Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc thu thập 'dữ liệu lịch sử' về Biển Đông. Hãng Xinhua hôm 21/6 trích lời Viện phó Viện Hải dương Nam Hải thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc cho hay các nhà nghiên cứu nước này sẽ thu thập và tổng hợpnhững dữ liệu và tài liệu” được ghi lại trong các cuộc thám hiểm Biển Đông từ những năm 1950. Theo hãng Xinhua, dự án này là một trong 14 chương trình được Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua trong năm nay với sự tham gia của 193 học giả đến từ 10 viện nghiên cứu và các trường đại học Trung Quốc.

Trung Quốc đề nghị Ấn Độ và Mỹ không can dự vào Biển Đông. Trước thềm cuộc gặp của Thủ tướng Ấn độ Narendra Modi và Tổng thống Donald Trump hôm 26/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 23/6 tuyên bố, “Với các nỗ lực chung của ASEAN và Trung Quốc, tình hình khu vực đang hạ nhiệt. Trung Quốc hy vọng các nước khác, đặc biệt là các nước ngoài khu vực, nên tôn trọng nỗ lực này và đóng vai trò tích cực để duy trì hoà bình và ổn định khu vực.”

Trung Quốc đưa ra tầm nhìn hợp tác biển theo sáng kiến vành đai, con đường. Ngày 20/6 tại Bắc Kinh, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc đã công bố "Tầm nhìn hợp tác trên biển trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai, Con đường". Tuyên bố nêu rõ, “Hợp tác trên biển sẽ tập trung vào việc xây dựng tuyến đường kinh tế biển xanh Trung Quốc-Ấn Độ Dương-Châu Phi-Địa Trung Hải, bằng cách kết nối Hành lang kinh tế bán đảo Trung Ấn, chạy dọc Biển Đông rồi hướng sang phía tây, kết nối Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan và Hành lang kinh tế Bangladesh-Trung Quốc-Ấn Độ-Myanmar". Trung Quốc cũng nêu 5 ưu tiên trong hợp tác với các quốc gia chạy dọc sáng kiến "Vành đai, Con đường" (BRI) bao gồm: phát triển xanh, thịnh vượng từ biển, an ninh hàng hải, tăng trưởng sáng tạo và quản trị chung. Ngoài ra, Tuyên bố cũng đề cập tới việc tăng cường kết nối biển thông qua một loạt các cảng biển của những quốc gia nằm trong BRI.

+ Việt Nam:

Hải quân Philippines - Việt Nam giao lưu thể thao trên đảo Song Tử Tây. Ngày 22/6, hải quân hai nước thi đấu các môn bóng đá, bóng chuyền và kéo co trên đảo Song Tử Tây của Việt Nam. Đây là lần thứ 3 hai bên tổ chức hoạt động giao lưu nhằm xây dựng lòng tin và tăng cường phối hợp giữa hai nước trong vấn đề Biển Đông (lần đầu tiên năm 2014 và lần thứ hai vào năm 2015).

+ Nhật Bản:

Tàu chiến Nhật Bản đưa quan chức quốc phòng ASEAN thăm quan Biển Đông. Trong bản đề cương kế hoạch do Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố, các sỹ quan từ 10 nước ASEAN sẽ lên tàu trực thăng Izumo ở Singapore vào ngày 19/6 để bắt đầu chuyến tham quan kéo dài 4 ngày. Trong khi đó, các đại diện quân sự khác của ASEAN sẽ tham dự một cuộc diễn tập của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Một quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản khẳng định: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi tổ chức một sự kiện như vậy."

Quan hệ các nước

Philippines, Malaysia và Indonesia tuần tra chung trên biển. Ngày 19/6, hải quân ba nước bắt đầu hoạt động tuần tra chung nhằm tăng cường an ninh trước các nguy cơ khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia tại khu vực biên giới chung trên biển Sulu. Buổi lễ khai mạc diễn ra tại căn cứ hải quân ở Borneo của Indonesia có sự tham dự của bộ trưởng quốc phòng và tư lệnh quân đội 3 nước. Quan chức quốc phòng Singapore và Brunei cũng tham gia buổi khai mạc với tư cách quan sát viên. Cùng ngày, Indonesia đã khánh thành một trung tâm chỉ huy biển điều phối hoạt động tuần tra chung tại căn cứ Tarakan. Dự kiến trung tâm chỉ huy biển khác cũng sẽ được xây dựng ở Tawau, Malaysia và Bongao ở Philippines.

Ấn Độ - Mỹ kêu gọi tôn trọng tự do hàng hải, hàng không. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Donald Trump hôm 26/6 trong chuyến thăm chính thức Washington. Tuyên bố sau cuộc gặp khẳng định, “Phù hợp với các quy định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, Tổng thống Trump và Thủ tướng Modi cam kết thiết một bộ quy tắc chung trong khu vực, theo đó chủ quyền và luật pháp quốc tế phải được tôn trọng. Vì mục tiêu này, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải, hàng không và hoạt động thương mại không bị cản trở trong khu vực; kêu gọi các bên giải quyết hòa bình tranh chấp biển hòa bình, phù hợp với luật pháp.”

Mỹ và Trung Quốc tổ chức Đối thoại An ninh - Ngoại giao tại Washington. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis cùng Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì và Tổng tham mưu trưởng PLA Tướng Phòng Phong Huy sẽ đồng chủ trì Đối thoại này hôm 21/6. Quyền Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương bà Susan Thornton hôm 19/6 đã trả lời báo giới về các nội dung liên quan tới Đối thoại này. Về Biển Đông, bà Thornton khẳng định, “Vấn đề tranh chấp Biển Đông sẽ là một chủ đề được hai bên thảo luận. Mỹ cho rằng điều quan trọng là các tranh chấp cần được giải quyết hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Phía Mỹ từng bày tỏ quan ngại về hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc và nguy cơ quân sự hóa khu vực. Các bên nên ngừng việc xây dựng và quân sự hóa tiền đồn ở đây, tạo điều kiện cho tiến trình ngoại giao.” Phát biểu trong cuộc họp báo sau đối thoại ngày 21/6, Ngoại trưởng Rex Tillerson cho biết “Bộ trưởng Mattis và tôi nói rõ rằng lập trường của Mỹ về vấn đề Biển Đông là không thay đổi. Chúng tôi phản đối việc thay đổi nguyên trạng thông qua việc cải tạo các tiền đồn và yêu sách biển thái quá đi ngược lại luật pháp quốc tế. Mỹ cam kết tiếp tục duy trì tự do hàng hải và hàng không ở khu vực”.

Phân tích và đánh giá

Nhận diện chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đôngcủa Shin Kawashima

Trung Quốc đang có những bước đi cẩn trọng đối với những tranh chấp ở Biển Đông. Những cải cách quân sự hiện tại đã diễn ra từ cuối năm 2016 khi Phó Đô đốc Viên Dự Bách được bổ nhiệm làm Tư lệnh chiến khu miền Nam, chịu trách nhiệm ở khu vực Biển Đông.

Mặc dù Trung Quốc được cho là sẽ có những hành động hung hăng hơn ở Biển Đông, nhưng có vẻ nước này đang thể hiện lập trường mềm mỏng. Liệu động thái này có ý nghĩa như thế nào?

Mỹ cũng là một nhân tố cần tính đến trong vấn đề này. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng đề cập rằng những cam kết của Mỹ với chính sách “Một Trung Quốc” có thể thay đổi. Vẫn có nhiều điều không chắc chắn. Trung Quốc có vẻ muốn thiết lập một mối quan hệ vững chắc với Mỹ trước khi xây dựng các chính sách khác. Trước khi thiết lập mối quan hệ này, Trung Quốc cần tránh những quyết định quan trọng có thể làm gia tăng nguy cơ, mặc dù nó có thể góp phần triển khai các chính sách ở một mức độ nào đó.

Một nhân tố khác là tình hình nội bộ ở Trung Quốc. Năm 2017 được xem là năm quan trọng đối với Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ưu tiên chính trị hàng đầu của Tập Cận Bình là thực hiện cải tổ lại hệ thống nhân sự trong mùa thu và củng cố thêm quyền lực trong nhiệm kỳ thứ hai của mình. Trên mặt trận ngoại giao, ông Tập muốn tổ chức các sự kiện lớn hàng tháng cho tới mùa thu để nhấn mạnh những kết quả đạt được trong nửa đầu nhiệm kỳ của mình. Có thể nhận định Chủ tịch Tập sẽ không tạo ra tình thế bất ngờ nào trong thời gian tới, ít nhất là cho đến tháng Bảy, khi cả Trung Quốc và Mỹ cùng mong đợi đạt được thỏa thuận trong các vấn đề kinh tế.

Chúng ta cần xem xét liệu tình hình này có tiếp tục sau một thời gian nữa? Quần đảo Trường Sa, và cụ thể là Bãi cạn Scarborough, đóng vai trò quan trọng đối với Trung Quốc. Trung Quốc đang cố gắng xây dựng một căn cứ quân sự trên Bãi cạn này để tang cường năng lực hải quân và không quân ở phần Đông Bắc của Biển Đông. Nước này mong muốn xây dựng được một lộ trình để triển khai các tàu ngầm nằm dọc đảo Hải Nam ra Biển Thái Bình Dương một cách an toàn.

Mặc dù Trung Quốc đang thể hiện thái độ hòa bình, nhưng về lâu dài, nước này chắc chắn sẽ vẫn triển khai xây dựng một căn cứ ở Bãi cạn Scarborough.

Sau những động thái của Philippines kể từ Tòa trọng tài đưa ra phán quyết vào tháng 7/2016, căng thẳng hai bên đã giảm đi, cùng với đó là hàng loạt hiệp định song phương Trung Quốc – Philippines. Tuy nhiên, những hiệp định này không thể coi là một giải pháp đối với Trung Quốc. Tháng Hai vừa rồi, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói rằng Trung Quốc cuối cùng cũng sẽ cải tạo Bãi cạn Scarborough và xây dựng căn cứ quân sự ở khu vực này.

Nếu Trung Quốc hành động một cách hung hăng, nước này sẽ cáo buộc Philippines vi phạm hiện trạng. Trung Quốc đang tìm cách đảm bảo quyền đơn phương giải thích “thỏa thuận”.

Tầm quan trọng về sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Biển Đôngcủa Ankit Panda.

Tháng trước, một tàu khu trục của Hải quân Mỹ tiến hành hoạt động tự do hàng hải đầu tiên (FONOP) trên Biển Đông kể từ khi Tổng thống Donald J.Trump nắm quyền hồi tháng 1, khẳng định tự do hàng hải trên vùng biển quốc tế xung quanh Bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi  tàu USS Decatur thực hiện một hoạt động FONOP khác ở Quần đảo Hoàng Sa vào hồi tháng 11/2016, đánh dấu quãng “nghỉ” lâu nhất giữa hai lần tiến hành FONOP kể từ khi Mỹ bắt đầu tiến hành các hoạt động này gần khu vực tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông vào tháng 11/2015.

Robert Farley cho rằng các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông nhận được khá nhiều sự quan tâm bởi vì thực tế là Trung Quốc có xu hướng đáp trả công khai và tiêu cực đối với mỗi hoạt động như vậy. Các hoạt động này cũng được coi là một trong số ít công cụ cường độ thấp mà Hải quân Mỹ sử dụng ở Biển Đông để củng cố các chuẩn mực quốc tế. Năm lần tiến hành hoạt động FONOPs ở Biển Đông từ hồi tháng 11/2015 đến nay vẫn nhận được khá nhiều tranh luận công khai về nhiều vấn đề, bao gồm tính hiệu quả cũng như các chi tiết cụ thể về khía cạnh pháp lý mà hoạt động FONOP thực hiện nhằm thách thức các yêu sách ở Biển Đông.

Hải quân và Bộ Quốc phòng Mỹ theo đuổi một chiến lược truyền thông phối hợp liên quan đến các hoạt động FONOP. Lần tiến hành đầu tiên gây ra những mơ hồ về nội dung và lý do của hoạt động FONOP. Ba lần tiến hành tiếp theo dưới thời ông Obama đã được báo chí phân tích và đưa tin, làm rõ một số vấn đề về các chi tiết cụ thể của hoạt động FONOP ở Biển Đông. Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa thể đưa ra báo cáo hàng năm về các hoạt động tự do hàng hải này.

Gần đây, Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng Hải quân Mỹ đang hy vọng sẽ gia tăng hiện diện của mình ở Biển Đông nhằm thách thức các tuyên bố của Trung Quốc ở khu vực như một phần của các hoạt động tự do hàng hải.

Trong khi các hoạt động tự do hàng hải vẫn tiếp tục, nhưng sẽ diễn ra một cách “thầm lặng” hơn. Hiện tại, số ngày mà các tàu Hải quân Mỹ có mặt ở Biển Đông sẽ lên đến 900 vào năm 2017 theo tỷ lệ hiện tại, cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình vào khoảng 600-700 ngày.

Phát biểu mềm mỏng và hiện diện có thể là một cách mới mà Hải quân Mỹ áp dụng ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis cũng nhấn mạnh quân đội Mỹ sẽ “thể hiện quyết tâm thông qua hoạt động hiện diện ở Biển Đông và hơn thế nữa”. “Các hoạt động triển khai ở khu vực thể hiện sự sẵn sàng bảo vệ cả lợi ích của Mỹ và sự tự do được ghi nhận trong luật pháp quốc tế.”

Bộ trưởng Mattis khiến chúng ta nhớ đến những người tiền nhiệm khi nói rằng Hải quân Mỹ sẽ triển khai ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Năm 2017, nước Mỹ có thể đạt được lợi ích khi hiện diện thường xuyên ở khu vực.

Sau thời gian hòa dịu, Mỹ sẽ lại tiếp tục gây áp lực lên Trung Quốc về vấn đề Biển Đông” của Ralph Jennings

Trong tháng Tư, tổng thống Mỹ Donald Trump đã ngưng chỉ trích Trung Quốc về việc nước này thắt chặt kiểm soát ở Biển Đông, nhưng sự hợp tác của hai siêu cường, nhằm ngăn chặn Triều Tiên, có dấu hiệu kết thúc. Trump được cho là ​​sẽ bắt đầu gia tăng áp lực lên Bắc Kinh để ngăn chặn Trung Quốc có thể kiểm soát toàn bộ Biển Đông.

Dưới thời cựu tổng thống Barack Obama, một số nước có tranh chấp với Trung Quốc tìm kiếm sự trợ giúp của Mỹ. Nhưng hiện nay Washington xa cách hơn, và các nước này đang nghiêng về phía Trung Quốc khi mà Bắc Kinh cung cấp viện trợ, thương mại và đầu tư để làm dịu đi sự phản đối.

Khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis gặp Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì ngày 21/6, hai bên được cho là sẽ nói đến vấn đề này. Yun Sun, chuyên gia cao cấp của Chương trình Đông Á thuộc Trung tâm Stimson cho biết: “Biển Đông sẽ là vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự, hoặc ít nhất là từ phía Mỹ. Trung Quốc có thể coi Biển Đông là một vấn đề ít quan trọng hơn do mối quan hệ được cải thiện với Manila, nhưng đây vẫn là mối quan tâm chính của Washington.”

Manila cho Washington thấy ví dụ điển hình về việc Trung Quốc khiến Đông Nam Á ủng hộ mình như thế nào. Sau phán quyết tháng 7/2016, Tổng thống Rodrigo Duterte đã “kết bạn” với Trung Quốc, tạm dừng vấn đề tranh chấp chủ quyền khi Manila nhận viện trợ và đầu tư từ Trung Quốc.

Mỹ không muốn Trung Quốc giành được quá nhiều lợi thế ở Đông Nam Á, đi ngược lại lợi ích lâu dài của Mỹ trong việc giữ cân bằng địa chính trị giữa hai cường quốc. Washington muốn Biển Đông là vùng biển mở và tự do thương mại, hàng hải.

Bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, “hoạt động tự do hàng hải” vào cuối tháng 5 của tàu hải quân Mỹ ở Biển Đông là một dấu hiệu cho thấy chính phủ Mỹ đang gây áp lực. Ngày 3/6, ông Mattis cho biết ông đã lường trước xung đột giữa hai nước: “Phạm vi và ảnh hưởng của các hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông khác với các nước khác ở nhiều phương diện chính. Điều này bao gồm bản chất của việc quân sự hóa, sự coi thường của Trung Quốc đối với luật pháp quốc tế, sự chà đạp lên lợi ích của các quốc gia khác, và những nỗ lực loại bỏ cách giải quyết không gây ra xung đột.”

Vấn đề Triều Tiên chắc chắn sẽ xuất hiện trong cuộc đối thoại tuần này. Theo các nhà quan sát, đối thoại lần này có lẽ sẽ mang tính hình thức hơn là thực chất. Nhưng một khi hai bên “va chạm” ở mức độ sâu hơn, hợp tác có thể đi vào ngõ cụt. Lo ngại việc Trung Quốc muốn bảo vệ Triều Tiên hơn là việc phản đối vấn đề hạt nhân của nước này, có ý kiến cho rằng, Mỹ cần nhắc nhở Trung Quốc về việc tiến hành cấm vận các doanh nghiệp và ngân hàng Trung Quốc đại diện cho Triều Tiên, nếu Tập Cận Bình không hành động thực sự”. Với cách tiếp cận mới táo bạo này, Trump sẽ có nhiều lợi thế hơn khi tăng thêm áp lực lên Bắc Kinh ở Biển Đông.

Hai lỗi trọng yếu trong chính sách Biển Đông của Mỹ của Ely Ratner

Trong cuộc đối thoại An ninh và Ngoại giao Mỹ - Trung, một phóng viên tờ The Washington Post đã đưa ra câu hỏi đối với quyền trợ lý ngoại trưởng Mỹ Susan Thornton về cách tiếp cận của chính quyền Trump đối với Biển Đông. Câu trả lời của Thornton thể hiện hai thiếu sót lớn trong chính sách của Mỹ ở Biển Đông và điều này đang mở đường cho Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á.

Thứ nhất, việc Mỹ kêu gọi Trung Quốc và các bên tranh chấp chấm dứt các hoạt động quân sự hóa các đảo ở Biển Đông. Tuy nhiên vấn đề là: lời kêu gọi không quân sự hóa sẽ không thay đổi được hành vi của Trung Quốc nếu như không có một cái giá phải trả rõ ràng mà Mỹ áp đặt lên Trung Quốc nếu như nước này tiếp tục chuyển đổi đảo nhân tạo thành căn cứ quân sự. Nếu Trung Quốc không phải trả giá cho những hành động của mình, những gì Mỹ cho rằng “sẽ xảy ra” sẽ trở nên vô nghĩa.

Thứ hai, Thorton cho rằng điều quan trọng là căng thẳng về vấn đề Biển Đông cần được xoa dịu. Điều này cho thấy sự sợ hãi rủi ro cục bộ trong chính sách của Mỹ, một điều sẽ gây tổn hại đến các lợi ích sống còn của Mỹ ở Châu Á. Theo đại chiến lược trăm năm của Mỹ, mục tiêu cơ bản của Mỹ ở Biển Đông là ngăn chặn sự thống trị của một cường quốc đối thủ, trong trường hợp này là Trung Quốc. Đôi khi điều đó có thể là nỗ lực xoa dịu căng thẳng, nhưng ở một số tình thế khác Mỹ phải sẵn sàng đương đầu với tình thế mang tính cạnh tranh và tiềm tàng nguy hiểm hơn. Với mục tiêu chính sách chỉ đơn giản là tìm cách làm giảm căng thẳng thì chính bản thân chính sách đó đã tạo ra môi trường thuận lợi cho sự hung hăng và quân sự hóa của Trung Quốc.

Nếu như thực sự muốn ngăn chặn Trung Quốc kiểm soát Biển Đông, chính quyền của ông Trump cần phải dừng ngay hai lỗi cơ bản này.

Chỉ tránh xung đột trên Biển Đông là không đủ” của Jonathan G. Odom

Tại Đối thoại Shangri-La 2017, một diễn giả quân sự của Trung Quốc là Zhou Bo đã đưa ra quan điểm của Trung Quốc về vấn đề an ninh. Tuy nhiên, nhiều quan niệm bị bỏ qua, đơn giản hóa hoặc lợi dụng các nhân tố cơ bản từ trật tự thế giới dựa trên luật pháp.

Đầu tiên, ông cho rằng tất cả các nước Châu Á – Thái Bình Dương chia sẻ mối quan tâm trong việc tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển kinh tế và không có mối đe dọa thực sự nào của một cuộc xung đột lớn trên biển. Tuy nhiên, khu vực này không nằm ngoài nguy cơ của những cuộc đối đầu, leo thang, hiểu nhầm, đụng độ bất ngờ trên biển, nhất là phát sinh từ việc cố ý và gia tăng sử dụng các lực lượng phi truyền thống.

Các nhà quan sát đã chú ý đến chiến thuật “lát cắt salami” của Trung Quốc, bao gồm phát triển lực lượng Cảnh sát Biển trở thành một hiện trạng bình thường mới và việc Trung Quốc huy động lực lượng dân quân  biển như một công cụ của sức mạnh quốc gia.

Thứ hai, Zhou nói các nước Châu Á - Thái Bình Dương có nghĩa vụ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, nhưng ông chỉ nhắc đến đàm phán mà phớt lờ một phương án là dựa trên luật quốc tế, cơ chế về bên thứ ba của tòa án quốc tế, tòa án và trọng tài. Rất khó để các bên có thể thuyết phục với Trung Quốc trên bàn đàm phán rằng yêu sách của họ là đúng luật. Nếu như vậy, không có tranh chấp nào giải quyết được qua đàm phán. Chừng nào Bắc Kinh tiếp tục phủ nhận các cơ chế bên thứ ba thì có thể kết luận rằng Trung Quốc đang tận dụng sức mạnh quân sự ngày càng tăng của mình và sáng kiến “Một vành đai, một con đường” làm sức mạnh áp đảo trên bàn đàm phán.

Thứ ba, như Zhou nhấn mạnh Trung Quốc đã giải quyết một số tranh chấp biên giới với các nước láng giềng thông qua đàm phán. Nhưng ông bỏ qua một trở ngại duy nhất không tồn tại trong những tranh chấp đó: đường chín đoạn của Trung Quốc. Năm ngoái, Tòa trọng tài phán quyết rằng đường chín đoạn không hợp lệ theo UNCLOS. Trong khi đó, lý thuyết đàm phán và các nghiên cứu tình huống cho thấy rằng các bên tranh chấp chỉ có thể đạt được kết quả chỉ khi có một “khu vực có thể thỏa thuận” - nghĩa là khi có một phạm vi các lựa chọn rõ ràng có thể đáp ứng quyền lợi của tất cả các bên có liên quan. Trong khi đường chín đoạn của Trung Quốc bao phủ tất cả các yêu sách về vùng EEZ của các bên.

Thứ tư, Zhou thừa nhận tầm quan trọng của tự do hàng hải, nhưng ông cho rằng sự khác nhau trong quan điểm về tự do hàng hải chỉ là sự khác biệt của quan điểm pháp lý. Ông than phiền rằng có lẽ một số quốc gia (ám chỉ Mỹ) tiến hành khảo sát và tuần tra ở vùng EEZ của nước khác là không thân thiện hoặc thù địch. Nhưng ông bỏ qua việc Trung Quốc trong những năm gần đây cũng khảo sát và tuần tra ở vùng EEZ của nhiều nước.

Thứ năm, ông nhấn mạnh rằng các nước phải tuân thủ COLREGs, một hiệp định mang tính ràng buộc mà gần như tất cả các quốc gia  Châu Á – Thái Bình Dương đều tham gia. Ông cũng kêu gọi 21 nước thành viên của Hội nghị Chuyên đề Hải quân Tây Thái Bình Dương tôn trọng CUES, một quy trình an toàn không bắt buộc được thông qua năm 2014.

Chắc chắn là các tranh chấp lãnh thổ và biển của khu vực Châu Á Thái Bình Dương sẽ không được giải quyết sớm. Rõ ràng là trong tương lai gần, các biện pháp mà các quốc gia sử dụng để quản lý và giải quyết tranh chấp phải mang tính thực tế đồng thời dựa trên luất pháp của trật tự thế giới hiện hành./.