PDF file

 

TÓM LƯỢC

Hiện nay, các vấn đề xoay quanh đảo nhân tạo chưa được bàn thảo cụ thể nhiều trong bối cảnh các cuộc tranh chấp lãnh thổ và biển. Ngay cả trong luật quốc tế, khái niệm “đảo nhân tạo” vẫn còn gây nhiều tranh cãi và chưa có bất kỳ định nghĩa nào về đảo nhân tạo được chấp nhận rộng rãi mặc dù hàng loạt các điều khoản trong Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc 1982 có đề cập tới khái niệm này. Với sự phát triển của khoa học công nghệ và các quốc gia dân tộc ngày càng nỗ lực chiếm giữ nhiều không gian từ đại dương hơn, thì vấn đề đảo nhân tạo càng trở nên nổi bật. Bài tham luận này sẽ thảo luận về vấn đề này từ góc độ luật pháp quốc tế, đặc biệt liên hệ với quần đảo Trường Sa và nhằm khơi dậy các cuộc tranh luận thêm về vấn đề này trong tương lai.

 

GIỚI THIỆU

Rất khó để có câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi đảo nhân tạo có tác động tới tranh chấp ở quần đảo Trường Sa như thế nào và ở mức độ nào. Cũng có thể có những hoài nghi là liệu đảo nhân tạo có thật sự tồn tại ở Biển Đông hay không. Nếu có, những đảo nhân tạo này là gì? Bài tham luận này cố gắng thảo luận về đảo nhân tạo từ khía cạnh luật pháp quốc tế. Mặc dù thuật ngữ đảo nhân tạo có thể bao gồm cả các cấu trúc và thiết lập nhân tạo như dàn khoan dầu hay cơ sở nuôi trồng thủy sản (ví dụ như các dàn khoan đã cũ hay không còn được sử dụng nữa đôi khi có thể được dùng như các rạn nhân tạo để nuôi trồng thủy sản)[1] nhưng bài tham luận này chủ yếu chỉ đề cập tới mỗi đảo nhân tạo mà thôi.

 

Có rất ít văn bản trong luật quốc tế giải thích rõ về đảo nhân tạo. Dường như vấn đề liên quan tới đảo nhân tạo đã bị lãng quên khi Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 (UNCLOS) được thông qua. Nếu chúng ta nhớ lại, thì trong những năm 1970 và 1980, đã có những bài báo và sách viết về lĩnh vực này[2], thậm chí trong Hội nghị lần thứ ba của Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS III), một số quốc gia cũng đã đệ trình đề xuất liên quan tới đảo nhân tạo[3]. Trong những năm gần đây, vấn đề đảo nhân tạo dường như đang nóng trở lại, đặc biệt trong bối cảnh của khu vực Đông Á. Với những tiến bộ của loài người, sự phát triển của khoa học công nghệ, áp lực từ việc gia tăng dân số chưa từng có và ngày càng nhiều hoạt động tăng cường của con người ở biển, thì vấn đề đảo nhân tạo dường như trở nên càng quan trọng hơn. Việc xây dựng các đảo nhân tạo liên quan tới chủ quyền quốc gia, quyền tài phán biển, phân định biên giới biển, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên biển mà nếu không được giải quyết đúng cách, có thể trở thành một điểm nóng mới trong tranh chấp và xung đột quốc tế.

 

ĐẢO NHÂN TẠO TRONG LUẬT QUỐC TẾ

Trong khi đảo nhân tạo rõ ràng do con người tạo nên, nhưng trong lịch sử của luật pháp quốc tế, thuật ngữ cũng như quy chế pháp lý của nó chưa bao giờ được xác định rõ ràng, đôi khi được coi là đảo tự nhiên hoặc đôi khi lại là tàu. Ví dụ, theo Gidel, đảo nhân tạo có thể được coi là đảo tự nhiên miễn là chúng thỏa mãn các điều kiện sau: bao quanh là nước, vĩnh viễn nổi trên bề mặt biển khi thủy triều lên và các điều kiện tự nhiên để xây dựng đảo có thể cho phép con người sinh sống. Ngoài ra, đảo nhân tạo còn phải là các đảo được hình thành theo công thức tự nhiên như các lớp bồi tích với sự trợ giúp của con người[4]. Cách nhìn nhận đảo nhân tạo như các con tàu có thể bắt nguồn từ một báo cáo của Hội đồng Hội Quốc Liên năm 1927, trong đó nói rằng những đảo được con người tạo ra và neo đậu tại đáy biển mà không cần kết nối cố định với đáy biển, nhưng được sử dụng như là một cơ sở thiết lập ổn định cho doanh nghiệp để phát triển giao thông vận tải… thì loại đảo hư cấu này phải được xem như là tàu đang đi trên biển[5].

 

Chúng ta phải thừa nhận rằng đảo nhân tạo cũng có một số đặc điểm của cả tàu và đảo tự nhiên, nhưng việc phân loại đảo nhân tạo là tàu hay đảo tự nhiên cũng đều là không hợp lý. Nếu chúng ta xem xét lại định nghĩa về tàu và đảo tự nhiên, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy sự khác biệt giữa chúng và đảo nhân tạo.

 

Như đã biết, UNCLOS không hề có định nghĩ về “tàu”. Nếu chúng ta nhớ lại, trong những năm 1950, ông Francois- báo cáo viên đặc biệt đã dự thảo một định nghĩa về “tàu”, là “một thiết bị có khả năng vượt biển nhưng không phải là trên không với các trang thiết bị và thuyền viên phù hợp với mục đích mà nó được sử dụng” tại Ủy ban Luật pháp Quốc tế trong thời gian đàm phán các Công ước Geneva về luật biển[6]. Tuy nhiên, dự thảo định nghĩa này cuối cùng đã bị Ủy ban Luật pháp Quốc tế xóa bỏ vào năm 1955. Công ước Luật Biển về sau cũng theo thông lệ này và chỉ định nghĩa thuật ngữ “tàu chiến”[7]. Tuy vậy, một số điều ước quốc tế khác cũng đã định nghĩa về “tàu”. Ví dụ, Công ước Quốc tế về Ngăn ngừa ô nhiễm từ các con tàu năm 1973 đã định nghĩa “tàu” là “bất kỳ loại phương tiện nào hoạt động trong môi trường biển, bao gồm tàu cánh ngầm, các phương tiện hơi đệm, tàu ngầm, tàu nổi và các nền tảng cố định hoặc thả nổi khác”[8] Như chúng ta có thể thấy, định nghĩa này bao gồm các nền tảng cố định hoặc thả nổi mà cũng có thể được xếp loại là đảo nhân tạo.

 

Một định nghĩa khác liên quan tới đến đảo nhân tạo là định nghĩa về “đảo”. Theo Công ước Luật Biển, “đảo” “là một mảnh đất được hình thành tự nhiên, bao quanh là nước và nổi trên mặt nước khi thủy triều lên”.[9] Định nghĩa này bao gồm một số yếu tố quan trọng: một mảnh đất, hình thành tự nhiên, bao quanh là nước và nổi trên mặt biển khi thủy triều lên. Tuy nhiên, Công ước này không giải thích rõ một mảnh đất bao quanh là nước và nổi trên mặt nước khi thủy triều lên ở mức độ nào có thể được coi là đảo. Trong thực tiễn Nhà nước, một số quốc gia sử dụng thuật ngữ “đảo” với ý nghĩa rất rộng. Ví dụ như Nhật Bản gọi “Okinotori” là “shima” (nghĩa là đảo trong tiếng Nhật) và Trung Quốc dùng từ “qundao” (nghĩa là quần đảo hoặc nhóm đảo trong tiếng Trung Quốc) để đặt tên cho tất cả các điểm đảo, thậm chí kể cả một số điểm ở dưới nước vĩnh viễn, chẳng hạn như Bãi ngầm Macclesfield ở Biển Đông. Mặc dù định nghĩa “đảo” trong Công ước Luật Biển vẫn để ngỏ cho các cuộc bàn thảo và tranh luận thêm, nhưng nó vẫn được cộng đồng quốc tế chấp nhận rộng rãi.

 

Sau khi xem xét các các khía cạnh về mặt định nghĩa của “tàu” và “đảo”, chúng ta sẽ chuyển sang xem xét bản chất pháp lý của đảo nhân tạo. Vì Công ước Luật Biển không định nghĩa về đảo nhân tạo nên giới học giả ngành luật pháp quốc tế đã cố gắng định nghĩa “đảo nhân tạo”. Bách khoa toàn thư Công pháp quốc tế đã định nghĩa đảo nhân tạo là một nền tảng cố định vĩnh viễn hoặc tạm thời do con người tạo nên, bao quanh là nước và nổi trên mặt nước trên khi thủy triều lên[10]. Theo Soons, đảo nhân tạo là những cấu trúc được tạo ra bằng cách đặt/đổ lên các vật chất tự nhiên như sỏi, cát và đá; trong khi đó các công trình lắp đặt nhân tạo lại là những cấu trúc bê tông cố định gắn với đáy biển bằng ống dẫn và các cọc[11]. Hai định nghĩa học thuật này có một số ý nghĩa pháp lý, nhưng không thể bao trùm hết tất cả các loại đảo nhân tạo và công trình lắp đặt nhân tạo. Theo tính toán của Papadakis, có rất nhiều loại đảo nhân tạo như (1) thành phố trên biển (cố định hoặc nổi), (2) đảo nhân tạo phục vụ phát triển kinh tế, chẳng hạn như đối với việc thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên, đảo nhân tạo công nghiệp, đảo nhân tạo phục vụ đánh bắt cá, các công trình xây lắp nhân tạo để phát triển các nguồn lực phi tự nhiên như cứu hộ hoặc khảo cổ học, nhà máy điện; (3) các công trình nhân tạo phục vụ giao thông vận tải, chẳng hạn như bến tàu nổi, nhà kho, sân bay nổi; (4) các công trình phục vụ nghiên cứu khoa học và dự báo thời tiết; (5) các công trình phục vụ giải trí; và (6) các căn cứ quân sự[12]. Nếu nhìn vào từng phân loại một, chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng tình trạng pháp lý của chúng khác nhau. Đây là một trong những lý do tại sao không có một định nghĩa nào về đảo nhân tạo trong Công ước Luật Biển và do đóCông ước đã đơn giản là né tránh những phức tạp nảy sinh từ vấn đề định nghĩa đảo nhân tạo. Nhưng mặt khác, những kẽ hở còn lại trong Công ước Luật Biển vẫn làm phức tạp vấn đề liên quan đến quy chế pháp lý của đảo nhân tạo.

 

Mặc dù Công ước Luật Biển không có một định nghĩa nào về đảo nhân tạo, nhưng lại có hàng loạt các điều khoản áp dụng cho đảo nhân tạo. Thứ nhất, Công ước Luật Biển cho phép các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia ven biển, được quyền xây dựng đảo nhân tạo và quyền tài phán đối với các đảo này. Rõ ràng các quốc gia ven biển có quyền xây dựng các đảo và các thiết lập nhân tạo trong vùng lãnh hải của mình. Trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), một quốc gia ven biển có “độc quyền xây dựng và cho phép cũng như quy định việc xây dựng, vận hành và sử dụng: (a) đảo nhân tạo; (b) các thiết lập và cấu trúc phục vụ các mục đích quy định tại Điều 56 và các mục đích kinh tế khác; (c) các thiết lập và cấu trúc có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện các quyền của quốc gia ven biển đó trong khu vực”[13]. Trong khi quốc gia ven biển được hưởng quyền tài phán hoàn toàn đối với đảo, các thiết lập và cấu trúc nhân tạo, bao gồm cả thẩm quyền về hải quan, tài chính, y tế, an toàn và các quy định và luật về di trú[14] thì nước này cũng cần đưa ra thông báo hợp lý về việc xây dựng đảo nhân tạo này cũng như duy trì phương tiện trong dài hạn để cảnh báo về sự hiện diện của các đảo này. Hơn nữa, “nếu cần thiết, các quốc gia ven biển có thể thiết lập vùng an toàn thích hợp xung quanh các đảo, thiết lập và cấu trúc nhân tạo mà trong đó, có thể thực hiện các biện pháp thích hợp để đảm bảo an toàn cho cả hàng hải lẫn các đảo, các thiết lập và cấu trúc nhân tạo”[15]. Các quốc gia ven biển có quyền thành lập một vùng an toàn xung quanh đảo nhân tạo và xác định phạm vi của khu vực đó, có tính đến các tiêu chuẩn quốc tế liên quan[16]. Những điều khoản này cũng áp dụng đối với đảo nhân tạo xây dựng trên thềm lục địa[17]. Ngoài ra, các quốc gia dân tộc còn được hưởng quyền xây dựng đảo nhân tạo ở đại dương như là một trong những quyền tự do ở đại dương (Điều 87, Công ước Luật Biển).

 

Thứ hai, Công ước Luật Biển ở một chừng mực nào đó đã xác định tình trạng pháp lý của đảo nhân tạo. Định nghĩa của Công ước về đảo rõ ràng loại trừ bất kỳ đảo nhân tạo nào. Điều 60 quy định rằng “các đảo, thiết lập và cấu trúc nhân tạo không có tư cách của đảo. Chúng không có lãnh hải riêng và sự hiện diện của chúng không ảnh hưởng đến việc phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”[18]. Trong khi đảo nhân tạo không tạo ra bất kỳ vùng biển nào, thì các quốc gia ven biển lại được phép thiết lập vùng an toàn xung quanh chúng. Nhưng khu vực an toàn xung quanh đảo nhân tạo không được vượt qua khoảng cách 500 mét, “tính từ mỗi điểm của rìa ngoài của chúng, trừ khi các điểm đó được công nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế hoặc theo khuyến cáo của các tổ chức quốc tế có thẩm quyền”[19].

 

Thứ ba, việc xây dựng đảo nhân tạo có một số tác động đối với việc phân định biên giới biển. Đối với việc phân định lãnh hải, “công trình cảng bền vững ở xa nhất mà tạo nên một phần không thể tách rời của hệ thống cảng biển được coi như là một phần cấu thành bờ biển”, nhưng những thiết lập xa bờ và các đảo nhân tạo không nên được coi là “công trình cảng bền vững”[20]. Đây là điều khoản giới hạn tác động của đảo nhân tạo đối với việc phân định lãnh hải. Tuy nhiên, mặt khác, liên quan đến việc sử dụng các đường cơ sở thẳng, Công ước Luật Biển lại quy định rằng “Đường cơ sở thẳng không được kéo đến hoặc kéo từ mực nước khi thủy triều hạ xuống trừ khi các ngọn hải đăng hoặc các thiết lập tương tự luôn luôn ở trên mực nước biển đã được xây dựng bên trên chúng hoặc ngoại trừ trường hợp đường cơ sở thẳng được kéo đến hoặc từ điểm và từ mực nước như vậy đã được quốc tế công nhận”[21]. Quy định này chỉ ra rằng đảo nhân tạo và các thiết lập có thể đóng một số vai trò trong phân định lãnh hải. Tất nhiên, liên quan đến việc phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, trừ một số vai trò trong việc xác định đường cơ sở thẳng mà căn cứ vào đó để đo đạc vùng lãnh hải như đã đề cập ở trên thì đảo nhân tạo, về nguyên tắc, không có bất kỳ vai trò gì vì chúng không có các quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế và/hoặc thềm lục địa như đã quy định trong Công ước Luật Biển

 

Trong luật nội địa tương ứng, các quốc gia ven biển đã sử dụng các điều khoản liên quan của Công ước Luật Biển để thực hiện các quyền điều ước của mình. Trong số tất cả các tuyên bố chủ quyền trên các quần đảo ở Biển Đông, luật của Trung Quốc về EEZ và thềm lục địa ban hành năm 1998 đã nhắc lại quyền và quyền tài phán của Trung Quốc đối với EEZ và thềm lục địa của nước này liên quan đến việc thành lập và sử dụng các đảo, thiết lập và cấu trúc nhân tạo[22]. Phi-líp-pin cũng có một điều khoản tương tự rằng nước này có thể thực thi “độc quyền và quyền tài phán đối với việc thành lập và sử dụng các đảo nhân tạo, các sân bay, thiết lập và cấu trúc ngoài khơi”[23].

 

Nếu so sánh, ta có thể thấy luật tương ứng của Ma-lay-xi-a chi tiết hơn, có một phần và một số điều khoản bao gồm:

“(1) Không ai được xây dựng, vận hành hoặc sử dụng những đảo, thiết lập, cấu trúc nhân tạo trong vùng đặc quyền kinh tế hay trên thềm lục địa, trừ khi được Chính phủ cho phép và phải tuân thủ với những điều kiện có thể áp đặt.

(2) Chính phủ có quyền tài phán hoàn toàn đối với các đảo, thiết lập và cấu trúc nhân tạo trong vùng đặc quyền kinh tế và trên thềm lục địa, bao gồm cả quyền tài phán với hải quan, tài chính, y tế, an toàn và luật di trú.

(3) Nếu cần thiết, Chính phủ có thể thiết lập vùng an toàn thích hợp xung quanh các đảo, thiết lập và cấu trúc nhân tạo trong đó có áp dụng biện pháp đảm bảo an toàn phù hợp cho cả hàng hải và các đảo, thiết lập và cấu trúc nhân tạo.

(4) Chính phủ xác định phạm vi của vùng an toàn, có tính đến cả yếu tố hàng hải và các đảo, công trình và cấu trúc nhân tạo theo tiêu chuẩn quốc tế liên quan. Thông báo về giới hạn phạm vi của vùng an toàn sẽ được đưa ra kịp thời.

(5) Mọi phương tiện phải tôn trọng các khu vực an toàn và tuân thủ theo bất kỳ chỉ dẫn của Chính phủ đưa ra theo tiêu chuẩn quốc tế được chấp nhận rộng rãi về việc đi lại tại các vùng lân cận của các đảo, thiết lập, cấu trúc nhân tạo và các vùng an toàn”[24].

 

Từ những bộ luật nội địa này, chúng ta có thể thấy rằng các quốc gia sẽ thực thi các quyền và quyền tài phán của mình liên quan đến việc xây dựng và quản lý đảo, các thiết lập và cấu trúc nhân tạo. Cũng cần lưu ý rằng những luật này được giới hạn trong việc thực hiện các quy định liên quan của Công ước Luật biển về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Luật Lãnh hải và các vùng tiếp giáp của Trung Quốc năm 1992 không đề cập tới quyền xây dựng đảo nhân tạo trên lãnh hải vì có thể họ nghĩ rằng đó là một quyền hiển nhiên vì họ có chủ quyền hoàn toàn đối với vùng lãnh hải của mình  (ngoại trừ qua lại vô hại).

 

QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA

Thuật ngữ “đảo” có thể là một nhầm lẫn khi đề cập đến tất cả các điểm đảo tự nhiên trong vùng Biển Đông bao gồm cả khu vực Trường Sa. Về mặt địa lý, có hàng trăm điểm đảo tự nhiên trong vùng Biển Đông bao gồm cả quần đảo/ đảo nhỏ, đảo san hô, rạn san hô và các bãi ngầm. Theo Trung Quốc, Quần đảo Trường Sa bao gồm 14 đảo/ đảo nhỏ, 6 bãi ngầm, 113 rạn san hô ngập nước, 35 bãi ngầm dưới nước và 21 bãi cát ngầm ngạp nước[25]. Theo một nguồn tham khảo của phương Tây, có khoảng 170 điểm đảo trong vùng Biển Đông, trong đó chỉ khoảng 36 đảo nhỏ nổi được trên mặt nước khi thủy triều lên[26]. Hai con số trên cho thấy các điểm tự nhiên bị ngập dưới nước nhiều hơn so với những điểm nổi trên nước. Đây là một đặc điểm địa lý đặc biệt của Biển Đông, quyết định tầm quan trọng của các đảo và thiết lập nhân tạo của Quần đảo Trường Sa về khía cạnh chính trị, kinh tế và chiến lược.

 

Nói chung hiện tại có ba loại đảo và các thiết lập nhân tạo ở trong và xung quanh Quần đảo Trường Sa và các vùng lân cận. Thứ nhất là các thiết lập nhân tạo nổi tạm thời, như dàn khoan dầu. Một khi chúng không còn hoạt động nữa, các dàn khoan này sẽ được tháo dỡ và loại bỏ. Thứ hai là các thiết lập và cấu trúc nhân tạo gắn kết tạm thời hoặc vĩnh viễn với đảo tự nhiên, như đường băng. Độc đáo nhất có thể là loại cuối cùng, là các đảo nhân tạo được xây dựng trên các loại đá tự nhiên và các rạn san hô vĩnh cửu. Trung Quốc đã chiếm đóng một số rạn san hô ở Trường Sa từ năm 1988, vì mục đích đóng căn cứ quân sự hoặc các mục đích khác, nước này đã xây dựng các cấu trúc nhân tạo trên các rạn san hô (Johnson South/Rạn san hô Chigua, Subi/Rạn san hô Zhubi, Gaven/Rạn san hô Nanxun, Cuarteron/Rạn san hô Huayang, Hughez/Rạn san hô Dongmen và Mischief/Rạn san hô Meiji). Một số trong số này sau đó đã được mở rộng để trở thành giống như các đảo nhân tạo, chẳng hạn như một thiết lập trên Fiery Cross/Rạn san hô Yongshu. Rạn san hô Swallow (tiếng Ma-lay-xi-a: Terumbu Layang Layang) bị Ma-lay-xi-a chiếm đóng đã được ồ ạt khai hoang và bây giờ có một cảng cá, một khu lặn nghỉ dưỡng gồm 15 phòng và một đường băng 1,5 km. Về mặt này, phải thừa nhận rằng đối với rất nhiều đảo, do có các thiết lập nhân tạo, nên “rất khó để phân biệt cái nào là điểm tự nhiên và cái nào là do con người tạo ra”[27]. Trong khi sẽ là an toàn để nói rằng các điều khoản liên quan của Công ước Luật Biển có thể áp dụng đối với hai loại đầu tiên, thì tình trạng pháp lý của loại thứ ba lại đặc biệt và khó xác định theo Công ước Luật Biển và ngay cả theo luật pháp quốc tế nói chung. Nếu định nghĩa đây là một điểm tự nhiên, thì nó lại xen lẫn với các thiết lập và cấu trúc nhân tạo; nếu định nghĩa đây là một đảo nhân tạo thì nó lại không được con người gắn kết cố định với đáy biển mà lại được hỗ trợ bởi một nền tự nhiên như một rạn san hô dù ở trên mặt nước hay không khi thủy triều lên. Rõ ràng là không có điều khoản nào trong luật pháp quốc tế điều chỉnh hình thứ kết hợp giữa tự nhiên và nhân tạo như thế. Công ước về Thềm lục địa 1958 có điều khoản chỉ liên quan đến việc xây dựng đảo nhân tạo trên thềm lục địa vì nó quy định rằng các quốc gia ven biển được quyền xây dựng và duy trì hoặc hoạt động trên các thiết lập trên thềm lục địa và các thiết bị khác cần thiết cho việc thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên, nhưng những thiết lập nhân tạo và thiết bị như vậy không có địa vị của đảo[28]. Do chúng ta không thể tìm thấy bất kỳ nguồn tham khảo nào trong luật pháp quốc tế liên quan đến những kết hợp giữa nhân tạo và tự nhiên, nên chúng ta có thể bàn kỹ hơn vấn đề này qua xem xét một số thực tiễn nhà nước hiện nay.

 

MỘT NHÓM ĐẢO ĐẶC THÙ?

Một câu hỏi tự nhiên nảy sinh: liệu những đảo nhân tạo với nền tảng tự nhiên có được coi là một nhóm đảo đặc thù (sui genesis) hay không? Đảo nhân tạo có thể được xây dựng dưới đáy biển, trên thềm lục địa, trên đá hoặc rạn san hô. Liệu chúng có thể được xem như nhau về mặt pháp lý không? Câu hỏi này dường như không dễ trả lời.

 

Trong thực tiễn Nhà nước, đã có một vài ví dụ về việc xây dựng đảo hoặc cấu trúc nhân tạo từ đá tự nhiên và san hô. Trong đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, Tonga đã dùng xi măng để nâng cao hai bãi cạn, từ đó mở rộng các vùng biển thuộc quyền tài phán của mình[29]. Ví dụ gần đây hơn là đảo san hô Okinororishima của Nhật Bản (còn có tên Rạn san hô Douglas). là một điểm đảo, nó nằm ở 20025’ Bắc136005’ Đông, cực nam lãnh thổ Nhật Bản. Do bị nước biển làm xói mòn, bề mặt của rạn san hô này trên mặt nước khi thủy triều lên đã dần dần bị rút xuống và hạ thấp đi. Khi triều lên, chỉ có thể nhìn thấy 16 cm của hòn Bắc (Kitakojima) và 6 cm của hòn Đông (Higashikojima) – hai bãi đá của rạn san hô này – nổi trên mặt nước[30]. Dưới các tác động của tự nhiên, rạn san hô này sẽ bị nước biển nuốt hoàn toàn. Kể từ năm 1987, Nhật Bản đã bắt đầu đầu tư một khoản tiền lớn (khoảng 300 triệu USD[31]) để củng cố và bồi đắp các rạn san hô nhằm sử dụng các rạn san hô làm cơ sở để đòi hỏi thêm các vùng nước chủ quyền. Nước này đã xây dựng một bức tường xung quanh và bao bọc rạn san hô như một hầm mộ để bảo vệ chúng không biến mất dưới tác động của tự nhiên[32]. Theo dự đoán, “Nhật Bản rất có thể sẽ nghiêm túc nỗ lực xây dựng Okinororishima thành một đảo nhân tạo lớn”[33]. Theo báo cáo, nếu thành công, Nhật Bản có thể đòi hỏi có một vùng đặc khu kinh tế rộng khoảng 400.000 km2 và thềm lục địa rộng khoảng 740.000 km2 xung quanh rạn san hô này[34].

 

Có thể thấy rõ rằng việc củng cố và bồi đắp các loại đá được hình thành tự nhiên hoặc các rạn san hô trong khu vực Quần đảo Trường Sa là có lợi cho lợi ích và quyền tài phán của nước đòi hỏi chủ quyền hiện đang kiểm soát các bãi đá hoặc rạn san hô tại đây. Điều này dễ gây ra một số tranh cãi về mặt lý thuyết, nhưng do không có quy định nào trong luật pháp quốc tế cấm các công trình nhân tạo nên điều này không hề vi phạm luật pháp quốc tế hiện nay kể cả Công ước Luật Biển.

 

Mặt khác, với sự phát triển của khoa học công nghệ, đảo nhân tạo có thể có các điều kiện sống thuận lợi hơn cho con người, do đó điều này sẽ thay đổi địa vị pháp lý của các đảo trong tương lai. Như chúng ta đã biết, trong các tài liệu cũ, đảo nhân tạo được coi là một đảo hợp pháp[35] và định nghĩa đầu tiên về “đảo” cũng bao gồm cả đảo nhân tạo. Có thể tìm thấy điều này trong Đạo luật cuối cùng của Hội nghị Pháp điển hóa của Hội Quốc Liên năm 1930, trong đó đảo được định nghĩa là “một vùng đất thường xuyên nằm cao hơn mực nước cao”[36] nhưng không thấy đề cập đến việc có được hình thành tự nhiên hay không. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau đó, đảo nhân tạo đã bị loại trừ khỏi định nghĩa “đảo” khi từ khóa “hình thành tự nhiên” được bổ sung thêm[37]. Sau khi cân nhắc các yếu tố lịch sử, một câu hỏi được đặt ra là liệu có thể tái định nghĩa về “đảo” để bao hàm cả đảo nhân tạo, đặc biệt là những đảo mà phần nhân tạo đã gắn kết chặt chẽ với phần tự nhiên.

 

Cũng cần lưu ý rằng ngay từ năm 2001 khi Tòa án Quốc tế (ICJ) xét xử Vụ việc về Phân định biển và các vấn đề lãnh thổ giữa Qatar và Bahrain (Qatar v. Bahrain), Shigeru Oda, cựu thẩm phán quốc tịch Nhật Bản bày tỏ quan ngại về sự phát triển trong tương lai có liên quan với vấn đề đảo nhân tạo: “nhờ có công nghệ hiện đại, việc phát triển các đảo nhỏ và bãi cạn sẽ có thể làm nền móng cho các công trình như các điểm giải trí hay cơ sở công nghiệp. Mặc dù Công ước Luật Biển 1982 có một số điều khoản liên quan (ví dụ Điều 60 và 80), tôi phải cân nhắc xem loại công trình này có được luật pháp quốc tế cho phép hay không, và nếu được, thì cấu trúc như vậy sẽ có tình trạng pháp lý nào. Đây thực sự là vấn đề đáng để thảo luận trong tương lai”[38]. Những gì Oda quan tâm đến trong một thập kỷ trước đã trở thành vấn đề cộng đồng quốc tế thực sự phải đối mặt hiện nay.

 

Tuy nhiên, trước khi các quy tắc quốc tế liên quan phát triển hơn trong tương lai, chúng ta phải tiếp tục cuộc thảo luận sau đây trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế hiện hành. Dưới đây là một số điều cần cân nhắc để thảo luận thêm.

 

Đầu tiên là việc áp dụng nguyên tắc hay tiêu chí về tính hợp lý. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, một số học giả nổi tiếng về luật biển của Mỹ đã chỉ ra rằng “tiêu chí chính để thẩm định tính hợp lý của một yêu sách phân định lãnh hải hoặc một vùng nội thủy từ một vùng đất nhân tạo có nước bao quanh là liệu nó có được xây dựng để sử dụng trong thực tế hay chỉ là một cố gắng ngụy tạo để mở rộng lãnh hải hoặc vùng nội thủy mà không có liên quan đến các lợi ích khác của vùng đất đó”[39]. Họ cũng tiếp tục chỉ ra rằng, “việc cho phép một quốc gia mở rộng lãnh hải hoặc thiết lập các vùng nội thủy mới chỉ đơn giản bằng cách đổ đá xuống biển tới một mức nhất định để đảm bảo các công trình nhân tạo luôn nổi trên mặt nước, rõ ràng là điều không hề được mong muốn”.[40] Mục đích của các nước đòi hỏi chủ quyền khi xây dựng đảo nhân tạo ở khu vực Quần đảo Trường Sa là rất rõ ràng, như là để duy trì và củng cố tuyên bố về lãnh thổ và biển ở Biển Đông. Một số công trình nhân tạo được xây dựng đơn thuần vì mục đích kinh tế (ví dụ du lịch) và khoa học (quan sát khí tượng) lại bị các nước có liên quan cáo buộc. Liệu các mục đích bị cáo buộc này có phải là ngụy trang cho mục đích thực sự ở trên? Và liệu những mục đích thực sự ấy thuận theo hay chống lại tính hợp lý?

 

Cân nhắc thứ hai về việc xây dựng đảo nhân tạo nằm ở việc áp dụng nguyên tắc “tôn trọng hợp lý”. Việc hưởng quyền xây dựng đảo nhân tạo của một số quốc gia không nên ảnh hưởng bất hợp lý đến quyền và lợi ích của các quốc gia khác cũng như cả cộng đồng quốc tế. Nguyên tắc này được thể hiện rõ trong các điều khoản liên quan của Công ước Luật Biển, nó chỉ ra rằng khi một quốc gia ven biển thiết lập vùng an toàn xung quanh đảo nhân tạo, cần đảm bảo rằng khu vực này liên quan một cách hợp lý đến bản chất và chức năng của hòn đảo nhân tạo ấy, và cũng cần phải đưa ra thông báo về phạm vi của vùng an toàn. Hơn nữa, “đảo, các thiết lập và cấu trúc nhân tạo cùng với các vùng an toàn bao quanh chúng có thể không được thiết lập nếu chúng ảnh hưởng đến việc sử dụng các tuyến đường biển đã được công nhận thiết yếu đối với đường biển quốc tế”.[41] Nguyên tắc “tôn trọng hợp lý” cũng được phản ánh trong các điều khoản của Công ước Luật Biển về thực thi các quyền tự do trên biển (Điều 87).

 

Một điều đáng quan tâm khác là liệu có nghĩa vụ phải thông báo và tham vấn về việc xây dựng đảo nhân tạo và các thiết lập ở biển Đông hay không. Ví dụ như trong Công ước về Luật Sử dụng các kênh rạch nhân tạo quốc tế cho mục đích phi hàng hải năm 1977 cũng đã phản ánh nhiệm vụ này[42]. Công ước đã đặt ra cho các nước có các kênh rạch nghĩa vụ phải thông báo về bất kỳ kế hoạch hành động nào mà có thể ảnh hưởng đến môi trường của các kênh rạch quốc tế. Việc tham vấn và đàm phán sẽ được tiến hành nếu có bất đồng với các quốc gia này. Trên thực tế, nghĩa vụ thông báo và tham vấn này liên quan đến các quy định về kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường. Các nước có kênh rạch cũng được yêu cầu phải có biện pháp cá nhân hay tập thể để ngăn ngừa hoặc giảm nhẹ những yếu tố liên quan đến một con kênh quốc tế mà có thể gây hại cho các nước có kênh rạch khác[43]. Có lẽ nhiệm vụ này nên được áp dụng cho việc xây dựng đảo nhân tạo ở biển Đông, bởi rất cần thiết phải tham khảo ý kiến các bên có liên quan trước khi xây dựng, ngay cả trong lãnh hải[44]. Các quốc gia có liên quan có thể dựa vào bản Tuyên bố về Cách ứng xử trên Biển Đông (DOC) năm 2002 để tạo ra một cơ chế thông báo và tham vấn. Theo như báo cáo, các nước ASEAN và Trung Quốc mới đây đã đồng ý nối lại các cuộc đối thoại về việc thực hiện có hiệu quả DOC và tăng cường hợp tác hướng tới việc thông qua một bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)[45]. Nghĩa vụ thông báo và tham vấn đối với việc xây dựng đảo nhân tạo và các kiến thiết ở biển Đông nên được đưa vào chương trình đối thoại này.

 

Cuối cùng, vấn đề đảo nhân tạo có liên quan đến việc áp dụng Điều 121 (3) của Công ước Luật Biển rằng “Ở những bãi đá mà ở đó con người không thể duy trì sự sống của con người hay đời sống kinh tế của chúng thì sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa”[46]. Hiện trạng xây dựng nhân tạo ở biển Đông hay nơi khác bị ảnh hưởng bởi điều khoản này từ khi các quốc gia, để mở rộng không gian hàng hải của mình, đã tiến hành mọi nỗ lực để chuyển các “bãi đá” thành “đảo” có thể đáp ứng các điều kiện duy trì môi trường sống của con người hay đời sống kinh tế của chúng. Đảo san hô Okinotorishima là một ví dụ điển hình. Câu hỏi được đặt ra là liệu công trình xây dựng nhân tạo như vậy trên rạn san hô có thay đổi tình trạng pháp lý của rạn san hô đó hay không. Trung Quốc bày tỏ rằng việc xây dựng các cơ sở nhân tạo trên rạn san hô “sẽ không thay đổi tình trạng pháp lý của nó”[47]. Tuy nhiên, đây chỉ là quan điểm pháp lý của Trung Quốc về Okinotorishima và trái với ý định thực sự của Nhật Bản. Tất cả những gì Nhật Bản đã, đang và sẽ làm là để các rạn san hô đáp ứng các điều kiện tại Điều 121 (3) của Công ước Luật Biển, giúp nước này không chỉ đòi được lãnh hải mà còn cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa từ các rạn san hô đó. Do đó, mục đích cuối cùng của Nhật Bản là thay đổi.

 

Tuy nhiên, sự thay đổi này có thể dẫn đến hai hậu quả pháp lý: một là sự thay đổi phù hợp với ý nguyện của Nhật Bản khi cuối cùng rạn san hô sẽ biến thành một hòn đảo tự nhiên thỏa mãn các điều kiện liên quan được quy định trong Công ước Luật Biển; và một hậu quả khác, có thể đi ngược lại mong muốn của Nhật Bản, là sự thay đổi khi cuối cùng cộng đồng quốc tế sẽ coi rạn san hô tự nhiên như là một hòn đảo nhân tạo, mà theo luật pháp quốc tế hiện nay chỉ có thể có vùng an toàn rộng 500 mét. Vì vậy không những mất quyền đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, mà còn mất những quyền lợi đối với lãnh hải do có những công trình đáng kể về thiết lập và cấu trúc nhân tạo. Một học giả nổi tiếng về biển, Jon van Dyke, đã từng đưa ra nhận định này. Theo ông, công tác tăng cường mở rộng do Nhật Bản tiến hành có thể được coi là đã thay đổi một rạn san hô thành đảo nhân tạo, vì vậy không thể đòi hỏi một vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa, theo Điều 60 của Công ước Luật Biển[48]. Ông tiếp tục liên hệ với các vấn đề của đảo nhân tạo với Biển Đông và chỉ ra rằng các rạn san hô Subi và Johnson South (do Trung Quốc chiếm đóng), rạn san hô Dallas (của Malaysia), cũng như Vanguard và Prince of Wales Banks (của Việt Nam) phải được đối xử như với đảo san hô Okinotorishima[49]. Luận điểm của ông càng được củng cố bởi ý kiến trước đó của một thẩm phán Tòa án Quốc tế đã nêu rõ trong Vụ việc liên quan đến Phân định biển và các vấn đề về Lãnh thổ giữa Qatar và Bahrain năm 2001 rằng “theo quy định trong Công ước 1982 về Luật biển, những nỗ lực bị cáo buộc của cả hai nước để thay đổi một cách nhân tạo phần phía trên bề mặt của Qit'at Jaradah không cho phép tôi kết luận rằng nó có tư cách pháp lý của một hòn đảo”[50]. Cũng có gợi ý rằng, theo Công ước Luật Biển, những rạn san hô đã được cơ bản chuyển đổi thành các đảo nhân tạo ở biển Đông sẽ mất tư cách pháp lý như là các rạn san hô tự nhiên và được coi là hòn đảo nhân tạo.

 

Tuy nhiên, đối với câu hỏi làm thế nào để ngăn chặn sự xói mòn của đảo tự nhiên bằng cách củng cố theo kiểu nhân tạo, thì cần có sự đối xử khác nhau với các hòn đảo có tình trạng pháp lý khác nhau. Nếu một hòn đảo đã sở hữu vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng trước khi có bất cứ sự can thiệp nhân tạo đáng kể nào, nhưng do ảnh hưởng của các yếu tố tự nhiên mà nước ven biển cần phải tiến hành việc xây dựng nhân tạo để ngăn không mất đi trạng thái pháp lý trước đó, thì hành động này cần được luật pháp quốc tế thông qua. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh nóng lên toàn cầu và sự dâng lên của mực nước biển. Một số quốc đảo đang đối mặt với mối đe dọa bị ngập nước do nước biển dâng lên. Luật pháp quốc tế không cấm các quốc gia giữ chủ quyền của họ bằng việc sử dụng các kiến thiết và cấu trúc nhân tạo, cho dù có đáng kể và tốn kém thế nào. Trái lại, nếu một nước ven biển chỉ đơn thuần cố gắng để mở rộng không gian biển của mình với sự hỗ trợ của các cơ sở nhân tạo thì điều này đáng được đặt câu hỏi trong luật pháp quốc tế. Như trong một học giả về luật biển khác là Symmons Clive nhận xét, việc bảo quản một vùng đất có địa vị đảo, so với việc tạo ra một khu vực đất đai để có được tư cách pháp lý của đảo, là hoàn toàn khác nhau[51]. Nỗ lực để biến đổi một rạn san hô trở thành một hòn đảo tự nhiên có khu vực biển rộng lớn dường như không chỉ đi ngược lại nguyên tắc “tôn trọng hợp lý”, mà còn có thể coi là xâm phạm quyền lợi của các nước khác nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.

 

Nếu không bị các quốc gia ven biển sở hữu một cách thái quá thì các vùng biển là một phần của vùng đáy biển quốc tế và /hoặc một phần của các đại dương. Theo ý nghĩa đó, Trung Quốc bày tỏ mối quan ngại của mình rằng việc Nhật Bản đòi chủ quyền với thềm lục địa trong vụ Okinotorishima “sẽ tạo ra một tiền lệ có thể dẫn đến việc lấn chiếm trên các vùng biển khơi và trong khu vực với quy mô lớn hơn”[52]. Một số quốc gia khác cũng đồng tình với quan điểm này của Trung Quốc. Có một điều chưa rõ ràng là liệu đòi hỏi của Nhật Bản có đi ngược lại nguyên tắc về di sản chung của nhân loại nêu trong Công ước Luật Biển vì nguyên tắc này đã được cơ bản thỏa hiệp với việc thông qua Hiệp định về thực hiện Phần XI của Công ước Luật Biển năm 1994 hay không[53].

 

Cũng cần chỉ ra một khác biệt nữa giữa việc xây dựng đảo nhân tạo mà không đòi các vùng biển phát sinh từ đó với việc xây dựng chủ yếu là vì mục đích yêu sách các vùng biển, mà điển hình là đảo san hô Okinotorishima. Về mặt này, cách làm của Trung Quốc là đáng chú ý. Như chúng ta đã biết, Trung Quốc đã phản đối mạnh mẽ yêu sách biển của Nhật Bản trong vụ Okinotorishima, nhưng mặt khác, Trung Quốc cũng xây dựng một số đảo nhân tạo đáng kể ở Biển Đông. Cho đến nay không thấy phía Trung Quốc thể hiện quan điểm nào rằng họ sẽ đòi vùng đặc quyền kinh tế và/hoặc thềm lục địa từ đảo nhân tạo dựa trên các rạn san hô mà họ chiếm đóng. Nếu có tuyên bố như vậy, Trung Quốc sẽ tự chống lại quan điểm phản đối Nhật Bản của mình. Có lẽ, do Trung Quốc đã bày tỏ rõ ràng quan điểm đối với các rạn san hô theo Điều 121 (3) của Công ước Luật Biển nên khó có thể Trung Quốc sẽ làm theo Nhật Bản trong vấn đề này. Mặc dù vậy, một số quốc gia khu vực Đông Nam Á, có thể có mối quan ngại đối với quan điểm của Trung Quốc trong việc sẽ thực hiện một tiêu chuẩn kép để đòi hỏi vùng đặc quyền khu kinh tế và thềm lục địa từ các rạn san hô nhỏ ở biển Đông, điều này được phản ánh trong công hàm của Indonesia ngày 08/7/2010 liên quan đến đường chữ U của Trung Quốc tại biển Đông, đính kèm trong công hàm của Trung Quốc (ngày 7/5/2009) về việc phản đối các đệ trình về thềm ngoài lục địa của Việt Nam và Malaysia[54].  

 

Đã có rất nhiều các cuộc thảo luận về việc áp dụng Điều 121 (3) của Công ước Luật Biển vì nó mơ hồ và không rõ ràng. Tốt hơn hết, cần có một giải thích đáng tin cậy về điều khoản này. Một giải thích như vậy cũng sẽ giúp giải quyết những vấn đề thực tế phát sinh từ việc xây dựng đảo nhân tạo. Như chúng ta đã biết, Trung Quốc đã cố gắng lập một chương trình nghị sự về việc giải thích điều khoản này tại Hội nghị các quốc gia về Luật Biển năm 2009, nhưng không thành công.

 

Ai có quyền lực và thẩm quyền để đưa ra giải thích đáng tin cậy cho Điều 121 (3) của Công ước Luật Biển? Rõ ràng là Ủy ban về Thềm lục địa không thích hợp vì họ chỉ xem xét, kiểm tra đệ trình của các quốc gia ven biển về ranh giới phía ngoài của thềm lục địa. Ủy ban này cũng thể hiện rằng họ không có thẩm quyền để giải thích các điều khoản của Công ước[55]. ICJ tuy có thẩm quyền nhưng dường như lại chần chừ không muốn đưa ra giải trình. ICJ đã từ bỏ cơ hội gần đây trong Vụ việc Phân định biển tại Biển Đen (Romania v. Ukraine) với việc giải quyết vấn đề đảo Serpents’. Vì không tạo ra bất kỳ ảnh hưởng nào với hòn đảo này trong việc phân định biên giới biển giữa Romania và Ukraine, Tòa án cũng tránh tranh luận liệu theo Điều 121 (3) của Công ước Luật Biển thì Serpents’ có phải là một khối đá nhô lên mặt biển hay không[56]. Tòa án có thẩm quyền tích cực nhất có lẽ là Toà án Quốc tế về Luật biển (ITLOS) mà hiện đang nóng lòng mong đợi được xử lý nhiều vụ việc hơn. Gần đây, các Chủ tịch và thẩm phán của ITLOS phát biểu rằng họ (không chỉ riêng Phòng Tranh chấp Đáy biển) có thẩm quyền đưa ra ý kiến tư vấn về các vấn đề pháp lý do các bên liên quan đệ trình. Theo họ, cơ sở pháp lý của thẩm quyền tư vấn là Điều 21 của Điều lệ ITLOS, trao cho Toà án thẩm quyền đặc biệt là với “tất cả các vấn đề mà bất kỳ hiệp định khác đã quy định cụ thể trao thẩm quyền xét xử cho Tòa” và hiệp định ấy có thể trao thẩm quyền tư vấn cho Tòa án[57]. Theo Thẩm phán Wolfrum - cựu Chủ tịch của ITLOS, các ý kiến này “có thể có lợi ích to lớn trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế” và “chức năng tư vấn của Toà án có thể hướng các bên tham gia đi tới kết quả có lợi lẫn nhau”. Hiện nay, Phòng Tranh chấp Đáy biển của ITLOS đang giải quyết một trường hợp do Cơ quan đáy biển quốc tế trình lên để xin ý kiến tư vấn về việc giải thích về Nghĩa vụ của các quốc gia trong Công ước Luật Biển[58]. Có thể là nếu Hội nghị các bên ký kết Luật biển hoặc các cơ chế thích hợp khác quyết định cần có ý kiến tư vấn từ ITLOS, thì Tòa án sẽ rất vui mừng nhận công việc này. Các học giả nổi tiếng cũng đã đề xuất các lựa chọn khác để làm rõ Điều 121 (3) của Công ước[59].

 

LỜI KẾT

Vấn đề đảo nhân tạo rộng hơn nhiều so với quy mô của bài tham luận này. Nó không chỉ liên quan đến tranh chấp về lãnh thổ và biển như ở Biển Đông, mà còn liên quan tới an ninh hàng hải cũng như sự sống còn của con người trước biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường. Các cuộc thảo luận trong giới pháp lý đang tiếp diễn về việc làm thế nào để tạo nơi lưu trữ cácbon thông qua nền tảng nhân tạo có liên quan đến các điều 208-209 của Công ước Luật Biển cũng như Công ước London về bán phá giá. Khủng bố trên biển hay tội phạm hàng hải có thể được tiến hành bằng cách sử dụng các đảo và/hoặc nền tảng nhân tạo, hoặc tấn công các địa điểm này. Sự gia tăng mực nước biển có thể sẽ đẩy nhanh việc xây dựng đảo nhân tạo và các cơ sở hạ tầng để tránh việc các hòn đảo bị ngập nước. Các công trình xây dựng như vậy có thể là một trong những sự lựa chọn cho các quốc đảo hiện đang bị đe dọa bởi sự nóng lên toàn cầu.

 

Ngoài phương diện môi trường, đảo nhân tạo còn có khía cạnh an ninh hàng hải. Ví dụ, Nghị định thư SUA 1988 được soạn ra để kiểm soát các hành động trái phép đối với sự an toàn của các nền tảng cố định nằm trên thềm lục địa. Theo Nghị định thư này, khái niệm “nền tảng cố định” được định nghĩa là “một đảo nhân tạo, công trình xây lắp hay một cấu trúc vĩnh viễn gắn với đáy biển vì mục đích thăm dò, khai thác tài nguyên hoặc các mục đích kinh tế khác”[60]. Trong bất kỳ đàm phán nào trong tương lai liên quan đến việc xây dựng đảo nhân tạo, khía cạnh an ninh đều cần phải được xem xét.

 

Đảo nhân tạo cũng có liên quan đến quyền lấn đất từ biển. Như chúng ta đã biết, một số nước như Hà Lan và Singapore có lượng đất lấn biển đáng kể[61]. Sẽ có một số khía cạnh thú vị nảy sinh nếu chúng ta so sánh việc lấn biển với việc xây dựng đảo nhân tạo, đặc biệt khi cân nhắc xem yêu sách không gian biển từ việc lấn biển có hợp pháp hay không, cho dù một hành động đơn phương có thể gây ra tranh chấp quốc tế hoặc các vấn đề rắc rối khác giữa các quốc gia láng giềng, như trong Vụ lấn biển của Singapore trong và xung quanh Eo biển Johor (giữa Malaysia và Singapore) năm 2003[62].

 

Cuối cùng, cũng cần lưu ý rằng cùng với sự tăng dân số, trong tương lai người ta có thể sẽ xây dựng các đảo nhân tạo có quy mô lớn hay thậm chí là các thành phố trên biển. Đầu những năm 70 của thế kỷ trước, tại Vương quốc Anh đã có kế hoạch xây dựng một thành phố trên biển đủ khả năng cho một cộng đồng tự trị khoảng 30.000 dân sinh sống[63]. Các đảo nhân tạo được xây dựng ở Dubai của Tiểu Vương Quốc Ả Rập ít nhiều đã một phần thực hiện được kế hoạch ấy[64]. Cũng đã có những đề xuất xây dựng sân bay mới trên biển. Trên thực tế, một số sân bay châu Á đang được xây dựng ngoài biển.[65] Với sự phát triển của công nghệ, còn có thể xây dựng được sân bay giữa đại dương. Các cơ sở hạ tầng nhân tạo hiện có cũng như đang được đề xuất có mối liên quan đến địa vị pháp lý của đảo nhân tạo. Câu hỏi được đặt ra là: với khả năng duy trì đời sống con người hoặc đời sống kinh tế của riêng mình, liệu các  đảo nhân tạo này có được hưởng các quyền có các vùng biển hay không?

 

Đảo nhân tạo chắc chắn có những ảnh hưởng về mặt pháp lý khác đối với sự phát triển của luật pháp quốc tế và thực tiễn Nhà nước tương ứng, điều này đòi hỏi cần có thêm các cuộc thảo luận và tranh luận. Chính vì vậy, chắc chắn rằng vấn đề về đảo nhân tạo sẽ thu hút sự chú ý nhiều hơn nữa từ cộng đồng thế giới trong tương lai gần.

 GS. Keyuan Zou, Khoa Luật, Đại học Trung tâm Lancashire, Vương quốc Anh

Bản quyền thuộc NCBĐ

Tải bản PDF tại đây

{jcomments on}



[1] Để biết thêm chi tiết, xem John M. Macdonald, ‘Artificial Reef Debate: Habitat Enhancement or Waste Disposal?’, Ocean Development and International Law, Tập 25, 1994, 87-118.

[2] Các tác phẩm tiêu biểu gồm Nikos Papadakis, The International Legal Regime of Artificial Islands, Leyden: A.W. Sijthoff, 1977; và Alfred HA Soons, Artificial Islands and Installations in International Law, Tạp chí thường kỳ số. 22, Học viện Luật Biển, Tháng 7, 1974.

[3]

[4] Gidel, 1934, 684.

[5]

[6] Xem Yearbook of International Law Commission, 1955, Tập 1, tr.10 tại http://untreaty.un.org/ilc/publications/yearbooks/Ybkvolumes(e)/ILC_1955_v1_e.pdf (truy cập ngày 27/10/ 2010).

[7] Xem Điều 29 Công ước Luật Biển. Văn bản có thể xem tại http://www.un.org/Depts/los/convention_agreements/texts/unclos/closindx.htm (truy cập ngày 27/10/ 2010).

[8] Điều 2, Công ước 1973. Có thể xem văn bản tại http://sedac.ciesin.org/entri/texts/pollution.from.ships.1973.html (truy cập ngày 27/10/ 2010).

[9] Xem Điều 121 Công ước Luật Biển.

[10] R. Bernhardt, 1989.

[11] Soons, 1974.

[12] Papadakis, 1977 .

[13] Xem Điều 60 Công ước Luật Biển.

[14] Nt.

[15] Nt.

[16] Nt.

[17] Điều 80 Công ước Luật Biển.

[18] Điều 60 Công ước Luật Biển.

[19] Nt.

[20] Điều 11 Công ước Luật Biển.

[21] Xem Điều 7 Công ước Luật Biển.

[22] Xem Điều 34, Luật năm 1998. Văn bản có thể xem tại   http://www.un.org/Depts/los/LEGISLATIONANDTREATIES/PDFFILES/chn_1998_eez_act.pdf (truy cập ngày 28/10/2010).

[23] Xem phần 2 (B) của Sắc lệnh Tổng thống Số. 1599 (11/6/1978) thành lập EEZ và các mục đích khác. Văn bản có thể xem tại http://www.un.org/Depts/los/LEGISLATIONANDTREATIES/PDFFILES/PHL_1978_Decree.pdf (truy cập ngày 28/10/2010).

[24] Phần VI Đảo, các thiết lập và cấu trúc nhân tạo của Luật Vùng đặc quyền kinh tế, 1984. Văn bản http://www.un.org/Depts/los/LEGISLATIONANDTREATIES/PDFFILES/MYS_1984_Act.pdf (truy cập ngày 29/10/2010).

[25] Zeng Zhaoxuan, Islands in the South China Sea, 1986, 3.

[26] Daniel J. Dzurek, The Spratly Islands Dispute: Who's on First? IBRU (International Boundaries Research Unit- Đơn vị Nghiên cứu Biên giới Quốc tế) Maritime Briefing Số.2 (1), 1996, at 1. 

[27] Robert W. Smith, ‘Maritime Delimitation in the South China Sea : Potentiality and Challenges’, Ocean Development and International Law, Số.41 (3), 2010, at 223.

[28] Điều 5, Công ước về Thềm lục địa 1958. Văn bản có thể xem tại http://untreaty.un.org/ilc/texts/instruments/english/conventions/8_1_1958_continental_shelf.pdf (truy cập ngày 31/10/2010).

[29] Xem Papadakis, trang 93.

[30] Yann-huei Song, ‘Okinororishima: A “Rock” or an “Island”? Recent Maritime Boundary Controversy between Japan and Taiwan/China’, trong Seoung-Yong Hong và Jon M. Van Dyke (eds.), Maritime Boundary Disputes, Settlement Processes, and the Law of the Sea (Leiden: Martinus Nijhoff, 2009), tr.148.

[31] Xem Qin Jize, Li Xiaokun and Cheng Guangjin, “Japan atoll expansion ‘hurts neighbors’”, China Daily, 11/2/2010, có thể tham khảo tại http://www.chinadaily.com.cn/world/2010-02/11/content_9461259.htm (truy cập ngày 14/10/2010).

[32] Smith, xem chú thích 27, tr.222.

[33] Song, xem chú thích 30, tr.150.

[34] Xem Qin và các tác giả khác, chú thích 31. Tuy nhiên có thông tin rằng vùng đặc quyền kinh tế của Okinotorishima (400.000 km2) thậm chí còn lớn hơn lãnh thổ Nhật Bản. Xem Song, chú thích 30, tr.156.

[35] Xem A.M.J. Heijmans, “Artificial Islands and the Law of Nations”, Netherlands International Law Review, Tập 21, 1974, trang 151.

[36] Xem Jon M. Van Dyke và Robert A. Brooks, ‘Uninhabited Islands: Their Impact on the Ownership of the Ocean’s Resources’, Ocean Development and International Law, Tập 12, 1983, tr. 272. Như chúng ta đã biết, H. Lauterpacht đề xuất thêm tính từ “tự nhiên” trước “vùng đất”, nhưng đã bị Ủy ban Luật Quốc tế từ chối năm 1954.

[37] Theo định nghĩa trong Công Ước Geneva về Lãnh hải và Vùng tiếp giáp năm 1958, một hòn đảo là “một vùng đất được hình thành tự nhiên, bao quanh bởi nước và nổi trên mặt nước khi thủy triểu lên”. Xem Điều 10 Công ước. Công ước Luật biển chỉ đơn thuần sao chép lại định nghĩa này về đảo.

[38] ‘Separate Opinion of Judge Oda’, trong JUDGMENT OF 16 MARCH 2001, trang 125; xem tại http://www.icj-cij.org/docket/files/87/7031.pdf (truy cập ngày 1/11/2010).

[39] Myres S. McDougal và William T. Burke, Public Order of the Oceans, 1962, trang 387-388.

[40] McDougal và Burke, Đã dẫn, trang 388.

[41] Xem Điều 60 Công ước Luật biển.

[43] Xem Điều 27 Công ước 1997.

[44] Xem Heijimans, chú thích 35, tr. 160; và Nikos Papadakis, ‘Artificial Islands in International Law’, Maritime Policy and Management, Tập 3, 1975, tr. 34.

[45] Xem ‘Press release on the 13th ASEAN - CHINA summit’, Hà Nội, ngày 29/10/2010, tại http://asean2010.vn/asean_en/news/36/2DA9D9/Press-release-on-the-13th-ASEAN---CHINA-summit (truy cập ngày 1/11/2010).

[46] Điều 121(3) Công ước Luật biển.

[47] Xem Qin và các cộng sự, chú thích 31.

[48] Jon M. Van Dyke, ‘Legal Status of Islands with Reference to Article 121(3) of the UN Convention on the Law of the Sea’, 9 December 1999, http://seasteading.org/seastead.org/localres/misc-articles/DykeLegalStatusOfIslands.html (truy cập ngày 1/112010).

[49] Nt.

[50] ‘Declaration of Judge Vereshchetin’, trong JUDGMENT OF 16 MARCH 2001, tr. 220; xem tại http://www.icj-cij.org/docket/files/87/7031.pdf (truy cập ngày 1/11/2010).

[51] Clive Symmons, ‘Some Problems Relating to the Definition of Insular Formations in International Law : Islands and Low-Tide Elevations’, IBRU Maritime Briefing Tập l.1, Quyển 5, 1995, tr. 3 ; trích dẫn trong Song, chú thích 30, tr. 165.

[52] “Proposal for the inclusion of a supplementary item in the agenda of the nineteenth Meeting of States Parties: Note verbale dated 21 May 2009 from the Permanent Mission of China to the United Nations addressed to the Secretary-General”, SPLOS/196, ngày 22/5/2009, xem tại http://daccess-dds-ny.un.org/doc/UNDOC/GEN/N09/346/61/PDF/N0934661.pdf?OpenElement (truy cập ngày 1/11/ 2010).

[53] Để thảo luận thêm về vấn đề này, xem Erik Franckx, “The International Seabed Authority and the Common Heritage of Mankind: The Need for States to Establish the Outer Limits of Their Continental Shelf”, International Journal of Marine and Coastal Law, Tập 25 (4), 2010, 543-567.

[54] Công hàm của Indonesia có thể xem tại http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/mysvnm33_09/idn_2010re_mys_vnm_e.pdf (truy cập ngày 1/11/2010).

[55] Xem ví dụ tại UN Doc. CLCS/64, ngày 1/102009, trong đó Ủy ban nêu lại rằng “họ không có nghĩa vụ đối với các vấn đề liên quan tới giải thích đáng tin cậy Điều 121 của Công ước”. Xem tại http://daccess-dds-ny.un.org/doc/UNDOC/GEN/N09/536/21/PDF/N0953621.pdf?OpenElement (truy cập ngày 1/11/2010).

[56] Xem chi tiết tại ‘Maritime Delimitation in the Black Sea (Romania v. Ukraine)’, JUDGMENT OF 3 FEBRUARY 2009, đặc biệt là đoạn trang 179-188; có thể xem tại http://www.icj-cij.org/docket/files/132/14987.pdf (truy cập ngày 1/11/2010).

[57] Xem “Statement by Rüdiger Wolfrum, President of the ITLOS on the Report of the Tribunal at the 18th Meeting of States Parties to the Convention on the Law of the Sea”, ngày 16/6/2008, tr. 5, xem tại  http://www.itlos.org/start2_en.html (truy cập ngày 8/8/2010). Xem tham khảo tại Ki-Jun You, “Advisory Opinions of the International Tribunal for the Law of the Sea: Article 138 of the Rules of the Tribunal Revisited”, Ocean Development and International Law, Tập 39, 2008, 360-371; và Tafsir Malick Ndiaye, ‘The Advisory Function of the International Tribunal for the Law of the Sea’, Chinese Journal of International Law, Tập 9 (3), 2010, 565-587.

[58] Vào ngày 14/5/2010, Phòng Tranh chấp Đáy biển của Toà án Quốc tế về Luật biển (ITLOS) đã nhận được đề nghị đưa ra ý kiến tư vấn đầu tiên. Xem chi tiết tại ‘Responsibilities and obligations of States sponsoring persons and entities with respect to activities in the International Seabed Area (Request for Advisory Opinion submitted to the Seabed Disputes Chamber)’, có thể xem tại http://www.itlos.org/start2_en.html (truy cập ngày 1/11/2010).

[59] Ví dụ như, theo Oude Elferink, các lựa chọn khác báo gồm một hội nghị ngoại giao, các thủ tục thay thế hoặc một cuộc họp của các chuyên gia. Xem Alex G. Oude Elferink, ‘Is it Either Necessary or Possible to Clarify the Provision on Rocks of Article 121 (3) of the Law of the Sea Convention ?’ in M.A. Pratt and J.A. Brown (eds.), Borderlands Under Stress (London : Kluwer Law International, 2000), 398-399.

[60] Điều 1, Nghị định thư SUA. Văn bản có thể xem tại  http://www.un.org/en/sc/ctc/docs/conventions/Conv9.pdf (truy cập ngày 29/10 2010).

[61]  Bằng cách lấn biển, diện tích của Singapore đã tăng từ 581 km2 lên 695 km2 từ năm 1966 đến 2003. Xem Kog Yue-Choong, ‘Environmental Management and Conflict in Southeast Asia : Land Reclamation and Its Political Impact’, IDSS Working Paper Số 101 (Singapore : Institute for Defence and Strategic Studies, Nanyang Technological University, January 2006), tr. 7.

[62] Trong trường hợp này, Ma-lay-xi-a đã cáo buộc Singapore đã vi phạm các quyền của nước này tại môi trường đánh cá và biển. Để biết thêm chi tiết, xem http://www.itlos.org/start2_en.html (truy cập ngày 1/11/2010).

[63] Xem Papadakis, 1975, tại 33

[64] Chúng được gọi là ‘Đảo cọ’ nơi xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại và cư trú. Dự án bắt đầu vào năm 2001.

[65] Về ý nghĩa pháp lý, xem Erik Jaap Molenaar, ‘Airports at Sea: International Legal Implications’, International Journal of Marine and Coastal Law, Tập 14 (3), 1999, 371-386.