Tháng 4 vừa qua, Kiron Skinner - cựu Giám đốc hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ - cho rằng chiến lược mới của Mỹ đối với Trung Quốc được xây dựng dựa trên nhận thức rằng cuộc xung đột hiện nay với Bắc Kinh "là một cuộc chiến với một nền văn minh khác và một hệ tư tưởng khác mà Mỹ chưa từng gặp phải trước đây". Với Trung Quốc, Skinner gợi ý đây là "lần đầu tiên Mỹ sẽ có một đối thủ cạnh tranh quyền lực lớn không phải là người da trắng". Những bình luận của bà đã được nhiều người hiểu rằng bà đề cập đến cuốn sách "Cuộc xung đột giữa các nền văn minh" (Clash of Civilations) của tác giả Samuel Huntington.

Nhận xét của Skinner đã vấp phải nhiều ý kiến chỉ trích vì sự thiếu hiểu biết sâu sắc, cũng như không chính xác về mặt lịch sử. Các đối thủ về ý thức hệ hoặc "không phải người da trắng" trước đây được những người chỉ trích nêu tên bao gồm Đức Quốc xã và Đế quốc Nhật Bản. Tuy nhiên, có một ví dụ gần đây hơn về sự cạnh tranh quyền lực đang gia tăng liên quan đến những phát biểu công khai chính thức nhằm dán nhãn cho "phe đối lập" về cơ bản là khác biệt và vì sự khác biệt đó đòi hỏi Mỹ phải có cách tiếp cận đối đầu hơn: cái được gọi là "vấn đề Nhật Bản" trong thập kỷ 80 và 90 của thế kỷ trước. Nó mang những điểm tương đồng nổi bật với sự cứng rắn hiện nay trong những phát biểu của Mỹ về Trung Quốc và sự chắc chắn (mới phát hiện) rằng Trung Quốc sẽ không trở nên giống Mỹ hơn.

Sau Chiến tranh Thế giới II, việc Nhật Bản nhanh chóng chuyển từ kẻ thù sang đồng minh thân thiết của Mỹ và sau đó trở thành cường quốc kinh tế đã trở thành một câu chuyện nổi tiếng. Nhật Bản đã nhanh chóng được công nhận là một trong những nền kinh tế phương Tây phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OECD) và là một phần của trật tự tư bản dân chủ tự do do Mỹ dẫn đầu.

Điều này đã thay đổi khi mối quan hệ kinh tế Mỹ-Nhật trở thành nguồn gốc của sự cạnh tranh. Từ năm 1982, Nhật Bản đã trở thành đối tác thương mại thâm hụt lớn nhất của Mỹ và năm 1985 là chủ nợ lớn nhất của nước này. Tình trạng thâm hụt thương mại ngày càng tăng và khoản nợ của Mỹ đã gây ra một cuộc tranh luận về khả năng Nhật Bản vượt Mỹ về mặt kinh tế.

Tại Washington đã xuất hiện những lời giải thích cho rằng Nhật Bản khác với phương Tây - khi chệch hướng khỏi các nguyên tắc thương mại tự do và chủ nghĩa tư bản thị trường - so với trước đây. Các nhãn mác mới như "quốc gia phát triển" và "chủ nghĩa tư bản tương đối" đã được tạo ra để định nghĩa lại Nhật Bản liên quan đến lý thuyết kinh tế hiện tại.

Sự khác biệt của Nhật Bản được giải thích thêm thông qua những mô tả hoàn toàn tương phản về văn hóa và xã hội. Ví dụ năm 1991, Samuel Huntington khi so sánh Nhật Bản với Mỹ đã viết rằng "một bên nhấn mạnh vào tính tập thể, sự đồng thuận, chính quyền, hệ thống cấp bậc, kỷ luật; bên kia chú trọng chủ nghĩa cá nhân, sự cạnh tranh, bất đồng ý kiến, chủ nghĩa bình quân, tính tư lợi không bị kiềm soát... Một bên xác định con đường lâu dài và và tiết kiệm và đầu tư; bên kia tập trung vào mục tiêu ngắn hạn và chi tiêu và tiêu dùng". Khi sức ép của Mỹ - được thực hiện thông qua các biện pháp thuế quan, đàm phán, các sáng kiến và khuôn khổ khác nhau - thất bại trong việc làm giảm thâm hụt thương mại, cam kết của Nhật Bản về trật tự tự do nói chung và liên minh Mỹ-Nhật nói riêng đã bị nghi ngờ. Một Nhật Bản đang trỗi dậy không chỉ được coi là mối đe dọa đối với sự thống trị về kinh tế của Mỹ, mà còn được cho là đang thúc đẩy một "Pax Nipponica" - một trật tự thương mại theo thuyết trọng thương mới.

Nền kinh tế Nhật Bản trở nên "khác biệt, khép kín và đe dọa". Những ám chỉ về việc Nhật Bản "không công bằng", "gian lận" và "chiến tranh kinh tế" đã trở nên phổ biến; một cuộc thăm dò do tờ New York Times (Mỹ) thực hiện hồi cuối thập kỷ 80 và đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước cho thấy công chúng Mỹ coi nền kinh tế Nhật Bản là một mối đe dọa lớn hơn so với quân đội Liên Xô. Nhật Bản đã thay thế Liên Xô trở thành "kẻ ngoại đạo". Những người theo chủ nghĩa xét lại có ảnh hưởng trong chính quyền đầu tiên của Bill Clinton đã lập luận rằng Nhật Bản "khác biệt về cơ bản" và việc đối phó với Nhật Bản đòi hỏi một cách tiếp cận đối đầu hơn so với phương pháp của chủ nghĩa tư bản dân chủ tự do thông thường.

Trong thực tế, chiến lược "định hướng kết quả" này đã được chứng minh là không thành công. Nó đã bị lặng lẽ chôn vùi khi nền kinh tế và thâm hụt thương mại của Nhật Bản suy giảm đáng kể trong nửa cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX (và khi thâm hụt của Mỹ giảm và sự chú ý bắt đầu chuyển sang một Trung Quốc đang trỗi dậy). Toàn bộ những sự kiện quan trọng đánh dấu cuộc đụng độ gay gắt nhất giữa Mỹ và Nhật Bản thời hậu chiến, với khả năng phá hoại cơ sở khái niệm về mối quan hệ giữa hai quốc gia. Mặc dù những thông tin lan truyền lớn hơn ảnh hưởng đến mối quan hệ an ninh đã được ngăn chặn, "cuộc chiến tranh giành quyền bá chủ" giữa Mỹ và Nhật Bản đã được coi là một khả năng.

Trong quan hệ Mỹ-Trung ngày nay, cả hai lĩnh vực kinh tế và an ninh đều là những lĩnh vực có nhiều bất đồng, khiến xu hướng chung hiện nay trong các cơ quan chính phủ Mỹ là vay tiền của Trung Quốc dưới dạng chứng khoán thậm chí còn có vấn đề hơn. Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ gán mác cho Trung Quốc là một "cường quốc theo chủ nghĩa xét lại". Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ Christopher Wray đã gọi Trung Quốc là "một mối đe dọa toàn xã hội". Ủy ban về Mối đe dọa hiện nay - một nhóm vận động hành lang của phe cánh hữu - đã được tiếp thêm sức mạnh để bảo vệ các giá trị phương Tây trước sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.

Năm 2019, Trung Quốc không chỉ tham gia một liên minh quân sự khác so với Nhật Bản đã làm trước đây, mà Mỹ và Trung Quốc cũng thiếu sự liên kết và các mối quan hệ an ninh có thể đảm bảo rằng sự nghi ngờ xuất phát từ những tranh chấp thương mại Mỹ-Nhật trong quá khứ có thể được xử lý. Với cuộc chiến thương mại hiện nay, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đang làm suy yếu hơn nữa sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế có khả năng kiềm chế xung đột. Căn cứ vào hậu quả tiềm tàng của việc biến Trung Quốc thành một "kẻ ngoại đạo" mới, điều quan trọng cần nhớ là "mối đe dọa kinh tế" mà Nhật Bản đặt ra đã trở thành một cuộc tranh luận tại Mỹ về sự xung đột văn hóa đòi hỏi phải áp dụng một cách tiếp cận duy nhất: đó là đối đầu./.

Tác giả Nicola Nymalm là Nghiên cứu Viên tại chương trình An ninh và Chính trị Châu Á và Toàn cầu, Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Thụy Điển. Bài viết đăng trên “East Asia Forum”.

Nhật Linh (gt)