Theo tờ "Người Ôxtrâylia", trong báo cáo có tựa đề "Tình trạng Chiến lược của Ôxtrâylia năm 2030" công bố ngày 7/2, Tiến sĩ Ross Babbage - làm việc cho Ban cố vấn Chính phủ về Sách Trắng Quốc phòng 2009 - nhận định Canbơrơ cần một hạm đội tàu ngầm hạt nhân tấn công cùng một loạt hệ thống vũ khí tiên tiến nhằm đáp lại những mối đe dọa về an ninh từ việc xây dựng quân đội quy mô lớn của Trung Quốc.


Tiến sĩ Babbage, người sáng lập tổ chức nghiên cứu an ninh có tên là Quỹ Kokoda, cho rằng Ôxtrâylia nên phát triển khả năng tên lửa hành trình và đạn đạo quy ước để trang bị trên các tàu chiến mới, cũng như tăng cường đầu tư vào chiến tranh mạng. Theo ông, Ôxtrâylia có thể mua từ 10-12 tàu ngầm hạt nhân tấn công của Mỹ, thay vì tự đóng mới 12 tàu ngầm thông thường để thay thế cho hạm đội lớp Collins, và những tàu ngầm đó có thể hoạt động cùng với các tàu của Mỹ khi cùng sử dụng một căn cứ hải quân của Ôxtrâylia cũng như có thể được các chuyên gia hạt nhân của Mỹ bảo dưỡng. Sách Trắng của Ôxtrâylia năm 2009 dự định mua 12 tàu ngầm thông thường, nhưng không đưa ra chi phí cụ thể. Chuyên gia Andrew Davies thuộc Viện Chính sách Chiến lược Ôxtrâylia (ASPI) ước tính chi phí cho 12 tàu này vào khoảng 36 tỷ AUD, trong khi Tiến sĩ Babbage cho rằng việc mua 10 tàu ngầm tấn công lớp Virginia mới cùng khí tài của Hải quân Mỹ chỉ tốn kém 28 tỷ AUD.


Quỹ Kokoda kêu gọi Ôxtrâylia cho phép Mỹ đặt nhiều căn cứ quân sự để giúp phân tán các cơ sở quân sự của Mỹ và khiến cho chúng khó bị tấn công trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự với Trung Quốc. Điều này cũng tăng cường sức mạnh và sự mặn nồng của Liên minh Mỹ-Ôxtrâylia, và giảm bớt nguy cơ tấn công chống Ôxtrâylia vì bất kỳ cường quốc thù địch nào cũng sẽ lo ngại rằng tấn công Ôxtrâylia sẽ tự động kéo theo sự can dự của Mỹ. Ngoài ra, một lực lượng hỗn hợp gồm các tàu ngầm hạt nhân của Ôxtrâylia và Mỹ cùng chia sẻ căn cứ ở Ôxtrâylia, sẽ phát đi một tín hiệu rất mạnh tới các nhà lãnh đạo quân đội Trung Quốc. Tại cuộc tham khảo ý kiến thường niên cấp bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Mỹ-Ôxtrâylia (AUSMIN) cuối năm 2010, chính phủ hai nước đã nhất trí tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Ôxtrâylia cùng với việc các lực lượng Mỹ chia sẻ các căn cứ và đặt khí tài quân sự ở Ôxtrâylia.


Theo Babbage, tất cả những điều nói trên là cần thiết vì sự phát triển quân sự mang tính hiếu chiến của Trung Quốc đã làm thay đổi môi trường an ninh của Ôxtrâylia. Canbơrơ không thể lơ là trước cách thức, quy mô, khuôn mẫu và tốc độ của sự phát triển của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang làm thay đổi an ninh ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Sự phát triển quân sự trên quy mô lớn của Trung Quốc "rõ ràng được hoạch định nhằm đẩy Mỹ và các đồng minh ra khỏi Tây Thái Bình Dương" và đi kèm với thái độ quân sự cũng như ngoại giao hiếu chiến hơn của Bắc Kinh. Những lợi ích an ninh chủ chốt của Ôxtrâylia đang bị thách thức và Canbơrơ phải tiến hành biện pháp đáp trả hữu hiệu.

 
Babbage cho rằng đây không phải là mối đe dọa xa đối với khu vực của Ôxtrâylia, mà là một mối đe dọa trực tiếp đối với Ôxtrâylia, vì Ôxtrâylia nằm trong tầm bắn của rất nhiều hệ thống vũ khí hiện nay của Trung Quốc. Những khả năng quân sự đang trên đà phát triển của Trung Quốc bao gồm các tên lửa hành trình và đạn đạo có thể tấn công tàu chiến và những mục tiêu cố định của Mỹ và Ôxtrâylia, sự đầu tư mạnh mẽ vào các khả năng chiến tranh mạng với nhiều tin tức về hàng chục nghìn vụ xâm nhập của người Trung Quốc hàng ngày, các tàu ngầm hạt nhân và thông thường thế hệ mới với hơn 40 tàu ngầm được đóng mới kể từ năm 1995, sự gia tăng mạnh trong kho vũ khí hạt nhân mà sẽ tăng gấp đôi hoặc gấp ba vào năm 2030, sự đầu tư khổng lồ vào chiến tranh không gian để Trung Quốc có thể phá hủy các vệ tinh viễn thông vốn có vai trò trung tâm trong chiến tranh của phương Tây, và sự gia tăng mạnh trong các khả năng không quân như cường kích, tiêm kích và không vận.


Theo Babbage, Ôxtrâylia không thể đối chọi được với những khả năng nói trên của Trung Quốc, do đó cần có sự đáp lại chiến lược bao gồm hai yếu tố là hành động nhằm củng cố vị trí quân sự của Mỹ ở châu Á như tiếp nhận thêm nhiều cơ sở quân sự của Mỹ và làm những gì giống như Trung Quốc đang làm với Mỹ, tức là phát triển một khả năng "không tương xứng" để sử dụng lực lượng nhỏ hơn để gây tổn thất lớn đối với Trung Quốc trong trường hợp nổ ra xung đột. Điều này sẽ giúp ngăn chặn chủ nghĩa phiêu lưu quân sự của Trung Quốc và tránh được xung đột.

Theo The Australian

Văn Cường (gt)