28/12/2012
Cựu Thủ tướng Shinzo Abe đã hân hoan trở lại nắm quyền Nhật Bản 3 năm sau khi ông phải ngậm ngùi từ bỏ chức vụ này. Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông đã giành chiến thắng vang dội khi giành đa số tuyệt đối tại Hạ viện Nhật Bản.
Tuy vậy, chiến thắng này dường như là sự trừng phạt đối với những thất bại của Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) hơn là phản ánh sự ủng hộ sâu sắc đối với LDP. Xem xét sự không hài lòng của cử tri với tất cả các đảng phái chính trị Nhật, ông Abe và LDP không có nhiều cơ hội thuyết phục cử tri rằng đảng này đã có câu trả lời cho những vấn đề đang làm suy yếu xứ sở hoa anh đào này. Trong bài viết đăng trên Tạp chí “The National Interest” (Mỹ) ngày 22/12, tác giả Michael Auslin, học giả cấp cao tại Viện nghiên cứu AEI có trụ sở tại Oasinhtơn, đã phân tích 3 thách thức mà Thủ tướng Shinzo Abe cần tập trung giải quyết như sau:
Thứ nhất là vấn đề kinh tế. Cử tri Nhật quan ngại trước hết là thực trạng nền kinh tế Nhật Bản và những lo lắng tài chính cá nhân của họ. Sau 2 thập kỷ giảm phát và một nền kinh tế rơi trở lại suy thoái năm 2012, bài học của các cuộc bầu cử năm 2009 và 2012 cho thấy cử tri sẽ trừng phạt các chính trị gia không thực hiện được lời hứa phục hồi nền kinh tế Nhật Bản. Vấn đề tối quan trọng là ông Abe phải tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng nội địa. Một lý do cho sự thất bại trong nhiệm kỳ trước là do ông đã trở lại với một LDP “cũ kỹ” sau những năm cải cách mạnh mẽ của cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi. Lần này, ông dường như đang đi theo con đường cải cách đã được ông Koizumi thực hiện qua việc đề xuất đẩy mạnh chi tiêu kích thích kinh tế kết hợp chính sách nới lỏng tiền tệ. Nhật Bản cần mạnh dạn hơn nữa dỡ bỏ những rào cản, thu hút nhiều hơn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tạo môi trường kinh doanh thân thiện và ủng hộ tự do thương mại. Một báo cáo gần đây của Liên hợp quốc cũng cho thấy sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ vào lực lượng lao động của Nhật Bản có thể giúp tăng trưởng GDP lên đến 8%.
Thứ hai là quản lý mối quan hệ liên minh với Mỹ. DPJ đã tự làm tổn thương mình vào những tháng đầu mới cầm quyền khi làm suy yếu thỏa thuận năm 2006 với Mỹ trong việc phân bố lại căn cứ thủy quân lục chiến trên đảo Okinawa. Đảng này sau đó đã mất vài năm để hàn gắn những bất đồng dù chưa đạt được tiến bộ nào trong vấn đề này. Tới năm 2012, chính quyền Thủ tướng Noda đã có những bước đi đáng kể hướng tới tăng cường sức mạnh quân sự Nhật Bản, trong đó có quyết định mua máy bay F-35, dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí và tiếp tục các chương trình phòng thủ tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, ngân sách quốc phòng Nhật Bản tiếp tục suy giảm dưới thời DPJ và đảng này chưa có động thái nào giải quyết vấn đề bình thường hóa phát triển quân đội Nhật. Oasinhtơn đang hy vọng LDP và ông Abe trở lại mối quan hệ tốt đẹp đã được thiết lập dưới thời cựu Thủ tướng Koizumi. Có dấu hiệu cho thấy ông Abe đang theo chiều hướng này và sẵn sàng cho nỗ lực sửa đổi Hiến pháp cho phép bình thường hóa phát triển quân đội. Thủ tướng Abe cũng sẽ phải đưa ra một tầm nhìn thống nhất hơn về vai trò của Nhật tại châu Á và thế giới nếu ông muốn thuyết phục được Oasinhtơn rằng Tôkiô có lợi ích trong duy trì ổn định và bảo vệ hệ thống chính trị quốc tế hiện tại. Dù điều này không trực tiếp liên quan đến liên minh Nhật-Mỹ nhưng bất kỳ nỗ lực nào của Nhật sẽ giúp tăng cường mối quan hệ đối tác giữa Oasinhtơn và Tôkiô.
Thứ ba là giải quyết mối quan hệ với Trung Quốc. Quan hệ Nhật-Trung đã xấu đi nhanh chóng suốt mùa Hè qua do tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Ông Abe phải có một giải pháp đáng tin cậy để khẳng định chủ quyền của Nhật đối với các đảo này đồng thời duy trì quyền kiểm soát hành chính. Tuy nhiên, ông cũng không thể hy sinh mối quan hệ với Trung Quốc và chấp nhận rủi ro xung đột hoặc đổ vỡ thương mại song phương. Dù những khả năng này còn xa vời, căng thẳng giữa Bắc Kinh và Tôkiô vẫn ở mức đặc biệt cao và một tính toán sai lầm có thể đưa đến hậu quả khôn lường. Vì thế, ông Abe cần phải đề xuất một sáng kiến nhằm ổn định mối quan hệ Trung-Nhật dù không thỏa hiệp trong vấn đề tranh chấp đảo. Điều này có thể sẽ rất khó khăn nhưng lợi ích tốt nhất của hai bên lúc này là phải kiềm chế và xem xét mối quan hệ ở tầm cao chiến lược. Cùng lúc đó, ông Abe cần hướng tới thúc đẩy quan hệ với các quốc gia châu Á láng giềng như Ôxtrâylia, Hàn Quốc, Philipin, Việt Nam và Ấn Độ. 7 thập kỷ kể từ sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, Nhật Bản vẫn chưa có được những đối tác gần gũi nào trong khu vực. Nhật cần bỏ qua những vấn đề của quá khứ và hướng tới một tương lai mang tính hợp tác hơn với các nước trong khu vực. Với việc đưa ra một tầm nhìn thống nhất cho việc khôi phục lại vị thế quốc gia và đóng vai trò lớn hơn trên trường quốc tế, Thủ tướng mới Shinzo Abe có thể bắt đầu tiến trình đưa Nhật Bản trở lại vai trò trụ cột trong cộng đồng quốc tế.
Michael Auslin là học giả tại Viện Doanh nghiệp Mỹ ở Washington. Bài viết đăng lần đầu tiên trên trang National Interest (ngày 21/12).
Nhật Linh (gt)
Nghiên cứu Biển Đông xin giới thiệu Báo cáo “Tăng cường kết nối giữa Hàn Quốc và các nước thành viên Quad tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”của Kristi Govella, Garima Mohan và Bonnie Glaser, chuyên gia Viện Quỹ German Marshall (GMF) . Theo nhóm tác giả, Hàn Quốc hiện có nhiều điều kiện để tăng hợp tác...
Ngày 28/8, tranh chấp Nhật-Hàn lại tiếp tục rơi vào bế tắc khi Nhật Bản chính thức loại Hàn Quốc ra khỏi “Danh sách trắng” về thương mại. Kể từ đầu tháng 7 đến nay, sau những đòn tấn công “ăn miếng trả miếng” quyết liệt, mâu thuẫn Nhật-Hàn đã leo thang, căng thẳng và phức tạp hơn. Cuộc khủng hoảng này...
Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia chủ chốt ở châu Á – Thái Bình Dương đồng thời cũng là là quốc gia đồng minh chính trong chiến lược của Mỹ ở khu vực. Nhưng thù hằn quá khứ dai dẳng của Hàn Quốc với Nhật Bản vẫn luôn sôi sục từ lâu. Giờ đây, động thái áp đặt hạn chế thương mại của Nhật Bản đối với...
Từ các tuyên bố và thể hiện chính sách thời gian qua của Tổng thống Moon có thể dự báo là trong thời gian tới, Hàn Quốc sẽ thực thi chính sách đối ngoại khác biệt so với thời kỳ Tổng thống Pak Geun-hye; đặc trưng bởi quyết tâm theo đuổi quan hệ độc lập hơn so với Mỹ, củng cố quan hệ với Nhật, duy trì...
Tốc độ tiến triển nhanh chóng của ngoại giao Triều Tiên khiến cho việc Nhật Bản và Hàn Quốc phối hợp chặt chẽ hơn về những thay đổi tiềm tàng đối với an ninh Đông Bắc Á trở nên quan trọng. Nhưng trước tiên họ phải vượt qua một số nỗi oán giận thâm căn cố đế.
Thích ứng và lên kế hoạch cho các tình huống bất ngờ từ Trung Quốc và Triều Tiên sẽ chiếm phần lớn trong chính sách quốc phòng và những vấn đề về việc mua sắm của Nhật Bản.