Việc thủ lĩnh al-Qaeda Bin Laden bị tiêu diệt sâu trong lãnh thổ Pakixtan khiến sức ép yêu cầu quân đội Pakixtan phải săn lùng các lực lượng cực đoan họ nuôi dưỡng từ lâu nay đang ngày càng tăng. 

Hiện Mỹ đang ép quân đội Pakixtan tiến hành các chiến dịch chống các nhóm vũ trang cực đoan có căn cứ ở vùng Bắc Waziristan. Sau thời gian cự tuyệt thực hiện yêu cầu của Mỹ về phát động các chiến dịch quân sự tại khu vực này, trong tình thế hiện nay, Tướng Ashfaq Kayani, Tư lệnh lục quân, người nắm thực quyền tại Pakixtan, không có lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện yêu cầu này. 

Trong khi đó, tại Ấn Độ rất nhiều người cho rằng sức ép của Mỹ đối với Rawalpindi là chưa đủ mạnh và không có dấu hiệu cho thấy việc loại trừ sự ủng hộ của quân đội Pakixtan đối với tổ chức khủng bố chống Ấn Độ quyết liệt Lashkar-e-Tayeba là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính quyền Mỹ. Những nhà phân tích bi quan sẽ kết luận rằng Kayani sẽ tìm cách né tránh sức ép của Mỹ và sẽ không từ bỏ chiến lược kéo dài hàng thập kỷ qua về sử dụng khủng bố như một phương tiện nhằm theo đuổi các mục tiêu ở Ápganixtan và Ấn Độ. 

Mặc dù cho rằng không thể loại trừ diễn biến theo chiều hướng trên, song theo ông Raja, sẽ là không khôn ngoan nếu Ấn Độ thực hiện chính sách ngoại giao trên với lập luận Pakixtan sẽ trở lại với cách hành xử quen thuộc của họ. Đó là lập trường chủ bại. Thay vì lập trường đó, Niu Đêli cần phải giành lấy các cơ hội được tạo ra cho mình sau khi Bin Laden bị tiêu diệt và tìm kiếm các biện pháp nhằm bảo đảm để cuộc khủng hoảng hiện nay có thể dẫn tới những thay đổi cơ cấu đáng kể trong xu hướng đối nội và đối ngoại của Pakixtan.

Sự hạn chế của sức ép quốc tế đối với quân đội Pakixtan cho đến nay là một thực tế. Phản ứng đầu tiên của Tướng Kayani là thúc đẩy tâm lý chống Mỹ và chìa tay ra với Trung Quốc như một lựa chọn thay thế Mỹ. Cả hai động thái này đều không đủ hiệu quả để giúp quân đội Pakixtan thoát khỏi tình trạng hỗn loạn mà họ bị rơi vào như hiện nay. Các nghị quyết được Quốc hội Pakixtan thông qua theo mệnh lệnh từ quân đội đã không ngăn chặn được các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ tại Pakixtan.

Chính quyền của Tổng thống Obama đã cho thấy họ quyết tâm và có các biện pháp ép Kayani. Trong khi đó, khi mời trà và bày tỏ thiện cảm với Ixlamabát, Bắc Kinh đã đề nghị quân đội Pakixtan thay đổi sự đối địch bằng chính sách thân thiện với các nước láng giềng và đáp ứng các mối lo ngại của cộng đồng quốc tế về các căn cứ an toàn của khủng bố trong lãnh thổ Pakixtan. 

Quân đội Pakixtan đã thông báo về việc bắt đầu mở các chiến dịch quân sự tại Bắc Waziristan, như vậy, đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách của Pakixtan về Ápganixtan. Liệu có sự thay đổi tương tự trong lập trường của Pakixtan đối với Ấn Độ hay không, tuy nhiên, điều đó phụ thuộc vào việc Niu Đêli hành động như thế nào trong những tháng tới.

Bài báo vạch rõ Ấn Độ không thể chờ đợi sự thay đổi ở Pakixtan bằng cách đưa ra những tuyên bố chính thức hoặc không chính thức về những đòi hỏi đối với Ixlamabát. Niu Đêli cũng không thể thành công bằng cách phàn nàn về những gì các cường quốc khác thực hiện với Pakixtan. Ấn Độ cần một chính sách tích cực có thể gây ảnh hưởng tới các tính toán chiến lược của các bên tham gia chủ yếu trong những thay đổi hiện nay trên các đường biên giới phía Đông và phía Tây Pakixtan. Sự can thiệp của Ấn Độ cần thiết diễn ra trên 4 phương diện khác nhau. 

Thứ nhất là cam kết lâu dài về an ninh và sự phồn thịnh của Ápganixtan khi Mỹ chuẩn bị rút bớt quân đội khỏi nước này bắt đầu từ tháng 7 tới. Đó chính là điều Thủ tướng Manmohan Singh đã làm trong chuyến thăm Ápganixtan tháng trước. Bằng cách tăng cường trợ giúp kinh tế với tuyên bố viện trợ bổ sung 500 triệu USD, đề xuất giúp huấn luỵện cảnh sát, ủng hộ các nỗ lực của Tổng thống Hamid Karzai nhằm hoà giải với Taliban và tránh sử dụng lời lẽ chống Pakixtan, Thủ tướng Singh đã thay đổi vị trí của Ấn Độ trong ván cờ tàn có thể có ở Ápganixtan. 

Thứ hai, Ấn Độ cần tích cực ngăn chặn bất kỳ sự căng thẳng quân sự nào có thể có trên đường biên giới với Pakixtan. Niu Đêli không có lý do gì để dửng dưng trước việc Rawalpindi lẩn tránh sức ép của quốc tế yêu cầu tiến hành các chiến dịch quân sự chống các căn cứ khủng bố tại khu vực Bắc Waziristan. Ấn Độ cũng cần làm cho vòng đối thoại đầu tiên được nối lại với Pakixtan kết thúc có kết quả. Bất kỳ tiến bộ nào trong quan hệ của Ấn Độ với Pakixtan sẽ là đóng góp được hoan nghênh vào các nỗ lực của quốc tế nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Ápganixtan. 

Thứ ba, Niu Đêli cần đẩy mạnh tham vấn với Oasinhtơn về vấn đề làm thế nào có thể bảo đảm an ninh tốt nhất cho Ápganixtan. Sau chuyến thăm Cabun của Thủ tướng Singh thể hiện việc Ấn Độ không còn phản đối sự can dự với Taliban nữa, khoảng cách giữa Đêli và Oasinhtơn về Ápganixtan đã bắt đầu được thu hẹp. 

Ấn Độ cũng cần nói với Mỹ về Pakixtan. Cho tới nay, Niu Đêli và Oasinhtơn đã có những đòi hỏi về việc bên kia cần làm gì đối với Rawalpindi. Nếu chọn sự hợp tác, Ấn Độ và Mỹ có cơ hội tốt hơn trong việc buộc Pakixtan giảm bớt sự ủng hộ của họ đối với các thế lực cực đoan bạo lực.

Cuối cùng, đây là thời điểm để Ấn Độ và Trung Quốc bắt đầu đàm phán về tương lai của Ápganixtan và Pakixtan. Trong khi Oasinhtơn có lý do để rời bỏ Ápganixtan trong tương lai không xa, Niu Đêli và Bắc Kinh không có các chiến lược rút khỏi đây để mà xem xét, và buộc phải sống với tình trạng bất ổn tiềm tàng bên cạnh khu vực láng giềng Ápganixtan-Pakixtan. 

Khi Rawalpindi không có khả năng kiểm soát môi trường trong nước và bên ngoài trong bối cảnh sức ép gia tăng từ Mỹ và các nhóm thánh chiến cực đoan, Trung Quốc sẽ thấy khó có thể chỉ dựa vào quân đội Pakixtan để đạt được các lợi ích khu vực của họ ở Nam và Tây-Nam Á. 

Tương lai chính trị của Pakixtan là vấn đề chung hiện nay đối với Ấn Độ, Mỹ và Trung Quốc. Cho tới nay, chiến lược của Ấn Độ về Pakixtan được xây dựng trên một khung song phương rất hạn hẹp. Ấn Độ hiện có cơ hội hiếm có để giúp mình bằng cách hợp tác với Mỹ và Trung Quốc để ổn định tình hình ở Ápganixtan và Pakixtan. 

Bằng cách đưa ra các giải pháp xây dựng cho các cuộc xung đột tại khu vực biên giới phía Đông và Tây Pakixtan, Ấn Độ có thể được lợi trong cuộc chiến chống khủng bố của chính nước này, làm sâu sắc thêm quan hệ với Mỹ, và loại bỏ trở ngại chính trong việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc./.

Theo Indianexpress 

 

Phương Anh (gt)