Sức mạnh cứng và những thông điệp tương lai

Buổi duyệt binh mừng chiến thắng phát xít tại Bắc Kinh vào ngày 3 tháng 9 vừa qua thu hút sự chú ý của cả thế giới. Với các quốc gia láng giềng đang có tranh chấp lãnh thổ và biển với Trung Quốc, những gì được trình diễn trên quảng trường Thiên An Môn tạo ra nhiều lý do để lo ngại, bởi khí tài quân sự luôn là một thước đo quan trọng cho sức mạnh của một quốc gia và việc một nước sẵn sàng phô diễn sức mạnh quân sự luôn dẫn đến nhiều đồn đoán về hàm ý đằng sau đó. 

Thông điệp của lãnh đạo Bắc Kinh là gì? Thông điệp đó được lồng ghép trong tình hình nội trị và sự chuyển biến của chính sách đối ngoại ra sao? Những vũ khí mà Trung Quốc lần đầu tiên trình diễn tại ngày 3 tháng 9 sẽ nói lên điều gì với các quốc gia đang có các vấn đề tranh chấp với Trung Quốc và nói lên điều gì với các đối thủ chiến lược trong khu vực và thế giới?

Phô diễn sức mạnh cứng

Quy mô của buổi duyệt binh là điều gây ấn tượng đầu tiên trong các đánh giá. Hiện tại chưa rõ số tiền mà Bắc Kinh đã chi để phục vụ cho buổi duyệt binh lần này là bao nhiêu. Tuy vậy, theo thống kê, có hơn 12.000 binh sĩ Trung Quốc, cùng với hơn 1.000 binh sĩ từ các quốc gia khác tham gia diễu binh. Ba mươi nhà lãnh đạo các quốc gia tới chứng kiến trực tiếp, cùng đại diện của gần 50 quốc gia khác. Quân đội Trung Quốc cũng đã điều động gần 500 trang thiết bị quân sự cho buổi lễ lần này, trong đó có tới 84% chưa bao giờ được công bố ra công chúng.

Con số 84% đặc biệt đáng chú ý. Ngoài ra còn phải kể đến chất lượng các khí tài quân sự Trung Quốc giới thiệu trong buổi lễ này. Hơn 200 máy bay chiến đấu hiện đại xuất hiện, trong đó là các loại máy bay như J-11B, J-15 chuyên dùng trên tàu sân bay, và J-10 (cả ba loại máy bay này đều là các phiên bản “copy” từ các máy bay cùng loại của Nga và Israel). Bảy loại tên lửa đạn đạo khác nhau được giới thiệu, trong đó có DF-21D, vốn được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay” và DF-26 có khả năng bắn tới đảo Guam, được mệnh danh là “sát thủ đảo Guam” (cả hai đều có khả năng trang bị đầu đạn hạt nhân).

DF-26 được coi là loại tên lửa đạn đạo chống tàu thế hệ thứ hai, sau DF-21D, với tầm bắn xa hơn có thể nhằm tới các mục tiêu ở khoảng cách 3.000-4.000 km. Với tầm bắn này, căn cứ Mỹ trên đảo Guam sẽ là mục tiêu khả dĩ. Có hai điểm quan trọng cần lưu ý về DF-26. Thứ nhất đây là loại tên lửa đạn đạo chống tàu có khả năng tấn công các mục tiêu di động. Thứ hai là DF-26 có khả năng mang đầu đạn thông thường lẫn đầu đạn hạt nhân, và có thể được đặt trên bệ phóng di động (TEL). Bằng việc sử dụng nhiên liệu rắn và được chuyên chở bằng TEL, DF-26 hoàn toàn có thể được che giấu tại các địa điểm bí mật và bất ngờ tấn công mà khó bị phát hiện và khó bị đánh chặn. Về mặt chiến lược, DF-26 sẽ rất khó bị ngăn chặn. Đây được xem là loại tên lửa tầm trung tân tiến nhất hiện nay của quân đội Trung Quốc trước khi DF-41 chính thức được ra mắt.

Sự xuất hiện của các loại tên lửa này mang lại một số hàm ý quan trọng.  Đầu tiên đây là một khẳng định của Trung Quốc về việc có thể sử dụng các tên lửa mới. Bắc Kinh cho thấy các công nghệ như trinh sát, điện tử và dẫn đường tầm xa phù hợp để triển khai các loại tên lửa đã được hoàn thiện, một đặc điểm mang hàm ý răn đe. Sự phát triển và tiến bộ không ngừng, cả về mặt kỹ thuật và tác chiến, của Binh đoàn pháo binh số hai là minh chứng cho quá trình hiện đại hoá liên tục của Trung Quốc trong thời gian gần đây. Mặc dù chưa thực chiến, xong sự xuất hiện của DF-21D hay DF-26 cũng sẽ khiến cho Mỹ và đồng minh suy nghĩ một cách thận trọng hơn trong bất cứ chiến lược cân bằng quân sự nào trong tương lai một cách thực sự nghiêm túc.

Thứ hai, năng lực chống xâm nhập/chống tiếp cận (A2/AD) của Trung Quốc được tăng cường. A2/AD là khả năng mà quân đội Trung Quốc khoá chặt và làm giảm đi hiệu quả của các lực lượng tác chiến tiền phương của Mỹ và đồng minh trong trường hợp có xung đột xảy ra. Các máy bay ném bom chiến lược hay nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ sẽ không thể tiếp cận gần hơn chuỗi đảo thứ nhất trong trường hợp DF-26 (hay DF-41 trong tương lai) được triển khai một cách đầy đủ. Tuy nhiên, giữa lý thuyết và thực tiễn luôn có một khoảng cách nhất định. Các kỹ thuật giúp tên lửa đánh trúng một mục tiêu di động phức tạp hơn nhiều so với một mục tiêu cố định. Các khả năng của DF-26 hay DF-21D hoàn toàn do Trung Quốc mô tả, và chưa bao giờ được kiểm chứng. Một phần quan trọng khác của A2/AD là hệ thống thông tin liên lạc, giám sát, trinh sát và tình báo. Đây là năng lực mà quân đội Trung Quốc đang cố gắng hoàn thiện thông qua các cải cách quân sự trong thời gian sắp tới. Ngoài ra, các lực lượng quân binh chủng khác như tàu ngầm, tàu mặt nước, không quân hải quân cũng đã và đang được hiện đại hoá.

Một ví dụ tiêu biểu khác cho năng lực A2/AD trong buổi duyệt binh là sự xuất hiện của máy bay ném bom tầm trung H-6K với khả năng trang bị sáu tên lửa chống hạm YJ-12 (cũng là loại tên lửa lần đầu được phô diễn). Ngoài ra còn có các loại máy bay không người lái, tương lai của tác chiến trên đại dương. Đây là mảng công nghệ quốc phòng mà Trung Quốc có năng lực gần tương đương nhất so với Mỹ (khi so sánh với các lãnh vực công nghệ quốc phòng khác như đóng tàu chiến hay máy bay).

Bên cạnh tên lửa và máy bay, vũ khí của lục quân cũng được đưa ra duyệt binh. Trong đó có xe tăng chủ lực Type-99, máy bay trực thăng chiến đấu Z-9 và các loại vũ khí, khí tài khác. Mặc dù không gây được nhiều chú ý như các loại tên lửa hay máy bay chiến đấu, nhưng vũ khí lục quân cũng là một phần quan trọng trong quá trình hiện đại hoá lực lượng quân đội Trung Quốc.

Hướng nội hay hướng ngoại?

Lý do đằng sau cuộc duyệt binh được cho là quy mô nhất từ trước tới nay của Trung Quốc là gì? Cứ mười năm một lần, Trung Quốc lại tiến hành duyệt binh, với lần gần đây nhất là vào năm 2009. Cuộc duyệt binh ngày 3 tháng 9 vừa qua có thể được xem như là một ngoại lệ, xảy ra trước tới tận 4 năm so với dự kiến. Nhiều lý do đã được các nhà quan sát đưa ra. Trong đó tập trung vào hai thông điệp chính: thông qua lễ kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng phát xít Nhật lần này, Trung Quốc muốn: (i) tăng cường hình ảnh của Đảng Cộng sản ở trong nước trong bối cảnh hàng loạt khó khăn về kinh tế lẫn chính trị đang diễn ra và; (ii) truyền tải thông điệp về một Trung Quốc mạnh mẽ, không dễ bị “ăn hiếp” hay bắt nạt từ  bên ngoài.

Hai thông điệp này quan trọng trong bối cảnh của Trung Quốc năm nay. Chủ tịch Tập Cận Bình đang gặp khó khăn trong quá trình thực hiện “giấc mơ Trung Hoa”. Các chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi, săn cáo” mặc dù nhận được sự ủng hộ rất lớn từ công chúng, nhưng đã bắt đầu gặp phải phản lực mạnh mẽ từ những nhóm lợi ích khác nhau. Điều này khiến cho tình hình chính trị nội bộ gặp bất ổn. Nền kinh tế Trung Quốc trong thời gian gần đây không ổn định, với xu hướng can thiệp mạnh tay hơn của nhà nước vào thị trường. Nỗi lo sợ về một kinh tế Trung Quốc giảm tốc về tăng trưởng, các cải cách thiếu quyết đoán cùng lực cản về chính trị ảnh hưởng không chỉ tới bản thân nước này, mà còn gây tác động tiêu cực tới khu vực, lẫn thế giới.

Tiến hành một cuộc diễu binh “hoành tráng” có phải là cách giúp cho dư luận có thể tạm quên đi những khó khăn đang xảy ra, thúc đẩy hình ảnh, định hướng giá trị và đảm bảo tính chính danh cho Đảng Cộng sản Trung Quốc? Mặc dù có quan điểm cho rằng, lập luận này là thiếu cơ sở, song buổi duyệt binh đã xảy ra vào một thời điểm không thể phù hợp hơn. Có ba lý do để chúng ta nhìn cuộc duyệt binh này theo hướng như vậy từ góc nhìn chính trị nội bộ:

     Trên con đường khẳng định vị thế cường quốc thế giới, Trung Quốc cần thiết phải cho thế giới thấy vai trò lịch sử “vinh quang” của mình. Đặt vị trí của quốc gia mình như là một phần lịch sử “anh hùng” chống phát xít (mặc dù phần lớn công sức thuộc về những người quốc gia của phe Tưởng Giới Thạch), người dân Trung Quốc trước hết sẽ thấy tự hào hơn, anh hùng hơn. Điều này thúc đẩy lòng yêu nước và tính cố kết giữa người dân với đất nước và Đảng Cộng sản Trung Quốc.

     Cuộc duyệt binh quy mô với vũ khí hiện đại cũng là cách giúp cho Đảng Cộng Sản Trung Qước khẳng định vai trò đưa đất nước đi lên vị thế cường quốc từ một quốc gia trước đây bị “sỉ nhục” bởi đế quốc phương Tây. Tính chính danh dựa vào lịch sử, vượt qua ám ảnh của “một thế kỷ ô nhục” như thế được hy vọng sẽ làm lu mờ những khó khăn nội tại của đất nước trong khoảng thời gian gần đây. Dàn vũ khí hiện đại tạo nên ấn tượng về khả năng đất nước có thể bảo vệ người dân trước bất kỳ mối đe doạ nào từ bên ngoài, trong khi các mối đe doạ này luôn được thổi phòng bởi “tâm lý nạn nhân”.

     Với sự xuất hiện của ông Tập Cận Bình ở trung tâm lễ đài, bên cạnh đó là hai cựu tổng bí thư Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, cho thấy ông Tập vẫn đang nắm quyền lực tuyệt đối tại Trung Quốc. Đây có thể được xem là một thông điệp nhắn nhủ tới không chỉ trong nội bộ Trung Quốc mà còn tới các quốc gia khác. Với việc kiểm soát tốt quyền lực, ít nhất là thông qua hình ảnh của ông Tập tại buổi duyệt binh, có thể cho rằng quá trình cải cách nền kinh tế và quân đội sẽ tiếp tục được tiến hành trong tương lai. Một ví dụ tiêu biểu là phát ngôn của ông về việc sẽ cắt giảm 300.000 người trong trong lực lượng vũ trang Trung Quốc (PLA), chiếm 1/10 tổng số quân.

Thông điệp mà buổi duyệt binh đưa ra đối với các cường quốc bên ngoài cũng quan trọng không kém. Tác giả Taylor Fravel cho rằng những loại vũ khí mà Trung Quốc giới thiệu trong buổi duyệt binh mang ý nghĩa “răn đe chiến lược”. Ở đây, răn đe chiến lược không chỉ được thể hiện qua số lượng đầu đạn hạt nhân mà một quốc gia sở hữu, mà còn thông qua số lượng các loại vũ khí mà nước này có thể sử dụng được, và được công khai. Cuộc duyệt binh còn có thể được diễn giải thông qua một hàm ý khác.

Đó là Trung Quốc đã bắt đầu nhận thấy môi trường an ninh xung quanh mình đang thay đổi nhanh chóng theo hướng bất lợi cho các lợi ích của Trung Quốc. Chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ và các nước đồng minh đang tạo ra một vòng vây nhằm kiềm chế nước này. Vòng vây ấy trong hai năm gần đây ngày càng rõ hơn trong việc Mỹ phối hợp chính sách với các đồng minh tại Thái Bình Dương. Các loại tên lửa xuất hiện trong lễ duyệt binh là một câu trả lời tới chiến lược này. Chờ đợt một cuộc duyệt binh khác đúng theo kế hoạch 2019 sẽ là quá trễ. Tập Cận Bình mong muốn thể hiện sức mạnh quân sự như là một hình thức răn đe chiến lược với những quốc gia đang tham gia vào “thế trận ngăn đê”, đặc biệt là nước Mỹ.

“Trung Quốc đã là một cường quốc quân sự khu vực, và đừng chọc giận Trung Quốc” là thông điệp mà Bắc Kinh muốn truyền tải. Song cần lưu ý rằng một thông điệp như vậy có thể sẽ được hiểu một cách sai lệch bởi các quốc gia láng giềng. Các hành vi gây hấn gia tăng tại các vùng biển gần đã khiến cho hình ảnh của Trung Quốc xấu đi nhanh chóng. Những vũ khí được trưng bày có thể sẽ thúc đẩy quá trình chạy đua vũ trang trong khu vực, cũng như vòng vây của Mỹ khép lại nhanh hơn xung quanh Trung Quốc.

Những câu hỏi mở

Một vấn đề khác nữa cũng được bàn luận sôi nổi đó chính là tính hiệu quả thực chiến của các loại vũ khí do Trung Quốc sản xuất xuất hiện trong lễ duyệt binh. Ngoài năng lực chỉ huy, thì hiệu quả của vũ khí cũng là một nhân tố quan trọng. Làm thế nào để chứng minh tính hiệu quả thực sự của “sát thủ tàu sân bay”, hay các loại tên lửa đối hạm như YJ-12 là một câu hỏi. Liệu có khả năng chúng chỉ là những “mô hình” như những gì mà Bắc Triều Tiên đã làm? Hay khả dĩ liệu trình độ công nghệ quốc phòng Trung Quốc không được như những gì mà họ giới thiệu? Chúng ta thực sự không thể biết được chính xác trừ khi xung đột thực sự xảy ra. Nhưng rõ ràng, không một nước nào muốn xung đột xảy ra để có thể kiểm chứng những nghi ngờ đó.

Tuy vậy, tính răn đe của những loại vũ khí như trên xuất hiện trong lễ duyệt binh đã được nhấn mạnh ở mức độ nhất định. Nó hàm ý rằng dù chưa từng xuất kích hay thiếu kinh nghiệm chiến trường, sở hữu các vũ khí với tầm sát thương và khả năng can thiệp ở tầm xa buộc các toan tính về chiến thuật, lẫn chiến lược của các nước xung quanh phải thay đổi. Với Mỹ chẳng hạn, bối cảnh của sự xuất hiện các vũ khí mới tạo ra thế trận chiến tranh mới, điều khiến cho các nhà hoạch định chiến lược nước này  phải tìm thêm những phương án đối phó. Và quân đội Mỹ sẽ trở nên thận trọng hơn khi triển khai hải quân tại khu vực nằm trong tầm bắn (được cho là hiệu quả) của DF-21D hay DF-26.

Nếu đánh giá cuộc đại duyệt binh ngày 3 tháng 9 vừa qua là khởi đầu cho một chu kỳ hiện đại hoá mới, mạnh mẽ và quyết liệt hơn dưới thời Tập Cận Bình, thì việc “thể hiện” ra bên ngoài đã được một số kết quả. Mặc dù nhận được nhiều chỉ trích từ các nước như Philippines, Nhật Bản hay Mỹ về mục đích thực sự và sự phô trương sức mạnh cơ bắp quân sự của buổi duyệt binh, song không thể phủ nhận được tầm quan trọng cũng như các tác động dư luận mà sự kiện này mang lại. Ưu tiên cải cách hải quân, không quân và quân đoàn pháo binh số hai (đơn vị điều khiển các tên lửa đạn đạo) và phát triển kỹ thuật mới để ngăn chặn những đối thủ tiềm ẩn như Mỹ và Nhật, sự khẳng định quyền lực và quá trì tạo dựng vị thế và uy tín chính trị của mình cả với dư luận cả trong nước, lẫn thế giới của Tập Cận Bình sau ngày 3 tháng 9 năm nay đang rõ ràng hơn bao giờ hết. 

Nguyễn Thế Phương, Nghiên cứu viên thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM.