Thế giới được phân chia như thế nào?

Cải tổ (perestroika) – đó là sự thay đổi kiến trúc toàn cầu. Biểu tượng của giai đoạn đầu tiên là sự sụp đổ của Bức tường Bélin. Obama đã so sánh các sự kiện tại Ai Cập với sự sụp đổ của Bức tường Béclin. Và điều này hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Giai đoạn thứ hai của sự thay đổi kiến trúc toàn cầu đã bắt đầu (perestroika - 2). Kiến trúc hệ thống trước đây (được gọi là dự án "Hiện đại") bắt đầu vào giữa thế kỷ XVI và được hình thành đầy đủ sau cuộc Cách mạng vĩ đại Pháp. Nền tảng của dự án "Hiện đại" là niềm tin vào quyền của tất cả các dân tộc được phát triển đến mức độ được gọi là “tiên tiến”. Kiến trúc toàn cầu mới không đưa ra những quyền như thế.

- Học giả Thomas Malthus ngay từ cuối thế kỷ XVIII đã cảnh báo: thế giới không đủ nguồn lực cho tất cả mọi người. Năm 1972, “Câu lạc bộ Rôma” đã đưa nội dung này vào báo cáo "Những giới hạn của tăng trưởng” của mình. Từ đây nảy sinh ý tưởng của giới tinh hoa: Tại sao lại phát triển tất cả? Ý tưởng này chưa chính thức được công bố nhưng thực sự bắt đầu được quan tâm đến. Một phần nào đó của nhân loại đã bước qua cánh cửa hiện đại hóa. Nhưng phần còn lại thì cần phải bị dừng bước, phải đóng cánh cửa hiện đại hóa đối với họ.

Hãy tự đặt cho mình một câu hỏi đơn giản: Nếu Trung Quốc và Ấn Độ được hiện đại hóa lên mức của Mỹ, khi mỗi người sẽ có một ngôi nhà, hai chiếc xe hơi và những nhu cầu tương tự khác thì thử hỏi sẽ cần bao nhiêu điện, xăng và các nguyên liệu khác? Và khi đó, tất cả nhân loại còn tồn tại được bao lâu nữa? Chưa đầy nửa thế kỷ, thế giới đã được chia thành ba phần khác trước. Phần dành cho “chúng ta”, tức là Liên Xô và phe XHCN, không còn tồn tại. Câu hỏi đặt ra bây giờ không phải là - chúng tôi hay người Trung Quốc (như cách đây chưa lâu), mà là bao lâu nữa Việt Nam sẽ vượt qua Nga. Đừng ngạc nhiên! Tôi thường đến Trung Quốc, những gì đang xảy ra ở đó, mọi người đều nhìn thấy. Đây là nền văn minh “một tỷ người”, một đế chế. Còn Việt Nam thì nhỏ hơn Nga: 90 triệu dân so với 140 triệu. Nhưng chẳng bao lâu nữa, dân số của họ sẽ lớn hơn trong khi dân số chúng ta thì ít đi. Tôi vừa trở về từ Việt Nam . Tôi có ấn tượng đặc biệt mạnh mẽ (về Việt Nam ), mặc dù đã đi nhiều nơi trên thế giới. Ở vùng ngoại ô của Hà Nội đang mọc lên các nhà máy lắp ráp lớn thuộc các công ty hàng đầu thế giới. Thành phố Hồ Chí Minh (trước đây là Sài Gòn) gần như biến thành một Hồng Công thứ hai. Hàng triệu người đi xe gắn máy, đang phấn đấu cho sự thịnh vượng! Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, họ đang vượt qua chúng ta. Đảng Cộng sản (Việt Nam ) nhận ra: nếu không có sự tăng trưởng kinh tế 8%, sẽ là một sự kết thúc! Người giàu phải đảm bảo sự tăng trưởng này và phải chia sẻ với người nghèo. Ở nước ta, người giàu không sản xuất ra cái gì mới cả. Cùng lắm thì người ta cũng chỉ vá víu nền sản xuất thời Xôviết. Họ không tạo ra của cải xã hội mới về chất và không có ý định chia sẻ với người nghèo. Và không có đảng nào thực hiện việc phân chia này.

Đặng Tiểu Bình nói: "Không quan trọng là mèo trắng hay mèo đen, miễn là bắt được chuột!" Tiến trình hiện đại hóa đang diễn ra dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản (Việt Nam, Trung Quốc), dưới chế độ độc tài cứng rắn (Xinhgapo, Hàn Quốc), dưới hệ thống chính trị khá "mềm" (Ấn Độ). Điều quan trọng là tất cả những con mèo này bắt chuột. Phương Đông ngày nay là nguồn gốc của tăng trưởng nhanh chóng. Những người nông dân, đang khao khát sự thịnh vượng. Đối với họ, được làm việc tại nhà máy với mức lương 250-300 USD đã là hạnh phúc. Phương Đông đang bán cho thế giới nguồn nhân công vừa rẻ và năng động, vừa có kỷ luật, vốn xuất thân từ xã hội nông nghiệp. Đây chính là hiện đại hóa và công nghiệp hóa.

Phần thứ hai của thế giới là phương Tây. Nó không còn sống trong hiện đại, vì không có xã hội truyền thống, không lấy đâu ra nguồn lao động có kỷ luật và giá rẻ, lại thiếu vắng động lực mạnh mẽ để làm việc. Do đó, họ mong muốn chuyển từ công nghiệp sang các giao dịch tài chính và các phương pháp kiếm tiền tương tự khác.

Đây là thời kỳ hậu hiện đại: đa nguyên mềm, xã hội tiêu dùng thay thế cho xã hội dân sự, nhân khẩu suy giảm, mất giá trị đạo đức, tuyên truyền cho bệnh lý tình dục và ma túy. Phương Tây ngày hôm nay là hiện tượng của “một Rôma mới” trong giai đoạn suy giảm.

Phần thứ ba là phương Nam . Ở đó có lạc đà và lều trại cùng quan điểm sống: "Chúng tôi không cần sự phát triển bẩn thỉu của các người. Cuộc sống cần phải sạch sẽ, rõ ràng, chính xác và phải có niềm tin tôn giáo. Xa rời những điều này là tội lỗi". Đó là (xã hội) “phi hiện đại”, xã hội Trung Cổ mới. Hồi giáo là một tôn giáo lớn của thế giới, đã vượt qua phương Tây ngay từ thế kỷ XI-XII với những khám phá vĩ đại cùng những tiềm năng phát triển khổng lồ. Châu Âu đã học từ đạo Hồi.

Phá vỡ Hồi giáo để làm gì?

Cái gì đã làm Hồi giáo phải dừng bước vào thời Trung Cổ vẫn là điều bí ẩn. Trong kỷ nguyên hiện đại, phương Nam cũng đã cố gắng để tiến lên xã hội hiện đại. Cho dù đó là Hồi giáo ôn hòa (giống như Tuynidi) hoặc một xu hướng xây dựng nhà nước quốc gia hoàn toàn thế tục (như Nasser, Sadat ở Ai Cập, các vị Shah (vua) của Iran , những người theo chủ nghĩa Kemalist Thổ Nhĩ Kỳ). Các nước Hồi giáo phấn đấu phát triển, nhưng phương Tây phá vỡ những nỗ lực này và giúp “kẻ thù của sự phát triển” giành chiến thắng trên vùng lãnh thổ này. Hồi giáo là một tiểu văn hóa tôn giáo đặc biệt được nuôi dưỡng với sự tham gia trực tiếp của phương Tây. Tất nhiên, có những nội lực ở ngay bên trong đạo Hồi kìm hãm sự phát triển. Nhưng bên cạnh những lực lượng bí ẩn đó đều thấy lộ ra ảnh hưởng của phương Tây.

Đại tá Lawrence Aravitski, người anh hùng chính của cuộc nổi dậy Đại Arập chống lại người Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1916 không chỉ là một nhân vật trên phim ảnh. Ngài Cromer thuộc gia đình Bering làm Tổng Lãnh sự Vương quốc Anh tại khu vực này vào đầu thế kỷ XIX-XX. Trên thực tế, Ngài Cromer đã cai trị Ai Cập một phần tư thế kỷ! Hồi giáo đã được nuôi dưỡng ở chính đây, kể cả nhóm “Những người anh em Hồi giáo” rất có ảnh hưởng, và họ sẽ sớm gặt hái mọi thành quả từ các sự kiện (hiện nay) ở Ai Cập. Hassan al-Banna đã xây dựng tổ chức này với một tốc độ điên cuồng. Rõ ràng, Hassan al-Banna đã được hậu thuẫn. Có thể dẫn ra rất nhiều bằng chứng từ lịch sử về việc người ta đã tạo ra "chủ nghĩa Hồi giáo" hoặc "cực đoan Hồi giáo" như thế nào. Họ làm như thế để tấn công những nước mà phương Tây thấy khó chịu. Nó được sử dụng để đánh đổ đế chế Ốttôman, để chống lại đế quốc Nga ở Cápcadơ và Trung Á, sau đó để chống Liên Xô và các nhà lãnh đạo ôn hòa ở Pakixtan. Một ví dụ là gia đình nhà Bhutto đã chịu nhiều bất hạnh. Việc những kẻ Hồi giáo cực đoan được Mỹ nuôi dưỡng đã ám sát cố Tổng thống Gamal Abdel Nasser thân Liên Xô là điều có thể hiểu được. Nhưng Hồi giáo cực đoan cũng đã giết chết “một Sadat” thân Mỹ, người tiền nhiệm của Tổng thống Mubarak. Tuy nhiên, việc này diễn ra với sự cho phép của người Mỹ.

Thử tìm hiểu cựu Giám đốc CIA Robert Gates, hiện nay là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Mỹ đã bắt đầu “khuấy động” chủ nghĩa Hồi giáo (cực đoan) tại Ápganixtan 6 tháng trước khi Liên Xô đưa quân đội vào nước này tháng 7 năm 1979. Điều này được cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Zbigniew Brzezinski xác nhận khi giải thích cụ thể ông ta mong muốn đưa chủ nghĩa Hồi giáo chống lại Liên Xô như thế nào. Nếu chúng ta khi đó cho phép các phong trào cực đoan của Pakixtan , Iran và Ápganixtan tràn vào biên giới phía Nam của Nga, thì toàn bộ dòng người này sẽ tác động lên chúng ta ngay vào đầu những năm 1980. Hôm nay, lịch sử đang được lặp lại. Người ta đang cố gắng để “định dạng lại” toàn bộ phía Nam trở thành Hồi giáo, để Hồi giáo từ chối phát triển và biến thành một đám đông hung dữ, (thường gắn với chủ nghĩa khủng bố) và có thể “tung” đi đâu khi cần thiết.

Hiện nay, chúng ta không còn là mục tiêu chính. Hướng của đòn tấn công này là phương Đông, trước hết là Trung Quốc. Chính sách của Mỹ là: Bất cứ cường quốc nào phát triển ngang bằng sức mạnh của Mỹ sẽ trở thành kẻ thù số một của họ. Từ quan điểm này, các tiến trình đang diễn ra tại khu vực châu Á, sự tăng trưởng kinh tế tại đây rõ ràng là nguy hiểm cho sự bá quyền toàn cầu hiện nay. Hãy tưởng tượng, 5 năm sau, Trung Quốc sẽ đòi những khoản nợ mà Mỹ sẽ không thể trả được. Khi đó, đồng USD sẽ sụp đổ! Nước Mỹ đang ngày càng tiến gần hơn đến “phá sản”. Trung Quốc sẽ sớm vượt qua “bá chủ” theo nhiều chỉ số khác nhau và trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong khi chúng ta đang còn thảo luận “Thung lũng Silicon” Skolkovo sẽ được xây dựng như thế nào thì người Trung Quốc đã xây xong 1200 trung tâm công nghệ mới và thu hút các nhà khoa học của chúng ta. Ấn Độ cũng đang phát triển nhanh chóng. “Quy luật phát triển không đồng đều” đã không bị hủy bỏ. Theo quy luật này, không thể giải thích được cho nhà tư bản, tại sao ở châu Âu và Mỹ ông ta phải trả vài ngàn USD cho một người phụ nữ “đỏng đảnh” được công đoàn bảo vệ, trong khi ông ta có thể thuê một phụ nữ Trung Quốc hay Việt Nam điều hành công việc với tiền công ít hơn đến 10 lần. Nhân tố chủ yếu là giá và chất lượng lao động. Mọi cái đang dịch chuyển về phía Đông bởi mối đe dọa lớn nhất hiện nay đối với chủ nghĩa bá quyền nằm ở khu vực này. Vì thế, Mỹ sẽ cố gắng để “đánh đổ” một đối thủ cạnh tranh.

Vòng cung Hồi giáo

Những cuộc xung đột có tổ chức. Những người Duy Ngô Nhĩ ly khai, chủ nghĩa Hồi giáo Ấn Độ... Chỉ cần châm mồi lửa. Hãy nhìn vào bản đồ mà xem! Tình trạng bất ổn ở Angiêri, nơi Hồi giáo luôn mạnh, là điều dễ hiểu. Nhưng còn Tuynidi? Nước này gần như là một quốc gia thế tục, luôn tự hào việc giữ khoảng cách của mình với Hồi giáo, cuộc sống tương đối tốt. Tuynidi luôn luôn là một trở ngại cho sự hình thành một vòng cung Hồi giáo lớn từ Marốc đến Inđônêxia. Giờ đây, rào cản này đã nhanh chóng bị bẻ gãy. Trước mắt chúng ta, Ai Cập đang bị phá vỡ hoàn toàn, còn Yêmen, Angiêri, Baranh và Gioócđani đã trở thành trung tâm của tình trạng bất ổn mới. Làn sóng này rồi sẽ cuộn đến Xyri, Arập Xêút. Thổ Nhĩ Kỳ đã sẵn sàng để rơi vào vòng tay đạo Hồi. Irắc đã bị đánh bại và trở thành phần phụ thuộc vào Iran . Iran không thể trở thành vật cản đối với Hồi giáo cực đoan. Như vậy, ngọn lửa sẽ lan sang Pakixtan, một nơi không hề yên bình. Tình hình ở Ápganixtan đã rõ. Chuyển lửa sang Malaixia và Inđônêxia – chỉ là vấn đề kỹ thuật. Một vòng cung Hồi giáo - từ Inđônêxia và Malaixia đến Marốc đang được hình thành (tất nhiên, không phải ngay lập tức, nhưng với tốc độ khá nhanh). Chúng ta đang nói về việc cải tổ nền tảng của thế giới, trong đó nguyên tắc "hiện đại cho tất cả mọi người" đang được thay thế bởi bộ ba nguyên tắc "hậu hiện đại – hiện đại và phản hiện đại”.

"Trung tâm thử nghiệm sáng tạo" của chúng ta là thành viên liên kết của Cục Thông tin công cộng của Liên hợp quốc. Chúng ta thường xuyên tiến hành các cuộc đối thoại với Trung Quốc, Ấn Độ, cả người Mỹ, châu Âu và Ixraen cũng đến trao đổi với chúng ta. Hãy tin tôi, tôi có thể phân biệt âm mưu bí mật với tiến trình tiềm ẩn thực sự đang diễn ra trên thế giới. Tất nhiên, tất cả các chế độ đã sụp đổ đều bị “sâu mọt” bên trong: nạn tham nhũng, không có khả năng đạt được mức tăng trưởng cao. Nhưng họ còn bị phá hoại từ bên ngoài. Và đừng kể với tôi câu chuyện cổ tích rằng chỉ đơn thuần “những cuộc bạo động vì đói kém” ở Tuynidi và Ai Cập đã dẫn đến các cuộc cách mạng. Cách mạng có thể còn tồi tệ hơn bản thân chế độ. Câu hỏi đặt ra là các sự kiện ở Ai Cập có phải là một cuộc cách mạng đặc biệt hay đó thực sự là ý chí của quần chúng muốn bước sang một giai đoạn mới của lịch sử. Những đám đông bất bình về sự độc đoán của chế độ Mubarak cùng giới thượng lưu được vỗ béo xung quanh ông ta đã đúng khi bày tỏ sự phản đối. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, người dân sẽ không kéo ra quảng trường đồng thời ở Tuynidi, Ai Cập, Gioócđani, Yêmen, Xyri như vậy được. Các dữ kiện cho thấy rằng quá trình này đã được chuẩn bị trước. Hãy đọc Wikileaks sẽ thấy.

Tôi đồng ý rằng ở đó có những âm mưu được chủ ý xây dựng. Nếu phân tích ra, bạn sẽ thấy: Mỹ từ lâu đã lên kế hoạch thay đổi chính quyền ở Ai Cập trong năm 2011. Ngay sau khi Wikileaks công bố các công văn bí mật của Mỹ, mọi cái bắt đầu diễn ra đúng như được mô tả. Họ không còn che giấu bất cứ điều gì, chơi bài công khai luôn! Một mình Assange (chủ trang WikiLeaks) không thể tổ chức những vụ rò rỉ thông tin đó. Có một nhóm “rất nghiêm túc” đã phát đi tín hiệu nào đó. Đây là cuộc chiến giữa các cơ quan đặc biệt, giới tinh hoa và các “dự án thế giới”. Một số người Mỹ vẫn còn bám víu vào khả năng của một trật tự thế giới mới, cho dù trật tự này có mối tương quan với việc “hiện đại hoá thế giới”. Những người khác thì mơ tưởng đến một trật tự khác và họ ủng hộ Obama. Trong mọi trường hợp - không thể bỏ qua chi tiết ông Obama đã nhiệt tình ủng hộ "cuộc cách mạng" của Ai Cập ngay trong những giờ phút đầu tiên của "cuộc cách mạng", cách ông Obama gây áp lực đối với Mubarak, cách ông ta "xây dựng" quân đội Ai Cập...

Quân đội Ai Cập có thể đàn áp ngay lập tức các cuộc biểu tình, nhưng các đồng minh của Mỹ không cho phép làm điều đó. Tôi không thấy có điều gì kỳ lạ ở đây cả. Phát biểu tại Cairô ngay sau lễ nhậm chức của mình, khi đó tân Tổng thống Obama đã nói rõ rằng ông ta mở rộng vòng tay hữu nghị với người Hồi giáo. Đây là một phần trong bài phát biểu: “Hồi giáo là một phần của nước Mỹ, tại Ankara, tôi đã thể hiện rất rõ quan điểm rằng nước Mỹ không - và sẽ không bao giờ - tiến hành chiến tranh với người Hồi giáo". Tổng thống Obama còn bảo đảm nhanh chóng rút quân đội từ khắp mọi nơi - kể cả từ Ápganixtan; hứa xem xét lại mối quan hệ Mỹ-Ixraen; và đưa ra một khái niệm mới về dân chủ tại các nước thuộc thế giới Hồi giáo. Điều cuối cùng có lẽ quan trọng nhất. Bởi vì ở một loạt các nước, khái niệm mới này đồng nhất với việc người Hồi giáo lên nắm chính quyền, nhưng vẫn còn sớm khi nói đến việc xem xét lại trên phạm vi toàn cầu. Đây không chỉ là chuyện của Obama. Ông Bush đã đánh bại Saddam nhưng ông ta đã xây được gì? Trước đó đã tồn tại sự cân bằng giữa một nước Iran không phải là thế tục với một nước Irắc tương đối thế tục. Người Mỹ đáng ra phải hiểu sự khác nhau đó và duy trì sự cân bằng cũng như các tiềm năng của chủ nghĩa thế tục trong khu vực. Đúng là chế độ Saddam Hussein gây khó chịu, nhưng tiềm năng của chủ nghĩa thế tục đã được chứa đựng ít nhất là trong hình thức của đảng Baath, và không chỉ thế. Người ta đã cố ý phá vỡ nó. Một phần của Irắc đã hướng về Thổ Nhĩ Kỳ như một đồng minh của mình. Đó là khu vực Kurdistan của người Cuốc ở Irắc. Đây hiện đang là một khu vực nóng. Tại trung tâm của Irắc, người ta đã tạo ra hạt nhân là người Sunni. Nếu so với tính cực đoan của những người này thì Bin Laden chỉ là một đứa trẻ. Một phần lớn người Shiite đã bị đẩy theo chân Iran . Chính người Mỹ đã làm việc này, ngay từ thời Bush! Tại sao? Phải chăng họ khờ khạo đến nỗi không hiểu mình đang làm gì? “Thuyết cân bằng” là những gì các cơ quan đặc biệt và các nhà ngoại giao Mỹ được học thuộc lòng từ thời còn là sinh viên và sau đó được hoàn thiện suốt cuộc đời.

Phương Đông rộng lớn đang bị phong tỏa bởi một vòng cung Hồi giáo từ Indonesia tới Marốc. Trong khu vực sẽ bắt đầu những cuộc phân chia đẫm máu. Và tất cả các vụ đánh bom hiện nay, các cuộc tấn công khủng bố chỉ là những tín hiệu đầu tiên báo hiệu những gì sẽ còn tiếp tục xảy ra trong tương lai, như những gì Brzezinski từng mô tả. Tôi không nghĩ rằng thế giới được điều khiển bởi Brzezinski hay Câu lạc bộ “Bilderberg” (CLB của những nhân vật giàu có và quyền lực), một tổ chức với ngân sách nhiều hơn một chút so với trung tâm của tôi.

Có những cơ cấu khác có sức mạnh hơn thực sự phân chia thế giới. Brzezinski đã từ lâu làm việc cho một “dự án thế giới” dựa trên sự hợp tác sâu sắc giữa Mỹ và Hồi giáo cực đoan. Ông ta có công trong dự án này, và hiểu rằng bây giờ “gió thổi vào cánh buồm” của mình. Và, cuối cùng, ông ta luôn luôn gần gũi với những người của đảng Dân chủ (Mỹ), là những người cần một “dự án thế giới” dựa trên sự tồn tại của một vòng cung Hồi giáo lớn. Brzezinski là nhân vật rất quan trọng dưới thời Carter và bây giờ, dưới thời Obama, ông ta cũng không kém phần quan trọng. Brzezinski chỉ là một người nổi tiếng, bền bỉ theo đuổi từ lâu quan điểm cho rằng cần phải có một vòng cung lớn, hoặc một “đại phương Nam ”.

Tôi nghĩ rằng, các phái viên Mỹ có quan hệ sâu sắc với những người Hồi giáo hoạt động bí mật đã châm mồi lửa “đốt cháy” Ai Cập với Tuynidi và đang thổi bùng ngọn lửa tiếp theo. Và người đang “tổ chức đám cháy” là John Brennan, cựu phó giám đốc CIA, hiện là cố vấn của ông Obama về an ninh quốc gia và chống khủng bố, một chuyên gia lâu năm về Trung Đông. Đứng đằng sau sự kiện này là các nhóm rất lớn. “Bên tham gia” chính ở đây là tập đoàn buôn bán ma túy và vũ khí xuyên quốc gia (có hơi hướng của khủng bố). Tại Ápganixtan, việc sản xuất heroin đã tăng 30 lần. Thuốc phiện chủ yếu được mua không phải bằng đôla, mà bằng vũ khí. Trong khi đó, vũ khí là cần thiết khi có xung đột. Tích cực tham gia các sự kiện này là các cơ quan đặc biệt. Một phần của các cơ quan này đã bắt đầu chuyển sang “tự chủ tài chính” vào những năm 1950. Người tiên phong là Ted Shackley ở Đông Nam Á, người phụ trách các nguồn tài chính ngoài ngân sách của CIA. Sau đó, các chương trình tự chủ tài chính đã thoát ra ngoài sự kiểm soát. “Những học trò” của Shackley tích cực làm việc nhiều hơn cho bản thân, nhưng đồng thời cũng cho nước Mỹ. Theo ước tính của tôi, tập đoàn này sử dụng khoảng một nghìn tỷ USD. Có cả những bên tham gia khác muốn xây dựng lại thế giới vì lợi ích của mình. Tôi xin nhắc lại là có một cái gì đó khá rõ ràng. Đảng Dân chủ Mỹ luôn ve vãn Hồi giáo: dưới thời Carter, rồi Clinton và bây giờ, truyền thống này lại được Obama tiếp tục. Ông Obama có thể bước sang nhiệm kỳ tổng thống thứ hai. Và bằng việc hỗ trợ cho cuộc cách mạng tại Ai Cập, ông ta đã thể hiện rõ quan điểm của mình. Trên thực tế, đây là một “Jimmy Carter mới” với một “trợ lý Brzezinski mới” là John Brennan.

Ixraen bé nhỏ bị quăng cho những con sói

Khi Liên bang Xôviết kiểm soát thế giới Arập, Ixraen là rất cần thiết đối với Mỹ bởi nước này như một chiến hạm không bao giờ chìm của Mỹ ở Trung Đông. Chiến tranh lạnh đã kết thúc từ lâu. Bây giờ, Ixraen cần cho người Mỹ để làm gì? Đây là một trở ngại trên con đường gắn kết Mỹ với chủ nghĩa Hồi giáo. Tôi biết các chính trị gia Mỹ, những người trong cuộc nói chuyện riêng đã nói thẳng ra là: “điều khiển thế giới không có Ixraen sẽ dễ dàng hơn nhiều”. Tình yêu của người Mỹ gốc Do Thái đối với “miền đất hứa” này đã được phóng đại lên nhiều. David Axelrod, trưởng cố vấn và PR cho Obama, tác giả chiến thắng đầu tiên của Obama trong cuộc đua vào Nhà Trắng, đang bắt đầu chiến dịch bầu cử thứ hai cho Obama. Ixraen có quan trọng đối với Brzezinski hay đối tác của ông ta là George Soros (nhà tài trợ cho đảng Dân chủ) hay không? Nếu những người này yêu quý Ixraen, họ đã không để cho Obama gây áp lực lên Ten Avíp, trong khi có nhiều nhượng bộ trước người Arập. Ngược lại, họ đang đòi hỏi Tổng thống gây áp lực lên Ixraen càng nhiều càng tốt. Họ xoa tay và đứng nhìn chiến thắng của người Hồi giáo. Họ tích cực hỗ trợ cho việc này cả về phương diện chính trị lẫn tài chính. Còn một yếu tố khác. Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Bush của đảng Cộng hòa đã làm hỏng quan hệ với người Hồi giáo. Để khôi phục lại mối quan hệ đó, cần ném cho họ một cục xương là Ixraen! Tất nhiên, một phần của tầng lớp thượng lưu hiểu được rằng việc ve vãn người Hồi giáo đe dọa chính họ. Đó là những người Cộng hòa. Lôgíc của Obama và những người đứng sau ông ta là rõ ràng. Hôm nay, đối thủ cạnh tranh chính của họ là phương Đông. Cần phải “vô hiệu hóa” phương Đông bằng mọi giá. Đối đầu quân sự trực tiếp giữa Mỹ với Trung Quốc, Ấn Độ là nguy hiểm. Tốt hơn là mượn tay người khác.

Đội ngũ những người không bảo thủ của cựu Tổng thống Bush (con) cũng đã thiết lập một trật tự thế giới mới của Mỹ sau sự sụp đổ của Liên Xô bằng việc xâm chiếm Irắc và gây ra các cuộc cách mạng sắc màu dọc theo biên giới với Nga. Dường như có gì không ổn. Nhà dân chủ Obama đang rút quân khỏi Irắc và Ápganixtan. Những người được Mỹ hậu thuẫn đã thua trong cuộc bầu cử ở Ucraina.

Sau khi hiểu rằng ưu thế của Mỹ trên thế giới không thể duy trì được bằng sức mạnh quân sự, ông Obama đã quyết định hành động giống như cách “Carthage cổ đại” đã từng làm: "Gây bất ổn và sau đó thì cai trị!" Từ học thuyết trật tự thế giới mới của Mỹ đang chuyển sang nguyên tắc “sự hỗn loạn có kiểm soát”. Không phải ngẫu nhiên mà từ lâu, lý thuyết về “sự hỗn loạn có kiểm soát” được nghiên cứu tại Viện Santa Fe.

Tôi xin nhắc lại, đây là một sự thay thế cấu trúc toàn cầu theo từng giai đoạn. Obama có tạo ra được vòng cung Hồi giáo hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó bao gồm cách hành xử của lực lượng quân đội tại Ai Cập, những đồng nghiệp đương nhiệm của Mubarak ở các nước láng giềng. Liệu họ có thể duy trì được quyền lực, quét sạch nạn tham nhũng và những tệ nạn khác, liệu người dân có được cung cấp những chương trình phát triển xã hội công bằng, nâng cao mức sống? Hay họ lại đầu hàng vô điều kiện trước “Những người anh em Hồi giáo” cho dù họ không chờ đợi điều đó.

Máu sẽ còn đổ

Trung Quốc là một hạt nhân rất vững chắc. Bên trong nước này tồn tại một điểm nóng căng thẳng Hồi giáo là những người Duy Ngô Nhĩ. Chính quyền ở đó hành động rất cứng rắn và hiệu quả. Họ vừa đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, vừa nâng cao mức sống ở Tân Cương, đẩy chủ nghĩa Hồi giáo sang vùng lãnh thổ khác. Ấn Độ sẽ khó khăn hơn để giải quyết vấn đề với dân Hồi giáo, Hindu, với các bộ tộc. Ở đó có thể bùng lên những cuộc xung đột khủng khiếp. Tôi e rằng sau Ixraen, nước Nga sẽ trở thành cục xương thứ hai mà Mỹ định ném cho Hồi giáo. Thậm chí, người Hồi giáo sẽ “sờ” đến chúng ta trước cả Ấn Độ. Thời gian còn lại rất ít. Nước Nga có thể tránh được rắc rối nhưng đó là một câu chuyện dài./.

Theo Báo Sự thật Đoàn viên, Nga