Trung Quốc và Malaysia có chung lịch sử thương mại, văn hóa và nhập cư đến hơn 1.000 năm, trực tiếp kết nối với nhau bằng các tuyến đường biển Con đường Tơ lụa cũ trên Biển Đông.

Ngày nay, mối quan hệ giữa hai nước dựa trên các nền tảng thương mại, đầu tư và du lịch. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia trong hơn một thập kỷ qua, còn Malaysia là đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc tại châu Á, chỉ sau Nhật Bản và Hàn Quốc. Trung Quốc đã đầu tư 4,75 tỷ USD trong năm ngoái và 43,8 tỷ USD trong 10 năm qua. Lượng khách du lịch của Trung Quốc đến Malaysia năm ngoái đã đạt đến gần 3 triệu người.

Bảy năm qua, dưới thời Tổng bí thư Tập Cận Bình, một người theo chủ nghĩa Mao Trạch Đông kiểu mới với tầm nhìn về một sự khôi phục đất nước Trung Hoa vĩ đại, Trung Quốc đang khẳng định lại vị thế của mình trên thế giới. Tập Cận Bình đã chú trọng vào các hoạt động của chính phủ nhằm mở rộng thương mại, đầu tư, công nghệ và văn hóa bằng một sự hiện diện quân sự thích đáng trên khắp thế giới nhằm theo đuổi cái mà ông quảng bá là Giấc mộng Trung Hoa.

Chính phủ đáng hổ thẹn và hiện đã bị lật đổ của Liên minh Mặt trận Quốc gia do Thủ tướng Malaysia Najib Razak lãnh đạo đã nhiệt tình theo đuổi các sáng kiến của Trung Quốc, ký kết một số lượng lớn chưa từng có các dự án, bao gồm Đường sắt cao tốc Kuala Lumpur-Singapore, phát triển Cảng Melaka Gateway, mở rộng Cảng Kuala Linggi, một Công viên Công nghệ Xanh tại Pekan, quê hương của Najib, một nhà máy mê-ta-non tại Sarawak và Đường ống dẫn Khí đốt liên Sabah. Trung Quốc đã bị bất ngờ khi Liên minh Pakatan Rakyat của Thủ tướng Mahathir Mohamad đánh bại Najib trong cuộc tổng tuyển cử, và đã để mất một liên minh thân cận vào tay Mahathir, người luôn vận động mạnh mẽ chống lại các khoản đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc.

Ngay sau cuộc bầu cử, Mahathir đã đột ngột hủy hoặc tạm hoãn một loạt dự án của Trung Quốc và cản trở dự án Forest City (thành phố sinh thái thông minh) khi tuyên bố sẽ không cung cấp thị thực cho các chủ sở hữu người nước ngoài trong dự án này.

Đối với Trung Quốc, Mahathir ban đầu có vẻ là một vấn đề nan giải. Vị thủ tướng bộc trực trong một chuyến công du Philippines đã cảnh báo Tổng thống Rodrigo Duterte về việc rơi vào bẫy nợ. Mới đây, Malaysia còn tịch thu 240 triệu USD từ tài khoản ngân hàng của một nhà thầu cung cấp đường ống dẫn, người Trung Quốc, có quan hệ với nhà nước do “không hoàn thành công việc”.

Nhiều nhà bình luận đã gọi động thái này của ông Mahathir là một đòn đáp trả Trung Quốc. Tuy nhiên, một phép ẩn dụ tốt hơn có thể là Trung Quốc và Malaysia đang chơi trò bóng bàn dân chủ. Mối quan hệ giữa hai nước đang mạnh mẽ và Trung Quốc nhận thức rõ rằng những giọng điệu của ông Mahathir là nhắm đến các thính giả trong nước trước tiên. Mặc dù vậy, cũng có những thông điệp ẩn ý gửi đến Trung Quốc. Mahathir chưa bao giờ trực tiếp chỉ trích Trung Quốc mà thường đổ lỗi cho Najib vì đã tham gia các dự án này một cách thiếu cẩn trọng. Sự tốn kém, khả năng chi trả và thiếu lợi ích cho Malaysia là những lý do chính thức mà Mahathir đưa ra để hủy bỏ các dự án.

Những cuộc đối thoại với Trung Quốc đằng sau hậu trường chỉ mang tính biểu tượng và không chính thức. Jack Ma, người sáng lập tập đoàn bán hàng online Alibaba của Trung Quốc, và cũng là một thành viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã nhanh chóng đến thăm Mahathir tại Putra Jaya ngay sau cuộc bầu cử. Chỉ sau đó hai tuần, thân tín của ông Mahathir, Daim Zainuddin cũng đã có một chuyến thăm không chính thức đến Trung Quốc để gặp Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Cũng không thể không nhắc đến chuyến thăm của Mahathir đến Nhật Bản trước khi đến Trung Quốc. Trong chuyến thăm đầu tiên đến Trung Quốc của ông Mahathir sau khi trở thành thủ tướng, Trung Quốc đã chấp nhận hủy bỏ các dự án này. Ngay cả khi các dự án đã bị hủy, chuyến thăm vẫn mang tính biểu tượng sâu sắc khi Mahathir nhận được sự tôn trọng rất lớn.

Khi mối quan hệ được điều chỉnh, Mahathir đã quay trở lại Trung Quốc hồi tháng 4 vừa qua. Một số dự án đã được tái đàm phán. Mahathir công khai bày tỏ sự ủng hộ tối đa cho chiến lược phát triển Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Chuyến thăm của ông đến các trụ sở của Huawei, tuyên bố Malaysia sẽ tiếp tục hợp tác với công ty này trong viêc phát triển hệ thống 5G là một lời phản đối quan trọng nhắm vào những chỉ trích của Mỹ về công ty này. Malaysia còn ký một thỏa thuận xuất khẩu dầu cọ lớn sẽ bù đắp sự thiếu hụt dầu cọ xuất khẩu sang EU. Những sự kiện này thể hiện mối quan hệ hai chiều mạnh mẽ.

Tuy nhiên, chuyến thăm của Mahathir tới Nhật Bản cũng thể hiện sự bất mãn của ông đối với sự ủng hộ rõ ràng của Trung Quốc dành cho Najib, đồng thời gửi đi thông điệp cho Trung Quốc rằng Malaysia cũng có những người bạn hùng mạnh khác trong khu vực.

Sự điều chỉnh quan hệ Malaysia-Trung Quốc tạo ra hàng loạt nhận thức. Mối quan hệ giữa hai nhà nước có tầm quan trọng rất lớn bởi đa phần các đối tác thương mại người Malaysia của Trung Quốc đều có liên quan đến một hoặc cả hai nhà nước.

Mối quan hệ Trung Quốc-Malaysia còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề tế nhị. Chủ nghĩa thực dụng của Mahathir về Biển Đông đã tồn tại từ lâu. Ông phản đối các quan điểm phương Tây của các bên nằm ngoài khu vực, vốn giúp ông tiết kiệm được những khoản tiền lớn đổ vào những thứ mà ông tin là “chi tiêu quốc phòng không cần thiết”.

BRI là tài sản lớn nhất của Trung Quốc nhằm thách thức sức ảnh hưởng khu vực của Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh chính sách châu Á của Mỹ đang tỏ ra lộn xộn, nhất là khi Mỹ rút khỏi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP).

Sự điều chỉnh quan hệ Trung Quốc-Malaysia diễn ra vào thời điểm có nhiều tranh cãi về sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới, theo một hình mẫu không giống với cách mà Mỹ gia tăng ảnh hưởng trên thế giới sau Chiến tranh Thế giới thứ hai thông qua trợ cấp, trao đổi văn hóa, tuyên truyền, thương mại, đầu tư, hiện diện quân sự, do thám, và các chiến dịch quân sự kín đáo. Những vấn đề này hiện càng phức tạp hơn khi nhiều người nhập cư Trung Quốc đang hòa nhập vào các xã hội trên khắp thế giới. Hầu hết những người này vẫn mang trong mình tình cảm mạnh mẽ với Trung Quốc. Sự trung thành của họ với những mối liên hết văn hóa kép còn phức tạp hơn so với sự toàn vẹn của an ninh quốc gia. Các vấn đề này cần được sớm cân nhắc trước khi quá muộn. Những mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia có thể xuất phát từ bất kỳ làn sóng di cư nào.

Chính các nước đã gọi mời người nhập cư, chính họ đã gọi mời Trung Quốc đầu tư. Mahathir đã chỉ ra rằng trách nhiệm của các nước này là phải cẩn trọng trong các quyết định đưa ra liên quan đến đầu tư nước ngoài. Nếu chính phủ của một nước nhận hối lộ hoặc thỏa hiệp với các nhà hoạch định chính sách thì đất nước đó sẽ rơi vào bất ổn. Có vô số minh chứng để củng cố luận điểm này.

Mahathir đã dạy cho Trung Quốc một bài học về việc nhúng tay vào chính trị nội bộ nước khác, đặc biệt trong giai đoạn bầu cử liên bang. Trường hợp quan hệ Trung Quốc-Malaysia cũng cho thấy hành xử với Trung Quốc không nên mang tính giao dịch đơn thuần. Tầm quan trọng của chủ nghĩa tượng trưng, chính sách ngoại giao, và một chút không khoan nhượng, là điều không thể xem nhẹ. Và Mỹ có thể không chỉ là một đối thủ lớn của Trung Quốc trong khu vực mà còn là một bóng ma của Trung Quốc./

Murray Hunter hoạt động ở châu Á-Thái Bình Dương trong hơn 30 năm ở nhiều cương vị khác nhau như nhà doanh nghiệp, nhà tư vấn, nhà học thuật và nhà nghiên cứu. Bài viết được đăng trên Eurasia Riview.

 

Nguyễn Phương Hoài (gt)