Các sĩ quan quân đội tham gia cuộc tập trận khai mạc Asean-US (AUMX). Ảnh: Patipat Janthong

 

Cuộc tập trận AUMX diễn ra tại căn cứ hải quân Sattahip ở tỉnh Chon Buri của Thái Lan gần một năm sau khi ASEAN tiến hành một cuộc tập trận hàng hải tương tự với Trung Quốc ở ngoài khơi tỉnh Quảng Đông. Điểm mâu thuẫn là sự kình địch ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc trong khi nguyên tắc của ASEAN là duy trì tính trung tâm và cân bằng địa chính trị của khối giữa hai siêu cường này. Có thể thấy rõ một số hàm ý ở đây.

Thứ nhất, bản chất của sự cạnh tranh địa chiến lược và sự sẵn sàng về mặt quân sự đang chuyển từ đất liền ra biển, nhấn mạnh hơn vào an ninh hàng hải. Mặc dù là một quốc gia lục địa và có một quân đội lớn, Mỹ vẫn được biết đến như là một siêu cường hàng hải. Mỹ khẳng định sự vượt trội toàn cầu của họ là nhờ sức mạnh quân sự trên biển và khả năng triển khai lực lượng bên ngoài lãnh thổ tại những khu vực xa xôi của thế giới, một phần do Mỹ có hơn một chục tàu sân bay. Là một cường quốc truyền thống trên đất liền, Trung Quốc đã phải phát triển một lực lượng hải quân vươn ra đại dương mà có thể hoạt động và can dự tới tận châu Phi, Trung Đông và Nam cực. Các nhóm tàu sân bay của Trung Quốc đang mở rộng, mặc dù vẫn còn lâu mới bằng năng lực và khả năng của đối thủ Mỹ.

Việc bản chất của cuộc xung đột tiềm tàng trong tương lai có thể là trên biển đặt ASEAN vào cuộc đối đầu Mỹ-Trung Quốc. Sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc ở Nam và Đông Nam Á đang bị thách thức bởi chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Mỹ lãnh đạo với trọng tâm nằm xung quanh khu vực Biển Đông. Điều này giải thích tại sao cả Mỹ và Trung Quốc cần giành được các quốc gia Đông Nam Á. Để chiến thắng trong bất kỳ cuộc xung đột lớn nào thì không thể chỉ dựa vào khả năng chiến đấu, mà còn phải nhờ một mạng lưới các đồng minh và đối tác. Ai có nhiều bạn hơn trong một cuộc chiến sẽ có cơ hội chiến thắng cao hơn.

Thứ hai, sự cạnh tranh hàng hải Mỹ-Trung và trọng tâm của cuộc chiến này là ở Biển Đông đang thử thách nhuệ khí của ASEAN. ASEAN cần đoàn kết để duy trì tính trung lập và tránh bị chia rẽ bởi một trong hai siêu cường. Việc tổ chức tập trận hải quân với Mỹ trong năm nay, sau một cuộc tập trận tương tự với Trung Quốc hồi năm ngoái, là cách ASEAN phòng vệ và cân bằng giữa hai siêu cường.

Bắc Kinh chắc chắn sẽ theo dõi với con mắt cảnh giác cuộc tập trận AUMX, nhưng có thể sẽ không báo động quá mức. Ngoại trừ các cuộc tập trận hàng hải với ASEAN hồi năm ngoái và trong tương lai gần, AUMX bị giới hạn về quy mô và phạm vi. Tổng cộng, 10 nước ASEAN và Mỹ sẽ triển khai 8 tàu chiến, 4 máy bay và chỉ hơn 1.000 binh sĩ hải quân. Malaysia và Indonesia cũng quyết định chỉ cử các quan sát viên, chứ không phải tàu chiến, tham gia cuộc trận trận, trong khi Myanmar phái một tàu tham gia bất chấp tình hình nhân quyền của nước này. Phần lớn cuộc tập trận cũng tập trung vào an ninh phi truyền thống và an toàn hàng hải, chẳng hạn như các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ cũng như những va chạm không mong muốn trên biển.

Trung Quốc sẽ ít lo ngại về các cuộc tập trận hải quân này hơn so với các cuộc tuần tra tự do hàng hải đơn phương của Mỹ (Fonops). Dưới thời chính quyền Trump, chiến dịch Fonops ở Biển Đông đã trở nên thường xuyên và quyết đoán hơn như một cách để duy trì các tuyến đường hàng hải và hàng không mở. Chừng nào ASEAN còn giữ các cuộc tập trận hàng hải với Trung Quốc cân bằng với Mỹ thông qua AUMX, những điểm "cháy" tiềm tàng chỉ có thể xuất phát từ hành động đơn phương của một trong hai siêu cường.

Thứ ba, Trung Quốc có thể tìm cách đánh vào sườn Mỹ không phải thông qua các cuộc tập trận hàng hải với ASEAN, mà thông qua văn bản duy nhất về đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Nếu Trung Quốc làm theo cách của họ và thành công, COC cuối cùng sẽ bị loại bỏ và chỉ giới hạn giữa Trung Quốc với các quốc gia ASEAN. Một COC theo mong muốn của Trung Quốc có nghĩa là các cuộc tập trận hàng hải trong tương lai của ASEAN sẽ phải loại trừ Mỹ và các cường quốc khác trừ phi Bắc Kinh được thông báo và cho phép tiến hành.

Thứ tư, vai trò của Việt Nam là quan trọng nhất trong bối cảnh tập trận AUMX. Cùng với Philippines, quốc gia đã thắng một vụ kiện lớn về Biển Đông trước Trung Quốc tại Tòa trọng tài thường trực ở La Hay năm 2016, lợi ích của Việt Nam là lớn nhất trong các nước ASEAN vì có những tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc. Mặc dù Thái Lan đăng cai AUMX, phần lớn cuộc tập trận hải quân trên thực tế sẽ diễn ra ở ngoài khơi tỉnh Cà Mau của Việt Nam, ngay sát Biển Đông.

Năm 2020, Việt Nam sẽ tiếp quản chức Chủ tịch ASEAN và đồng thời giữ một ghế ủy viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Vấn đề nan giải của Việt Nam là sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế với Trung Quốc vô cùng lớn và sâu sắc, nhưng các quan hệ an ninh song phương lại rất căng thẳng. Tham gia tích cực các cuộc tập trận ASEAN-Trung Quốc lẫn AUMX, thách thức của Việt Nam, giống như của ASEAN, sẽ là tìm ra một sự cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Cuối cùng, trong khi Mỹ đang cho thấy rõ ý định gia tăng trò chơi địa chiến lược ở Đông Nam Á, thông điệp của ASEAN là duy trì sự cân bằng giữa hai siêu cường, đối xử bình đẳng với các bên, và không đứng về bên nào. Làm như vậy sẽ duy trì được tính trung lập tương đối của ASEAN trong khu vực.

Mỹ và Trung Quốc càng vờn nhau thì mỗi bên sẽ càng cần sự ủng hộ và hợp tác của ASEAN. Trong khi Trung Quốc được cho là đã chia rẽ ASEAN trong thời gian gần đây về các vấn đề Biển Đông, Mỹ đang cung cấp đòn bẩy để ASEAN lấy lại sự đoàn kết nhằm duy trì vai trò trung tâm của tổ chức này trong khu vực. Trong khi cuộc đối đầu Mỹ-Trung có thể trở nên tồi tệ thêm, trớ trêu thay ASEAN có thể sửa chữa và khôi phục một phần sự gắn kết và đoàn kết mà họ đã đánh mất.

Thitinan Pongsudhirak là Phó Giáo sư và Giám đốc của Viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Chulalongkorn, Khoa Khoa học Chính trị với hơn 25 năm kinh nghiệm. Bài viết được đăng trên tờ Bangkok Post.

Kim Nguyên (gt)