng ta không nên phớt lờ thực tế này.”

Tuyên bố Lãnh đạo AUKUS ngày 5/4 cho hay, “Mỹ - Anh - Úc tái khẳng định cam kết với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở. Ba nước bắt đầu hợp tác về công nghệ siêu âm, năng lực tác chiến điện tử, mở rộng chia sẻ thông tin và tăng cường hợp tác về đổi mới quốc phòng. Khi các hoạt động xây dựng năng lực an ninh và quốc phòng có bước tiến, ba nước tìm cơ hội để các đồng minh và đối tác gần gũi cùng tham gia”.

Về thông tin Trung Quốc hoàn thành việc quân sự hóa ít nhất 3 đảo nhân tạo ở Biển Đông, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng ngày 7/4 nhấn mạnh: “Việc thúc đẩy quân sự hóa trên một số cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền, chấm dứt hành động quân sự hóa, không có hành động gây gia tăng căng thẳng ở khu vực, tiếp tục nỗ lực cùng ASEAN thúc đẩy đàm phán sớm đạt được COC thực chất hiệu quả phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS năm 1982.”

Góc nhìn quốc tế

Trên “Lowy Institute” ngày 1/4, TS. Tara Davenport, Singapore đánh giá để giải quyết vấn đề biển, các nước khu vực đã sử dụng một số phương thức pháp lý như Malaysia - Việt Nam đệ trình thềm lục địa mở rộng lên CLCS năm 2009 và 2019, Philippines tiến hành Vụ kiện năm 2016. Có những đánh giá khác nhau về các hành động này, tuy nhiên không thể phủ nhận giá trị đóng góp đối với ổn định khu vực: (i) một phương thức truyền đạt giúp làm rõ các yêu sách Biển Đông ở mức độ nhất định; (ii) Phán quyết năm 2016 làm sáng tỏ các vấn đề pháp lý quan trọng trước đây chưa chắc chắn; giúp bổ sung các quy tắc của luật pháp quốc tế và có thể được các quốc gia cũng như tòa trọng tài quốc tế dựa vào.

Trên “Independent Australia” ngày 11/4, học giả Alan Austin, Úc đánh giá việc chính phủ Úc cắt giảm viện trợ nước ngoài đang ảnh hưởng hình ảnh trên trường quốc tế và gia tăng các nguy cơ về an ninh khu vực. Phân bổ viện trợ nước ngoài của Úc liên tục giảm từ khi Liên đảng cầm quyền từ năm 2014 dù Úc là nước có tỷ lệ viện trợ trên tổng thu nhập quốc gia thấp nhất trong các nước OECD, ở mức 0,3%. Trong khi đó, Trung Quốc tranh thủ cơ hội mở rộng ảnh hưởng tại các quốc đảo Thái Bình Dương. Việc Bắc Kinh ký thỏa thuận an ninh với Quần đảo Solomon, một láng giềng gần gũi của Úc vào tháng 3/2022 là động thái đáng ngại.

Bản PDF tại đây

Viện Biển Đông – Học viện Ngoại giao

“Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông” được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn