SCSFishing.jpg

Khu vực Đông Á và thế giới đang phải đối mặt với thời kỳ bất ổn. Cán cân quyền lực trong khu vực này đang thay đổi nhanh chóng khi các nền kinh tế thị trường mới nổi như Trung Quốc đang được hưởng lợi từ toàn cầu hóa và tiếp tục phát triển mạnh. Cùng lúc đó, thái độ chống toàn cầu hóa cũng tăng lên, nhất là sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit ở Vương quốc Anh và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với chiến thắng thuộc về ông Donald Trump. Những diễn biến này tác động không nhỏ đến trật tự an ninh và kinh tế quốc tế mà Mỹ đã dẫn dắt kể từ năm 1945. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể đảm bảo được sự ổn định trong khu vực và sự thịnh vượng trong tương lai?

Số phận của khu vực Đông Á đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi các mối quan hệ giữa ba cường quốc lớn là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Mỹ đã đóng vai trò tích cực trong khu vực, đặc biệt thông qua chính sách “xoay trục sang châu Á” dưới thời Tổng thống Barack Obama.  Sự ổn định địa chính trị trong khu vực Đông Á có vẻ đầy hứa hẹn nhờ chính sách “xoay trục sang châu Á” dưới thời Obama và sự hỗ trợ tích cực từ Nhật Bản.

Tuy nhiên, việc ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm ngoái đã gây bất ngờ cho khu vực. Rất khó để biết chính xác chính quyền Mỹ mới sẽ làm những gì, nhưng rõ ràng ông Trump đang đưa cách tiếp cận “nước Mỹ trên hết” vào chính sách đối ngoại và điều này có thể có những tác động tới chính sách đối với Đông Á của Mỹ.

Mặc dù vẫn còn quá sớm để đánh giá chính sách đối với Trung Quốc của chính quyền Trump, nhưng dường như Mỹ sẽ thực hiện cách tiếp cận gia tăng đối đầu với Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế. Điều này được thể hiện qua việc ông Trump bổ nhiệm nhân vật có quan điểm cứng rắn về Trung Quốc là Peter Navarro làm Chủ tịch Hội đồng Thương mại Quốc gia và ông Robert Lighthizer làm Đại diện Thương mại Mỹ.

Hiện nay, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ chiếm khoảng 50% thâm hụt thương mại của Mỹ, nhưng nếu Mỹ áp dụng chính sách gây áp lực mạnh mẽ lên Trung Quốc như từng làm với Nhật Bản trong những năm 1980 của thế kỷ trước, thì có khả năng các biện pháp chống Trung Quốc của Mỹ sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh thương mại. Kết quả đó sẽ thực sự bất lợi cho khu vực.

Sự “mặc cả lớn” giữa Mỹ và Trung Quốc không phải là không thể xảy ra. Đối với Trung Quốc, nước này sẽ không để triển vọng tăng trưởng kinh tế cao của mình bị ảnh hưởng, và nếu có một cuộc mặc cả lớn để kiềm chế hành vi quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông, thì khu vực nên hoan nghênh điều đó.

Sau khi chính quyền Trump đã rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), 11 thành viên còn lại có thể ngồi lại với nhau để xem họ cần phải làm những gì. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực và Hiệp định thương mại tự do ba bên Trung-Nhật-Hàn có thể giúp lấp đầy khoảng trống do TPP để lại, nhưng có lẽ một khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) là quan trọng hơn cả. Tất cả các sáng kiến thương mại khác nên được sử dụng như những bàn đạp để hướng tới việc thành lập một FTAAP.

Về hợp tác tài chính và đầu tư cơ sở hạ tầng, chúng ta đã chứng kiến sự xuất hiện của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc lãnh đạo. Đây là một sự phát triển tích cực cho khu vực vì nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng là rất lớn. Điều thất vọng là việc Nhật Bản và Mỹ không tham gia AIIB. Cả hai nước này cần chủ động làm nhiều hơn để thúc đẩy cơ sở hạ tầng ở khu vực này.

Việc xây dựng lòng tin lớn hơn giữa 5 cường quốc bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc là vô cùng cần thiết để giảm bớt căng thẳng, xoa dịu chủ nghĩa dân tộc và xây dựng các quan hệ hợp tác cùng thắng. Việc xây dựng lòng tin ban đầu nên tập trung vào các vấn đề an ninh phi truyền thống. Điều này bao gồm việc thành lập cơ chế chung, cụ thể để thông báo cho nhau, ngăn ngừa và ứng phó thảm họa thiên tai, những tai nạn công nghiệp nghiêm trọng, các hoạt động khủng bố, tấn công mạng...

Việc giải quyết các vấn đề môi trường và năng lượng cũng là một nhu cầu cấp thiết. Trong những thập kỷ tới, nhu cầu năng lượng sẽ tiếp tục phát triển theo cấp số nhân, đặc biệt là ở những nền kinh tế mới nổi của châu Á có tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, chẳng hạn như Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia ASEAN. Hợp tác khu vực, bao gồm các nỗ lực chung trong các lĩnh vực như thăm dò năng lượng, phát triển các công nghệ khai thác mới và tăng cường các biện pháp an toàn hạt nhân, là cần thiết để đảm bảo rằng nhu cầu năng lượng của tất cả các quốc gia đều được đáp ứng. Tăng cường hợp tác giữa các quốc gia trong phát triển các công nghệ năng lượng xanh là vô cùng cần thiết.

Chính quyền Trump coi các thỏa thuận về biến đổi khí hậu là một “trò lừa bịp”, vì vậy các đồng minh của Mỹ sẽ cần phải nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác bảo vệ môi trường trong các cuộc tiếp xúc với chính quyền Trump.

Quản lý bất ổn địa chính trị trong khu vực Đông Á sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Các nước trong khu vực có thể sẽ ngày càng lo ngại về sự bất ổn mà chính quyền Trump có thể tạo ra. Bạn bè và đồng minh của Mỹ nên cùng nhau cố gắng thúc đẩy nhận thức về tầm quan trọng của hợp tác khu vực. Thông qua hợp tác đa tầng lớp, chúng ta có thể quản lý bất ổn địa chính trị ở Đông Á, đồng thời bảo vệ hòa bình và thúc đẩy sự thịnh vượng của khu vực này trong tương lai.

Tác giả là ông Hitoshi Tanaka, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, hiện là thành viên cao cấp tại Trung tâm trao đổi quốc tế Nhật Bản (JCIE) và Chủ tịch Viện chiến lược quốc tế thuộc Viện nghiên cứu Nhật Bản. Bài viết đăng trên “Diễn đàn Đông Á”.

Anh Thư (gt)