Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Hạm đội 7 hải quân Mỹ ngày 27/8 thông báo khu trục hạm USS Kidd và tàu tuần duyên USCGC Munro "thực hiện di chuyển qua Eo biển Đài Loan" phù hợp với luật pháp quốc tế. Đây là lần thứ 8 tàu chiến Mỹ đi qua Eo biển Đài Loan và lần đầu tiên một tàu tuần duyên thực hiện hoạt động này trong năm 2021.

Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) yêu cầu từ ngày 1/9, các tàu nước ngoài đi vào "lãnh hải" của Trung­ Quốc phải báo cáo thông tin tàu, hàng hóa... Yêu cầu trên áp dụng với các tàu ngầm, tàu chạy năng lượng hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ, tàu chở dầu, hóa chất...Đây là một phần nội dung trong Luật an toàn giao thông hàng hải được Trung Quốc điều chỉnh, thông qua vào tháng 4.

Ngày 31/8, cảnh sát biển Philippines - Mỹ tổ chức diễn tập chung ngoài khơi vịnh Subic. Phó Đô đốc Cảnh sát biển Mỹ Micheal McAllister cho hay hoạt động trên giúp tăng cường năng lực quản trị biển, tìm kiếm cứu nạn, duy trì an ninh, ổn định ở khu vực. Đây là lần thứ hai Cảnh sát biển hai nước diễn tập (lần thứ nhất vào tháng 5/2019).

+ Chính trị - Ngoại giao:

Phát biểu tại cuộc thảo luận trực tuyến ngày 27/8, Phó Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến lược Trung tướng Thomas Bussiere khẳng định Trung Quốc sẽ sớm vượt qua Nga trở thành mối đe dọa hạt nhân hàng đầu của Mỹ trong vài năm tới. Điều này không chỉ bởi quy mô kho đạn hạt nhân mà Trung Quốc đạt bước tiến trong công nghệ triển khai năng lực hạt nhân. Theo ông Bussiere, Trung Quốc đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo nhiều hơn tất cả các nước khác cộng lại trong năm 2020.

Tuyên bố chung cuộc gặp Ủy ban hỗn hợp cấp Bộ trưởng Singapore - Úc ngày 27/8 khẳng định, “Các Bộ trưởng cam kết duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, giải quyết hòa bình tranh chấp, bao gồm tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982; ủng hộ quyền tự do hàng hải và hàng không, và hoạt động thương mại không bị cản trở trên Biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng COC phù hợp với luật pháp quốc tế, không phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia khác”.

Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell ngày 29/8 cho biết đang hoàn tất một báo cáo về quan hệ EU-Trung Quốc, làm cơ sở để EU đánh giá chiến lược với Trung Quốc. Báo cáo sẽ trình lên Hội đồng Châu Âu và Cao ủy Châu Âu vào cuộc họp dự kiến khoảng tháng 9-10/2021.

“Bộ Quốc phòng” Đài Loan ngày 31/8 đệ trình ngân sách 471,7 tỷ Đài tệ (17,05 tỷ USD) cho năm tài khóa 2022, với đề xuất mua sắm khí tài như tên lửa dẫn hướng, máy bay trinh sát, khu trục hạm… Ngoài ra, “Bộ Quốc phòng” Đài Loan có kế hoạch tăng cường huấn luyện cho lực lượng dự bị. Các đợt điều động huấn luyện sẽ diễn ra hàng năm (thay vì 2 năm/lần) và kéo dài 2 tuần (thay vì 5-7 ngày) bắt đầu từ năm 2023. Viện lập pháp Đài Loan sẽ xem xét đề xuất ngân sách trong phiên họp ngày 1/9.

Phát biểu tại Hạ viện ngày 31/8, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin khẳng định Philippines lần đầu tiên trong lịch sử theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập, và quyết không từ bỏ một tấc lãnh thổ ở Biển Đông.

Tại đối thoại liên Bộ Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ - Ấn ngày 1/9, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ely Ratner, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Ervin Massinga và các đại diện Ấn Độ thảo luận một loạt vấn đề an ninh khu vực, hợp tác an ninh biển, chống khủng bố, thúc đẩy triển khai các sáng kiến về chia sẻ thông tin, hậu cần, tăng cường hợp tác đa phương. Hoạt động nhằm chuẩn bị Đối thoại cấp Bộ trưởng “2 + 2” vào tháng tới.

Trong cuộc họp báo ngày 1/9 với Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Tướng Mark Milley, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin khẳng định “Mỹ tiếp tục đối phó với các thách thức an ninh từ Nga, Iran, Triều Tiên và Trung Quốc. Mỹ sẽ nắm bắt các cơ hội mới ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, củng cố quan hệ với các đồng minh, đối tác”. Trước đó ngày 31/8, trong Tuyên bố kỷ niệm 70 năm Hiệp ước An ninh quân sự Úc - New Zealand - Mỹ (ANZUS), Bộ trưởng Lloyd Austin tuyên bố ANZUS là “một liên minh không thể phá vỡ” giúp đảm bảo ổn định và an ninh ở khu vực. Các lợi ích và giá trị chung giữa Mỹ và Úc sẽ thúc đẩy tầm nhìn chung về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Góc nhìn quốc tế

Trên “Nikkei Asia” ngày 23/8, học giả Derek Grossman (Viện RAND) đánh giá một loạt động thái gần đây của Chính quyền Biden cho thấy Mỹ đang điều chỉnh và phát triển chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với 3 đặc điểm: (i) điều chỉnh thông điệp và ưu tiên hợp tác, không chỉ tập trung vào đối tác dân chủ như QUAD mà hợp tác với các nước sẵn sàng đối thoại với Mỹ; (ii) không gây sức ép buộc khu vực lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc như thời Trump, và chuyển chủ đề đối thoại khu vực quan tâm như ứng phó đại dịch, phát triển nguồn nhân lực, đô thị hóa... (iii) đánh tín hiệu với Trung Quốc và khu vực rằng cạnh tranh Mỹ - Trung cần và sẽ được kiểm soát, xoa dịu lo ngại cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực.

Tờ “New York Times” ngày 24/8 đánh giá Mỹ hiện tập trung vào cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc, thay vì “sa lầy” vào những vấn đề không hồi kết như Afghanistan. Chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris là cơ hội củng cố quan hệ kinh tế, an ninh với Singapore và Việt Nam. Đây là một phần quan trọng trong chiến lược Biển Đông, đồng thời là phép thử đối với của Chính quyền Biden trong việc việc trấn an dư luận quốc tế về các cam kết của Mỹ. Chuyến đi cũng nhấn mạnh thành tố kinh tế và đầu tư của Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc gây ảnh hưởng khu vực thông qua các chuyến thăm, khoản vay và viện trợ vắc-xin.

Trên “War on the Rocks” ngày 24/8, học giả Sergey Radchenko (Đại học Johns Hopkins) cho rằng ý tưởng của một số chiến lược gia Mỹ về việc chia rẽ Nga - Trung và sử dụng Nga để chống Trung Quốc là không thực tế bởi: (i) quan hệ Nga - Trung hiện nay không mang tính thứ bậc. Nga không phải là đối tác “yếu thế” như nhiều người lầm tưởng, nên Bắc Kinh không thể áp đặt ý muốn lên Moscow; (ii) hai bên không còn chung ý thức hệ, ngoài tầm nhìn chung về một thế giới không có Mỹ chi phối, và không coi nhau là mối đe dọa đối với ổn định nội bộ; 3) giới lãnh đạo ở Bắc Kinh và Moscow hiểu rằng xích mích Trung - Nga dễ bị bên thứ ba lợi dụng.

Trên “Mailchi”ngày 27/8, cựu Thủ tướng Úc Tony Abbott cho rằng sự thất thủ của Kabul và sự trở lại của Taliban không chỉ là một thảm họa, mà còn đánh dấu bước ngoặt trong chính sách Mỹ. Đây là thời điểm quan trọng Úc cần củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ, hỗ trợ Mỹ đối phó với thách thức ngày càng lớn từ Trung Quốc và Nga, và ngăn Mỹ thoái lui khỏi vai trò lãnh đạo thế giới.

Bình luận của Viện Biển Đông

Ngày 31/8/2021, Cảnh sát biển Philippines - Mỹ tổ chức diễn tập ngoài khơi Vịnh Subic. Hai bên đánh giá cao hoạt động này, giúp tăng cường năng lực chấp pháp trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Philippines và củng cố trật tự luật lệ ở khu vực. Tuy nhiên, hoạt động trên chưa đủ sức mạnh răn đe, ngăn chặn tàu thuyền Trung Quốc xâm nhập vùng biển của Philippines. Trong lúc hai nước diễn tập, tàu khảo sát HD-8 (trước đó là tàu Gia Canh) đi vào sâu EEZ của Philippines (Philippines chưa công khai thông tin và có phản ứng chính thức). Philippines cần hành động nhanh chóng và quyết liệt hơn.

Cục Hải sự Trung Quốc vừa thông báo về Luật An toàn Giao thông Hàng hải sửa đổi, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/9. Luật này thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế, vì điều 54 quy định "các phương tiện tàu ngầm, tàu hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ và tàu chở hóa chất và các chất độc hại khác phải báo cáo thông tin chi tiết khi đến lãnh hải Trung Quốc". Quy định này ẩn chứa những toan tính riêng của Bắc Kinh và trái với quy định của UNCLOS năm 1982. Trên thực tế, UNCLOS trao cho quốc gia ven biển rất ít quyền lực trong việc điều chỉnh việc qua lại không gây hại của tàu thuyền nước ngoài. Ngay cả đối với tàu thuyền chở các hoá chất độc hại, phóng xạ, Công ước chỉ yêu cầu “mang các tài liệu và tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng ngừa được quy định cho riêng loại tàu đấy theo quy định của các thoả thuận quốc tế” (Điều 23, UNCLOS). Đáng chú ý, đối với tàu ngầm, UNCLOS chỉ quy định tàu ngầm “khi thực hiện đi qua không gây hại trong lãnh hại phải thực hiện chế độ nổi”, mà không có các yêu cầu gì khác. Trong khi đó, quy định của Trung Quốc yêu cầu các loại tàu thuyền chở hoá chất, phóng xạ, cả tàu ngầm, phải khai báo thông tin, tuân thủ các quy định của Trung Quốc. Điều này vượt qua thẩm quyền của quốc gia ven biển, đặt thêm gánh nặng cho tàu thuyền nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại.

Bản PDF tại đây

Viện Biển Đông – Học viện Ngoại giao

“Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông” được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn