14/03/2025
Với chiến thắng trước ứng cử viên Kamala Harris trong cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm 2024, Donald Trump đã tái đắc cử và trở thành Tổng thống thứ 47 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Chiến thắng này đem lại niềm vui cho một bộ phận lớn cử tri Mỹ, song cũng khiến nhiều quốc gia trên thế giới lo ngại.
Trung Quốc là nước được chú ý nhiều hơn cả do từng được Trump xác định là đối thủ cạnh tranh chiến lược số một trong nhiệm kỳ đầu. Các tín hiệu chính sách gần đây cho thấy chính quyền Trump 2.0 có thể sẽ áp dụng một cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc lại đang thể hiện sự sẵn sàng để ứng phó cuộc chiến thương mại mới với Mỹ.
Trump 2.0: Tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2017, Trump đã phát động cạnh tranh toàn diện với Trung Quốc, coi Trung Quốc là “đối thủ chiến lược” hàng đầu. Kể từ đó, Mỹ lần lượt phát động chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ, chiến tranh dư luận đối với Trung Quốc.[1] Một trong những đặc điểm nổi bật chính của chính quyền Trump chính là việc nhắm vào các mục tiêu phát triển kinh tế và công nghệ của Trung Quốc[2] do nước này được coi là mối đe dọa lớn đối với nền kinh tế Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Trump cũng nhấn mạnh khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”, kêu gọi cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc và gia tăng các biện pháp bảo hộ đối với quốc gia này.[3]
Sau khi đắc cử, Donald Trump đã nhanh chóng thể hiện quan điểm cứng rắn của mình đối với Trung Quốc. Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất là việc lựa chọn các nhân vật có quan điểm bài Trung mạnh mẽ. Cụ thể, Thượng nghị sĩ Marco Rubio – người được lựa chọn giữ vị trí Ngoại trưởng Mỹ và Hạ nghị sĩ Mike Waltz được chọn để trở thành Cố vấn An ninh quốc gia đều được đánh giá có quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc, Nga hay Iran.... Rubio là một trong những người chỉ trích Trung Quốc quyết liệt nhất tại Thượng viện Mỹ trong khi Waltz là người đi đầu trong ủng hộ lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc trong Hạ viện. Theo chuyên gia Trung Quốc Neil Thomas, việc Rubio và Waltz cùng xuất hiện trong nội các Trump 2.0 cho thấy ưu tiên chính sách đối ngoại của Trump sẽ tập trung vào Trung Quốc hơn là mọi thứ khác.[4] Bên cạnh đó, những nhân vật khác trong nội các như Howard Lutnick và Scott Bessent, người được Trump chọn làm Bộ trưởng Thương mại và Bộ trưởng Tài chính, cũng ủng hộ áp dụng chính sách thuế quan đối với các đối tác thương mại, đặc biệt là Trung Quốc.[5]
Ngay sau khi nhậm chức Trump công bố các chính sách thương mại khắc nghiệt nhằm tạo áp lực lớn hơn đối với Bắc Kinh. Ttrong chiến dịch tranh cử, Trump hứa áp mức thuế cao lên đến 60% đối với hàng hóa Trung Quốc, đồng thời sẽ thu hồi quy chế thương mại của Trung Quốc.[6] Khi lên nắm quyền, Trump đã ký lệnh hành pháp áp thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc với lý do để hạn chế nhập khẩu fentanyl và các chất bất hợp pháp khác. Ngày 10/2, Trump tuyên bố áp thuế 25% đối với thép và nhôm của các nước nhập khẩu vào Mỹ, trong đó có Trung Quốc.[7]
Suốt nhiều năm, Donald Trump là người đã chỉ trích Trung Quốc là nguyên nhân gốc rễ của mọi tệ nạn ở Mỹ, phê phán thâm hụt thương mại khổng lồ của Washington trong quan hệ kinh tế vowis Bắc Kinh, đổ lỗi Trung Quốc làm mục rỗng nền công nghiệp của Mỹ.[8] Những tín hiệu chính sách đầu tiên trong nhiệm kì thứ hai của Trump cũng cho thấy cách tiếp cận quyết liệt hơn của Mỹ đối với Trung Quốc. Nước Mỹ dưới thời Trump 2.0 có thể tiếp tục mở rộng đối đầu thương mại bằng công cụ thuế quan cùng các biện pháp hạn chế, trừng phạt khác.[9]
Trung Quốc thể hiện sự “cứng cỏi”
Những tín hiệu không mấy tích cực về cách tiếp cận của Trump 2.0 với Trung Quốc cho thấy báo hiệu một nhiệm kỳ đầy sóng gió trong quan hệ Trung – Mỹ. Tuy nhiên, một số quan điểm từ Trung Quốc cho thấy sự lạc quan nhất định. Theo Giáo sư Wang Dong của Đại học Bắc Kinh cho biết, Trump 2.0 có khả năng sẽ khốc liệt hơn phiên bản năm 2017[10], nhưng bất chấp những trắc trở trong quan hệ hai nước, các nhà lãnh đạo Trung Quốc không hề sợ hãi Trump. Kinh nghiệm từ cuộc chiến thương mại lần đầu giúp Trung Quốc tin rằng họ có thể điều hướng những cuộc đối đầu như vậy và họ cũng đã có sự chuẩn bị tốt hơn trong quản lý cạnh tranh với Mỹ.[11]
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thậm chí đã công khai kế sách ứng phó với chính sách tiềm tàng của Trump. Tài liệu do Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Los Angeles công bố vào ngày 17/11/2024 cho biết, Bắc Kinh sẽ tuần thủ “cam kết tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại hòa bình và hợp tác cùng có lợi như những nguyên tắc để xử lý quan hệ Trung Quốc – Mỹ.”[12] Trong đó, cụm từ “tôn trọng lẫn nhau” ẩn ý rằng Trung Quốc sẽ trả đũa bất kì hành động khiêu khích nào của Trump[13], và họ sẵn sàng áp dụng các biện pháp đối phó mạnh mẽ, từ việc áp thuế đáp trả cho đến các biện pháp hạn chế đối với các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc. Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại một cuộc họp với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu trong khuôn khổ Diễn đàn Phát triển Trung Quốc 3/2025 cũng đã khẳng định rằng, Trung Quốc đã chuẩn bị cho "những cú sốc vượt quá dự kiến" nếu Tổng thống Donald Trump công bố thêm thuế đối với các đối tác thương mại vào tháng tới.[14]
Khi Mỹ tuyên bố áp mức thuế bổ sung 10% đối với các sản phẩm nhập khẩu của Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, Trung Quốc kiên quyết phản đối việc Hoa Kỳ đơn phương áp đặt thêm thuế quan và Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.[15] Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cũng đã công khai lên án hành vi áp thuế của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng các quy tắc của WTO, mang tính chất đê hèn và là hành vi điển hình của chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ thương mại.[16]
Một số ý kiến cho rằng, những lời lẽ chỉ trích Trung Quốc gay gắt của Trump chỉ là “ngôn ngữ” vận động bầu cử, và “lời hứa của một chính trị gia trước khi bầu cử là điều khó tin nhất trên đời.”[17] Nhiều bài bình luận trên truyền thông Trung Quốc lại thể hiện quan điểm lạc quan rằng Trung Quốc ngày nay đã trở nên mạnh hơn và chính những lệnh hạn chế của Mỹ đối với Trung Quốc những năm qua thúc đẩy nước này đổi mới, độc lập hơn.[18] Những lời đe dọa thuế quan của Trump chỉ có thể khiến Canada, Mexico hoặc Châu Âu sợ hãi, chứ không thể khiến một quốc gia có bảy năm kinh nghiệm ứng phó với Mỹ như Trung Quốc cảm thấy lo sợ.[19]
Nhiều học giả Trung Quốc cho rằng, Mỹ sẽ là bên chịu tổn thất nhiều hơn trong cuộc thương chiến lần này. Theo Giáo sư Trương Duy Vy của Đại học Phúc Đán, dù các công ty xuyên quốc gia có chuyển cơ sở sản xuất sang nước khác thì cũng không thể tách rời khỏi chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Dù chuyển đến đâu thì các công ty này cũng vẫn tiếp tục mua các linh kiện và nguyên vật liệu của Trung Quốc. Trương Duy Vy khẳng định, sự phụ thuộc của Mỹ vào hàng hóa Trung Quốc cao hơn sự phụ thuộc của Trung Quốc đối với hàng hóa Mỹ và do đó, trong cuộc chiến thương mại này, Mỹ sẽ là bên tổn thất nhiều hơn.[20]
Bài bình luận của tác giả Vương Văn trên trang web Mạng Trung Quốc cũng cho rằng, chính sách thuế quan của Trump, mặc dù được kỳ vọng sẽ cứu ngành sản xuất Mỹ, thực tế chỉ khiến ngành này tiếp tục suy yếu, đồng thời gây ra lạm phát và tổn hại cho xuất khẩu năng lượng của Mỹ. Nếu các quốc gia khác đoàn kết và áp thuế cao đối với sản phẩm của Mỹ, xuất khẩu năng lượng của Hoa Kỳ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn đến một nền kinh tế Mỹ suy yếu. Khi đó, "Trump 2.0" sẽ không giúp “nước Mỹ vĩ đại trở lại”, mà khiến nước Mỹ tiếp tục suy tàn và mất vai trò lãnh đạo toàn cầu, trở thành quốc gia gây xung đột song phương và bất ổn toàn cầu.[21]
Sự chuẩn bị của Trung Quốc ứng phó với cuộc chiến thương mại 2.0 của Trump
Trung Quốc dường như đã có sự chuẩn bị kỹ càng hơn cho cuộc chiến thương mại lần này từ nhiều phương diện khác nhau. Thứ nhất, Trung Quốc giảm sự phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu sang Mỹ, và đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường. Tỷ trọng của Mỹ trong tổng thương mại của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001.[22] Theo công ty tư vấn dự báo kinh tế vĩ mô TS Lombard có trụ sở tại London, thị phần nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ đã giảm từ 20% xuống khoảng 13% trong sáu năm qua.[23]
Để bù đắp cho sự suy giảm thương mại và tránh rào cản thuế quan của Mỹ, Trung Quốc đã đẩy nhanh việc thúc đẩy xây dựng Sáng kiến Vành đai và Con đường chất lượng cao, ký kết các văn kiện hợp tác với hơn 150 quốc gia; làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế đa phương, song phương và hợp tác trong khu vực.[24] Năm 2023, lần đầu tiên xuất khẩu của Trung Quốc sang các quốc gia thuộc BRI vượt qua cả xuất khẩu sang Mỹ, Liên minh Châu Âu và Nhật Bản cộng lại.[25] Phần lớn hàng xuất khẩu của Trung Quốc được bán sang các nước Đông Nam Á và ASEAN đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc trong năm 2024.[26] Trung Quốc cũng khai thác thị trường các nước Nam bán cầu để bù đắp cho việc bị mất thị phần vào tay các nước Phương Tây[27] và giảm sự phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu sang Mỹ.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài (ODI) như một chiến lược quan trọng để ứng phó với cuộc chiến thương mại có thể xảy ra. Năm 2023, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc đạt 177.3 tỷ USD, đứng thứ 3 toàn cầu. Trong 8 tháng đầu năm 2024, ODI của Trung Quốc đạt 110.9 tỷ USD, tăng 12.5% so với cùng kỳ năm trước.[28] Các khoản đầu tư này không chỉ đáp ứng nhu cầu của thị trường địa phương, mà còn giúp các doanh nghiệp Trung Quốc vượt qua các rào cản thuế quan từ Mỹ, tạo ra cơ hội mở rộng thị trường và duy trì sự tăng trưởng bền vững.[29]
Thứ hai, ngoài các biện pháp đẩy mạnh hợp tác với nước ngoài, Trung Quốc cũng đang tận dụng lợi thế của thị trường trong nước để tăng sức chống chịu của nền kinh tế. Để mở rộng nhu cầu trong nước, Quốc Vụ Viện đã ban hành “Đề cương quy hoạch chiến lược mở rộng nhu cầu trong nước (2022-2035)”, trong đó nêu rõ cần đẩy nhanh xây dựng mô hình phát triển mới lấy lưu thông trong nước làm chủ thể chính, lưu thông trong nước và lưu thông quốc tế thúc đẩy lẫn nhau, đẩy mạnh xây dựng thị trường quốc gia thống nhất, thúc đẩy ngành sản xuất Trung Quốc phát triển chất lượng cao, đẩy nhanh xây dựng hệ thống công nghiệp hiện đại.[30] Thực tế, Trung Quốc đang sở hữu hai chính sách lớn có vai trò như một công cụ để mở rộng nhu cầu trong nước, đó là chiến lược “Vòng tuần hoàn kép” đề xuất năm 2022 và Kế hoạch Made in China 2025. Chiến lược “Vòng tuần hoàn kép” cho thấy vai trò quan trọng trong việc đối phó với “cuộc chiến thuế quan” của Mỹ bằng cách biến thị trường nội địa thành một trụ cột phát triển kinh tế vững chắc, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường quốc tế và hoạt động xuất nhập khẩu. Made in China 2025 (MIC 2025) cũng được đánh giá có thể giúp Trung Quốc ứng phó cuộc chiến thương mại 2.0 với Mỹ bằng cách thúc đẩy đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ độc lập, từng bước giảm sự phụ thuộc vào công nghệ và sản phẩm chủ chốt của Mỹ trong các lĩnh vực như chip và thiết bị y tế. Trong số các lĩnh vực trọng tâm của MIC2025, Trung Quốc đã dẫn đầu thế giới trong 5 lĩnh vực, đi dầu trong các lĩnh vực còn lại và chỉ tụt lại sau trong lĩnh vực hàng không.[31] Theo Ding Yifan - Nguyên phó giám đốc Viện Phát triển Thế giới tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Quốc vụ viện Trung Quốc, ngay cả khi Trump muốn áp thêm 10% thuế đối với hàng hóa vốn đã chịu mức thuế 20% ban đầu, các sản phẩm “Made in China” vẫn sẽ có sức cạnh tranh cho dù phải đối mặt với mức thuế 30%.[32] Về cơ bản, Trung Quốc đang đạt được những bước tiến nhất định trong việc thúc đẩy kinh tế tự lực tự cường và các đại chính sách phát triển kinh tế đang đem lại thành tựu nhất định cho Trung Quốc.
Thứ ba, trong trường hợp Mỹ thắt chặt các biện pháp nhập khẩu và áp mức thuế cao lên hàng hóa Trung Quốc như Trump đã tuyên bố, Trung Quốc có đủ khả năng để áp dụng biện pháp đáp trả vào các mục tiêu cụ thể. Các công ty của Mỹ tại Trung Quốc trở thành đối tượng mà chính phủ Trung Quốc nhắm tới để gây áp lực đối với chính quyền Trump. Mục tiêu của các biện pháp này chính là đẩy các công ty Mỹ ra khởi thị trường Trung Quốc. Biện pháp này có thể coi là hành vi “ăn miếng trả miếng” khi các công ty Trung Quốc phải chịu các chính sách rào cản, hạn chế của Mỹ.
Sau khi chính quyền Trump công bố mức thuế bổ sung đối với Trung Quốc, chính quyền nước này đã ngay lập tức đưa ra một số biện pháp đáp trả Hoa Kỳ. Cụ thể, Trung Quốc đã chính thức nộp đơn kiện về thuế nhập khẩu mà Mỹ áp lên hàng hóa nước này vào ngày 5/2. Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành Thông báo số 10 năm 2025, công bố quyết định áp đặt kiểm soát xuất khẩu đối với các mặt hàng liên quan đến vonfram, telua, bitmut, molypden và indi. Bộ Thương mại Trung Quốc đã thêm Tập đoàn PVH của Hoa Kỳ vào danh sách các thực thể không đáng tin cậy. Tổng cục Quản lý giám sát thị trường Trung Quốc đã mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với Google. Ủy ban thuế quan của Quốc Vụ Viện đã ban hành thông báo nêu rõ, kể từ ngày 10/2/2025, thuế suất 15% sẽ được áp dụng đối với than đá và khí thiên nhiên hóa lỏng có nguồn gốc từ Hoa Kỳ, thuế suất 10% sẽ được áp dụng đối với dầu thô, máy móc, nông nghiệp, ô tô phân khối lớn và xe bán tải.[33]
Triển vọng
Cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung trong những năm qua đã khiến kinh tế Trung Quốc chịu cú sốc lớn nhưng giúp Trung Quốc nhận ra “lỗ hổng” của nền kinh tế khi quá phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế trong thời gian qua giúp Trung Quốc củng cố sức chống chịu và nâng cao khả năng tự chủ, không còn ở thế bị động như trong cuộc thương chiến đầu tiên. Do đó, cuộc thương chiến lần này chưa chắc sẽ gây ra tác động tương tự với Trung Quốc như trong nhiệm kì đầu của Donald Trump.[34]
Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với không ít khó khăn cả trong nước và quốc tế. Báo cáo công tác chính phủ năm 2025 cũng thừa nhận, Trung Quốc đang đối mặt với môi trường bên ngoài ngày càng khắc nghiệt hơn, chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng. Trong khi đó, hai cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong nước là khủng hoảng nợ địa phương và khủng hoảng bất động sản lại chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Tình trạng già hóa dân số khiến lực lượng lao động bị thu hẹp, gây áp lực lên hệ thống lương hưu và hệ thống chăm sóc sức khỏe.[35] Nhu cầu trong nước suy giảm trầm trọng, dẫn đến mất cân bằng cung cầu[36], ảnh hưởng tốc độ tăng trưởng kinh tế. Chính những thách thức này khiến áp lực cải cách cơ cấu kinh tế của Trung Quốc ngày càng gia tăng, buộc Trung Quốc phải đưa ra các biện pháp đổi mới mô hình kinh tế trước những thay đổi tiêu cực của môi trường trong nước và quốc tế.
Nếu nhìn rộng ra, Trung Quốc tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế không chỉ để ứng phó cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mà còn nhằm thực hiện quá trình hiện đại hóa kiểu Trung Quốc. Quá trình hiện đại hóa kiểu Trung Quốc đòi hỏi Trung Quốc phải luôn thay đổi để đáp ứng với bối cảnh mới.[37] Như một đại biểu Quốc hội tỉnh Chiết Giang từng chia sẻ, chính sách của Mỹ có tác động lớn tới Trung Quốc và Mỹ càng gây áp lực thì Trung Quốc càng vươn lên và trở nên đổi mới sáng tạo hơn.[38] Cuộc chiến thương mại với Mỹ sẽ là một thách thức mà Trung Quốc cần phải giải quyết trong quá trình thực hiện hiện đại hóa kiểu Trung Quốc và để chứng minh rằng mô hình phát triển của Trung Quốc có thể là một giải pháp thay thế cho các mô hình phát triển phổ biến của phương Tây./.
[1] Thái Văn Long, Đặc điểm mới của cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc và đối sách của Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/gop-y-du-thao-cac-van-kien-trinh-dai-hoi-xiii-cua-dang/-/2018/820419/view_content.
[2] Daley, Tác động của việc Trump tái đắc cử đến triển vọng quan hệ Trung-Mỹ [特朗普再次执政对中美关系前景的影响], China Us Focus[中美聚焦网], https://cn.chinausfocus.com/foreign-policy/20250220/43621.html.
[3] Daley, Tác động của việc Trump tái đắc cử đến triển vọng quan hệ Trung-Mỹ [特朗普再次执政对中美关系前景的影响], China Us Focus[中美聚焦网], https://cn.chinausfocus.com/foreign-policy/20250220/43621.html.
[4] Những nhân vật có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc của chính quyền Trump 2.0, Báo Tin tức, https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nhung-nhan-vat-co-quan-diem-cung-ran-voi-trung-quoc-cua-chinh-quyen-trump-20-20241113225335713.htm.
[5] Dự báo khó khăn cho Trung Quốc từ ‘bộ sậu’ kinh tế đối ngoại của ông Trump, Báo Thanh niên, https://thanhnien.vn/du-bao-kho-khan-cho-trung-quoc-tu-bo-sau-kinh-te-doi-ngoai-cua-ong-trump-185241125235353057.htm.
[6] Refael Kubersky, What Trump Has Promised on China in a Second Term, FRONTLINE, NGÀY 27/11/2024, https://www.pbs.org/wgbh/frontline/article/trump-china-second-term/.
[7] US-China Relations in the Trump 2.0 Era: A Timeline, China Briefing News, ngày 4/3/2025, https://www.china-briefing.com/news/us-china-relations-in-the-trump-2-0-implications/.
[8] Yan Xuetong, “Why China Isn’t Scared of Trump”, Foreign Affairs, https://www.foreignaffairs.com/united-states/why-china-isnt-scared-trump.
[9] US-China Relations in the Trump 2.0 Era: A Timeline, China Briefing News, ngày 4/3/2025, https://www.china-briefing.com/news/us-china-relations-in-the-trump-2-0-implications/.
[10] Trump có thể cứng rắn hơn với Trung Quốc khi trở lại Nhà Trắng?, Báo Dân trí, https://dantri.com.vn/the-gioi/ong-trump-co-the-cung-ran-hon-voi-trung-quoc-khi-tro-lai-nha-trang-20241110145656824.htm.
[11] Yan Xuetong, “Why China Isn’t Scared of Trump”, Foreign Affairs, https://www.foreignaffairs.com/united-states/why-china-isnt-scared-trump.
[12] Tại sao Trung Quốc không sợ Trump?, Nghiên cứu Quốc tế, https://nghiencuuquocte.org/2024/12/25/tai-sao-trung-quoc-khong-so-trump/.
[13]Tại sao Trung Quốc không sợ Trump?, Nghiên cứu Quốc tế, https://nghiencuuquocte.org/2024/12/25/tai-sao-trung-quoc-khong-so-trump/.
[14] China Says It’s Prepared for Shocks as US Tariffs Loom, Bloomberg News, ngày 23/3/2025, https://www.bloomberg.com/news/articles/2025-03-23/china-says-it-s-prepared-for-greater-shocks-as-us-tariffs-loom
[15] Chinese FM responds to Trump’s reported claim of a new trade deal ‘possible’ with China, Global Times, ngày 20/2/2025, https://www.globaltimes.cn/page/202502/1328771.shtml.
[16] Người phát ngôn Bộ Thương mại trả lời câu hỏi về việc Trung Quốc kiện Hoa Kỳ lên WTO về mức thuế bổ sung [商务部新闻发言人就中方在世贸组织起诉美加征关税措施答记者问”, Trang web Bộ Thương mại Trung Quốc, ngày 4/2/2025,https://www.mofcom.gov.cn/xwfb/xwfyrth/art/2025/art_356b19f92e0b4603ae798804b6ea4be3.html.
[17] Trung Quốc nên ứng phó với Trump 2.0 như thế nào [中国,该怎么应对特朗普2.0], 网易订阅”, ngày 7/11/2024, https://www.163.com/dy/article/JGCK19H1052182V3.html.
[18] Trung Quốc nên ứng phó với Trump 2.0 như thế nào [中国,该怎么应对特朗普2.0], 网易订阅”, ngày 7/11/2024, https://www.163.com/dy/article/JGCK19H1052182V3.html.
[19] "Trump 2.0" vẫn không thể thắng trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc [特朗普2.0’仍赢不了对华贸易战], Mạng Trung Quốc [中国网], ngày 12/2/2025, http://news.china.com.cn/txt/2025-02/12/content_117708429.shtml.
[20] Quan điểm của GS Trương Duy Vy trình bày tại chương trình Đây chính là Trung Quốc [这就是中国]], https://www.youtube.com/watch?v=xQ721l3HfvI
[21] "Trump 2.0" vẫn không thể thắng trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc[特朗普2.0’仍赢不了对华贸易战], Mạng Trung Quốc [中国网], ngày 12/2/2025, http://news.china.com.cn/txt/2025-02/12/content_117708429.shtml..
[22] An Huy, Phụ thuộc của Trung Quốc vào Mỹ về thương mại giảm xuống mức thấp mới, VN Economy, ngày 31/12/2024, https://vneconomy.vn/phu-thuoc-cua-trung-quoc-vao-my-ve-thuong-mai-giam-xuong-muc-thap-moi.htm.
[23] PETER S. GOODMAN, Cuộc chiến thương mại của Trump với Trung Quốc trong phiên bản 2.0 sẽ khác biệt như thế nào?[“特朗普对华贸易战2.0版将有何不同], The New York Times, ngày 12/11/2024, https://cn.nytimes.com/business/20241112/trump-china-trade-war/.
[24] Phùng Hiểu Bằng – Mã Thông[冯晓鹏 - 马聪], Phân tích chính sách kinh tế thương mại của Trump 2.0 với Trung Quốc và các biện pháp ứng phó [ 特朗普2.0对中国经贸政策梳理及应对措施 ], King&Wood Mallesons, ngày 7/2/2025, https://www.kwm.com/cn/zh/insights/latest-thinking/us-economic-and-trade-policies-towards-china-during-second-trump-presidency-and-countermeasures.html.
[25] Yan Liang, Is China Ready for the Trump Trade War 2.0? , The Diplomat, ngày 20/11/2024, https://thediplomat.com/2024/11/is-china-ready-for-the-trump-trade-war-2-0/.
[26] An Huy, Phụ thuộc của Trung Quốc vào Mỹ về thương mại giảm xuống mức thấp mới, VN Economy, ngày 31/12/2024, https://vneconomy.vn/phu-thuoc-cua-trung-quoc-vao-my-ve-thuong-mai-giam-xuong-muc-thap-moi.htm.
[27] Peter S. Goodman, Cuộc chiến thương mại của Trump với Trung Quốc trong phiên bản 2.0 sẽ khác biệt như thế nào?[“特朗普对华贸易战2.0版将有何不同], The New York Times, ngày 12/11/2024, https://cn.nytimes.com/business/20241112/trump-china-trade-war/.
[28] Yan Liang, Is China Ready for the Trump Trade War 2.0? , The Diplomat, ngày 20/11/2024, https://thediplomat.com/2024/11/is-china-ready-for-the-trump-trade-war-2-0/.
[29] Yan Liang, Is China Ready for the Trump Trade War 2.0? , The Diplomat, ngày 20/11/2024, https://thediplomat.com/2024/11/is-china-ready-for-the-trump-trade-war-2-0/.
[30] Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện đã ban hành Đề cương Kế hoạch Chiến lược Mở rộng Nhu cầu Trong nước (2022-2035) [“中共中央 国务院印发《扩大内需战略规划纲要(2022-2035年)》], Trang web Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ngày 14/12/2022, https://www.gov.cn/zhengce/2022-12/14/content_5732067.htm.
[31] Theo quan điểm của GS. Yan Liang trình bày tại China Talk 11/2024
[32] Thẩm Trạch Vệ, Phân tích: Trung Quốc có vị thế tốt hơn để đối phó với cuộc chiến thương mại 2.0 của Trump so với tám năm trước[分析:中国应对特朗普2.0贸易战处境比八年前好 | 联合早报”], Liên hợp tảo báo, ngày 1/2/2025, https://www.zaobao.com.sg/news/china/story20250201-5816268.
[33] Peter S. Goodman, Cuộc chiến thương mại của Trump với Trung Quốc trong phiên bản 2.0 sẽ khác biệt như thế nào?
[34] Theo quan điểm của GS Yan Liang, trình bày tại China Talk 11/2024
[35] The complex challenges facing China’s economic future, World Finance, https://www.worldfinance.com/strategy/the-complex-challenges-facing-chinas-economic-future.
[36] 2025年经济展望:我国经济运行仍面临困难和挑战, 经济形势报告网, ngày 9/1/2025, http://www.china-cer.com.cn/guwen/2025010929691.html.
[37] Theo quan điểm của TS. Hoàng Huệ Anh, trình bày tại China Talk 11/2024
[38] Hoài Thu, Đã đến lúc Trung Quốc phải thay đổi mô hình kinh tế?, Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới, ngày 6/3/2025, https://vneconomy.vn/da-den-luc-trung-quoc-phai-thay-doi-mo-hinh-kinh-te.htm.
Mối quan hệ giữa Campuchia và Mỹ đã trải qua nhiều biến động thăng trầm kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1993 và chịu nhiều tác động bởi các yếu tố lịch sử, khác biệt về tự do chính trị, dân chủ, nhân quyền và quan hệ với Trung Quốc. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump...
Trong 50 ngày đầu nắm quyền, Chính quyền Trump 2.0 đã có nhiều điều chỉnh mạnh mẽ về chính sách đối ngoại, tạo ra nhiều “cú sốc” với cả đồng minh và đối thủ. Tuy nhiên, tại Biển Đông, chiều hướng can dự của Chính quyền Trump 2.0 (tạm gọi là “chính sách Biển Đông” của Trump 2.0) có phần ổn định hơn. Đâu...
Ngày 21.2, Chính phủ Việt Nam đã ra Tuyên bố về đường cơ sở của Việt Nam trong vịnh Bắc bộ. Đây là hoạt động chính đáng, thực hiện quyền và nghĩa vụ của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm (UNCLOS) 1982 và phù hợp với luật Biển Việt Nam năm 2012.
Thời gian gần đây Trung Quốc có xu hướng vừa gia tăng hiện diện trên thực địa để hiện thực hóa các yêu sách không phù hợp với luật pháp quốc tế, vừa thúc đẩy các cam kết về hợp tác khai thác chung tài nguyên biển với các quốc gia Đông Nam Á trên Biển Đông.
Chính sách của Mỹ liên quan tới Biển Đông (BĐ) chịu tác động đa chiều từ nhiều nhân tố trong và ngoài nước, được đặt trong trong tổng thể chính sách với Trung Quốc (TQ) và với khu vực. Dưới thời Trump 2.0, chính sách này dự kiến có nhiều thay đổi, đặt ra nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ: Liệu Mỹ có duy trì quan...
Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 16 được Học viện Ngoại giao tổ chức từ ngày 23 – 24 tháng 11 năm 2024 tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh với chủ đề “Định hướng tư duy, Phát huy chuẩn mực”. Chương trình Lãnh đạo trẻ là một hoạt động nằm trong khuôn khổ của Hội thảo Biển Đông được khởi động lần đầu...