Thông cáo báo chí về

VỤ KIỆN GIỮA CỘNG HÒA PHILIPPINES VÀ CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA

La hay, ngày 29/10/2015

Tòa Trọng tài đưa ra Phán quyết về Thẩm quyền và Khả năng tiếp nhận, sẽ tổ chức thêm các phiên điều trần

Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của LHQ về Luật Biển (Công ước) để giải quyết vụ việc do CH Philippines khởi xướng, chống lại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đã ra Phán quyết về Thẩm quyền và Khả năng tiếp nhận. Vụ kiện này liên quan đến vai trò của "quyền lịch sử" và  căn cứ để tạo ra các vùng biển trên Biển Đông; quy chế của một số thực thể trên Biển Đông cũng như khả năng tạo ra các vùng biển của chúng và tính hợp pháp của một số hành động của Trung Quốc trên Biển Đông mà theo Philippines là đã vi phạm Công ước.

Do sự hạn chế của những vấn đề được phép đưa ra xét xử theo cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc của Công ước, Philippines luôn nhấn mạnh, nước này không yêu cầu Tòa giải quyết câu hỏi về chủ quyền đối với các thực thể mà cả Philippines lẫn Trung Quốc đều yêu sách trên Biển Đông. Cũng như Philippines không yêu cầu Tòa phân định ranh giới trên biển giữa hai quốc gia. Trung Quốc lặp đi lặp lại rằng "sẽ không bao giờ chấp nhận hay tham gia vào vụ kiện do Philippines đơn phương khởi xướng." Tuy nhiên, Trung Quốc đã làm rõ quan điểm - đặc biệt là trong "Tài liệu lập trường của Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về vấn đề thẩm quyền của Tòa trong vụ kiện do Cộng hòa Philippines khởi xướng" (Tài liệu lập trường của Trung Quốc) xuất bản tháng 12/2014 - rằng Tòa không có thẩm quyền xem xét đơn kiện của Philippines.

Theo Công ước, một tòa trọng tài phải đảm bảo là mình có thẩm quyền xem xét đối với vấn đề được trình lên, ngay cả khi một bên trong vụ việc quyết định không tham gia vào quá trình tố tụng hay đưa ra phản đối chính thức. Vì thế, Tòa Trọng tài trong vụ này, vào tháng 4/2015, đã quyết định xem Tài liệu lập trường của Trung Quốc có giá trị như một bản tự biện hộ của nước này về thẩm quyền của Tòa và quyết định tổ chức phiên điều trần về Thẩm quyền và Khả năng tiếp nhận tại La-hay trong các ngày 7, 8 và 13/7/2015.

Phán quyết ngày hôm nay của Tòa được đưa ra trên cơ sở nhất trí, không có ý kiến trái ngược giữa các trọng tài và chỉ liên quan đến vấn đề: liệu Tòa có thẩm quyền xem xét các yêu cầu của Philippines không và liệu những yêu cầu đấy có thể được tiếp nhận hay không. Phán quyết không quyết định bất cứ khía cạnh nào về mặt nội dung (merit) của tranh chấp. Trong phán quyết này, Tòa Trọng tài nhận định rằng cả Philippines lẫn Trung Quốc đều là các thành viên của Công ước và bị ràng buộc bởi các điều khoản về giải quyết tranh chấp. Tòa cũng nhận thấy việc Trung Quốc quyết định không tham gia vào vụ kiện không làm mất đi thẩm quyền của Tòa và việc Philippines đơn phương khởi xướng vụ kiện không phải là sự lạm dụng quy chế giải quyết tranh chấp của Công ước. Sau khi xem xét các lập luận của Philippines, Tòa bác bỏ lập luận Trung Quốc nêu trong Tài liệu Lập trường rằng tranh chấp giữa các bên thực chất là tranh chấp chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông và do đó, không thuộc thẩm quyền của Tòa. Tòa cũng bác bỏ lập luận Trung Quốc đưa ra trong Tài liệu Lập trường là tranh chấp này thực chất là tranh chấp về phân định ranh giới trên biển trên biển giữa hai nước và do đó, bị loại trừ khỏi thẩm quyền của Tòa bởi tuyên bố năm 2006 của Trung Quốc. Ngược lại, Tòa quyết định rằng tất cả các nội dung mà Philippines yêu cầu giải quyết trong đơn kiện đều phản ảnh loại tranh chấp liên quan đến  giải thích và áp dụng Công ước giữa hai quốc gia. Tòa cũng quyết định rằng trong vụ việc này, không có quốc gia nào là bên thứ ba không thể vắng mặt.

Đối với các quy định của Công ước về điều kiện tiền đề để Tòa thực thi thẩm quyền, Tòa bác bỏ lập luận trong Tài liệu Lập trường của Trung Quốc rằng Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông 2002 là một thỏa thuận mà theo đấy, các bên sẽ giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông chỉ duy nhất bằng con đường đàm phán. Trái lại, Tòa quyết định rằng Tuyên bố 2002 chỉ là một tuyên bố chính trị, không có giá trị pháp lý và vì thế, không phù hợp với những điều khoản trong Công ước vốn ưu tiên cho các hình thức giải quyết tranh chấp do các bên tự thỏa thuận. Tòa đồng thời quyết định rằng những thỏa thuận và tuyên bố chung khác giữa Philippines và Trung Quốc không cản trở, loại trừ việc Philippines giải quyết tranh chấp với Trung Quốc dựa theo cơ chế của Công ước. Hơn nữa, Tòa quyết định rằng Philippines đã đáp ứng quy định của Công ước về trao đổi quan điểm về việc giải quyết tranh chấp và các nỗ lực đàm phán với Trung Quốc của Philippines đạt đến đủ mức độ mà Công ước và luật quốc tế nói chung yêu cầu.

Sau đó Tòa xem xét đến các giới hạn và ngoại lệ, như được quy định trong Công ước là sẽ loại trừ các tranh chấp liên quan đến một số chủ đề ra khỏi cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc. Tòa nhận thấy việc xác định các vấn đề mà Philippines khởi kiện có rơi vào trường hợp ngoại lệ hay không, trong một số trường hợp, có liên quan đến cả vấn đề nội dung. Ví dụ, liệu Tòa có thẩm quyền để giải quyết yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông hay không còn tùy thuộc vào đánh giá của Tòa về tính chất của các quyền mà Trung Quốc yêu sách. Tương tự như vậy, liệu Tòa có thẩm quyền xét xử đối với các hoạt động trên biển của Trung Quốc ở Biển Đông hay không có thể phụ thuộc vào quyết định của Tòa về các vùng biển được tạo ra bởi các thực thể mà Trung Quốc yêu sách có tạo ra các vùng chồng lấn với vùng biển của Philippines hay không. Tòa cũng nhận thấy vị trí cụ thể của các hoạt động cũng như ngoại lệ của Công ước về các hoạt động quân sự có thể gây cản trở cho thẩm quyền của Tòa đối với một số điểm mà Philippines đề ra.

Từ những điều trên, Tòa kết luận rằng Tòa có thẩm quyền đối với các vấn đề được nêu ra trong bảy điểm mà Philippines đệ trình. Tuy nhiên, Tòa kết luận thẩm quyền đối với bảy điểm đệ trình còn lại của Philippines cần được xem xét thêm chung với các đánh giá về mặt nội dung của vụ kiện. Tòa cũng yêu cầu Philippines làm rõ và giới hạn lại một trong số các đệ trình của mình.

Tòa sẽ tổ chức tiếp một phiên điều trần về vấn đề nội dung của các điểm mà Philippines khởi kiện. Sau khi tham khảo ý kiến các bên, Tòa đã ấn định tạm thời thời gian của phiên điều trần kế tiếp. Giống như phiên điều trần về Thẩm quyền và Khả năng tiếp nhận, phiên điều trần về mặt nội dung của vụ kiện sẽ tiếp tục họp kín, tuy nhiên Tòa sẽ cân nhắc cho phép các quốc gia có quan tâm được gửi đến một phái đoàn quan sát viên nhỏ. Tòa Trọng tài thường trực (PCA) đóng vai trò là Cơ quan đăng ký của vụ kiện, sẽ công bố các Thông cáo báo chí tiếp theo khi phiên điều trần về vấn đề nội dung bắt đầu và kết thúc. Tòa hy vọng sẽ đưa ra phán quyết về nội dung của vụ kiện và các vấn đề thẩm quyền còn lại trong năm 2016.

Theo Tòa Trọng tài Thường trực (PCA).

Diệp Chi (dịch)

Kim Minh (hiệu đính)