Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc triển khai giàn khoan hiện đại đến Biển Đông. Sau 2 tuần hoạt động thử nghiệm, mới đây giàn khoan dầu khí nước sâu kiểu nửa chìm hiện đại nhất của Trung Quốc mang tên “Lam Kình số 1” đã rời cảng Yên Đài, tỉnh Sơn Đông tới Biển Đông để tham gia vào dự án khai thác dầu khí tại đây. Năm 2017, sau khi lập kỷ lục về khai thác băng cháy tại Biển Đông, giàn khoan “Lam Kình số 1” đã về neo đậu tại cảng Yên Đài hơn 1 năm để tiến hành cải tạo nâng cấp. Giàn khoan này là giàn khoan 2 mũi có khả năng tác nghiệp ở vùng biển sâu tới hơn 3.600m, giếng khoan sâu nhất có thể thực hiện được đạt tới độ sâu hơn 15.200m.

Tàu Trung Quốc hiện diện gần Đảo Loại Ta và Đá An Nhơn. Ngày 16/4, Tổ chức Sáng kiến minh bạch biển châu Á (AMTI) cho biết một số tàu thuyền Trung Quốc xuất hiện gần Đảo Loại Ta và Đá An Nhơn, “các hình ảnh vệ tinh thu được ngày 12, 16, 29/3 và 7/4 khẳng định sự hiện diện các tàu Trung Quốc ở khu vực này, hầu hết trong số này có thể thuộc lực lượng dân quân. Các tàu này đang thả neo, nhiều tàu tập trung lại và không có thiết bị đánh bắt đánh bắt trong khu vực này”. Một hình ảnh vệ tinh cho thấy ngày 29/3, có ít nhất 15 chiếc tàu đánh cá loại lớn và 8 tàu đánh cá loại nhỏ hiện diện ở đó. Phó Đô đốc Rene Medina, Tư lệnh Bộ Tư lệnh miền Tây Philippines xác nhận sự hiện diện của tàu Trung Quốc xung quanh hai thực thể này và cho biết “các tàu thuyền này di chuyển từ nơi này sang nơi khác.”

Trung Quốc ra mắt tàu tấn công đổ bộ không người lái. Theo tạp chí “We are the mighty” tàu đổ bộ không người lái đổ bộ Marine Lizard là sản phẩm của tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Vũ Xương ở thành phố Vũ Hán, một chi nhánh của Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (CSIC). Con tàu dài hơn 13m di chuyển dưới nước bằng ống phụt nước phản lực nhưng chuyển sang chế độc bánh xích khi nó cập bờ. Công ty chế tạo nói nó có thể duy trì tình trạng “tàng hình” ở tốc độ đến 92km/h ở dưới nước. Tuy nhiên, trên đất liền, nó chỉ có thể di chuyển với tốc độ 18km/h. Tàu Marine Lizard  có khả năng “tấn công nhanh và đổ bộ bờ biển phù hợp với các yêu cầu tác chiến” và có thể “thực hiện các nhiệm vụ như vận chuyển đặc công, tuần tra biên giới, các hoạt động cảnh báo gần bờ và bảo vệ đảo/sân bay trên đảo.

+ Philippines:

Philippines phản ứng việc Trung Quốc đánh bắt sò tai tượng ở Bãi Scarborough. Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Junior hôm 16/4 cho hay nước này đang xem xét hành động pháp lý chống Trung Quốc vì đánh bắt số lượng lớn sò tai tượng ở Bãi Scarborough. Ông Locsin viết trên Twitter, “Chúng tôi vừa phát hiện họ làm điều đó trong thời gian gần đây, đã gửi công hàm phản đối và sẽ xem xét hành động pháp lý”. Trả lời phỏng vấn của CNN hôm 16/4, khi được hỏi Manila sẽ có phản ứng gì với Trung Quốc ngoài việc gửi đi các công hàm phản đối ngoại giao như thường lệ, Ngoại trưởng Teodoro Locsin trả lời Philippines có thể “nhờ đến đồng minh quân sự duy nhất nếu có một hành động xâm lược rõ ràng ở Biển Đông.”

Người Phát ngôn Tổng thống tranh cãi với cựu Ngoại trưởng Philippines về Biển Đông. Cựu Ngoại trưởng Philippines ông Albert del Rosario hôm 16/4 tuyên bố, “Những điều người Phát ngôn Tổng thống đề cập hoàn toàn dại dột bởi ông ấy dường như đã đầu hàng khi không hành động gì để bảo vệ một cách hòa bình những gì vốn thuộc về chúng ta.” Trước đó hôm 14/4, người Phát ngôn Tổng thống Panelo cho hay, “Chính quyền Tổng thống Duterte chưa từng từ bỏ Phán quyết, chỉ chưa thực thi do không thế lực bên ngoài nào giúp Philippines thực thi Phán quyết”. Đáp lại, ông Panelo hôm 18/4 tuyên bố chính quyền Duterte đang “cố gắng giải quyết hậu quả của cựu Ngoại trưởng” sau khi Philipines mất quyền kiểm soát bãi Scarborough năm 2012 vào tay Trung Quốc. Ông Panelo tuyên bố “Điều dại dột là một người mang danh nghĩa chủ nghĩa yêu nước đưa ra tuyên bố thiếu thận trọng về báo cáo chưa được kiểm chứng về sự xâm nhập hoặc quấy nhiễu, hoặc tiến hành các hành động có thể dẫn đến trả đũa vũ trang”.

+ Indonesia:

Hải quân Indonesia bắt giữ hai tàu cá Việt Nam. Truyền thông Indonesia dẫn lời Chỉ huy trưởng Hạm đội Hải quân I, Chuẩn Đô đốc Yudo Margono cho biết, khi tuần tra ở vùng biển phía Tây Indonesia tàu Hải quân Indonesia KRI Usman Harun-359 ngày 13/4 phát hiện 2 tàu cá Việt Nam đang đánh bắt cá ở vùng biển Indonesia bằng lưới đôi nên đã đuổi theo và bắt giữ 2 tàu trên. Trên tàu BV 9888 TS công do thuyền trưởng Lê Văn Ta điều khiển có 3 thuyền viên Việt Nam và một khối nước đá đông lạnh; trên tàu BV 8118 TS do thuyền trưởng Văn Nghiệp điều khiển có 17 thuyền viên Việt Nam và một tấn các loại cá. Tư lệnh tàu KRI Usman Harun-359, Thượng tá Hải quân Himawan đã ra lệnh đưa hai tàu cá Việt Nam về Lanal Ranai để xử lý theo luật.

+ Nga:

Biên đội tàu chiến Nga thăm cảng Cam Ranh. Biên đội gồm hai tàu khu trục hạm săn ngầm Đô đốc Vinogradov, Đô đốc Tributs, và tàu tiếp dầu Irkut đã cập cảng quốc tế quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) từ ngày 16 - 21/4. Theo lịch trình, đoàn hải quân Nga sẽ gặp đại diện Vùng 4 Hải quân Việt Nam, viếng thăm Tượng đài Cam Ranh, tham quan thành phố. Biên đội Nga xuất phát từ quân cảng Vladivostok ngày 1/4, có chuyến thăm cảng Manila (Philippines) từ 8 – 12/4. Sau khi thăm Cam Ranh, nhóm tàu chiến Nga sẽ đến Trung Quốc tham gia cuộc diễn tập chung giữa hải quân 2 nước. Tàu Đô đốc Vinogradov và Đô đốc Tributs là khu trục hạm săn ngầm thuộc lớp tàu Dự án 1155 Udaloy, được đóng từ những năm 1980.

Hoạt động song phương, đa phương

Nhật Bản - Philippines tăng cường hợp tác quốc phòng. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã có chuyến thăm Nhật Bản và hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takesi Iwaya ngày 17/4. Hai Bộ trưởng “ghi nhận quan hệ hợp tác tiến nhanh trong nhiều lĩnh vực và cam kết tăng cường trao đổi trong lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo và đối phó thảm họa giữa hai lực lượng lục quân, sửa chữa và bảo trì tàu giữa lực lượng Hải quân, và huấn luyện phi công giữa lực lượng Không quân”. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines bày tỏ sự cảm ơn đối với việc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản chuyển giao 5 máy bay TC-90, linh kiện và trang bị bảo dưỡng UH-1H cho Không quân Philippines, hoan nghênh việc tàu khu trục lớn nhất Nhật Bản JS Izumo thăm Philippines vào tháng 7/2019. Hai nước dự kiến tổ chức Đối thoại Quốc phòng cấp Thứ Trưởng lần thứ 6 vào năm nay.

Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương lần đầu tiên thăm Việt Nam. Ngày 18/4/2019, Đô đốc Philip S. Davidson đã kết thúc chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam trên cương vị Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Hoa Kỳ (USINDOPACOM).  Trong các cuộc gặp giữa Đô đốc Davidson và các quan chức chính phủ và quốc phòng cấp cao của Việt Nam, hai bên đã thảo luận về việc tiếp tục triển khai hợp tác an ninh giữa Mỹ và Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, bao gồm giải quyết các vấn đề chiến tranh để lại, tăng cường năng lực của Việt Nam trong hoạt động gìn giữ hòa bình, xây dựng năng lực chấp pháp trên biển, và đảm bảo sự tự do và rộng mở của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đô đốc Davidson khẳng định trong chuyến thăm, “Hợp tác quốc phòng giữa hai nước dựa trên lợi ích chiến lược chung trong việc đảm bảo chủ quyền và độc lập của Việt Nam và thúc đẩy một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.”

Bộ trưởng Mỹ - Nhật Bản đối thoại '2+2' tại Washington. Phát biểu tại họp báo sau cuộc hội đàm hôm 19/4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định, “Chúng tôi phản đối việc quân sự hóa và các hoạt động gây bất ổn khác ở Biển Đông và Biển Hoa Đông; thúc giục các bên tôn trọng hoàn toàn tiến trình ngoại giao và pháp lý, đồng thời theo đuổi các biện pháp giải quyết hòa bình tranh chấp biển, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Các bên phải tuân thủ UNCLOS.” Theo Ngoại trưởng Pompeo, “hai bên chia sẻ quan ngại về cạnh tranh địa chính trị và nỗ lực cưỡng ép phương hại các nguyên tắc, quy định luật pháp, đặc biệt từ Trung Quốc, đặt ra các thách thức đối với các Đồng minh và môi trường hòa bình, ổn định, thịnh vượng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Hai nước nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an ninh mạng và không gian./.