Cạnh tranh Mỹ - Trung ở Biển Đông trên mặt trận đấu tranh dư luận, học giả: Góc nhìn từ Hội thảo Quốc tế Biển Đông thứ 13

Thuỳ Anh, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao

Tại hội thảo Biển Đông lần thứ 13 do Học viện Ngoại giao tổ chức, vấn đề Biển Đông được đánh giá là vấn đề tiếp tục nhận được quan tâm tại nhiều quốc gia, là một trong những địa bàn nóng của cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn với sự ra đời của nhiều cơ chế mới. Các nước lớn đồng loạt công bố chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương trong đó đều đề cập đến Biển Đông như một ưu tiên trong chiến lược của mình.

Căn nguyên xung đột tại Biển Đông từ cạnh tranh nước lớn?

Bàn về nguyên nhân gốc rễ của những căng thẳng, bất an, bất ổn của tình hình Biển Đông, có hai luồng quan điểm trái ngược nhau, một bên là quan điểm của phía Trung Quốc, một bên là của các nước ngoài khu vực.

Với luồng quan điểm thứ nhất, Trung Quốc là nhân tố chính quyết định đến tình hình. Ông Derek Grossman, học giả Mỹ, dẫn ra hàng loạt các ví dụ về các hành động gây hấn của Trung Quốc với tất cả các nước yêu sách khác ở Đông Nam Á, trải dài từ mốc năm 2009 cho đến nay, và đặc biệt nhấn mạnh đến các hoạt động vùng xám của Trung Quốc ở Biển Đông. Phó Đô đốc Nhật bản, Yoji Koda, nêu ra ba nhân tố chính cho các diễn biến phức tạp ở Biển Đông bao gồm: yêu sách bành truớng của Trung Quốc, tranh chấp vùng biển từ các thực thể trên biển, và bất đồng quan điểm về sử dụng tự do biển cả.

Với luồng quan điểm thứ hai, học giả Trung Quốc cho rằng Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất bị lên án và phải chịu trách nhiệm về những bất ổn ở Biển Đông, chính Mỹ là bên khởi xướng và kéo theo các nước bên ngoài gây căng thẳng ở khu vực. TS. Ding Duo (Viện Nghiên cứu Nam Hải, Trung Quốc) nhận định rằng Mỹ và các nước ngày càng tăng quy mô và tần suất của các hiện diện quân sự ở Biển Đông. Phản bác lại lập lập luận này, Phó Đô đốc Yoji Koda (Nhật Bản), khẳng định Nhật, Ấn, Mỹ không phải là “người ngoài”. Đây là vùng biển của tất cả các nước, và hoạt động của các nước ngoài khu vực tại Biển Đông đã có từ lâu trong lịch sử. Ông nhấn mạnh việc tự do hàng hải ở vùng biển cả cần được bảo vệ và duy trì ở Biển Đông.

Đại diện từ các nước Đông Nam Á, học giả Campuchia, TS. Vannartith Cheang không trực tiếp điểm mặt nêu tên bất kỳ quốc gia nào là nguyên nhân chính của tình hình nhưng đưa ra ba lý do cho những bất ổn, khó đoán định của tình hình hiện nay bao gồm: cạnh tranh chiến lược nước lớn, quá trình quân sự hoá và chủ nghĩa dân tộc của các nước ngày càng gia tăng.

Cấu trúc khu vực, vai trò của ASEAN và tương lai của COC

Sự can dự của Mỹ cả trên thực địa và việc thiết lập các cơ chế mới được các học giả Trung Quốc chỉ rõ là nhân tố gây bất ổn cho khu vực và chỉ nhằm mục tiêu kiềm chế Trung Quốc hơn là vì các lợi ích chung. TS. Ding Duo, học giả Trung Quốc, cho rằng các quan hệ đối tác như QUAD và AUKUS là những bước đi chiến lược của Mỹ nhằm đối phó với Trung Quốc ở châu Á.

Trong khi đó, theo GS. Stephen Nagy, học giả Canada, khẳng định “Chủ nghĩa khu vực” mang màu sắc Trung Quốc thiên về tính song phương và chưa nhấn mạnh đến các yếu tố trật tự dựa trên luật lệ. GS cho rằng việc các nước ngoài khu vực đầu tư và xây dựng các thể chế ở khu vực trên nhiều lĩnh vực khác nhau đã góp phần giúp các nước nhỏ có thêm nguồn lực để củng cố sức mạnh quốc gia vừa giúp các nước điều chỉnh với sự bất cân xứng trong quan hệ với Trung Quốc.

Về mối liên hệ giữa các cơ chế mới và vai trò của ASEAN và các nước khu vực, học giả Mỹ, Derek Grossman, nhận định việc có nhiều cơ chế xuất hiện chứng tỏ ASEAN chưa tròn vai trong việc duy trì hoà bình ổn định khu vực. So sánh giữa QUAD và AUKUS, các học giả chia sẻ quan điểm cho rằng QUAD nhấn mạnh đến các nguyên tắc thúc đẩy trật tự dựa trên luật lệ và đã chuyển hướng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực dịch vụ công.

Trong khi đó, theo Derek, AUKUS không phải là liên minh quân sự mà là thoả thuận quốc phòng, trước mắt sẽ hướng đến hợp tác tàu ngầm hạt nhân cho Úc và tăng cường khả năng hiệp đồng tác chiến giữa ba nước. Phó Đô đốc Nhật Bản, Yoji Koda, cho rằng Mỹ, Úc, Anh cần làm rõ hơn về bản chất của AUKUS, vai trò, mục đích của cơ chế này để trấn an hơn các nước ASEAN, và rằng cơ chế này không gây ảnh hưởng đến ổn định khu vực.

Trong bối cảnh đó, các học giả chia sẻ chung quan điểm về tương lai mờ mịt của COC. TS. Vannartith Cheang cho rằng COC cần nhấn mạnh đến luật pháp quốc tế và có mức độ “bắt buộc thực thi” cao hơn DOC. Theo ông Yoji Koda, khi các quốc gia ASEAN tham gia COC cần xem xét các yếu tố cả trong và ngoài khu vực. Dưới góc độ của người đã từng tham gia lực lượng trên biển, ông Yoji Koda cho rằng COC cần phù hợp với UNCLOS vì những thủy thủ trên biển sẽ không muốn có quá nhiều các bộ quy tắc. Đây là những yêu cầu chính đáng nhưng khó thực hiện trong bối cảnh lợi ích của Trung Quốc có nhiều khác biệt. TS. Ding Duo, học giả Trung Quốc khuyến nghị rằng trong đàm phán COC, các nước nên tập trung vào các lĩnh vực hợp tác biển thực chất tại những khu vực ít nhạy cảm, tạo thế đan xen lợi ích, để tăng cường lòng tin chính trị cũng như kiềm chế các hành động gây bất ổn.