Washington đang chứng tỏ cho Bắc Kinh thấy là Biển Đông không phải là “ao nhà” của họ với chiến lược là đặt trọng tâm vào việc liên kết chặt hơn với ASEAN. Sự can dự của Mỹ thay đổi cục diện trong khu vực.

 

Trước khi đạt tới mức độ quan hệ như hiện nay với ASEAN, chính sách của Mỹ trải qua nhiều giai đoạn trong vài thập kỷ trước, những lời chỉ trích Mỹ xem nhẹ Đông Nam Á  khá phổ biến. Trước những năm 1990, quan hệ của Washington với khu vực này chỉ giới hạn trong việc tăng cường các liên minh quân sự truyền thống và trong các vấn đề an ninh có liên quan. Mọi nỗ lực của khu vực nhằm tạo dựng bất kỳ cơ chế hợp tác đa phương - kinh tế hay an ninh đều vấp phải sự phản đối quyết liệt của Mỹ. Tình hình có thay đổi đôi chút qua nhiệm kỳ thứ 2 của TTh Clinton, Mỹ bắt đầu chấp nhận việc thành lập một khuôn khổ an ninh đa phương hạn chế và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần đầu tiên được đề xuất trở lại trong những năm 1992 - 1994.

 

Nhưng phải tới khi Trung Quốc  gia tăng nhanh chóng sức mạnh chính trị và kinh tế ở Đông Nam Á, thì Mỹ mới có những điều chỉnh đáng kể trong chính sách ngoại giao của mình đối với khu vực này. Đáng chú ý, để cải thiện chỗ đứng của mình trong khu vực, giờ đây Mỹ sẵn sàng chấp nhận các quy định và cách cư xử hiện hành của ASEAN. Mỹ công nhận vai trò trung tâm của ASEAN trong việc kiến tạo khu vực. TTh Obama đóng vai trò quan trọng trong bước tiến ngoại giao mới và thường trực của Mỹ. Ông ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong việc xây dựng cộng đồng khu vực khi gặp gỡ các lãnh đạo của khối lần đầu tiên tại Singapore vào cuối tháng 11/2009.

 

Với định hướng này, Mỹ tham gia Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) vào năm 2009, thay đổi đường lối can dự và qua đó mở ra một con đường mới vào ASEAN. Kết quả của cách tiếp cận mới của Mỹ là ASEAN tự tin và với sự tự tin mới này đang nuôi cao vọng lôi cuốn và uốn nắn các cường quốc sao cho có lợi cho một khu vực trước đây từng bị chia rẽ.

 

Điển hình là việc từ khi thành lập Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), ký TAC với nhiều đối tác, vai trò của ASEAN trong các vấn đề liên quan đến hòa bình và an ninh cũng được thúc đẩy mạnh mẽ. Ngoài ra, với việc Mỹ tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), ASEAN tăng cường hợp tác với siêu cường quốc số 1 thế giới, cũng như thúc đẩy Mỹ thay mặt cho ASEAN nêu bật các vấn đề trọng yếu của khu vực như Biển Đông và các vấn đề an ninh phi truyền thống…

 

Ngược lại, việc Mỹ-ASEAN tăng cường hợp tác khiến Trung Quốc lo lắng. Trung Quốc biết rằng thế cờ tiếp tục thay đổi và điều tốt nhất mà họ cần phải làm là triển khai chính sách mới để thu phục ASEAN mạnh mẽ hơn, tránh đẩy ASEAN nghiêng hẳn về phía Mỹ. Nói cách khác, cả ASEAN và Trung Quốc đều hiểu ngầm với nhau đã tới thời điểm kết thúc tình trạng kéo dài nhiều thập kỷ mà trong đó, Trung Quốc hưởng lợi quá nhiều từ quan hệ thân thiết với ASEAN.

 

Vấn đề tranh chấp lãnh thổ hiện đang là nỗi ám ảnh các nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh với khả năng vấn đề bị đa phương hóa. Biển Đông tiếp tục là “yếu huyệt” của Trung Quốc, một lực cản dựng lên trên con đường tăng cường quan hệ ASEAN- Trung Quốc nhưng đồng thời lại là cơ hội cho Mỹ kết thân với ASEAN.

 

 

( Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)