Bản PDF tại đây

 

Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc ngang nhiên phủ sóng không dây ở Quần đảo Hoàng Sa. Ngày 11/10, chính quyền cái gọi là “thành phố Tam Sa” đã đưa nhân viên tới các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa để lắp đặt các trạm phát tín hiệu không dây. Cho đến nay, Trung Quốc đã hoàn thành lắp đặt các trạm wireless tại đảo Cây và đảo Bắc để ngư dân có thể truy cập mạng tốc độ cao miễn phí. Tiếp đó, Trung Quốc sẽ phi pháp lắp đặt các trạm này tại đảo Duy Mộng, đảo Xà Cừ, đảo Hữu Nhật và nhiều đảo khác tại quần đảo Hoàng Sa để từng bước thực hiện phủ sóng wirreless trên toàn bộ Quần đảo Hoàng Sa.

Trung Quốc phản ứng trước mối quan ngại Mỹ - Úc về Biển Đông. Trong cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 14/10, về việc Mỹ - Úc bày tỏ hy vọng Trung Quốc không quân sự hóa các thực thể tranh chấp ở Biển Đông và hai bên sẽ tăng cường hợp tác hải quân, Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh tuyên bố, “Việc xây dựng của Trung Quốc ở Trường Sa là phục vụ cho các loại nhu cầu dân sự và giúp Trung Quốc thực hiện tốt hơn các trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế của mình. Tất nhiên, trong đó có một số công trình quân sự cần thiết, với tính chất phòng vệ thuần túy, có giới hạn và tương ứng với môi trường an ninh của các đảo đá, không tồn tại cái gọi là Trung Quốc quân sự hóa các thực thể. Cũng cần chỉ ra rằng, một số quốc gia đã phô trương sức mạnh ở Biển Đông trong thời gian gần đây. Đó là nguyên nhân lớn nhất gây “quân sự hóa” ở Biển Đông. Trung Quốc hết sức quan ngại về điều này.” Về bình luận của Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ rằng hoạt động của Mỹ tại vùng nước quốc tế ở Biển Đông không được coi là khiêu khích, bà Hoa hôm 15/10 khẳng định, “Chúng tôi phản đối bất kỳ nước nào sử dụng tự do hàng hải và hàng không như một chiêu bài để xâm phạm chủ quyền và an ninh của một nước khác. Trung Quốc thúc giục Mỹ cùng hợp tác và đóng vai trò tích cực và có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.”

Trung Quốc: ‘Dù lớn mạnh cũng không xâm lược các nước láng giềng.’ Ngày 16/10, cuộc gặp không chính thức giữa Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc với người đồng cấp các nước ASEAN đã diễn ra tại Bắc Kinh. Phát biểu khai mạc, Thượng tướng Thường Vạn Toàn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định đối thoại và hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh là một thành tố quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược hai bên. Trung Quốc mong muốn hợp tác cùng ASEAN để duy trì an ninh và ổn định ở khu vực. Liên quan vấn đề Biển Đông, ông Thường Vạn Toàn nói rằng Trung Quốc mong muốn giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phàn và tham vấn hòa bình cũng như tôn trọng tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế.

Trung Quốc tìm cách xoa dịu căng thẳng ở Biển Đông. Phát biểu tại diễn đàn quốc phòng Hương Sơn ở thủ đô Bắc Kinh hôm 17/10, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long tuyên bố nước này “sẽ không bao giờ hấp tấp viện tới vũ lực, thậm chí là đối với những vấn đề liên quan tới chủ quyền. Chúng tôi đã cố gắng hết sức để tránh xảy ra xung đột bất ngờ.” Theo ông Phạm, “Trung Quốc thúc đẩy giải quyết hòa bình các tranh chấp và đã giải quyết được tranh chấp biên giới với một số nước láng giềng thông qua đàm phán.”

Trung Quốc tiếp tục bao biện về các hoạt động ở Biển Đông. Trả lời phỏng vấn với hãng Reuters ngày 18/10, trước khi bắt đầu chuyến công du Anh trong năm ngày, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố, “Các đảo và bãi đá ở Biển Đông là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời cổ đại. Tổ tiên của chúng tôi đã để lại chúng cho chúng tôi. Người Trung Quốc sẽ không cho phép ai tổn hại tới chủ quyền, các quyền lợi ích của chúng tôi ở Biển Đông. Hành động Trung Quốc thực hiện ở Biển Đông là phản ứng hợp pháp để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.” Theo ông Tập, “Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác với các nước láng giềng để quản lý tranh chấp thông qua các cơ chế đối thoại, giải quyết hòa bình tranh chấp thông qua đàm phán và tham vấn, đồng thời bảo vệ tự do hàng hải và hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế.”

+ Việt Nam:

Việt Nam phản đối hành động xây hải đăng của Trung Quốc. Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 13/10, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ: “Việc Trung Quốc xây dựng hai ngọn hải đăng tại đá Châu Viên và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, làm tình hình thêm căng thẳng, phức tạp.” Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 15/10, về việc chính quyền cái gọi là thành phố Tam Sa đã triển khai lắp đặt các thiết bị phát sóng không dây tại các đảo có người sinh sống, Người Phát ngôn Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Việt Nam đã nhiều lần bác bỏ cái gọi là thành phố Tam Sa. Dù dưới bất kỳ hình thức nào hay nhằm mục đích gì thì các hoạt động của cái gọi là thành phố Tam Sa đều không có bất cứ một cơ sở pháp lý nào và không thay đổi được thực tế là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.”

Việt Nam quan ngại về những hành động đi ngược luật pháp ở Biển Đông. Trong hai ngày 15 và 16/10 tại Liên Hợp Quốc, Ủy ban Pháp lý thuộc Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 70 đã thảo luận về đề mục “Pháp quyền ở các cấp độ quốc gia và quốc tế.” Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại sứ, Trưởng đại diện Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc Nguyễn Phương Nga bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây của các tranh chấp Biển Đông, nhất là những hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng, đi ngược lại luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Theo Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Việt Nam kêu gọi các bên liên quan kiềm chế không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết tất cả các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

+ Philippines:

Philippines chỉ trích Trung Quốc xây hải đăng ở Biển Đông. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines hôm 12/10 đã tuyên bố:Chúng tôi cực lực phản đối việc Trung Quốc xây dựng và vận hành các ngọn hải đăng trên đá Châu Viên và đá Gạc Ma. Những hành động này rõ ràng là có ý định thay đổi nguyên trạng và nhằm củng cố yêu sách chủ quyền của nước này ở Biển Đông. Chúng tôi sẽ không chấp nhận những hành động đơn phương đó như sự đã rồi.”

Philippines ủng hộ kế hoạch tuần tra của Mỹ Biển Đông. Phát biểu trên kênh truyền thanh DzRB hôm 16/10, phó phát ngôn của Tổng thống Philippines Abigail Valte cho hay, “Kế hoạch Mỹ triển khai tàu hải quân ở các vùng biển quốc tế, bao gồm Biển Đông, là phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng tự do hàng hải và ổn định ở Biển Đông là rất quan trọng bởi rất nhiều hoạt động thương mại của thế giới đi qua khu vực trên.” Trước đó hôm 13/10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose tuyên bố rằng kế hoạch của Mỹ “phù hợp với luật pháp quốc tế và đảm bảo an ninh trật tự của khu vực.Theo ông Jose, Nếu Mỹ thất bại trong việc thách thức tuyên bố sai trái của Trung Quốc sẽ khiến nước này kết luận sai lầm rằng, tuyên bố của mình được các nước khác chấp nhận như một sự đã rồi.”

+ Malaysia:

Malaysia chỉ trích hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông. Phát biểu tại diễn đàn Hương Sơn ở Bắc Kinh hôm 18/10, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Malaysia, Tướng Zulkefli Mohd Zin tuyên bố hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở khu vực có tranh chấp trên Biển Đông là hành động “khiêu khích phi pháp.” Theo Tướng Zulkefli, “Thời gian sẽ cho chúng ta biết ý định của Trung Quốc là gì. Trong lúc này, chúng ta cần phải chấp nhận những lý do biện minh mà chính phủ Trung Quốc đưa ra về mục đích cải tạo các đảo nhân đạo. Tôi hy vọng rằng đó là những mục đích tốt và phục vụ con người.” Trước đó phát biểu tại diễn đàn an ninh này hôm 17/10, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Hussein nhận định: “Malaysia cho rằng Bộ Quy tắc ứng xử cách tốt nhất để quản lý vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Các tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình thông qua các cơ chế đa phương.”

+ Mỹ:

Hải quân Mỹ sẽ cứng rắn với Trung Quốc trên biển. Phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 15/10 ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản, tân Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson tuyên bố: “Không có gì ngạc nhiên khi chúng tôi thực thi tự do hàng hải ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Tôi thấy việc này không nên được diễn giải như hành động khiêu khích.” Ông Richardson tới Tokyo trong chặng dừng chân đầu tiên của chuyến công du 12 ngày tới Châu Á và Châu Âu.

Quan hệ các nước

Trung Quốc tổ chức Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 6. Tại buổi họp báo hôm 12/10, Thiếu tướng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Hoàng Bá Phú cho biết Bộ trưởng Quốc phòng từ 16 quốc gia sẽ tham dự Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 6 tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 16-18/10. Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng sẽ tham dự và có bài phát biểu tại diễn đàn. Diễn đàn Hương Sơn được tổ chức hai năm một lần, lần đầu tiên vào năm 2006. Kể từ năm 2015, sự kiện này sẽ được tổ chức thường niên và số lượng quan chức quốc phòng cùng các học giả được mời tham dự sẽ tăng lên.

Mỹ - Úc bày tỏ quan ngại về Biển Đông. Ngày 12 và 13/10 tại Boston, đã diễn ra cuộc tham vấn thường niên giữa Mỹ và Úc với sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop và Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne. Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp, bốn bộ trưởng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những hành động cải tạo đảo đất và xây dựng của Trung Quốc tại Biển Đông; kêu gọi các bên yêu sách kiềm chế, thực hiện các biện pháp kiềm chế, tránh những hành động làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Các bộ trưởng cũng muốn Trung Quốc thực hiện đúng cam kết về việc không quân sự hóa các thực thể tại Trường Sa. Bốn bộ trưởng cũng kêu gọi các nước liên quan làm rõ các tuyên bố chủ quyền, tuân thủ luật pháp quốc tế, thực hiện nghiêm túc DOC và nhanh chóng đạt được COC.” Phát biểu trong cuộc họp báo chung sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter cho hay Mỹ sẽ cho máy bay, tàu thuyền hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, như đã thực hiện trên khắp thế giới và Biển Đông sẽ không phải ngoại lệ. Ngoại trưởng Úc Julie Bishop thì tuyên bố, “Trong khi chúng tôi không đứng về bên nào trong tranh chấp những chúng tôi thúc giục các bên giải quyết hòa bình tranh chấp, phù hợp các nguyên tắc quốc tế và chuẩn mực hành xử.

Ấn Độ - Philippines cam kết thúc đẩy hợp tác. Trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ, ngày 14/10, Ngoại trưởng Philippines Albert F. Del Rosario và người đồng cấp nước chủ nhà Sushma Swaraj đã đồng chủ trì cuộc họp Ủy ban hỗn hợp song phương lần thứ ba (IPJC-3). Trong Tuyên bố chung của IPJC-3, hai bên nhấn mạnh tăng cường hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực. Hai bên nhất trí làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, nhất là trong hợp tác biển, chia sẻ thông tin tình báo, xây dựng năng lực và sản xuất quốc phòng. Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh châp, đồng thời thúc giục các bên liên quan tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Hội thảo tại Pháp về tranh chấp chủ quyền và vấn đề Biển Đông. Hội thảo “Địa chính trị các không gian biển - vấn đề Biển Đông” đã được trường Đại học Bretagne-Sud phối hợp với Trung tâm nghiên cứu lịch sử phía Tây và Hiệp hội Carrefour des Humanités tổ chức ngày 16/10 vừa qua tại thành phố Lorient, thuộc vùng Bretagne, Tây Bắc nước Pháp. Được chia thành ba phiên thảo luận với các chủ đề “Góc nhìn lịch sử,” “Khía cạnh kinh tế,” “Các vấn đề địa chính trị và chiến lược,” hội thảo đã thu hút đại diện nhiều bộ ngành của Pháp, đông đảo học giả và chuyên gia đến từ các trung tâm nghiên cứu và các trường đại học lớn của Pháp. Các tham luận đặc biệt dành ưu tiên đề cập đến những tranh chấp và một số vấn đề liên quan đến an ninh và quốc phòng trên Biển Đông. Các chuyên gia đều thống nhất quan điểm rằng các tranh chấp này gây nguy hại đến hòa bình, ổn định và phát triển của nhiều nước trong khu vực và thế giới.

Phân tích và đánh giá

Một vùng ADIZ mang đặc trưng Trung Quốc?” của Alice Slevison

Trung Quốc đã thiết lập vùng ADIZ ở Hoa Đông và áp dụng đối với cả máy bay thương mại và quân sự. Tuy nhiên,Trung Quốc đã không duy trì nguyên tắc mang tính quy phạm rằng máy bay quân sự đơn giản chỉ bay ngang qua một ADIZ không có nghĩa vụ báo cáo nước chủ nhà. Trung Quốc đã đe dọa đối phó với những máy bay không tuân thủ bằng những biện pháp phòng thủ quân sự.

Sự diễn giải lại của Trung Quốc về cách thức tuyên bố và hoạt động của một ADIZ đặt ra những câu hỏi về tính pháp lý và ý định của những việc làm gây tranh cãi này ở Hoa Đông. Việc Trung Quốc đòi hỏi nhận dạng cụ thể đối với máy bay quân sự là vị phạm Điều 87 của UNCLOS quy định bảo vệ “quyền tự do bay qua” mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết. Công ước về Hàng không Dân sự năm 1944 - “Công ước Chicago”- cũng quy định chống lại mọi nỗ lực đơn phương nhằm áp đặt những hạn chế về hàng không và hàng hải nằm ngoài vùng lãnh hải của một nước. Điều nguy hiểm nằm ở chỗ: Việc Trung Quốc tìm cách duy trì kiểm soát các vùng biển xung quanh nước này sẽ tạo tiền lệ xấu về vi phạm luật pháp quốc tế.

Đáng lo ngại hơn, Trung Quốc gần đây phát đi tín hiệu sẵn sàng dùng ADIZ để mở rộng chủ quyền lãnh thổ của mình. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Thế giới, một máy bay của Lào bay qua ADIZ của Trung Quốc hồi cuối tháng 7 vừa qua đã bị yêu cầu quay trở lại do không đáp ứng các yêu cầu về thông báo của Trung Quốc. Mặc dù Bộ Quốc phòng Trung Quốc phủ nhận việc này, và Chính phủ Lào im lặng, song sự cố này là dấu hiệu báo trước về những gì có thể xảy ra trong tương lai.

Vậy các nước cần làm gì để có thể giảm thiểu nguy cơ leo thang ở Biển Hoa Đông và ngăn chặn khả năng Trung Quốc tuyên bố một ADIZ trên Biển Đông?

Đối với Mỹ, nhìn chung phản ứng của Mỹ khá yên lặng. Mặc dù Tổng thống Barack Obama đã sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ khi cam kết rằng Điều 5 của Hiệp ước an ninh và hợp tác Mỹ - Nhật, nhưng vẫn thiếu một hành động thực tế của Mỹ đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển có tranh chấp với Nhật Bản. Việc cấp bách là Mỹ cần tiếp tục để các máy bay quân sự của mình thực hiện đầy đủ quyền bay ngang qua Biển Hoa Đông.

Đối với Úc, những lên án ban đầu của Ngoại trưởng Úc Julie Bishop về hành động của Trung Quốc ở Hoa Đông đáng lẽ cũng phải đi kèm với hành động nhằm tránh sự kiểm soát của Trung Quốc tại đây. Điều quan trọng là máy bay quân sự của Úc có thể đơn phương bay qua ADIZ ở Biển Hoa Đông hoặc công khai ủng hộ các đồng minh có hành động tương tự như vậy để tránh sự xuất hiện một ADIZ mới mà Trung Quốc từ đó có thể cai trị các vùng biển xung quanh nước này. Không hành động sẽ khuyến khích Trung Quốc tuyên bố một ADIZ ở Biển Đông trong tương lai gần. Úc cần phải hành động sớm hơn, thay vì để sau này, nhằm bảo vệ quyền bay qua, hoặc đến một ngày Canberra sẽ đối mặt với tình huống phải “xin phép” Bắc Kinh để thực hiện các quyền tự do quốc tế của mình.

Tại sao thực thi tự do hàng hải là chuyện thường lệ ở Biển Đông“ của Mira Rapp-Hooper

Với tất cả những biểu hiện hiện có, Hải quân Mỹ đã sẵn sàng bắt đầu các Hoạt động Tự do Hàng hải ở Biển Đông (FONOPS). Lịch sử của Chương trình Tự do Hàng hải và mối quan hệ của nó với luật pháp quốc tế cho thấy rõ rằng những hoạt động này sẽ bổ trợ cho ngoại giao Mỹ.

Thứ nhất, theo nguyên tắc qua lại vô hại của UNCLOS, lực lượng hải quân nước ngoài có quyền quá cảnh trong lãnh hải 12 hải lý của một quốc gia, miễn là chiếc tàu đó không làm gì gây phương hại đến hòa bình. Nói một cách khác, ngay cả khi Mỹ công nhận chủ quyền của Trung Quốc tại các thực thể ở quần đảo Trường Sa đi chăng nữa (thực tế là không) thì luật pháp quốc tế vẫn cho phép Mỹ qua lại gần đó một cách hòa bình.

Thứ hai, chính vì các vùng lãnh thổ ở Biển Đông đang có tranh chấp, và bởi vì Washington không đứng về phía nào trong các tranh chấp chủ quyền này, nên Mỹ không cần phải công nhận lãnh hải hoặc không phận xung quanh bất kỳ cấu trúc nhân tạo nào của Trung Quốc hay của các nước khác.

Thứ ba, ngay cả khi việc chiếm giữ Trường Sa của Trung Quốc không bị thách thức đi nữa, thì bảy cấu trúc đảo của Bắc Kinh vẫn là đảo nhân tạo. Theo UNCLOS, các hòn đảo nhân tạo không có lãnh hải hoặc vùng trời riêng. Thay vào đó, chúng chỉ được trao một vùng an toàn 500 mét. Trong trường hợp của Trung Quốc, trước khi cải tạo, ít nhất có ba trong bảy đảo nhân tạo là các thực thể nửa nổi nửa chìm hoặc là các rạn san hô khi triều thấp, chứ không phải là đá hay đảo. Theo luật pháp quốc tế, Trung Quốc hay bất cứ ai khác thậm chí không được tuyên bố có chủ quyền đối với các cấu trúc này.

Cùng với việc Washington đang chuẩn bị tiến hành FONOPS, có hai bước Mỹ có thể thực hiện để cho thấy rằng các hoạt động này không phải là hành động leo thang mà là những hoạt động bi thường ở những khu vực thuộc vùng chung của nhân loại trên toàn cầu.

Bước một, Washington cần thông báo cho các nước trong khu vực về các kế hoạch của mình và nên yêu cầu có sự ủng hộ công khai của họ nếu có thể. Sự ủng hộ công khai của họ đối với các hoạt động của Mỹ sẽ cho thấy điều này không phải là một vấn đề của đấu đá qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc mà là một vấn đề của ngoại giao và pháp quyền khu vực.

Bước 2, dù Lầu Năm Góc quyết định các hoạt động trong phạm vi 12 hải lý chỉ đối với những cấu trúc của Trung Quốc (mà trước đây là các rạn san hô), hoặc chỉ quá cảnh gần các đảo nhân tạo khác của Trung Quốc, Mỹ cũng cần tiến hành các FONOPS xung quanh các cấu trúc của các bên yêu sách khác.

Các hoạt động FONOPS ở Quần đảo Trường Sa hoàn toàn phù hợp với lập trường của Mỹ. Bằng cách thu hút sự ủng hộ của các quốc gia khác trong khu vực và tiến hành các hoạt động xung quanh các cấu trúc của nhiều bên tranh chấp, Washington có thể tăng cường tính lịch sử lâu đời và hồ sơ hoạt động của chương trình này.

“Việt Nam là quốc gia hưởng lợi lớn từ TPP?” của Kelvin Chan

Một thỏa thuận thương mại đầy tham vọng của Vành đai Thái Bình Dương do Mỹ chủ đạo hứa hẹn thúc đẩy các nền kinh tế của 12 nước tham gia bằng việc mở cửa các thị trường của họ cho nước kia, nhưng không phải tất cả sẽ đạt được lợi ích như nhau. Trong số những nước được lợi lớn nhất của TPP là Việt Nam, nơi ngành công nghiệp dệt may và da giày chắc chắn được lợi từ việc loại bỏ các hàng rào thuế quan ở Mỹ và các nước nhập khẩu chủ yếu khác.

Rajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương thuộc tổ chức HIS Global Insight, nói: “Đây thực sự là sự biến đổi đối với Việt Nam. Họ sẽ có được lợi thế rất lớn trước nhiều nước xuất khẩu hàng may mặc khác vào thị trường Mỹ”, nước hiện áp đặt thuế 17% đối với quần áo nhập khẩu.

TPP, cộng với hiệp định thương mại tự do được ký kết gần đây với Liên minh châu Âu, được cho là sẽ đẩy nhanh đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Các nhà chế tạo sản xuất như Samsung Electronics đã và đang thiết lập các nhà máy mới ở Việt Nam trong vài năm qua, làm nổi bật sự thu hút gia tăng của nước này trước Trung Quốc, một công xưởng toàn cầu lâu đời đã bị tác động bởi chi phí lao động gia tăng.

Biswas và các nhà phân tích khác nói rằng nền kinh tế của Việt Nam sẽ có được sự thúc đẩy tương ứng lớn nhất bởi GDP bình quân đầu người tương đối nhỏ của nước này.

Theo báo cáo của Eurasia được công bố hồi tháng Bảy, đến năm 2025, nền kinh tế của Việt Nam sẽ lớn hơn 11%, hay 36 tỷ USD, so với không có thỏa thuận thương mại này trong khi xuất khẩu sẽ lớn hơn 28%. Các nhà sản xuất, đặc biệt là các nhà sản xuất hàng may mặc, đang vật lộn để chuyển một phần công việc sản xuất của mình sang Việt Nam với dự đoán rằng thỏa thuận này sẽ đòi hỏi các nguyên vật liệu phải có xuất xứ từ các nước tham gia.

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương có vai trò trung tâm trong chính sách can dự lớn hơn với châu Á của Tổng thống Barack Obama nhằm cân bằng với ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc trong khu vực. Marcel Theilant thuộc Capital Economics cho biết trong một báo cáo “Có lẽ đáng kể nhất đó là các nền kinh tế lớn hơn sẽ được hưởng lợi khi các lĩnh vực vốn trước đây được bảo hộ giờ buộc phải cạnh tranh.

“Úc và Mỹ cần phản ứng mạnh hơn trước sức mạnh của Trung Quốc” của Peter Hartcher

Trong hai năm qua, Trung Quốc hung hăng đẩy biên giới của mình vươn ra vùng biển quốc tế bằng cách xây dựng và tuyên bố chủ quyền đối với các đảo. Đây là một vở kịch quyền lực thô kệch nhằm áp đặt tuyên bố chủ quyền và thách thức trật tự khu vực.

Vậy điều gì đã xảy ra đối với sứ mệnh chung Mỹ-Úc vốn được khuếch trương là ngăn chặn sự hiếu chiến của Trung Quốc, một sứ mệnh giành được sự ủng hộ nồng nhiệt khi Tổng thống Obama tuyên bố tại Quốc hội Úc vào năm 2011? Obama và Thủ tướng Julia Gillard khi đó công bố rằng Mỹ sẽ bắt đầu sự luân chuyển thường xuyên đối với 2.500 lính thủy đánh bộ Mỹ đến Darwin. Hơn thế, các căn cứ của Úc sẽ tiếp nhận số lượng nhiều hơn lực lượng không quân và hải quân Mỹ. Obama tuyên bố tại Hạ viện Úc rằng “Mỹ hiện diện đầy đủ tại châu Á - Thái Bình Dương trong thế kỷ 21”.

Tuy nhiên kể từ đó, trong khi Trung Quốc làm khu vực choáng váng với sự bành trướng nhanh chóng, dự án Mỹ-Úc tiến triển theo chiều hướng rời rạc. Bốn năm đã trôi qua, kế hoạch luân chuyển lính thủy đánh bộ vẫn nửa vời và một số nhân tố khác thậm chí còn chưa được thảo luận.

Bắt đầu từ tháng 12/2013, hai năm sau khi có thông báo lớn Obama-Gillard, Trung Quốc bắt đầu xây đảo. Tháng 6, Obama đã công khai yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc vẽ lại bản đồ mang tính khiêu khích nhưng Trung Quốc đã phớt lờ yêu cầu này.

Các thông tin truyền thông cuối tuần qua cho biết Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, một cách muộn màng, sẽ đi vào vành đai 12 hải lý xung các thực thể ở Trường Sa mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Động thái này sẽ cho thấy Mỹ không công nhận chủ quyền của Trung Quốc.

Trong khi việc tăng tốc triển khai lính thủy đánh bộ ở Úc đang diễn ra nhưng không mấy ấn tượng thì những nhân tố khác được nhắc đến như sự hợp tác tăng cường giữa không quân và hải quân hai nước cũng bị đình trệ. Hiệp định TPP bao gồm 12 nước, phần kinh tế chủ chốt của sự xoay trục, đang gần đơm hoa kết trái. Tuy nhiên, Quốc hội đang đe dọa áp đặt việc cắt giảm ngân sách các bộ ngành vào năm tới, điều này sẽ gây ảnh hưởng cho các kế hoạch và ngân sách quốc phòng của Mỹ.

Tuần này, các bộ trưởng của Mỹ và Úc đang tiến hành tham vấn AUSMIN hàng năm. Nếu họ nghiêm túc về mục đích của sự liên minh tại Châu Á- Thái Bình Dương, đây là cơ hội tốt để bắt đầu thể hiện điều này.

Mỹ tăng cường năng lực chấp pháp cho ASEAN trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông” của Prashnth Parameswaran

Mỹ đang tăng cường viện trợ cho bốn quốc gia Đông Nam Á trong bối cảnh sự quyết đoán của Trung Quốc ngày càng tiếp diễn ở Biển Đông. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, William R. Brownfield cho biết, kinh phí cho Sáng kiến Thực thi Pháp luật trên biển Đông Nam Á, được Ngoại trưởng John Kerry công bố vào tháng 12/2003 đã lên tới 100 triệu đô la, so với ban đầu là 32,5 triệu USD. Số tiền này do tất cả các cơ quan thuộc chính phủ Mỹ tài trợ, ước tính, tổng số kinh phí hỗ trợ cho vấn đề an ninh biển của Mỹ ở khu vực này trong hai năm tới sẽ là 156 triệu USD, cho bốn quốc gia là Indonesia, Malaysia, Philippines, và Việt Nam.

Mục đích của những hỗ trợ này nhằm bổ sung cho Sáng kiến bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ trang thiết bị, huấn luyện xây dựng năng lực, hỗ trợ xây dựng hợp tác và điều phối hiệu quả hơn với các bên trong khu vực. Sáng kiến này được thực hiện bởi các bên và tập trung vào thưc thi pháp luật biển, và Mỹ sẵn sàng hợp tác với bất cứ chính phủ nào về sáng kiến này và cũng kêu gọi sự tham gia của các nhà tài trợ quốc tế.

Lấy ví dụ trong trường hợp của Việt Nam, ông Brownfield nói: “Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu xây dựng các cơ sở đào tạo và bảo dưỡng bổ sung, các phương tiện hỗ trợ cho các tàu bè, và trợ giúp xây dựng năng lực, bao gồm cả giúp đỡ với việc đảm bảo khả năng tương thích và khả năng tương tác.

Trên thực tế, ông Brownfield đã đề cập tới các vấn đề này khi tái khẳng định lập trường của Mỹ với nguyên tắc “Ba không” để kiểm soát vấn đề chủ quyền ở Biển Đông: Không bồi đắp, không quân sự hóa và không xây dựng công trình mới tại tất cả các đảo ở Biển Đông. Tuy từ chối nhắc đến các vấn đề về chủ quyền, lãnh thổ và biên giới biển, điều mà ông cho rằng nằm ngoài phạm vi của Sáng kiến, ông Brownfield cũng thừa nhận rằng một quốc gia sẽ có thể bảo đảm thực thi pháp luật trên biển tốt thì họ cũng sẽ giải quyết những vấn đề khác hiệu quả./.