Bản PDF tại đây

Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc khai thác thương mại một mỏ dầu trên Biển Đông. Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) ngày 13/10 công bố đã bắt đầu khai thác thương mại mỏ dầu Enping 24-2 (Ấn Bình 24-2) tại khu vực cửa sông Châu Giang trên Biển Đông. Theo đó, hoạt động khai thác được thực hiện ở độ sâu trung bình từ 86-96m, với một giàn khoan khai khác, một kho nổi cùng 17 giếng khai thác. Hai giếng hiện đang cho sản lượng khoảng 8000 thùng dầu thô mỗi ngày, và dự kiến phải tới năm 2017, mỏ Ấn Bình 24-2 mới đạt sản lượng đỉnh vào khoảng 40.000 thùng/ngày.

Trung Quốc xây dựng sân bay trái phép ở Trường Sa. Thông tin từ tạp chí China NewsWeek (Trung Quốc) cho hay Trung Quốc đang xây dựng một sân bay mới trên Đá Chữ Thập để phục vụ cho không quân và hải quân nước này. Kể từ tháng 2/2014, Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động xây dựng phi pháp nhằm biến 6 bãi đá ở Trường Sa thành các đảo nhân tạo. Trước đó, theo đài NHK (Nhật Bản), các bức ảnh chụp Đá Chữ Thập cho thấy có một sân bay dành cho máy bay trực thăng, các vật thể trông giống như nhà kính và các ụ súng.

Hải quân Trung Quốc biên chế tàu nghiên cứu hải dương mới. Hải quân Trung Quốc (People's Liberation Army Navy - PLAN) đã biên chế tàu nghiên cứu đại dương Type 909 thứ 4 tại quân cảng ở Trạm Giang. Tàu mang số hiệu 894 Li Siguang, thay thế cho chiếc tàu nghiên cứu đại dương cùng tên nhưng mang số hiệu 871 đã ngừng phục vụ vào ngày 16/11/2012. Theo thông tin của PLAN, tàu nghiên cứu đại dương Type 909 có chiều dài 129 mét, rộng 17 mét, lượng giãn nước toàn tải 6.096 tấn. Tàu Li Siguang sẽ được sử dụng tiến hành các thử nghiệm về rađa và tên lửa của hải quân.

Tư lệnh Hải quân Trung Quốc ngang nhiên thị sát ở Trường Sa. Phát biểu trong một cuộc họp của Ủy ban Ngoại giao – Quốc phòng của Viện Lập pháp Đài Loan, Tổng Cục trưởng Cơ quan an ninh quốc gia Đài Loan Lý Tường Trụ (Lee Hsiang-chou) cho hay, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Đô đốc Ngô Thắng Lợi (Wu Shengli) – đã có chuyến thị sát 5 bãi đá ở Quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam.) Đô đốc Ngô còn theo dõi một cuộc tập trận của Hải quân Trung Quốc tại Đá Chữ Thập, mà Trung Quốc hiện đang duy trì khoảng 100 lính đồn trú trái phép.

+ Việt Nam:

Thủ tướng Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Đức. Trong cuộc hội đàm ngày 15/10, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bày tỏ hài lòng về sự phát triển nhanh chóng và hiệu quả của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức với việc triển khai thành công nhiều nội dung trong Kế hoạch hành động chiến lược; nhất trí thúc đẩy mạnh mẽ hơn quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Trong cuộc họp báo sau đó, trả lời câu hỏi liệu Việt Nam có kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế hay không, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Việt Nam chúng tôi có lẽ cũng như tất cả các quốc gia, các nước trên thế giới sẽ bằng mọi biện pháp để bảo vệ độc lập chủ quyền của mình theo đúng luật pháp quốc tế. Tôi cho rằng biện pháp pháp lý là một biện pháp hòa bình, tiến bộ mà cả thế giới, cả nhân loại đều ủng hộ”. Về phần mình, Thủ tướng Đức Angela Markel nêu rõ quan điểm Đức ủng hộ lập trường của Việt Nam giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, DOC và coi đây là phương thức hiệu quả để giải quyết các khác biệt. Chiều 15/10, phát biểu tại Viện Koerber (Berlin, Đức), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay một vấn đề đang nhận được nhiều sự quan tâm hiện nay là tình hình diễn biến phức tạp ở Biển Đông.Với truyền thống hòa hiếu và chính sách đối ngoại nhất quán của mình, Việt Nam luôn kiên trì chủ trương giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và các chuẩn mực ứng xử ở khu vực. Ngày 16/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu Việt Nam đã đến Milan, Italy, bắt đầu tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) lần thứ 10. Bên lề Hội nghị ASEM 10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đề nghị hai bên kiểm soát tốt tình hình trên biển, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, thúc đẩy các cơ chế đàm phán tiến triển, nghiêm túc thực hiện Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc; tôn trọng Luật pháp quốc tế, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Cũng bên lề Hội nghị cấp cao ASEM 10, ngày 16/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Hai Thủ tướng đã trao đổi ý kiến về phương hướng lớn và các biện pháp cụ thể làm sâu sắc hợp tác Việt Nam-Nhật Bản theo tinh thần quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng được thiết lập tháng 3/2014. Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác trên các diễn đàn đa phương, nhất là trong các vấn đề bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

+ Philippines:

Philippines kêu gọi quốc tế ủng hộ kế hoạch 3 điểm ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Philipines ngày 17/10 cho hay đã gửi thư đến Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và cho lưu hành trong 193 nước thành viên của Liên Hợp Quốc, nêu rõ nội dung cụ thể của kế hoạch 3 điểm (Triple Action Plan –TAP): (i) Biện pháp tức thời yêu cầu ngưng các hành động khiêu khích có thể làm gia tăng căng thẳng; (ii) Biện pháp trung hạn kêu gọi thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nhanh chóng đạt được Bộ quy tắc ứng xử (COC); (iii) Biện pháp sau cùng là hành động pháp lý. Theo Philipipnes, TAP là sáng kiến tích cực, toàn diện và xây dựng.

Quan hệ các nước

Việt Nam - Philippines cam kết thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh hôm 16/10 có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario bên lề Hội nghị cấp cao Diễn đàn Á - Âu (ASEM) 10 tại Italy. Tại cuộc gặp, quan chức hai nước bày tỏ quan ngại về những leo thang căng thẳng trên Biển Đông thời gian qua và nhất trí đưa vấn đề này ra thảo luận tại phiên họp kín của các lãnh đạo Á - Âu. Hai bên cũng cam kết thúc đẩy các đối tác ASEM ủng hộ việc thực thi hiệu quả DOC và việc xây dựng khẩn trương COC.

Trung Quốc và Mỹ đạt được đồng thuận về hợp tác quân sự. Đối thoại Tham vấn Quốc phòng lần thứ 15 tại Lầu Năm Góc do Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Vương Quán Trung (Wang Guanzhong) và Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Christine E. Wormuth đồng chủ trì diễn ra hôm 16/10. Trung-Mỹ nhất trí đẩy nhanh đàm phán về cơ chế thông báo cho nhau các hoạt động quân sự lớn và một bộ quy tắc ứng xử an toàn trên không và trên biển giữa hai bên. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực và giải quyết các bất đồng theo hướng xây dựng.

Mỹ, Trung Quốc nhất trí ưu tiên cải thiện quan hệ hai nước. Phát biểu với báo giới hôm 18/10 trước khi bắt đầu ngày thảo luận thứ hai với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Boston, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định hai bên nhất trí ưu tiên cải thiện quan hệ song phương. Theo ông Kerry, Mỹ - Trung đang hợp tác trên rất nhiều lĩnh vực song song với việc cố gắng giải quyết các bất đồng giữa hai phía. Trong khi đó, ông Dương Khiết Trì nhấn mạnh hai bên đều tin tưởng cần tiếp tục hợp tác nhằm tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau và tập trung nỗ lực vào các lĩnh vực hợp tác chính; trong khi đó, dựa trên nền tảng của sự tôn trọng lẫn nhau, Mỹ và Trung Quốc có thể giải quyết bất kỳ bất đồng nào theo cách đúng đắn.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam thăm Trung Quốc. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 16 đến 19/10. Sau lễ đón sáng 17/10, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Thượng tướng Thường Vạn Toàn. Về quan hệ hai nước và hai quân đội, Thượng tướng Thường Vạn Toàn nhấn mạnh tình hữu nghị là tài sản quý, hai bên cần phải giữ gìn. Về phần mình, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho rằng về tổng thể quan hệ hai nước vẫn đang phát triển tốt, chỉ tồn tại bất đồng về chủ quyền trên biển. Việt Nam chủ trương nhất quán giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, cùng nhau tìm kiếm giải pháp cơ bản lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đề nghị quân đội cần bình tĩnh, kiềm chế, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động trên biển, tránh gây hiểu lầm, không để xảy ra xung đột, không dùng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp trên biển; cư xử nhân đạo, không tịch thu ngư lưới cụ, trang thiết bị, của ngư dân, giúp đỡ ngư dân khi gặp nạn. Ngay sau buổi hội đàm, hai Bộ trưởng đã chứng kiến lễ ký kết Bản ghi nhớ kỹ thuật về thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp giữa hai Bộ Quốc phòng.

Phân tích và đánh giá

“Hợp tác cùng tăng cường năng lực trên biển” của Nah Liang Tuang. Khi nhắc đến tranh chấp chủ quyền, điều quan trọng không phải là việc sở hữu nhiều tàu chiến hiện đại - những chiếc tàu như vậy sẽ không thể thực hiện các cuộc tuần tra kéo dài hàng năm ở các Vùng Đặc quyền kinh tế (Exclusive Economic Zone-EEZ) (còn phải lưu tâm đến nhu cầu sửa chữa và hoạt động thử nghiệm trên biển); thay vào đó là khả năng triển khai các tàu hoặc máy bay tuần tra, tuy kém hiện đại hơn về mặt công nghệ nhưng bù lại nhiều hơn về mặt số lượng, góp phần duy trì sự hiện diện liên tục của lực lượng chấp pháp ở vùng EEZ. Thực tế, Bắc Kinh đã nhận ra điều này và họ đã triển khai Lực lượng Bảo vệ Bờ biển ở các vùng biển gần quần đảo Trường Sa. Nếu Philippines và Việt Nam vẫn muốn kiểm soát các vùng biển, họ cần phải tăng cường năng lực trên biển. Tuy nhiên, nếu nhìn vào ngân sách quốc phòng khá khiêm tốn của Philippines và Việt Nam, bất kỳ việc mua sắm số lượng lớn các tàu tuần tra đều phải tính đến khía cạnh kinh tế. Về điểm này, Philippines và Việt Nam có thể đi theo mô hình mua sắm tập thể của Châu Âu trong chương trình hợp tác sản xuất máy bay chiến đấu Eurofighter và Tornado. Vào những năm 1970 và từ những năm 1990 đến đầu những năm 2000, Tornado là loại máy bay do Anh, Đức và Italia hợp tác sản xuất, còn máy bay Eurofighter do Anh, Đức, Italia và Tây Ban Nha hợp tác sản xuất. Các dự án hợp tác sản xuất máy bay này không chỉ cho phép chia sẻ chi phí sản xuất, quan trọng hơn là sản xuất được loại máy bay đủ tiêu chuẩn, vì vậy các lợi thế kinh tế nhờ quy mô và những chi phí đơn vị hợp lý có thể được hiện thực hóa. Việc áp dụng từng phần cách tiếp cận mua sắm tập thể như vậy đối với trường hợp của Philippines và Việt Nam có thể bao gồm các bước sau: i) Sản xuất các loại tàu đạt tiêu chuẩn và trang thiết bị cho thủy thủ ở một nước thứ ba có sự ủng hộ về mặt chính trị và sẵn sàng đưa ra mức giá hợp lý. Đây phải là một quốc gia sở hữu nền công nghiệp đóng tàu phát triển có khả năng chi phí hiệu quả nếu như đơn hàng đủ lớn (24 tàu). Nhật Bản là một ứng cử viên tiềm năng. ii) Hợp tác mua sắm các hệ thống máy và động cơ đẩy từ một quốc gia đang tìm cách cân bằng với bá quyền Trung Quốc ở khu vực. Việc mua sắm chung như vậy có thể được hưởng chiết khấu và mức giá cạnh tranh, dựa trên những yếu tố chính trị. Nhật Bản và Mỹ là hai nguồn cung khả thi. iii) Cùng mua sắm các thiết bị hệ thống định vị, kể cả việc lắp đặt các trang thiết bị phụ kiện cho vũ khí, phù hợp với các mục đích chung và các loại súng máy hạng nặng mà Philippines và Việt Nam đều sử dụng. Một lần nữa, các trang thiết bị này có thể mua từ các nguồn như Nhật Bản và Mỹ, hai nước sẵn sàng đưa ra mức giá chiết khấu cao cho các đơn hàng được ủng hộ về mặt chính trị. Sau khi hoàn thành các bước xây dựng cơ bản này, Hà Nội và Manila sẽ nhận bàn giao thiết bị cho lực lượng của mình như thỏa thuận đã thống nhất giữa hai bên, sẽ sở hữu các thành phần nhạy cảm như ra-đa, hệ thống phương tiện thông tin, pháo tự hành bằng hệ thống điều khiển hỏa lực tự động, thậm chí là các thiết bị hiện đại hơn như thiết bị phát hiện tàu ngầm và trang thiết bị bổ sung, được lắp đặt tại các căn cứ hải quân của hai nước. Nếu như tất cả điều này có thể được thực hiện, đây sẽ là một cách tiếp cận hợp lý về mặt ngân sách cho cả Việt Nam và Philippines nhằm tăng cường năng lực bảo vệ bờ biển hoặc năng lực hải quân phụ trợ. Việc Việt Nam và Philippines trang bị những chiếc tàu tuần tra hiện đại hơn sẽ đem lại những lợi ích rõ rệt, chẳng hạn như tăng cường khả năng giám sát vùng EEZ và phòng tránh hay chặn đứng các hoạt động phi pháp trên biển, đồng thời giúp tăng cường khả năng đối phó những hoạt động xâm nhập của Trung Quốc. Tuy nhiên, chính những lợi ích vô hình mới là quan trọng hơn, đó là: tăng cường ngoại giao quốc phòng trong nội khối ASEAN, thường chỉ xảy ra khi có hợp tác quân sự song phương chặt chẽ hơn (trong đó vấn đề hợp tác mua sắm chung chắc chắn là một yếu tố quan trọng); tạo ra một thỏa thuận tạm thời giữa Hà Nội và Mania, đó là chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa cuối cùng cần phải chia sẻ, giúp tránh những tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước nảy sinh  trong tương lai; và tạo nền tảng giúp Philippines có thể xây dựng năng lực mà không cần phải dựa vào những nguồn viện trợ công khai.

“Căng thẳng Việt -Trung có dấu hiệu giảm nhiệt?” Trung Quốc và Việt Nam trong cuộc gặp cấp cao gần đây đã nhất trí nối lại quan hệ quân sự và giải quyết tranh chấp trên biển, đây là dấu hiệu ban đầu cho thấy căng thẳng trong tranh chấp của quyền tại Biển Đông đã được giảm nhiệt. Theo Tân Hoa Xã, trong cuộc gặp với  Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh, ông Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc nói rằng: “Cả Trung Quốc và Việt Nam…cần kiểm soát lực lượng của mình, kiềm chế không đưa ra những phát ngôn kích động, và không để bất điều gì ảnh hưởng đến tình hình chung. Chúng ta không thể nào thay đổi được láng giềng… Việc duy trì quan hệ hữu hảo và giải quyết thỏa đáng các bất đồng chính là lợi ích chung của cả hai nước.” Bộ trưởng Thanh cũng gặp gỡ người đồng cấp Trung Quốc Thường Vạn Toàn và Phó Chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều. Theo các nhà phân tích, các cuộc gặp gỡ cấp cao cho thấy cả hai quốc gia đều muốn ngăn chặn nguy cơ xung đột quân sự. Zhang Mingliang, chuyên gia các vấn Đông Nam Á của Đại học Tế Nam, nói rằng Phạm Trường Long muốn nhắc Hà Nội không nên tìm tới các cường quốc như Mỹ, mà thay vào đó cần tập trung vào xây dưng mối quan hệ tốt với Trung Quốc, bởi “láng giềng gần còn tốt hơn anh em xa.” Trong một diễn biến khác, Bắc Kinh đang có 7 kế hoạch xây dựng tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong số đó thì 5 kế hoạch đã được Chủ tịch Tập Cận Bình phê chuẩn. Theo nguồn tin tình báo này của Đài Loan, Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh hải quân Trung Quốc, đã có một chuyến thị sát những công trình xây dựng và theo dõi một cuộc diễn tập của hải quân và không quân gần khu vực Đá Chữ Thập. Theo nhà bình luận quân sự Ni Lexiong tại Thượng Hải, Bộ trưởng Thanh muốn biết ý định thật sự của PLA trong tranh chấp lãnh thổ là gì. “Quân đội Việt Nam cần phải biết rằng liệu PLA có thực sự muốn duy trì hiện trạng tại Biển Đông hay không. Với Việt Nam, họ không hề muốn đi đến chiến tranh với Trung Quốc.”

“Cơ hội hợp tác giữa ASEAN và EU tại Biển Đông?” của Bruno HellendorffTruong Minh Vu. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tuần trước đã có chuyến công du tới 3 nước Châu Âu và Vatican. Bên cạnh các cuộc thảo luận về hợp tác kinh tế, vấn đề an ninh cũng được nằm trong chương trình nghị sự, tập trung vào tranh chấp Biển Đông và an ninh biển tại khu vực. Những vấn đề này đã được các nhà lãnh đạo Việt Nam coi như là ưu tiên trong hợp tác Việt Nam – EU, đặc biệt kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan tại vùng biển Việt Nam hồi tháng 5. Việt Nam cũng không phải là quốc gia ASEAN duy nhất có tranh chấp tại Biển Đông coi EU là một đối tác quan trọng. Trong chuyến thăm tới Brussels vào tháng 9, Tổng thống Philippines Aquino đã cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ cho lập trường của nước này về Biển Đông. Có 3 lý do giải thích việc quốc gia ASEAN tìm sự ủng hộ của EU. Họ cho rằng EU có thể đóng vai trò quan trọng giúp duy trì ổn định tại Biển Đông. Thứ nhất, EU có lợi ích kinh tế lớn tại Biển Đông, bởi đây là tuyến đường thông thương của EU tại khu vực Đông Á. EU cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á coi đây là một đối trọng đáng kể đối với Bắc Kinh. Thứ hai, EU, với lịch sử và đặc điểm của mình, là người bảo vệ trung thành của luật pháp quốc tế, “chủ nghĩa đa phương tích cực”, và yếu tố pháp trị trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế. Tòa án Công lý Quốc tế, Tòa Trọng tài Thường trực, cũng như Tòa Trọng tài Quốc tế đều nằm ở Châu Âu. Cuối cùng, các sáng kiến gần đây của EU cho thấy họ sẵn sàng can dự sâu rộng hơn tại khu vực trên cả lĩnh vực chính trị và an ninh. Năm 2012 là một cột mốc đáng nhớ: Brussels đưa ra “nguyên tắc chỉ đạo” cho chính sách Đông Á của họ, tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (Treaty of Amity and Cooperation - TAC), ký kết Chương trình Hành động tại Brunei để thực thi “quan hệ đối tác tăng cường” với ASEAN, đưa ra tuyên bố chung với Mỹ về Châu Á Thái Bình Dương, và củng cố sự hiện diện ngoại giao tại khu vực. Những hội nghị thượng đỉnh và các cuộc thăm viếng cấp cao, sau một khoảng thời gian trì trệ,  cũng đã đạt được những kết quả thực chất cùng một số cam kết chính trị. Chúng ta không nên mong chờ EU sẽ đóng vai trò quân sự tại Đông Á. Họ không có đủ nguồn lực, và cũng không muốn triển khai lực lượng tới một khu vực xa xôi và đầy bất ổn. Không chỉ vậy, EU luôn nhìn nhận tình hình tại đây dưới lăng kính không-đối-đầu của mình. Tuy nhiên, sự hợp tác giữa ASEAN-EU có thể mang lại những kết quả thực chất, cụ thể trên hai mảng: bảo vệ nguyên tắc pháp trị và tận dụng những kinh nghiệm của EU.

“Việt Nam và tranh chấp Biển Đông.” Mặc dù đang trong mùa mưa bão nhưng Trung Quốc vẫn đang tiếp tục mở rộng sự hiện diện ở Biển Đông, với hình ảnh từ vệ tinh cho thấy họ vừa xây đảo nhân tạo trên đá Ga Ven. Theo IHS Janes, hiện đã có khoảng 114.000 m2 đất mới được tạo ra ở Biển Đông. Hòn đảo mới Trung Quốc xây dựng trái phép chỉ cách đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng ở Gạc Ma hồi tháng 5 vài dặm. Theo Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Đại học New South Wales, Australia, “ Trung Quốc đang cố gắng thay đổi hiện trạng bằng cách tạo ra thực tế mới. Bắc Kinh đang xây dựng cơ sở hạ tầng để hỗ trợ hoạt động đánh bắt cá và khai thác dầu khí,” ngoài ra các bộ cảm biến điện tử và radar cũng được cài đặt trên các đảo nhân tạo này để theo dõi khu vực tốt hơn. Tuy nhiên các đảo nhân tạo này quá nhỏ để có thể xây dựng căn cứ quân sự, nhà phân tích Australia nhận định, “Khi có bất kỳ sự cố nào xảy ra, Trung Quốc sẽ gia tăng sự hiện diện của các tàu hải cảnh ở Trường Sa.” Trong bối cảnh đó các quốc gia khác đã bắt đầu có những động thái mới trên Biển Đông, Mỹ nới lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam là một ví dụ. Ông Thayer cho rằng đây là thời điểm lợi ích an ninh của Mỹ và Việt Nam đã hội tụ trên Biển Đông, cụ thể là Mỹ cũng đang tìm cách ngăn chặn sự hung hăng của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên không có sáng kiến nào từ các nước láng giềng của Trung Quốc thuyết phục được Bắc Kinh thay đổi chiến thuật của họ. Đó là lý do tại sao Việt Nam đang phải trông cậy vào việc hiện đại hóa quốc phòng. Giáo sư Thayer cho rằng: “Bây giờ Việt Nam đang tăng cường khả năng phòng thủ của mình, và đây là nguy cơ lớn dành cho Trung Quốc”. Trong khi đó, Thủ tướng Việt Nam lại nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc tìm kiếm một giải pháp cho tranh chấp tuân thủ theo luật pháp quốc tế và Hiến chương của Liên Hợp Quốc. Trả lời phỏng vấn DW trong chuyến thăm Châu Âu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định chính sách đối ngoại của Việt Nam có 1 nguyên tắc không thay đổi: “Chúng tôi không liên minh nước này để chống lại nước kia.” Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đánh giá, việc Philippines khởi kiện đường lưỡi bò bất hợp pháp của Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển là một hành động “tiến bộ và đầy hứa hẹn”.

“Đài Loan mở rộng trái phép cảng ở Trường Sa” của James HardySean O'Connor. Những hình ảnh vệ tinh chụp hồi tháng 8 cho thấy Đài Loan đang xây dựng cầu cảng tại đảo Ba Bình. Hình ảnh vệ tinh chụp từ ngày 10/3 đến 18/4 cho thấy việc xây dựng một con đê chắn sóng ở góc tây nam đảo, có thể là một thành phần của cầu cảng mới. Kể từ tháng 4, khu vực phía trong đê chắn sóng được bồi đắp nhằm tạo ra một khoảng đất mới. Có ít nhất 4 cần trục cùng nhiều phương tiện xây dựng khác hiện diện tại khu đất mới. Bên cạnh việc xây dựng đê chắn sóng mới, Đài Loan còn nạo vét một con kênh dẫn tới phía đông của khu đất mới. Các hình ảnh vệ tinh ngày 6/8 cho thấy 2 xà lan vận chuyển và ít nhất một tàu khác hoạt động dọc theo con kênh. Một cấu trúc mái màu xanh cũng được xây dựng trên đảo cạnh khu vực đặt các tấm pin năng lượng mặt trời năm 2012. Năm 2013, cơ quan bảo vệ bờ biển Đài Loan nghiên cứu tính khả thi của việc xây dựng một cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu hộ vệ có lượng giãn nước 2.000 tấn tại đảo Ba Bình. Chính quyền Đài Loan dự định chi 110,24 triệu USD cho dự án xây cảng được kỳ vọng hoàn thành năm 2015. Trên đảo Ba Bình có đường băng dài 1.150m, rộng 30m, hoàn thiện năm 2008. Cơ quan Quốc phòng Đài Loan năm 2013 thông báo đang xem xét việc nối dài đường băng, nhưng không có thông tin nào về việc này kể từ thời điểm đó và hình ảnh vệ tinh cho thấy việc mở rộng đường băng chưa diễn ra. Có thể thấy, Đài Loan muốn nhấn mạnh lợi ích của họ ở đảo Ba Bình để tỏ ý không kém cạnh các nước khác đang chiếm đóng các điểm trọng yếu tại quần đảo Trường Sa. Hồi tháng 4, lực lượng lính thủy đánh bộ Đài Loan tập trận đổ bộ trên đảo Ba Bình. Đây là cuộc tập trận hải quân lớn nhất tại Trường Sa. Các thành viên Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng của cơ quan lập pháp Đài Loan gần đây còn kêu gọi cơ quan quốc phòng Đài Loan triển khai tên lửa phòng không MIM-72J Sea Chaparral trên đảo Ba Bình. Những động thái mới của Đài Loan tại Ba Bình cũng diễn ra trong bối cảnh lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu đang cố gắng diễn giải đường lưỡi bò nuốt gần như toàn bộ Biển Đông, do chính quyền Quốc Dân Đảng công bố năm 1947. Đây cũng chính là cơ sở để Trung Quốc vin vào để yêu sach chủ quyền ở biển Đông. Bắc Kinh từ chối làm rõ “đường lưỡi bò” có phải là đường biên giới lãnh thổ hay không, yêu sách chủ quyền với mọi đảo, đá bên trong “đường lưỡi bò” hay đơn thuần chỉ là một vùng ảnh hưởng? Tuy nhiên, tại một cuộc triển lãm mới đây ở Đài Bắc có trưng bày một số tài liệu nhà lãnh đạo Đài Loan và Quốc Dân Đảng Tưởng Giới Thạch mang sang Đài Loan trong cuộc di tản năm 1949, ông Mã Anh Cửu phát biểu, bản đồ và yêu sách năm 1947 được giới hạn với các đảo và vùng nước liền kề trong phạm vi 3-12 xung quanh. “Không có cái được gọi là yêu sách chủ quyền đối với vùng biển” người lãnh đạo Đài Loan nói.

“Indonesia là mục tiêu kế tiếp của Trung Quốc ở Biển Đông?” của Victor Robert Lee. Tại Natuna, hòn đảo lớn nhất của Indonesia trên khu vực Biển Đông, tình hình an ninh luôn được thắt chặt. Ngay khi hạ cánh xuống đây, các du khách sẽ phải đăng ký và cung cấp bản sao hộ chiếu cho dù toàn bộ các chuyến bay đều chỉ đến từ trong nước. Du khách bị cấm chụp ảnh cho đến khi rời xa sân bay, bởi đây vừa là sân bay dân sự, và cũng là một căn cứ của không quân Indonesia. Với việc Trung Quốc gần đây đã cho phát hành một tấm bản đồ tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông, và có thể bao trọn hòn đảo này, việc tăng cường an ninh là có thể hiểu được. Trong vòng 2 năm qua, Trung Quốc đã củng cố những tuyên bố chủ quyền của mình thông qua việc hăm dọa, tiến hành tuần tra, đặt các giàn khoan thăm dò, đâm va tàu đánh cá và xây dựng những cơ sở quân sự trên một loạt đảo nhỏ và bãi đá chìm. Cho đến gần đây, có vẻ như Indonesia chưa là đối tượng của những hành vi quyết đoán trên, và chính phủ nước này vẫn đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Trung Quốc và các nước khác có tranh chấp chủ quyền biển đảo trong khu vực. Nhưng với việc Bắc Kinh đưa đảo Natuna vào bản đồ mới được in trên hộ chiếu của Trung Quốc, tân Tổng thống Indonesia Joko Widodo có thể sẽ phải xem đây là một trong những nhiệm vụ ưu tiên khi nhậm chức trong vài ngày tới. Ông Widodo cũng sẽ nhận thấy căn cứ không quân và hải quân tại đây khó có thể đảm bảo những sự phòng thủ đáng kể nơi tiền tuyến. Khu căn cứ có nhiều tòa nhà – hơn 30 tòa nhà nhỏ - nhưng chỉ có 3 khoang đậu máy bay khiêm tốn. Việc không có máy bay nào được trông thấy tại đây dường như cho thấy chúng được ngụy trang hoặc…có thể là không hề có tại đây. Tháng 3 năm nay, chính phủ Indonesia lần đầu tiên lên tiếng về những tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc đối với hầu như toàn bộ Biển Đông bao gồm nhiều phần của tỉnh Riau của Indonesia, trong đó có đảo Natuna và các hòn đảo khác. Cho dù Jakarta vẫn tìm cách đứng ngoài những tranh chấp trên Biển Đông, họ có thể sẽ thấy mình trở thành nạn nhân mới nhất trong chiến lược bành trướng của Bắc Kinh. Tháng 3 năm 2013, một tàu thực chấp pháp của Trung Quốc đã đối đầu một tàu tuần tra của Indonesia sau khi tàu này bắt giữ 9 ngư dân Trung Quốc vì đánh bắt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý về phía Đông Bắc đảo Natuna. Chỉ huy của tàu vũ trang Trung Quốc Yuzheng 310 đã đe dọa thủ thủ đoàn tàu Indonesia và yêu cầu trả tự do cho các ngư dân Trung Quốc. Cũng có lẽ chính chiếc tàu trên của Trung Quốc đã làm nghẽn liên lạc của tàu Indonesia với đất liền. Trước sự uy hiếp từ tàu Yuzheng 310 và không thể liên lạc với trụ sở, cuối cùng tàu Indonesia đã phải thả ngư dân Trung Quốc. Có không ít bằng chứng về những sự vụ tương tự khác mà chính phủ Indonesia vẫn tìm cách tránh thảo luận trước công chúng, nhưng liệu họ còn có thể làm thinh trước những bước đi ngày càng quyết liệt của Bắc Kinh?