(Ảnh: Khu trục hạm trang bị tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS William P. Lawrence (DDG-110) đi qua Biển Đông, 1/2025. Nguồn: USPACOM)
1. Chính sách của Trump 2.0 tại Biển Đông trong 50 ngày đầu
Nhìn chung, Chính quyền Trump 2.0 vẫn duy trì quan tâm chiến lược tại Biển Đông ở mức độ nhất định, chưa có thay đổi sâu sắc so với thời Biden. Điều này được thể hiện qua các động thái liên quan trực tiếp tới Biển Đông của Mỹ trên thực địa và trên bình diện chính trị - ngoại giao.
Trên thực địa, Mỹ duy trì hiện diện và tích cực tuần tra, tập trận chung tại Biển Đông. Mỹ tuần tra chung trên không với Philippines ở Biển Đông (4/2
[1]), tổ chức huấn luyện tiếp cận giàn khoan với Philippines ở Biển Đông (1/3)
[2], các hoạt động hợp tác biển (MCA) đa phương với Philippines, Úc, Nhật (5/2
[3]) và với Philippines, Canada (12/2
[4]). Tàu sân bay USS Carl Vinson hoạt động tại Biển Đông kể từ 26/12/2024 và tham gia vào các chương trình diễn tập giữa với đồng minh và đối tác. Lực lượng Cảnh sát biển Mỹ kết hợp cùng Philippines tổ chức khóa đào tạo sỹ quan kiểm tra tàu cho Việt Nam, Indonesia và Úc là quan sát viên (13-24/1
[5]). Mỹ cùng Pháp và Nhật tổ chức tập trận Steller 2025 (8-19/2), trong đó có một số nội dung được thực hiện tại Biển Đông
[6].
Như vậy, trong 50 ngày đầu tiên Trump 2.0 nắm quyền, Mỹ đã tổ chức hoặc tham gia ít nhất sáu hoạt động thực địa đa phương tại Biển Đông. Trong khi đó, Mỹ trong giai đoạn tương tự của Chính quyền Trump 1.0 và Biden có số lượng hoạt động tại Biển Đông hạn chế hơn và chủ yếu mang tính đon phương (Mỹ trong 50 ngày đầu thời Trump 1.0 thực hiện một cuộc tuần tra với hạm đội tàu sân bay USS Carl Vinson, thời Biden tổ chức một hoạt động tự do hàng hải và một lần điều động hạm đội tàu sân bay tại Biển Đông). Bên cạnh đó, việc tổ chức MCA liên tục và nhiều hơn dự kiến cho thấy Mỹ có thể muốn “chính thức hóa” MCA thành hoạt động chính để duy trì hiện diện
[7].
Về chính trị - ngoại giao, mặc dù cá nhân Donald Trump mới chỉ nhắc tới Biển Đông một lần duy nhất trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản,
các quan chức cấp cao Mỹ, đặc biệt là Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng, nhiều lần nhắc tới Biển Đông trong các tuyên bố chung và các tiếp xúc với đồng minh-đối tác. Cụ thể, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio chỉ trích Trung Quốc gây mất hòa bình, ổn định tại Biển Đông trong một số tiếp xúc, điện đàm với người đồng cấp ở Đông Nam Á, gồm có Ngoại trưởng Philippines Malano (22/1
[8]), Ngoại trưởng Indonesia Sugiono (22/1
[9]) và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn (24/1
[10]).Trong điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (24/1
[11]), Rubio nhấn mạnh cam kết của Mỹ với đồng minh khu vực và bày tỏ “quan ngại sâu sắc” đối với “hành vi cưỡng ép” của Trung Quốc ở Biển Đông. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Pete Hegseth điện đàm với người đồng cấp Philippines (5/2
[12]), trong đó hai bên thảo luận về việc “thiết lập lại” răn đe ở Biển Đông thông qua hợp tác với đồng minh và đối tác.
Quan chức Mỹ cũng đề cập tới Biển Đông trong các diễn đàn đa phương ngoài khuôn khổ Đông Nam Á. Tuyên bố thượng đỉnh Mỹ-Nhật (7/2
[13]) “phản đối mạnh mẽ” các “yêu sách phi pháp”, “việc quân sự hóa các đảo nhân tạo” và “hành vi đe dọa, gây hấn” của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuyên bố chung Ngoại trưởng Mỹ-Nhật-Hàn (19/2)
[14] và Tuyên bố chung Ngoại trưởng G7 (15/2)
[15] bên lề Hội nghị An ninh Munich cũng “phản đối mạnh mẽ” với các hành vi hạn chế tự do hàng hải, quân sự hóa và cưỡng ép của Trung Quốc tại Biển Đông. Tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm Bộ Tứ ngay sau khi Donald Trump nhậm chức phản đối các hành vi đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng thông qua vũ lực hoặc cưỡng ép, hàm ý đến các hoạt động của Trung Quốc.
Bên cạnh đó,
Mỹ tiếp tục phản ứng trước những sự vụ đáng chú ý trên Biển Đông. Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ trích việc trực thăng của Hải quân Trung Quốc áp sát máy bay của Cục Thủy sản-Tài nguyên nước Philippines hôm 18/2 và tiêm kích J-16 của Trung Quốc thả bẫy nhiệt gần máy bay P-8A của Úc ngày 11/2 là các “hành vi nguy hiểm, đe dọa tới an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông”
[16].
So với tháng đầu tiên của Trump 1.0 và Biden, vấn đề Biển Đông được các quan chức lãnh đạo thời Trump 2.0 nhắc tới nhiều hơn với giọng điệu cứng rắn hơn đáng kể. Theo các dữ liệu công khai sẵn có, trong cùng giai đoạn thời Trump 1.0, Biển Đông được đề cập trong tuyên bố chung Mỹ-Nhật giữa Trump và Thủ tướng Shinzo Abe
[17] và trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada
[18], với chiều hướng kêu gọi các quốc gia cần phải tránh các hành vi gây căng thẳng ở Biển Đông. Chính quyền Biden cũng không nhắc nhiều tới Biển Đông trong tháng đầu tiên sau khi nhậm chức. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Ausin chỉ nhắc tới Biển Đông trong tổng thể các vấn đề an ninh khác trong cuộc gọi với người đồng cấp Philippines Delfin Lorenzana (10/2/2021). Ngoài ra, khác với hai nhiệm kỳ Tổng thống trước, Trump 2.0 trong tháng đầu tiên đã điện đàm hoặc gặp mặt không chỉ với các nước láng giềng, đồng minh và các nước lớn
[19] mà còn cả với các quốc gia ở Biển Đông hoặc giáp Biển Đông như Indonesia và Việt Nam.
2. Các yếu tố thúc đẩy quan tâm của Trump 2.0 tại Biển Đông
Chính sách của các Chính quyền Mỹ trong vấn đề Biển Đông thường là có liên quan đến nhiều chính sách khác nhau, bao gồm chính sách với Trung Quốc, chính sách với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và vấn đề nguồn lực. Đây cũng là các yếu tố có thể đã thúc đẩy can dự của Trump 2.0 tại Biển Đông trong 50 ngày đầu, qua đó thể hiện các lợi ích và giá trị của Mỹ như tự do hàng hải (liên quan đến lợi ích thương mại và vùng ảnh hưởng) và “trật tự dựa trên luật lệ” (theo góc nhìn Mỹ)…
Chính sách với Trung Quốc
Thứ nhất, dù chưa có Chiến lược An ninh Quốc gia, Trump 2.0 vẫn có dấu hiệu tiếp tục đề cao học thuyết “hòa bình thông qua sức mạnh (peace through strength)” và xác định Trung Quốc là thách thức chính. Học thuyết này là chỉ dấu tốt về cách Mỹ sẽ ứng xử với Trung Quốc, bao gồm tại Biển Đông bởi: (i) trên lý thuyết, “hòa bình thông qua sức mạnh” ám chỉ củng cố sức mạnh quân sự nhằm đảm bảo cân bằng năng lực-cam kết và khả năng ứng phó với xung đột trên nhiều mặt trận
[20]. Do đó, xác định Trung Quốc là đối thủ chính đòi hỏi Mỹ chuẩn bị kịch bản xung đột ở mặt trận Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông; (ii) trên thực tế, Trump nhấn mạnh “hòa bình thông qua sức mạnh” còn nằm ở khả năng Mỹ có thể “phòng ngừa chiến tranh”
[21]. Điều này đòi hỏi Mỹ tiếp tục can dự tại Biển Đông theo hướng răn đe để hạn chế khả năng đối phương gây chiến.
Nhiều quan chức thời Trump 2.0 có biểu hiện đề cao học thuyết này. Cụ thể, Cuộc họp giữa Trump và Chủ tịch Ủy ban Lượng lượng Vũ trang Thượng viện Roger Wicker đề cập đến Trung Quốc như là một đối thủ chính của Mỹ trong cuộc chạy đua công nghệ quốc phòng, khẳng định Mỹ cần củng cố nền công nghiệp quốc phòng và tăng cường khả năng răn đe Trung Quốc
[22]. Trong thư gửi toàn quân ngày 25/01/2025, Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth nêu đích danh Trung Quốc là mối đe dọa ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và cho biết một trong những mục tiêu của chiến lược “hòa bình thông qua sức mạnh” chính là răn đe Trung Quốc
[23].
Thứ hai, chỉ trong gần 50 ngày, Chính quyền Trump 2.0 có nhiều hành động triển khai chính sách theo hướng cứng rắn với Trung Quốc, trong đó có nhiều hành động liên quan gián tiếp tới Biển Đông, càng củng cố khả năng Mỹ duy trì xu hướng chính sách tại Biển Đông.
Ví dụ, Chính quyền Trump đến nay đã áp thuế bổ sung 20% với Trung Quốc
[24], đề nghị Mexico và Canada nâng thuế tương ứng với hàng hóa từ Trung Quốc. Trump ra sắc lệnh yêu cầu ngăn chặn Trung Quốc đầu tư vào công nghệ cao, năng lượng và các lĩnh vực chiến lược khác của Mỹ như lương thực, đất nông nghiệp, khai khoáng, cảng biển. Mỹ cũng đề xuất mức phụ phí đối với việc sử dụng các tàu hàng thương mại sản xuất từ Trung Quốc, một bước đi nhằm phá bỏ sự thống trị của Trung Quốc về đóng tàu
[25]. Chuyến công du đầu tiên của Rubio ra nước ngoài là đến Panama để ép Chính phủ Mulino rút khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường, không để các công ty Trung Quốc quản lý kênh đào Panama. Trong phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội ngày 5/3/2025, Trump tiếp tục chỉ trích Trung Quốc: cam kết tiếp tục áp thuế lên hàng hóa từ Trung Quốc bất chấp nhiều ý kiến đánh giá rằng thị trường Mỹ đang trở nên bất ổn
[26]; cam kết “giành lại” Panama từ Trung Quốc; yêu cầu các tập đoàn công nghệ (như Apple) xây dựng cơ sở sản xuất tại Mỹ thay vì Trung Quốc
[27]. Ngoài ra Trump cũng cam kết thúc đẩy mạnh mẽ ngành đóng tàu dân sự và quân sự nội địa, hàm ý chống lại sức ảnh hưởng của Trung Quốc và cạnh tranh với năng lực biển của Trung Quốc.
Chính sách với khu vực
Các trao đổi và hành động của Chính quyền Trump 2.0 cho thấy Mỹ bước đầu duy trì chính sách ưu tiên khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đây là yếu tố thúc đẩy can dự của Mỹ tại Biển Đông bởi Biển Đông thuộc khu vực chiến lược trên, gắn liền với “trật tự dựa trên luật lệ” mà Mỹ thúc đẩy tại khu vực và đi liền với lợi ích của nhiều đồng minh – đối tác Mỹ.
Trong 50 ngày đó, Chính quyền Trump 2.0 ưu tiên gặp gỡ, tiếp xúc và điện đàm với lãnh đạo các nước đồng minh tại khu vực như Nhật Bản, Philippines và Hàn Quốc. Trong các hoạt động này, Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth và Ngoại trưởng Marco Rubio đều cam kết sẽ thúc đẩy, củng cố liên minh, bảo vệ đồng minh, tăng cường hợp tác và hiện diện quân sự tại các khu vực trọng yếu (như các đảo phía Tây Nam trong trường hợp của Nhật Bản), thậm chí miêu tả các cam kết an ninh và quan hệ đồng minh tại khu vực là “bền chặt như sắt đá (ironclad)” (đối với Philippines)
[28]. Đối với cá nhân Trump, trong cuộc họp báo với Thủ tướng Nhật Bản ngày 8/2, ông cam kết sẽ phát triển, đẩy mạnh khả năng răn đe của Mỹ để bảo vệ Nhật Bản cũng như các đồng minh khác
[29].
Tuy nhiên, Trump 2.0 cũng gửi một vài “tín hiệu” trái chiều khi chỉ trích Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật “không công bằng”
[30] (trong khi trước đó hứa “dốc toàn lực” để bảo vệ Nhật Bản
[31]), đề nghị Đài Loan tăng ngân sách quốc phòng tới tương đương 10% GDP (phương án rất không khả thi
[32]). Tuy nhiên, bộ phận cố vấn vẫn có thể “níu giữ” Trump tại khu vực. Ngoài ra, giống thời Trump 1.0, các đồng minh có thể có nhiều phương án (và đã có kinh nghiệm) duy trì quan tâm của Mỹ. Kể cả trong kịch bản giảm cam kết, Mỹ vẫn có nhu cầu can dự đơn phương tại Biển Đông nhằm tránh tạo ra khoảng trống quyền lực lớn mà Trung Quốc có thể khai thác cũng như duy trì lợi ích từ quan hệ với đồng minh-đối tác .
Vấn đề nguồn lực
Sau cuộc tấn công diện rộng của Mỹ vào phiến quân Houthi tại Yemen, một số ý kiến nhận xét xu hướng hành động mạnh tay của Trump có thể khiến nguồn lực hạn chế của Mỹ càng trở nên cạn kiệt
[33]. Tuy quan ngại này là có cơ sở
[34],
các chỉ dấu ban đầu của Chính quyền Trump 2.0 cho thấy nguồn lực Mỹ dành cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông, không suy giảm, thậm chí có thể tăng trong tương lai.
Thứ nhất, nhiều quan chức Mỹ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đối với Chính quyền mới. Trump 2.0 thậm chí công khai kêu gọi Châu Âu “tự chủ hơn” để Mỹ có thể tập trung nguồn lực vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ngày 12/2, phát biểu tại Brussels, Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth kêu gọi Châu Âu cần “gánh trách nhiệm bảo đảm an ninh của Châu Âu” để Mỹ có thể “ngăn chặn chiến tranh với Trung Quốc” ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong điều trần trước Ủy ban Vũ trang Quốc hội ngày 3/4, ứng cử viên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Elbridge Colby đề xuất giảm mạnh nguồn lực ở các khu vực khác để ưu tiên cạnh tranh với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong khi đó, Viện Heritage ra báo cáo kiến nghị tăng ngân sách quốc phòng để can dự của Mỹ tại Biển Đông không bị suy giảm kể cả trong bối cảnh có nhiều nhu cầu an ninh cấp thiết khác
[35]. Viện Nghiên cứu Chính sách Nước Mỹ Trên Hết (AFPI)
[36] cũng từng xuất bản đề xuất chính sách trong đó coi việc tiếp tục kiềm chế Trung Quốc tại Biển Đông chính là một cấu phần của “Sức mạnh Mỹ”
[37]. Đây đều là các cá nhân-tổ chức thân cận, có sức ảnh hưởng tới Trump. Trong khi đó, nhóm các chính trị gia Đảng Cộng hòa truyền thống ủng hộ dàn trải lực lượng Mỹ tới nhiều điểm nóng an ninh (như Trung Đông, châu Âu)
[38] có vẻ đang dần mất đi ảnh hưởng
[39].
Thứ hai, mặc dù không có thống kê chi tiết về tổng chi phí hằng năm cho các hoạt động ở Biển Đông, con số này có thể không quá cao. Sáng kiến Răn đe Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Indo-Pacific Deterrence Initiative) năm 2024 dù dự toán hơn 10 tỷ USD
[40] cho các hoạt động quân sự Mỹ tại khu vực nhưng hạng mục tăng cường năng lực cho đồng minh-đối tác – một thành tố quan trọng trong phương thức tiếp cận Biển Đông của Mỹ – chỉ chiếm khoảng 1.1 tỷ USD. Năm 2024, Mỹ chi 2 tỷ USD tài trợ quân sự (FMF) cho các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
[41]. Đây vẫn là con số khiêm tốn so với gần 200 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi xung đột Ukraine diễn ra, hay so với 4 tỷ USD Chính quyền Trump 2.0 cam kết dành cho Israel
[42]. Ngoài ra, ta cần lưu ý rằng khoản tài trợ quân sự hay tăng cường năng lực nói trên là dành cho toàn bộ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và nguồn lực thực dành cho Biển Đông có thể thấp hơn. Bên cạnh đó, phần lớn chi phí cho IPDI là để duy trì lực lượng, mua sắm vũ khí-cơ sở vật chất, bảo trì cơ sở của Mỹ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Do đó, đây có thể là các khoản dễ bị điều chỉnh nếu Mỹ giảm cam kết với đồng minh, theo hướng giảm hiện diện ròng (net presence – bao gồm số lượng nhân lực hay cơ sở vật chất) thay vì giảm tổng thể khả năng răn đe tại Biển Đông.
Thứ ba, trên thực tế, các chỉ dấu cho thấy Chính quyền Trump tiếp vẫn dành nguồn lực để củng cố can dự của Mỹ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hoạt động ngoại giao đầu tiên sau khi Trump nhậm chức là Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Quad tại Washington (21/1) – các bên nhất trí thúc đẩy hợp tác, đầu tư vào nhiều nội dung, sáng kiến an ninh chung. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cũng bày tỏ cam kết với các dự án phát triển vũ khí của AUKUS và công nhận vai trò của AUKUS trong bảo đảm an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
[43] trong cuộc tiếp đón Bộ trưởng Quốc phòng Úc (7/2). Ngày 16/3, Reuters đưa tin Mỹ điều chuyển tàu ngầm USS Minnesota tới Úc theo thỏa thuận AUKUS. Động thái này diễn ra sau khi ứng cử viên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Elbridge Colby bày tỏ quan ngại về khả năng thực hiện cam kết chuyển giao tàu ngầm cho Úc do hạn chế của ngành đóng tàu Mỹ, cho thấy Mỹ vẫn tôn trọng cam kết với AUKUS dù đang trong tình trạng khó khăn. Bên cạnh đó, một điểm đáng chú ý khác là trong khi hầu hết các khoản viện trợ nước ngoài đều bị Trump 2.0 tạm dừng để rà soát nhằm cắt giảm chi tiêu công, Bộ Ngoại giao Mỹ quyết định vẫn tiếp tục các chương trình hỗ trợ an ninh cho Philippines
[44]. Điều này cho thấy Trump 2.0 vẫn bảo đảm nguồn lực cho can dự Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hay Biển Đông thay vì hy sinh cho các ưu tiên khác.
3. Các yếu tố có thể khiến Mỹ “đảo chiều”
Thứ nhất, về phong cách lãnh đạo, Chính quyền Trump 2.0 dường như có cái nhìn thực dụng hơn, tập trung vào lợi ích quốc gia vị kỷ, muốn rũ bỏ bớt gánh nặng trong việc cung cấp “hàng hoá công” toàn cầu, từ chối vai trò duy trì trật tự và hệ thống toàn cầu. Điều này được thể hiện qua việc Trump rút Mỹ khỏi một số cơ chế đa phương và các chính sách bảo hộ, dân túy, đi ngược lại với chủ nghĩa toàn cầu. Do đó, có thể Chính quyền Trump sẽ có các tính toán mới, thực dụng hơn khi thúc đẩy các giá trị và lợi ích như tự do biển cả, tự do hàng hải hay an ninh ở Biển Đông, Đài Loan hay biển Hoa Đông. Dù vẫn nhấn mạnh nguyên tắc tự do hàng hải khi nói về hoạt động chống khủng bố của Mỹ ở Biển Đỏ, Trump có thể sẽ chỉ bảo vệ nguyên tắc này một cách có chọn lọc thay vì áp dụng tổng thể.
Với phong cách này,
Trump có thể theo đuổi thỏa hiệp với Trung Quốc ở Biển Đông trong quá trình đàm phán, mặc cả lợi ích tổng thể giữa Trump và Tập. Phong cách của Trump cho thấy Trump có thể sẵn sàng đánh đổi lợi ích an ninh, chiến lược lâu dài và lợi ích của đồng minh để lấy các lợi ích kinh tế ngắn hạn trước mắt. Việc Trump điện đàm trực tiếp với Putin mà không trao đổi trước với Ukraine và các đồng minh NATO hay việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cho rằng Ukraine nên “từ bỏ hy vọng” giành lại toàn bộ lãnh thổ từ Nga”
[45] là ví dụ thực tế về khả năng các nước lớn thỏa hiệp nhau trên lưng các nước nhỏ. Ngoài ra, dàn xếp của Trump tại Trung Đông và Ukraine có thể để mở đường cho cạnh tranh khốc liệt hơn với Trung Quốc nhưng cũng có thể chỉ là chiến thuật để Mỹ “tăng giá” trong mặc cả với Trung Quốc, tạo điều kiện để hai nước lớn phân chia vùng ảnh hưởng về sau.
Đây cũng là đánh giá của một bộ phận giới quan sát. Nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại về viễn cảnh “G2”, theo đó Mỹ có thể sẽ từ bỏ cam kết an ninh tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để đổi lấy nhượng bộ Trung Quốc trong vấn đề thương mại
[46]. Số khác nhận định thái độ và lời nói của cá nhân Trump về Trung Quốc cũng như một số yếu tố khác cho thấy Trump 2.0 có khả năng chủ động chấp nhận một cuộc “đại thương lượng” với Trung Quốc khiến mối quan tâm của Mỹ tại Biển Đông bị ảnh hưởng
[47]. Đối với Trung Quốc, kịch bản “đại thương lượng” được cho là có lợi cho Trung Quốc, do đó nước này có thể sẽ nỗ lực gây sức ép để đặt Mỹ vào thế phải thỏa hiệp
[48].
Thứ hai,
về lập trường với luật lệ quốc tế, Trump 2.0 có nhiều phát biểu thể hiện không coi trọng biên giới và chủ quyền lãnh thổ, như các ý tưởng có phần “phi lý” như mong muốn “sát nhập” Canada thành bang thứ 51 của Mỹ, “mua lại” Greenland (từ Đan Mạch), đổi tên Vịnh Mexico, biến Gaza thành khu nghỉ dưỡng…
[49]. Các động thái nêu trên sẽ có hệ quả tiêu cực đối với thượng tôn pháp luật
[50], đồng thời có thể tạo cớ và động lực cho các nước lớn khác vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước nhỏ, gián tiếp ảnh hưởng tới Biển Đông. Ngoài ra, các đồng minh và đối tác tầm trung và nhỏ có thể lo ngại về khả năng bị “bỏ rơi” trong tương lai, đứng trước áp lực phải “hòa hoãn” với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, nếu tình hình Nga-Ukraine diễn biến theo dàn xếp của Trump, kết thúc xung đột, Nga sẽ có thêm các vùng lãnh thổ từ Ukraine. Viễn cảnh này có thể khuyến khích các hành động phiêu lưu của Trung Quốc ở Biển Đông theo hướng xâm lấn trên Biển Đông, tạo ra “sự đã rồi (fait accompli)” vì cho rằng có thể “liều lĩnh”, chịu sức ép trong một thời gian ngắn nhưng không vấp phải hệ quả lâu dài và đạt được các mục tiêu lãnh thổ. Về mặt pháp lý, tiền lệ này có thể đánh dấu sự trở lại của nguyên tắc “xâm chiếm lãnh thổ (acquisition by conquest)”
[51] vốn bị coi là trái Hiến chương Liên hợp Quốc.
Thứ ba,
về nội các, ảnh hưởng của các phe phái trong Đảng Cộng hòa và bộ máy của Trump 2.0 lên đối ngoại còn chưa rõ. Tới nay, các mục tiêu chính sách của Trump qua những cá nhân này khá mơ hồ
[52], đồng thời giữa đội ngũ chính sách của Trump và Đảng Cộng hòa còn tồn tại nhiều bất đồng
[53]. Ngày 11/3, Trump trao thẩm quyền điều tra các chính trị gia tham nhũng cho Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth
[54], báo hiệu nhiều thay đổi nhân sự mạnh mẽ trong thời gian sắp tới. Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng khu vực Nam Á và Đông Nam Á Andrew Byers cũng từng đề xuất rút quân đội hoặc hệ thống vũ khí Mỹ khỏi Philippines để Cảnh sát biển Trung Quốc ít tuần tra khu vực hơn. Ngoài ra, nội bộ Mỹ phức tạp, nhiều chia rẽ đảng phái và có thể cắt giảm mạnh chi tiêu chính phủ, ảnh hưởng đến các ưu tiên đối ngoại của Mỹ.
Cuối cùng,
về các yếu tố khác, các động thái 50 ngày qua có thể chỉ là dấu hiệu ban đầu, chưa chắc đã do Trump 2.0 thúc đẩy hoặc được kéo dài. Cụ thể, một số can dự của Mỹ tại Biển Đông, đặc biệt là về quân sự, có thể được hoạch định từ trước, hiện chỉ hoạt động theo “quán tính” chính sách của Chính quyền trước. Ví dụ, kế hoạch hoạt động của các lực lượng vũ trang Mỹ kéo dài 18 tháng, do đó các cuộc tập trận, tuần tra chung hay khóa nâng cao năng lực được Mỹ triển khai tại khu vực hiện nay có thể chỉ là tiếp nối từ thời Biden. Bên cạnh đó, Trump đề cao lợi ích vị kỷ theo hướng ngắn hạn, đề cao việc làm hình ảnh và cố tình gây “sóng gió” với các tuyên bố nên khó có thể có lập trường nhất quán, lâu dài.
[55]
4. Kết luận
Các chỉ dấu sau 50 ngày cầm quyền cho thấy cách Chính quyền Trump 2.0 can dự vào Biển Đông mang tính tiếp nối nhiều hơn là điều chỉnh. Chính quyền Trump vẫn tiếp tục nhắc tới Biển Đông trong các hoạt động đối ngoại, tích cực triển khai hợp tác quân sự với các nước ở Biển Đông và phản ứng nhanh trước các sự vụ tại Biển Đông liên quan đến các đồng minh-đối tác. Xu hướng có thể do Trump 2.0 vẫn duy trì chính sách cứng rắn trong cạnh tranh với Trung Quốc và can dự vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đồng thời đảm bảo được nguồn lực cần thiết để theo đuổi các chính sách này. Tuy nhiên, đây chỉ là dấu hiệu ban đầu về chính sách thời Trump 2.0 và nhiều yếu tố khác vẫn có thể “đảo chiều” xu hướng này./.
Nguyễn Khánh Nam, Đỗ Thị Thu Ngân, Đỗ Mạnh Hoàng*
Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao
*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
Thông tin tham khảo
[19]Cụ thể, theo thông tin sẵn có, thời Trump 1.0 Mỹ tiếp xúc sớm với Nga, Trung Quốc, Canada, Nhật, Ấn Độ, NATO, Ukraine…Trong khi đó, Chính quyền Biden ưu tiên tiếp xúc với các quốc gia châu Âu.