PDF file


1. Hội thảo về Biển Đông: Một vài nền tảng:

- Đã từng có các xung đột vũ trang giữa Trung Quốc và Việt Nam trước năm 1990

- Có nhiều tranh chấp lãnh thổ song phương, ba bên và đa phương.

- Có sự đổ xô đi tìm kiếm các nguồn tài nguyên, cả tài nguyên sống và các khoáng sản.

- Một vài xung đột và đối đầu trong lịch sử giữa các nước trong khu vực, bao gồm cả giữa Trung và Đông Nam Á.

- Lợi ích của các cường quốc ngoài khu vực ở Biển Đông, đặc biệt trong vấn đề hàng hải và đường hàng không qua vùng biển này.

 

2. Lập trường của Indonesia:

- Indonesia giáp với Biển Đông nhưng không phải là một bên của tranh chấp quần đảo Trường Sa.

- Trong những năm 1980 Indonesia lo sợ rằng Biển Đông có thể trở thành một điểm nóng trong khu vực có thể ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á.

- Vào thời điểm đó ASEAN không có quan điểm gì về Biển Đông. Trên thực tế, có rất nhiều tranh chấp giữa các nước ASEAN với nhau.

- Vào thời điểm đó các nước Đông Dương (Campuchia, Lào và Việt Nam) chưa là thành viên của ASEAN.

 

3. Các sáng kiến không chính thức của Indonesia:

- Thấy được sự khó khăn trong việc thực hiện các sáng kiến chính thức, Tôi đã đi đến 5 nước ASEAN vào thời gian đó để thảo luận xem có thể làm được gì. Tôi thấy rằng:

·  Mọi người đều đặc biệt cho rằng chúng ta nên làm điều gì đó.

·  Có một sự lo sợ rằng các tranh chấp lãnh thổ có thể gây ra những khó khăn lớn cho những nỗ lực hợp tác phát triển.

·  Sẽ là tốt hơn nếu cách tiếp cận là không chính thức, ít nhất là ở giai đoạn đầu tiên.

 

4. Trong nỗ lực quản lý các xung đột tiềm tàng ở Biển Đông, tôi đã đưa ra 3 mục tiêu:

-  Sử dụng các chương trình hợp tác trong đó mọi người đều có thể tham gia, dù cho nó có vẻ bé nhỏ và không quan trọng lúc ban đầu.

-  Thúc đẩy tiến trình xây dựng lòng tin.

-   Khuyến khích đối thoại giữa các bên để tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề.

 

5. Có những nền tảng quan trọng cho việc hợp tác theo UNCLOS 1982, liên quan đến "biển kín và nửa kín" như Biển Đông, đặc biệt trong Điều 122 và 123.

 

6. Điều 122 định nghĩa biển kín và nửa kín là "một vịnh, một lưu vực hay một biển được bao quanh bởi hai hay nhiều quốc gia và thông với một biển hay đại dương khác qua một đường hẹp hay bao gồm toàn bộ hay hầu hết là lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của hai hay nhiều quốc gia ven biển".

 

7. Hơn nữa, Điều 123 quy định rằng "Các quốc gia ven một biển kín hoặc nửa kín nên hợp tác với nhau trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo Công ước này. Để đạt được mục đích này họ sẽ cố gắng, trực tiếp hoặc thông qua một tổ chức khu vực thích hợp":

- Điều phối quản lý, bảo tồn, thăm dò và khảo sát các tài nguyên sống ở biển.

- Điều phối thi hành các quyền và nghĩa vụ tôn trọng việc bảo vệ và bảo tồn môi trường biển.

- Điều phối các chính sách nghiên cứu khoa học và thực hiện ở những nơi nào thích hợp cho các chương trình nghiên cứu khoa học chung trong khu vực.

- Khi thích hợp, mời các nước quan tâm hay các tổ chức quốc tế để hợp tác trong việc xúc tiến các quy định của điều này.

 

8. Tìm kiếm các chương trình hợp tác:

a. Cuộc họp đầu tiên của Hội thảo năm 1990 (ở Bali) có sự tham gia của chỉ 6 nước ASEAN.

b. Tôi đưa ra sáu chủ đề để thảo luận, mỗi chủ đề một nước ASEAN được yêu cầu dẫn dắt:

- Các vấn đề lãnh thổ và chủ quyền: Malaysia

- Các vấn đề chính trị và an ninh: Singapore

- MSP và bảo vệ môi trường: Indonesia

- An toàn hàng hải: Philippines

- Quản lý tài nguyên: Thái Lan

- Các cơ chế hợp tác: Brunei Darussalam.

 

9. Trong các cuộc họp tiếp theo của hội thảo, chúng tôi đã có sự tham gia của Trung Quốc, Đài Loan (Đài Bắc Trung Hoa), Việt Nam, Lào và Campuchia, đặc biệt sau  khi giành được hòa bình ở Campuchia, và các nước Đông Dương gia nhập ASEAN.

 

10. Hội thảo được tiếp tục hàng năm ở Indonesia kể từ năm 1990. Thêm vào đó, hội thảo cũng làm việc thông qua các Nhóm Kỹ thuật (TWG's) khác nhau và Cuộc họp nhóm chuyên gia (GMS) và các Nhóm Nghiên cứu (SG) ở nhiều nơi trên khắp khu vực Biển Đông, được chủ trì bởi các nước tương ứng.


11. Có 5 TWG's, gọi là (1) Nghiên cứu khoa học biển, (2) Đánh giá tài nguyên, (3) Bảo vệ môi trường biển, (4) An toàn hàng hải, Tàu thuyền và Liên lạc và (5) các vấn đề pháp lý.

 

12. Hợp tác về MSR có lẽ là cao nhất, đặc biệt sau cuộc thám hiểm nghiên cứu tính đa dạng sinh học xung quang quần đảo Anambas năm 2002. Trong cuộc thám hiểm này các nhà khoa học từ tất cả các nước thành viên đều tham dự và họ phát hiện ra rất nhiều loài vẫn chưa được biết đến. Chúng tôi hy vọng những cuộc thám hiếm tương tự có thể và sẽ được diễn ra ở các nơi khác trên Biển Đông, đặc biệt ở khu vực Đông Bắc, Tây Bắc và ở Vùng Trung tâm Biển Đông.


13. Giờ đây chúng tôi đang tích cực chuẩn bị và phát triển hợp tác về việc làm thế nào để đối với với việc nước biển dâng như là một hệ lụy của việc biến đổi khí hậu toàn cầu. Đồng thời, tôi cũng hy vọng rằng chúng tôi trong những ngày sắp tới sẽ được chứng kiến việc thi hành các chương trình khác nhau bởi các cơ quan hữu quan mà chúng tôi đã bàn bạc và thống nhất trong suốt những năm qua thông qua TWGs và SGs.

 

14. Trong Hội thảo lần thứ 18 tại Menado tháng 11 năm 2008, Trung Quốc và Đài Bắc Trung Hoa lần đầu tiên đồng ý đệ trình một đề xuất chung trước cuộc họp tiếp theo (tháng 11 năm 2009), kết hợp quan niệm của Trung Quốc về Các khóa học Giáo dục và Đào tạo và Trao đổi về Khoa học và Công nghệ Biển ở Biển Đông và đề xuất của Đài Bắc về "Mạng lưới Giáo dục Đông Nam Á" (SEA-ONE). Đề xuất chung được đệ trình vào Hội thảo lần thứ 19 (2009) ở Makassar năm ngoái, và trở thành một mốc quan trọng trong việc xây dựng hòa bình và hợp tác ở Biển Đông.


15. Hội thảo lần thứ 19 đã thông qua đề xuất chung này, bao gồm 2 phần, cho 2010, được thực hiện ở Đài Bắc, trị giá 115.000 đô la Mỹ, và phần thứ hai được thực hiện ở Trung Quốc vào năm 2011, trị giá 203.000 đô la Mỹ. Chương trình Đài Bắc vừa mới hoàn thành và chúng tôi sẽ nghe báo cáo của Đài Bắc về việc thực hiện chương trình vào Hội thảo lần thứ 20 ở Bandung (tháng 11 năm 2010).

 

16. Tiến trình xây dựng lòng tin:

a. Sau một vài cuộc họp, thảo luận về các vấn đề lãnh thổ và chủ quyền cũng như về các vấn đề chính trị và an ninh đã được ngừng lại, chủ yếu bởi vì các bên không sẵn lòng tiếp tục. Tuy nhiên các cuộc thảo luận đã đem lại sự hiểu biết hơn đối với các vấn đề liên quan.

b. Cuộc thảo luận về xây dựng lòng tin đã đem lại một vài kết quả:

- Không có sự mở rộng quân sự lớn nào trong các khu vực tranh chấp thời gian gần đây.

- Không có sự chiếm đóng các đảo và bãi đá.

- Dường như là các chính quyền liên quan đã phát triển liên lạc và tính minh bạch tốt hơn.

- Phát triển nhiều các quy tắc ứng xử hơn giữa các bên, ví dụ:

· Quy tắc ứng xử Trung Quốc – Philippines (1995)

· Quy tắc ứng xử Việt Nam – Philippines (1997)

· Tuyên bố về các ứng xử ASEAN – Trung Quốc (2002)

 

17. Sự khuyến khích đối thoại giữa các bên đã có kết quả, như:

- Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ Trung Quốc – Việt Nam (2002)

- Một vài sự hợp tác/phát triển chung, như giữa Malaysia với Thái Lan, và Malaysia với Việt Nam; và Trung Quốc và Việt Nam ở Vịnh Bắc Bộ về nghề cá.

-  Hiệp định về phân định thềm lục địa Indonesia – Việt Nam.

-  Phân định lãnh hải ở phía Tây eo biển Singapore giữa Indonesia – Singapore.

 

18. Hội thảo Biển Đông được CIDA tài trợ thông qua Đại học British Columbia ở Vancouver trong 10 năm. Hiện nay Hội thảo vẫn tự thân tiếp tục, được tài trợ bởi hầu hết các thành viên tham gia. Những thành viên nhất định mà không thể tham dự các cuộc họp vì lý do tài chính được hỗ trợ bởi Quỹ đặc biệt được thành lập bởi những người đóng góp tự nguyên từ các thành viên khác.

 

19. Một vài bài học cho ngoại gioa kênh 2/tiến trình không chính thức:

-  Một số điều kiện để thành công:

· Sự công nhận bởi các bên rằng bùng nổ xung đột sẽ không giải quyết được tranh chấp và do đó sẽ không phù hợp với lợi ích của họ.

· Sự  tồn tại của ý chí chính trị nhằm tìm kiếm và giải quyết vấn đề một cách hòa bình.

·   Không kích động dư luận, bởi vì dư luận có thể củng cố lập trường hơn là tạo ra sự thỏa hiệp hay các giải pháp.

·  Cần phải minh bạch chính sách quốc gia và luật pháp.

-  Một vài nguyên tắc cơ bản:

· Sử dụng một cách tiếp cận toàn diện.

· Bắt đầu với những vấn đề ít nhạy cảm hơn.

·  Lôi kéo các quan chức chính phủ nhiều nhất có thể được.

· Tiến trình nên linh động và không cần thiết phải thể chế hóa.

·  Không phóng đại sự khác biệt mà nhấn mạnh đến những điểm đồng.

· Theo cách tiếp cận từng bước một, có lẽ nên bắt đầu với những vấn đề kỹ thuật.

·  Không nên thất vọng nếu chưa có kết quả ngay lập tức.

·  Giữ cho các mục tiêu đơn giản.

· Vai trò của người khởi xướng hay người triệu tập rất quan trọng.

 

20. Tóm lại, sau nhiều năm quản lý các xung đột tiềm tàng ở Biển Đông, ngày nay tinh thần hợp tác đã ngày càng tăng trong khu vực. Không có sự bùng nổ xung đột hay xung đột vũ trang nào kể từ năm 1988. Trên thực tế, quan hệ thân thiện giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á đã phát triển đáng kể. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra các xung đột ở Biển Đông vẫn còn tồn tại trong tương lai nếu các quốc gia liên quan không kiên trì xử lý một cách cẩn thận. Do đó, các nỗ lực không chính thức để quản lý các xung đột tiềm tàng ở Biển Đông vẫn nên được duy trì, trong khi những nỗ lực chính thức bởi các nước có liên quan nhằm giải quyết các vấn đề song phương cũng nên được khuyến khích.

 

21. Năm nay, chúng tôi kỷ niệm 20 năm Hội thảo được tổ chức. Cá nhân tôi rất biết ơn tất cả các đại biểu những người đã cùng nhau hợp tác làm việc trong suốt những năm qua vì lợi ích của tất cả chúng ta, từ đó tạo lập và phát triển một ý thức cộng đồng sâu rộng trong tất cả chúng ta và đã kiên trì phát triển thói quen hợp tác hơn là thói quen đối đầu.


22. Tôi cũng rất vui mừng ghi nhận rằng ngày càng có sự chú ý đối với các sáng kiến không chính thức trong các vấn đề Biển Đông của các trung tâm nghiên cứu trong khu vực như Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Singapore và các nước khác. Hơn nữa, ngày càng nhiều nhóm không chính thức và học thuật trên khắp thế giới cũng quan tâm đến các Hội thảo không chính thức nhằm phát triển các chương trình hợp tác, xây dựng lòng tin cũng như đối thoại giữa các bên, và noi gương trong chính khu vực của mình. Đã có nhiều phát biểu động viên bởi các tổ chức quốc tế và khu vực và của các nhà lãnh đạo chính trị cũng như học thuật liên quan đến Hội thảo. Trên thực tế, vài năm trước, Trung tâm Chính sách và Luật Biển (COLP) của Đại học Virginia đã gửi cho tôi một lá thư, cho biết theo quan điểm của họ Các Hội thảo về Biển Đông nên được trao giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực nhằm quản lý các xung đột tiềm ẩn ở Biển Đông. Chính phủ Indonesia một vài năm trước cũng đã đề xuất với ASEAN Foundation rằng nên trao một giải ASEAN Foundation cho Hội thảo này.Các chính phủ và các tổ chức khác cũng đã đề xuất một vài hỗ trợ cho tiến trình không chính thức này.

 

23. Cuối cùng, đối với tôi dường như ngoại giao kênh 2 hay tiến trình không chính thức, của các nhóm học thuật hay của các quan chức về mặt cá nhân, đều có thể đóng góp quan trọng cho việc quảnlys các xung đột tiềm tàng, và do đó đóng góp vào sự Phát triển Tiến bộ của Hòa bình và Hợp tác ở khu vực.

 

GS. TS. Hasjim Djalal, MA, Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á

Bản quyền thuộc NCBĐ

Tải bản PDF tại đây