Trong vài năm qua, sự trỗi dậy của Trung Quốc đã trở thành tâm điểm trong các cuộc thảo luận về tương lai châu Á và các nước trong khu vực đã bị hút vào quỹ đạo của Trung Quốc, tìm cách “thân thiết” với một siêu cường mới của khu vực.

 Và dĩ nhiên, cường quốc phải hứng chịu tổn thất nhiều nhất về việc trỗi dậy của Trung Quốc chính là Mỹ - cường quốc mà sự giàu có và ảnh hưởng đã bị ném vào những cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan cộng thêm những khó khăn trong kinh tế đã làm xói mòn vị thế của Mỹ tại một châu Á đang ngày càng năng động.

Tuy nhiên, những va chạm gia tăng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng thời gian gần đây xung quanh vấn đề an ninh đã đặt vào tay Mỹ một cơ hội xác lập lại vị thế của mình tại khu vực châu Á này và chính quyền Obama đã nhanh chóng tận dụng triệt để thời cơ hiếm có này.

 Washington đang “nhảy vào” cuộc tranh chấp lãnh thổ ngày một nóng dần giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á bất chấp việc Bắc Kinh cảnh báo đó là chuyện riêng của họ. Mỹ đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung với Hàn Quốc bất chấp Trung Quốc phản đối mạnh mẽ khi cho rằng Mỹ đã “xâm phạm” các khu vực nơi quân sự Trung Quốc hoạt động.

Trong khi đó, việc Trung Quốc gia tăng đối đầu với Nhật Bản xung quanh vụ một tàu cá nước này va chạm với hai tàu tuần tra của lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật tại vùng biển tranh chấp đang đẩy Nhật Bản trở lại dựa dẫm vào chiếc ô an ninh của Mỹ. Tầm quan trọng của liên minh Nhật - Mỹ được thức tỉnh khi mà TTg Nhật Naoto Kan nhấn mạnh liên minh Nhật - Mỹ là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Nhật. Chính sự hiện diện của Trung Quốc làm cho Nhật Bản và Mỹ cảm thấy bất an.

Và một lần nữa, trong cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á tại New York, đích thân TTh Obama đã cam kết rằng Mỹ sẵn sàng giúp đỡ các quốc gia này giải quyết hòa bình vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên Biển Đông. Động thái này tiếp sau động thái của NT Mỹ Hillary Clinton hồi tháng 7 khi tuyên bố Mỹ sẵn sàng làm trung gian tìm kiếm giải pháp cho tranh chấp giữa các nước này với Trung Quốc ở Biển Đông. Trong khi Trung Quốc tuyên bố giải quyết vấn đề này với từng quốc gia Đông Nam Á riêng rẽ, còn bà Clinton thì nhấn mạnh, lập truờng của Mỹ ủng hộ đàm phán đa phương và tự do hàng hải trên biển là một lợi ích quốc gia của Mỹ.

Có thể nói ở khắp nơi, Trung Quốc đang chứng kiến bầu không khí thay đổi nhanh chóng. Ý nghĩ về mối đe dọa Trung Quốc lại đang hồi sinh. Mỹ đang nỗ lực kiềm chế Trung Quốc. Mỹ đã rất khôn ngoan khi tìm cách lấy lại vị trí của mình bằng cách trợ giúp các nước trong khu vực - những nước có những quyền lợi sát sườn với Trung Quốc hay nói cách khác Mỹ đang cố gắng “nuôi dưỡng một liên minh chống lại Trung Quốc ngay chính tại khu vực”.

 

 

Hoàng Thái (gt)

 

 

(Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)