08/06/2020
Các quốc gia trong khu vực đang tìm cách không để cho những tranh chấp của họ với Trung Quốc ảnh hưởng tới các khía cạnh khác trong mối quan hệ với nước láng giềng quan trọng này, tìm cách cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ, cũng như các cường quốc khu vực như Nhật Bản và Ấn Độ.
Khi tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Trung Quốc chuyển biến xấu vào đầu năm 2020, nhiều quốc gia ở Đông Nam Á đã gửi vật tư y tế tới nước láng giềng lớn của họ như một cử chỉ thiện chí và đoàn kết. Malaysia đã gửi 18 triệu găng tay cho Trung Quốc vào tháng 1/2020. Philippines, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Singapore đã quyên góp các trang thiết bị y tế như khẩu trang, quần áo bảo hộ hazmat, kính bảo hộ và các bộ dụng cụ xét nghiệm vào tháng 2/2020. Một số nước sau khi chuyển hàng cứu trợ đã đón các công dân của mình từ tâm dịch Vũ Hán về nước. Một nghệ sĩ Thái Lan đã sáng tác bài hát mang tên “Vũ Hán, hãy tiếp tục tiến bước”, và những lời động viên tương tự cũng đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông xã hội cũng như ở những nơi công cộngnhư các trung tâm mua sắm ở Thái Lan.
Trong khoảng một tháng qua, khi Trung Quốc kiểm soát được sự bùng phát của dịch bệnh và đại dịch lan rộng ra khu vực, Bắc Kinh bắt đầu đền đáp lòng tốt đó cũng như khắc phục thiệt hại về danh tiếng do những sai lầm của họ khi dịch bệnh mới bùng phát. Họ đã gửi vật tư y tế và đôi khi là cả các chuyên gia y tế tới nhiều quốc gia, thường kèm theo sự phô trương của giới truyền thông.
Sự hào phóng này của Trung Quốc nhìn chung được các chính phủ đón nhận với lòng biết ơn. Cụ thể, Tổng thống Rodrigo Duterte đã ca ngợi việc Trung Quốc gửi tặng Philippines các bộ dụng cụ xét nghiệm, khẩu trang y tế, quần áo bảo hộ và máy thở. Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cũng gửi lời cảm ơn chân thành đến Trung Quốc. Ông nói: “Trung Quốc đã sát cánh cùng chúng tôi ngay từ đầu, và chúng tôi chân thành cảm kích sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho Malaysia trong giai đoạn thiếu thốn này”.
Mỹ cũng đã hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính cho khu vực, dù những hành động này ít được quảng bá hơn. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) có văn phòng tại 6 nước ASEAN, và kể từ khi COVID-19 bùng phát trong khu vực, CDC đã hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia này trong những lĩnh vực như thu thập mẫu, xét nghiệm trong phòng thí nghiệm, giám sát và kiểm soát lây nhiễm. Đã có 6 chuyên gia của CDC được cử tới Lào, nơi CDC không đặt văn phòng, để tập huấn cho nước này về dịch tễ học, giám sát và thí nghiệm.
Tháng 3/2020, Mỹ tuyên bố sẽ cung cấp gói hỗ trợ kỹ thuật và tài chính trị giá 18,3 triệu USD trong giai đoạn đầu cho các nước ASEAN nhằm tập huấn cho các nhân viên y tế và củng cố các hệ thống sàng lọc và chăm sóc sức khỏe. Tháng 4/2020, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo nước này đã cung cấp gói tài trợ khẩn cấp trị giá 35 triệu USD giúp các nước ASEAN chống lại COVID-19.
Dường như Trung Quốc và Mỹ, vốn là các đối thủ chiến lược ở Đông Nam Á, đang đua nhau hỗ trợ khu vực chống lại đại dịch nhằm mục đích thu phục lòng người. Mặc dù chính phủ và người dân các nước trong khu vực chắc chắn đánh giá cao sự giúp đỡ như vậy, nhưng tình trạng căng thẳng gia tăng giữa hai nước lớn này ở Biển Đông - trong bối cảnh Trung Quốc đã và đang có những hành động nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của mình ở các vùng biển tranh chấp và Mỹ tìm cách chống lại những hành động này - lại ít được hoan nghênh hơn nhiều.
Những hành động của Trung Quốc diễn ra vào thời điểm khu vực đang chiến đấu chống đại dịch và hai tàu sân bay thuộc hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đã phải dừng hoạt động vì tình trạng lây nhiễm trên tàu. Tiến sĩ Chen Gang, Trợ lý Viện trưởng phụ trách nghiên cứu chính sách Viện Đông Á thuộc Đại học quốc gia Singapore, cho biết Trung Quốc đã đưa ra các tuyên bố chủ quyền chồng chéo với Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam ở Biển Đông và những động thái gần đây của nước này là nhằm củng cố sự kiểm soát đối với vùng lãnh thổ bị tranh chấp.
Trung Quốc cũng tìm cách khẳng định các tuyên bố chủ quyền của mình ở các vùng biển gần quần đảo Natuna của Indonesia, nơi mà nước này khẳng định là ngư trường truyền thống của họ. Tháng 2/2020, trong khi COVID-19 vẫn đang hoành hành trên lãnh thổ Trung Quốc, các tàu cá được Cảnh sát biển Trung Quốc hộ tống đã đi vào vùng biển gần quần đảo Natuna. Tháng 1/2020, khi các tàu cá Trung Quốc có hành động tương tự, Jakarta đã cử máy bay chiến đấu và tàu chiến tới khu vực và các tàu của Trung Quốc đã rút lui. Đến tháng 2/2020, Jakarta lại giữ im lặng.
Đầu tháng 4/2020, một tàu cá Việt Nam với 8 thuyền viên đã bị chìm sau vụ va chạm với một tàu thuộc lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc gần quần đảo Hoàng Sa vốn được cả Trung Quốc lẫn Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Hà Nội đã chính thức lên tiếng phản đối và, trong một động thái hiếm thấy, Philippines đã bày tỏ quan ngại về vụ việc này cũng như sự đoàn kết với Việt Nam.
Ngoài ra, tháng 4/2020, một tàu thăm dò của Trung Quốc, từng dính líu tới một cuộc đối đầu với các tàu Việt Nam vào năm 2019, đã trở lại vùng biển thuộc Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trước khi di chuyển về phía Nam tới Malaysia. Tại đây, cùng với hơn 10 tàu hộ tống, con tàu thăm dò này đã theo dõi một tàu khoan đang hoạt động theo hợp đồng ký với gã khổng lồ dầu mỏ Malaysia Petronas ở vùng biển được Malaysia, Trung Quốc và Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Điều này diễn ra chỉ 2 ngày sau khi 8 chuyên gia về COVID-19 mang theo viện trợ y tế của Trung Quốc tới Kuala Lumpur.
Phản ứng trước hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ đã điều 2 tàu chiến tới Biển Đông và tổ chức các cuộc tập trận với Úc ở khu vực này. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Trung Quốc lợi dụng việc thế giới đang tập trung vào đại dịch khi đe dọa các nước có tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này.
Tuy nhiên, Malaysia lại đưa ra phản ứng thận trọng, với việc Bộ trưởng Ngoại giao Hishammuddin Hussein nói rằng tranh chấp cần được giải quyết một cách hòa bình, vì sự hiện diện của các tàu chiến ở Biển Đông có khả năng làm gia tăng căng thẳng, từ đó có thể dẫn tới những tính toán sai lầm. Tuy nhiên, ông cũng cảm ơn Pompeo tại Hội nghị trực tuyến các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN-Mỹ và bày tỏ tin tưởng rằng với sự hợp tác của Mỹ, các nước ASEAN sẽ cùng nhau vượt qua đại dịch. Lời cảm ơn này có lẽ ngầm ám chỉ sự trợ giúp của Mỹ ở Biển Đông, cho phép Malaysia tập trung vào cuộc chiến chống đại dịch.
Động thái làm dấy lên sự phản đối
Diễn biến khiến Việt Nam và Philippines giận dữ đến mức bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ - mà trong trường hợp của Manila là đưa ra kháng nghị ngoại giao - là việc Trung Quốc thành lập 2 đơn vị hành chính trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng vào tháng 4/2020. Hai đơn vị hành chính mới, được Trung Quốc gọi là “Nam Sa” và “Tây Sa”, trực thuộc thành phố Tam Sa. Thành phố này được thành lập năm 2012 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa và được coi là trụ sở hành chính đối với toàn bộ khu vực Biển Đông. Quận “Tây Sa” bao gồm quần đảo Hoàng Sa và sẽ được điều hành từ đảo Phú Lâm. Quận “Nam Sa” bao gồm quần đảo Trường Sa và sẽ được điều hành từ đá Chữ Thập, vốn đang bị tranh chấp và là nơi Trung Quốc đã xây dựng một đảo nhân tạo vào năm 2014 cũng như một đường băng và các cơ sở hạ tầng quân sự.
Mỹ đã phản ứng trước những hành động của Trung Quốc bằng việc tiến hành 2 hoạt động tự do hàng hải vào cuối tháng 4/2020 ở Biển Đông. Ngày 7/5 và sau đó là ngày 12/5, Mỹ đã điều tàu chiến duyên hải tới gần tàu khoan West Capella được Malaysia thuê theo hợp đồng. Tuy nhiên, cuộc đối đầu Trung Quốc-Malaysia dường như đã hạ nhiệt sau khi có tin ngày 13/5, các tàu Trung Quốc đã di chuyển theo hướng khác so với tàu khoan vốn đã hoàn thành công việc theo lịch trình.
Tiến sĩ Olli Suorsa, nhà nghiên cứu tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, cho biết tàu sân bay Mỹ Theodore Roosevelt đã thăm cảng Đà Nẵng vào tháng 3/2020, báo hiệu việc Mỹ tiếp tục quan tâm đến việc tìm kiếm sự ủng hộ hoặc lấy lòng các quốc gia có chung mối quan ngại về sự quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực.
Tuy nhiên, sự thù địch giữa hai cường quốc đã vượt ra ngoài phạm vi Biển Đông và lan sang Đông Nam Á lục địa, cụ thể là tiểu vùng các nước ven sông Mekong - con sông bắt nguồn từ Tây Tạng, chảy qua miền Tây Nam Trung Quốc (với cái tên Lan Thương), Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam rồi đổ ra Biển Đông. Bắc Kinh từ lâu đã bị chỉ trích vì hăm dọa các quốc gia tiểu vùng sông Mekong thông qua việc quản lý các con đập ở thượng nguồn. Tháng 4/2020, một nghiên cứu của công ty tư vấn Eyes on Earth do Chính phủ Mỹ tài trợ đã gây xôn xao dư luận khi đưa ra cáo buộc dựa trên dữ liệu vệ tinh rằng các con đập của Trung Quốc đã giữ nước khiến các quốc gia hạ lưu phải chịu hạn hán. Dự án nạo vét sông Mekong của Trung Quốc nhằm giúp các tàu thương mại đi lại dễ dàng hơn cũng vấp phải sự phản đối dữ dội từ phía người dân địa phương vì dự án này sẽ phá hủy nơi sinh sản của các loài cá. Tháng 2/2020, Chính phủ Thái Lan tuyên bố sẽ từ bỏ hoàn toàn dự án này.
Tránh hiệu ứng lan truyền
Tuy nhiên, các quốc gia trong khu vực đang tìm cách không để cho những tranh chấp của họ với Trung Quốc ảnh hưởng tới các khía cạnh khác trong mối quan hệ với nước láng giềng quan trọng này. Vì vậy, mặc dù tỏ ra mạnh mẽ khi bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông, nhưng Việt Nam thận trọng không để tình trạng căng thẳng trên biển lan sang các phương diện khác trong mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc. Kể từ khi Duterte lên nắm quyền, Philippines nhìn chung đã gác những tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc sang một bên để ưu tiên thắt chặt mối quan hệ kinh tế, cho dù chính quyền của ông đôi khi vẫn tìm cách đẩy lùi sự quyết đoán của Bắc Kinh.
Điểm mấu chốt của vấn đề là sức mạnh to lớn của Trung Quốc có vai trò quan trọng đối với các quốc gia về mặt kinh tế. Nước này là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN nói chung và nằm trong số ba đối tác thương mại hàng đầu đối với các nước thành viên riêng lẻ. Trung Quốc cũng là nhà đầu tư quan trọng trong khu vực, nhất là kể từ khi họ đưa ra Sáng kiến “Vành đai và Con đường” năm 2013 với mục đích xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực và xa hơn nữa.
Tuy nhiên, người dân trong khu vực có vẻ không ưa Trung Quốc bằng các chính phủ của họ. Các cuộc thăm dò ở Philippines cho thấy cứ 4 người Philippines thì có 3 người không tin tưởng Trung Quốc, trong khi đó một số người Indonesia đã cáo buộc Trung Quốc mang mầm bệnh COVID-19 tới đất nước họ.
Việc Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đăng tải một video âm nhạc trên trang YouTube với mục đích làm nổi bật những nỗ lực của Trung Quốc trong việc giúp đỡ Philippines ngăn chặn sự lây lan của virus đã vấp phải phản ứng giận dữ từ phía người dân Philippines vì nhiều người cho rằng tiêu đề “Một vùng biển” của video này ngầm nhắc nhở rằng chỉ có một Biển Đông và vùng biển này thuộc sở hữu của Trung Quốc.
Ở Thái Lan, một đoạn phim hoạt hình chế giễu phản ứng của Mỹ trước đại dịch được Đại sứ quán Trung Quốc đăng tải lên trang Facebook đã thu hút sự chỉ trích của người dân Thái Lan. Có người còn gọi đó là đoạn phim tuyên truyền kém chất lượng. Học giả Wasana Wongsurawat thuộc Đại học Chulalongkorn cho biết những người Thái Lan phản đối chính phủ được quân đội hậu thuẫn không tin vào điệp khúc phổ biến rằng Trung Quốc là bạn tốt của Thái Lan.
Thái độ bất bình này một phần bắt nguồn từ các lý do kinh tế. Các ngư dân tức giận khi bị Trung Quốc xua đuổi khỏi ngư trường, trong khi đó chủ các doanh nghiệp nhỏ và vừa không hài lòng với việc hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc cạnh tranh với hàng hóa của họ. Việc các công ty Trung Quốc có thiên hướng sử dụng lao động của nước họ cũng gây ra tâm trạng bất mãn. Có tin vào tháng 3/2020, một cuộc đụng độ đã nổ ra giữa những người biểu tình và các lực lượng an ninh ở Sulawesi, Indonesia, sau khi 49 lao động Trung Quốc được đưa tới làm việc tại một mỏ khai thác niken ở phía Đông Nam hòn đảo này.
Tuy nhiên, bất chấp mối lo địa chính trị của các chính phủ và những cơn giận dữ của người dân các nước, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực sẽ không suy giảm. Quả thật, trong một báo cáo về tình hình địa chính trị hậu COVID-19, Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro của The Economist (EIU) cho biết rằng Trung Quốc có khả năng sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng để trở thành bên tham gia có vai trò lớn hơn vào chính trường và thương trường trên toàn cầu. Nhận định này được đưa ra cho dù các đối thủ của nước này ở Mỹ và châu Âu được dự đoán sẽ phản ứng mạnh mẽ.
Can dự với các cường quốc khác
Các nước trong khu vực đã tìm cách cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ, cũng như các cường quốc khu vực như Nhật Bản và Ấn Độ. Chẳng hạn, khi tàu USS Theodore Roosevelt thăm cảng Đà Nẵng vào tháng 3/2020, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) đã đưa ra nhận định rằng Việt Nam đã và đang thận trọng điều chỉnh những tương tác của mình với Mỹ đồng thời để mắt tới những tương tác với Trung Quốc. Quyết định của Việt Nam tiếp nhận tàu sân bay này trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung gia tăng cho thấy quyền tự chủ chiến lược của Việt Nam. Theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, điều này gửi đi những tín hiệu nhất quán tới cả hai nước lớn. Thông điệp gửi tới Mỹ là Việt Nam sẵn sàng tiếp tục can dự với Mỹ ở Biển Đông nếu điều này phù hợp với các lợi ích của Việt Nam. Đối với Trung Quốc, Việt Nam cho thấy rằng lập trường quyết đoán hơn từ phía Trung Quốc sẽ càng đẩy Việt Nam về phía Mỹ bất luận Việt Nam coi trọng mối quan hệ lâu dài với Trung Quốc đến mức độ nào. Tuy nhiên, giáo sư danh dự Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales đã lưu ý trong một bài viết gần đây trên tờ The Diplomat: “Việt Nam sẽ không liên kết với Mỹ để chống lại Trung Quốc”.
Trong những năm gần đây, Philippines, đồng minh trung thành một thời của Mỹ, đã nghiêng về phía Trung Quốc vì chính phủ nước này đã trở nên độc đoán hơn. Về phần Indonesia, trong cuộc thăm dò ý kiến các nhà bình luận trong khu vực về phản ứng trước COVID-19 gần đây, tổ chức tư vấn Trung tâm Đông-Tây đã nhận được câu trả lời như sau: “Trong lịch sử, người Indonesia có cảm xúc lẫn lộn về Trung Quốc và người Trung Quốc, và sẽ muốn tìm cách đối trọng với phạm vi ảnh hưởng quá lớn của Trung Quốc”. Tuy nhiên, về Mỹ, một nhà bình luận Indonesia lại cho biết: “Nếu sức ép của Mỹ xuất phát từ cuộc cạnh tranh Trung-Mỹ làm xói mòn quyền tự quyết của Indonesia, thì mối quan hệ này có thể sẽ yếu đi”.
Thái Lan, vốn thân Trung Quốc hơn dưới sự lãnh đạo của chính quyền quân sự (2014-2019), đã cải thiện quan hệ với Mỹ, nhất là quan hệ giữa quân đội hai nước, khi nước này tổ chức các cuộc bầu cử vào năm 2019. Tuy nhiên, giáo sư Johan Saravanamuttu, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, lưu ý rằng các chính sách của Chính quyền Donald Trump đã khiến uy tín của Mỹ trong khu vực sụt giảm nhanh chóng, cho dù nước này vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện chính trị và quân sự tại đây.
Richard Heydarian, một nhà phân tích chính trị hoạt động tại Manila, nhận định: “Trung Quốc sẽ ở vào vị thế đầy quyền lực để định hình thế giới, cho dù theo hướng tốt lên hay xấu đi”. Điều này đặc biệt đúng khi Mỹ và các “nguồn sức mạnh truyền thống” khác đang bận bịu đối phó với sự bùng phát của virus SARS-CoV-2 trên chính đất nước họ đến mức Trung Quốc hầu như không vấp phải sự phản kháng ở các điểm nóng như Biển Đông.
Trong bài viết gần đây trên trang mạng của Diễn đàn Đông-Tây, giáo sư Saravanamuttu viết: “Nếu Malaysia và các nước láng giềng ASEAN đang trong một thế giới đa cực lỏng lẻo và biến động hơn, thì việc tiếp tục can dự một cách nghiêm túc với Trung Quốc đồng thời có cái nhìn thận trọng về những tham vọng của nước này ở Biển Đông sẽ là động thái hợp lý”.
Tan Hui Yee là Chánh văn phòng Đông Dương, Shannon Teoh là Chánh văn phòng Malaysia, Raul Dancel là Phóng viên Philippines, Arlina Arshad là phóng viên khu vực, Goh Sui Noi là biên tập viên Đông Á, Elizabeth Law là phóng viên Trung Quốc, Charissa Yong là phóng viên Mỹ tại tòa soạn The Straits Times. Bài viết được đăng trên báo The Straits Times.
Minh Anh (gt)
Trung Quốc cũng có lợi thế hơn Mỹ trong lĩnh vực phát triển thị trường số ASEAN. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế số, có thể giúp Trung Quốc và ASEAN cùng xây dựng các tiêu chuẩn thương mại số, đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - ASEAN...
Bộ Tứ có thể tổ chức nhiều hội nghị thượng đỉnh nhưng khó đem lại kết quả thực chất nếu thiếu tầm nhìn chiến lược rõ ràng và chương trình nghị sự phù hợp.
Trung Quốc không muốn đưa khu vực biên giới với Ấn Độ trở về trạng thái trước xung đột, ngăn cản Ấn Độ vươn lên trên trường quốc tế, coi Ấn Độ là đối tượng dễ bị cưỡng ép. Mặt khác, dù chính phủ Ấn Độ vẫn thận trọng tiếp cận vấn đề Eo biển Đài Loan tại các diễn đàn quốc tế, nhưng mối quan hệ hai bên...
Truyền thông Trung Quốc gần đây đăng bài viết tựa đề “Chiến lược mơ hồ hay chiến lược rõ ràng: Thế tiến thoái lưỡng nan của Mỹ về vấn đề Đài Loan” của tác giả Chen Feng, biên tập viên báo Người Quan sát. Bài báo kết luận, chính sách mơ hồ về vấn đề Đài Loan không phải do Mỹ chủ động lựa chọn, mà là sự...
Khi cạnh tranh Mỹ - Trung trở nên căng thằng, có thể sẽ xảy ra những cuộc chiến ủy nhiệm ở những mức độ khác nhau trên khắp châu Á.
Ngày 14/5/2021, Đại học Thanh Hoa Trung Quốc phối hợp cùng Đại học Bắc Kinh và Đại học Nhân dân tổ chức tọa đàm với chủ đề “Trật tự quốc tế thời kỳ hậu Covid”. Tại tọa đàm, Giám đốc Cơ sở trao đổi nhân văn Trung - Mỹ, Học viện Quan hệ quốc tế, Đại học Bắc Kinh Giả Khánh Quốc đã có bài phát biểu về 3...