12/12/2013
Việc Trung Quốc hôm 23/11 bất ngờ tuyên bố Vùng Nhận dạng Phòng không (Air Defense Identification Zone-ADIZ), gọi tắt là CADIZ, ở Biển Hoa Đông đã gây ra mâu thuẫn với các nước láng giềng, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Mỹ.
Điều này có thể ảnh hưởng lớn đến những tính toán an ninh biển của Hàn Quốc trong nhiều năm tới, và buộc Seoul phải sửa đổi vùng ADIZ của nước này (gọi tắt là KADIZ). Kể từ khi Trung Quốc tuyên bố vùng CADIZ, giới truyền thông Hàn Quốc đã thảo luận các kịch bản về nguy cơ có thể xảy ra, đồng thời chỉ ra điểm yếu của KADIZ, được thiết lập lần đầu tiên vào năm 1951. KADIZ không bao gồm Ieodo (còn gọi là Socotra, và Suyan trong tiếng Trung), một rạn đá ngầm nằm phía tây nam của đảo Jeju, nơi Hàn Quốc hiện duy trì một trạm nghiên cứu biển tự động được xây dựng phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS); cũng không có đảo Hongdo hoặc Marado, hai đảo thuộc quyền tài phán trên biển của Hàn Quốc. KADIZ là một vấn đề kỹ thuật và không quan trọng về mặt chính trị, nhưng sau khi Trung Quốc tuyên bố về vùng CADIZ của nước này gộp cả Ieodo vào thì Hàn Quốc cần phải sửa đổi vùng KADIZ bao gồm Ieodo và các đảo khác thuộc một phần lãnh thổ của mình. Do vậy ngày 8/12, Hàn Quốc tuyên bố mở rộng KADIZ một cách thích hợp, nhưng chỉ sau khi tiến hành tham vấn với giới chức của Nhật Bản, Trung Quốc, và Mỹ về các vùng ADIZ chồng lấn ở Biển Hoa Đông và Hoàng Hải.
Bốn lý do Hàn Quốc sửa đổi KADIZ
Có 4 lý do khiến Hàn Quốc cần sửa đổi vùng KADIZ. Trước tiên là để đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng từ CADIZ, mà ở đó Trung Quốc đòi hỏi sự nhận diện nhanh chóng, vị trí đồng thời kiểm soát tất cả các máy bay dân dụng và quân sự, dù trên đất liền hoặc trên biển. Nghiêm trọng là, vùng CADIZ bao gồm cả Ieodo. Theo luật biển quốc tế, các đá ngầm nằm ngoài lãnh hải của một quốc gia, phạm vi 12 hải lý, không thể được yêu sách là lãnh thổ quốc gia, nhưng Trung Quốc khăng khăng cho rằng Ieodo nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của nước này (Exclusive Economic Zone - EEZ). Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 4/12, hy vọng thuyết phục được Trung Quốc không thực thi CADIZ một cách quyết đoán, nhưng nỗ lực giảm thiểu căng thẳng này đã thất bại.
Lý do thứ hai là vùng KADIZ năm 1951 được thiết lập theo yêu cầu của Liên Hợp Quốc trong thời kỳ Chiến tranh Triều Tiên, và giờ là lúc xác định một vùng nhận diện mới phù hợp với hiện tại, và đáp ứng các yêu cầu về an ninh biển của Hàn Quốc. Hàn Quốc không còn là quốc gia chưa phát triển và yếu kém như thời kỳ Chiến tranh Triều Tiên, mà hiện là một cường quốc bậc trung về kinh tế và quân sự có khả năng đảm đương vai trò hợp pháp, có ảnh hưởng như một trọng tài công tâm giữa các cường quốc mới nổi và các cường quốc đi xuống ở Châu Á -Thái Bình Dương. Đối thoại Quốc phòng Seoul lần thứ 2 được tổ chức tại Seoul từ ngày 11-13/11 đã thể hiện rõ cam kết của Hàn Quốc trong việc hướng tới hợp tác an ninh lớn hơn ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Hàn Quốc hiện đang tích cực tìm kiếm cách tiếp cận mới để đối phó với “Nghịch lý Châu Á”, trong đó sự phụ thuộc lẫn nhau ở mức độ lớn về kinh tế ở Châu Á có lợi cho nền kinh tế toàn cầu nhưng hợp tác về chính trị và an ninh khu vực lại phát triển chậm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xây dựng hòa bình và sự thịnh vượng chung.
Lý do thứ ba là hợp lý hóa cơ chế quản lý hành chính liên quan đến không phận của khu vực. Trung Quốc sẽ giữ nguyên vùng CADIZ của nước này bao gồm Ieodo, do vậy Hàn Quốc phải khẳng định chủ quyền của mình bằng việc sửa đổi vùng KADIZ gồm có Ieodo, Hongdo và Marado. Có ba loại khu vực liên quan đến không phận quốc gia trên các vùng biển: bên cạnh vùng EEZ và ADIZ, Hàn Quốc có Vùng Thông báo Bay (Flight Information Region - FIR). Trong khi các vùng EEZ và FIR được thiết lập theo các thể chế hay luật pháp quốc tế, chẳng hạn như UNCLOS và Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (International Civil Aviation Organization - ICAO), vùng ADIZ là một biện pháp phòng vệ chủ yếu liên quan đến an ninh quốc gia trong thời chiến, và tình trạng pháp lý của ADIZ là không rõ ràng. Tất cả các vùng này giúp đảm bảo an toàn và tự do lưu thông trên mặt biển cũng như vùng trời phía trên. Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều là thành viên của ICAO, UNCLOS và chia sẻ thông tin về lịch trình các chuyến bay thương mại để đảm bảo tự do hàng không, mặc dù có sự chồng lấn giữa các vùng EEZ. Việc nhanh chóng triển khai máy bay chiến đấu để ngăn chặn các mục tiêu không xác định trên không và hộ tống một cách hòa bình các thực thể này ra khỏi không phận quốc gia là biện pháp thích hợp khi cần thiết, và một lần nữa, hợp tác quốc gia là điều rất quan trọng. Việc Hàn Quốc xác định ranh giới vùng ADIZ phù hợp với FIR của nước này là một hành động đúng đắn và hợp lý giúp xác định trách nhiệm quản lý hành chính ở Đông Á, và không cần thiết phải gây khó khăn cho các nước láng giềng.
Lý do thứ tư là Hàn Quốc có thể làm theo Trung Quốc và không nên do dự trong việc sửa đổi vùng KADIZ. Bất kỳ chuyến bay thương mại nào đi qua vùng CADIZ phải thông báo với giới chức quân sự Trung Quốc trên những tần số quy định sử dụng hệ thống Nhận dạng, Bạn hoặc Thù (Identification, Friend or Foe - IFF). Tương tự như vậy, quân đội Hàn Quốc có thể thực thi quyền hợp pháp của mình bằng việc sử dụng IFF, như một phần của biện pháp quản lý hành chính bao gồm việc chia sẻ thông tin các chuyến bay với giới chức quân đội Trung Quốc, để bảo đảm an toàn và tự do hàng không. Ước tính các hoạt động hàng không hiện tại trên Biển Hoa Đông là hơn 500 chuyến bay một ngày, và những hoạt động này tiếp tục gia tăng và ngày càng phức tạp. Do căng thẳng đang gia tăng ở quần đảo Điếu Ngư/ Senkaku bắt đầu từ việc Nhật Bản bất ngờ quốc hữu hóa ba trong số các đảo ở đây vào tháng 9/2012, người ta hiện quan ngại về những cuộc đụng độ giữa máy bay, có người lái và không người lái, gần vùng biển tranh chấp. Trong bối cảnh này, cần đảm bảo rằng các khu vực thuộc quyền tài phán của Hàn Quốc, bao gồm trạm nghiên cứu biển Ieodo, các đảo Hongdo và Marado, phải được quản lý một cách đúng đắn.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Dường như tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông sẽ tiếp tục nóng lên, và những rắc rối sẽ hiện hữu cả ở vùng trời và vùng biển của những khu vực tranh chấp. Từ năm 2010, Biển Hoa Đông đã trở nên bất ổn, với những cuộc đối đầu thường xuyên hơn và nguy cơ về những hậu quả nghiêm trọng bắt nguồn từ tính toán sai hoặc sự hiểu lầm đối với các hoạt động tập trận xung quanh vùng biển tranh chấp. Đã ba thập kỷ kể từ những cuộc đụng độ giữa tàu chiến ở Biển Đông, liên quan đến quân đội và các cơ quan chấp pháp dân sự của Trung Quốc, Nhật Bản và các nước ASEAN. Vẫn chưa có dấu hiệu về việc hòa bình được thiết lập lâu dài trong tương lai gần, và Trung Quốc dường như đang “đổ thêm dầu vào lửa”. Hàn Quốc chỉ đơn giản là làm những gì cần phải làm, để theo kịp với tình hình đáng lo ngại hiện nay.
Tác giả Sukjoon Yoon (sjyoon6680@sejong.ac.kr), Đại tá Hải quân đã nghỉ hưu, là nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Chiến lược Biển Hàn Quốc và giáo sư khách mời tại Đại học Sejong, Seoul, Hàn Quốc. Bài viết đăng lần đầu tiên trên PacNet, số 87B.
Người dịch: Đinh Anh
Hiệu đính: Minh Ngọc
Nghiên cứu Biển Đông xin giới thiệu Báo cáo “Tăng cường kết nối giữa Hàn Quốc và các nước thành viên Quad tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”của Kristi Govella, Garima Mohan và Bonnie Glaser, chuyên gia Viện Quỹ German Marshall (GMF) . Theo nhóm tác giả, Hàn Quốc hiện có nhiều điều kiện để tăng hợp tác...
Ngày 28/8, tranh chấp Nhật-Hàn lại tiếp tục rơi vào bế tắc khi Nhật Bản chính thức loại Hàn Quốc ra khỏi “Danh sách trắng” về thương mại. Kể từ đầu tháng 7 đến nay, sau những đòn tấn công “ăn miếng trả miếng” quyết liệt, mâu thuẫn Nhật-Hàn đã leo thang, căng thẳng và phức tạp hơn. Cuộc khủng hoảng này...
Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia chủ chốt ở châu Á – Thái Bình Dương đồng thời cũng là là quốc gia đồng minh chính trong chiến lược của Mỹ ở khu vực. Nhưng thù hằn quá khứ dai dẳng của Hàn Quốc với Nhật Bản vẫn luôn sôi sục từ lâu. Giờ đây, động thái áp đặt hạn chế thương mại của Nhật Bản đối với...
Từ các tuyên bố và thể hiện chính sách thời gian qua của Tổng thống Moon có thể dự báo là trong thời gian tới, Hàn Quốc sẽ thực thi chính sách đối ngoại khác biệt so với thời kỳ Tổng thống Pak Geun-hye; đặc trưng bởi quyết tâm theo đuổi quan hệ độc lập hơn so với Mỹ, củng cố quan hệ với Nhật, duy trì...
Tốc độ tiến triển nhanh chóng của ngoại giao Triều Tiên khiến cho việc Nhật Bản và Hàn Quốc phối hợp chặt chẽ hơn về những thay đổi tiềm tàng đối với an ninh Đông Bắc Á trở nên quan trọng. Nhưng trước tiên họ phải vượt qua một số nỗi oán giận thâm căn cố đế.
Thích ứng và lên kế hoạch cho các tình huống bất ngờ từ Trung Quốc và Triều Tiên sẽ chiếm phần lớn trong chính sách quốc phòng và những vấn đề về việc mua sắm của Nhật Bản.