Mỹ đang đổi trọng tâm chú ý về an ninh châu Á từ vùng Bắc Á sang Nam Á, trong khi vẫn thận trọng khẳng định chính sách của mình dựa trên cơ sở cùng hợp tác với Trung Quốc chứ không phải đối đầu. Cùng lúc đó, chính quyền Bắc Kinh lại quyết định công khai phô bày chính sách thô bạo tại Biển Đông, có lẽ nhằm chứng tỏ sự kém hiệu quả của Mỹ trong khu vực. Nhưng theo báo trên, chính sách này của Bắc Kinh có thể gây hiệu quả ngược lại.

Theo bài báo, vụ tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò địa chấn của Việt Nam hôm 26/5, gợi nhớ đến vụ Senkaku năm 2010, khi tàu cá Trung Quốc tông vào hai tàu tuần duyên Nhật Bản ở ngoài khơi quần đảo Điếu Ngư/ Senkaku đang tranh chấp.

Năm ngoái, Mỹ đã đứng về phía Nhật Bản, tuyên bố rằng Senkaku được nhắc đến trong hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật, tức nghĩa ám chỉ rằng Mỹ sẵn sàng gây chiến với Trung Quốc xung quanh quần đảo này. Vụ Senkaku đã được dư luận hết sức quan tâm vì khi đó Mỹ vừa mới tuyên bố "quay trở lại châu Á" với việc Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố tự do hàng hải trên Biển Đông nằm trong lợi ích của nước Mỹ.

Tình hình năm nay rõ ràng đã khác. Ngày 31/5, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell đã có bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế - dịp để chỉ trích Trung Quốc về động thái khiêu khích mới nhất của nước này tại Biển Đông - song Campbell đã không làm điều này. Khi tờ "China Press" của Malaixia đặt câu hỏi Mỹ có "bất kỳ quan điểm nào" trước những vụ đụng độ mới đây nhất hay không", Campbell trả lời: "Gần như tuần nào chúng tôi cũng chứng kiến các kiểu đụng độ giữa các tàu đánh cá... giữa các tàu khảo trắc... Quan điểm chung của chúng tôi vẫn là: Chúng tôi không khuyến khích dùng vũ lực hay đe dọa trong những vụ việc như vậy và chúng tôi muốn chứng kiến tiến trình đối thoại diễn ra".

Tại Kuala Lămpơ, Tư lệnh Lực lượng Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Robert Willard cũng phát biểu tương tự khi thảo luận về những lời phàn nàn của Việt Nam đối với Trung Quốc: "Mỹ không đứng về bên nào khi xảy ra tranh chấp, mà Mỹ muốn các bên tranh chấp giải quyết vấn đề một cách hòa bình, thông qua đối thoại, chứ không phải bằng cách đối đầu trên biển hay trên không".

Phản ứng có vẻ ngập ngừng của ông Campbell là khá bất ngờ trong bối cảnh đang có quá nhiều tin về cái gọi là những hành vi khiêu khích của Trung Quốc tại Biển Đông.

Có lẽ thái độ độc đoán có tính toán của Trung Quốc trước Việt Nam và Philíppin là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn nhấn mạnh Biển Đông là sân nhà của mình. Qua đó, Bắc Kinh muốn tuyên bố rằng Mỹ không đủ tư cách trong khu vực để biến các trò "quậy phá" của Trung Quốc tại Biển Đông của mình thành một vấn đề trung tâm trong quan hệ Mỹ - Trung vốn có vẻ đang tiến triển. “Đa phương hóa” hay "quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông vốn là những từ đại kỵ đối với Trung Quốc, đặc biệt là nếu có sự can dự của Mỹ. Chuyến công du Đông Nam Á hồi tháng Năm vừa qua của ông Lương Quang Liệt có thể nhằm thuyết phục Xinhgapo, Philíppin và Inđônêxia thảo luận song phương với Bắc Kinh, đồng thời tranh thủ các nước trong khu vực trong lúc Mỹ đang phải đối phó với nợ nần, cũng như tình hình tại các khu vực khác.

Thái độ cứng rắn của Trung Quốc trước Việt Nam sẽ xua tan ảo tưởng là phản ứng chung của ASEAN sẽ làm thay đổi được các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Một quy tắc ứng xử giữa ASEAN với Trung Quốc, hoặc một cơ chế nào đó với sự chủ trì của Liên hợp quốc, thay vì chính sách ngoại giao song phương, có lẽ dễ chấp nhận hơn đối với hầu hết các nước ASEAN. Bởi vì dù sao quan hệ kinh tế với Trung Quốc cũng quan trọng không kém vấn đề biển đảo.

Báo trên nhận định, hẳn là việc quốc tế hóa tranh chấp ở Biển Đông mở ra một con đường tiện lợi và ít tốn kém cho Mỹ để can dự vào sân khấu chính trị Đông Nam Á. Nhưng các sự kiện gần đây cho thấy Bắc Kinh muốn phô trương sức mạnh để chứng tỏ rằng, việc Oasinhtơn nhập cuộc sẽ bất lợi hoặc không hiệu quả. Mỹ có thể khoanh tay ngồi nhìn Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng trong khu vực, nhưng điều này có vẻ không thích hợp với chính sách đối ngoại của Oasinhtơn trong thập kỷ qua. 

Theo Atimes

 Mỹ Anh (gt)