Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Canada: “gam màu” mới trong khu vực

Đỗ Hoàng & Việt Hà

Những điểm nhấn trong chiến lược

Về phạm vi, chiến lược không nêu cách xác định khu vực như Anh hay Pháp nhưng liệt kê 40 chủ thế thuộc Ấn – Thái, gồm các nước Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Nam Á, đảo quốc Thái Bình Dương châu Đại Dương. Trong số này, nếu như Mỹ tự coi mình “cường quốc Ấn – Thái”, Canada khiêm tốn định vị mình là “quốc gia Thái Bình Dương”. Canada cũng nhắc đến các nước Nam Á như Bhutan, Nepal hay Sri Lanka mà bản của Mỹ bỏ qua. Một điểm đặc biệt là, Canada đặt Ấn – Thái trong mối tương quan với Bắc Cực – điều các chiến lược tương tự của các nước khác không có.

Về xu thế, chiến lược mới công nhận: (i) Ấn – Thái trỗi dậy là “chuyển dịch toàn cầu hiếm có” (once-in-a-generation), đòi hỏi Canada phải thích ứng; (ii) các đồng minh thân cận nhất của Canada như Mỹ, EU, Đức, Pháp hay Anh đều đang tăng cường hiện diện tại Ấn – Thái nhưng Canada vẫn có thể đóng vai trò “khác biệt” (unique) tại khu vực; (iii) các cường quốc Ấn – Thái ngày càng hướng về Bắc Cực để tìm kiếm cơ hội. Bản của Mỹ cũng công nhận hai xu thế đầu nhưng có thêm ý về đồng thuận lưỡng đảng về tầm quan trọng của khu vực và không nhắc đến Bắc Cực.

Về lợi ích, chiến lược nhấn mạnh quan hệ giữa Canada và khu vực sẽ định hình “mọi vấn đề” quan trọng với Canada (an ninh quốc gia, kinh tế, luật quốc tế, giá trị dân chủ, sức khỏe cộng đồng, môi trường, quyền phụ nữ và con người). Trong đó, lợi ích về kinh tế và an ninh con người được nhấn mạnh nhất.

Cụ thể, về kinh tế, khu vực sẽ chiếm 50% GDP toàn cầu trước 2040, gồm 6/13 đối tác thương mại lớn nhất của Canada. Dân số khu vực sẽ là thị trường của nhiều ngành nghề Canada có “danh tiếng toàn cầu” như giáo dục, y tế, năng lượng, tài chính, lương thực, phát triển xanh… Về kết nối con người, 1/5 người Canada có huyết thống tại Ấn – Thái, cộng đồng người nước ngoài lớn nhất tại Canada là từ Ấn – Thái, hàng trăm ngàn người Canada đang sống tại Ấn - Thái. Đáng chú ý, chiến lược nhấn mạnh vai trò của người bản địa (thổ dân) Canada – cộng đồng từng sinh sống tại Thái Bình Dương và thiết lập mạng lưới thương mại với Ấn – Thái trong lịch sử. Đây cũng là điểm khác so với chiến lược của Mỹ.

Về thách thức, Canada cho rằng khu vực đang phải đối mặt với: (i) cạnh tranh nước lớn và căng thẳng khu vực gia tăng, tại Triều Tiên, Myanmar, biên giới Ấn Độ, Biển Đông – Hoa Đông và Đài Loan – tất cả đều mang hệ lụy toàn cầu; (ii) Trung Quốc đang định hình lại trật tự khu vực, có nhiều động thái mang tính “cưỡng ép” hay “can thiệp”; (iii) các thách thức toàn cầu và các vấn đề an ninh con người như nghèo đói, bất bình đẳng, biến đổi khí hậu… lan rộng. Các vấn đề này cũng xuất hiện trong chiến lược của Mỹ nhưng Canada không trực tiếp gọi Trung Quốc là “thách thức” như chiến lược của Mỹ và Pháp hay “đối thủ cạnh tranh hệ thống” như chiến lược của Anh

Về đối tác – đối tượng, thứ tự các được Canada đề cập đến trong phần chính sách là: Trung Quốc; Ấn Độ; Bắc Thái Bình Dương (Nhật Bản - Hàn Quốc) và ASEAN. Đáng chú ý, Đài Loan cũng được nhắc đến nhiều (8 lần), đôi lúc đặt ngang hàng các quốc gia đối tác nhưng Canada vẫn cẩn thận dùng từ “nền kinh tế”. Úc, New Zealand hay các đảo quốc Thái Bình Dương không được đề cập riêng như chiến lược của Mỹ.

Giống với chiến lược của Mỹ và khác chiến lược của các nước Châu Âu, Canada dành một phần riêng đề cho Trung Quốc, thậm chí với độ dài lớn hơn (2 trang) so với Mỹ (2 đoạn). Dù không coi Trung Quốc là đối thủ hay thách thức, Canada mô tả Trung Quốc chủ yếu như “đối tượng”, trong khi các chủ thể còn lại giống “đối tác” hơn: Trung Quốc là cường quốc ngày càng “quấy rối” (disruptive[1]); Trung Quốc đi ngược lại giá trị của Canada trong các vấn đề như Biển Đông, Hồng Kông, Tây Tạng hay Tân Cương. Tuy nhiên, Canada vẫn nhấn mạnh giá trị của Trung Quốc: Trung Quốc có thể giúp gỡ giải các vấn đề toàn cầu (khí hậu, đa dạng sinh học, y tế và hạt nhân); Trung Quốc là thị trường xuất khẩu đáng kể của Canada. Canada cũng phân biệt chính phủ và người dân Trung Quốc, khẳng định nhân dân mới là nền tảng quan hệ.

Canada có chính sách hợp tác – cạnh tranh với Trung Quốc khá giống Mỹ nhưng không theo đuổi “3C” như Mỹ[2] mà đưa ra cách tiếp cận 4 tầng nấc: (i) trong nước, Canada sẽ tăng cường quốc phòng và nền dân chủ để chống Trung Quốc can thiệp (có liên quan đến tuyên bố gần đây của Thủ tướng; (ii) về song phương, Canada sẽ tiếp tục đối thoại với Trung Quốc, đồng thời xem xét lại các cơ chế - MOU đã thiết lập với Trung Quốc xem có còn phù hợp với lợi ích Canada hay không, lên tiếng về nhân quyền, đảm bảo lợi ích kinh tế không làm tổn hại lợi ích an ninh; (iii) trong khu vực, Canada sẽ đa dạng hóa quan hệ, thúc đẩy thiết chế khu vực theo luật lệ, đẩy lùi các hành động đơn phương tại Biển Đông, Hoa Đông hay Đài Loan; (iv) về đa phương, Canada sẽ đầu tư vào quản trị toàn cầu, chống lại các “quy chuẩn” như bắt bớ người hay áp bức kinh tế, đồng thời vẫn hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề toàn cầu.

Về triển khai, Canada đề ra 5 mục tiêu tại khu vực: (i) thúc đẩy hòa bình và an ninh; (ii) mở rộng thương mại, đầu tư và phục hồi chuỗi cung ứng; (iii) đầu tư và kết nối con người; (iv) xây dựng tương lai xanh và bền vững (hàm ý an ninh biển); (v) biến Canada thành đối tác tích cực ở khu vực (chủ yếu về ngoại giao). Chiến lược của Mỹ cũng có 5 trụ cột với nội dung tương tự nhưng Canada nhấn mạnh hơn an ninh con người (bao gồm bình đẳng giới), đưa các vấn đề này thành mục tiêu riêng.

Để triển khai mục tiêu về hòa bình và an ninh, Canada sẽ: tăng hiện diện hải quân (bằng tàu khu trục); đẩy quan hệ quốc phòng với đối tác khu vực, bao gồm ASEAN, Nhật và Hàn Quốc, tăng đầu tư vào nhóm “Ngũ Nhãn”, tiếp tục Sứ mệnh NEON tại Triều Tiên, tăng cường xây dựng năng lực an ninh với đối tác (gồm Việt Nam); thúc đẩy năng lực an ninh mạng, chống can thiệp nước ngoài, bảo vệ tài sản trí tuệ Canada…

Về mục tiêu thương mại – chuỗi cung ứng, Canada sẽ: khởi động sáng kiến Cửa ngõ Thương mại Canada tại Đông Nam Á, cử Đại diện Thương mại Ấn – Thái mới, mở một loạt các Phái đoàn Thương mại mới, thúc đẩy Thỏa thuận Kinh tế với Người Bản địa (IPETCA) tại một số nước Ấn – Thái; mở Văn phòng Nông nghiệp đầu tiên tại Ấn – Thái; mở rộng các chương trình đã có như FinDev Canada, CanExport, CP-TPP; tham gia IPEF, DEPA và Sáng kiến Chuỗi cung ứng Bền bỉ Úc – Nhật - Ấn; thúc đẩy cơ sở vật chất kinh tế số và tiêu chuẩn lao động tại khu vực…

Về mục tiêu kết nối con người, Canada sẽ: tăng viện trợ cho các chương trình nữ quyền; hòa giải mâu thuẫn với các cộng đồng người bản xứ; khở động Sáng kiến Canada dự Khu vực Ấn – Thái để gửi hơn 200 chuyên gia Canada tới khu vực để trao đổi; ủng hộ cộng đồng Pháp ngữ (gồm Việt Nam); khởi động chương trình viện trợ đầu tiên trong Đối tác Thái Bình Dương Xanh; thực hiện giai đoạn tiếp theo của Chiến lược Rohingya; hỗ trợ xây dựng hòa bình tại Sri Lanka và Myanmar; tổ chức Thượng định về Bắt giữ Vô cớ vào năm 2023 (hàm ý vụ Trung Quốc bắt 2 công dân Canada).

Với mục tiêu về an ninh biển xanh và bền vững, Canada sẽ: giúp khu vực chống IUU bằng Chương trình Phát hiện Tàu tắt tín hiệu của Canada; quảng bá công nghệ xanh của Canada; dành 1,26 tỷ USD Quỹ Khí hậu Canada cho Ấn – Thái; ưu tiên Ấn – Thái trong Liên minh Than đá trong Quá khứ (PPCA); giúp khu vực chống rác thải nhựa trên biển qua một hiệp định ràng buộc về pháp lý…

Về tăng hiện diện ngoại giao, Canada sẽ: cử Đặc phái viên riêng về Ấn – Thái; ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, theo đuổi Đối tác Chiến lược với ASEAN, nộp đơn vào ADMM+ và EAS; tăng hiện diện tại Diễn đàn Đảo quốc Thái Bình Dương; tổ chức Đối thoại Chiến lược Mỹ - Canada về Ấn – Thái vào 2023; tăng cường tham gia các vấn đề có liên quan tới Trung Quốc tại Liên hiệp Quốc, EU và NATO.

Ngoài ra, theo bản Thông tin Tổng quan được Canada công bố cùng với chiến lược, Canada sẽ đầu tư gần 2,3 tỷ đô-la Canada trong 5 năm để thực hiện các dự án theo 5 mục tiêu trên[3]. Trong đó, các dự án có kinh phí lớn nhất là về đầu tư cơ sở vật chất (750 triệu/3 năm), hiện diện quốc phòng (gần 493 triệu/5 năm), hỗ trợ nữ quyền (100 triệu/5 năm) và tăng hiện diện ngoại giao (100 triệu/5 năm).

Về thời điểm, chiến lược được công bố trong giai đoạn Canada có nhiều động thái can dự mạnh mẽ với khu vực. Dù là nước ra chiến lược muộn trong số các đồng minh của Mỹ, chỉ trong tháng 10-11/2022, Canada đã cùng Nhật công bố kế hoạch hành động vì khu vực Ấn – Thái[4], cùng Mỹ công bố kế hoạch tổ chức Đối thoại Chiến lược về Ấn – Thái[5], bày tỏ mong muốn tham gia IPEF[6]; đưa tàu hải quân tới khu vực, đi qua eo biển Đài Loan[7], công bố thông tin về Trung Quốc can thiệp bầu cử[8]… Điều này cũng là biểu hiện của xu thế tập hợp lực lượng gay gắt hơn sau khủng hoảng Ukraine.

Dư luận quốc tế nói gì về chiến lược?

Chiến lược nhận được khá nhiều lời khen ngợi trong nội bộ Canada và từ các học giả quốc tế. Trong nước, Đảng NDP đối lập và Phòng Thương mại Canada[9] hoan nghênh chiến lược. Ngoài nước, Đại sứ quán Mỹ[10] và Nhật Bản[11] tại Canada ra tuyên bố ủng hộ và bày tỏ mong muốn hợp tác với Canada ở Ấn – Thái. Bộ Ngoại giao Đài Loan cũng ra tuyên bố tương tự, khẳng định hai bên là “chung chí hướng” và nhấn mạnh ý Canada coi Trung Quốc là nhân tố “quấy rối”[12].

Nhiều học giả và cựu quan chức đề cao các sáng kiến cụ thể và cách tiếp cận Trung Quốc trong chiến lược. GS. Roland Paris (Đại học Ottawa) và Goldy Hyder (CEO Hội đồng Kinh doanh Canada) nhận xét chiến lược đã đưa ra cam kết thực sự về mặt tài chính[13]. Cựu Đại sứ Canada tại Trung Quốc Guy Saint-Jacques cho rằng gói đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng 750 triệu dollar Canada là “thông điệp đúng đắn” của Canada[14]. Chuyên gia Margaret McCuaig-Johnston (Đại học Ottawa) ca ngợi bản chiến lược “xứng đáng so với mong đợi”[15], “mang tính toàn diện và có nguồn lực đầy đủ để thực thi[16]. Bà cũng nhận định quan điểm cứng rắn của Canada với Trung Quốc có thể gây bất ngờ với nhiều người, nhưng đây là kết quả từ các hành động của Trung Quốc[17]. Cựu quan chức ngoại giao Shawn Barber cho rằng chiến lược tạo ra cơ hội để Canada hành động nhằm bảo vệ an ninh kinh tế trước mối đe dọa từ Trung Quốc[18].

Tuy nhiên, chiến lược cũng vấp phải nhiều khiển trách. Một số ý kiến chuyên gia cho rằng chiến lược công bố muộn[19][20], khiến danh tiếng Canada bị tổn hại[21] (đảng đối lập). Một số khác cho rằng chiến lược phục vụ lợi ích của Mỹ hơn là Canada vì quá đề cao cạnh tranh nước lớn (John Ivison, National Post[22] và Shaun Narine, Đại học St. Thomas[23]). Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng chỉ ra rằng Canada cần đề ra kế hoạch thực thi cụ thể, đặc biệt là về quân sự (Roland Paris, cựu cố vấn của Thủ tướng Trudeau). Khả năng triển khai hiện diện hải quân Canada, đặc biệt trong ngắn hạn, còn hạn chế (Adam MacDonald, Đại học Dalhousie và Timothy Choi, Đại học Calgary[24]). Vì quá bao trùm và rời rời rạc, chiến lược có thể sẽ bị lãng quên trong thời gian tới (cựu Đại sứ Canada tại Trung Quốc David Mulroney[25]).

Sau khi Canada ban hành chiến lược, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cáo buộc chiến lược có nhiều thiên kiến không căn cứ về ý thức hệ, phóng đại “mối đe dọa Trung Quốc” và Trung Quốc đã trao đổi với Canada về vấn đề này[26]. Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada chỉ ra 4 sai lầm trong chiến lược: (i) cách diễn giải về chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc; (ii) nhận thức về địa vị lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc; (iii) hành động gây tổn hại tới lợi ích của Trung Quốc; (iv) tham gia vào đối đầu địa chính trị ở châu Á - Thái Bình Dương. Nếu Canada hành động liều lĩnh, nước này sẽ thất bại hổ thẹn và sẽ bị Trung Quốc đáp trả mạnh mẽ[27]. Đại sứ Trung Quốc tại Canada Tùng Bồi Vũ tuyên bố Canada đã “theo Mỹ”, “tạo ra chia rẽ và kích động đối đầu”, kêu gọi Canada từ bỏ tư duy chiến tranh lạnh và đưa quan hệ song phương trở lại đúng hướng[28]. Các bài xã luận trên báo tiếng Anh của Trung Quốc cũng kịch liệt chỉ trích Canada: CGTN gọi đây là “ung nhọt” khu vực[29]; Hoàn Cầu coi chiến lược là điều “hiểm độc và thành kiến” với người Trung Quốc[30]; Giải phóng quân gọi chiến lược là cách để Canada lấy lòng Mỹ[31].

Vị trí của Việt Nam?

Việt Nam là đối tác được coi trọng, được nhắc đến 3 lần trong 3 nhóm riêng biệt: (i) các nước Canada ưu tiên xây dựng năng lực quốc phòng (cùng Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore); (ii) các nước thuộc cộng đồng Pháp ngữ (cùng Lào và Campuchia) và (iii) các nước cần hỗ trợ về nữ quyền (cùng Philippines, Indonesia và đảo quốc Thái Bình Dương). Thông qua chiến lược, Việt Nam có thể nhận nguồn lực qua các dự án tập trung vào cả 3 nhóm đối tượng trên.

Ngoài ra, chiến lược cũng có một số điểm đồng về lợi ích với Việt Nam. Việc Canada thúc đẩy can dự qua ASEAN (nhắc đến ASEAN 22 lần, có nhiều định hướng tham gia vào ASEAN cụ thể) và khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm ASEAN là phù hợp với Việt Nam[32]. Chiến lược của Canada cũng tiếp cận khu vực theo hướng bao trùm, gần gũi với cách tiếp cận trong văn bản “Tầm nhìn về Ấn - Thái” của ASEAN năm 2019 hơn so với các bản của Mỹ hay Anh. Việt Nam cũng chia sẻ các lợi ích về luật lệ quốc tế (bao gồm luật biển UNCLOS) và phát triển kinh tế bền vững.

Thay cho lời kết

Dù ý kiến dư luận chưa hoàn toàn đồng nhất về tính khả thi và hiệu của của chiến lược Ấn – Thái của Canada, văn bản vẫn đem lại luồng gió mới cho xu thế chuyển dịch trọng tâm chiến lược sang khu vực trong những năm gần đây. Đây là lần đầu tiên Canada đưa ra tầm nhìn mang tính bao trùm với khu vực với những kế hoạch vận động nguồn lực và sáng kiến khá cụ thể. Tầm nhìn này có những điểm nhấn nhất định vì Canada không quá tập trung vào cạnh tranh nước lớn mà  nhấn mạnh các ưu tiên về an ninh con người và phi truyền thống hơn như môi trường, phát triển bền vững, người bản địa – thổ dân hay nữ quyền. Canada cũng là nước ít dấu ấn thực dân trong lịch sử khu vực so với các nước Châu Âu hay Mỹ. Chiến lược của Canada cũng là bản duy nhất liên hệ Ấn – Thái với khu vực Bắc Cực cho đến nay. Trước diễn biến này, Việt Nam và ASEAN hoàn toàn có cơ hội tận dụng nguồn lực từ Canada để thúc đẩy hợp tác giữa các nước tầm trung, góp phần vào ổn định và hòa bình khu vực./.

Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả.

 

[1] Lưu ý: từ này cũng có thể mang ý tích cực (đem lại nhiều thay đổi, đổi mới).

[2] Đối đầu, cạnh tranh, hợp tác.

[3]https://www.canada.ca/en/global-affairs/news/2022/11/canadas-indo-pacific-strategy-new-initiatives-and-resources.html

[4] https://www.canada.ca/en/global-affairs/news/2022/10/canada-japan-action-plan-for-contributing-to-a-free-and-open-indo-pacific-region.html

[5]https://www.canada.ca/en/global-affairs/news/2022/10/canada-united-states-continued-partnership-on-key-issues.html

[6] https://www.reuters.com/world/canada-will-seek-membership-indo-pacific-economic-framework-2022-10-27/

[7] https://www.cnbc.com/2022/09/21/us-canadian-warships-sail-through-taiwan-strait-for-2nd-time-in-a-year.html

[8] https://www.theguardian.com/world/2022/nov/16/xi-trudeau-canada-china-g20

[9] https://chamber.ca/news/canadian-business-welcomes-increased-focus-on-indo-pacific/

[10] https://ca.usembassy.gov/statement-from-u-s-ambassador-to-canada-david-l-cohen-on-canadas-announced-indo-pacific-strategy/

[11] https://twitter.com/JapaninCanada/status/1597319423689297922

[12] https://en.mofa.gov.tw/News_Content.aspx?n=1329&s=99184

[13]https://twitter.com/rolandparis/status/1596908034667974656; https://globalnews.ca/news/9309544/canada-china-indo-pacific-strategy/

[14] https://www.theglobeandmail.com/politics/article-indo-pacific-strategy-pledges-23-billion-over-five-years/

[15]https://www.theglobeandmail.com/politics/article-indo-pacific-strategy-pledges-23-billion-over-five-years/

[16] https://twitter.com/M_Johnston1/status/1597366608582049794

[17] https://thediplomat.com/2022/11/canada-joins-the-indo-pacific-strategy-club

[18]https://www.theglobeandmail.com/amp/business/commentary/article-canada-indo-pacific-strategy-national-security/

[19]https://www.theglobeandmail.com/politics/article-indo-pacific-strategy-pledges-23-billion-over-five-years/ 

[20]https://twitter.com/brianfairchild4/status/1597325147463028736; https://www.theglobeandmail.com/politics/article-indo-pacific-strategy-pledges-23-billion-over-five-years/; https://globalnews.ca/news/9309544/canada-china-indo-pacific-strategy/

[21]https://www.ndp.ca/news/indo-pacific-strategy-step-forward-new-democrats-will-hold-government-accountable

[22] https://nationalpost.com/opinion/john-ivison-a-modest-indo-pacific-strategy-that-has-much-to-be-modest-about

[23] https://www.ctvnews.ca/politics/opposition-parties-experts-praise-new-indo-pacific-strategy-but-want-implementation-plan-1.6172239

[24] https://globalnews.ca/news/9310761/indo-pacific-strategy-navy/

[25] https://twitter.com/David_Mulroney/status/1597203396985249792; https://www.theglobeandmail.com/politics/article-indo-pacific-strategy-pledges-23-billion-over-five-years/

[26]https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/xwfw_665399/s2510_665401/2511_665403/202211/t20221128_10981836.html

[27] http://ca.china-embassy.gov.cn/chn/xw/202211/t20221128_10981446.htm

[28] https://www.ctvnews.ca/politics/opposition-parties-experts-praise-new-indo-pacific-strategy-but-want-implementation-plan-1.6172239

[29] https://news.cgtn.com/news/2022-11-28/Canada-s-new-Indo-Pacific-strategy-is-a-cancer-for-the-region-1fkhpeIYZG0/index.html

[30] https://www.globaltimes.cn/page/202211/1280681.shtml

[31] http://www.81.cn/jwywpd/2022-11/28/content_10202050.htm

[32] Quan tâm của Canada với ASEAN từng trải qua nhiều giai đoạn thăm trầm, thường gắn với các nước thuộc khối Thịnh vượng Chung cũ như Malaysia hay các nền kinh tế lớn như Indonesia hơn gắn với chủ nghĩa đa phương.