19/07/2012
Biển Hoa Đông được cho là nơi chứa tài nguyên khoáng sản khổng lồ dưới đáy biển, điều này đang tạo nên một cuộc đua tam mã giữa 3 quốc gia láng giềng khu vực Đông Bắc Á nhằm giành được quyền quyền kiểm soát và khai thác các nguồn tài nguyên này.
Ba quốc gia láng giềng đang tranh đua giành giật nguồn dự trữ khoáng sản, khí, ga khổng lồ tại biển Hoa Đông.
Hoa Đông là nơi trong nhiều thập niên qua diễn ra va chạm giữa HQ, TQ và NB bởi tất cả đều đang nỗ lực giành giật khu vực được cho là chứa dầu, khí và khoáng sản nằm sâu dưới đáy biển. Với thềm lục địa mở rộng chồng lấn tại khu vực phía đông bắc của vùng biển này, ba nước đang nhanh chóng nộp bản yêu sách chính thức lên cơ quan của LHQ phụ trách quản lý ranh giới các vùng thềm lục địa. Cuộc chạy đua ba bên vừa xuất hiện một nhân tố thúc đẩy mới. HQ và TQ đang thảo luận xây dựng báo cáo chung để chống lại nỗ lực ngày càng quyết liệt của NB đối với các vấn đề liên quan đến biển. Việc liên minh với TQ không biết có thành hiện thực hay không nhưng hành động trên đánh dấu bước chuyển quan trọng đối với HQ, vốn không quyết liệt bằng các nước láng giềng hùng mạnh.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng việc bảo vệ lợi ích hàng hải vẫn là một trở ngại lớn với HQ, không thể sánh với dữ liệu khoa học, năng lực ngoại giao hay nội luật được. Với nguồn tài nguyên trong nước ngày càng cạn kiệt, rất nhiều quốc gia đang hướng về đại dương, vốn chiếm tới 70% diện tích hành tinh.Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Samsung, hơn 1,6 triệu. tỷ thùng dầu thô, tương đương với 32,5% trữ lượng toàn cầu, được cho là đang nằm dưới đáy đại dương.
Để thỏa mãn cơn khát năng lượng đang lớn hơn bao giờ hết, ba cường quốc châu Á này đang tích cực khai thác các khoáng sản đáy biển của nước mình hoặc ở nước ngoài, tăng cường nghiên cứu công nghệ khai khoáng và chiết suất, đồng thời tập hợp các thiết bị liên quan để phục vụ cho mục đích này.
Ông Lee Dal-seok, Trưởng khoa nghiên cứu chính sách năng lượng thuộc Viện Kinh tế Năng lượng HQ, nói: “Lượng tiêu thụ các nguồn tài nguyên tăng chóng mặt ở toàn bộ khu vực Đông Bắc Á và sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường hàng hóa quốc tế đã khiến HQ, TQ và NB phải củng cố chiến lược phát triển các khu mỏ trong vùng biển của mình. Xu hướng này liên quan mật thiết tới vấn đề ranh giới thềm lục địa, một nhân tố có thể tạo ra xung đột. Bất kỳ tranh chấp nào mà HQ phải đối mặt khi tìm kiếm các giếng dầu ngoài biển đều xuất phát từ sự cạnh tranh quyết liệt trong việc tìm kiếm năng lượng ở Đông Á”.
Điểm nóng
Đông Hải trở thành một điểm nóng chủ yếu do kho tàng dự trữ dầu thô và khí tự nhiên được công bố sau cuộc điều tra của LHQ tiến hành năm 1968. Đây là một biển nửa kín bao trùm biển Tây, biển Nam và khu vực Tây TBD. Hiện mới chỉ một phần nhỏ đáy đại dương được đem ra khai thác.
Ông Chung Gaap-yong, một giáo sư luật của Trường Đại học Yongsan tại Yangan, tỉnh Gyeongsangnam, cho rằng tình hình tiếp tục căng thẳng vì các nguồn trữ lượng thăm dò đều nằm chồng lấn tại thềm lục địa giữa HQ, TQ và NB, với chiều rộng hơn 400 hải lý. Ông Chung nói "Nếu vẽ ranh giới 200 hải lý vùng ĐQKT của 3 nước, bạn sẽ thấy sự chồng lấn rõ rệt vì hầu hết các khu vực đều không vượt quá 400 hải lý chiều rộng". Ông Chung cũng là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dokdo và Lãnh hải HQ, một chỉ nhánh của Học viện Hàng hải HQ do nhà nước bảo trợ.
Trong một động thái được ví như đổ thêm dầu vào lửa, tháng 5 vừa qua Nhật Bản thông báo một cách thiếu chính xác rằng ủy ban LHQ về Ranh giới Thềm Lục địa (UNCLCS) đã công nhận khoảng 310.000km2 là thềm lục địa của nước này với việc lấy đá Okinotori làm điểm cơ sở. Yêu sách này bắt nguồn từ năm 1931, có mục đích nhằm giành quyền mở rộng khu vực EEZ và khu vực đáy biển xung quanh bãi đá cách Tokyo 1.740km về phía nam.
HQ và TQ đã bác bỏ tuyên bố trên, coi đó là một nỗ lực không có cơ sở nhằm tìm kiếm thêm lợi ích hàng hải. Một quan chức BNG HQ nói với các phóng viên sau cuộc phỏng vấn nếu Okinotori được trao quy chế đảo, thì tất cả các nước có những hòn đá nhỏ bé ngoài kia cũng có quyền đòi hỏi được kiểm soát các vùng nước lân cận. Nó sẽ tạo ra cơn khủng hoảng tâm lý vì tạo ra một tiền lệ xấu. Okinotori chỉ nổi lên khỏi mặt nước biển 70cm và không có mấy lợi ích về mặt chiến lược. Nhưng nếu nó được coi là một hòn đảo, NB có quyền giành 430.000km2 vùng nước xung quanh và một vùng đáy biển rộng lớn hơn thế. Diện tích khi đó còn lớn hơn cả diện tích nước Nhật.
Ranh giới ngoài vùng EEZ truyền thống không vượt quá 200 hải lý (370km) tính từ đường cơ sở. Nhưng theo Công ước LHQ về luật biển (UNCLOS), khoảng 160 quốc gia ven biển có quyền đòi hỏi kiểm soát vùng đáy biển vượt quá ranh giới đó bằng cách chứng minh đáy biển mở rộng một cách tự nhiên kéo dài thềm lục địa của mình.
Khi đó, CLCS sẽ xem xét các báo cáo và đưa ra khuyến nghị. Đây chính là nên tảng pháp lý cho quốc gia thực thi quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên dưới đáy biển trong ranh giới ngoài đã được xem xét đó. Nhưng nếu các quốc gia khác phản đối yêu sách đó, Ủy ban sẽ gác lại việc xem xét cho đến khi các bên liên quan giải quyết xong vấn đề.
Park Yong-ahn, một giáo sư danh dự về hải dương học tại Trường Đại học Quốc gia Seoul làm việc tại CLCS từ năm 1997, nói: "Chúng tôi không có quyền phân giải về mặt tư pháp và diễn giải các tài liệu của các quốc gia thành viên, mà chúng tôi đưa ra khuyến nghị dựa trên cơ sở khoa học vì chúng tôi là một nhóm các nhà khoa học”.
Động lực 3 bên
Năm 1970, HQ triển khai Luật Phát triển các Nguồn Tài nguyên Khoáng sản Dưới biển nhằm thúc đẩy việc phát triển đáy biển bằng cách phân định 7 khu vực khai thác khoáng sản dưới đáy biển trong vùng nước của HQ.
Sự phản kháng của Nhật đã dẫn đến thỏa thuận năm 1974 về “khu vục phát triển chung” rộng chừng 82.000km2 ở lô số 7 phía nam đảo Jeju. TQ phản đối mạnh mẽ, nêu yêu sách chủ quyền đối với khu vực này.
Từ đó đến nay, mối quan hệ đối tác không mang lại mấy hiệu quả, chủ yếu bởi sự khác biệt quá lớn về lợi ích giữa hai nước. Năm 2008, nỗ lực tiến hành khoan độc lập của Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia HQ (KNOC) bị Bộ Ngoại giao phản đối vì lo ngại làm tổn hại tới mối quan hệ với nước láng giềng hùng mạnh.
Sau đó, NB cung liên kết với TQ xây dựng một khu vực phát triển chung khác ở Đông Hải, nhưng cho đến giờ cũng chưa mang lại kết quả nào đáng kể.
Kang Hyo-baik, Phó Trưởng Khoa Sau đại học phụ trách các vấn đề luật quốc tế tại Trường Đại học Kyung Hee ở Seoul, nói: "Chúng tôi có thể làm quyết liệt hơn là làm chìm mọi chuyện đi chỉ vì mục tiêu ngăn ngừa tranh chấp. Khu vực đó tù lâu đã trở thành chủ đề chính của các cuộc xung đột quốc tế". Động lực 3 bên dường như có sự chuyển hướng khi HQ và TQ dự kiến trình một báo cáo đòi yêu sách chung lên UNCLCS nhằm chống lại sự quyết đoán ngày càng tăng của NB .
Hai nước đã tiến hành xây dựng các tài liệu chính thức chung, tiếp theo báo cáo sơ bộ riêng rẽ được hoàn tất tháng 5/2009. Cả hai nước đều lập luận rằng thềm lục địa của mình trải dài tới tận Vùng lõm Okinawa ở Đông Hải.
Một nguồn tin thân cận giấu tên thông báo với tờ Korea Herald: “Tại một cuộc họp hồi đầu năm nay, các quan chức TQ đã nói rằng họ nhất trí về nguyên tắc với đề xuất của HQ về một báo cáo chung nhằm đối phó hiệu quả hơn với NB. Nhưng họ đề xuất hai nước đệ trình báo cáo của mình tại các thời điểm khác nhau, HQ nộp trong năm nay và TQ nộp sau”.
Các nỗ lực của hai nước phản ánh một loạt các sự kiện đang diễn ra liên quan đến yêu sách đòi lãnh thổ của NB. Nước này vướng vào tranh chấp với Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku tại Đông Hải và trong nhiều thập niên qua liên tục tranh giành quyền kiểm soát đối với quần đảo phía đông của HQ Dokdo. Nhưng quan hệ liên kết này cũng mong manh.bởi bên cạnh đó, TQ còn nêu yêu sách đòi hòn đảo Ieodo ở cực nam của HQ, nằm trong vùng chồng lấn giữa khu vực EEZ của hai nước. Bản thân HQ và TQ đã tranh cãi với nhau về việc này sau khi nộp báo cáo sơ bộ năm 2009.
NB cũng nêu yêu sách đối với vùng trũng đó, được cho là có trữ lượng lớn dầu mỏ và khí thiên nhiên. Tuần trước, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura lên tiếng chỉ trích sau khi HQ thông báo kế hoạch nộp báo cáo này vào cuối năm 2012.
Kho báu
Giếng dầu đầu tiên của thế giới được phát hiện năm 1878 tại biển Caspi. Nhưng phải 60 năm sau, nước Mỹ mới thực sự tiến hành khai thác dầu ở trên Vịnh Mexico.
Cuộc khủng hoảng dầu mỏ trong thập niên 1970 đã thúc đẩy ngành công nghiệp này phát triển lên mức cao hơn. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp tại các thị trường mới nổi trong những năm gần đây đã tạo ra sự mất cân bằng giữa nguồn cung và cầu của loại hàng hóa này, tạo nên sự bấp bênh về giá cả và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Khoáng sản quan trọng mang ý nghĩa chiến lược như đất hiếm cũng trở thành nguồn gốc của tranh cãi ngoại giao.
Bae Young-il, một nghiên cứu viên cao cấp của SERI có trụ sở tại Seoul, cho biết với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thăm dò và khoan, nhiều nước và tập đoàn đã có thể khoan sâu 3km dưới mực nước biển. Trong một báo cáo gần đây, ông nói: “Cuộc đua toàn cầu đang bước vào giai đoạn quyết liệt với việc gần đây Mỹ và NB bắt đầu khám phá các nguồn tài nguyên biển một cách nghiêm túc và các quốc gia thiếu năng lượng trầm trọng như HQ đang đẩy mạnh thăm dò đáy biển". Ông cho biết thêm phạm vi các nguồn tài nguyên khoáng sản dưới đáy biển có tiềm năng thương mại được mở rộng từ các loại nhiên liệu hóa thạch thông thường như dầu và khí thì còn có các loại khác như đồng, măng-gan, nicken, coban và vàng.
Đặc biệt, lượng khí gas kết tinh (băng cháy) với thành phần chủ yếu gồm khí metan dự kiến đủ cung cấp cho toàn bộ dân số thế giới trong 5.000 năm nữa. Loại nhiên liệu rắn trông giống như nước đá này được tìm thấy trong môi trường áp suất cao và nhiệt độ thấp như là tại những đường đứt gãy của lục địa, nơi mà khí kết tinh khi tiếp xúc với nước biển lạnh.
Tụt hậu
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng HQ đang tụt hậu xa so với TQ và NB về kỹ thuật chuyên môn, kinh nghiệm và quy mô đầu tư vào khu vực thềm lục địa. Thiếu chiến lược dài hạn, khuôn khổ pháp lý, các nguồn lực và lao động đã qua đào tạo là những trở ngại khác của HQ.
Ông Bae nói: “HQ đang rất cần triển khai các chương trình về biển dựa trên các lộ trình trung và dài hạn. Điều đặc biệt quan trọng là phải có được các công nghệ nền tảng phục vụ cho lĩnh vực thăm dò đáy biển đầy triển vọng này và gây dựng nguồn nhân lực có trình độ cao và chuyên môn sâu trong các lĩnh vực khác nhau”.
Ngoài ra, ông Park Hwan-il, một nhà nghiên cứu khác tại SERI, cho rằng việc thiểu một tập đoàn năng lượng khổng lồ quy mô toàn cầu làm cho nước này dễ bị tổn thương bởi giá cả bấp bênh. Trong một báo cáo gần đây, ông Park nói “Việc gây dựng các tập đoàn khoáng sản là rất tốn kém, nhưng về lâu dài, nó sẽ bù đắp các chi phí bằng cách giúp cắt giảm ngân sách dành cho nguyên liệu thô và xử lý giá cả biến động tốt hơn”.
Với tiềm năng tài chính ngày càng lớn mạnh, TQ cũng đang hối hả tiếp cận các nguồn tài nguyên chưa được khám phá trên khắp thế giới. Các tập đoàn nhà nước như Sinopec, CNOOC và Petrochina đang nhanh chóng xâm nhập vào một thị trường mà các gã khổng lồ toàn cầu thống trị từ lâu như Exxon Mobil, BHP Billiton, Chevron và Petrobras. Gần đây TQ đã phát triển được khả năng lặn sâu có người lái xuống độ sâu 6km dưới mực nước biển. Nước này có mục tiêu sở hữu 15 phương tiện lặn sâu siêu hiện đại trước năm 2020 và huy động ít nhất 3 tàu trọng tải 4.000 tấn hoặc lớn hơn phục vụ công việc này.
NB cũng từ lâu phát triển các công nghệ liên quan đến thăm dò dầu khí kể từ khi khai trương Tập đoàn Năng lượng, Khoáng sản, Gas và Dầu mỏ Nhật Bản (JOGMEG) năm 2004. Với thiết bị và công nghệ siêu hiện đại, tập đoàn nhà nước này có kế hoạch khai thác các mỏ khí thủy nhiệt, các lớp vỏ trái đất giàu coban và các vệt mangan trong các vùng nước xung quanh NB.
Tháng 2/2012, tập đoàn này công bố kế hoạch đầy tham vọng khai thác khí gạs tự nhiên từ các mỏ trầm tích dưới đáy biển chứa meetan kết tinh nằm ở khu vực phía tây nam Tokyo. Năm 2011, chính phủ NB cho biết dự án đầu tiên trên thế giới trị giá 10 tỷ yên (126 triệu USD) này sẽ sử dụng công nghệ chiết suất khí metan từ các vùng đất tại Canada năm 2008.
Mặc dù khởi động chậm và triển khai với quy mô nhỏ, HQ đang thúc đẩy khai thác tài nguyên ở trong và ngoài nước nhằm ôn định nguồn cung năng lượng và phòng ngừa biến động giá.
HQ là nước nhập khẩu dầu thô lớn thứ 5 và khí gas hóa lỏng lớn thứ 2 trên thế giới và hầu hết năng lượng sử dụng trong nước đều phải nhập khẩu.
KNOC, tập đoàn khai thác dầu khí của nhà nước, hiện đang hợp tác với Tập đoàn Quốc tế Daewoo và Tập đoàn năng lượng STX để khai thác khí tự nhiên từ đáy biển Hoa Đông.
Năm 2011, Daewoo, một công ty con chuyên doanh của POSCO, đã công bố phát hiện 3 bể khí gas tại Myanmar sau gần một thập niên triển khai dự án trị giá 4,7 tỷ USD có triển vọng ảm đạm. Những bể khí này dự tính có khoảng 4,5 nghìn tỷ mét khối khí tự nhiên, tương đương với nhu cầu của HQ trong 5 năm.
Tập đoàn quốc doanh KOGAS cũng đang liên kết trong chương trình khoan khí ngoài khơi Mozambique cùng với Eni S.p.A của Italia, Galp Energia của Bồ Đào Nha và ENH của Mozambique.
Tháng 11/2011, HQ giành được giấy phép độc quyền thăm dò 3.000km2 mỏ khí thủy nhiệt ở thềm lục địa Fiji cho tới năm 2017. Năm 2008 , HQ cũng giành được giấy phép tương tự để thăm đò vùng EEZ của Tonga ở phía Tây Nam Thái Bình Dương.
Khuôn khổ pháp lý
Về mặt thể chế, từ lâu các chuyên gia đã cho rằng việc HQ thiếu cơ chế pháp lý trong nước đối với thềm lục địa của nước này là một lỗ hổng lớn đối với tham vọng vươn ra đại dương của nước này. Chính phủ đã ban hành Luật Vùng Đặc Quyền Kinh Tế năm 1996 sau khi ký UNCLOS. Luật này quy định khu vực 200 hải lý nằm trong quyền tài phán của nước này nhưng không có quy định nào về thềm lục địa.
Ngược lại, NB đã công bố luật về EEZ và thềm lục địa năm 1996, theo đó luật xác định rõ quyền quản lý của nước này đối với EEZ và vùng đáy biển. Trung Quốc cũng làm tương tự năm l998.
Giáo sư Chung của Trường Đại học Youngsan viết trong bài phân tích công bố năm 2004: “HQ rõ ràng không đưa một điều khoản riêng rẽ trong luật EEZ về việc phân định 7 khu vực khai thác khoáng sản và các hiệp định liên quan với NB".
Giáo sư Kang của trường Kyung Hee bổ sung với việc không có luật quy định liên quan đến đáy biển, rõ ràng HQ thiếu nền tảng pháp lý đối với yêu sách của mình. Phát biểu với tờ Korea Herald, ông nói: “Việc thiêu nội luật có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến vị thế của quốc gia trên bàn đàm phán. Khi các nước có liên quan khác đề cập tới nội luật và luật quốc tế, HQ chẳng có tí gì trên tay để chú thích về quyền của mình. HQ thiếu hiểu biết một cách nghiêm trọng về tầm quan trọng cửa thềm lục địa, cho dù nước này có diện tích lãnh thổ trên biển rộng hơn khoảng 4,5 lần diện tích đất liền. Thế mà họ không có đủ cơ sở giáo dục, thể chế và pháp chế cần thiết.
Theo The Korea Herald
Trần Quang (gt)
Nghiên cứu Biển Đông xin giới thiệu Báo cáo “Tăng cường kết nối giữa Hàn Quốc và các nước thành viên Quad tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”của Kristi Govella, Garima Mohan và Bonnie Glaser, chuyên gia Viện Quỹ German Marshall (GMF) . Theo nhóm tác giả, Hàn Quốc hiện có nhiều điều kiện để tăng hợp tác...
Ngày 28/8, tranh chấp Nhật-Hàn lại tiếp tục rơi vào bế tắc khi Nhật Bản chính thức loại Hàn Quốc ra khỏi “Danh sách trắng” về thương mại. Kể từ đầu tháng 7 đến nay, sau những đòn tấn công “ăn miếng trả miếng” quyết liệt, mâu thuẫn Nhật-Hàn đã leo thang, căng thẳng và phức tạp hơn. Cuộc khủng hoảng này...
Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia chủ chốt ở châu Á – Thái Bình Dương đồng thời cũng là là quốc gia đồng minh chính trong chiến lược của Mỹ ở khu vực. Nhưng thù hằn quá khứ dai dẳng của Hàn Quốc với Nhật Bản vẫn luôn sôi sục từ lâu. Giờ đây, động thái áp đặt hạn chế thương mại của Nhật Bản đối với...
Từ các tuyên bố và thể hiện chính sách thời gian qua của Tổng thống Moon có thể dự báo là trong thời gian tới, Hàn Quốc sẽ thực thi chính sách đối ngoại khác biệt so với thời kỳ Tổng thống Pak Geun-hye; đặc trưng bởi quyết tâm theo đuổi quan hệ độc lập hơn so với Mỹ, củng cố quan hệ với Nhật, duy trì...
Tốc độ tiến triển nhanh chóng của ngoại giao Triều Tiên khiến cho việc Nhật Bản và Hàn Quốc phối hợp chặt chẽ hơn về những thay đổi tiềm tàng đối với an ninh Đông Bắc Á trở nên quan trọng. Nhưng trước tiên họ phải vượt qua một số nỗi oán giận thâm căn cố đế.
Thích ứng và lên kế hoạch cho các tình huống bất ngờ từ Trung Quốc và Triều Tiên sẽ chiếm phần lớn trong chính sách quốc phòng và những vấn đề về việc mua sắm của Nhật Bản.