Hợp tác an ninh biển Nhật Bản - Đông Nam Á tiệm tiến


TS
. Phạm Duy Thực* và Phạm Thuỳ Dương**
Lợi ích của Nhật Bản trong hợp tác an ninh biển với Đông Nam Á

Nhật Bản có lợi ích quan trọng trong hợp tác an ninh biển với các nước Đông Nam Á.

Hợp tác an ninh biển với các nước Đông Nam Á nhằm bảo đảm an ninh, an toàn, tự do đường vận tải biển huyết mạch đối với sự phát triển của Nhật Bản. Bất cứ sự gián đoạn nào của đường vận tải biển qua Biển Đông và Hoa Đông, do tranh chấp chủ quyền lãnh thổ hoặc do cướp biển, đều ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của Nhật Bản vì hơn 42% thương mại đường biển và 80% dầu nhập khẩu của Nhật Bản được vận chuyển qua hai vùng biển này.[1]

Hợp tác an ninh biển với các nước Đông Nam Á còn nhằm tập hợp lực lượng để đối phó với chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc trên Biển Đông và Hoa Đông và củng cố trật tự trên các vùng biển ở khu vực dựa trên luật lệ.[2] Nhật Bản nhận thức mối đe doạ của Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông và Hoa Đông có sự liên thông, đặc biệt là khi Trung Quốc thông qua Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp vào năm 1992, gồm khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền trên Biển Đông và Hoa Đông. Từ năm 2012 Trung Quốc đẩy mạnh điều động tàu thực thi pháp luật trên biển tiến hành các hoạt động cưỡng ép đối với Nhật Bản ở Hoa Đông và các nước Đông Nam Á ven Biển Đông.[3] Cho nên, Nhật Bản tích cực hợp tác an ninh biển với các nước Đông Nam Á để cùng nhau kháng cự các hành động quyết đoán của Trung Quốc, duy trì nguyên trạng trên Biển Đông và Hoa Đông, thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình theo quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.

Bên cạnh đó, hợp tác an ninh biển với các nước Đông Nam Á còn nhằm khôi phục ảnh hưởng của Nhật Bản ở khu vực và góp phần đưa Nhật Bản trở lại vị thế của một “quốc gia bình thường”. Do bị hạn chế bởi Hiến pháp năm 1947[4] và Lệnh cấm xuất khẩu vũ khí năm 1967,[5] Nhật Bản tuy là cường quốc thế giới về kinh tế nhưng không được duy trì sức mạnh quân sự tương ứng. Nhật Bản không được duy trì các lực lượng quân đội và không được xuất khẩu vũ khí, công nghệ quân sự và không được tự do đưa quân đội ra nước ngoài tham gia các hoạt động hợp tác quân sự. Để sửa đổi điều này, Chiến lược An ninh quốc gia lần đầu tiên của Nhật Bản vào năm 2013 đề ra chính sách “tích cực đóng góp cho hoà bình”, trong đó Nhật Bản hợp tác với các nước khác để duy trì các vùng biển mở và ổn định, tăng tần suất và chất lượng hợp tác an ninh biển song phương và đa phương như tập trận, cung cấp viện trợ cho các nước ven biển dọc các tuyến đường vận tải biển để nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển của các nước.[6] Nói cách khác, để trở lại vị thế của một “quốc gia bình thường”, Nhật Bản cần sự hợp tác và trợ giúp từ các nước bên ngoài, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á.[7] Các nước Đông Nam Á ven Biển Đông là nạn nhân của sự cưỡng ép của Trung Quốc cho nên việc Nhật Bản hỗ trợ nâng cao năng lực an ninh, xuất khẩu vũ khí và hợp tác quân sự với các nước Đông Nam Á còn nhằm chứng tỏ nỗ lực của Nhật Bản đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực.[8]  

Phát triển tiệm tiến

Trên cơ sở đó, Nhật Bản tích cực thúc đẩy hợp tác an ninh biển với các nước Đông Nam Á. Hợp tác an ninh biển của Nhật Bản với các nước Đông Nam Á không ngừng được mở rộng, từ hợp tác dân sự, đến an ninh phi truyền thống và quân sự, đặc biệt là chuyển giao thiết bị và công nghệ quân sự, tàu chiến thăm cảng và tập trận hải quân với các nước.

Do hạn chế bởi Hiến pháp năm 1947 và Lệnh cấm xuất khẩu vũ khí năm 1967, từ thời Chiến tranh Lạnh, Nhật Bản hợp tác an ninh biển với Đông Nam Á dưới hình thức dân sự, trao đổi quốc phòng, đối thoại an ninh đa phương hướng tới xây dựng lòng tin và nâng cao tính minh bạch. Nhật Bản kiểm soát rất chặt nguồn viện trợ chính thức (ODA), chỉ dành cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội, không viện trợ cho mục đích quân sự. Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản chỉ tham gia vào các hoạt động cứu trợ thiên tai ở khu vực.  

Sau vụ tàu Alondra Rainbow của chủ tàu Nhật Bản bị cướp biển tấn công vào năm 1999, hợp tác an ninh biển của Nhật Bản với Đông Nam Á tập trung vào các hoạt động chống cướp biển ở khu vực. Nhật Bản thúc đẩy ký kết Hiệp định hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang tàu thuyền ở châu Á (ReCAAP) vào năm 2004. Các quốc gia thành viên ReCAAP tiến hành hợp tác trên 3 lĩnh vực: 1) Phối hợp qua Trung tâm chia sẻ thông tin (ISC); 2) sử dụng các biện pháp pháp lý và tư pháp, bao gồm việc dẫn độ và hỗ trợ pháp lý lẫn nhau; và 3) xây dựng năng lực, gồm hỗ trợ kỹ thuật cũng như các chương trình đào tạo và giáo dục để nâng cao trình độ kỹ thuật, khả năng phối hợp chống cướp biển.[9]

Nhật Bản đồng thời lựa cách để hỗ trợ thiết bị quân sự cho các nước Đông Nam Á. Đáp ứng lời đề nghị của Indonesia năm 2003 và 2004 viện trợ tàu tuần tra để chống cướp biển,[10] Nhật Bản phải giải thích việc này như một ngoại lệ đối với Lệnh cấm xuất khẩu vũ khí. Nhật Bản thống nhất với Indonesia rằng việc cung cấp tàu tuần tra là một phần của ODA và chỉ được sử dụng để ngăn chặn khủng bố và cướp biển, không vì bất kỳ mục tiêu nào khác và các tàu tuần tra sẽ không được chuyển giao cho bất kỳ bên thứ ba nào mà không có sự chấp thuận trước của Nhật Bản. Trên cơ sở đó, năm 2006 Nhật Bản đã cung cấp cho Indonesia 1,92 tỷ Yên để đóng ba tàu tuần tra.[11]

Hợp tác an ninh biển của Nhật Bản với Đông Nam Á được mở rộng rõ ràng về quân sự khi Nhật Bản từng bước nới lỏng Lệnh cấm xuất khẩu vũ khí. Tháng 12/2011, Hội đồng an ninh quốc gia Nhật Bản đã nhất trí nới lỏng lệnh cấm này, cho phép Nhật Bản tham gia các dự án sản xuất và phát triển vũ khí với các nước khác và cung cấp quân trang quân dụng cho các nhiệm vụ nhân đạo.[12] Cùng với chính sách “Tích cực đóng góp cho hoà bình” trong Chiến lược An ninh quốc gia năm 2013, năm 2014 Hội đồng an ninh quốc gia Nhật Bản thông qua “Ba nguyên tắc” nới lỏng việc xuất khẩu vũ khí ra nước ngoài, cho phép Nhật Bản có thể chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng khi việc chuyển giao đóng góp tích cực cho hoà bình và hợp tác quốc tế hoặc cho an ninh của Nhật Bản.[13] Việc nới lỏng này mở đường cho Nhật Bản chuyển giao thiết bị và công nghệ cho nước ngoài, gồm các nước Đông Nam Á như cung cấp tàu tuần tra và đào tạo kỹ thuật, cử lực lượng tổ chức các khóa huấn luyện, hợp tác chuyển giao trang thiết bị và công nghệ với các nước thông qua kênh ODA. Theo đó, Nhật Bản đã cung cấp cho Malaysia 02 tàu tuần tra; cho Philippines 12 tàu tuần tra, 13 tàu cao tốc nhỏ, ra-đa giám sát bờ biển và máy bay TC90; cho Việt Nam 6 tàu tuần tra và 7 tàu đã qua sử dụng;[14] và ký Thoả thuận chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng với Indonesia vào tháng 3/2021.[15] Trong cuộc gặp với Thủ tướng Singapore vào tháng 6/2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida bày tỏ ý định đàm phán thỏa thuận chuyển giao trang thiết bị quốc phòng với Singapore.[16]

Nhật Bản đồng thời điều động tàu chiến thăm viếng và tập trận với các nước Đông Nam Á. Năm 2018, Nhật Bản đề ra chương trình Điều động lực lượng phòng vệ biển (JMSDF) thường niên ở Ấn Độ Dương và Đông Nam Á: cử nhóm tàu sân bay trực thăng cùng tàu khu trục và tàu ngầm tiến hành các hoạt động chung với hải quân đối tác ở khu vực. Nhật Bản đã cử khinh hạm Kaga, Inazuma và Suzutsuki thăm Indonesia, Philippines và Singapore (2018);[17] cử tàu sân bay Izumo và kinh hạm Murasame thăm Brunei, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam (2019); cử khinh hạm Kaga và Shiranui thăm Indonesia, Philippines, Singapore và Việt Nam (2021);[18] cử tàu sân bay trực thăng Izumo và khinh hạm Takanami thăm Philippines và Việt Nam (2022); biên đội tàu huấn luyện Hatakaze và tàu hộ vệ Inazuma thăm Việt Nam (02/2023)...[19]

Nhật Bản tích cực tham gia và tổ chức tập trận với các nước ở khu vực. Nhật Bản vừa tham gia vào các cuộc tập trận song phương của Mỹ với một số nước Đông Nam Á vừa tổ chức tập trận song phương với các nước Đông Nam Á. Năm 2012, Nhật Bản lần đầu tiên tham gia tập trận “Vai kề vai” (Balikatan) giữa Mỹ và Philippines.[20] Từ năm 2018, Nhật Bản thường xuyên tham gia vào tập trận Kamandag giữa Philippines và Mỹ.[21] Năm 2022, lần đầu tiên Nhật Bản tham gia tập trận Lá chắn Garuda giữa Mỹ và Indonesia. Về song phương, Nhật Bản trong những năm gần đây tổ chức hàng loạt các cuộc tập trận với Indonesia (10/2020), Philippines (7/2020, 4/2022), Singapore (6/2020, 8/2022), Thái Lan (3/2022) và Việt Nam (10/2021, 11/2021, 02/2022, 02/2023)...[22]

Bên cạnh đó, Nhật Bản còn hỗ trợ cảnh sát biển Đông Nam Á tăng cường khả năng nhận thức về biển và thực thi pháp luật trong EEZ của mình theo luật pháp quốc tế. Ví dụ, Cảnh sát biển Nhật Bản ký thoả thuận hợp tác với Cảnh sát biển Indonesia vào năm 2019; thường xuyên tổ chức tập trận MARLEN với Cảnh sát biển Philippines; tàu tuần tra Settsu luyện tập chung tìm kiếm cứu nạn và phòng chống cháy với Cảnh sát biển Việt Nam (02/2023), v.v...[23]

Triển vọng  

Mặc dù hợp tác an ninh biển Nhật Bản - Đông Nam Á được mở rộng, song vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển hơn nữa.

Nhật Bản vẫn cần hợp tác an ninh biển với các nước Đông Nam Á để tập hợp lực lượng chống cự lại các hành động chèn ép và đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông và Hoa Đông. Chiến lược An ninh quốc gia của Nhật Bản năm 2022 cho rằng, quan điểm và các hành động, đặc biệt là quân sự của Trung Quốc là mối “quan ngại nghiêm trọng”, là “thách thức chiến lược lớn nhất” đối với hoà bình và an ninh của Nhật Bản cũng như trật tự dựa trên luật lệ. Cho nên, Nhật Bản phải đáp trả lại bằng sức mạnh quốc gia tổng hợp và hợp tác với đồng minh và các nước cùng quan điểm.[24]

Hợp tác an ninh biển với Đông Nam Á nằm trong tổng thể Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIPS) của Nhật Bản. FOIPS bao phủ cả đất liền và biển từ Thái Bình Dương, qua Đông Nam Á đến Ấn Độ Dương và châu Phi. Trong đó trụ cột “hoà bình ổn định”[25] liên quan đến an ninh biển, tập trung vào: 1) hỗ trợ xây dựng năng lực cho các nước ven biển ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, như tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển và nhận thức biển (MDA); 2) hỗ trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai; 3) hợp tác chống cướp biển, chống khủng bố, chống phổ biến…[26]

Ở trong nước, Nhật Bản gia tăng ngân sách quốc phòng, gồm hạng mục chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng cho các nước. Nhật Bản nâng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP trong giai đoạn 2023 - 2027, đạt 43.000 tỉ Yên (khoảng 315 tỉ USD), tăng 15.500 tỉ Yên so với giai đoạn 2019 - 2023 (đây là kế hoạch quốc phòng lớn nhất của Nhật Bản kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai).[27] Với ngân sách quốc phòng ngày càng tăng, Nhật Bản có thể đầu tư nhiều hơn cho các hoạt động hợp tác an ninh biển với các nước, gồm các nước Đông Nam Á trong các lĩnh vực như trao đổi song phương và đa phương, tập trận, thăm cảng hữu nghị, hợp tác về thực thi pháp luật trên biển. Nhật Bản đồng thời có thể chuyển giao nhiều công nghệ và thiết bị quốc phòng hơn vì Nhật Bản coi đây là “công cụ chính sách chính” để bảo đảm hoà bình, ổn định và ngăn chặn các hành động đơn phương (của Trung Quốc) thay đổi nguyên trạng ở khu vực.[28]

Trong khuôn khổ Bộ Tứ (QUAD), Nhật Bản cùng các nước thành viên QUAD khác phối hợp cung cấp hàng hoá công hỗ trợ phát triển cho các nước Đông Nam Á, đặc biệt là phát triển năng lực nhận thức biển (MDA). QUAD đề ra sáng kiến Đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương về nhận thức biển (IPMDA), hỗ trợ và cộng tác với các nước và các Trung tâm hợp nhất thống tin (IFC) ở khu vực Đông Nam Á, Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương thông qua cung cấp công nghệ, đào tạo để xây dựng bức tranh nhận thức biển chung ở khu vực và bảo đảm sự ổn định, thịnh vượng của các vùng biển ở khu vực.[29] Trong bức tranh nhận thức biển chung này, IPMDA giúp theo dõi các “tàu đen” - nghĩa là theo dõi các tàu thuyền tắt thiết bị nhận dạng tự động và ẩn định vị trong lúc hoạt động trên biển, đặc biệt là các tàu IUU. IPMDA đồng thời chia sẻ dữ liệu thời gian thực từ vệ tinh thương mại sẵn có để cảnh báo các nước Đông Nam Á về sự xâm nhập hoặc các hoạt động trái phép của tàu thuyền nước ngoài trong vùng biển của họ.[30]

Theo Zack Cooper và Gregory Poling, các thành viên QUAD có kế hoạch mua dữ liệu vệ tinh của công ty HawkEye360 để chia sẻ cho các đối tác ở khu vực. Hải quân Mỹ chia sẻ nền tảng theo dõi tàu thuyền SeaVision cho các nước và các IFC ở Singapore, Ấn Độ, Vanuatu và Solomon.[31] Bên cạnh đó, QUAD có thể điều động đội lực lượng thực thi pháp luật chung để đào tạo lực lượng thực thi pháp luật của các nước và hỗ trợ họ điều tra, thu thập chứng cứ các vụ án hình sự và dân sự trên biển, tìm ra các mạng lưới tội phạm trên biển, trước hết là IUU.[32] Nhìn rộng hơn, Pavan Choudary cho rằng, IPMDA tuy nhắm vào kiểm soát IUU, song ẩn giấu bên trong là các sáng kiến “an ninh”. IPMDA chia sẻ thông tin tình báo cho các nước đối tác ở khu vực nhằm chống lại chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc – công khai sự hiện diện và hoạt động của các tàu thuyền của Trung Quốc, đặc biệt là các tàu thuyền có hành vi cưỡng ép, sách nhiễu và hoạt động trái phép trong vùng biển của các nước Đông Nam Á ven Biển Đông.[33] IPMDA còn nhằm kiểm soát sự bành trướng của hải quân Trung Quốc vươn qua chuỗi đảo thứ nhất, thứ hai, thứ ba và đến tận bờ biển của Mỹ cũng như ở Ấn Độ Dương.[34]

Ở chiều ngược lại, các nước Đông Nam Á có mức độ thận trọng và cởi mở khác nhau trong hợp tác an ninh với Nhật Bản, song nhìn chung là tích cực. Các nước Đông Nam Á khuyến khích Nhật Bản làm sâu sắc hợp tác an ninh biển miễn là hợp tác trên cơ sở song trùng lợi ích quốc gia, phù hợp với luật pháp quốc tế và vì hoà bình ổn định ở khu vực; cung cấp hàng hoá công và nâng cao sức mạnh biển của các nước Đông Nam Á để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước theo quy định của luật pháp quốc tế; thượng tôn luật pháp quốc tế và củng cố trật tự trên các vùng biển ở khu vực dựa trên luật lệ; thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình theo quy định của luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982./.

 

* Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao

** Sinh viên Khoa Tiếng Anh và Khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Ngoại giao, thực tập sinh tại Viện Biển Đông

[1] Hidetaka Yoshimatsu and Dennis D. Trinidad, “Realist Objectives, Liberal Means: Japan, China, and Maritime Security in Southeast Asia,” in: Steven B. Rothman, Utpal Vyas, Yoichiro Sato, Regional Institutions, Geopolitics and Economics in the Asia-Pacific: Evolving Interests and Strategies (London: Routledge, 2017): 130.

[2] Yoichiro Sato, “Japan’s Responses to Chinese Grey-Zone Tactics: Giving Southeast Asia A Leg-up,” Fulcrum, 16/01/2023: https://fulcrum.sg/japans-responses-to-chinese-grey-zone-tactics-giving-southeast-asia-a-leg-up/

[3] - Chiến lược An ninh quốc gia đầu tiên của Nhật Bản vào năm 2013 nhận định Trung Quốc đang tiến hành các hành động nhằm thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông và Hoa Đông thông qua các hành vi cưỡng ép.

- Các Sách Trắng Quốc phòng của Nhật Bản công bố từ năm 2016 đến nay luôn chỉ trích Trung Quốc có các hành động “cưỡng ép, đơn phương” nhằm thay đổi nguyên trạng, tạo ra sự đã rồi, gây ra hậu quả không lường trước và không phù hợp với trật tự quốc tế hiện hành. Xem trong: Japan Ministry of Defense, Defense White Paper 2016, p.41; Japan Ministry of Defense, Defense of Japan 2022, p.31, 33; Japan National Security Strategy 2013: https://www.cas.go.jp/jp/siryou/131217anzenhoshou/nss-e.pdf.

[4] Điều 9 của Hiến pháp 1947 của Nhật Bản quy định: 1) Nhân dân Nhật Bản thành thật mong muốn một nền hoà bình quốc tế dựa trên chính nghĩa và trật tự, cam kết vĩnh viễn không phát động chiến tranh như là một phương tiện giải quyết xung đột quốc tế bao gồm chiến tranh xâm phạm chủ quyền dân tộc và các hành vi vũ lực hoặc các hành vi đe dọa bằng vũ lực; 2) Để thực hiện các mục tiêu của Khoản trước, lục quân, hải quân và không quân cũng như các tiềm lực chiến tranh khác sẽ không bao giờ được duy trì. Quyền tham chiến của đất nước sẽ không được công nhận.

[5] Còn gọi là “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí”, gồm: 1) các nước khối cộng sản; 2) các nước bị cấm xuất khẩu vũ khí theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; 3) các nước tham gia hoặc có khả năng tham gia vào các cuộc xung đột quốc tế.

[6]Japan National Security Strategy 2013: https://www.cas.go.jp/jp/siryou/131217anzenhoshou/nss-e.pdf

[7] Đỗ Sơn Hải, “Nước Nhật sẽ trở lại “bình thường” dưới thời Shinzo Abe ?”, Nhân dân, 14/01/2013.

[8] Céline Pajon, “Japan’s “Smart” Strategic Engagement in Southeast Asia,” Asan, 06/12/2013.

[9] https://www.recaap.org

[10] Tổng thống Megawati Sukarnoputri đưa ra đề nghị năm 2003. Bộ trưởng Ngoại giao Noer Hassan Wirajuda đề nghị năm 2004.

[11] https://www.mofa.go.jp/policy/oda/white/2006/ODA2006/html/honpen/hp202040400.htm

[12] Quân đội nhân dân, “Nhật Bản nới lỏng chính sách cấm xuất khẩu vũ khí,” 27/12/2011.

[13] Ba nguyên tắc đó là: 1) Làm rõ các trường hợp cấm chuyển giao như: vi phạm nghĩa vụ của các hiệp ước và thoả thuận mà Nhật Bản đã ký kết, vi phạm nghĩa vụ trong nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thiết bị và công nghệ chuyển giao cho nước xung đột mà Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đang tiến hành biện pháp duy trì và vãn hồi hoà bình; 2) Giới hạn các trường hợp được phép chuyển giao một cách minh bạch (kiểm tra chặt chẽ và công bố thông tin) để đóng góp cho hoà bình, hợp tác quốc tế và an ninh của Nhật Bản; 3) Kiểm soát việc sử dụng ngoài mục đích và chuyển giao cho bên thứ ba. Xem trong:  Japan Ministry of Foreign Affairs, The Three Principles on Transfer of Defense Equipment and Technology, Tokyo, 01 April 2014: https://www.mofa.go.jp/files/000034953.pdf ; Japan Ministry of Foreign Affairs, Implementation Guidelines for the Three Principles on Transfer of Defense Equipment and Technology, Tokyo, 01 April 2014: https://www.mofa.go.jp/files/000034954.pdf

[14] Japan Ministry of Foreign Affairs, Free and Open Indo-Pacific: https://www.mofa.go.jp/files/000430632.pdf

[15] Janes, “Japan, Indonesia sign defence trade deal,” 31 March 2021.

[16] NHK, “Thủ tướng Kishida tham dự Hội nghị An ninh Châu Á Công bố Tầm nhìn Kishida,” [岸田首相 アジア安全保障会議出席 岸田ビジョンを発表], 11/6/2022: https://www.nhk.or.jp/politics/articles/statement/84235.html

[17] Chuyến hành trình còn thăm Ấn Độ và Sri Lanka.

[18] Chuyến hành trình còn thăm Australia, New Caledonia của Pháp, Ấn Độ và Sri Lanka.

[19] Chuyến hành trình còn thăm Australia, Fiji, New Caledonia của Pháp, Ấn Độ, Palau, Papua New Guinea, Solomon, Tonga, Mỹ và Vanuatu. Xem trong: https://www.mod.go.jp/msdf/en/exercises/IPD22.html

[20] Daniel M. Kliman and Daniel Twining, “Japan democracy diplomacy,” The German Marshall Fund of the United States, July 11, 2014.

[21] Tuyên bố chung chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Philippines Marcos Jr ngày 09/02/2023 khẳng định tăng cường các cơ chế hợp tác ba bên Nhật-Mỹ-Phi. Xem trong: Japan Ministry of Foreign Affairs, Japan–Philippines Joint Statement, 09/02/2023: https://www.mofa.go.jp/files/100457513.pdf

[22] JMSDF, Exercises: https://www.mod.go.jp/msdf/en/exercises/

[23] US Indo-Pacific Command, U.S. Japan, and the Philippines Hold Joint Maritime Law Enforcement Training,” 9 May 2022.

[24]Japan National Security Strategy 2022: https://www.cas.go.jp/jp/siryou/221216anzenhoshou/nss-e.pdf

[25] Ba trụ cột của FOIPS của Nhật Bản gồm: 1) Thúc đẩy và thiết lập luật lệ, tự do hàng hải và thương mại tự do; 2) Đạt được thịnh vượng kinh tế, 3) Cam kết vì hoà bình và ổn định.

[26] Japan Ministry of Foreign Affairs, A New Foreign Policy Strategy: “Free and Open Indo-Pacific Strategy”: https://www.asean.emb-japan.go.jp/files/000352880.pdf

[27] Japan times, “Japan to increase defense budget by ¥1 trillion in fiscal 2023,” 09/12/2022; Japan National Security Strategy 2022: https://www.cas.go.jp/jp/siryou/221216anzenhoshou/nss-e.pdf; Tuổi trẻ, “Nhật Bản tăng mạnh ngân sách quốc phòng,” 16/12/2022.

[28] Japan National Security Strategy 2022: https://www.cas.go.jp/jp/siryou/221216anzenhoshou/nss-e.pdf

[29] White House, Quad Joint Leaders’ Statement, 24/5/2022: https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2022/05/24/quad-joint-leaders-statement/

[30] White House, FACT SHEET: Quad Leaders’ Tokyo Summit 2022, 23/5/2022: https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2022/05/23/fact-sheet-quad-leaders-tokyo-summit-2022/

[31] Zack Cooper and Gregory Poling, “The QUAD goes to sea,” War on the Rock, 24/5/2022: https://warontherocks.com/2022/05/the-quad-goes-to-sea/

[32] Erin Mello, “A focused direction for the Quad,” The Interpreter, 19/12/2022: https://www.lowyinstitute.org/the-interpreter/focused-direction-quad

[33] Ridipt Singh, “Understanding Indo-Pacific Maritime Domain Awareness Initiative,” CESCUBE, 14/7/2022: https://www.cescube.com/vp-understanding-indo-pacific-maritime-domain-awareness-initiative

[34] CNBC, “The Quad’s new maritime initiative has potential to spur militarization of the Indo-Pacific,” 08/6/202: https://www.cnbc.com/2022/06/09/quads-maritime-initiative-could-spur-militarization-of-indo-pacific.html