Từ hệ thống vành nan hoa trên mặt trận truyền thông…

Ngoài các cơ quan phát ngôn chính thức như Tân Hoa xã (Xinhua News), Nhân dân Nhật báo (People’s Daily) hay bộ máy truyền thông quốc tế (CCTV), hiện nay Trung Quốc đã thiết kế thêm một hệ thống truyền thông theo kết cấu trục “vành nan hoa”. Mục tiêu nhằm tăng nhanh tốc độ tuyên truyền các luận điểm của họ vượt ra đường biên giới. Hệ thống này được điều phối bởi các đại sứ quán của Trung Quốc ở khắp các châu lục. Đại sứ quán Trung Quốc ở từng nước sử dụng chính các bộ máy truyền thông ở mỗi quốc gia làm công cụ tuyên truyền cho chính phủ.

Hệ thống “vành nan hoa” trên mặt trận truyền thông đặt trọng tâm tại các quốc gia có ảnh hưởng quan trọng trong mỗi khu vực. Trong đó, trọng tâm đầu tiên được ghi nhận xuất hiện các ấn phẩm của Trung Quốc chính là châu Âu. Liên tiếp vào các ngày 4/59/5, đại sứ quán Trung Quốc tại Anh đã đăng các bài viết trên thời báo The Times và Financial Times (bản điện tử). Đến ngày 21/5, nhật báo Frankfurter Allgemeine Zeitung cho đăng bài viết của đại sứ Trung Quốc tại Đức dưới dạng bản in (bằng tiếng Đức). Cùng ngày 21/5, tại Macedonia – quốc gia nằm ở đông nam châu Âu – nhật báo Dnevnik đã đăng bài viết của đại sứ Trung Quốc tại Macedonia (dạng bản in) bằng tiếng địa phương.

Ngay sau đó, ngày 24/5, đại sứ Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU) đã gửi đăng bài viết trên tờ European Sting (bản điện tử). Lần lượt các đại sứ Trung Quốc tại Phần Lan, Iceland, Cyprus (Síp) và Pháp đã đăng tải các bài viết trên báo điện tử Gbtimes (25/5), Fréttablaðið (3/6) (bằng tiếng địa phương), Cyprus Mail (11/6) và tờ Les Echos (14/6). Ngày 27/5, tờ Le Figaro của Pháp cũng đăng phụ trương (bằng tiếng Pháp) về biển Đông. Phụ trương này do Nhật báo China Daily chịu trách nhiệm nội dung. Tất cả các bài viết này đều nhằm tuyên truyền quan điểm của chính phủ Trung Quốc về biển Đông và có nội dung đùn đẩy trách nhiệm gia tăng căng thẳng về phía Philippines và “một số quốc gia bên ngoài khu vực”.

Tương tự như vậy, các đại sứ quán của Trung Quốc ở châu Phi như Kenya, Sierra Leone, Ghana, Nam Phi, Lesotho, Sudan, Cameroon và Angola đã cho đăng tải các bài viết về biển Đông trên các hãng truyền thông The Standard (16/5), CapitalFM (18/5), Awoko and Concord Times (24/5), Daily Graphic (25/5), Pretoria News (3/6), Public Eye (3/6), Sudan Vision (8/6), Mutation (15/6) và tờ Jornal O PAÍS (1/7). Ở châu Mỹ, các quan chức đại sứ và lãnh sự của Trung Quốc ở Mỹ cũng cho đăng bài trên hãng thông tấn quốc tế Bloomberg (1/6) và các cơ quan truyền thông địa phương như San Francisco Chronicle (10/6). Barbados và Brazil cũng là những quốc gia xuất hiện các bài tuyên truyền về lập trường biển Đông của Trung Quốc trên tờ The Advocate (3/6) và Folha de São Paulo (26/6). Riêng ở Canada, tờ Globe and Mail ngày 23/5 đã cho đăng trang quảng cáo chỉ trích vụ kiện của Philippines. Các nguồn tin khác nhau ước lượng rằng chính phủ Trung Quốc phải bỏ ra hơn 10.000 đôla Canada (khoảng 7.700 USD) chi phí cho trang quảng cáo này.

Các bài viết tuyên truyền về lập trường của chính phủ Trung Quốc trên biển Đông cũng được xuất bản trên các cơ quan truyền thông quan trọng ở châu Áchâu Đại Dương. Đại sứ quán của Trung Quốc ở Sri – Lanka, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ đã thay phiên nhau tuyên truyền các luận điểm về biển Đông trên các hãng truyền thông quốc gia Daily News (6/5), Gulf News (12/5), Jakarta Post (8/6), Force Magazine (12/6), The Star (13/6), Daily Sabah (25/6).

Ngày 19/5, đại sứ Trung Quốc ở ASEAN, đã cho đăng bài viết trên tờ Strait Times của Singapore – một trong những hãng truyền thông uy tín nhất khu vực – để khẳng định Trung Quốc là nạn nhân trong vấn đề biển Đông. Bài viết đẩy trách nhiệm về phía Philippines là bên vi phạm các thỏa thuận. Ở Samoa, Fiji, Úc, các hãng truyền thông Samoa Observer (18/5), Fiji Sun (18/6) và The West Australian (26/5, 17/6) cũng cho đăng các bài viết có nội dung  tuyên truyền từ các đại sứ Trung Quốc ở mỗi nước. Một phụ trương tương tự cũng xuất hiện ở hãng truyền thông Fairfax Media ở Úc với tiêu đề “China Watch” và được đăng tải trên các báo in có doanh số lớn nhất của Úc vào ngày 27/5.

 

Theo hình 1, có thể thấy chiến dịch truyền thông của Trung Quốc tập trung vào các quốc gia có vị trí địa chính trị - địa chiến lược quan trọng, đặc biệt là các quốc gia sở hữu nhưng ấn phẩm truyền thông có uy tín trong khu vực và quốc tế. Sử dụng phương thức tuyên truyền từ các đại sứ quán, Trung Quốc đã thành công trong việc đưa những thông tin có lợi cho họ trên chính các bộ máy truyền thông của châu Á, châu Phi, Trung Đông (những nơi có thái độ trung lập), châu Âu và châu Đại Dương (những nơi đang phản đối các lập luận của Trung Quốc) và thậm chí là ngay tại Mỹ.

Các ấn phẩm biển Đông của Trung Quốc không chỉ dàn trải khắp 5 châu lục, được đăng tải bởi các hãng truyền thông có ảnh hưởng lớn ở mỗi quốc gia, mà còn nhất quán trong cách diễn giải luật quốc tế “kiểu Trung Quốc”. Nội dung các ấn phẩm này đều tập trung vào việc tuyên truyền chủ quyền lịch sử của Trung Quốc trên biển Đông, khẳng định sự tuân thủ của Trung Quốc trong quá trình giải quyết tranh chấp lãnh thổ song phương với 12/ 14 quốc gia láng giềng cùng sự tôn trọng của họ đối với nhiều điều ước khu vực và quốc tế, đồng thời đùn đẩy mọi trách nhiệm gia tăng căng thẳng trên biển Đông cho Philippines cùng các cường quốc bên ngoài khu vực.

Những nỗ lực trên mặt trận truyền thông của Trung Quốc đã đem lại hiệu ứng ồ ạt nhất định. Đây chính là cơ sở cho các tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc về con số 40, 60 hay 47 quốc gia ủng hộ nước này  về vấn đề biển Đông thời gian gần đây.

… đến những chiến dịch vận động cụ thể trên mặt trận ngoại giao

Vừa là quá trình vận động bằng chính sách có qua có lại giữa các quốc gia, vừa là kết quả tuyên truyền của mặt trận thông tin được phát động trước đó, mặt trận ngoại giao cũng tăng tốc trong hai tháng trước phán quyết. Khoảng thời gian từ tháng 4 – tháng 6/2016, Trung Quốc đã liên tiếp sử dụng cả ngoại giao song phương và đa phương. Đặc biệt, giới ngoại giao Bắc Kinh tận dụng tối đa các hội nghị cấp cao giữa Trung Quốc với một số tổ chức khu vực, cũng như những trao đổi “đôi bên cùng có lợi” trong vận động ngoại giao nhằm đạt được sự ủng hộ của “số đông”.

Theo thông báo chính thức từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Nga và Ấn Độ được xem là các quốc gia đầu tiên ủng hộ lập trường biển Đông của Trung Quốc sau Hội nghị Ngoại trưởng Nga - Trung - Ấn lần thứ 14 (ngày 19/4). Ngay sau đó, sau chuyến thăm 3 nước Đông Nam Á, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố đã đạt đồng thuận 4 điểm về lập trường biển Đông với cả 3 nước Lào, Campuchia và Brunei (ngày 23/4).

Ngày 28/4, trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Phối hợp hành động và Các Biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) tổ chức tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định lập trường hòa bình của Trung Quốc trong vấn đề biển Đông, chủ trương giải quyết bằng các tham vấn và đàm phán giữa các quốc gia có liên quan trực tiếp, đồng thời sẽ cùng các quốc gia ASEAN xây dựng biển Đông thành khu vực hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Bên lề Hội nghị CICA, Trung Quốc tuyên bố đã đạt được sự ủng hộ về lập trường biển Đông với các quốc gia Ba Lan, Bangladesh, Kyrgyzstan, Kazakhstan, Pakistan, Belarus.

Đến ngày 12/5, sau khi Hội nghị Bộ trưởng Diễn đàn hợp tác Trung Quốc Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Ả Rập kết thúc, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo Hội nghị đã đưa ra tuyên bố chung (Tuyên bố Doha) trong đó có nhắc đến việc các quốc gia Ả rập (hơn 20 quốc gia tham dự hội nghị) ủng hộ quan điểm của Trung Quốc trên biển Đông. Tương tự như vậy, vào ngày 24/05, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong buổi họp báo sau Hội nghị Ngoại trưởng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đã khẳng định tất cả 6 quốc gia thành viên tổ chức SCO đều ủng hộ lập trường biển Đông của Trung Quốc.

Ngoài Liên đoàn Ả rập, Tổ chức SCO, Trung Quốc cũng ra sức vận động Liên hiệp Châu Phi (AU) cũng ra tuyên bố ủng hộ Trung Quốc trên biển Đông. Ngày 31/05, đại biện lâm thời của Trung Quốc tại AU đã gặp Phó Chủ tịch Ủy ban Liên hiệp châu Phi – ông Erastus Mwencha và đạt được sự đồng thuận về việc “tìm ra các biện pháp hòa bình để giải quyết những tranh chấp về quyền tài phán đối với vùng lãnh thổ và lãnh hải thông qua các cuộc đàm phán và tham vấn hữu nghị, phù hợp với các điều khoản của Tuyên bố về ứng xử của các bên (DOC) ở Biển Đông cũng như nhằm tăng cường sự tin cậy lẫn nhau vì hòa bình và ổn định." Sự kiện này được truyền thông Trung Quốc tường thuật như một trong những phát ngôn khẳng định sự ủng hộ của Liên hiệp châu Phi (AU) với lập trường biển Đông của Trung Quốc. Trong khi nội dung phát ngôn của Phó Chủ tịch AU hoàn toàn mang tính trung lập.

Các quan chức cấp cao của Trung Quốc cũng liên tục sử dụng các diễn đàn đa phương để truyền tải thông điệp mạnh mẽ nhằm bảo vệ lập trường đơn phương trên biển Đông của họ. Ngoài bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị CICA ngày 28/4, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tiến hành buổi họp báo quốc tế bên lề các hội nghị đa phương tổ chức SCO (24/5), trả lời phỏng vấn trực tiếp đài Al Jazeera (19/5) chỉ để nói riêng về vấn đề biển Đông. Ngày 12/5, Đô đốc Tôn Kiến Quốc – Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Trung Quốc, dù bị chất vấn gay gắt về vấn đề biển Đông vẫn gửi đi thông điệp khẳng định Trung Quốc không lo ngại bất kỳ thách thức gì tại Hội nghị An ninh Shangri – La (5/6). Vụ trưởng Vụ Điều ước và Pháp luật Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 12/5, cũng tiến hành buổi họp báo quốc tế để củng cố các quan điểm pháp lý của Trung Quốc liên quan đến vụ kiện biển Đông. Và gần đây nhất là chuyến thăm của nguyên Ủy viên Quốc Vụ Viện Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc đến Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) với bài phát biểu về biển Đông trước các cơ quan nghiên cứu quan trọng của Mỹ. Đây là bước hậu thuẫn cần thiết của mặt trận ngoại giao để đẩy mạnh mặt trận truyền thông và khỏa lấp điểm yếu trên mặt trận pháp lý.

Bên lề các sự kiện đa phương, Trung Quốc cũng phát huy tối đa các tiếp xúc ngoại giao song phương để đạt được “sự ủng hộ” của nhiều quốc gia khác. Trên quy tắc có đi có lại, với những ưu đãi chính sách và những khoản đầu tư lớn nhằm kết nối các quốc gia vào quá trình xây dựng “Một con đường, một vành đai” do Trung Quốc khởi xướng, nhiều quốc gia đã đồng ý đưa ra quan điểm chính thức về vấn đề biển Đông, đáp lại sự vận động ngoại giao từ Trung Quốc. Đây cũng chính là cơ sở để Bộ Ngoại giao Trung Quốc chính thức tuyên bố có gần 60 quốc gia ủng hộ lập trường biển Đông của Trung Quốc (vào ngày 14/6). Con số này giảm xuống còn 47 quốc gia ủng hộ trong buổi họp báo ngày 23/6 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. 

 

Gót chân Asin về số lượng và tính đơn phương

Nếu kết hợp danh sách các quốc gia có xuất hiện ấn phẩm biển Đông của Trung Quốc và danh sách các quốc gia ủng hộ (theo tuyên bố của Trung Quốc) như hình 2, có thể thấy mức độ bao phủ của mặt trận thông tin do Trung Quốc phát động chỉ trong hai tháng trước thềm phán quyết của Tòa Trọng tài.

Trên thực tế, đa số các quốc gia đều ủng hộ quá trình đàm phán và tham vấn hòa bình giữa các bên trực tiếp liên quan, đồng thời tuân thủ luật pháp quốc tế cũng như UNCLOS. Nhiều quốc gia đã bác bỏ những diễn giải sai lệch trên truyền thông từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đồng thời khẳng định lại quan điểm ủng hộ hòa bình và trung lập (không ủng hộ bên nào) của mỗi nước - như Fiji (16/4), Campuchia (25/4), Ấn Độ (29/4), Nga (30/6)...

Có 11 quốc gia nhắc đến việc tôn trọng quyền miễn trừ của Trung Quốc theo điều 298 của Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc (UNCLOS – 1982). Tuy vậy, điều này cũng không thể diễn giải thành sự đồng thuận nhằm bác bỏ thẩm quyền hay tính hợp pháp của Tòa Trọng tài Hague (trong vụ kiện biển Đông do Philippines khởi xướng). Ngay cả danh sách 10 quốc gia (cập nhật ngày 9/7) mà Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Chiến lược (CSIS) Mỹ cho rằng đã bác bỏ tính hợp pháp của Tòa Trọng tài cũng chưa chính xác. Vì trong tuyên bố chính thức, cả 9 trên 10 quốc gia trong danh sách trên (Afghanistan, Kenya, Lesotho, Liberia, Niger, Papua New Guinea, Sudan, Togo, Vanuatu) đều ghi nhận sự tôn trọng luật pháp quốc tế và UNCLOS, tôn trọng quyền miễn trừ (theo điều 298 UNCLOS), đồng thời ủng hộ tham vấn và đàm phán hòa bình để giải quyết các vấn đề trên biển Đông (ngoại trừ Gambia). Trong tuyên bố của cả 9 quốc gia nêu trên đều không có câu chữ nào khẳng định Tòa Trọng tài trong vụ kiện của Philippines không có thẩm quyền, hoặc không hợp pháp. Theo nghiên cứu của chúng tôi, chỉ có Gambia là quốc gia duy nhất xác nhận chính thức trong tuyên bố rằng Tòa Trọng tài theo phụ lục VII UNCLOS trong vụ kiện giữa Philippines với Trung Quốc không có thẩm quyền. Ngoài ra, Gambia và Pakistan là hai quốc gia duy nhất có tuyên bố chính thức ủng hộ chủ quyền lịch sử của Trung Quốc trên biển Đông trong đợt vận động ngoại giao này.

Nói cách khác, với cả 3 luận điểm chính trong lập trường biển Đông là: khẳng định chủ quyền lịch sử (2 nước ủng hộ), đảm bảo đàm phán và tham vấn song phương là giải pháp duy nhất (đa số các quốc gia đều ủng hộ cả song phương và đa phương), bác bỏ thẩm quyền Tòa Trọng tài (1 nước ủng hộ), Trung Quốc đều không nhận được sự ủng hộ như mong muốn. Cách diễn giải “ủng hộ” của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trên thực tế chỉ là việc các quốc gia ủng hộ phương thức giải quyết hòa bình giữa các bên trực tiếp liên quan, dựa trên sự tôn trọng luật pháp quốc tế và khu vực. Hơn 2/3 quốc gia trong danh sách ủng hộ Trung Quốc nhắc đến việc tôn trọng Tuyên bố về cách ứng xử giữa các bên trên biển Đông (DoC), trong Tuyên bố có gián tiếp công nhận việc áp dụng các phương pháp phù hợp với UNCLOS, nghĩa là có cả phương thức tiến hành phân xử bằng Tòa Trọng tài.

Phản ứng của dư luận quốc tế đối với Trung Quốc ngày càng căng thẳng qua các sự kiện trong tháng 6/2016 như Hội nghị Shangri – La (3 – 5/6), Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung (7 - 8/6) và đặc biệt là những phản ứng gay gắt của Hiệp hội ASEAN sau Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN – Trung Quốc (13 – 14/6) diễn ra ở Vân Nam (Trung Quốc) khi vấn đề biển Đông không được đưa vào Tuyên bố chung của Hội nghị (trong khi ASEAN đã thông qua). Trong thông cáo báo chí mới nhất (ngày 29/6), Tòa Trọng tài trong vụ kiện giữa Philippines với Trung Quốc trên biển Đông đã chính thức cảnh cáo về các động thái diễn giải luật gần đây của Trung Quốc. Ngày 7/7, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng đã lên tiếng nhắc nhở Trung Quốc về cách tiếp cận của quốc gia này trong việc giải quyết các vấn đề trên biển Đông.

Đây là những chỉ dấu cho thấy mặt trận thông tin quy mô do Trung Quốc phát động chỉ có số lượng, nhưng không có chất lượng, và không đạt được mục tiêu nhu nước này tự tuyên bố. Truyền thông Trung Quốc đã dùng những cách diễn giải nhằm tạo sự hiểu lầm về bản chất vấn đề, ngay cả trong các tuyên bố mang tính trung lập của các nước nhưng lại được dẫn thành “ủng hộ” Bắc Kinh. Điểm mạnh nhất, nhưng đồng thời cũng là cột trụ yếu nhất trong mặt trận truyền thông của Trung Quốc là ở cách diễn giải vấn đề tạo ngầm hiểu sai lệch so với bản chất.

Mặt trận thông tin chỉ có thể giúp Trung Quốc kéo dài thời gian, chứ không thể thay đổi nhận thức của dư luận như họ mong muốn. Muốn phát huy hiệu quả mặt trận thông tin, đòi hỏi Trung Quốc phải xây dựng lại mặt trận pháp lý, không phải bằng các biện pháp tuyên truyền, mà phải bằng những hành động phù hợp với luật pháp quốc tế. Điểm khuyết này kết hợp với các áp lực quốc tế thông qua phán quyết của Tòa Trọng Tài, sẽ biến những vận động truyền thông hay ngoại giao những tháng vừa qua thành “lâu đài trên cát”.

ThS. Lục Minh Tuấn hiện là nghiên cứu viên thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp.HCM.

Bài viết thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link bài viết, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.