Lập luận thuyết phục nhất cho một mối quan hệ quân sự thành công giữa Ấn Độ và Trung Quốc là không một viên đạn nào bắn qua Đường kiểm soát thực tế (LAC) dài 3.488 km trong hơn 50 năm qua. Lòng tin của quân đội hai nước đã được củng cố và giúp xoa dịu các rủi ro tiềm tàng, chẳng hạn như ở Daulat Beg Oldi (DBO) năm 2013, Chumar năm 2014 và Doklam năm 2017. Hơn nửa thế kỷ qua, việc cứu vãn một cuộc đối đầu đẫm máu tại Nathu La năm 1967, nơi quân đội Ấn Độ thể hiện “sự kiềm chế” và thúc đẩy một loạt biện pháp xây dựng lòng tin (CBM) đã đảm bảo một bộ quy tắc giải quyết các xung đột một cách hòa bình và tránh đối đầu.

Mặc dù đã có các CBM và một cơ chế mạnh mẽ để giải quyết tranh chấp biên giới nhưng một thỏa thuận cuối cùng vẫn chưa thể đạt được. Năm 2013, đối đầu quân sự giữa hai nước tại DBO ở phía đông Ladakh đã dẫn đến việc ký kết Hiệp định Hợp tác Biên phòng (BDCA) vào tháng 10/2013. Điều này củng cố các CBM hiện có bằng cách đặt ra 5 cơ chế để cải thiện khả năng hợp tác và liên lạc nhằm tháo gỡ nguy cơ đối đầu. Hai bên còn tổ chức các cuộc họp định kỳ giữa các sỹ quan chỉ huy chiến trường và quan chức chính phủ, thiết lập Cơ chế làm việc về tham vấn và phối hợp giải quyết các vấn đề biên giới Ấn-Trung (WMCC) cũng như Đối thoại Quốc phòng thường niên cấp bộ trưởng. Ngoài ra, hai bên còn tổ chức các chuyến thăm của chỉ huy chiến trường đến khu vực quân sự của nhau, nối lại cuộc tập trận “Tay trong Tay”, tàu chiến Ấn Độ ghé thăm hải cảng Trung Quốc và phái đoàn quân sự hai nước đến thăm cơ sở huấn luyện của nhau.

Tuy nhiên, cuộc đối đầu tại Doklam ở lãnh thổ Bhutan năm 2017 kéo dài 73 ngày trong địa hình hiểm trở và nguy hiểm dọc theo LAC là phép thử đối với tinh thần cũng như cách thức giải quyết vấn đề của quân đội hai nước. Cuối cùng, nó đã được giải quyết một cách hòa bình với sự rút quân của hai nước sau các cuộc tham vấn ngoại giao. Việc Ấn Độ ủng hộ Bhutan, đồng minh thân cận nhất trong khu vực gần kề, là rất rõ ràng. Sau cuộc đối đầu đẫm máu tại Nathu La năm 1967, trong đó gần 300 lính Trung Quốc được cho là đã thiệt mạng, hai bên đã kêu gọi giảm căng thẳng ở Doklam mà không ảnh hưởng đến quan điểm của nhau trong vấn đề biên giới. Để “giữ thể diện”, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã đồng ý rút lui trong khi các lực lượng Ấn Độ cũng làm điều tương tự để khôi phục “nguyên trạng”. Tuy nhiên, kể từ đó, PLA đã tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng ồ ạt và tiếp tục triển khai một lượng quân lớn đến Cao nguyên Doklam. Mặc dù sự bế tắc Doklam dẫn đến căng thẳng trong quan hệ Ấn-Trung, một lần nữa lòng tin của hai quân đội đã được thể hiện khi họ kiềm chế và không đẩy tình hình leo thang thành đối đầu hoặc giao tranh.

Tinh thần Vũ Hán

Chính trong bối cảnh của sự kiện Doklam, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp nhau tại một hội nghị thượng đỉnh không chính thức ở Vũ Hán (Trung Quốc) tháng 4/2018 để xem xét mối quan hệ song phương. Hai nhà lãnh đạo sau đó đã đồng ý chỉ đạo quân đội của họ “thực hiện nghiêm túc các biện pháp xây dựng lòng tin mà hai bên nhất trí trước đó, bao gồm nguyên tắc đảm bảo an ninh chung và bình đẳng, củng cố các thỏa thuận thể chế hiện có cũng như các cơ chế chia sẻ thông tin để ngăn ngừa sự cố ở các khu vực biên giới”. Sau đó, cuộc tập trận chung “Tay trong tay” hàng năm về chống khủng bố đã được nối lại vào năm 2018 cùng với các chuyến thăm của các phái đoàn quân sự và tàu chiến tới các cảng của nhau. Ấn Độ cũng tham gia cuộc tập trận quân sự chung của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tháng 8/2018 có sự tham gia của quân đội Pakistan và Trung Quốc.

Hơn nữa, Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Modi đã phát triển mối quan hệ cá nhân tốt đẹp, chẳng hạn như ông Tập chấp nhận lời mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh không chính thức lần thứ hai tại Varanasi trong năm nay. Năm 2020 đánh dấu 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, Thủ tướng Modi đã đề nghị cả hai nước liệt kê 70 sự kiện quan trọng, 35 sự kiện ở Ấn Độ và 35 sự kiện ở Trung Quốc. Lời đề nghị này đã được ông Tập chấp nhận. Điều đó sẽ tạo tiền đề cho sự đồng thuận lớn hơn về ý tưởng và hành động trong những năm tới, bao gồm cả mối quan hệ giữa Quân đội và Quân đội (M2M).

Sau khi nối lại quan hệ M2M một cách nghiêm túc, Ấn Độ và Trung Quốc có thể duy trì động lực bằng cách hợp tác trong các lĩnh vực sau:

Xây dựng lòng tin trên biển: Trong vài năm qua, đã có sự tập trung ngày càng tăng vào Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPR). Tầm quan trọng của các tuyến đường biển này trong thông tin liên lạc và vận chuyển thương mại là rất rõ ràng. Trong bối cảnh này, việc Hải quân Trung Quốc tăng cường hiện diện ở IPR là một vấn đề đáng quan tâm. Với việc Hải quân Ấn Độ đứng chân vững chắc ở Khu vực Ấn Độ Dương (IOR), có cả nỗi sợ đối đầu cũng như cơ hội hợp tác giữa hải quân hai nước trong khu vực. Một sự khởi đầu đã được thực hiện khi hai bên thiết lập Đối thoại Hàng hải chính thức vào năm 2016 để giải quyết các vấn đề hàng hải. Tuyên bố sau Đối thoại biển lần thứ hai tại Bắc Kinh năm 2018 đã mô tả sự tham gia này là một “cơ chế quan trọng giữa hai nước để tham vấn về các vấn đề hàng hải”. Họ nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hơn nữa hợp tác hàng hải, coi đó là một lĩnh vực quan trọng của mối quan hệ song phương, là nền tảng để củng cố niềm tin lẫn nhau về chính trị và chiến lược. Tiếp theo, việc xây dựng CBMs trên biển, tương tự như các CBMs ở LAC, cần được khám phá. Điều này có thể bao gồm các hình thức liên lạc, viện trợ và hỗ trợ trên biển trong trường hợp khẩn cấp và hợp tác chống cướp biển và khủng bố trên biển.

Tạo điều kiện trao đổi giữa các học viện quân sự: Chương trình trao đổi giữa các trường đại học cũng như học viện quân sự có thể tạo điều kiện để hiểu rõ hơn về quan điểm của nhau trong các vấn đề gây tranh cãi. Quan trọng hơn, việc trao đổi trong các khóa học có thể giúp xây dựng các mối quan hệ cá nhân, cũng như sự hiểu biết về giới luật giáo lý bao gồm các vấn đề liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) và các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.

Tăng cường liên lạc: Có lẽ thách thức lớn nhất của một mối quan hệ là liên lạc. Trong quan hệ Ấn-Trung, rào cản lớn đầu tiên là ngôn ngữ. Có rất ít chuyên gia ngôn ngữ Trung Quốc và Hindi trong quân đội hai nước. Kết quả là, các cuộc đối đầu và bế tắc ở cấp chiến thuật thường không thể được giải quyết dễ dàng do thiếu kiến thức về ngôn ngữ của nhau. Do đó, một nỗ lực phối hợp là cần thiết để đào tạo nhân viên quân sự tại các trường ngoại ngữ ở hai nước nhằm xây dựng một đội ngũ biên dịch và phiên dịch. Ngoài ra, việc thiết lập một đường dây nóng cấp Quân đoàn/Quân khu là rất tốt cũng như nên tổ chức các cuộc tuần tra chung. Những điều này sẽ giúp xây dựng lòng tin và tránh các sai lầm trong giải quyết các vấn đề biên giới.

Cùng nhau giải quyết các mối đe dọa phi truyền thống: LAC rộng lớn và khắc nghiệt là phép thử về sức chịu đựng của con người. Lũ lụt, lở đất là một hiện tượng phổ biến, đôi khi cắt đứt mạng lưới thông tin liên lạc và hệ thống đường bộ/đường sắt, ảnh hưởng đến các cộng đồng ở cả hai bên. Thông thường, các đồn biên phòng cũng bị cắt đứt liên lạc hoặc chôn vùi trong tuyết lớn. Viện trợ nhân đạo cho người dân ở hai bên có thể làm sâu sắc thêm mối quan hệ và sự đồng cảm giữa họ. Các giao thức và quy trình vận hành tiêu chuẩn (SOP) để tăng cường hợp tác trong những trường hợp khẩn cấp như vậy có thể là một bước tích cực trong việc tăng cường hơn nữa các CBM.

Thiếu tướng Mandip Singh từng là nhà Nghiên cứu Cao cấp tại Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng, New Delhi. Bài viết đăng trênEurasia Review”.

Vũ Hiền (gt)