19/09/2019
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và chiến dịch trừng phạt kéo dài của Washington đối với Moskva đã thúc đẩy việc tăng cường quan hệ kinh tế và năng lượng giữa hai nước láng giềng phương Đông.
Những điểm nổi bật
- Để đối phó với Mỹ tại các chiến trường then chốt ở châu Á và châu Âu, Nga và Trung Quốc sẽ tăng cường quy mô và phạm vi các cuộc tập trận quân sự chung trong những tháng tới.
- Nga và Trung Quốc cũng sẽ tăng cường tham vấn với nhau về các vấn đề an ninh trong nước, bao gồm cả mong muốn chung là tạo ra một mạng Internet có chủ quyền và xử lý tình trạng bất ổn tương ứng ở Moskva và Hong Kong.
- Nhưng sự hợp tác như vậy sẽ bị hạn chế do sự cạnh tranh chiến lược giữa Nga và Trung Quốc, đặc biệt là ở các khu vực có ảnh hưởng chồng chéo như Trung Á và Viễn Đông Nga.
- Trong dài hạn, mối quan hệ an ninh Nga-Trung sẽ chỉ kéo dài cho đến khi xảy ra điều không thể tránh khỏi là mối quan hệ tay ba giữa 3 nước lớn lại thay đổi, và thúc đẩy Moskva và Bắc Kinh xác định lại lập trường của mình.
Như người ta thường nói, “kẻ thù của kẻ thù là bạn”. Và quả thật, chính động lực đó dường như là điều đưa Trung Quốc và Nga lại gần nhau hơn trong những năm gần đây trong bối cảnh hai nước đều đối đầu với Mỹ. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và chiến dịch trừng phạt kéo dài của Washington đối với Moskva đã thúc đẩy việc tăng cường quan hệ kinh tế và năng lượng giữa hai nước láng giềng phương Đông. Trong năm 2018, Nga và Trung Quốc cũng đã phối hợp lập trường ngoại giao của hai nước nhằm chống lại những lợi ích và ảnh hưởng của Mỹ ở các khu vực như Venezuela, Iran và Triều Tiên.
Do đó, Bắc Kinh và Moskva đã liên kết với nhau trong nhiều lĩnh vực mà họ đều có mâu thuẫn với Washington – và ngày càng bao gồm cả các vấn đề an ninh. Nhưng trong dài hạn, mối quan hệ an ninh Nga-Trung cuối cùng sẽ phụ thuộc vào sự phát triển của mối quan hệ giữa từng nước với Mỹ và theo đó là với nhau.
Con đường hợp tác quân sự
Có lẽ lĩnh vực lớn nhất trong sự liên kết ngày càng tăng giữa Nga và Trung Quốc có động lực xuất phát từ Mỹ là an ninh. Khi Mỹ thách thức Nga ở ngoại vi Liên Xô trước đây và tranh giành ảnh hưởng ở khu vực hàng hải ngoại vi Trung Quốc, Moskva và Bắc Kinh gần đây đã tăng cường hợp tác quân sự với nhau, đặc biệt là các cuộc tập trận quân sự chung. Và việc Mỹ tăng cường quân sự trên phạm vi rộng hơn ở các chiến trường châu Âu và châu Á có khả năng sẽ tiếp tục thúc đẩy các cuộc tập trận quân sự chung thậm chí còn nhiều hơn giữa hai nước - đặc biệt là lúc này khi mà Mỹ ít kiềm chế hơn việc phát triển các năng lực tên lửa trong bối cảnh Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) 1987 sụp đổ.
Sau nhiều năm hai bên cáo buộc nhau không tuân thủ hiệp ước hậu Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã đình chỉ hiệp ước của nước này với Nga vào tháng 2, trước khi chính thức rút khỏi vào tháng 8/2019. Trong thông báo chí của mình, Mỹ đã tuyên bố rằng việc Nga phát triển vũ khí là không tuân thủ quy định về giới hạn theo INF mà hai nước đã tán thành hơn 30 năm trước. Nhưng việc Bắc Kinh tăng cường đáng kể việc phát triển các tên lửa tầm trung chắc chắn cũng góp phần khiến Mỹ quyết định rút khỏi hiệp ước này.
Để đối phó với việc Trung Quốc phát triển vũ khí, Washington có thể sẽ tập trung trước hết vào việc tăng cường các năng lực tên lửa ở châu Á với sự trợ giúp của các đồng minh chính trong khu vực là Hàn Quốc và Nhật Bản. Xét tới việc này, có lẽ không phải ngẫu nhiên mà Nga và Trung Quốc lại chọn thực hiện cuộc tuần tra tầm xa chung đầu tiên trên không ở biển Nhật Bản cuối tháng 7. Trong cuộc tập trận chung, Hàn Quốc đã cáo buộc máy bay do thám của Nga xâm nhập không phận nước này ở đảo tranh chấp Dokdo (còn gọi là Takeshima), khiến các máy bay chiến đấu của Hàn Quốc thậm chí buộc phải nổ súng cảnh cáo. Điều đó không có nghĩa là cuộc tập trận chung gần đây liên quan trực tiếp đến việc Washington rút khỏi INF, vì các cuộc tập trận như vậy không ảnh hưởng trực tiếp đến các năng lực hay việc triển khai vũ khí vốn bị giới hạn theo hiệp ước này. Nhưng nó vẫn cho thấy mức độ hợp tác quân sự giữa Nga và Trung Quốc ngày càng tăng do cả hai có những mối quan ngại chung.
Tiếp sau việc Mỹ tăng cường quân sự, các cuộc tập trận Nga-Trung sẽ có thể chỉ tăng về quy mô, phạm vi và tần suất trong những tháng tới. Những hoạt động này có thể bao gồm các cuộc tập trận không quân chung ở các khu vực biển Baltic và Địa Trung Hải. Để tiếp tục ra hiệu cho Washington và các đồng minh toàn cầu của Washington về sự tương tác ngày càng tăng giữa họ, Moskva và Bắc Kinh cũng có thể bắt đầu tập hợp các vũ khí như máy bay do thám và máy bay tiếp dầu, cũng như tham gia chế tạo máy bay trực thăng hạng nặng và các thiết bị quân sự khác.
Các trận chiến ngay trên sân nhà
Ngoài hợp tác quân sự thông thường, Nga và Trung Quốc cũng đang tìm thấy điểm chung trong các vấn đề an ninh nội bộ, với việc cả hai nước đều phải đối mặt với các phong trào phản kháng kéo dài trong những tháng gần đây. Về phần mình, Trung Quốc tiếp tục phải chật vật giải quyết các cuộc biểu tình đang diễn ra ở Hong Kong. Còn Nga cũng phải đối mặt với một vài trong số các cuộc biểu tình lớn nhất từng thấy trong gần một thập kỷ, mà nguyên nhân thúc đẩy là việc chính phủ quyết định loại nhiều ứng cử viên phe đối lập khỏi cuộc bầu cử khu vực diễn ra vào ngày 8/9. Để giải quyết tình hình mỗi nước, Chính phủ Nga và Chính phủ Trung Quốc đã lựa chọn giải pháp tương tự là vừa tăng cường an ninh có giới hạn vừa nhượng bộ chính trị có chọn lọc với hy vọng sẽ tránh được sự can thiệp quân sự trên phạm vi rộng lớn hơn.
Cả Moskva lẫn Bắc Kinh cũng đều công khai chỉ trích Mỹ đã “đổ thêm dầu vào lửa” trong tình hình nội bộ mỗi nước. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Nga coi trọng tuyên bố của Trung Quốc rằng Mỹ và các nước phương Tây đã trực tiếp tham gia và tổ chức cuộc nổi loạn ở Hong Kong. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng việc Mỹ ủng hộ các cuộc phản kháng ở Moskva là một ví dụ cho thấy sự can thiệp vào tình hình chính trị trong nước của Nga, chỉ rõ các yêu sách bá quyền của phương Tây. Theo Maria Zakharova, Moskva và Bắc Kinh lên kế hoạch tổ chức các cuộc tham vấn về sự can dự của Mỹ vào các cuộc phản kháng ở nước họ. Mặc dù chi tiết và mức độ của các cuộc tham vấn như vậy vẫn chưa rõ ràng, nhưng việc Nga và Trung Quốc bày tỏ sự ủng hộ lẫn nhau sau tuyên bố của mỗi nước về sự can thiệp của Mỹ cũng là động thái quan trọng.
Tầm nhìn giống nhau về mạng Internet
Một lĩnh vực hợp tác an ninh tiềm tàng khác giữa Nga và Trung Quốc là mạng Internet. Hai nước đã thảo luận ngày càng nhiều về mong muốn chung là tạo ra một mạng Internet có thể hoạt động độc lập với phần còn lại của thế giới – hoặc điều mà Moskva gọi là “chủ quyền Internet”. Tháng 7/2019, cơ quan giám sát truyền thông nhà nước Roskomnadzor của Nga đã tiếp đón phái đoàn đầu tiên của Cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc (CAC) đến thăm Nga. Có nguồn tin cho biết các quan chức CAC cũng đã đến thăm trụ sở Yandex, công cụ tìm kiếm trực tuyến lớn của Nga, cũng như công ty an ninh mạng Kaspersky Lab của Nga để thảo luận về triển vọng cùng hợp tác.
Điều không thể tránh khỏi là khi cán cân quyền lực giữa Nga, Trung Quốc và Mỹ thay đổi, thì những động lực thúc đẩy sự hợp tác an ninh hiện nay giữa Moskva và Bắc Kinh cũng sẽ thay đổi theo. Các cuộc tham vấn với Trung Quốc như vậy cho thấy Nga đang lên kế hoạch thực hiện các bước đi tiếp theo về an ninh mạng. Nga cũng đang cân nhắc việc sử dụng cơ sở hạ tầng 5G của Huawei trong năm 2020, trong khi một số nước đang tìm cách tránh việc này do sức ép của Mỹ (mặc dù Washington không thành công như mong đợi trong việc buộc các nước khác phải ban lệnh cấm hoàn toàn đối với Huawei). Trong khi đó, Nga cũng đang thúc đẩy việc phát triển cơ sở hạ tầng 5G của riêng mình nhằm duy trì một mức độ độc lập nhất định về công nghệ, mặc dù nước này tụt hậu đáng kể so với Trung Quốc, châu Âu và Mỹ trên mặt trận này.
Quan hệ đối tác tình huống
Tất nhiên, có những giới hạn đối với sự hợp tác đang mở rộng giữa Trung Quốc và Nga. Trung Quốc đặt ra ngưỡng cho sự can dự công khai của nhà nước vào lĩnh vực mạng cao hơn nhiều so với Nga. Và cùng với việc hai nước có những khác biệt lớn về tình hình trong nước cũng như môi trường chính trị, điều này có nghĩa là sự hợp tác Nga-Trung về các vấn đề nội bộ như xử lý các cuộc phản kháng và an ninh mạng sẽ có thể vẫn mang tính tham vấn hơn là hợp tác.
Trên mặt trận quân sự thông thường, sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc cũng sẽ bị hạn chế bởi thực tế là trong lịch sử, hai nước đã gây ra cho nhau mối đe dọa chiến lược lớn hơn mối đe dọa mà Mỹ gây ra cho họ trong hiện tại. Vì hai nước có vị trí địa lý gần nhau, nên lợi ích của họ ở một vài khu vực có khả năng xung đột với nhau hơn là chồng chéo, đặc biệt là ở các khu vực gần biên giới của họ. Mặc dù Moskva và Bắc Kinh đã có sự phân công lao động các loại ở Trung Á, nhưng ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc đang dẫn đến sự tập trung và hiện diện ngày càng tăng của lực lượng an ninh ở đó – điều đã được kiểm soát cẩn thận cho tới giờ nhưng trong tương lai có thể làm mếch lòng Nga. Trong khi đó, ở Viễn Đông Nga, các mối quan hệ có thể trở nên nhạy cảm hơn trong bối cảnh sức mạnh và sự can dự của Trung Quốc ở khu vực này ngày càng tăng, với việc Moskva đe dọa cắt giảm xuất khẩu gỗ do hoạt động khai thác gỗ mà họ cho là bất hợp pháp của Bắc Kinh trong khu vực.
Tuy nhiên, cuối cùng thì mối quan hệ an ninh Nga-Trung và mối quan hệ rộng hơn sẽ do quan hệ của từng nước với Mỹ định hình. Trong quỹ đạo hiện nay, cả Nga lẫn Trung Quốc đang phải đối mặt với những áp lực và thách thức từ Mỹ, vốn đang đẩy hai nước lại với nhau trong một vài vấn đề an ninh vì tư tưởng thực dụng và vụ lợi. Nhưng điều không tránh khỏi là khi cán cân giữa 3 nước lớn thay đổi, thì những động cơ thúc đẩy sự hợp tác an ninh hiện nay giữa Moskva và Bắc Kinh cũng thay đổi theo.
Theo Stratfor
Nguyễn Phương Hoài (gt)
Trung Quốc cũng có lợi thế hơn Mỹ trong lĩnh vực phát triển thị trường số ASEAN. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế số, có thể giúp Trung Quốc và ASEAN cùng xây dựng các tiêu chuẩn thương mại số, đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - ASEAN...
Bộ Tứ có thể tổ chức nhiều hội nghị thượng đỉnh nhưng khó đem lại kết quả thực chất nếu thiếu tầm nhìn chiến lược rõ ràng và chương trình nghị sự phù hợp.
Trung Quốc không muốn đưa khu vực biên giới với Ấn Độ trở về trạng thái trước xung đột, ngăn cản Ấn Độ vươn lên trên trường quốc tế, coi Ấn Độ là đối tượng dễ bị cưỡng ép. Mặt khác, dù chính phủ Ấn Độ vẫn thận trọng tiếp cận vấn đề Eo biển Đài Loan tại các diễn đàn quốc tế, nhưng mối quan hệ hai bên...
Truyền thông Trung Quốc gần đây đăng bài viết tựa đề “Chiến lược mơ hồ hay chiến lược rõ ràng: Thế tiến thoái lưỡng nan của Mỹ về vấn đề Đài Loan” của tác giả Chen Feng, biên tập viên báo Người Quan sát. Bài báo kết luận, chính sách mơ hồ về vấn đề Đài Loan không phải do Mỹ chủ động lựa chọn, mà là sự...
Khi cạnh tranh Mỹ - Trung trở nên căng thằng, có thể sẽ xảy ra những cuộc chiến ủy nhiệm ở những mức độ khác nhau trên khắp châu Á.
Ngày 14/5/2021, Đại học Thanh Hoa Trung Quốc phối hợp cùng Đại học Bắc Kinh và Đại học Nhân dân tổ chức tọa đàm với chủ đề “Trật tự quốc tế thời kỳ hậu Covid”. Tại tọa đàm, Giám đốc Cơ sở trao đổi nhân văn Trung - Mỹ, Học viện Quan hệ quốc tế, Đại học Bắc Kinh Giả Khánh Quốc đã có bài phát biểu về 3...