WorldWarV.png

CHDCND Triều Tiên đang lên kế hoạch cử các quan chức đến thăm Mỹ để hội đàm với các cựu quan chức Mỹ. Các cựu quan chức này không đại diện cho chính quyền ông Trump, nhưng cuộc họp này tạo ra một cơ hội cho Washington khám phá những khả năng xây dựng một mối quan hệ song phương tốt đẹp hơn với Bình Nhưỡng. Đây sẽ là cuộc hội kiến đầu tiên trong vòng 5 năm qua. Sự tham gia của Triều Tiên cho thấy sự quan tâm của nước này trong việc mở một cuộc đối thoại với chính quyền mới của Mỹ.

Triều Tiên là tâm điểm chính trong những tin tức gần đây với hình ảnh không được tốt. Chế độ Kim Jong-un mới đây đã thử nghiệm một tên lửa tầm trung và bị nghi là chủ mưu vụ giết Kim Jong-nam, người anh cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo này. Năm ngoái, Bình Nhưỡng đã tiến hành hai vụ thử hạt nhân, làm xáo trộn quan hệ đồng minh với Trung Quốc cũng như phương Tây trong thời gian dài. Sau sự thất bại của Thỏa thuận “Ngày nhuận” năm 2012, chính quyền Barack Obama gần như đã từ bỏ việc đối phó với Triều Tiên. Washington thắt chặt mối quan hệ với Hàn Quốc, ép Bắc Kinh đối đầu với Triều Tiên và tạo áp lực lên Liên hợp quốc (LHQ) để đưa ra các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với quốc gia châu Á này.

Theo ước tính, Triều Tiên có thể tích lũy 50 hay thậm chí 100 vũ khí hạt nhân chỉ trong vài năm gần đây. Mặc dù năng lực này của Triều Tiên còn kém xa Mỹ, nhưng cũng cung cấp cho Triều Tiên khả năng răn đe trước các cuộc tấn công của Mỹ. Năm ngoái, ông Kim Jong-un cho biết nước này "sẽ không phải là người sử dụng vũ khí hạt nhân trước, trừ khi các lực lượng thù địch hung hãn sử dụng vũ khí hạt nhân để xâm chiếm chủ quyền của chúng tôi". Washington sẽ phải tính toán cẩn thận trước khi can thiệp quân sự chống lại Triều Tiên vì nước này đã được trang bị vũ khí hạt nhân.

Làm thế nào để ngăn chặn Bình Nhưỡng? Một cuộc tấn công quân sự phủ đầu có thể gây ra cuộc chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai. Các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn, thậm chí nếu được Trung Quốc hỗ trợ, sẽ làm tổn thương Triều Tiên - một đất nước vốn đã dễ tổn thương mà không thể gây ảnh hưởng tới chế độ Kim Jong-un. Bắc Kinh gần đây đã cho thấy sự không hài lòng của họ đối với Bình Nhưỡng bằng lệnh cấm nhập khẩu than đá từ nước này, nhưng vẫn không dám mạo hiểm xóa bỏ chế độ họ Kim vì lo sợ có thể gây ra sự hỗn loạn trên bán đảo này. Mặc dù hầu như không ai tin Kim Jong-un sẽ từ bỏ các vũ khí đã tốn rất nhiều tiền để phát triển, nhưng Washington không tìm ra phương án nào khả thi ngoài việc hội đàm với Triều Tiên. Và các cuộc gặp song phương sắp tới có thể là cơ hội để bắt đầu các cuộc đối thoại giữa hai bên.

Washington đã từ chối xem xét bất kỳ mục tiêu nào khác ngoài việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Tất nhiên, đây là một mục tiêu đúng đắn nhưng chính quyền Donald Trump không nên quá cầu toàn. Nếu Triều Tiên được xác định là một quốc gia hạt nhân thì tốt hơn hết Mỹ nên giảm thù địch với Bình Nhưỡng, kiềm chế tham vọng quân sự  của họ và cẩn thận trong các hành động của mình, bao gồm cả việc thực thi quyền con người. Chỉ cần thảo luận về một mối quan hệ tích cực hơn thì đã có thể giảm mối đe dọa từ Triều Tiên.

Tất nhiên, nhiều người có thể hoài nghi trước những tuyên bố của Triều Tiên. Tuy nhiên, chính quyền Bình Nhưỡng sẽ không làm ngơ trước khả năng can thiệp quân sự của Mỹ đại diện cho Hàn Quốc cũng như nỗ lực nhằm thay đổi chế độ - bài học từ các nước như Serbia, Iraq, Afghanistan và Libya. Việc Washington thực hiện chính sách quân sự toàn cầu hung hăng của mình có thể khiến sự quan ngại của Bình Nhưỡng ngày càng gia tăng, khiến mối đe dọa tiềm tàng từ Triều Tiên có thể leo thang. Vấn đề không chỉ là chính sách của Mỹ tạo cơ hội cho Triều Tiên biện minh chính đáng cho các chương trình vũ khí hạt nhân của họ. Theo quan điểm của Bắc Kinh, Mỹ và "chính sách thù địch" của Mỹ chủ yếu nhằm mục đích đổ lỗi cho các chương trình vũ khí của Triều Tiên. Tổng thống Donald Trump đã bày tỏ sự thất vọng khi Trung Quốc không có nhiều hành động cứng rắn đối với Triều Tiên. Lệnh cấm nhập khẩu than đá từ  Triều Tiên của Bắc Kinh thực chất là để "đá quả bóng" trở lại phía Mỹ.

Điểm khởi đầu có thể là cuộc họp không chính thức giữa các quan chức Mỹ và cuộc viếng thăm Triều Tiên. Có rất nhiều điều mà Washington có thể từ bỏ để tiến hành thương lượng, bắt đầu là cuộc diễn tập quân sự sắp tới với Seoul và thậm chí cả sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc. Chính quyền ông Trump cũng nên thể hiện sự sẵn sàng của mình trong việc xem xét thiết lập mối quan hệ chính thức. Washington nên hứa hẹn đáp ứng sự kiềm chế của Triều Tiên bằng cả lời nói và hành động. Việc kiềm chế Triều Tiên đặc biệt quan trọng vì các vụ thử tên lửa và vụ ám sát Kim Jong-nam gần đây đã làm gia tăng tai tiếng của Triều Tiên. Điều quan trọng là không nên phóng đại mối đe dọa của Triều Tiên đối với Mỹ.

Lý do duy nhất khiến Triều Tiên chống lại Mỹ là do Washington can thiệp quân sự tại bán đảo này, một vấn đề có thể lựa chọn và không cần thiết. Một chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng có thể hạn chế hoạt động quân sự của Washington nhưng không đe dọa sự tồn tại của nước Mỹ. Tuy nhiên, rõ ràng tốt nhất sẽ là nếu có thể giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Chiến lược này thậm chí còn có thể thực hiện một cách chính đáng bắt đầu bằng cách giảm thái độ thù địch và thảo luận về các vấn đề khác. Chính quyền của ông Trump nên chủ động thiết lập đối thoại với Triều Tiên càng sớm càng tốt.

Tác giả Doug Bandow là thành viên cao cấp tại Viện CATO, nguyên trợ lý đặc biệt của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan. Bài viết đăng trên trang “National Interest”.

Nhật Linh (gt)