Trung Quốc bắt đầu từ bỏ triết lý “Dấu mình chờ thời” khi ảnh hưởng của Trung Quốc tăng lên trong khi ảnh hưởng của Mỹ bị coi là giảm sút. Trong khi Mỹ bế tắc về chính sách ở Afghanixtan, Pakixtan, Iran và khủng hoảng kinh tế ở phương Tây thì Trung Quốc lại phát triển mạnh mẽ có thể là lý do giải thích cho sự thay đổi đó. Cần nhớ lại ngày TTh Mỹ Obama tuyên thệ cũng là ngày Trung Quốc công bố Sách Trắng về quốc phòng. Có thể là sự trùng hợp, có thể không. Sách Trắng đề cập đến những vấn đề như Đài Loan, Tây Tạng, ngân sách quốc phòng, hoạt động ngoại giao và cho biết Trung Quốc sẽ sử dụng lực lượng hạt nhân như thế nào. Việc cuốn sách khẳng địmh “Tách khỏi thế giới bên ngoài thì Trung Quốc không phát triển được cũng như thế giới không thể phồn vinh, ổn định mà không có sự tham gia của Trung Quốc” nhằm mô tả Trung Quốc là quốc gia có trách nhiệm lớn lao và không thể thiếu được trong trật tự thế giới mới.

 

Trong quan hệ quốc tế, Trung Quốc tỏ thái độ thách thức: cử cán bộ trẻ đến Copenhagen để thảo luận với các nguyên thủ quốc gia, cách xử lý vấn đề hạt nhân của Iran, thỏa thuận hạt nhân với Pakixtan, cản trở Ấn Độ cho bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ vay tiền, khiêu khích Ấn Độ bằng việc cấp visa rời cho công dân Ấn sinh ở Arunachal Pradesh, tăng cường thâm nhập bang này, nơi Trung Quốc gọi là “Nam Tây Tạng”. Với láng giềng, Trung Quốc có kế hoạch xây đập trên sông Brahmaputra, kết nối Tây Tạng với Nepan bằng đường sắt. Gần đây, quân Trung Quốc còn tiếp tế cho quân đội và lực lượng không quân ở Tây Tạng bằng đường sắt và xây thêm sân bay ở vùng này. Một số chuyên gia Mỹ cho rằng từ giữa năm 2009, Trung Quốc nói nhiều đến “lợi ích sống còn” của họ. Tháng 7/2009, ông Dai Bingguo nói: “Lợi ích sống còn của Trung Quốc là (i) đảm bảo an ninh nội địa, (ii) bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, (iii) kinh tế- xã hội tiếp tục phát triển ổn định. Điều đó có nghĩa là bảo vệ lợi ích của họ tại Tây Tạng, Đài Loan, Biển nam Trung Hoa (Biển Đông), nguồn tài nguyên chiến lược và con đường thông thương trên biển. Trung Quốc mất lòng trước tuyên bố của NT Mỹ Hillary tháng 7/2010 tại Hà nội rằng cần tạo ra cơ chế quốc tế để giải quyết vấn đề biển "Nam Trung hoa" (Biển Đông). Tháng 5/2010, ông Dai Bingguo nói với bà Hillary rằng Trung Quốc coi yêu sách với biển "Nam Trung hoa" (Biển Đông) là lợi ích quốc gia sống còn của họ. Người Trung Quốc theo dõi chặt chẽ quan hệ Mỹ - Việt đang được tăng cường, bao gồm cả việc Mỹ đề nghị có thỏa thuận hạt nhân dân sự với Việt Nam tương tự như với Ấn Độ. Quân đội Trung Quốc tiến hành tập trận hải quân tại biển nam Trung hoa (Biển Đông), biển Hoàng hải, phản đối tàu nước ngoài vào vùng biển đó và khu vực phụ cận; phản đối quyết liệt cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn Quốc tại Hoàng Hải.

 

Thông điệp mà Trung Quốc muốn nhắn nhủ Mỹ là Tây Thái Bình Dương  là khu vực Trung Quốc có lợi ích và ảnh hưởng; gợi ý chia khu vực ảnh hưởng giữa Đông và Tây Thái Bình Dương . Lợi ích địa chiến lược của Mỹ và Trung Quốc mâu thuẫn nhau, cần giải quyết và Trung Quốc cho rằng họ đang có lợi thế. Trung Quốc còn lo ngại ảnh hưởng đến quan hệ thương mại, tài chính với Mỹ, an ninh của con đường thông thương qua eo biển Malacca. Họ đã cố phát triển thông thương trên đường bộ qua Trung Á nhưng không đủ. Sắp tới, Trung Quốc sẽ tăng cường sự có mặt tại biển Ấn Độ. Họ đã có cảng biển ở Hambatota, Gwanda, có mặt tại biển Ả rập; tăng cường quan hệ với Iran để cạnh tranh với Nga hơn là với Mỹ, tìm kiếm nguồn khoáng sản ở Afghanixtan, tăng cường quan hệ với Myanmar. Vì vậy, chúng ta không chỉ phải đối phó với thách thức tại vùng biên giới trên bộ và cần có biện pháp đáp trả với thách thức mới trên biển Ấn Độ./.


( Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)