Bản PDF tại đây

 

Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc xây xong đường băng trái phép ở Hoàng Sa. Tân Hoa Xã cho hay, Trung Quốc đã hoàn tất việc xây dựng đường băng dài 2.000m trên đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), “Với việc hoàn thành và tiếp tục cải tạo đường băng trên đảo Phú Lâm, máy bay quân sự có thể được triển khai ở quần đảo Hoàng Sa, giúp cải thiện khả năng phòng thủ của Trung Quốc.” Theo hãng thông tấn này, Trung Quốc đã triển khai quân đồn trú và bắt đầu thiết lập hệ thống tuần tra tại "thành phố Tam Sa" trong năm nay, đồng thời mở rộng xây dựng cơ sở hạ tầng và thúc đẩy du lịch tại đây.

Trung Quốc sẽ phóng vệ tinh giám sát biển mới. Trung Quốc cho hay nước này sẽ phóng một “chòm” những vệ tinh do thám hải dương mới vào năm 2019 để giám sát tàu thuyền, giàn khoan dầu, thảm họa trên biển và các nguồn tài nguyên trên đất liền. Theo Phó Chủ nhiệm Trung tâm Ứng dụng Vệ tinh Hải dương Quốc gia, “chòm vệ tinh” Hải dương-3 sẽ bao gồm một loạt các vệ tinh sử dụng công nghệ radar khẩu độ tổng hợp, có khả năng hoạt động suốt ngày đêm và trong mọi điều kiện thời tiết. Theo ông này, nhóm vệ tinh trên sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền trên biển của Trung Quốc, giúp quản lý các vùng biển xa, cũng như cứu trợ và khắc phục thiên tai trên biển.

Trung Quốc phản ứng tuyên bố chung của Mỹ-Ấn đề cập về Biển Đông. Về tuyên bố chung của Mỹ-Ấn gần đây “bày tỏ quan ngại trước những căng thẳng gia tăng trong tranh chấp Biển Đông,” ngày 8/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố: “Lập trường của Trung Quốc đó là tranh chấp trên Biển Đông phải được giải quyết bởi các nước có liên quan trực tiếp, thông qua đối thoại và tham vấn. Và bất kỳ bên thứ ba nào cũng không nên tham gia vào tranh chấp này.”

Trung Quốc biên chế tàu thực nghiệm thế hệ mới nhất. Tờ “Hải dương Trung Quốc” ngày 11/10 đưa tin mới đây nước này đã tổ chức lễ kéo cờ và đặt tên cho tàu thực nghiệm tổng hợp thế hệ mới nhất cho lực lượng hải quân tại một quân cảng ở thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông. Con tàu “Lí Tứ Quang” này dài 129,3 mét, rộng 17 mét, do Trung Quốc tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, được khởi công đóng năm 2012 và hạ thủy tháng 11/2013. 

Đài Loan dự kiến cho tàu hải tuần cỡ lớn ra đóng tại đảo Ba Bình. Trong phiên điều trần trước Viện lập pháp Đài Loan hôm 8/10, Phó Tư lệnh lực lượng tuần duyên Đài Loan cho hay kế hoạch triển khai tàu tuần tra lớn tại đảo Ba Bình có thể được tiến hành vào cuối năm 2015, sau khi công việc xây dựng cầu tàu trên đảo này được hoàn tất. Lực lượng tuần duyên sẽ cho triển khai tại đảo Ba Bình các tàu cỡ lớn, trong đó có 2 chiếc 3.000 tấn vừa đóng xong và 2 tàu cứu hộ Nghi Lan (Yilan) và Cao Hùng (Kaoshiung). Ngoài ra, tuần duyên Đài Loan cũng đã thảo luận với Hải quân về việc đưa hộ tống hạm đến đồn trú tại Ba Bình, nhưng chưa có quyết định về việc này.

+ Việt Nam:

Việt Nam phản đối Trung Quốc xây dựng đường băng trên đảo Phú Lâm.Ngày 9/10, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước hành động xây dựng đường băng của Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc ký tháng 10/2011, đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước; vi phạm luật pháp quốc tế và DOC ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, làm cho tình hình Biển Đông thêm căng thẳng và phức tạp, không có lợi cho việc phát triển mối quan hệ giữa hai nước." Ông Lê Hải Bình nhấn mạnh hành động nêu trên của Trung Quốc là vô giá trị, không thể làm thay đổi thực tế là Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa.

 

Quan hệ các nước

Trung Quốc-ASEAN ký Biên bản ghi nhớ về xử lý thảm họa. Ngày 6/10, tại thủ đô Jakarta của Indonesia, Trung Quốc và ASEAN đã ký Bản ghi nhớ (MoU) về xử lý thảm họa. Đây là bước khởi đầu nhằm cải thiện quan hệ đối tác giữa ASEAN và Trung Quốc trong lĩnh vực này. Theo MoU, Trung Quốc sẽ tài trợ 50 triệu Nhân dân tệ (khoảng 8,1 triệu USD) để thực hiện Hiệp định ASEAN về Chương trình Công tác Ứng phó khẩn cấp và Xử lý thảm họa, cũng như vận hành Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo đối với việc xử lý thảm họa và chương trình xây dựng năng lực của Ban Thư ký ASEAN về xử lý thảm họa.

Australia-Mỹ-Trung Quốc lần đầu tập trận chung tại Darwin. Quân đội Australia, Mỹ và Trung Quốc ngày 7/10 đã bắt đầu cuộc diễn tập trên bộ mang tên Kowari 14 tại Darwin. Đây là cuộc diễn tập ba bên đầu tiên ở loại hình này và được coi là một mốc lịch sử trong hợp tác quốc phòng giữa Australia, Mỹ và Trung Quốc. Tham gia tập trận có 10 binh sỹ đến từ quân đội Australia, 10 binh sỹ của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, 5 binh sỹ từ Hải quân Mỹ cùng với hơn 100 quân nhân khác có vai trò hỗ trợ hậu cần và liên lạc. Cuộc diễn tập Kowari 14 sẽ giúp quân đội ba nước rèn luyện khả năng sống sót ở vùng rừng sâu và kỹ năng phối hợp cần thiết để thành công.

Trung Quốc và Malaysia cam kết thúc đẩy quan hệ song phương. Thủ tướng Malaysia Najib Razak tuyên bố Kuala Lumpur sẵn sàng ủng hộ những sáng kiến của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm xây dựng một Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21 và thành lập một ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á.Tại cuộc gặp ngày 7/10 với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đang thăm Malaysia, Thủ tướng Najib cho biết Malaysia sẽ tích cực tham gia, phối hợp với Trung Quốc và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực. Về phần mình, ông Dương Khiết Trì khẳng định Trung Quốc ủng hộ Malaysia giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm sau và sẽ tăng cường hợp tác để thúc đẩy quan hệ Trung Quốc-ASEAN.

Phân tích và đánh giá

“Nước cờ sai lầm của Trung Quốc trên Biển Đông?” Việc Trung Quốc hoàn tất xây dựng đường băng ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam có nguy cơ làm mối quan hệ giữa hai nước thêm vết rạn nứt mới. “Đây là một diễn biến rất đáng chú ý trong tham vọng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Nhưng Việt Nam sẽ không dễ dàng bỏ qua. Sẽ có những căng thẳng mới trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước”, ông Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu thuộc Trường Quan hệ Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore, đánh giá. Theo ông Koh, những vụ va chạm giữa tàu Việt Nam và tàu Trung Quốc gần nơi đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong mùa hè vừa qua đã cho thấy hạn chế trong năng giám sát trên không của Trung Quốc tại khu vực này. Ngoài ra, theo ông Koh, việc Malaysia đề xuất cho máy bay giám sát P-8 Poseidon của Mỹ đồn trú tại nước này càng khiến Trung Quốc e ngại. Mục tiêu của Trung Quốc là đưa Phú Lâm thành một trung tâm chỉ huy và mạng lưới điều khiển quân sự. “Họ sẽ không chỉ kéo dài đường băng. Họ sẽ xây dựng nơi đỗ trú cho các loại máy bay nhỏ như chiến đấu cơ, và hầm chứa nhiên liệu và đạn dược”. Còn ông Alexander Vuving, nhà phân tích an ninh thuộc Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương, thì đánh giá: “Trung Quốc đang gửi đi một thông điệp tới cả thế giới rằng, họ quyết tâm duy trì cái mà họ gọi là sự toàn vẹn lãnh thổ. Trung Quốc đang thể hiện quan điểm khá cứng rắn”. Đầu tháng này, Mỹ đã tuyên bố nới lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Theo đó, Việt Nam sẽ được mua các loại vũ khí không gây sát thương từ Mỹ, bao gồm máy bay trinh sát P-3 Orion. Theo ông Koh, loại máy bay này không hiện đại bằng loại P-8 nhưng có khả năng tốt hơn máy bay do thám của Trung Quốc. Theo ông Koh, các nước như Việt Nam và Philippines đang lo ngại việc Trung Quốc có thể tìm cách thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông như đã làm trên Biển Hoa Đông. Trong khi đó, theo chuyên gia Vuving, cách nghĩ và cách làm của Trung Quốc đang thể hiện một nước cờ sai lầm, “Rồi mọi người sẽ thấy sự sắp xếp lại trong khu vực.”

“Vì sao vấn đề Biển Đông được đề cập trong tuyên bố Mỹ - Ấn” của C Raja Mohan. Lần đầu tiên, vấn đề Biển Đông được đề cập trong Tuyên bố chung Mỹ-Ấn nhân chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mới đây). Động thái này thể hiện sự thay đổi về thái độ chính trị nhiều hơn là về chính sách của Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Modi. Kể từ khi Trung Quốc trở nên quyết đoán hơn tại Thái Bình Dương, Ấn Độ - nước vốn dĩ cũng tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc tại khu vực Himalayas - đã bắt đầu coi trọng vấn đề tự do hàng hải. Phần lớn hoạt động thương mại đang ngày càng tăng của Ấn Độ với khu vực Đông Á đều đi qua Biển Đông. Trong Tuyên bố chung với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Modi đã tái khẳng định điều này, đồng thời nhấn mạnh lập trường của Ấn Độ rằng các tranh chấp Biển Đông phải được giải quyết theo UNCLOS. Quan điểm này được đề cập nhiều lần trong tuyên bố chung của Ấn Độ với các đối tác của mình tại Đông Á. Tuy nhiên, điểm mới là Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Modi đã khẳng định mạnh mẽ lập trường của mình trong Tuyên bố chung với Mỹ. Một trong những di sản của chính sách ngoại giao không liên kết của Ấn Độ là miễn cưỡng đề cập tới lợi ích chiến lược chung với Mỹ trong các vấn đề khu vực và toàn cầu. Thủ tướng Modi đang thay đổi tất cả những gì vốn có bằng cách thể hiện lập trường thực dụng và công khai. Do hoạt động giao thương, nhất là việc nhập khẩu dầu mỏ phụ thuộc nhiều vào đường biển, Ấn Độ và Mỹ có các lợi ích tương đồng. Điều này thể hiện ở sự hợp tác hải quân mạnh mẽ giữa Mỹ và Ấn Độ kể từ khi New Delhi bắt đầu tiến trình toàn cầu hóa kinh tế trong những năm 90 của thế kỷ 20. Tuy nhiên, sự hợp tác này dưới thời Liên minh Tiến bộ Thống nhất (UPA) cầm quyền còn chưa phát huy hết tiềm năng hợp tác giữa hai bên. Trái lại, Thủ tướng Modi sẵn sàng thăm dò tất cả khả năng này. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi Thủ tướng Modi và Tổng thống Obama nhất trí tăng cường hợp tác an ninh biển và “nâng cấp” các cuộc tập trận hải quân song phương “Malabar”. Tuy nhiên, chính sách ngoại giao của Thủ tướng Modi không chỉ giới hạn trong lĩnh vực hải quân. Phát triển cơ sở hạ tầng xuyên biên giới là một ưu tiên lớn đối với chính phủ của ông. Tuyên bố chung Ấn-Mỹ vừa qua đã nói đến hợp tác trong việc liên kết khu vực Nam Á với các thị trường Đông Á thông qua một “hành lang kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Đề nghị này tương tự như kế hoạch của Trung Quốc xây dựng “con đường tơ lụa” nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Đối với Ấn Độ, nước vốn có vẻ lo ngại trước các kế hoạch của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, “hành lang kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” có thể là bước đầu tiên hướng tới việc xây dựng “con đường tơ lụa trên biển” riêng của mình.

Chuyên gia Trung Quốc: Công bố ảnh sân bay ở Hoàng Sa để cảnh báo Việt-Mỹ?” Gần đây Tân Hoa Xã đã công bố hình ảnh mới nhất về hoạt động cải tạo, xây dựng của Trung Quốc ở đảo Phú Lâm, Hoàng Sa. Một nhà phân tích quân sự tại Thượng Hải, Trung Quốc cho rằng, mục đích của Bắc Kinh khi công khai những hình ảnh mới nhất, rõ nhất về sân bay quân sự  trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa  là để gửi thông điệp cảnh báo Việt Nam và Mỹ, rằng Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực. “Đường băng mới được xây dựng của Trung Quốc sẽ trở thành một tàu sân bay không chìm bởi đây sẽ là địa điểm cất và hạ cánh lý tưởng cho binh chủng không quân trong hải quân Trung Quốc”, chuyên gia quân sự tại Thượng Hải Ni Lexiong cho hay, “Bắc Kinh đã có sự chuẩn bị tốt trong trường hợp Mỹ cùng Việt Nam đối phó với Trung Quốc trong cuộc xung đột tiềm tàng có thể xảy ra trong tương lai”. Trong khi đó, ông Li Jie, chuyên gia hải quân Trung Quốc thì cho rằng, đường băng trên đảo Phú Lâm sẽ mở đường cho việc Trung Quốc thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. “Đường băng mới bây giờ sẽ là sân bay lớn nhất ở phía Nam của Trung Quốc”, ông Li Jie nói, ám chỉ gần như toàn bộ Biển Đông này là “của Trung Quốc”. Nó sẽ tăng cường khả năng chiến đấu của các chiến đấu cơ, máy bay trinh sát và thậm chí là cả lực lượng phản trinh sát Trung Quốc. Ngoài mục đích quân sự, đường băng này cũng có thể được Trung Quốc sử dụng vào việc tổ chức các tour du lịch ra quần đảo Hoàng Sa.

Tranh chấp Biển Đông có thể dẫn tới xung đột Trung Quốc-Indonesia? của P K Ghosh. Nếu Indonesia công khai tuyên bố nước này là một bên có tranh chấp tại Biển Đông, điều này sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới môi trường địa chính trị tại khu vực. Thứ nhất, tình hình khu vực sẽ có những diễn biến bất lợi chiến lược cho Trung Quốc bởi việc này sẽ biến Indonesia từ một quốc gia trung gian tích cực, một quốc gia có ảnh hưởng đáng kể lên các quốc gia khác tại ASEAN trở thành đối thủ của Bắc Kinh. Thứ hai, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng cho thấy một bộ mặt quyết đoán hơn tại Biển Đông với việc cải thiện năng lực trên biển, nguy cơ xảy ra các vụ leo thang xung đột hay các tính toán sai lầm sẽ nhiều khả năng xảy ra hơn. Thứ ba, điều này sẽ giúp các quốc gia ASEAN có lý do để hướng tới sự hiện diện rõ ràng hơn của Mỹ tại khu vực, từ đó kiềm chế tham vọng bá quyền của Trung Quốc. Thứ tư, một khi các quốc gia ASEAN ngày càng gắn kết hơn trong cuộc chiến chống Trung Quốc, điều này sẽ gây thêm áp lực buộc Bắc Kinh phải tìm kiếm cách giải quyết pháp lý cho tranh chấp tại khu vực. Thứ năm, Jakarta và Bắc Kinh đang có các chương trình hợp tác sâu rộng liên quan đến lĩnh vực quốc phòng như kế hoạch cùng phát triển và chế tạo tên lửa hải quân. Bắc Kinh cũng đưa ra đề nghị xây dựng một hệ thống giám sát trên biển trị giá 158 triệu USD để bổ sung cho hệ thống hiện có do Mỹ xây dựng trị giá 57 triệu USD. Hai bên cũng đang dự định xây dựng Trung tâm Đại dương và Khí hậu của Indonesia-Trung Quốc để thực hiện công tác nghiên cứu khí hậu với một trạm dự kiến được đặt tại quần đảo Natuna. Tất cả những dự án này sẽ rơi vào quên lãng nếu Indonesia tuyên bố họ là một bên có tranh chấp. Cuối cùng, quyền lợi mà Indonesia có được trong vùng EEZ hoàn toàn phù hợp với UNCLOS. Nếu phía Trung Quốc phản đối điều này, thì chính họ cũng tự làm suy yếu yêu sách “đường chín đoạn” và “các quyền lịch sử” mập mờ mà theo như họ là có cơ sở từ UNCLOS. Với vai trò là một bên trung gian và hình mẫu cho các bên có tranh chấp tại Biển Đông, chính sách ngoại giao của Indonesia cho đến nay đã tỏ ra khá thành công. Tuy nhiên, chính phủ mới của Jakarta đang phải đối mặt với áp lực buộc học phải công khai chống Trung Quốc tại Biển Đông – điều này sẽ khiến họ có khả năng bị rơi vào chiến lược “ngoại giao cưỡng ép mở rộng” của Bắc Kinh. Chiến lược này từng được Trung Quốc áp dụng với các đồng minh của Mỹ như Philippines và Nhật. Tuy nhiên, sau khi sa lầy ở Syria và Crimea, Washington khó có thể toàn tâm toàn ý theo dõi tình hình Biển Đông và hỗ trợ kịp thời các nước tranh chấp với Trung Quốc. Do đó, lựa chọn duy nhất của Indonesia đó là vừa tìm cách tăng cường năng lực quốc phòng – bổ sung thêm các tàu, máy bay chiến đấu Sukhoi và thậm chí trực thăng Apache của Mỹ cho căn cứ không quân Ranai tại quần đảo Natuna, vừa tăng cường hoạt động ngoại giao – cử Tư lệnh các lực lượng vũ trang Indonesia (TNI), Tướng Moeldoko sang gặp người đồng cấp phía Trung Quốc, tuy nhiên có rất ít thông tin được công khai sau cuộc gặp gỡ này. Chắc chắn sẽ đến thời điểm Indonesia phải tuyên bố rõ ràng rằng họ có lập trường khác biệt với Trung Quốc tại Biển Đông.

“Mỹ có thể tấn công đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông.” Theo Tạp chí Kanwa Defense Review của Canada, dự án cải tạo các thực thể ở Biển Đông có thể làm bùng phát xung đột giữa Trung Quốc với Mỹ và các quốc gia khác trong khu vực. Những hình ảnh vệ tinh thu thập được cho thấy, Bắc Kinh đã âm thầm xây dựng đảo nhân tạo tại Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa trong thời gian dài. Chưa dừng lại ở đó, theo tạp chí Kanwa, Bắc Kinh còn lên kế hoạch tăng cường hơn nữa các hoạt động cải tạo đất, nhằm thực hiện tham vọng xây dựng các “tàu sân bay thể đánh chìm” (ám chỉ những hòn đảo có vị chí chiến lược quân sự) tại Biển Đông. Dự kiến, mỗi hòn đảo sẽ có 2 đường băng và 2 cảng biển. Tạp chí Kanwa cho rằng, một khi hoàn thành dự án trên, Trung Quốc có thể triển khai máy bay ném bom chiến lược H-6 cùng tiêm kích chiến đấu tới Biển Đông, đe dọa Mỹ và các đồng minh trong khu vực. Với tầm hoạt động 6.000km và phạm vi chiến đấu lên tới 1.800km, H-6 thừa sức tấn công tất cả các mục tiêu quan trọng tại Đông Á. Thậm chí, với tên lửa hành trình 2.000km, H-6 vẫn có thể vươn tầm với đến các căn cứ quân sự của Mỹ tại Australia. Các tên lửa chống hạm khác của Trung Quốc như YJ-83 và YJ-12 sẽ có thể được sử dụng để phong tỏa hoàn toàn eo biển Malacca. Tạp chí Kanwa nhấn mạnh, điều này đồng nghĩa với việc Mỹ có thể bị Trung Quốc 'trói chặt' trong trường hợp họ tấn công các đồng minh của Washington tại Đông Á. Nếu căn cứ quân sự được Bắc Kinh đặt ở Đá Gạc Ma và Đá Vành Khăn, không khó để nhận thấy các nước ven Biển Đông đều nằm trọn trong vùng kiểm soát của Trung Quốc. Tuy nhiên, một “tàu sân bay không thể bị đánh chìm” không hẳn đã là “một tàu sân bay bất khả chiến bại”. Đá Gạc Ma và Đá Vành Khăn chỉ nằm cách thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam 850km. Điều này có nghĩa cả hai hòn đảo này đều nằm trong phạm vi của máy bay chiến đấu đa năng Su-30MK2 của Hải quân Việt Nam. Do đó, với sự trợ giúp của Mỹ, Việt Nam có thể  tiến hành các biện pháp quân sự nhằm loại bỏ mối nguy hại trước mắt trong trường hợp xảy ra xung đột./.