---------

Càng gần đến ngày Toà trọng tài theo phụ lục VII UNCLOS (Toà trọng tài) ra phán quyết về vụ kiện Philippines-Trung Quốc, diễn biến chính trị liên quan đến vụ kiện đang ngày càng nóng lên. Sau các “chiến dịch” quyết liệt vận động ngoại giao và tuyên truyền dư luận trong vấn đề Biển Đông và vụ kiện của Philippines, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào cuối tháng 5/2016 đã tuyên bố số nước ủng hộ quan điểm của Trung Quốc đối với vụ kiện là hơn 40 nước. Gần đây, nguồn tin từ Trung Quốc cho biết con số này đã tăng lên hơn 60 nước. Tuy nhiên, nhiều trang phân tích đã chỉ ra rằng Trung Quốc không cung cấp danh sách các nước này và thậm chí trong nhiều trường hợp cũng không đưa ra được bằng chứng các nước ủng hộ quan điểm của Trung Quốc. Kiểm chứng lại quan điểm thực sự của các nước đối với vụ kiện của Philippines và lập trường của Trung Quốc thì cũng có thể thấy rằng mức độ ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với lập trường của Trung Quốc về vụ kiện thấp hơn nhiều so với tuyên bố của Bắc Kinh. Phải chăng chính Trung Quốc, chứ không phải giới báo chí và học giả quốc tế, mới là bên đang “hiểu lầm, bỏ sót” quan điểm của cộng đồng quốc tế về vụ kiện cũng như tình hình Biển Đông?

Theo trang Sáng kiến Minh bạch biển Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ, tiêu chí xác định các nước được coi là ủng hộ Trung Quốc khi có tuyên bố công khai một trong các điểm sau: i) Toà trọng tài không có thẩm quyền ra phán quyết trong vụ kiện Philippines-Trung Quốc; ii) Các nước phải tôn trọng quyền của mỗi quốc gia được tự chọn phương thức giải quyết tranh chấp (do đó các cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc như Toà trọng tài là vô hiệu); hoặc iii) Các nước phải tôn trọng quyền của mỗi quốc gia được bảo lưu một số loại tranh chấp nhất định đối với thẩm quyền của các cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc theo Điều 298 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982), theo đó Toà trọng tài không có thẩm quyền đối với vụ kiện vì Trung Quốc đã tuyên bố bảo lưu việc phân định chủ quyền ở Biển Đông. Đây là các điểm mấu chốt mà Trung Quốc thường đưa ra trong các phát ngôn bác bỏ vụ kiện do Philippines khởi xướng. Trên cơ sở này cũng như qua theo dõi lập trường của các nước gần đây, có thể xác định các nước đã thể hiện hoặc được cho là đã thể hiện quan điểm về Biển Đông và vụ kiện Philippines-Trung Quốc chia thành 5 nhóm: i) các nước công khai ủng hộ lập trường của Trung Quốc rằng Toà trọng tài không có thẩm quyền đối với vụ kiện; ii) các nước được Trung Quốc đưa vào danh sách ủng hộ Trung Quốc nhưng vẫn giữ im lặng hoặc đưa ra các tuyên bố mập mờ, không công khai xác nhận; iii) các nước phủ nhận tuyên bố của Trung Quốc rằng đã nhận được sự ủng hộ từ các nước này; iv) các nước chưa khẳng định nhưng có tuyên bố theo hướng ủng hộ vụ kiện của Philippines; và v) các nước công khai tuyên bố ủng hộ phán quyết của Toà là có giá trị ràng buộc đối với các bên liên quan.

 

Các nước công khai ủng hộ lập trường của Trung Quốc về vụ kiện

Danh sách này bao gồm 9 nước là Afghanistan, Campuchia, Niger, Lesotho, Gambia, Kenya, Sudan, Togo, Vanuatu. Trong số này, 3 nước Afghanistan, Niger và Lesotho là các quốc gia không giáp biển; 6 nước còn lại có 4 nước thuộc Châu Phi là Gambia, Kenya, Sudan và Togo; Vanuatu nằm ở tây nam Thái Bình Dương cách xa Biển Đông.

Quan điểm của Afghanistan được thể hiện qua tuyên bố chung trong chuyến thăm của Quan chức điều hành cấp cao của Afghanistan là Abdullah Abdullah đến Trung Quốc ngày 18/5/2016. Lesotho, Sudan, TogoKenya công bố lập trường trên trang web của Bộ Ngoại giao các nước này. Gambia, NigerVanuatu gửi thông cáo đến giới báo chí. Hầu hết các tuyên bố được nhóm nước này đưa ra đều kêu gọi tôn trọng quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp của các quốc gia. Cá biệt, Gambia thậm chí tuyên bố theo hướng ủng hộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc và khẳng định Toà trọng tài không có thẩm quyền phán quyết trong vụ kiện Philippines-Trung Quốc.

Campuchia đã có sự thay đổi lập trường rõ ràng. Sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố đã đạt được “nhận thức chung” bốn bên sau đối thoại với Lào, Campuchia và Brunei hồi cuối tháng 4/2016, Người phát ngôn chính phủ Campuchia Phay Siphan đã lên tiếng khẳng định (ngày 25/4) rằng phía Campuchia đã không có cuộc thảo luận hay thoả thuận nào với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông trong chuyến thăm của Vương Nghị. Tuy nhiên, mới đây một số nguồn (Channel News Asia, Strait Times, SCMP) đưa tin tại lễ khai giảng ở Học viện Quản lý Campuchia ngày 20/6, Thủ tướng Campuchia Hun Sen phát biểu cho rằng vụ kiện là “âm mưu chính trị” và sẽ không ủng hộ bất cứ phán quyết nào của Toà. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trong họp báo ngày 21/6 đã “khen ngợi và trân trọng” phát biểu của Thủ tướng Campuchia và “khuyên” báo chí quốc tế nên lấy quan điểm của Hun Sen là quan điểm chính thống của Campuchia.

Cũng có luồng ý kiến cho rằng phát biểu của Hun Sen đã bị trích dẫn thiếu hoặc sai ngữ cảnh. Trao đổi về vấn đề này, học giả Greg Poling, Giám đốc Chương trình AMTI, cho rằng hàm ý của Hun Sen về “âm mưu chính trị” có thể nhằm ám chỉ một số nước ASEAN ủng hộ vụ kiện đã tìm cách liên lạc, vận động Toà trọng tài trong khi vụ kiện đang diễn ra.[1] Ngoài ra, nguyên văn phát biểu của Hun Sen về phán quyết của Toà là “sẽ không ủng hộ bất cứ phán quyết nào của Toà mà chỉ có lợi cho Philippines hoặc Trung Quốc”. Ý này có thể hiểu là “Campuchia sẽ không tham gia bất cứ tuyên bố chung nào ủng hộ phán quyết của Toà trọng tài” mà “sẽ có tuyên bố riêng”. Điều này khác với việc Campuchia cho rằng Toà không có thẩm quyền hay công nhận quan điểm của Trung Quốc rằng phán quyết của Toà là không hợp lệ.

Tuy nhiên, ngày 22/6, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) đã ra tuyên bố ủng hộ hoàn toàn phát biểu của Thủ tướng Hun Sen ngày 20/6 về việc Campuchia sẽ không tham gia bất kỳ một tuyên bố chung nào ủng hộ phán quyết của Toà trọng tài liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông. Ngày 28/6, Hun Sen phát biểu tại lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Đảng Nhân dân Campuchia nêu đậm lại lập trường của CPP và Campuchia về vấn đề Biển Đông: i) CPP không chỉ ủng hộ mà còn chống lại việc ra bất kỳ một tuyên bố chung nào của ASEAN ủng hộ phán quyết của Toà trọng tài liên quan đến tranh chấp Biển Đông do một số nước ngoài khu vực lôi kéo, gây sức ép đối với các nước thành viên ASEAN trước khi Toà ra phán quyết; và ii) CPP coi vấn đề Biển Đông là vấn đề giữa các nước có liên quan về vấn đề lãnh thổ, không phải vấn đề giữa ASEAN với Trung Quốc, do đó chỉ có các nước liên quan mới có khả năng giải quyết vấn đề này.

Các nước chưa xác nhận ủng hộ lập trường của Trung Quốc

Trong nhóm BRICS – nhóm các nền kinh tế đang nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – thì Nga, Ấn Độ và Nam Phi là những nước đã lên tiếng về Biển Đông. Nga Ấn Độ đã đồng ý cùng với Trung Quốc đưa ra quan điểm về vấn đề Biển Đông trong Tuyên bố chung sau Hội nghị Ngoại trưởng ba bên lần thứ 14 diễn ra ngày 18/4/2016. Tuyên bố Nga-Trung-Ấn kêu gọi “tất cả các tranh chấp liên quan cần được giải quyết thông qua đàm phán và thoả thuận giữa các bên liên quan”. Tuy nhiên, tuyên bố ngày 18/4 cũng như phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov ngày 14/4 tại Mông Cổ một mặt kêu gọi các bên ở Biển Đông giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán, mặt khác kêu gọi “tôn trọng tất cả các điều khoản của UNCLOS, DOC và Bản hướng dẫn thực thi DOC.” Nga chỉ nhấn mạnh “không quốc tế hoá”, “không có sự can thiệp của bên thứ ba” vào vấn đề Biển Đông, nhưng không trực tiếp phủ nhận Toà trọng tài, đồng thời nhìn nhận UNCLOS là “văn kiện nền tảng” cho việc giải quyết tranh chấp. Lập trường của Nga và Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông cần được xác định không chỉ trong tuyên bố tại các cuộc họp với Trung Quốc mà cả trong các cuộc họp với các đối tác khác như Mỹ, Nhật, ASEAN –lúc này quan điểm của hai nước này là “tích cực hơn”. Tuyên bố cấp cao Nga-ASEAN tại Sochi ngày 19-20/5/2016 ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình theo luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS. Trước đó một tháng, ngày 12/4, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ và Mỹ ra tuyên bố khẳng định tầm quan trọng của an ninh biển, tự do hàng hải, hàng không và ủng hộ trật tự dựa trên luật pháp quốc tế tại Biển Đông.

Đáng chú ý, ngày 20/5 Tân Hoa Xã đăng tin điểm bài bình luận của Shannon Ebrahim, được cho là một học giả nổi tiếng của Nam Phi, trên tờ The Star (Nam Phi). Trong bài viết, Ebrahim cho rằng tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng là do sự can thiệp của Mỹ và “luật pháp quốc tế đứng về phía Trung Quốc”. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 28/6 cũng đưa tin Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khẳng định quan điểm của Nam Phi là “tiếng nói có lý trí”, thể hiện “con đường đúng đắn để giải quyết vấn đề”. Tuyên bố đưa ra trên website của Bộ Quan hệ và Hợp tác Quốc tế Nam Phi ngày 22/6 cho biết “Nam Phi ủng hộ lập trường rằng các nước có chủ quyền liên quan trực tiếp [đến vấn đề Biển Đông] nên giải quyết tranh chấp thông qua tham vấn và đàm phán trực tiếp, trên cơ sở tôn trọng sự thực lịch sử và phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như duy trì hoà bình và ổn định ở Biển Đông”. Tuyên bố cũng đề cập Nam Phi “quan ngại về xu hướng gần đây trên trường quốc tế muốn chính trị hoá tình hình ở Biển Đông”, tuy nhiên không nhắc tới vụ kiện hay “ai” là bên đang tìm cách chính trị hoá. Tuy phía Trung Quốc có hàm ý quan điểm của Nam Phi là đứng về phía Trung Quốc (chủ yếu dựa vào ý “sự thực lịch sử”), nhưng Nam Phi cũng bổ sung rằng “Nam Phi tin rằng cộng đồng quốc tế nên ủng hộ tất cả các nỗ lực nhằm mục tiêu đảm bảo hoà bình và ổn định ở khu vực”.

21 nước thuộc Liên đoàn Ả Rập gồm Algeria, Bahrain, Comoros, Djibouti, Ai Cập, Iraq, Jordan, Kuwait, Lebanon, Libya, Mauritania, Morocco, Oman, Palestine, Qatar, Ả Rập Saudi, Somalia, Syria, Tunisia, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhấtYemen được cho là đã thể hiện sự ủng hộ đối với lập trường của Trung Quốc trong một tuyên bố chung sau Hội nghị cấp bộ trưởng lần thứ 7 của Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-Ả Rập ngày 12/5/2016 (Tuyên bố Doha). Tuy nhiên, toàn văn của tuyên bố này vẫn chưa được công bố. Trang web Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-Ả Rập do Bộ Ngoại giao Trung Quốc quản lý chỉ đăng thông cáo về Tuyên bố Doha cho biết các nước Ả Rập “ủng hộ” Trung Quốc tìm cách giải quyết hoà bình các tranh chấp biển và lãnh thổ một cách hoà bình thông qua đàm phán, “nhấn mạnh” quyền của các quốc gia được lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp. Tân Hoa Xã cũng đưa tin đại diện Sudan, Yemen, Ả Rập Saudi, AlgeriaLebanon đã có các cuộc gặp riêng với BTNG Vương Nghị tại Doha ngày 11-12/5/2016, nhưng chỉ có Sudan có tuyên bố chính thức trên trang web của Bộ Ngoại giao Sudan. Truyền thông chính thức của Qatar cũng như nhiều nước Ả Rập khác không nhắc gì đến vấn đề này.

Theo thông tin từ người phát ngôn và trang web Bộ Ngoại giao cũng như giới truyền thông Trung Quốc, 13 nước Châu Phi bao gồm Burundi, Eritrea, Tanzania, Uganda, Sierra Leone, Gabon, Zambia, Cameroon, Ethiopia, MalawiMozambique, Cộng hoà Congo, Zimbabwe cùng với Liên minh Châu Phi đã bày tỏ sự ủng hộ đối với lập trường của Trung Quốc trong nhiều dịp và bằng nhiều hình thức, bao gồm ra tuyên bố (Tanzania, Uganda, Eritrea, Congo, Phó Chủ tịch Liên minh Châu Phi), gửi thư cho Vương Nghị (Gabon), thông qua trả lời phỏng vấn với Tân Hoa Xã (Uganda, Sierra Leone), hay trực tiếp bày tỏ “hiểu biết và sự ủng hộ” trước các quan chức Trung Quốc (Zambia, Cameroon, Ethiopia, Malawi, Zimbabwe). Tuy nhiên, hiện chỉ có Mozambique đưa thông tin trên trang web của Bộ Ngoại giao nước này cho biết Mozambique và Trung Quốc đã có tuyên bố chung nhân chuyến thăm của Tổng thống Philip Nyusi đến Trung Quốc tháng 5/2016. Theo đó, Mozambique tuyên bố sẽ ủng hộ Trung Quốc tìm cách giải quyết tranh chấp Biển Đông “với các nước liên quan thông qua tham vấn và đàm phán, phù hợp với đồng thuận song phương và khu vực”, nhưng không trực tiếp đề cập vụ kiện Philippines-Trung Quốc. Ngoài ra, truyền thông Burundi đã có bài tường thuật về buổi thuyết trình do Đại sứ quán Trung Quốc ở Burundi tổ chức nhằm tuyên truyền về lập trường và yêu sách của Trung Quốc ngày 10/5/2016. Tuy nhiên, thông tin phía Burundi cho biết Trợ lý bộ trưởng Bộ Quan hệ và Hợp tác Quốc tế Burundi có mặt tại buổi tuyên truyền chỉ kêu gọi giải quyết hoà bình các tranh chấp dựa trên “Hiến chương Liên Hiệp Quốc và nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trong Hiến chương”.

Châu Âu, các nước mà giới chức và truyền thông Trung Quốc tuyên bố đã bày tỏ sự ủng hộ đối với lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông nhưng hiện vẫn giữ im lặng là Belarus và gần đây là Serbia. Trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa tin bên lề Hội nghị Xây dựng lòng tin Châu Á (CICA) lần thứ 5 (28/4/2016), Bộ trưởng Ngoại giao Belarus Vladimir Makei đã trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề Biển Đông và bày tỏ sự ủng hộ đối với “lập trường có nguyên tắc” của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông, đồng thời phản đối việc “quốc tế hoá” hoặc các nước bên ngoài can thiệp vào vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, trang web của Bộ Ngoại giao Belarus chỉ đăng toàn văn bài phát biểu của Makei trong đó thể hiện sự ủng hộ đối với các “ý tưởng” của Tập Cận Bình về dàn xếp an ninh ở Châu Á và thế giới, không đề cập bài phỏng vấn hay vấn đề Biển Đông. Bên cạnh đó, truyền thông Trung Quốc và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh cũng khẳng định trong chuyến thăm của Tập Cận Bình đến Serbia ngày 17-19/6/2016, hai bên đã ký tuyên bố chung trong đó kêu gọi các bên liên quan trực tiếp ở Biển Đông giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình dựa trên DOC và các thoả thuận song phương.  Tuy nhiên, trang web chính thức của chính phủ Serbia chỉ đăng thông tin hai bên đã ký Tuyên bố về Quan hệ chiến lược toàn diện và 21 thoả thuận hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể nhưng không đề cập Biển Đông.

Đông Nam Á, LàoBrunei là các nước mà giới truyền thông Trung Quốc chú ý cùng với Campuchia khi Vương Nghị đưa thông tin đã đạt được “đồng thuận” hay “nhận thức” chung bốn bên về Biển Đông với các nước này. Tuy nhiên, cả Lào và Campuchia đều chưa chính thức lên tiếng xác nhận ủng hộ lập trường của Trung Quốc.

Ở khu vực Nam Á, theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bên lề Hội nghị CICA lần thứ 5, Cố vấn An ninh quốc gia Pakistan Sartaj Aziz đã có cuộc gặp riêng với Vương Nghị và đạt được “đồng thuận chung” về vấn đề Biển Đông gồm 3 điểm: i) tranh chấp Biển Đông cần được giải quyết thông qua đàm phán và thoả thuận song phương dựa trên DOC; ii) các nước ngoài khu vực cần đóng vai trò “xây dựng” và tôn trọng các nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc trong việc duy trì hoà bình; iii) Pakistan tôn trọng tuyên bố bảo lưu của Trung Quốc theo Điều 298 UNCLOS. Về Bangladesh, Tân Hoa Xã đưa tin trong cuộc gặp giữa BTQP Thường Vạn Toàn và Tổng thống Bangladesh Abdul Hamid tại Dhaka ngày 29/5, Hamid đã bày tỏ sự ủng hộ đối với lập trường của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua đàm phán trực tiếp. Tuy nhiên, cả Pakistan và Bangladesh đều chưa lên tiếng về các thông tin này.

Riêng Sri Lanka đã có tuyên bố chung với Trung Quốc ngày 9/4 sau chuyến thăm của Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đến Trung Quốc (6-9/4). Tuyên bố nêu “Sri Lanka kêu gọi giải quyết các tranh chấp và khác biệt [ở Biển Đông] thông qua đối thoại xây dựng, tham vấn và hợp tác giữa các bên liên quan, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế. Sri Lanka cũng trân trọng các nỗ lực và sự sẵn sàng của Trung Quốc trong việc thúc đẩy các đối thoại này nhằm duy trì hoà bình và an ninh ở khu vực”. Báo Lanka Business Online của Sri Lanka cũng đưa tin Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 23/6 đã tuyên bố Sri Lanka là một trong những nước gần đây nhất đã bày tỏ sự ủng hộ lập trường của Trung Quốc đối với vụ kiện của Philippines. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Tân Hoa Xã và trang web của quân đội Trung Quốc đăng tin ngày 22/6 rằng Thư ký Bộ Quốc phòng Sri Lanka Karunasena Hettiarachchi trong phỏng vấn với Tân Hoa Xã đã khẳng định “các nước liên quan nên ngồi vào bàn đàm phán để thảo luận và lắng nghe lẫn nhau về việc làm thế nào để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông” và “Mỹ nên ngừng can thiệp vào vấn đề Biển Đông”. Tuy nhiên, nội dung đăng trên Tân Hoa Xã cho thấy Hettiarachchi không hề trực tiếp nhắc đến vụ kiện của Philippines trong phần trả lời phỏng vấn. Báo Lanka Business Online khi dẫn lời Hồng Lỗi cũng đồng thời đề cập các nghi ngờ của các quan chức và học giả Mỹ đối với các tuyên bố của Trung Quốc về mức độ ủng hộ đối với lập trường của nước này.

Ngoài ra, Tân Hoa Xã cũng đưa tin Đảng Lao động và Nông dân Nepal ngày 15/6 đã tổ chức một buổi nói chuyện về “Tranh chấp và các đảo ở Biển Đông” ở Bhaktapur và lên tiếng ủng hộ lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo đó, Chủ tịch và Trưởng ban đối ngoại của đảng này là Narayanman Bijukchhe và Prem Suwal đã kêu gọi các nước Châu Á cảnh giác trước âm mưu của phương Tây và đoàn kết để giữ hoà bình khu vực.

Ở khu vực Trung Á, CCTV đưa tin (25/5) Trung Quốc đã giành được sự ủng hộ từ các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) (bao gồm Trung Quốc, Nga và 4 nước Trung Á là Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan). CCTV dẫn tin sau cuộc họp Hội đồng Ngoại trưởng SCO ngày 24/5 tại Tashkent, Uzbekistan, Tổng Thư ký SCO Rashid Alimov đưa ra tuyên bố ủng hộ “lập trường duy trì hoà bình và ổn định ở khu vực tranh chấp” của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong một thông cáo đăng trên website Bộ Ngoại giao Nga ngày 26/5, phía Nga cho biết lập trường chung của các nước SCO là theo thông cáo báo chí của cuộc họp Hội đồng Ngoại trưởng SCO ngày 24/5. Theo đó, các nước SCO “cam kết duy trì nguyên tắc luật và trật tự biển dựa trên luật quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển”, kêu gọi “giải quyết tranh chấp một cách hoà bình thông qua đàm phán và thoả thuận thân thiện giữa các bên liên quan” mà “không có sự can thiệp của bên ngoài”, và kêu gọi việc “tôn trọng các điều khoản của Công ước Luật biển cũng như Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông và bản Hướng dẫn thực thi DOC”. Cũng như các tuyên bố riêng của Nga, bản tuyên bố của SCO ngày 24/5 không đề cập vụ kiện Philippines-Trung Quốc hoặc trực tiếp bác bỏ giá trị của phán quyết của Toà trọng tài. Trước đó, Nhân dân Nhật báo cũng đưa tin (24/5) các nguyên thủ tham dự Hội nghị Nguyên thủ Hội đồng Điều hành SCO tại Tashkent đã ra tuyên bố trong đó có đoạn đề cập: “Các nước thành viên khẳng định, cần bảo vệ trật tự luật pháp về biển trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS. Tất cả các tranh chấp liên quan cần được giải quyết hòa bình thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị giữa các bên liên quan, phản đối quốc tế hóa và các thế lực bên ngoài can thiệp. Các nước thành viên kêu gọi tuân thủ nghiêm UNCLOS, DOC và toàn bộ các điều khoản trong bản hướng dẫn hành động sau DOC”.

Tây Á, Tân Hoa Xã ngày 25/6 đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố ủng hộ lập trường của Trung Quốc đối với vụ kiện, dẫn lời Chủ tịch Đảng Ái quốc Thổ Nhĩ Kỳ là Dogu Perincek cho rằng Trung Quốc “không có nghĩa vụ phải tuân thủ phán quyết của Toà” và sự can thiệp của bên ngoài vào vụ kiện là “rất nguy hiểm”. Tuy nhiên, giới thạo tin về tình hình Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ ra Đảng Ái quốc của Dogu Perincek không có ghế nào trong Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, còn bản thân Perincek thì vừa mới ra tù sau các chiến dịch đàn áp của Tổng thống Erdogan.

Ở khu vực Mỹ Latin, Trung Quốc cho biết Venezuela đã ra tuyên bố kêu gọi giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán. Tuy nhiên, phía Venezuela cũng chưa chính thức lên tiếng xác nhận việc này. Trong họp báo ngày 21/6/2016, khi được hỏi về các nước chưa lên tiếng xác nhận ủng hộ lập trường của Trung Quốc như giới chức và truyền thông Trung Quốc đưa tin, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh lại trả lời theo kiểu “chưa thấy thông tin nước nào công khai phản đối lập trường của Trung Quốc”, ngụ ý các nước mà Trung Quốc nêu chưa lên tiếng phản đối tức là ủng hộ Trung Quốc.

Tân Hoa Xã ngày 23/6 cũng đưa tin chuyên gia phân tích chính trị tại Đại học Buenos Aires, Argentina là Paola de Simone cho rằng việc Philippines khởi kiện là vi phạm cam kết DOC. Ngày 26/6, Tân Hoa Xã tiếp tục đưa tin giáo sư Trung Quốc học tại Cao đẳng Mexico là Marisela Connelly cho rằng vụ kiện là cách mà Philippines “tìm kiếm một chiến thắng chính trị, thay vì một giải pháp thực sự trong các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông” và “phản ứng của Trung Quốc là hoàn toàn hợp lý”. Tuy nhiên, hiện cũng chưa thấy phản ứng chính thức từ chính phủ các nước này.

Các nước phủ nhận việc ủng hộ lập trường của Trung Quốc

Ba nước đã chính thức bác bỏ thông tin ủng hộ lập trường của Trung Quốc là Fiji, Ba Lan và Slovenia. Bộ Thông tin Fiji ngay ngày 15/4/2016 đã có thông cáo báo chí bác bỏ thông tin Fiji ủng hộ lập trường của Trung Quốc do phía Trung Quốc đưa ra sau cuộc gặp giữa Vương Nghị và Bộ trưởng Ngoại giao Fiji Ratu Inoke Kubuabola (13/4). Thông cáo của Fiji nêu rõ “chính phủ Fiji tin tưởng vào việc tuân thủ nghiêm ngặt và thực thi luật pháp quốc tế”, đồng thời kêu gọi tất cả các bên liên quan ở Biển Đông “giải quyết các tranh chấp lãnh thổ thông qua các biện pháp hoà bình theo luật pháp quốc tế”.

Bộ Ngoại giao Ba Lan trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal đã bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc đưa ra sau cuộc gặp giữa Vương Nghị và Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Witold Waszczykowski ngày 26/4/2016. Tuyên bố của phía Trung Quốc nêu Ba Lan ủng hộ lập trường của Trung Quốc là “giải quyết tranh chấp đối với một vài đảo, đá ở Trường Sa thông qua đàm phán và thương lượng” nhưng không đề cập vụ kiện Philippines-Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Ba Lan khẳng định tuyên bố này “không phản ánh đúng lập trường của Ba Lan về vấn đề Biển Đông... vốn không thay đổi và phù hợp với chính sách chung của EU”.

Giới báo chí Slovenia cũng đã xác minh với Bộ Ngoại giao Slovenia ngay sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đưa tin trong họp báo ngày 19/5 rằng Nghị sỹ Kamal Shaker trong chuyến làm việc tại Bắc Kinh ngày 17-18.5 đã thay mặt đảng cầm quyền (Modern Centre Party) và chính phủ Slovenia đã bày tỏ sự ủng hộ đối với “lập trường của Trung Quốc trong vụ kiện ở Biển Đông”. Bộ Ngoại giao Slovenia cho biết không hay biết gì về quan điểm của nghị sỹ này.

Các nước có tuyên bố theo hướng ủng hộ vụ kiện và/hoặc phán quyết của Toà

Mặc dù ít lên tiếng về Biển Đông, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng đã nêu quan điểm tranh chấp Biển Đông nên được giải quyết theo quy định quốc tế đã được thiết lập và cho biết Hàn Quốc đang “quan tâm theo dõi” vụ kiện Philippines-Trung Quốc. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) năm 2015 cũng đã kêu gọi các bên tôn trọng DOC, đồng thời giải quyết tranh chấp “theo luật pháp quốc tế”.

Trong ASEAN, Singapore, Indonesia và Malaysia chủ yếu vẫn tiếp tục “chờ xem” kết quả vụ kiện nhưng cũng đã có một số phát biểu về việc tôn trọng luật pháp quốc tế. Singapore không trực tiếp đề cập vụ kiện nhưng nhiều lần gián tiếp đề cập “tôn trọng các quy trình pháp lý”. Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishman điều trần trước Quốc hội ngày 7/4 đã khẳng định Singapore ủng hộ luật lệ, hệ thống đa phương dựa trên luật lệ và không ủng hộ lẽ phải thuộc về kẻ mạnh. Bộ Ngoại giao Singapore trong thông cáo báo chí về Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc ở Côn Minh cho biết Singapore nhấn mạnh việc tôn trọng đầy đủ các quy trình pháp lý và ngoại giao cũng như quyền tự do hàng hải và hàng không theo luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia và Tổng Thư ký Bộ Ngoại giao Malaysia phát biểu với báo chí đều cho biết các nước ASEAN đã nhất trí về nội dung tuyên bố báo chí của ASEAN tại Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc tại Côn Minh ngày 14/6, trong đó khẳng định việc tôn trọng trật tự pháp quyền ở khu vực và trên thế giới, tôn trọng hoàn toàn các quy trình pháp lý và ngoại giao để giải quyết hoà bình tranh chấp. Tổng thống Jokoki Widodo phát biểu tại Hội nghị cấp cao G7 tại Nhật cũng nói Indonesia sẵn sàng thúc đẩy hoà bình thịnh vượng ở Đông Nam Á và kêu gọi tất cả các quốc gia tôn trọng luật quốc tế.

Các nước công khai ủng hộ phán quyết của Toà                                        

Mỹ hiện vẫn là nước ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với vụ kiện của Philippines. Chính quyền Mỹ từ các tất cả các cấp phó trợ lýtrợ lý bộ trưởng, thứ trưởng, bộ trưởng ngoại giaoquốc phòng cho đến Tổng thống Obama đều đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi tất cả các bên có nghĩa vụ tôn trọng và tuân thủ phán quyết sắp tới của Toà phân xử trên cơ sở UNCLOS. Ở Quốc hội, nhiều nghị sỹ ở cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà đã đề xuất dự thảo Mỹ tăng cường hỗ trợ an ninh cho các nước Đông Nam Á, mở rộng hoạt động quân sự của lực lượng Mỹ ở Biển Đông và thể hiện lập trường mạnh mẽ hơn để gia tăng trọng lượng cho vụ kiện của Philippines. Ngày 3/6, phát biểu trước thềm Hội nghị Shangri-La, Chủ tịch Uỷ ban Quân vụ Thượng viện John McCain cũng kêu gọi các nước Châu Á ủng hộ các tuyên bố của Mỹ về tính chất ràng buộc của phán quyết từ Toà trọng tài, đồng thời cảnh báo Trung Quốc sẽ phải đối mặt với chỉ trích nặng nề từ thế giới nếu không tuân thủ phán quyết.

Các nước G7 khác bao gồm Nhật, Canada, Pháp, Đức, Ý, Anh đã thể hiện sự ủng hộ đối với vụ kiện và phán quyết của Toà trọng tài thông qua nhiều tuyên bố chung, bao gồm Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao G7 về An ninh biển ngày 11/4 tại Hiroshima và Tuyên bố của Lãnh đạo các nước G7 sau Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Ise-Shima ngày 26-27/5. Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao G7 về An ninh biển ngày 11/4 tại Hiroshima “kêu gọi tất cả các quốc gia tiến hành quản lý và giải quyết hòa bình các tranh chấp biển trên tinh thần thiện chí và phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm thông qua các cơ chế giải quyết tranh chấp pháp lý được quốc tế thừa nhận, bao gồm tòa trọng tài... và thực thi đầy đủ bất kỳ phán quyết nào của tòa – phán quyết ràng buộc pháp lý đối với các quốc gia liên quan theo UNCLOS.”

Nhật không chỉ công khai ủng hộ phán quyết của Toà trọng tài mà còn tích cực vận động một số nước nhỏ ra tuyên bố ủng hộ vụ kiện và quyết định cuối cùng của Toà. Tuyên bố chung giữa Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa trong chuyến thăm của Rajapaksa đến Nhật 7-8/9/2014 khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không và việc “giải quyết hoà bình các tranh chấp theo nguyên tắc luật quốc tế”. Thông cáo báo chí chung của Nhật và Đông Timor (ngày 15/3) trong chuyến thăm của Tổng thống Đông Timor Taur Matan Ruak đến Nhật ngày 13-16/3/2016 cũng nêu Tổng thống Taur Matan Ruak và Thủ tướng Shinzo Abe đã đề cập vụ kiện đang diễn ra của Philippines trong cuộc họp chung và cho rằng “phán quyết của Toà là có tính ràng buộc về pháp lý đối với các bên liên quan”.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian phát biểu tại Hội nghị Shangri-La khẳng định “nếu luật pháp không được tôn trọng ở Biển Đông thì sớm muộn nó cũng bị đe doạ ở Bắc Băng Dương, Địa Trung Hải và các khu vực khác”. Trong bài phát biểu tại Học viện Quốc phòng Việt Nam trong chuyến thăm Việt Nam (6/6), Bộ trưởng Le Drian cũng nêu rõ: UNCLOS là câu chuyện cốt lõi trong vụ kiện ra Toà trọng tài liên quan đến Trung Quốc và Philippines.  Ngoài ra, sau Hội nghị G7 tại Nhật Bản ngày 26/5, báo die Welt của Đức dẫn lời Thủ tướng Angela Merkel nêu rõ: G7 nhất trí coi các thể chế quốc tế như Toà trọng tài ở La Hay là nơi hợp pháp để giải quyết các tranh chấp như ở Biển Đông. Trước đó, trang web của chính phủ Philippines cũng đưa tin trong cuộc hội đàm ngày 3/12/2015 với Tổng thống Aquino III, Tổng thống Ý Sergio Mattarella bày tỏ sự ủng hộ đối với tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông và khẳng định vụ kiện của Philippines là một biện pháp hoà bình để giải quyết tranh chấp. Riêng Anh, Thủ tướng David Cameroon khi đến dự Hội nghị G7 tại Ise-Shima cũng đã đưa ra thông điệp cứng rắn nhất từ trước tới nay, nhấn mạnh Trung Quốc phải tôn trọng phán quyết của Toà và khẳng định Anh rất quan tâm đến việc các nước tôn trọng luật pháp quốc tế.

ÚcNew Zealand cũng đã công khai bày tỏ ủng hộ đối với vụ kiện và tính pháp lý của phán quyết của Toà trọng tài. Bộ trưởng Ngoại giao Úc Julie Bishop phát biểu tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) ngày 26/1/2016 đã khẳng định phán quyết của Toà trọng tài trong vụ kiện của Philippines có ý nghĩa “hết sức quan trọng”, sẽ giúp “giải quyết một lần và mãi mãi câu hỏi liệu một đảo nhân tạo có thể tạo ra vùng đệm 12 hải lý hay không”. Ngay trước chuyến thăm Trung Quốc tháng 2/2016, Bishop cũng tuyên bố Philippines có quyền tìm cách giải quyết tranh chấp thông qua Toà trọng tài và kêu gọi tất cả các bên liên quan không sử dụng các biện pháp cưỡng ép hoặc đe doạ ở Biển Đông. Trong hai bài phát biểu tại Singapore (9/3) và Sydney (15/3) được đăng công khai trên trang web của chính phủ New Zealand, Bộ trưởng Ngoại giao Murray McCully cũng lần đầu tiên nêu quan điểm chính thức là New Zealand “mong đợi tất cả các bên tôn trọng phán quyết” của Toà trọng tài.

EU cũng đã nhiều lần bày tỏ quan điểm ủng hộ luật pháp quốc tế và phán quyết của Toà trọng tài đối với vụ kiện Philippines-Trung Quốc. Tại hội thảo “Tăng cường hợp tác Mỹ-EU ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương” do CSIS tổ chức tháng 2/2016, Tham tán chính trị của Phái đoàn EU tại Washington, DC là Klaus Botzet khẳng định EU ủng hộ nỗ lực của Mỹ đảm bảo duy trì luật pháp quốc tế ở Châu Á, kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và phán quyết của Toà trọng tài và không nên xem nhẹ dư luận thế giới. Tuyên bố của Cao uỷ Đối ngoại EU ngày 11/3/2016 trước những diễn biến gần đây ở Biển Đông nêu rõ: “EU khuyến nghị các bên yêu sách tiến hành giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, làm rõ căn cứ và theo đuổi yêu sách phù hợp với luật pháp quốc tế bao gồm UNCLOS và cơ chế Trọng tài của UNCLOS”. Đại diện EU tham gia Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước G7 tại Hiroshima cũng đã ký vào Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao G7 về An ninh hàng hải ngày 11/4, công nhận việc sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế bao gồm Toà trọng tài là phù hợp với luật pháp quốc tế và kêu gọi tất cả các bên thực thi đầy đủ các phán quyết có tính ràng buộc của Toà. Ngày 22/6, Uỷ ban Châu Âu (EC) đã ra dự thảo Định hướng khung chính sách của EU với Trung Quốc trong 5 năm tới, trong đó đề cập quan ngại của EU về tranh chấp biển, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng UNCLOS và cơ chế phân xử toà trọng tài dựa trên UNCLOS (đang chờ các nước EU thông qua trước khi trở thành tài liệu chính thức). Ngày 30/6, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Châu Âu (EU) ở Brussels, Bỉ, Cao ủy về Chính sách An ninh và Đối ngoại của EU Federica Mogherini đã công bố “Chiến lược Toàn cầu mới về Chính sách Đối ngoại và An ninh Châu Âu”. Với tiêu đề “Tầm nhìn chung, Hành động chung, vì một Châu Âu hùng mạnh”, bản chiến lược toàn cầu mới của EU có nội dung khẳng định “EU sẽ đóng góp cho an ninh biển toàn cầu dựa trên kinh nghiệm đã có tại Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải và khám phá các khả năng khác tại Vịnh Guinea, Biển Đông và Vịnh Malacca. Là một thành viên chịu trách nhiệm về an ninh thế giới, EU sẽ nỗ lực thúc đẩy hơn nữa việc phổ biến và thực thi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, bao gồm các cơ chế giải quyết tranh chấp dựa trên Công ước”.

Bên cạnh đó, tuyên bố của Cao uỷ Liên minh Châu Âu ngày 11/3/2016 cũng cho biết các ứng cử viên gia nhập EU là MontenegroAlbania, và nước có khả năng gia nhập EU là Bosnia-Herzegovina, thành viên Hiệp hội Mậu dịch tự do Châu Âu (EFTA) là Liechtenstein, và Cộng hoà Moldova đều ủng hộ tuyên bố của EU ngày 11/3. Gần đây, Tân Hoa Xã ngày 20/5 đưa tin Chủ tịch Thượng viện Bosnia-Herzegovina Ognjen Tadic trong cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Trương Đức Giang và Du Chính Thanh đã tuyên bố ủng hộ lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông, tuy nhiên trang web của Đại sứ quán Bosnia-Herzegovina tại Trung Quốc đưa tin về cuộc gặp không hề nhắc đến vấn đề này.

Ngoài ra, tướng Petr Pavel, nguyên Tổng tham mưu trưởng quân đội Cộng hoà Séc và hiện là Chủ tịch Uỷ ban Quân sự NATO, trong trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Đối thoại Shangri-La đã tuyên bố NATO ủng hộ “hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ”, cho rằng việc Trung Quốc phớt lờ phán quyết của Toà trọng tài trong vụ kiện Philippines-Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực cho hệ thống quốc tế, thậm chí dẫn tới bất ổn.

s

 

Lẽ phải có thuộc về kẻ mạnh (miệng) nhất?

Tổng kết thực tế có thể thấy hiện chỉ có chưa đến 15% số nước mà Trung Quốc tuyên bố công khai xác nhận ủng hộ đối với lập trường của Trung Quốc về vụ kiện của Philippines nói riêng và vấn đề Biển Đông nói chung. Mặc dù Trung Quốc bỏ nhiều công sức cho chiến dịch tuyên truyền, vận động nhắm đến hầu hết các khu vực từ Châu Á, Trung Đông, Châu Phi cho đến Châu Âu và Mỹ Latin, kết quả không như Bắc Kinh tuyên truyền. Xu hướng cho thấy nhiều khả năng Trung Quốc không tìm thêm được nhiều tiếng nói ủng hộ ở cấp quốc gia nên đang nhắm đến tất cả các đối tượng có thể lôi kéo, từ giới học giả (Bulgaria, Nam Phi, Argentina, Mexico) cho đến các nhóm đảng phái trong từng nước (Slovenia, Nepal, Thổ Nhĩ Kỳ). Tuy nhiên, việc giới chức và truyền thông Trung Quốc vẫn đang tìm cách thổi phồng sự thực để tạo dư luận có lợi cho Trung Quốc cho thấy Trung Quốc đang ngày càng bị áp lực lớn từ vụ kiện do Philippines khởi xướng. Như một học giả Viện Chatham House của Anh đã chỉ ra, chính sự “phẫn nộ” và mạnh miệng của Bắc Kinh về vụ kiện và vấn đề Biển Đông càng phơi bày sự thiếu tự tin về mặt pháp lý của Trung Quốc.

Lê Thuỳ Trang & Vũ Quang Tiệp

Nhóm tác giả chân thành cám ơn sự hỗ trợ của TS. Trần Trường Thuỷ, Nguyễn Tiến Thịnh, Võ Ngọc Diệp, Trần Thị Thuỳ Dương đã đóng góp thông tin, hình ảnh cho bài viết.

Bài viết thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link bài viết, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.


[1] Trao đổi riêng với tác giả