Những luận điểm chính

- Trung Quốc đã chuyển hướng sang Nga để tìm kiếm sự giúp đỡ về kinh tế và chính trị trướcnhững thách thức đến từ Mỹ.

- Nga có những lý do của riêng mình, trong đó có những thách thức họ phải đối mặt từ Mỹ, để giúp đỡ Trung Quốc.

- Nga và Trung Quốc không phải là những đồng minh tự nhiên và họ nghi ngờ về từng động thái của nhau nhiều hơn là tin tưởng.

-Những nghi ngờ này sẽ hủy hoại và làm cho bất kỳ thỏa thuận song phương nào mà họ có thể đạt được bị thất bại.

                                   

Tóm tắt

Phần thứ nhất của bài viết này cho thấy rằng bất chấp các tuyên bố trái ngược và sự ngạo mạn của mình, Trung Quốc vẫn phải phụ thuộc vào Mỹ trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các chính sách kinh tế và đối ngoại hung hăng của Chủ tịch Tập Cận Bình khiến phần lớn các nước châu Á cảm thấy khó chịu, gây ra mối nghi ngờ về các động thái của Trung Quốc, và có lẽ điều tồi tệ nhất là khiến Mỹ, hiện dưới thời một Tổng thống khoa trương và hống hách, thực hiện những biện pháp nhằm cản trở tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Tình trạng tăng trưởng trì trệ của Trung Quốc đã khiến ban lãnh đạo nước này quan ngại, bởi tính hợp pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phần lớn dựa trên lời hứa của họ về sự thịnh vượng kinh tế. Tốc độ tăng trưởng chậm lại khiến Tập Cận Bình yêu cầu thắt lưng buộc bụng và chuẩn bị sẵn sàng cho thời kỳ khó khăn. Ông đã hô hào người dân Trung Quốc sẵn sàng cho một cuộc “Vạn lý trường chinh” mới, qua đó viện dẫn những khó khăn và sự hy sinh mà Mao Trạch Đông và các đồng sự của ông đã trải qua trong thế kỷ XX. Điển hình là lý do dẫn đến thời điểm khó khăn hiện nay được cho là do tình hình quốc tế “ngày càng phức tạp”. Không hề đề cập đến thái độ hung hăng của Trung Quốc trong chính sách ngoại thương và đối ngoại và việc từ bỏ “câu thần chú” của Đặng Tiểu Bình là “quyết không đi đầu” và “giấu mình chờ thời”, nhằm ưu tiên cho cách tiếp cận hung hăng của Trung Quốc trong quan hệ với cộng đồng quốc tế. Cách tiếp cận hung hăng mà phần lớn dựa trên niềm tin rằng sức mạnh kinh tế và quân sự của họ có thể ngăn chặn đượcsự trả đũa, giờ đây đã phản tác dụng. Tổng thống Trump đã thực hiện một vài biện pháp để cản trở sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc màđ ã gây tổn hại đến ngân sách của Mỹ. Khi làm như vậy, ông cũng đã phá hoại kế hoạch của Trung Quốc nhằm trở thành một công xưởng toàn cầu và sau đó là cả ý định trở thành một nước bá quyền kinh tế toàn cầu của quốc gia này.

Điều xảy ra tiếp theo còn tồi tệ hơn. Không bằng lòng với việc cản trở tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, Tổng thống Trump còn tìm cách tái thiết quân đội Mỹ, vốn đã bị chính quyền tiền nhiệm làm suy yếu. Như phần thứ hai của bài viết đã chỉ ra, chẳng hạn, Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mà họ đã ký kết với Liên Xô và tiếp tục duy trì với Nga. Hiệp ước đó đã ngăn không cho Mỹ chế tạo các tên lửa có tầm phóng từ 500-5.500 km. Trung Quốc, vốn không bị ràng buộc bởi những sự hạn chế như vậy, đã sử dụng cơ hội mà họ có được để chế tạo các tên lửa với tầm phóng nằm trong khoảng đó. Quả thật, ước tính khoảng 80% kho tên lửa của Trung Quốc nằm trong tầm phóng đó. Bằng việc rút khỏi Hiệp ước INF, Tổng thống Trump đã cho phép Mỹ một lần nữa được chế tạo các tên lửa tầm trung có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân. Trung Quốc đã tìm cách giữ chân lực lượng Hải quân Mỹ hùng mạnh cách xa bờ biển nước này bằng việc chế tạo tên lửa Dong Feng-21 (DF-21), cùng với những vũ khí khác, nhằm phá hủy tàu thuyền, thậm chí là cả các tàu sân bay. Nếu các tàu sân bay của Mỹ nỗ lực chuyên chở máy bay chiến đấu trong phạm vi tác chiến, thì Trung Quốc chắc chắn rằng các tên lửa DF-21 có thể nhấn chìm chúng vì tên lửa này có tầm phóng xa hơn. Giờ đây, biện pháp hạn chế đối với việc chế tạo tên lửa tầm trung đã được gỡ bỏ, tuy nhiên, Hải quân Mỹ có thể sử dụng các tên lửa của họ để tiêu diệt các tên lửa DF-21 trước khi điều máy bay tấn công các mục tiêu ở Trung Quốc trong trường hợp xảy ra chiến tranh giữa hai nước. Mong muốn của Trump là bố trí các tên lửa ở châu Á và triển khai khoảng 2.500 quân nhân Mỹ ở Darwin (Úc), nơi biểu trưng cho việc quân đội Mỹ tiếp tục tập trung vào châu Á, chỉ có thể tăng thêm vào những mối quan ngại của Chủ tịch Tập Cận Bình về một nước Mỹ ngày càng đối địch.

Chính những mối quan ngại này đã khiến Chủ tịchTập Cận Bình giờ đây chuyển hướng sang Nga, một nước khác mà Tổng thống Trump cũng đang thách thức bằng các biện pháp trừng phạt về kinh tế cũng như các yêu cầu đổi mới và củng cố Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Như một nguồn tin cho biết, việc Chính quyền Trump xếp hai nước, vốn là kẻ thù của nhau trong Chiến tranh Lạnh, là những mối đe dọa chính và là kẻ thù hàng đầu đối với sự chi phối toàn cầu của Mỹ đã thúc đẩy Bắc Kinh và Moskva tiến lại gần nhau. Cả hai nước đều trong tình trạng cảnh giác cao độ để đối phó với chiến lược an ninh quốc gia “nước Mỹ trước tiên” của Washington.

Tuy nhiên, phần kết luận của bài viết này sẽ cho thấy việc Trung Quốc chuyển hướng sang Nga để tìm kiếm sự ủng hộ là chỉ dựa trên nhu cầu trước mắt và nếu xét đến sự nghi ngờ lẫn nhau trong lịch sử giữa họ, thì liên minh này có xu hướng sẽ đổ vỡ.

Phân tích

Nga đã tiến hành các cuộc tập trận Vostok năm 2018 từ ngày 11-17/9/2018, đây là cuộc tập trận lớn nhất của nước này từ trước đến nay. Với hơn 300.000 quân, 1.000 máy bay, 36.000 phương tiện chiến đấu và 80 tàu tham gia, Vostok 2018 vượt trội hơn hẳn so với cuộc tập trận quân sự lớn nhất của Liên Xô diễn ra vào năm 1981. Cuộc tập trận này được tiến hành trên 5 lĩnh vực huấn luyện, trên biển Nhật Bản, biển Bering và biển Okhotsk. Trung Quốc, từ lâu đã tuyên bố mong muốn góp mặt, đã được mời tham gia các cuộc tập trận năm 2018. Khoảng 3.500 binh lính Trung Quốc cùng với trực thăng và máy bay đã tham dự. Trung Quốc tụt hậu so với Nga trong huấn luyện sĩ quan và việc di chuyển, triển khai và chỉ huy quân, cũng tìm cách thu lợi từ kinh nghiệm quân sự của Nga ở Syria và Ukraine. Trung Quốc học hỏi được nhiều điều từ Nga, một cường quốc một lần nữa đang trỗi dậy ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, như một chuyên gia lưu ý. Ngoài ra, Bắc Kinh đã mua các vũ khí tối tân, như hệ thống tên lửa S-400 và các phương tiện như máy bay chiến đấu Sukhoi Su-35 từ Nga. Theo tờ báo của ĐCSTQ Thời báo hoàn cầu, Moskva cũng đề nghị bán loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Sukhoi Su-57 cho Bắc Kinh, và quân đội Trung Quốc gần đây đã tuyên bố hai nước hiện đangcùng sản xuất trực thăng vận tải hạng nặng.

Mối quan hệ ngày càng khăng khít của họ đã giúp Trung Quốc và Nga cùng tiến hành các cuộc tập trận quân sự khác. Chẳng hạn, tháng 7/2019, hai máy bay ném bom Tu-05 “Bear” của Nga đã gặp hai máy bay ném bom HK-6 của Trung Quốc trong vùng không phận quốc tế phía Tây biển Thái Bình Dương. Sau đó, họ tiến hành thăm dò không phận của một hòn đảo mà cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều tuyên bố chủ quyền. Hai nước này đã điều máy bay chiến đấu để ngăn chặn máy bay ném bom của Nga và Trung Quốc và cảnh báo họ tránh xa vùng không phận của hòn đảo này. Khi máy bay ném bom của Nga và Trung Quốc không quay lại sau một vài lần cảnh báo, máy bay chiến đấu của Nhật Bản và Hàn Quốc đã bắn hơn 300 quả đạn pháo. Mặc dù sau đó vụ việc này đã được nói giảm nói tránh thành một sự cố kỹ thuật, nhưng dường như nó là khởi đầu cho một liên minh mới, dù là ra đời vì hoàn cảnh bắt buộc, tìm cách thăm dò mức độ quyết tâm của các đồng minh khu vực với Washington.

Liên minh Trung-Nga non trẻ này dựa trên một chỉ thị gần đây của Chính phủ Nga khi yêu cầu đàm phán với Bắc Kinh về việc chuẩn bị một thỏa thuận mới cho hợp tác quân sự. Hoạt động tuần tra chung trên không là kết quả của chỉ thị đó. Ngoài ra, như tờ Thời báo hoàn cầu lưu ý, “Nga và Trung Quốc sẽ trao đổi thông tin về việc Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của hai nước này”. Tờ báo này nói thêm rằng Moskva công nhận những tuyên bố của Bắc Kinh khi cho rằng Mỹ đang can thiệp vào công việc nội bộ của họ ở Tân Cương và Hong Kong đồng thời xem những tuyên bố này là hết sức nghiêm trọng. Họ có lý do để làm điều đó. Moskva cũng tuyên bố Mỹ đứng đằng sau các cuộc biểu tình đòi dân chủ đang diễn ra ở nước họ. Tóm lại, Mỹ đã khiến Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau. Như người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố, cuộc tuần tra chung trên không là kết quả của nỗ lực nhằm củng cố mối quan hệ và “nhằm mục tiêu làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của Nga và Trung Quốc và thúc đẩy sự phối hợp chiến lược và khả năng chiến đấu chung của hai nước”. Một tác giả người Nga làm việc cho một tờ báo của Trung Quốc đã nhắc lại ý kiến đó. Ông lưu ý rằng chắc chắn sẽ có sự hợp tác hơn nữa giữa hai nước trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa, phòng không và không gian và trong các cuộc tập trận quân sự trong tương lai.

Dù điều đó có vẻ lạc quan, nhưng chắc chắn cả Nga và Trung Quốc đều nhận thức được nhiều thách thức mà họ cần phải vượt qua nếu họ thực sự đang nỗ lực phối hợp để chống lại Mỹ và các đồng minh của nước này. Thách thức lớn nhất trong số đó là sự nghi ngờ lẫn nhau ngập tràn trong mối quan hệ này.

Nga và Trung Quốc từng là kẻ thù trong hàng thế kỷ và đã vài lần chiến tranh với nhau. Lần gần đây nhất hai nước xảy ra chiến tranh là vào năm 1968. Hầu hết các cuộc chiến này, nếu không muốn nói là tất cả, đều là vì vấn đề lãnh thổ. Biên giới Trung-Nga trải dài hơn 4.000 km nên phần nào đã gây ra những tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước. Từ năm 1860 đến năm 1937, Nga (với tư cách là Liên Xô) đã đuổi toàn bộ người Hoa khỏi Siberia, vốn đã sinh sống ở đây trong khoảng 1.000 năm. Ngày nay, Siberia rộng khoảng 6,5 triệu km2, bằng 2/3 lãnh thổ Trung Quốc; và có khoảng 6 triệu người sống ở khu vực biên giới này. Mặc dù tranh chấp lãnh thổ đã được giải quyết một cách chính thức, nhưng về mặt không chính thức, người Nga vẫn hết sức quan ngại rằng người Trung Quốc có thể mong muốn lấy lại vùng lãnh thổ mà họ xem là của mình. Tình trạng thiếu nước sạch ở Trung Quốc – ước tính 40% nguồn nước của Trung Quốc không đảm bảo an toàn cho người sử dụng, tuy nhiên có đến 50% dân số (700 triệu người) hiện đang sinh hoạt nhờ vào nguồn nước ô nhiễm này – chỉ là một nhân tố buộc Trung Quốc phải tái định cư ở Nga. Thông tin Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng một đường ống dẫn nước dài 1.000 km từ hồ Baikal của Nga, nơi Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền, đến các thành phố của mình chỉ làm gia tăng thêm những mối quan ngại của Moskva. Ở các khu vực biên giới của Siberia, số lượng các thương nhân, nhà doanh nghiệp và du khách Trung Quốc tức giận ngày càng nhiều. Như một công dân Nga cho biết: “Nếu chúng tôi để họ làm, thì người Trung Quốc sẽ nhảy vào kiểm soát. Họ sẽ chỉ đánh cắp tất cả tiền bạc và người dân địa phương sẽ không nhận được gì cả”. Chủ nghĩa dân tộc ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc ở khu vực biên giới đã làm trầm trọng thêm tình hình và biến những nỗi lo ngại của Nga về một cuộc xâm lược ngấm ngầm của Trung Quốc trở nên chính đáng.

Nga có những lý do khác để thận trọng trước những ý định của Bắc Kinh. Hiện nay, nền kinh tế của Trung Quốc lớn gấp khoảng 9 lần quy mô nền kinh tế của Nga. Sức mạnh kinh tế thúc đẩy công cuộc hiện đại hóa quân đội của nước này đồng thời cung cấp cho ngân sách quân sự, hiện gấp 6 lần so với Nga. Sự phát triển về quân sự đó, kết hợp với chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc ngày càng mở rộng, đã tạo ra các bản đồ quân sự cố ý thể hiện biên giới của Trung Quốc trải dài từ Siberia đến hồ Baikal. Theo giả thuyết, đó có thể là bước đi đầu tiên trong một tiến trình để qua đó Trung Quốc có thể cạnh tranh với các chiến thuật mà Nga sử dụng ở Transnistria, Abkhazia, Nam Ossetia và Crimea để tranh giành lãnh thổ: cấp thị thực Trung Quốc cho những người ủng hộ nước này ở các khu vực tranh chấp, sau đó đưa lực lượng quân sự đến khu vực đó để bảo vệ họ. Nếu điều đó xảy ra, Bắc Kinh có thể sử dụng Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) và trong tương lai là Ủy ban kinh tế Á-Âu (EEC) để hợp nhất nền kinh tế nước này với nền kinh tế của Nga và các nước Trung Á vào một khu vực thương mại tự do gần gũi đến mức làm cho các nước này gần như hoàn toàn phụ thuộc vào các nhà máy của Trung Quốc, do đó biến họ chẳng hơn gì các nguồn nguyên liệu thô và gia tăng sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc. Nếu Trung Quốc có thể tạo ra điều gì đó tương đương như một thỏa thuận Schengen, như Ủy viên Quốc vụ viện và Ngoại trưởng Vương Nghị kêu gọi hồi tháng 5/2019, thì họ có thể kiểm soát phần lớn lục địa châu Á, trong đó có Nga, và các nguồn lực của họ thông qua việc tái định cư công dân.

Có thể nói, những quan ngại lớn nhất của Nga về Trung Quốc là sáng kiến “Vành đai và Con đường” và tình trạng băng tan vùng Bắc Cực do biến đổi khí hậu. Dự án di sản của Chủ tịch Tập Cận Bình, sáng kiến “Vành đai và Con đường”, bao gồm việc xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng lớn trên khắp Trung Á, một khu vực mà Moskva nhìn nhận là sân sau của mình. Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã vượt Nga về lĩnh vực thương mại, đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực. Mặc dù tầm ảnh hưởng chính trị của Nga ở đây vẫn mạnh mẽ, nhưng tầm ảnh hưởng về kinh tế của Trung Quốc đang dần gia tăng, do đó họ đang thay thế Nga trong khu vực này.

Tuyến đường bộ của sáng kiến “Vành đai và Con đường” đi qua Trung Á, điều này buộc Bắc Kinh phải bảo vệ nó. Bắc Kinh cũng cần phải đảm bảo một môi trường an toàn trong khu vực để chắc chắn rằng hoạt động nhập khẩu năng lượng của họ vẫn an toàn. Trung Quốc cũng sẽ mong muốn bảo vệ quyền tiếp cận các nguồn lực khác trong khu vực. Như một báo cáo lưu ý, đến tháng 4/2017, Trung Quốc đã đầu tư 304,9 tỷ USD vào các hợp đồng với các đối tác trong khu vực trong lĩnh vực vận tải, thông tin liên lạc, cơ sở hạ tầng năng lượng, tài chính, chuyển giao công nghệ và thương mại. Trung Quốc cũng sẽ mong muốn bảo vệ quyền tiếp cận các nguồn lực chiến lược, như các mỏ li-ti (lithium) và đồng ở Afghanistan, như một tài liệu về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trước đây cho biết. Việc có được những nguồn lực này sẽ mang đến những lợi ích trước mắt và trong dài hạn cho Trung Quốc. Tuy nhiên, sự hiện diện ngày càng gia tăng của họ ở Trung Á có thể cản trở mối quan hệ với Nga, nước có thể thấy bản thân mình trở thành một đối tác thấp kém hơn và gần như không quan trọng trong một cuộc chơi địa chính trị lớn hơn nhiều. Nga có thể thấy mình bị gạt sang một bên trong một khu vực mà họ từng xem là sân sau.

Ngoài việc tự đưa mình vào sân sau của Nga và gia tăng tầm ảnh hưởng ở đây, Trung Quốc hiện còn đang cố gắng gia tăng tầm ảnh hưởng của nước này ở sân trước của Moskva – khu vực Bắc Cực. Với tình trạng băng tan ở Bắc Cực do hậu quả của biến đổi khí hậu, Trung Quốc nhận thấy có một tuyến đường vận chuyển hàng xuất khẩu của mình sang châu Âu và Bắc Mỹ mà không phải sử dụng tuyến đường dài và căng thẳng về mặt chiến lược hơn như khi đi qua eo biển Malacca. Nga, vốn đã chứng kiến nền kinh tế nước này thu hẹp lại trong những năm gầy đây, yêu cầu sự giúp đỡ của Trung Quốc ở Bắc Cực để tiếp cận các nguồn lực của khu vực này và phát triển cơ sở hạ tầng của mình. Trung Quốc cần tiến vào Bắc Cực để tiếp cận các nguồn lực của khu vực này và phát triển khả năng kỹ thuật của riêng mình.

Ước tính tại khu vực Bắc Cực có khoảng 13% trữ lượng dầu mỏ và 30% trữ lượng khí tự nhiên của thế giớibiến nơi đây trở thành một khu vực có lợi ích then chốt đối với Nga. Điều này cũng có thể giải thích tại sao Moskva ngăn các nước không tiếp giáp với vùng Bắc Cực tham gia Hội đồng Bắc Cực và muốn ủng hộ nhóm “5 nước Bắc Cực” nhỏ hơn – Canada, Đan Mạch (đảo quốc Greenland), Na Uy, Nga và Mỹ - để đối phó với tất cả các vấn đề liên quan đến khu vực này, bất chấp thực tế rằng Nga có mối quan hệ đối địch với các nước này. Có lẽ việc nhận ra tiềm năng đó đã khiến Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu phàn nàn hồi đầu năm 2015, ngầm ám chỉ Trung Quốc rằng: “Việc Bắc Cực đang biến thành một trong những trung tâm của thế giới trong lĩnh vực sản xuất dầu mỏ và là một ngã ba quan trọng cho thông tin liên lạc vận tải không còn là một bí mật nữa. Một số nước phát triển không có quyền tiếp cận trực tiếp các vùng địa cực lại ngoan cố tranh giành Bắc Cực, thực hiện các bước đi chính trị và quân sự nhất định theo định hướng đó”.

Có thể xem như một lời cảnh báo đối với Trung Quốc rằng Nga sẽ không sẵn lòng nhượng lại các lợi thế kinh tế và chiến lược mà Bắc Cực mang lại cho họ, ông Shoigu đã nói thêm rằng: “Sự hiện diện quân sự liên tục ở Bắc Cực và khả năng bảo vệ các lợi ích của nhà nước bằng các biện pháp quân sự được xem là một phần không thể thiếu trong chính sách chung nhằm bảo vệ an ninh quốc gia”.

Tóm lại, Nga sẽ phản đối sự hiện diện của Trung Quốc đe dọa đến an ninh quốc gia của họ, và bằng biện pháp quân sự nếu họ cho là cần thiết, ở nơi họ coi là sân trước và sân sau của mình.

Giữa hai nước lại có một lĩnh vực có tiềm năng gây bất đồng khác. Gần đây, Việt Nam đã thách thức Trung Quốc một cách nhẹ nhàng nhưng đầy kiên quyết khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần 90% diện tích Biển Đông. Việt Nam muốn tiếp cận các mỏ năng lượng ngoài khơi nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Nhận ra khó khăn của việc làm như vậy trước áp lực của Trung Quốc, Hà Nội đã yêu cầu Nga giúp đỡ họ trong công tác khảo sát khu vực này và tiếp cận các mỏ năng lượng đó.

Bác bỏ việc sợ hãi trước hành vi bắt nạt của Trung Quốc, trong khi thừa nhận sức mạnh kinh tế và quân sự áp đảo của họ, Hà Nội đã chuyển hướng sang Moskva để tìm kiếm sự giúp đỡ. Gã khổng lồ ngành năng lượng của Nga Rosneft đã nhanh chóng ký kết một thỏa thuận với Hà Nội để thăm dò dầu khí ở Biển Đông. Tình hình đó chỉ có thể gây ra thêm sự bất đồng giữa Moskva, nước sẽ không từ bỏ quan hệ với Hà Nội trừ khi có khoản lợi nhuận thay thế cao cho việc làm như vậy, và Bắc Kinh, nước nhìn nhận việc Moskva ngầm bảo vệ Việt Nam là một thách thức đối với các tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông

Moskva có chính sách Biển Đông không rõ ràng. Tuy bề ngoài họ ủng hộ tuyên bố chủ quyền và “đường 9 đoạn” của Trung Quốc, đồng thời kịch liệt phản đối các chính sách và hành động của Mỹ ở khu vực này, nhưng những hành động của chính Moskva ở đây lại không hề cho thấy sự ủng hộ dành cho Trung Quốc. Nga sẽ không thách thức công khai Hải quân Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh nhận ra rằng nếu họ hành động chống lại các nguồn lực của Rosneft ở Biển Đông, thì Moskva sẽ gây nguy hại cho tuyến Vành đai và Con đường băng qua Trung Á, cũng như có thể gây tổn hại đến các khoản đầu tư trị giá 7 tỷ USD của Trung Quốc vào Ukraine, mà bản thân nó vốn đã là một nguồn gây bất đồng khác giữa Moskva và Bắc Kinh.

Hà Nội cũng gửi một lời cảnh báo ngầm đến Bắc Kinh rằng họ có thể trực tiếp chống lại các lợi ích của Trung Quốc khi họ ký kết một thỏa thuận với tập đoàn dầu khí của Mỹ Exxonmobil để thăm dò các mỏ năng lượng ở mỏ Cá Voi Xanh, nằm ở ngoài khơi một cảng biển Đà Nẵng có vai trò quan trọng về mặt chiến lược, nơi Washington vô cùng mong muốn có được quyền tiếp cận. Đây là một thông điệp thẳng thắn: Nếu Trung Quốc đe dọa Việt Nam, thì Hà Nội có thể dễ dàng ký kết một thỏa thuận an ninh với Washington như họ đã làm với một công ty Mỹ.

Kết luận là Trung Quốc và Nga đã tiến lại gần nhau vì sự sợ hãi trước kẻ thù chung chứ không phải vì những lý do tích cực hơn. Họ có nhiều sự nghi ngờ lẫn nhau hơn so với những lý do để kết hợp các lực lượng. Xét tới cơ sở đó, liên minh giữa họ không có khả năng sẽ tồn tại lâu dài. Trong trường hợp đó, Trung Quốc sẽ thấy mình thực sự bị cô lập và hoàn toàn phụ thuộc vào những nước mà họ đã kiểm soát để duy trì việc vận hành nền kinh tế của mình.

Tác giả bài viết là Lindsay Hughes, một nhà nghiên cứu cao cấp trong Chương trình Nghiên cứu Ấn Độ - Thái Bình Dương tại tổ chức Định hướng tương lai Quốc tế. Bài viết được đăng tải trên trang web của Future Directions International.

Tuấn Minh (gt)