03/04/2013
Ngoại trưởng thứ 68 của nước Mỹ, ông John Kerry, vừa được Tổng thống Obama bổ nhiệm ở tuổi 69 tuổi, đã bắt tay vào công việc của mình bằng chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong 11 ngày (từ 24/2-6/3/2013) đến 9 nước châu Âu và Trung Đông, gồm Anh, Đức, Pháp, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Arập Xêút, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất và Cata.
Trong chuyến thăm này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thảo luận nhiều vấn đề với đối tác, tham gia các cuộc gặp do công dân Mỹ sinh sống làm việc ở nước ngoài tổ chức và tiếp xúc với phe nhóm, đảng phái chính trị. Tuy nhiên, điểm nổi bật trong chuyến công du nước ngoài của John Kerry là vấn đề Xyri (bao trùm hầu hết các cuộc thảo luận) và gặp mặt lãnh đạo phe đối lập Xyri Moaz al-Khatib tại Rôma (Italia). Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của John Kerry trên cương vị Ngoại trưởng. Trước đó, ông từng tham gia việc hoạch định các chính sách của Mỹ khi là Thượng nghị sĩ trong 28 năm và chuyến công du này là một phép thử tốt giữa vai trò lãnh đạo và nhận thức về vấn đề quốc tế của Kerry.
1. Biểu tượng ngoại giao trong chuyến công du của Kerry
Yếu tố biểu tượng trong chuyến công du ngoại giao của John Kerry mang tầm quan trọng rất cao. Yếu tố này được thể hiện trên phương diện quan điểm cá nhân, năng lực ngoại giao của John Kerry và tầm quan trọng của các nước mà ông đến thăm. Yếu tố biểu tượng quan trọng nhất là Kerry bắt đầu chuyến công du nước ngoài bằng việc dừng chân đầu tiên ở Anh, một trong những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ trên thế giới. Tuy nhiên, yếu tố biểu tượng cá nhân còn quan trọng hơn. Thứ nhất, trong suốt chuyến đi của mình, Kerry đã chứng tỏ rằng mọi bước đi trong chuyến công du của mình, tại bất kỳ nơi nào, ông đều có thể thiết lập quan hệ tiếp xúc với mọi tầng lớp, mọi thành phần bằng cách chú trọng vào những thành tựu, kỷ niệm trước đây và vấn đề lợi ích của cả hai bên. Việc thành thạo tiếng Pháp, Đức và Italia đã giúp John Kerry rất nhiều trong việc xây dựng yếu tố biểu tượng cá nhân này. Đồng thời bằng những kiến thức chuyên sâu của mình trong chính sách của Mỹ đối với vấn đề phức tạp, đòi hỏi tính chuyên môn cao về đảo Falkland (được Kerry thể hiện bằng ngôn từ chính xác, có tính toán và phù hợp với vị thế của Mỹ) đã chứng tỏ John Kerry có kỹ năng rất tốt trong tạo dựng quan hệ thân thiết đối với nhiều vấn đề và môi trường khác nhau.
Thứ hai, cuộc gặp của Kerry với nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại các nước nói trên cùng gia đình của họ cũng là một yếu tố biểu tượng khác trong chuyến công du của tân Ngoại trưởng Mỹ. Kerry đã lên lịch trình cuộc gặp này tại hầu hết nước ông đến thăm nhằm chứng tỏ mình rất am hiểu những thăng trầm trong cuộc sống ngoại giao. Ông John Kerry muốn giới ngoại giao hiểu rằng ông từng được sinh trưởng trong một gia đình ngoại giao nên hiểu được những điều kiện mà họ đang sống. Khác với vẻ hào nhoáng bên ngoài, cuộc sống của các nhân viên ngoại giao Mỹ đầy khó khăn và thách thức, nhất là trong tình hình hiện nay khi họ và gia đình đang phải sống và làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh những khó khăn thường nhật của nghề nghiệp này, nhân viên ngoại giao của Mỹ còn sống trong điều kiện đặc biệt. Việc Kerry cố gắng gặp gỡ nhân viên ngoại giao Đại sứ quán Mỹ và gia đình của họ tại các nước mà ông dừng chân nhằm chứng tỏ sự hiểu biết, chia sẻ sâu sắc của cá nhân tân Ngoại trưởng đối với công việc, cuộc sống của những nhân viên này, từ đó tạo dựng mối quan hệ gần gũi với Ngoại trưởng. Tất nhiên, John Kerry cũng không quên nói về tình hình nội bộ của Mỹ và Bộ Ngoại giao; thẳng thắn tuyên bố mình không những nắm rõ tình hình Mỹ mà còn thấu hiểu về các giai tầng trong cuộc sống ngoại giao. Hành động khéo léo của John Kerry khi tiếp xúc với nhân viên ngoại giao Mỹ ở nước ngoài là điều đáng phải chú ý và rất quan trọng trên phương diện một nhà lãnh đạo quản lý.
Ngoài yếu tố biểu tượng cá nhân, một yếu tố biểu tượng khác trong chuyến công du của Kerry là việc ông nhấn mạnh tiếp tục mối quan hệ hữu nghị của Mỹ với các nước, đặc biệt là tại châu Âu và Trung Đông. Tất cả những sự kiện trên cho thấy vai trò của Kerry trong chính trường Mỹ đang thay đổi từ một chính trị gia đơn thuần, thành viên của Thượng viện sang một tân Ngoại trưởng; gửi một thông điệp đến Nhà Trắng rằng ông là Ngoại trưởng của Mỹ. Để làm được điều này, John Kerry đã nhấn mạnh vào yếu tố biểu tượng trong nhiệm vụ của mình để chứng tỏ rằng mặc dù nắm bắt đầy đủ các vấn đề quốc tế nhưng ông sẽ không hành động một cách độc lập. Ông đặc biệt nhấn mạnh “John Kerry” là một Ngoại trưởng trong Chính quyền Obama. Những yếu tố biểu tượng này là rất quan trọng nhưng trên hết từng bước đi được John Kerry thực hiện đều nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán ngoại giao.
2. Các cuộc đàm phán ngoại giao
Nhìn chung có hai nhóm vấn đề chính được nêu lên trong hội đàm giữa Kerry với giới lãnh đạo các nước.
Nhóm thứ nhất bao gồm các vấn đề song phương. Có nhiều vấn đề quan trọng trong quan hệ của Mỹ với từng nước mà John Kerry viếng thăm như quan hệ của Oasinhtơn với Anh, Đức, Pháp và quan hệ giữa Mỹ với các quốc gia vùng Vịnh Pécxích. Từng mối quan hệ lại có nhiều vấn đề song phương đặc biệt. Ví dụ, việc Mỹ cung cấp hỗ trợ cho Pháp trong can thiệp quân sự vào Mali là một vấn đề song phương. Do đó, mặc dù sự hỗ trợ này có thể được nêu ra trong khuôn khổ hợp tác giữa các quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) song xu thế song phương của vấn đề này mới là yếu tố quan trọng. Đối với Ai Cập, cách tốt nhất để kiểm soát giai đoạn chuyển tiếp là mối lo ngại đặc biệt của Mỹ về tiến trình kinh tế và chính trị của nước này. Tất nhiên, chuyến công du của Kerry không hoàn toàn suôn sẻ. Hàng loạt cuộc biểu tình được tổ chức trong thời gian diễn ra chuyến thăm Ai Cập cũng như một số lãnh đạo hàng đầu của phe đối lập không mấy mặn mà gặp gỡ Kerry là những ví dụ điển hình cho các vấn đề mà tân Ngoại trưởng phải đối mặt. Khi nói về tình hình Ai Cập, Mỹ bị cáo buộc là đứng về phía quân đội và Anh em Hồi giáo. Và xu thế này cũng được thể hiện qua chuyến công du của Kerry đến các nước Arập. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, ngoài quan hệ hợp tác truyền thống thì các quan điểm khác nhau giữa Oasinhtơn và Ancara về Ixraen cũng là chủ đề chính trong chuyến thăm này. Kết quả là những nhận xét của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ khi gọi hành động của Ixraen là diệt chủng đã khiến Kerry phản ứng mạnh. Tại một số nước khác, các vấn đề song phương quan trọng cũng được thảo luận.
Nhóm thứ hai bao gồm các vấn đề quốc tế đang gây sự chú ý của công luận như tình hình Xyri, vấn đề hạt nhân Iran , tình hình Palextin. Tất nhiên, vấn đề Palextin không được chú trọng bằng hai vấn đề trước. Ngược lại, khủng hoảng Xyri là tâm điểm trong các cuộc thảo luận, đặc biệt sự thay đổi quan điểm rõ ràng hơn của Mỹ khi đề cập đến vấn đề này. Ngoại trưởng Kerry đã công khai tuyên bố Oasinhtơn dự kiến cung cấp viện trợ trực tiếp cho lực lượng nổi dậy đang chiến đấu chống chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Tất nhiên, việc hỗ trợ không bao gồm cung cấp các vũ khí hạng nặng, tiên tiến nhưng rõ ràng quan điểm của Mỹ đang chuyển hướng sang hỗ trợ quân sự cho phe nổi dậy Xyri, hoàn toàn khác với những gì mà Mỹ đã ứng xử trong thời gian qua. Đáng chú ý, trước khi đảm đương cương vị Ngoại trưởng, khi còn là một Thượng nghị sĩ, Kerry từng nằm trong số những người ủng hộ mạnh mẽ việc cung cấp các viện trợ nghiêm túc và hiệu quả cho phe nổi dậy Xyri.
Tuy nhiên, Mỹ đã thể hiện sự mâu thuẫn đối với một số đồng minh chủ chốt của mình tại khu vực (Thổ Nhĩ Kỳ, Cata và Arập Xêút) về vấn đề Xyri. Trong cuộc họp báo chung với John Kerry, Ngoại trưởng Arập Xêút Saud al-Faisal đã nhấn mạnh Arập Xêút tin tưởng mạnh mẽ vào sự cần thiết phải cung cấp viện trợ quân sự trong khuôn khổ “trách nhiệm đạo đức của mình” đối với lực lượng nổi dậy Xyri (và cũng tương tự như vậy đối với Thổ Nhĩ Kỳ và Cata). Đương nhiên phản ứng của ba đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực về khủng hoảng Xyri rõ ràng hơn lập trường của Mỹ. Ngoài ra, những vấn đề liên quan đến châu Âu cũng nằm trong số các quan ngại của Mỹ. Chính quyền Mỹ đã cố gắng để chứng tỏ rằng mình vẫn coi trọng đồng minh mạnh mẽ ở châu Âu. Điều này sẽ được đánh giá cụ thể hơn qua yếu tố phân tích ngoại giao dưới đây.
3. Phân tích ngoại giao
Tổng hợp các tuyên bố, cuộc gặp và những phân tích về chuyến công du của của Kerry đến các nước nói trên có thể đi đến kết luận rằng:
Thứ nhất, hành động của Kerry khác xa với sự thay đổi mà Mỹ tuyên bố vào năm ngoái về việc chuyển dịch trọng tâm trong chính sách đối ngoại của mình từ châu Âu và Trung Đông sang châu Á – Thái Bình Dương. Thực tế Kerry đã bắt đầu chuyến công du nước ngoài đến châu Âu và dừng chân khá lâu ở Trung Đông. Phân tích các tuyên bố của Kerry cho thấy Mỹ đang cố gắng chứng minh cho các đồng minh cũ của mình rằng việc thay đổi trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Oasinhtơn không có nghĩa là Mỹ sẽ quên các đồng minh chiến lược. Đối với châu Âu, một trong những vấn đề chính được thảo luận giữa hai bên trong chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ là các thỏa thuận tự do thương mại giữa Liên minh châu Âu và Oasinhtơn. Mỹ tiếp tục chú trọng vào việc gia tăng khối lượng thương mại với châu Âu vì điều này sẽ trấn an các nước châu Âu, giúp duy trì mối liên kết gắn bó của Oasinhtơn đối với đồng minh tại khu vực này. Đối với Trung Đông, việc Ngoại trưởng Mỹ chọn các nước tại đây là một trong những điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình nhằm chứng tỏ Trung Đông vẫn còn quan trọng đối với Mỹ. Thực tế chính sách đối ngoại của Mỹ dao động giữa tuyên bố chuyển trọng tâm chiến lược và tái nhấn mạnh vào thực tế trọng tâm của các mối quan hệ truyền thống. Chuyến công du của Kerry nhằm tái khẳng định quan điểm này.
Thứ hai, vấn đề ít được chú ý (trong chuyến công du này) vốn tồn tại lâu dài ở Trung Đông là xung đột giữa các nước Arập và Ixraen. Cuộc xung đột này cũng là nguyên nhân gốc rễ gây nên nhiều thách thức mà chính sách đối ngoại của Mỹ phải tập trung giải quyết. Tuy nhiên, nhìn chung vấn đề xung đột giữa các nước Arập và Ixraen vẫn ở bên lề chuyến thăm của Kerry đến Trung Đông. Thực tế này đã cho thấy Mỹ có chính sách hạn chế và đang cố gắng để cách ly khỏi vấn đề kéo dài trong thời gian qua tại Trung Đông bằng cách tham gia tích cực hơn vào những điểm nóng như chương trình hạt nhân của Iran, khủng hoảng tiếp diễn tại Xyri. Đáng chú ý là cho dù trước đó Kerry đã đưa ra quan điểm, nhận xét tích cực về Iran nhưng trong chuyến công du này Ngoại trưởng Mỹ lại đưa ra tuyên bố rất cứng rắn. John Kerry bày tỏ sự đồng thuận với các thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và tái khẳng định sự lo ngại về mối đe dọa Iran và vấn đề hạt nhân của nước này.
Thứ ba, chuyến công du của Kerry đã chứng tỏ rằng Mỹ không đứng mũi chịu sào về biến động chính trị ở châu Âu và Trung Đông. Chắc chắn, ba nước tại khu vực là Thổ Nhĩ Kỳ, Arập Xêút, Cata đang đóng vai trò quan trọng và nổi bật trong vấn đề Xyri. Thực tế ba nước này đang cố gắng thuyết phục Mỹ đồng ý về quan điểm hỗ trợ quân sự đối với Xyri. Một điều quan trọng khác nữa là, cho dù giới chức Mỹ đưa ra nhiều cáo buộc về biến động chính trị tại Trung Đông, châu Âu nhưng Oasinhtơn lại thiếu một khuôn khổ xác định rõ ràng về vai trò lãnh đạo của mình, hầu như chỉ có phản ứng và cố gắng kiểm soát tình hình đang xảy ra trên thực tế. Mỹ và đồng minh châu Âu có cùng quan điểm thống nhất về vấn đề Xyri. Tuy nhiên, thực tế là không chỉ đối với vấn đề Xyri, xung đột giữa các nước Arập và Ixraen, tình hình Palextin, vấn đề an ninh tại Trung Đông và thậm chí là quá trình chuyển đổi dân chủ sau biến động chính trị gần đây tại các nước Arập thì Mỹ không đóng vai trò chủ động thay vì tạo ra một khuôn khổ thống nhất, chính xác trong giải quyết các vấn đề quan trọng này.
Tóm lại, chuyến công du ngoại giao của Ngoại trưởng Mỹ đến 9 nước trong 11 ngày đã chứng tỏ rõ rằng giống như người tiền nhiệm, cựu ngoại trưởng Hillary Clinton, Kerry đang cố gắng thể hiện “bình mới rượu cũ” khi trình bày ý tưởng cũ theo cách thức mới. Điều này cũng cho thấy chính sách đối ngoại của Chính quyền Obama trong nhiệm kỳ hai là sẵn sàng hơn trong đối phó với các vấn đề hiện tại thay vì chỉ phát biểu về triển vọng chính xác, rõ ràng và mới mẻ cho tương lai./.
Theo “Mạng tin Trung Đông” (ngày 24/3)
Lê Sơn (gt)
Nghiên cứu Biển Đông xin giới thiệu bài viết “Ngoại giao vì quan hệ Mỹ - Trung ổn định” của tác giả Jake Werner, nhà nghiên cứu tại Viện Quincy. Theo tác giả, cho dù Mỹ và Trung Quốc cáo buộc nhau phá vỡ hiện trạng nhưng thực chất đều là những “cường quốc nguyên trạng”, chia sẻ nhiều lợi ích chung. Trung...
Với chính quyền Biden, nếu như năm 2021 là năm ổn định bộ máy và hoạch định chính sách, năm 2022 lại là năm để công bố và triển khai chính sách. Chỉ trong nửa cuối năm 2022, một loạt văn bản và tuyên bố chính sách đối ngoại lớn đã được đưa ra, trong đó có nhiều văn bản liên quan đến khu vực Ấn Độ Dương...
Ngày 29/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài diễn văn đầu tiên trước Nghị viện, hay còn gọi là Thông điệp Liên bang trong các năm sau, vào dịp gần kết thúc 100 ngày đầu của chính quyền mới. Diễn văn tập trung vào các vấn đề đối nội nhưng vẫn hàm chứa những nội dung đối ngoại quan trọng.
Với sự lây lan nhanh chóng cùng sự gia tăng tỷ lệ tử vong bởi đại dịch COVID-19, liệu cơ hội giành chiến thắng của Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11 tới đây bắt đầu bị đe dọa?
Một lần nữa, nước Mỹ chứng kiến cuộc khủng hoảng kinh tế mới với sự sụp đổ của các thị trường và người nộp thuế đang cứu trợ những người giàu có. Đã đến lúc Mỹ phải cải tổ khế ước xã hội vô lý này.
Donald Trump giờ đây dường như đã không còn đáp ứng được kì vọng của cử tri Mỹ. Mặc dù có nhiều lợi thế, tuy nhiên, nếu nhìn nhận kỹ hơn, có thể thấy rằng những yếu tố bất lợi rất có khả năng đem đến thất bại cho ông trong cuộc bầu cử sắp tới.