11/06/2021
Khi cạnh tranh Mỹ - Trung trở nên căng thằng, có thể sẽ xảy ra những cuộc chiến ủy nhiệm ở những mức độ khác nhau trên khắp châu Á.
Lời người dịch
Cuộc chiến ủy nhiệm (proxy war) là một cuộc xung đột vũ trang giữa hai quốc gia hoặc các chủ thể phi quốc gia hoạt động vì sự xúi giục hoặc nhân danh các bên khác không liên quan trực tiếp đến chiến sự.[1] Các thế lực bên ngoài cuộc chiến thường có các hình thức tài trợ, huấn luyện quân sự, vũ khí hoặc các hình thức hỗ trợ vật chất khác giúp các bên duy trì nỗ lực cho cuộc chiến tranh của mình. Trong lịch sử đã diễn ra nhiều cuộc chiến ủy nhiệm. Một số quốc gia trung cổ như Đế quốc Byzantine đã sử dụng chiến tranh ủy nhiệm như một công cụ chính sách đối ngoại bằng cách cố tình hỗ trợ âm mưu giữa các đối thủ thù địch và ủng hộ khi họ gây chiến với nhau.[2] Đế quốc Ottoman cũng sử dụng cướp biển để quấy rối các cường quốc Tây Âu ở biển Địa Trung Hải.[3] Từ đầu thế kỷ XX, các cuộc chiến ủy nhiệm thường được sử dụng dưới dạng các quốc gia đảm nhận vai trò là nhà tài trợ cho các chủ thể phi nhà nước.[4] Ví dụ, người Anh đã xúi giục cuộc nổi dậy Ả Rập nhằm phá hoại Đế chế Ottoman trong Thế chiến thứ nhất.[5] Trong Chiến tranh Lạnh, chiến tranh ủy nhiệm được thúc đẩy bởi lo ngại rằng một cuộc chiến tranh thông thường giữa Mỹ và Liên Xô sẽ dẫn đến chiến tranh hạt nhân.[6]
++++++
Khi cạnh tranh Mỹ - Trung trở nên căng thằng, có thể sẽ xảy ra những cuộc chiến ủy nhiệm ở những mức độ khác nhau trên khắp châu Á.
(Tóm dịch bài viết đăng trên Straits Times của C. Raja Mohan, Giám đốc Viện Nghiên cứu Nam Á, Đại học Quốc gia Singapore)
Trường hợp Bangladesh và Hàn Quốc gần đây có thể minh họa cho nguy cơ các quốc gia bị cuốn vào cuộc chiến ủy nhiệm. Dù Bangladesh có mối quan hệ tốt với Trung Quốc, Đại sứ Trung Quốc tại Dhaka Li Jimming cho rằng việc Bangladesh “xích lại gần hơn với Quad” sẽ “hủy hoại nghiêm trọng” mối quan hệ với Bắc Kinh. Hàn Quốc, đồng minh quân sự lâu đời của Mỹ nhưng có mối quan hệ kinh tế khăng khít với Trung Quốc, cũng chịu sức ép tương tự. Sau Tuyên bố chung Nhật – Hàn ngày 21/5, dù ông Moon không công khai chỉ trích Trung Quốc, Bắc Kinh đã cảnh báo Hàn Quốc “đừng đùa với lửa” trong vấn đề Đài Loan. NFN Bộ Ngoại giao Trung Quốc lưu ý Seoul rằng “vấn đề Đài Loan… liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, do đó các thế lực bên ngoài không được can thiệp”.
Mỹ, Trung Quốc đã chuẩn bị cho những cuộc chiến ủy nhiệm?
Khác với chính sách “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump, vốn làm cho các đồng minh châu Á như Hàn Quốc và Nhật Bản cũng như các đối tác châu Âu trở nên xa cách, Chính quyền Biden thực hiện hướng tiếp cận hệ thống hơn, chú trọng quan hệ đồng minh truyền thống ở châu Á và châu Âu, tăng cường những liên minh mới như Quad để đối phó với Trung Quốc. Ngày 28/5/2021, ông Kurt Campbell, điều phối chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cho rằng: “Chúng ta có thể làm mọi thứ đúng đắn ở châu Á nhưng nếu không có một chiến lược kinh tế thì rất khó thành công. Đó là những gì mà các quốc gia châu Á đang tìm kiếm khi chúng tôi thúc đẩy…. Chúng tôi có tham vọng về Quad.” Bên cạnh đó, Washington cũng đã nỗ lực tăng cường mối quan hệ đồng minh cũ của mình, biến đối tác thành đồng minh và quốc gia trung dung thành đối tác.
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng đang đáp trả qua việc nỗ lực làm xói mòn mối quan hệ đồng minh của Mỹ ở khu vực và phủ đầu những liên minh mới do Mỹ dẫn dắt. Với năng lực của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) Trung Quốc ngày càng phát triển mạnh, Trung Quốc đang gây áp lực lên sự hiện diện quân sự do Mỹ kiểm soát tại các vùng biển phía Tây trong hàng thập kỷ, đồng thời nỗ lực đẩy Mỹ ra khỏi những khu vực này.
Dù cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng, khả năng Trung Quốc và Mỹ sẽ lao vào một cuộc chiến tranh nóng là rất khó bởi những tổn thất rất lớn cho cả hai bên. Điều này tạo ra khả năng có thể có cuộc chiến ủy nhiệm tại các quốc gia thứ ba, đặc biệt là tại châu Á vì: Thứ nhất, Mỹ có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động can thiệp đối với các cuộc chiến cục bộ. Trong tất cả những thảo luận tại Washington về chấm dứt các cuộc chiến với quy mô lớn như tại Afghanistan và Iraq, Mỹ có vẻ sẽ không từ bỏ hoàn toàn can thiệp về quân sự. Thứ hai, dù Trung Quốc tuyên bố sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác, thực tế không hẳn như vậy. Trung Quốc đã ủng hộ các lực lượng nổi dậy ở khắp châu Á trong những năm 1960 và 1970. Trong khi đó, một “Trung Quốc trỗi dậy” đã sớm nhận ra nhu cầu can thiệp vào các quốc gia khác để bảo vệ những lợi ích ngày càng lớn của mình: thúc đẩy an ninh biên giới chống lại các phần tử khủng bố, bảo vệ đầu tư thương mại, sơ tán kiều dân, ủng hộ các thể chế chính trị thân thiện, tăng cường tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng, xuất khẩu vũ khí, giành được những dự án siêu khổng lồ, bảo vệ những cơ sở, trang thiết bị nhằm duy trì phát huy ảnh hưởng trên khắp các vùng biển, xây dựng các liên minh mới và hạn chế ảnh hưởng của Mỹ…
Quad và BRI: Khởi đầu cuộc chơi?
Mỹ và các thành viên Quad đã thúc đẩy chiến dịch đối phó với sáng kiến Một vành đai, một con đường (BRI) thông qua mời chào các sáng kiến thay thế tiềm năng: Tại Sri Lanka, Ấn Độ và Nhật Bản hợp tác đấu thầu cảng Colombo; tại các quốc đảo Thái Bình Dương, Úc đang xích lại gần Nhật Bản nhằm tạo lợi thế trước Trung Quốc trong các dự án cáp ngầm trên biển; Nhật Bản đang thực hiện sáng kiến Đối tác Cơ sở hạ tầng Chất lượng cao đầy tham vọng.
Trong lĩnh vực kỹ thuật số, sau chiến dịch của Chính quyền Trump chống lại Hoa Vi, Chính quyền Biden đã quyết định thực hiện các biện pháp đối đầu mạnh mẽ đối với một loạt ngành công nghệ hàng đầu của Trung Quốc, bao gồm quyết định chọn Samsung đầu tư sản xuất chip tại Mỹ và thiết lập đối tác sản xuất vaccine với Hàn Quốc.
Tranh chấp nội bộ: Vườn ươm cho cuộc chiến ủy nhiệm
Dù không quốc gia châu Á nào muốn bị cuốn vào các cuộc chiến ủy nhiệm, điều này không thể loại trừ hoàn toàn, nhất là khi đồng thuận chính trị nội bộ quốc gia bị phá vỡ. Myanmar đang có thể trở thành nơi diễn ra một cuộc chiến ủy nhiệm do những khủng hoảng nội bộ ngày càng sâu sắc.
Mỹ và Trung Quốc không phải là bên duy nhất quan tâm đến các cuộc chiến ủy nhiệm. Một nước Nga quyết đoán đang trở lại khai thác truyền thống can thiệp của mình. Trong khi đó, nhiều quốc gia khu vực ở Trung Đông như Iran, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), Qatar, Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ cũng chủ động can dự vào các cuộc chiến ủy nhiệm. Ở Đông Nam Á, Delhi và Bắc Kinh cũng vướng vào cạnh tranh ảnh hưởng ở nhiều quốc gia khu vực.
Để ngăn tranh chấp nội bộ trở thành nội chiến và chiến tranh ủy nhiệm, cách duy nhất Đông Á có thể làm là thông qua hòa giải và tăng cường hợp tác giữa các bên.
Trần Quang (lược dịch)
[1] Osmańczyk, Jan Edmund (2002). Encyclopedia of the United Nations and International Agreements. Abingdon: Routledge Books. tr. 1869. ISBN 978-0415939201.
[2] Hughes, Geraint (2014). My Enemy's Enemy: Proxy Warfare in International Politics. Brighton: Sussex Academic Press. tr. 5, 12–13. ISBN 978-1845196271.
[3] Watson, William (2003). Tricolor and Crescent: France and the Islamic World. Westport, Connecticut: Praeger Books. tr. 17–19. ISBN 978-0275974701.
[4] Hughes, Geraint (2014). My Enemy's Enemy: Proxy Warfare in International Politics. Brighton: Sussex Academic Press. tr. 5, 12–13. ISBN 978-1845196271.
[5] Williams, Brian Glyn (2012). Innes, Michael (biên tập). Making Sense of Proxy Wars: States, Surrogates & the Use of Force. Washington DC: Potomac Books. tr. 61–63. ISBN 978-1-59797-230-7.
[6] Wilde, Robert. "Mutually Assured Destruction." About Education. About.com, n.d. Web. ngày 23 tháng 4 năm 2015..
Trung Quốc cũng có lợi thế hơn Mỹ trong lĩnh vực phát triển thị trường số ASEAN. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế số, có thể giúp Trung Quốc và ASEAN cùng xây dựng các tiêu chuẩn thương mại số, đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - ASEAN...
Bộ Tứ có thể tổ chức nhiều hội nghị thượng đỉnh nhưng khó đem lại kết quả thực chất nếu thiếu tầm nhìn chiến lược rõ ràng và chương trình nghị sự phù hợp.
Trung Quốc không muốn đưa khu vực biên giới với Ấn Độ trở về trạng thái trước xung đột, ngăn cản Ấn Độ vươn lên trên trường quốc tế, coi Ấn Độ là đối tượng dễ bị cưỡng ép. Mặt khác, dù chính phủ Ấn Độ vẫn thận trọng tiếp cận vấn đề Eo biển Đài Loan tại các diễn đàn quốc tế, nhưng mối quan hệ hai bên...
Truyền thông Trung Quốc gần đây đăng bài viết tựa đề “Chiến lược mơ hồ hay chiến lược rõ ràng: Thế tiến thoái lưỡng nan của Mỹ về vấn đề Đài Loan” của tác giả Chen Feng, biên tập viên báo Người Quan sát. Bài báo kết luận, chính sách mơ hồ về vấn đề Đài Loan không phải do Mỹ chủ động lựa chọn, mà là sự...
Ngày 14/5/2021, Đại học Thanh Hoa Trung Quốc phối hợp cùng Đại học Bắc Kinh và Đại học Nhân dân tổ chức tọa đàm với chủ đề “Trật tự quốc tế thời kỳ hậu Covid”. Tại tọa đàm, Giám đốc Cơ sở trao đổi nhân văn Trung - Mỹ, Học viện Quan hệ quốc tế, Đại học Bắc Kinh Giả Khánh Quốc đã có bài phát biểu về 3...
Trung Quốc đang làm tốt hơn và nhiều hơn Mỹ trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng tại Đông Nam Á, dù chính quyền Biden giành được nhiều thiện chí của các nước trong khu vực. Hai cuốn sách xuất bản gần đây là “Dưới bóng con rồng: Đông Nam Á trong kỷ nguyên Trung Quốc” của tác giả Sebastian Strangio và “Dưới...