Với tốc độ tăng ngân sách quốc phòng gần gấp đôi tốc độ tăng GDP, Trung Quốc đang lột bỏ găng tay, tin tưởng rằng họ đã đủ gân cốt cần thiết. Quyền lực gia tăng khuyến khích Trung Quốc theo đuổi một chính sách đối ngoại mạnh mẽ hơn không chỉ đối với Ấn Độ mà với cả khu vực từ Biển Đông đến Đông Bắc Á. Ví dụ, Trung Quốc coi Biển Đông nằm trong lợi ích “cốt lõi” quốc gia, biến các đảo đang tranh chấp thành nơi không thể thương lượng; Trung Quốc ngang ngổ phản đối cuộc tập trận chống tầu ngầm Mỹ - Hàn tại vùng biển Nhật Bản; khẳng định chủ quyền với quần đảo Điếu Ngư như đối với vùng Arunchan Pradesh của Ấn Độ.

 

Rõ ràng các nước láng giềng đang ngày càng lo ngại về tác động của sự trỗi dậy của Trung Quốc khi Trung Quốc đang tìm cách tạo dựng một châu Á lấy Trung Quốc làm trọng tâm. Nhưng hành động của họ khó có thể giúp họ trở thành lãnh đạo châu Á.  

 

Có 4 lý do cho thấy sự hung hăng của Trung Quốc nhằm chủ yếu vào Ấn Độ, là:

 

+ Trung Quốc đang tăng cường hăm dọa quân sự cả trực tiếp và gián tiếp chống Ấn Độ;

+ Phần lãnh thổ lớn nhất mà Trung Quốc nhòm ngó là ở Ấn Độ;

+ Ấn Độ không chính thức liên minh an ninh với bất kỳ nước nào, vì vậy phải tự dựa vào khả năng quốc phòng của mình;

+ Bằng cách quấy rối Ấn Độ trên nhiều mặt, Trung Quốc đang đánh đi tín hiệu cho thấy đối thủ thực thụ và lâu dài là Ấn Độ chứ không phải là Mỹ.

 

Khu vực láng giềng đang trở thành chiến trường để Trung Quốc triển khai bao vây Ấn Độ. Trung Quốc đã lấn sâu vào khu vực sân sau chiến lược của Ấn Độ như Sri Lanka, Bangladesh và Nepal.

 

Hạn chế thông tin về tranh chấp biên giới chỉ có lợi cho Trung Quốc vì họ luôn luôn muốn lấp liếm vấn đề biên giới. Bài học là năm 1962 Ấn Độ đã lặp lại môt sai lầm khi đánh giá thấp hành động xâm lược của Trung Quốc. Tình hình hiện nay đang có những song trùng quan trọng như thời trước năm 1962.

 

Cần phải học cách Việt Nam lật lại thế ngoại giao với Trung Quốc như thế nào bằng cách không ngần ngại vạch trần thủ đoạn xâm lược của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc bị cô lập tại hội nghị ARF mới đây.

 

Thế cân bằng chỉ có thể đạt được nếu Ấn Độ chú trọng vào chính sách ngoại giao đòn bẩy và loại bỏ sự bất cân đối về quân sự xuyên khu vực Himalaya. Nói rộng hơn, hướng đi của Trung Quốc sẽ tùy thuộc vào khả năng các nước láng giềng và các cường quốc xa như Mỹ, kiểm soát sức mạnh đang trỗi dậy của Trung Quốc như thế nào. Một sự kiểm soát như vậy, đơn phương hay cùng đối tác, sẽ quyết định có ngăn được sức mạnh của Trung Quốc không trượt sâu vào sự ngạo mạn hay không.

 

Trần Nam (gt)

 

 

(Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)