Quyết định của Hàn Quốc rút khỏi Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản (GSOMIA) đang làm nổi lên nỗi ám ảnh về tầm ảnh hưởng của mối quan hệ hợp tác Nga-Trung ở khu vực Đông Bắc Á. Điều này là dễ hiểu trong bối cảnh quyết định của Seoul rút khỏi GSOMIA diễn ra ngay sau tranh cãi ngoại giao với Nga sau khi Không quân Nga bị cáo buộc xâm phạm không phận của Hàn Quốc trong một cuộc tập trận chung giữa không quân hai nước Nga và Trung Quốc.

Ngoài một số bước phát triển đáng chú ý về năng lực quân sự của Nga ở châu Á-Thái Bình Dương, vị thế quốc phòng của Moskva ở Đông Bắc Á đã trở nên tương đối ôn hòa trong thời hậu Chiến tranh Lạnh. Sự sẵn sàng can dự vào các hoạt động khiêu khích ở Đông Bắc Á trong thời gian qua không mang đặc tính của Nga. Đáng ngạc nhiên hơn cả khi Hàn Quốc trở thành mục tiêu của vụ gây hấn quân sự gần đây nhất. Vì theo lẽ thường, Nga lâu nay duy trì mối quan hệ hiệu quả và tích cực với Hàn Quốc, trong khi Seoul đôi khi từ chối theo Mỹ để chống lại những lợi ích của Nga.

Một lý giải cho sự sẵn sàng của Kremlin làm xáo trộn tình hình ở khu vực Đông Bắc Á, một tiểu khu vực mà Moskva lâu nay bày tỏ quan ngại về sự ổn định của nó, là việc củng cố và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược Nga-Trung. Sự hợp tác ngày càng gia tăng giữa Bắc Kinh và Moskva dường như đang giúp Nga mạnh bạo hơn khi thể hiện năng lực cũng như thách thức sức mạnh của mạng lưới liên minh của Mỹ ở Đông Bắc Á. Thực ra, một học giả đã nhận định rằng Trung Quốc và Nga đã biết được Hàn Quốc là một mối liên kết yếu kém nhất trong mạng lưới liên minh Đông Bắc Á của Washington.

Chắc chắn, Nga không hề ảo tưởng trước thực tế rằng tầm ảnh hưởng của Moskva đối với Bán đảo Triều Tiên không thể sánh bằng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc và dường như ngầm chấp nhận rằng Bắc Kinh sẽ vẫn ở “chiếu trên” trong mối quan hệ đồng minh Nga-Trung khi Moskva can dự ở Đông Bắc Á. Tuy nhiên, sự hợp tác gia tăng với Bắc Kinh có thể tạo cơ hội để Kremlin phương hại những lợi ích của Washington ở khu vực. Nếu Moskva quyết định tiếp tục “bắt tay” với Bắc Kinh để suy yếu vị thế của Mỹ ở khu vực thì Nga sẽ phải chấp nhận những chi phí cơ hội tiềm ẩn, nhất là trong mối quan hệ với Seoul.

Là “quan hệ chiến lược” theo chữ nghĩa, mối quan hệ này giữa Moskva-Seoul mang tính hình thức hơn là thực chất. Về cơ bản, Hàn Quốc không coi Nga là một đối tác đặc biệt hữu ích trong nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Mối quan hệ kinh tế song phương, dù đang trải qua tăng trưởng nhất định, song vẫn ở quy mô nhỏ lẻ.

Những bước đi gần đây trong chính sách an ninh Hàn Quốc đã khiến Washington bất an. Trong khi đó, Seoul đã gạt bỏ chỉ trích của Washington về quyết định rút khỏi GSOMIA. Tuy nhiên, sẽ chẳng ích gì khi phân tích quá sâu những trở ngại trong quan hệ Mỹ-Hàn hiện nay. Mặc dù giới chức Mỹ sử dụng thuật ngữ “con tàu bọc sắt” để miểu tả đầy đủ mối quan hệ liên minh này song mối quan hệ song phương đã cho thấy sự tồn tại ở mức độ nhất định. Mối quan hệ này đã sống sót qua giai đoạn lạnh nhạt từ 1998–2008 vốn chứa đựng những bất đồng sâu sắc về chính sách đối với Triều Tiên cũng như những thay đổi đáng kể trong vị thế quốc phòng của Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên.

Hiện nay, cho dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra những đòi hỏi quá đáng đối với Seoul để duy trì khuôn khổ phòng vệ Mỹ-Hàn hiện nay, song giới nghị sĩ Mỹ đang nỗ lực để ngăn chặn mối quan hệ này rơi vào tình trạng chết yểu.

Một số dự luật hiện đang được Quốc hội Mỹ xem xét đặc biệt nhấn mạnh những ý định và mưu đồ của Trung Quốc và Nga trên Bán đảo Triều Tiên, trong đó có ý định “hất cẳng” các lực lượng của Mỹ ra khỏi Hàn Quốc.

Ý chí chính trị của Mỹ nhằm duy trì mối quan hệ đồng minh với Hàn Quốc không thể được cân đo đong đếm dựa trên những hành động của riêng Trump. Tương tự, ngay cả khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sẵn sàng “nói không” với Mỹ, thì người dân Hàn Quốc vẫn thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với liên minh Mỹ-Hàn.

Ngoài việc chia rẽ mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Hàn Quốc, Nga có thể tiến tới mối quan hệ liên minh với Seoul. Điều này sẽ gây bất lợi cho chính sách “cân bằng” ngoại giao của Moskva đối với Hàn Quốc và Triều Tiên. Việc làm căng mối quan hệ với Hàn Quốc cũng có thể hủy hoại một trong những mối quan hệ kinh tế quan trọng nhất của Nga ở Đông Á.

Chắc chắn, mối quan hệ chính trị sóng gió với Liên minh châu Âu (EU) chưa thể hủy hoại mối quan hệ thương mại mạnh mẽ giữa một số nước thành viên của EU và Nga. Lối lập luận này cũng có thể áp dụng đối với mối quan hệ kinh tế giữa Nga và Hàn Quốc trong bối cảnh quan hệ song phương đang căng thẳng. Tuy nhiên, tồn tại sự khác biệt rõ ràng trong sức mạnh kinh tế của một nước Nga thuộc châu Âu và vùng Viễn Đông của Nga, trong đó, vùng Viễn Đông của Nga hiện đang là tâm điểm chú ý trong chiến lược của điện Kremlin đối với Hàn Quốc.

Hàn Quốc vẫn có thể gặt hái lợi ích từ mối quan hệ hiện nay với Nga, mặc dù cả hai bên, nhất là về phía Moskva, còn vướng những rào cản để đi đến mối quan hệ hợp tác kinh tế có lợi. Chính sách phát triển kinh tế của Nga kể từ năm 2008 đặc biệt chú trọng hợp tác với các đối tác châu Á. Nếu Moskva hy vọng Hàn Quốc tiếp tục chiếm một chỗ đứng trong chính sách này với tư cách là một đối tác kinh tế thì việc hợp tác với Trung Quốc gây phương hại mối quan hệ ổn định với Seoul là một cuộc chơi trong đó Nga không thể thua cuộc./.

Tác giả Anthony V Rinna là Biên Tập viên Cao cấp và chuyên gia về chính sách đối ngoại Nga ở Đông Á, cơ quan nghiên cứu Sino-NK. Bài viết đăng trên “East asia forum”.

Hương Trà (gt)