Ông Raja Mohan cho rằng Trong khi chào mừng sự mở rộng nhanh chóng mối quan hệ với châu Phi, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cũng cần mở rộng tầm nhìn về vai trò quốc tế của Ấn Độ, đặc biệt là về bản chất mối quan hệ mới của Niu Đêli với thế giới đang phát triển.

Trung tâm của tầm nhìn này cần phải là sự công nhận quan hệ đang thay đổi của Ấn Độ với châu Phi vốn luôn chiếm vị trí ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Một trong những hành động đầu tiên của Ấn Độ sau khi giành được độc lập là phản đối chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apácthai ở Nam Phi.

Trong khi nhiều nước phương Tây từng sẵn sàng thừa nhận chủ nghĩa phân biệt chủng tộc tại Nam Phi với lý do tôn trọng chủ quyền của nước này, Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ Jawaharlal Nehru, đã đơn phương thực hiện các biện pháp trừng phạt Nam Phi, trong đó có việc chấm dứt quan hệ thương mại, du lịch và thể thao. Chiến dịch vận động của Ấn Độ chống chủ nghĩa thực dân và nhấn mạnh tình đoàn kết “Á-Phi” đã tạo cơ sở cho việc xây dựng Phong trào không liên kết.

Song các ý niệm về tăng cường “sự tự cung tự cấp tập thể (hợp tác Nam-Nam), và “tập thể cùng nhau mặc cả với phương Bắc” (trật tự kinh tế quốc tế mới) về các vấn đề kinh tế được Ấn Độ và châu Phi nhiệt tình ủng hộ hồi những năm 1970 và 1980 đã không thể tồn tại trước cơn sóng thần toàn cầu hoá bao trùm khắp thế giới trong những năm 90 của thế kỷ trước.

Bất chấp nhiều nỗi lo sợ của châu Á và châu Phi, toàn cầu hoá đã làm thay đổi cán cân quyền lực kinh tế thế giới nghiêng về phía Trung Quốc. Ấn Độ và nhiều quốc gia khác thuộc thế giới đang phát triển. Sự nổi lên của Trung Quốc và Ấn Độ như những cường quốc kinh tế đã giúp châu Phi có được tương lai tươi sáng hơn nhờ nhu cầu về các nguồn tài nguyên và làm cho thị trường châu lục này trở nên có sức hấp dẫn hơn. Bắc Kinh và Niu Đêli cũng đề xuất với các nhà lãnh đạo châu Phi những lựa chọn không hề tồn tại ở giai đoạn hậu chủ nghĩa thực dân. Khả năng của châu Phi trong việc mặc cả với các nước thực dân thống trị cũ ở châu Âu và các thể chế tài chính quốc tế bị phương Tây chi phối cũng đã được cải thiện đáng kể nhờ những lựa chọn kinh tế do Trung Quốc và Ấn Độ tạo ra.

Khái niệm về hợp tác Nam-Nam và trật tự kinh tế quốc tế mới chủ yếu là những mục tiêu mong muốn, tránh tạo ra bất kỳ sự trống rỗng nào trong giai đoạn hoàng kim của Phong trào không liên kết.

Tương tự như vậy, khái niệm về sự đoàn kết Á-Phi hoàn toàn mang tính chất chính trị và ít nội dung kinh tế. Hiện nay sự nổi lên của châu Á và sự liên kết kinh tế ngày càng sâu sắc của nó với châu Phi đang phá vỡ các trục địa chính trị cũ - Bắc-Nam và Đông-Tây - vốn đã định hình các suy nghĩ của chúng ta trong thời gian dài cho đến nay về các mối quan hệ quốc tế. Tất cả điều đó trên thực tế đã làm thay đổi bản chất của mối quan hệ giữa lục địa Đen với Trung Quốc và Ấn Độ - từ khái niệm đoàn kết về chính trị tới các ý tưởng đối tác kinh tế và chiến lược.

Trong khi Bắc Kinh và Niu Đêli không muốn thừa nhận vai trò quyền lực đang được cải thiện của mình tại châu Phi, thì các nhà lãnh đạo ở lục địa này chẳng khó khăn gì để nhận ra điều đó. Đối với châu Phi, câu hỏi đặt ra không phải là sự thay đổi quyền lực có lợi cho Trung Quốc và Ấn Độ. Họ muốn biết xem Trung Quốc và Ấn Độ có thể trở thành dạng cường quốc và đối tác như thế nào.

Về kinh tế, Ấn Độ nhấn mạnh vào việc giúp đỡ người châu Phi để họ có thể tự giúp mình thông qua năng lực xây dựng. Ấn Độ nói chung không bị thúc đẩy bởi sự ám ảnh vào an ninh năng lượng như Trung Quốc. Vai trò khu vực tư nhân của Ấn Độ tại châu Phi tương phản với sự can dự của Trung Quốc do các xí nghiệp, công ty nhà nước nắm vai trò chủ đạo.

Khi đưa ra cách đánh giá này, Niu Đêli cần phải làm nhiều hơn để bảo đảm rằng sự liên kết kinh tế của mình với châu Phi là có tính nguyên tắc, phù hợp với các giá trị chính trị của Ấn Độ và không mang sắc thái của “chủ nghĩa thực dân mới”.

Thủ tướng Singh cần bảo đảm với các nhà lãnh đạo châu Phi cũng như người đóng thuế Ấn Độ rằng các khoản tiền trợ giúp ngày càng tăng lên sẽ được sử dụng với hiệu quả chấp nhận được và không bị rơi vào túi những người tham nhũng. Từng một thời là quốc gia nhận trợ giúp chủ yếu, Ấn Độ cần phải hiểu tầm quan trọng của việc ngăn chặn tình trạng nổi giận của công chúng về những vấn đề thường nảy sinh ở các nước nhận viện trợ.

Niu Đêli cũng cần có các cuộc trao đổi nghiêm túc giữa khu vực nhà nước với khu vực tư nhân và các nhà hoạch định chính sách về việc làm thế nào để quản lý tốt nhất các hoạt động đầu tư và làm cho các khoản đầu tư to lớn của Ấn Độ ở châu Phi và các khu vực khác sinh lợi.

Không giống như Trung Quốc có mối hợp tác quân sự - trong đó có việc bán vũ khí - yếu tố quan trọng trong sáng kiến châu Phi của nước này, Ấn Độ đã phải trả giá nhiều cho việc ít quan tâm tới lĩnh vực an ninh trong hợp tác với châu Phi. Để nổi lên là một đối tác toàn diện đối với lục địa Đen, Ấn Độ cần phải tăng cường các khả năng phát triển công nghiệp quốc phòng của mình và có chiến lược ngoại giao quân sự tại lục địa này.

Là một nước đóng góp quan trọng vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc ở châu Phi, Ấn Độ hiểu sâu sắc về cả chiều sâu lẫn quy mô của các cuộc xung đột trong nội bộ quốc gia và tác động phá huỷ của nó đối với việc xây dựng quốc gia ở lục địa này cũng như sự hợp tác của các nước châu Phi với các đối tác nước ngoài.

Kinh nghiệm dân chủ có thích hợp cho quan hệ đối tác của Ấn Độ với châu Phi và giúp giải quyết rất nhiều cuộc xung đột ở lục địa này hay không? Ấn Độ không có lý do gì để bắt chước Mỹ hay châu Âu giảng dạy về dân chủ hoặc áp đặt tự do từ bên ngoài.

Tuy thế, Niu Đêli không được làm theo Bắc Kinh và cho rằng chủ quyền quốc gia, không can thiệp công việc nội bộ là các nguyên tắc tuyệt đối. Suy cho cùng, việc Nehru tích cực phản đối chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apácthai là dựa trên cơ sở sự công nhận rằng có những giá trị phổ quát ít nhất trong một số trường hợp phải được đặt trên các lợi ích dân tộc hẹp hòi.

Ấn Độ cần phải tìm kiếm các biện pháp ủng hộ một cách chậm chạp, song kiên định việc thay đổi dần dần các nước châu Phi theo hướng đa nguyên chính trị, chủ nghĩa liên bang và tôn trọng quyền của các tôn giáo và sắc tộc thiểu số khác nhau. Khi chia sẻ các kinh nghiệm dân chủ, trao đổi lẫn nhau về thực tế tốt nhất trong quản lý và đề xuất giúp đỡ xây dựng các thể chế chính trị, Ấn Độ sẽ có cơ hội để làm khác với cuộc thập tự chinh và thống trị của châu Âu và một Trung Quốc bất cần đạo lý trong can dự với châu Phi.

  Theo Indianexpress

 Viết Tuấn (gt)