31/01/2024
Năm 2023, “khoáng sản chiến lược” hay “khoáng sản thiết yếu” trở thành từ khóa phổ biến trên toàn cầu. Đây là hệ quả của hai nhiều yếu tố, bao gồm: (i) nhu cầu về khoáng sản gia tăng, song hành với nhu cầu chuyển đôi công nghệ số - công nghệ xanh; (ii) cạnh tranh giữa các cường quốc lan sang lĩnh vực khoáng sản. Việt Nam không đứng ngoài dòng chảy này. Việt Nam là quốc gia sở hữu trữ lượng khoáng sản lớn với nhiều tiềm năng chưa được khai mở (bao gồm tại Biển Đông) và nhu cầu ngày sử dụng ngày càng cao. Cạnh tranh khoáng sản giữa các cường quốc có thể ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến an ninh – kinh tế - phát triển của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần nắm bắt được cơ hội và thách thức, hướng tới phát triển và tự chủ hóa chuỗi cung ứng khoáng sản bền vững, đa dạng và linh hoạt.
Hoàng Đỗ - Ngọc Mai – Việt Hà
Phần 1: Tình hình khoáng sản chiến lược của Việt Nam
Tuy chưa có định nghĩa về “khoáng sản chiến lược”, Việt Nam đã phát triển các khái niệm tương tự. Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (ban hành tháng 4/2023) có sử dụng cụm từ “khoáng sản chiến lược, quan trọng”. Theo văn bản, các khoáng sản này bao gồm: “đất hiếm, khoáng sản phóng xạ (urani-thori), kim loại hiếm (lithi, beryli, cobalt), kim loại đang thiếu hụt (vàng, thiếc-wolfram, đồng, nickel), các khoáng chất công nghiệp, khoáng sản làm vật liệu xây dựng và các khoáng sản bổ sung thay thế cát, sỏi lòng sông”[1].
Nhu cầu của Việt Nam về khoáng sản chiến lược tương đối cao. Theo số liệu dự báo, nhu cầu nguyên liệu khoáng sản tại Việt Nam sẽ tăng trung bình 6,5%/năm theo tốc độ phát triển kinh tế[2]. Đặc biệt, khi Việt Nam phấn đấu thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, các loại khoáng sản chiến lược sẽ đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ các dạng năng lượng truyền thống sang các dạng năng lượng mới xanh hơn.
Việt Nam có nhiều điều kiện khai thác khoáng sản. Thứ nhất, Việt Nam nằm trong nhóm dẫn đầu thế giới về trữ lượng, sản lượng của một số khoáng sản quan trọng. Theo báo cáo của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), năm 2019, sản lượng wolfram của Việt Nam đứng thứ hai thế giới (chiếm 5,4% sản lượng toàn cầu, trữ lượng chiếm 2,8% toàn cầu); sản lượng bauxite đứng thứ 11 thế giới (chiếm 1,1% sản lượng toàn cầu, trữ lượng chiếm 12% toàn cầu)[3] hay nguồn nickel sạch[4].
Đặc biệt, đất hiếm là một trong những khoáng sản chiến lược Việt Nam có nhiều tiềm năng: dù sản lượng hiện không nhiều (chỉ chiếm 0,6% sản lượng toàn cầu năm 2019), nhưng trữ lượng vẫn chiếm tới 18% toàn cầu, thứ hai chỉ sau Trung Quốc.[5] Ngoài ra, Việt Nam có tiềm năng khoáng sản đáy biển sâu dù chưa được khai thác, bao gồm tại Biển Đông: Chương trình Ponaga hợp tác của Pháp với Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1993 đã phát hiện vỏ và kết hạch sắt mangan khi thăm dò dầu khí trên thềm lục địa Biển Đông; một số nghiên cứu (nhất là từ Trung Quốc) đã phát hiện một số khoáng vật có giá trị ở Biển Đông[6], bao gồm kết hạch đa kim lẫn lớp vỏ giàu kim loại.
Thứ hai, Việt Nam cũng có một số điểm thuận khác trong chuỗi khoáng sản khu vực: (i) có khả năng chế biến một số khoáng sản, hiện được xếp hạng là nhà sản xuất thép lớn thứ 14 và sản xuất bismuth lớn thứ hai thế giới[7]; (ii) có vị trí địa lý thuận lợi, tiếp cận được với các thị trường trọng điểm trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc - những thị trường nhập khẩu khoáng sản đất hiếm lớn[8]; (iii) có chính trị ổn định và quan hệ tốt với các quốc gia xuất – nhập khẩu khoáng sản.
Thứ ba, Việt Nam đã có khung chính sách về vấn đề này. Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 yêu cầu tập trung điều tra, đánh giá các khoáng sản chiến lược, quan trọng. Chiến lược đã đặt ra yêu cầu điều tra, khoanh định các khu vực có triển vọng, đánh giá tổng thể tiềm năng, thăm dò đáp ứng nhu cầu khai thác, chế biến; cân đối giữa khai thác với dự trữ khoáng sản quốc gia đối với các loại khoáng sản chiến lược, quan trọng. Tháng 7/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.[9] Quy hoạch cũng đặt mục tiêu đối với một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược, quan trọng trong giai đoạn 2021 - 2030. Ngoài ra, Việt Nam cũng tham gia quá trình đàm phán trong khuôn khổ tại Cơ quan Quyền lực Đáy đại dương (ISA) về khai thác đáy biển sâu.[10]
Thứ tư, Việt Nam đã có nhiều động thái để triển khai các định hướng trên. Trong nước, Việt Nam đã và đang khai thác nhiều loại khoáng sản chiến lược: Sản lượng wolfram đạt khoảng 4.800 tấn/năm[11], trong đó mỏ quan trọng nhất là Núi Pháo (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên); mangan và chromi với một số mỏ lớn như mỏ chromit Cổ Định (Thanh Hóa), mỏ mangan tại Cao Bằng, Tuyên Quang và Hà Tĩnh… Ngoài nước, Việt Nam đang thúc đẩy trở thành cơ sở sản xuất thiết bị và linh kiện điện tử quan trọng ở Đông Nam Á, đồng thời là một trong những thị trường năng lượng tái tạo phát triển.[12] Một số quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Canada đang hình thành quan hệ đối tác với chính phủ và các công ty tư nhân Việt Nam nhằm thiết lập chuỗi cung ứng đất hiếm và các vật liệu quan trọng khác. Các công ty Úc cũng đang xem xét đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng của Việt Nam, bao gồm Công ty Khoáng sản Chiến lược Úc (ASM) đã ký một thỏa thuận vào giữa tháng 12/2022 với Công ty CP Đất hiếm Việt Nam để cung cấp dài hạn oxit đất hiếm nhằm cung cấp nguyên liệu cho nhà máy kim loại của ASM[13].
Tuy nhiên, chính sách đối với khoáng sản, đặc biệt là các khoáng sản chiến lược, của Việt Nam vẫn còn tồn tại một số bất cập. Thứ nhất, một số lĩnh vực vẫn chưa phát triển hết tiềm năng. Các khoáng sản khác chưa được khai thác hoặc chưa dùng hết tiềm năng là lithi (mỏ lithi ở La Vi - Ba Tơ, Quảng Ngãi có trữ lượng khoảng 1 triệu tấn quặng hay 10.000 tấn Li2O nhưng vẫn chưa được khai thác[14]), nickel (trữ lượng ước tính khoảng 3,6 triệu tấn, tập trung ở Thanh Hóa (hơn 3 triệu tấn), Sơn La và Cao Bằng, nhưng sản lượng còn thấp[15]).
Thứ hai, công tác quản lý còn nhiều thiếu sót. Tình trạng đào trộm, buôn lậu, thất thoát tài nguyên còn phổ biến, từ vàng[16], mangan[17] tới đất hiếm[18]. Nhiều dự án khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, gây bức xúc trong dư luận. Khâu cấp phép khai thác còn tồn tại bất cập, để lọt một số dự án vào tay các doanh nghiệp không đủ năng lực về tài chính hay công nghệ.
Thứ ba, công nghệ khai thác, chế biến còn lạc hậu. Việt Nam không đủ khả năng chế biến sâu để nâng cấp chất lượng khoáng sản, thậm chí không khai thác được một số loại khoáng sản (như trường hợp đất hiếm tại mỏ Đông Pao).[19] Một số khoáng sản mới dừng lại ở khai thác thô, ít tinh luyện, ít chế biến thành các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và do đó, ít đem lại lợi nhuận hạ nguồn. Một số loại khoáng sản không được khuyến khích xuất khẩu thô (đất hiếm) do không nhiều lợi nhuận, xuất khẩu tinh phải chế biến phức tạp và thành phẩm đi kèm nhiều chất độc hại.[20] Khai thác đất hiếm cũng có thể tạo ra hệ quả nghiêm trọng cho môi trường nếu không sử dụng công nghệ tốt.
Thứ tư, Việt Nam chưa tham gia nhiều vào hoạt động nghiên cứu, thăm dò, chế biến, khai thác khoáng sản đáy biển sâu. Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề cập đến yêu cầu phát hiện, điều tra khoáng sản vùng biển sâu và xa bờ, bao gồm điều tra địa chất một số vùng biển sâu, vùng biển quốc tế liền kề, gắn với tìm kiếm, phát hiện các khoáng sản biển sâu. Tuy nhiên, quan tâm mới chỉ dừng ở mức thăm dò. Việt Nam cũng chưa có đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực này, trong khi khuôn khổ chính sách khuyến khích và nguồn tài chính còn hạn chế[21]. Các phát hiện về khoáng sản rắn biển sâu cũng ít được công bố.
Tài liệu tham khảo:
[3] https://pubs.usgs.gov/myb/vol3/2019/myb3-2019-vietnam.pdf
[6] http://www.xinhuanet.com/english/2017-05/06/c_129591417.htm; https://www.mdpi.com/2075-163X/10/11/1016; https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fmars.2023.1141926/full
[7] https://www2.bgs.ac.uk/mineralsuk/statistics/worldStatistics.html
[8] https://www.vietnam-briefing.com/news/rare-earth-mining-vietnam.html/
[11] https://pubs.usgs.gov/periodicals/mcs2023/mcs2023-tungsten.pdf
[12] https://www.argusmedia.com/en/news/2406483-vietnam-becomes-focus-for-new-rare-earths-supply
[13] https://www.argusmedia.com/en/news/2406483-vietnam-becomes-focus-for-new-rare-earths-supply
[15] https://baochinhphu.vn/danh-thuc-tiem-nang-niken-o-viet-nam-102220316092658575.htm
[17] https://www.sggp.org.vn/ha-tinh-do-xo-dao-trom-quang-mangan-post38867.html
[18] https://tuoitre.vn/dieu-tra-buon-ban-ngam-dat-hiem-20230628100146142.htm
[19] https://vietnamnet.vn/co-hoi-viet-nam-xuat-khau-dat-hiem-de-cho-doi-sau-538569.html
[20] https://vietnamnet.vn/co-hoi-viet-nam-xuat-khau-dat-hiem-de-cho-doi-sau-538569.html
[21] https://stnmt.thuathienhue.gov.vn/?gd=11&cn=409&tc=4271
Ngày 11 tháng 4 năm 2025, tại Diễn đàn Ngoại giao Antalya (Antalya Diplomacy Forum, gọi tắt ADF 2025), diễn ra tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Prabowo Subianto có bài phát biểu về tầm quan trọng của hợp tác khu vực trong đó có đề cập đến ý tưởng phát triển chung giữa Indonesia và Trung Quốc trên...
Mối quan hệ giữa Campuchia và Mỹ đã trải qua nhiều biến động thăng trầm kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1993 và chịu nhiều tác động bởi các yếu tố lịch sử, khác biệt về tự do chính trị, dân chủ, nhân quyền và quan hệ với Trung Quốc. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump...
Trong 50 ngày đầu nắm quyền, Chính quyền Trump 2.0 đã có nhiều điều chỉnh mạnh mẽ về chính sách đối ngoại, tạo ra nhiều “cú sốc” với cả đồng minh và đối thủ. Tuy nhiên, tại Biển Đông, chiều hướng can dự của Chính quyền Trump 2.0 (tạm gọi là “chính sách Biển Đông” của Trump 2.0) có phần ổn định hơn. Đâu...
Với chiến thắng trước ứng cử viên Kamala Harris trong cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm 2024, Donald Trump đã tái đắc cử và trở thành Tổng thống thứ 47 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Chiến thắng này đem lại niềm vui cho một bộ phận lớn cử tri Mỹ, song cũng khiến nhiều quốc gia trên thế giới lo ngại.
Ngày 21.2, Chính phủ Việt Nam đã ra Tuyên bố về đường cơ sở của Việt Nam trong vịnh Bắc bộ. Đây là hoạt động chính đáng, thực hiện quyền và nghĩa vụ của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm (UNCLOS) 1982 và phù hợp với luật Biển Việt Nam năm 2012.
Thời gian gần đây Trung Quốc có xu hướng vừa gia tăng hiện diện trên thực địa để hiện thực hóa các yêu sách không phù hợp với luật pháp quốc tế, vừa thúc đẩy các cam kết về hợp tác khai thác chung tài nguyên biển với các quốc gia Đông Nam Á trên Biển Đông.