Châu Á đang trong tình trạng không ổn định do sự thay đổi phân bố quyền lực của khu vực. Tuy nhiên, trong khi trật tự an ninh tồn tại từ lâu của khu vực có khả năng bị thay thế trong những năm và thập niên sắp tới, hình thức những dàn xếp có thể nổi lên thay vào vị trí đó vẫn chưa được xác định, và ở một chừng mực nào đó không thể nhận thức được. Đồng thời, sự dịch chuyển trọng lượng kinh tế và chiến lược thế giới sang châu Á có nghĩa là trật tự chiến lược toàn cầu sẽ ngày càng được định hình ở châu Á bởi các cường quốc châu Á. Tương lai chiến lược của châu Á chưa bao giờ có ý nghĩa quan trọng hơn đối với thế giới - nhưng cũng chưa bao giờ kém rõ ràng hơn. 


Dự án An ninh châu Á của Viện Lowy phác thảo bốn tương lai an ninh khu vực, những động lực chiến lược và lựa chọn chính trị có thể khiến từng tương lai trở thành sự thật, cũng như các tác động của những tương lai đó đối với cơ cấu an ninh song phương và đa phương của khu vực. Đi kèm với bốn tương lai này là bốn ''cú sốc'' có thể xảy ra - những sự biến chiến lược mà có thể khiến tương lai của khu vực chuyển đổi từ hướng này sang hướng khác. 


Tương lai 1: Địa vị bá chủ của Mỹ 


Bất chấp những điều không may hiện nay, nước Mỹ ngày nay vẫn sẽ có vị trí tối cao ở châu Á và trên thế giới, theo hầu hết các chỉ số sức mạnh. Nền kinh tế của Mỹ lớn gấp ba lần quy mô của nền kinh tế Trung Quốc xét trên yếu tố thị trường ngoại hối, trong khi chi tiêu quốc phòng của Mỹ vượt quá tổng chi tiêu quốc phòng của 34 nước tiếp theo (trong đó có rất nhiều nước là đồng minh của Mỹ). Đồng USD sẽ tiếp tục đóng vai trò là đồng tiền dự trữ toàn cầu, trong khi vũ khí, hàng xuất khẩu công nghệ cao và hệ thống giáo dục đại học của Mỹ (những thành phần trong địa vị thống trị của Mỹ) vẫn đứng đầu. 


Sự dịch chuyển quyền lực toàn cầu sang châu Á được dẫn dắt bởi sự nổi lên của Trung Quốc, đối thủ tiềm tàng duy nhất đối với địa vị đứng đầu của Mỹ trong khu vực và trên thế giới. Đáp lại, Mỹ cũng đang thay đổi - và sẽ tiếp tục thay đổi - ngày càng tập trung vào vị trí tương đối của mình ở châu Á. May thay với nước Mỹ, những lo ngại về sự nổi lên của Trung Quốc đang khiến cho các đồng minh của Mỹ và thậm chí cả những cựu thù trong khu vực ngày càng quan tâm với việc làm sâu sắc thêm sự can dự chiến lược của họ với Mỹ. Trong tương lai, các quan hệ song phương và theo từng nhóm lấy Mỹ làm trung tâm sẽ tiếp tục là những trụ cột thể chế quan trọng nhất của trật tự an ninh khu vực. 


Tương lai 2: Một châu Á cân bằng về quyền lực 


Trong Tương lai 2, trật tự an ninh của châu Á phần lớn không còn được định hình bởi những lựa chọn và sở thích của Mỹ. Đúng hơn là trật tự nổi lên nhờ kết quả không được định hướng trước của sự cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc chính trong khu vực, nhất là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Một sự cân bằng quyền lực bao hàm một trạng thái thăng bằng mang tính cạnh tranh vì từng quốc gia đều có ý định tối đa hóa sức mạnh của chính mình và tự liên kết về mặt chiến lược để ngăn chặn nước khác có được địa vị thống trị. 

Một sự cân bằng quyền lực khác hẳn với địa vị bá chủ của Mỹ, nhưng sự quá độ có thể khó thấy được - và trong một vài khía cạnh có thể đang diễn ra. Sự hiện đại hóa quân sự của Bắc Kinh có mục tiêu nhằm áp đặt những hạn chế rõ ràng đối với khả năng của Mỹ trong việc phô trương sức mạnh quân sự ở Tây Thái Bình Dương gần Trung Quốc và là một sự biểu thị rõ ràng về những động lực cân bằng mới của châu Á. Nhật Bản và Ấn Độ đều đang lần lượt điều chỉnh các chính sách đối ngoại và an ninh nhằm cân bằng sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc. 


Inđônêxia, Nga, Việt Nam và một nước Triều Tiên thống nhất (có thể trong tương lai) cũng có thể đóng những vai trò trong sự cân bằng quyền lực đang nổi lên của châu Á. Trong khi Mỹ không duy trì được địa vị bá chủ trong tương lai này, Oasinhtơn vẫn sẽ là bên tham gia hùng mạnh nhất trong khu vực và trong tương lai có thể thấy trước được. Sự răn đe hạt nhân ổn định, sự minh bạch chiến lược, sự hội nhập kinh tế đang diễn ra, những biện pháp xây dựng lòng tin, và nhận thức về những phí tổn của xung đột sẽ là những yếu tố quan trọng trong việc quản lý tương lai mang nhiều cạnh tranh, ít ổn định này. 


Tương lai 3: Một châu Á hòa hợp giữa các cường quốc 


Một sự hòa hợp của các cường quốc là một dàn xếp phức tạp với những điểm tương đồng của sự cân bằng quyền lực, nhưng cũng có những khác biệt chính. Không giống như sự cân bằng quyền lực, vốn nhằm ngăn ngừa một quốc gia đơn lẻ có được địa vị thống trị, mục tiêu quan trọng nhất của một sự hòa hợp là ngăn chặn chiến tranh bá chủ. Trật tự sẽ nổi lên trên cơ sở một thỏa thuận chia sẻ giữa Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga và có thể là một nước Triều Tiên thống nhất nhằm hạ thấp những tham vọng quốc gia - kể cả khuynh hướng nhấn mạnh mọi lợi thế - trước mục tiêu đó. 


Mặc dù sẽ cần có sự tự kiềm chế và tham khảo ý kiến ở những cấp cao nhằm duy trì trật tự này (ví dụ, cách ly những quan hệ cường quốc lớn với các cuộc khủng hoảng liên quan đến các nước nhỏ hơn), một sự hòa hợp của các cường quốc không nên bị nhầm lẫn với những phương thức hợp tác khu vực khác. Không nhất thiết phải có một thể chế đa phương chính thức hay một ''Cộng đồng'' châu Á-Thái Bình Dương hoặc Đông Á - và trong một vài trường hợp, căn cứ vào bản chất riêng biệt, có thể hoàn toàn bị phản đối. Hơn nữa, các cường quốc hạng trung như Ôxtrâylia, Inđônêxia và Hàn Quốc có thể lo ngại về việc bị đứng ngoài rìa. Sự hòa hợp cũng không báo hiệu sự chấm dứt của tình trạng kình địch hay cạnh tranh. Trong một khu vực như châu Á, vốn được biết nhiều về những kình địch trong lịch sử, những tranh chấp lãnh thổ và các tỉ lệ tăng trưởng kinh tế không đều, một sự hòa hợp có thể tỏ ra nhạy cảm trước những thay đổi về quyền lực, hoặc sự thao túng bởi một quốc gia, để đóng vai trò như một cơ sở bền vững cho sự ổn định khu vực. 


Tương lai 4: Sự bá chủ của Trung Quốc 



Giống như mọi cường quốc, Trung Quốc có những lý do hợp lý để giành quyền bá chủ trong khu vực của mình. Một vị trí như vậy sẽ cho phép Trung Quốc thiết lập một mức độ an ninh, thịnh vượng và uy tín mà không thể đạt được theo cách khác. Trong khi rất nhiều người coi Trung Quốc ngày nay là một cường quốc được đáp ứng một cách cơ bản, một nước phát triển mạnh dưới cái bóng của sự bá chủ của Mỹ, không có gì mâu thuẫn về nguyện vọng dài hạn đối với sự bá chủ cũng như những chính sách đối ngoại và chiến lược mang tính thận trọng hiện nay của Trung Quốc - điều cho phép Trung Quốc lặng lẽ tối đa hóa sức mạnh của mình mà không phải đối đầu. 


Câu hỏi về việc liệu Trung Quốc trên thực tế có mong đợi giành quyền bá chủ hay không lại là một vấn đề khác. Việc một nước Trung Quốc vẫn đang can dự với nền kinh tế toàn cầu có tiềm năng tạo ra nhiều sức mạnh kinh tế và quân sự hơn so với bất kỳ cường quốc nào trong lịch sử. Mỹ có một thành tích lâu dài trong việc cản trở những kẻ thách thức vị trí bá chủ và đôi khi chấp nhận những cái giá và rủi ro lớn để làm như vậy. Cả Nhật Bản, Nga và Ấn Độ cũng không bình thản chào mừng nỗ lực giành quyền bá chủ của Trung Quốc. Cuối cùng, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức nghiêm trọng trong nước mà có thể sẽ gây phức tạp cho sự tiếp tục nổi lên của nước này. 


Đây là tương lai có tính chất suy đoán nhất đáng để cân nhắc. Hơn nữa, khó có thể thấy sự bá chủ của Trung Quốc nổi lên như thế nào mà không theo sau một kỷ nguyên dài của sự đa cực (ví dụ, thông qua một sự cân bằng hoặc sự hòa hợp của các cường quốc), trong đó Trung Quốc có thể dần dần tích lũy những khả năng của mình - hoặc một sự tan rã bất ngờ và nhanh chóng của trật tự đang thịnh hành do một cú sốc (hoặc nhiều cú sốc) đối với khu vực cũng như trật tự chiến lược trong khu vực. 


Những cú sốc chiến lược 


Có bốn cú sốc chiến lược có thể xảy ra, mỗi cú sốc có thể đóng một vai trò lớn trong việc quyết định trật tự khu vực nào sẽ nổi lên cuối cùng. 


- Sự cắt giảm chiến lược của Mỹ sẽ thu hẹp vị trí bá chủ của Mỹ ở châu Á, trong khi thúc đẩy khả năng của ba trật tự tiềm năng khác. 


- Cuộc khủng hoảng về tính hợp pháp của Trung Quốc rõ ràng sẽ thu hẹp khả năng bá chủ của Trung Quốc trong khu vực, nhưng có thể củng cố sự chuyển động hướng tới một sự hòa hợp của các cường quốc ở châu Á. 


- Một sự gián đoạn đáng kể đối với nguồn cung cấp năng lượng của khu vực từ Trung Đông có tiềm năng mang lại sự hợp tác trong một dàn xếp theo kiểu hòa hợp, nhưng sẽ có thể làm sâu sắc hơn sự cạnh tranh chiến lược ở châu Á về các nguồn năng lượng, do đó đẩy nhanh sự nổi lên của một sự cân bằng quyền lực mang tính cạnh tranh. 


- Sự sụp đổ chế độ ở Bắc Triều Tiên có thể sản sinh ra một sự hòa hợp của các cường quốc tương tự như đàm phán sáu bên, hoặc gây ra một sự kình địch chiến lược dữ dội mà có thể dẫn đến chiến tranh giữa các nước lớn. 


Hai sự gián đoạn đầu tiên có thể sẽ khiến cho một số kịch bản có thể trở thành hiện thực hơn so với những điều khác. Ví dụ, sự suy yếu kinh tế nhanh chóng của Mỹ sẽ làm gia tăng những triển vọng cho sự bá chủ của Trung Quốc. Tuy nhiên, không có cú sốc nào sẽ chắc chắn dẫn đến một kịch bản này hay kịch bản khác. Những điều kiện ẩn dưới (như mức độ hợp tác hoặc ngờ vực từ trước) cũng như những lựa chọn chính trị sẽ đóng vai trò chính trong việc quyết định từng cú sốc có thể làm thay đổi tương lai như thế nào. Và khả năng cú sốc này có thể tác động đến cú sốc khác càng tạo ra thêm một khuynh hướng nữa của tình trạng không chắc chắn./.