18/06/2021
Truyền thông Trung Quốc gần đây đăng bài viết tựa đề “Chiến lược mơ hồ hay chiến lược rõ ràng: Thế tiến thoái lưỡng nan của Mỹ về vấn đề Đài Loan” của tác giả Chen Feng, biên tập viên báo Người Quan sát. Bài báo kết luận, chính sách mơ hồ về vấn đề Đài Loan không phải do Mỹ chủ động lựa chọn, mà là sự lựa chọn bất đắc dĩ.
Ngày 4/5, tại một cuộc tọa đàm về các vấn đề toàn cầu do trang mạng Financial Times tổ chức, điều phối viên đặc trách khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, Kurt Campbell, tuyên bố Mỹ sẽ không công khai bày tỏ thái độ bảo vệ Đài Loan, vì việc này ảnh hưởng đáng kể đến lợi ích quốc gia. Trên thực tế, tuyên bố này đã khép lại cơ hội để Mỹ có thể lựa chọn chính sách "rõ ràng về chiến lược" trong vấn đề Đài Loan. Song chính sách "mơ hồ về chiến lược" cũng không phải là lựa chọn phù hợp với Mỹ.
Kể từ thời Ronald Reagan, Mỹ đã liên tục viện dẫn điều khoản “bất kỳ hành động nào nhằm quyết định tương lai của Đài Loan theo phương thức không hòa bình, bao gồm cả việc sử dụng các biện pháp ‘tẩy chay’ và cấm vận kinh tế, sẽ bị coi mối đe dọa đối với hòa bình, an ninh khu vực Tây Thái Bình Dương và liên quan mật thiết đến Mỹ” trong Đạo luật quan hệ Đài Loan, ám chỉ rằng Mỹ có thể gửi quân đến can thiệp hành động của Trung Quốc giải phóng Đài Loan bằng vũ lực. Đạo luật quan hệ Đài Loan không phải là Hiệp ước phòng thủ Mỹ - Đài Loan và không quy định Mỹ phải có nghĩa vụ gửi quân đến giúp Đài Loan. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là Mỹ sẽ không gửi quân đến hỗ trợ Đài Loan, nếu được Quốc hội cho phép, Mỹ vẫn có thể xuất quân một cách hợp pháp. Ngược lại, nếu Mỹ không gửi quân thì cũng sẽ không vi phạm luật định nào. Đây chính là nguồn gốc của sự "mơ hồ về chiến lược" trong vấn đề Đài Loan.
Mỹ chắc chắn không muốn từ bỏ Đài Loan. Đài Loan là “chìa khóa” của chuỗi đảo thứ nhất, nếu rơi vào tay Trung Quốc, chuỗi đảo thứ nhất sẽ sụp đổ. Chuỗi đảo thứ hai rất mỏng manh, vì vậy tuyến phòng thủ tiếp theo sẽ phải rút về quần đảo Aleutian và Hawaii.
Tuy nhiên, việc giữ được Đài Loan cũng không dễ dàng. Báo cáo năm 2015 của tổ chức RAND (Mỹ) với tiêu đề "Tương quan lực lượng quân sự Trung - Mỹ" nhận định rằng quân đội Mỹ không chiếm ưu thế ở eo biển Đài Loan; báo cáo năm 2021 liên quan đến việc nghiên cứu Bán đảo Triều Tiên và eo biển Đài Loan với tiêu đề "Đe dọa bằng vũ lực có hiệu quả không?" trực tiếp chỉ ra: "quyết tâm của Trung Quốc là trở ngại chính cho thế trận răn đe".
Đối với Mỹ, trạng thái lý tưởng của Đài Loan là "độc lập" mãi mãi và chấp nhận để Mỹ đóng quân. Tuy nhiên, từ thực tế đến trạng thái lý tưởng là một khoảng cách khó có thể vượt qua. Mỹ cũng chưa sẵn sàng và quyết tâm vì điều này mà tiến hành một cuộc đại chiến với Trung Quốc. Bất chấp việc các lực lượng chống Trung Quốc kêu gọi như thế nào, lựa chọn duy nhất của Mỹ là tiếp tục duy trì chính sách "mơ hồ về chiến lược".
Ngày 3/3/2021, Ủy ban quân lực Thượng viện Mỹ đã tổ chức một phiên điều trần, cựu Cố vấn an ninh quốc gia, Trung tướng McMaster cũng đưa ra bằng chứng để chỉ ra rằng Mỹ không nên thay đổi chính sách “mơ hồ về chiến lược” và công khai thừa nhận nền độc lập của Đài Loan, song nên tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều này phản ánh rằng những khó khăn trong lựa chọn chiến lược của Mỹ xuất phát từ việc nước này đã đánh giá thấp Trung Quốc ở 3 điểm:
1. Đánh giá quá thấp tốc độ hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc. Nếu một cuộc chiến ở eo biển Đài Loan nổ ra tại thời điểm này, có thể khẳng định rằng chỉ trong thời gian ngắn, Quân Giải phóng nhân dân trung Quốc (PLA) sẽ giành được ưu thế hỏa lực áp đảo và hạ gục sự kháng cự của Quân đội Đài Loan, lúc đó sự cứu viện của quân đội Mỹ sẽ trở nên vô ích.
2. Đánh giá quá thấp khả năng chống chọi của nền kinh tế Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ đã diễn ra trong ba năm, nền kinh tế Trung Quốc ngày càng trở nên vững vàng, và sự xuất hiện bất ngờ của dịch COVID-19 khiến cán cân càng nghiêng về phía Trung Quốc.
3. Đánh giá quá thấp sự lãnh đạo và điều hành của Chính phủ Trung Quốc. Chưa cần nói đến thành quả xây dựng kể từ sau khi cải cách và mở cửa, trước tác động mạnh mẽ của làn sóng COVID-19 đang hoành hành trên khắp thế giới, Trung Quốc là nước bị ảnh hưởng đầu tiên, nhưng lại kiểm soát được dịch bệnh nhanh nhất và phục hồi sớm nhất. Trong khi phương Tây đang chờ đợi một thảm họa thế kỷ diễn ra ở Trung Quốc, thì ngược lại chính họ đã rơi vào một trận chiến dịch bệnh chưa có hồi kết.
Cho đến đầu thế kỷ 21, Mỹ luôn tin tưởng vào ưu thế tuyệt đối về chính trị, kinh tế và quân sự của mình. Mỹ cho rằng về chính trị, họ có khả năng kiểm soát hướng đi của Trung Quốc; về kinh tế, có thể đảm bảo Trung Quốc không thể chịu được chi phí của các cuộc chiến với Mỹ; về quân sự, có thể dễ dàng đánh bại các hoạt động tác chiến xuyên biển của PLA. Do đó, một sự răn đe theo kiểu “mơ hồ về chiến lược” là vừa đủ, lại không tốn nhiều chi phí. Hiện tại, chính sách "rõ ràng về chiến lược" mà Mỹ đang cân nhắc có thể đối mặt với những sức ép sau:
Thứ nhất, sức ép “Đài Loan độc lập” ngày càng gia tăng. Kể từ sau khi Liên Xô tan rã, Trung Quốc đại lục không những không thay đổi thể chế, mà ngược lại còn trở nên tự tin hơn về chính trị, phát triển hơn về kinh tế và mạnh mẽ hơn về quân sự, trở thành một trong những trung tâm kép cả về kinh tế lẫn chính trị của thế giới. Việc "không gian quốc tế" của Đài Loan bị thu hẹp đã trở thành một xu hướng không thể đảo ngược, và cán cân sức mạnh quân sự ở eo biển Đài Loan đã hoàn toàn mất cân bằng. Sự phát triển nhanh chóng và vững chắc của công nghệ vi mạch ở Trung Quốc có thể khiến sức sống cuối cùng của nền kinh tế Đài Loan biến mất trong vòng 10 - 20 năm tới.
Vấn đề “Đài Loan độc lập” đang trong giai đoạn gặp khó khăn trước sự đe dọa từ phía Trung Quốc và sức ép từ Mỹ. Mỹ không thể để mặc cho Đài Loan kéo mình vào vũng lầy, nhưng cũng không thể phớt lờ những đòi hỏi của Đài Loan để tránh làm mất uy tín trên trường quốc tế.
Thứ hai, trong thời đại mà mọi thứ đều nhường đường cho việc xây dựng kinh tế, Trung Quốc lo ngại vấn đề “Đài Loan độc lập” sẽ buộc PLA phải miễn cưỡng tiến hành giải phóng Đài Loan trong thời điểm và điều kiện không thuận lợi. Mặc dù quyết tâm và niềm tin chiến thắng của Trung Quốc chưa từng lung lay, nhưng đây vẫn là một cuộc chiến cần mọi nỗ lực để tránh. Tiến trình phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa không thể bị xáo trộn.
Hiện tại đã khác trước, đối với Trung Quốc, dùng từ "đánh bại" Đài Loan không còn phù hợp, mà chỉ nên dùng từ "kiểm soát". Mặc dù đây vẫn là một cuộc chiến cần phải tránh, nhưng lý do chỉ là vấn đề nhân đạo. Trong quân sự, chiến tranh có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Nếu trước đây Trung Quốc vẫn cẩn trọng khi bày tỏ thái độ với Đài Loan, thì hiện tại Trung Quốc sẵn sàng tuyên bố: “Nếu Đài Loan kích động, Đại lục sẽ đánh”. Điều này khiến cho chính sách "mơ hồ về chiến lược" của Mỹ không còn tác dụng răn đe.
Thứ ba, về quân sự, Mỹ dường như không có khả năng đánh bại PLA bằng một cuộc chiến xuyên biển; về kinh tế, Mỹ vẫn phụ thuộc vào hợp tác với Trung Quốc; về chính trị, Mỹ đang thất vọng vì không thể gây ảnh hưởng đến Trung Quốc. Từ nhiều góc độ, Đạo luật quan hệ Đài Loan được xem như một cam kết thực tế đối với Đài Loan, nếu chính sách "mơ hồ về chiến lược" không có tác dụng răn đe, thì chỉ có thể lựa chọn chính sách "rõ ràng về chiến lược". Từ góc nhìn nhất định của Mỹ, nước này vẫn còn ảo tưởng về sức mạnh quân sự của mình, cho rằng chỉ cần Mỹ khẳng định lập trường bảo vệ Đài Loan thì có thể khiến Trung Quốc thấy khó mà rút lui, hoặc có thể làm gián đoạn hoàn toàn quá trình trỗi dậy của Trung Quốc bằng một cuộc chiến tranh. Nếu có thể tranh thủ thời điểm khi Trung Quốc vẫn còn đang do dự, Hiệp ước an ninh Mỹ - Đài Loan và lực lượng đồn trú tuyên bố vĩnh viễn đảm bảo nền độc lập của Đài Loan, thì có thể khẳng định tác dụng của chính sách "rõ ràng về chiến lược".
Tuy nhiên, dù Mỹ lựa chọn "mơ hồ về chiến lược" hay "rõ ràng về chiến lược", thì chung quy vẫn là 4 lựa chọn:
1. Tiếp tục duy trì chính sách "mơ hồ về chiến lược", tập trung vào hỗ trợ vũ khí đạn dược, cho dù xảy ra chiến tranh thì quân đội Mỹ cũng sẽ đứng ngoài cuộc.
2. Tiếp tục duy trì chính sách "mơ hồ về chiến lược", nhưng Mỹ quy định rõ rằng khi PLA chủ động tấn công Đài Loan, Mỹ sẽ điều động quân đội.
3. Chuyển sang chính sách "rõ ràng về chiến lược", công khai công nhận "nền độc lập" của Đài Loan, huấn luyện quân đội Đài Loan nhưng không đóng quân ở Đài Loan, chỉ khi PLA chủ động tấn công Đài Loan, Mỹ mới điều động quân đội.
4. Chuyển sang chính sách "rõ ràng về chiến lược", công khai công nhận "nền độc lập" của Đài Loan, đóng quân tại Đài Loan với vai trò một lực lượng răn đe trong thời bình, trực tiếp tham gia bảo vệ Đài Loan khi xảy ra chiến tranh.
Lựa chọn thứ tư chắc chắn sẽ kích hoạt "đạo luật chống ly khai" của Trung Quốc, và PLA sẽ ngay lập tức tấn công Đài Loan trước khi Mỹ kịp đóng quân. Lựa chọn thứ ba cũng tương tự, điều khó đoán định duy nhất là PLA liệu sẽ lợi dụng sơ hở trong thời gian quân đội Mỹ diễn tập để phát động một cuộc tấn công hay trực tiếp giáng đòn cảnh cáo ngay trong thời điểm Mỹ đóng quân. Lựa chọn thứ hai không khả thi đối với quân đội Mỹ. Khi chiến tranh nổ ra Mỹ mới điều động quân đội và bắt đầu vận chuyển vật tư thì đã quá muộn, lựa chọn này có thể chia thành 2 tình huống: Một là, Quân đội Mỹ chỉ được điều động từ căn cứ chuỗi đảo đầu tiên, và tất nhiên có cả lực lượng trên biển; hai là, quân đội Mỹ chi viện khẩn cấp và trực tiếp hỗ trợ quốc phòng cho Đài Loan.
Tình huống thứ nhất là giả thiết chính của các cuộc tập trận quân sự, nhiều lần đã được chứng minh là tính khả thi thấp. Tình huống thứ hai còn nảy sinh vấn đề nghiêm trọng hơn: đưa quân đến Đài Loan trong điều kiện chiến tranh không phải là việc dễ dàng, điều này không giống với việc tập kết quân ở một vị trí hậu phương an toàn rồi sau đó đưa vào chiến đấu, cuộc chiến ở eo biển Đài Loan không phải là Chiến tranh vùng Vịnh và Mỹ không có cơ hội như vậy. Nếu quân đội Mỹ ở bên ngoài đảo không thể ngăn chặn hỏa lực của PLA nhằm vào Đài Loan, thì thậm chí đến an toàn của chính mình cũng khó mà đảm bảo, vì vậy trực tiếp đổ bộ lên đảo và chi viện cho các mặt trận ở tiền tuyến là điều không khả thi.
Lựa chọn đầu tiên Mỹ chắc chắn sẽ mất Đài Loan. Sự chênh lệch về sức mạnh quân sự giữa hai bờ là quá lớn, không có loại vũ khí nào có thể cứu được Đài Loan.
Sở dĩ chính sách “mơ hồ về chiến lược” rất mơ hồ là vì thế giới bên ngoài không thể xác định được liệu phản ứng của Mỹ sẽ là lựa chọn thứ hai hay lựa chọn thứ nhất. Nếu quân đội Mỹ không tham chiến sẽ để mất Đài Loan, điều này khiến cho cam kết an ninh của Mỹ đối với tất cả các đồng minh sẽ bị phá vỡ hoàn toàn, dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống đồng minh. Quyết định khó khăn nhất của Mỹ chính là lựa chọn thứ hai.
Công tác chuẩn bị tấn công Đài Loan của PLA đều được tiến hành dựa trên việc xuất quân của Mỹ, Mỹ cũng nhận thấy rằng việc xuất quân sẽ không giải quyết được vấn đề, khiến chính sách “mơ hồ về chiến lược” càng không tạo được sự răn đe cần thiết. PLA chắc chắn sẽ phát động một cuộc tấn công ngay tại eo biển Đài Loan, và thậm chí chắc chắn giành được thế chủ động trước khi quân đội Mỹ sẵn sàng, khiến cho lựa chọn thứ nhất và thứ hai thực sự không khả thi. Chính sách "rõ ràng về chiến lược" sẽ tự động kích hoạt "đạo luật chống ly khai", mở ra một giai đoạn chuẩn bị không có hồi kết cho PLA. Việc kích hoạt "đạo luật chống ly khai" chỉ là để tiếp thêm động lực cho PLA giải phóng Đài Loan bằng vũ lực, còn nổ súng vào thời điểm nào là do PLA quyết định.
Mỹ phải đối mặt với lựa chọn kiểu gì cũng dẫn đến tổn thất. Để tránh việc thế bị động sẽ ngày càng lộ rõ, lựa chọn duy nhất của Mỹ là tiếp tục duy trì chính sách "mơ hồ về chiến lược". Nếu buộc phải mất Đài Loan, thì thà mất trong hòa bình còn hơn là "tiền mất tật mang".
Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Mỹ phản ánh xu hướng chung của quan hệ thương mại Trung - Mỹ. Trung Quốc vẫn cần đẩy mạnh hiện đại hóa quân sự, và việc quân đội Mỹ tham gia sâu hơn vào cuộc chiến cũng sẽ không làm thay đổi tình hình ở eo biển Đài Loan. Chỉ khi sự thất bại của quân đội Mỹ gây tổn hại nhiều hơn đến vận mệnh và uy tín quốc gia, thì lựa chọn đầu tiên mới trở thành lựa chọn duy nhất của Mỹ.
Mặt khác, Đài Loan chỉ là một phần trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Biden chia mối quan hệ Trung - Mỹ thành ba phần lớn: hợp tác, cạnh tranh và đối đầu, và trong tương lai gần, không còn kỳ vọng vào vai trò trụ cột của hợp tác Trung - Mỹ. Trong thời đại Trump, đối đầu đã trở thành xu hướng chính. Vậy, trong thời đại Biden, cạnh tranh hay đối đầu mới là đường lối chính? Theo Campbell, Mỹ hy vọng có thể thiết lập một khuôn khổ cạnh tranh tương đối ổn định và có thể dự đoán được trong tương lai gần.
Cùng với việc tiêm chủng vaccine Covid-19 được triển khai rộng khắp, Mỹ ngày càng tự tin hơn vào khả năng phục hồi kinh tế. Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở Mỹ vào tháng 3/2020, nước này đã đầu tư 5.000 tỷ USD để kích thích kinh tế, nguy cơ lạm phát tăng lên từng ngày. Ngày 4/5/2021, tại một hội thảo kinh tế do tạp chí Đại Tây Dương tổ chức, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen cho biết 5.000 tỷ USD không phải là con số lớn so với quy mô kinh tế của Mỹ, nhưng vẫn có thể khiến lãi suất tăng nhẹ. Yellen cũng nói rằng bà tôn trọng sự độc lập của FED và những nhận xét trước đây của bà không phải là dự đoán hay đề xuất về chính sách tiền tệ của FED.
Việc một Bộ trưởng Tài chính nói về việc tăng lãi suất làm suy yếu tính độc lập của FED là điều cấm kỵ. Tất nhiên, người từng nắm cương vị chủ tịch FED như Yellen hiểu rất rõ điều này. Vấn đề quan trọng hơn là sau năm 2008, nền kinh tế Mỹ đã phụ thuộc sâu sắc vào lãi suất thấp, vài đợt tăng lãi suất yếu ớt kể từ nhiệm kỳ Bộ trưởng Tài chính của Yellen đã gây ra một sự náo động, và người Mỹ coi việc tăng lãi suất như một cuộc khủng hoảng kinh tế. Tăng lãi suất đã trở thành cơn ác mộng của thế giới. Vấn đề lớn nhất là lãi suất tăng sẽ kìm hãm thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán đã trở thành điểm sáng duy nhất của nền kinh tế Mỹ, niềm hy vọng này cũng bị phá vỡ, vậy Mỹ còn trông chờ vào điều gì? Sau khi Yellen ám chỉ việc tăng lãi suất, ba chỉ số chứng khoán chính của New York đã giảm ngay sau đó.
Tuy nhiên, nguy cơ lạm phát của Mỹ không phải là không có căn cứ. 5.000 tỷ USD tương đương 25% GDP của Mỹ năm 2019. So sánh một chút, năm 2008, gói kích cầu có trị giá 4000 tỷ NDT của Trung Quốc tương đương 12,8% GDP. Hậu quả của gói kích thích kinh tế này cho đến nay vẫn khiến mọi người còn e sợ, mà 4.000 tỷ NDT của Trung Quốc chủ yếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng chứ không đổ trực tiếp vào lĩnh vực tiêu dùng và lưu thông như Mỹ. Tỷ trọng gói kích thích kinh tế trị giá 5.000 tỷ USD/GDP của Mỹ năm 2019 lớn hơn nhiều so với tỷ trọng gói kích thích kinh tế 4000 tỷ NDT/GDP Trung Quốc năm 2008. Vậy Yellen nói "không phải là con số lớn so với quy mô kinh tế của Mỹ", thì rốt cuộc là bà đang cố chấp hay thiếu thành thật?
"Nền kinh tế quá nóng" mà Yellen đề cập thực sự là một nền kinh tế "nóng", nhưng không phải là sự tăng trưởng của nền kinh tế thực. Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, giá hàng hóa tại Mỹ tăng 0,6% trong tháng 3/2021, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 8/2018. Sự leo thang vật giá và chi phí logistics trên toàn thế giới chỉ vừa mới bắt đầu.
Khi FED buộc phải tăng lãi suất, sức ép trả lãi trái phiếu, nợ tư nhân và tiêu dùng của Mỹ sẽ rất lớn. Mỹ chỉ có thể tránh sức ép lạm phát và tăng lãi suất bằng cách tìm kiếm sự hợp tác kinh tế từ Trung Quốc. Vì vậy, Mỹ cần phải bãi bỏ thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc để kiềm chế sự leo thang vật giá. Mỹ cũng cần Trung Quốc bãi bỏ thuế quan đối với hàng hóa của Mỹ, để tăng xuất khẩu và thúc đẩy nền kinh tế.
Ngày 5/5, trong một sự kiện trực tuyến của Financial Times, Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết bà rất mong đợi cuộc đàm phán chính thức với Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong tương lai gần, vấn đề thuế quan đối với hàng hóa trị giá 370 tỷ USD của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ sẽ phụ thuộc vào kết quả của cuộc đối thoại và việc thực hiện thỏa thuận giai đoạn một. Đáng nói là, Katherine Tai cho biết trong việc này, vấn đề thời gian là rất quan trọng. Tại cuộc điều trần trước Quốc hội gần đây, bà cũng nói rằng các cuộc đàm phán thương mại Trung - Mỹ sẽ chỉ được khôi phục vào thời điểm thích hợp, ám chỉ rằng Mỹ không vội vàng trong việc nối lại đàm phán.
Cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ sắp bước sang năm thứ ba. Khi Trump thúc đẩy chiến tranh thương mại, ít người nhận thức được đầy đủ về phạm vi và mức độ của cuộc chiến này, và cũng không thiếu những dự đoán tiêu cực. Vậy mà, 3 năm qua, Trung Quốc không những không bị đánh bại mà ngày càng trở nên vững vàng, nền kinh tế sau đại dịch phục hồi mạnh mẽ hơn bất cứ quốc gia nào. Biden không những cần sự hợp tác của Trung Quốc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa nói chung, mà còn cần sự hợp tác của nước này trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và năng lượng mới của Mỹ. Katherine Tai cũng đặc biệt đề cập đến vấn đề hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, tất nhiên, bà tập trung vào khía cạnh thương mại.
Khi được hỏi liệu Mỹ có triển khai đàm phán thương mại tự do với Đài Loan hay không, Katherine Tai nói rằng bất kỳ trao đổi kinh tế-thương mại nào giữa Mỹ và Đài Loan đều phải được phối hợp với các mục tiêu chính sách đối nội và đối ngoại khác của Chính quyền Biden, câu trả lời này cho thấy triển vọng Mỹ sẽ gác lại thỏa thuận thương mại tự do toàn diện đã đạt được với Đài Loan. Sự bác bỏ chính sách "rõ ràng về chiến lược" đã được Campbell công khai trong bối cảnh này.
Ngày 30/4, tại cuộc hội thảo của Viện nghiên cứu Aspen với chủ đề 100 ngày cầm quyền của Biden, khi được hỏi về lập trường của Mỹ đối với Đài Loan, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan trả lời rằng Mỹ đã bày tỏ rõ ràng với Trung Quốc rằng Mỹ phản đối lập trường đơn phương thay đổi hiện trạng trên eo biển Đài Loan. Đây tất nhiên không phải câu trả lời thật lòng, vì bên đang đơn phương thay đổi hiện trạng trên eo biển Đài Loan chính là Mỹ và Đài Loan. Tuy nhiên, Sullivan tránh làm rõ vấn đề liệu Mỹ có hành động cụ thể hay không.
Campbell đã làm rõ lập trường của Mỹ và trực tiếp phủ nhận chính sách "rõ ràng về chiến lược". Ông cho rằng trong một khu vực địa lý hẹp như ở eo biển Đài Loan, bất kỳ cuộc xung đột nào cũng đều khó có thể kiểm soát và sẽ mang lại thiệt hại kinh tế lớn cho thế giới: "Tôi nghĩ rằng cuộc xung đột sẽ nhanh chóng mở rộng và gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu theo cách mà không ai có thể dự đoán".
Campbell cũng cho rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều nhận thức được rằng việc duy trì hiện trạng Đài Loan ở một mức độ nhất định phù hợp với lợi ích tối ưu của cả hai nước. Tuy nhiên, The New York Times chỉ ra rằng Mỹ và Đài Loan càng khép lại "cánh cửa" thống nhất thì Bắc Kinh nhiều khả năng càng tìm kiếm cơ hội thống nhất bằng vũ lực. Một khi Bắc Kinh đã hạ quyết tâm, thì Mỹ cũng không thể ngăn cản, và điều này không những ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu mà còn gây tổn hại đến vận mệnh và danh dự của nước Mỹ. Vì vậy, lựa chọn duy nhất của Mỹ lúc này là tránh để Bắc Kinh hạ quyết tâm, tiếp tục duy trì "mơ hồ về chiến lược".
Nếu chính sách "mơ hồ về chiến lược" trước đây mục đích là để kìm hãm hành động của Trung Quốc, thì chính sách "mơ hồ về chiến lược" hiện tại là để dọn đường cho những quyết sách của Mỹ trong tương lai. "Rõ ràng về chiến lược" là sự tiếp nối của tư duy chiến lược coi xung đột là đường lối chính của thời Trump, và thực tế đã chứng minh rằng nó không phù hợp với lợi ích của Mỹ, mà chỉ là một ngõ cụt.
Mỹ cũng cần đến sự hợp tác của Trung Quốc trên nhiều phương diện. Campbell đang mong đợi các cuộc tiếp xúc ngoại giao thực chất với Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên và các vấn đề khác trong vài tháng tới, giống như Đặc phái viên Mỹ về vấn đề biến đổi khí hậu John Kerry và Đặc phái viên của Mỹ về Iran Robert Malley đã làm. Rủi ro thực sự trong ngắn và trung hạn sẽ đến từ những điều khó lường nhất, cần phải ngăn chặn quân đội Mỹ và Trung Quốc nổ súng trong những tương tác cự ly gần. Việc giảm bớt các hoạt động trinh sát, điều tra và tự do hàng hải mang tính khiêu khích phù hợp với lợi ích của Mỹ và Trung Quốc. Campbell hy vọng có thể xây dựng lòng tin giữa Washington và Bắc Kinh, đảm bảo duy trì sự kết nối trong thời gian khủng hoảng, đây cũng là quan điểm mà Trung Quốc luôn ủng hộ.
Vấn đề Đài Loan dường như do Nhà Trắng trực tiếp kiểm soát, cả Sullivan và Campbell đều thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, trong đó Sullivan là người phụ trách cao nhất còn Campbell là người phụ trách các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương (thực tế là các vấn đề Trung Quốc), Ngoại trưởng Antony Blinken gần như trở thành người đứng ngoài cuộc, mặc dù Bộ Ngoại giao trước đó đã có nhiều động tác nhỏ. Vào thời Pompeo, hai nhân vật đến thăm Đài Loan là Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach và đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Kelly Craft trở về giữa chừng đều thuộc hệ thống Bộ Ngoại giao. Dưới thời Blinken, Đại sứ Mỹ tại Palau John Hennessey-Niland đi cùng đoàn đại biểu Palau thăm Đài Loan và đại biện lâm thời của Mỹ tại Pháp Brian Aggeler có bữa cơm trưa với đại diện Đài Loan, cả hai đều thuộc hệ thống Bộ Ngoại giao. Có thể thấy vấn đề kiểm soát Đài Loan đã có sự hoán đổi vai trò.
Tuy nhiên, dù có thay đổi như thế nào đi nữa thì chính sách mà Mỹ lựa chọn vẫn là “mơ hồ về chiến lược” chứ không phải “rõ ràng về chiến lược”, cũng giống như Mỹ lựa chọn trao đổi thay vì tách rời trong thương mại với Trung Quốc, đều không phải là do Mỹ chủ động lựa chọn, mà là sự lựa chọn bất đắc dĩ./.
Chen Feng, biên tập viên báo Người Quan sát. Bài viết được đăng trên Người quan sát, Trung Quốc.
Việt Hải (GT)
Trung Quốc cũng có lợi thế hơn Mỹ trong lĩnh vực phát triển thị trường số ASEAN. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế số, có thể giúp Trung Quốc và ASEAN cùng xây dựng các tiêu chuẩn thương mại số, đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - ASEAN...
Bộ Tứ có thể tổ chức nhiều hội nghị thượng đỉnh nhưng khó đem lại kết quả thực chất nếu thiếu tầm nhìn chiến lược rõ ràng và chương trình nghị sự phù hợp.
Trung Quốc không muốn đưa khu vực biên giới với Ấn Độ trở về trạng thái trước xung đột, ngăn cản Ấn Độ vươn lên trên trường quốc tế, coi Ấn Độ là đối tượng dễ bị cưỡng ép. Mặt khác, dù chính phủ Ấn Độ vẫn thận trọng tiếp cận vấn đề Eo biển Đài Loan tại các diễn đàn quốc tế, nhưng mối quan hệ hai bên...
Khi cạnh tranh Mỹ - Trung trở nên căng thằng, có thể sẽ xảy ra những cuộc chiến ủy nhiệm ở những mức độ khác nhau trên khắp châu Á.
Ngày 14/5/2021, Đại học Thanh Hoa Trung Quốc phối hợp cùng Đại học Bắc Kinh và Đại học Nhân dân tổ chức tọa đàm với chủ đề “Trật tự quốc tế thời kỳ hậu Covid”. Tại tọa đàm, Giám đốc Cơ sở trao đổi nhân văn Trung - Mỹ, Học viện Quan hệ quốc tế, Đại học Bắc Kinh Giả Khánh Quốc đã có bài phát biểu về 3...
Trung Quốc đang làm tốt hơn và nhiều hơn Mỹ trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng tại Đông Nam Á, dù chính quyền Biden giành được nhiều thiện chí của các nước trong khu vực. Hai cuốn sách xuất bản gần đây là “Dưới bóng con rồng: Đông Nam Á trong kỷ nguyên Trung Quốc” của tác giả Sebastian Strangio và “Dưới...