PDF file

Tóm tắt

Biển Đông là một trong những khu vực giàu tính đa dạng sinh học biển nhất trên thới giới, với các loại tài nguyên phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây do sự phát triển kinh tế nhanh chóng và gia tăng ô nhiễm, đa dạng sinh học biển ở Biển Đông đã bị mất đi. Bắt đầu từ năm 1991, các thành viên của Hội thảo không chính thức về Quản lý Xung đột Tiềm tàng ở Biển Đông (Hội thảo Biển Đông) đã nhất trí kiến nghị với các chính phủ liên quan việc khai thác các lĩnh vực hợp tác ở Biển Đông, bao gồm việc nghiên cứu đa dạng sinh học biển. Kết quả là vào tháng 3/2002, một dự án đa dạng sinh học đã được thực hiện xung quanh các hòn đảo không tranh cãi của Indonesia là Anambas ở Biển Đông. Các dự án đa dạng sinh học chung khác đã được đề xuất nhưng không có tiến triển gì. Bài viết này nghiên cứu về các nỗ lực chung của các chính phủ thành viên trong tiến trình Hội thảo Biển Đông để có thể hiểu rõ hơn hiện trạng của đa dạng sinh học biển ở Biển Đông.

Từ khoá: Đa dạng Sinh học Biển; Biển Đông; Hội thảo không chính thức về Quản lý Xung đột Tiềm tàng ở Biển Đông (Hội thảo Biển Đông); Thực thi Anambas, Biển kín và Nửa kín.

Bài báo này được dựa trên bài viết chuẩn bị cho Hội thảo Quốc tế về Môi trường Biển và Bảo tồn Đa dạng Sinh học ở Biển Đông, 16-17/7/2010, Cao Hùng, Đài Loan và đã được phép phát hành trong Tạp chí Quốc tế về Luật Biển và Ven biển (sẽ được xuất bản trong năm 2011)

I. Giới thiệu

Biển Đông là một biển nửa kín[1] và được nối với Biển Java và Eo biển Malacca ở phía Nam và Eo biển Đài Loan và Kênh Bashi ở phía Bắc, và là một phần của Thái Bình Dương, bao phủ một vùng rộng 3.500.00 km2.[2] Biển Đông nằm ở phía nam Trung Quốc và Đài Loan, phía tây Philipin, phía đông bắc Sabah (Malaysia), Sarawak (Malaysia), và Brunei, phía bắc Indonesia, phía đông bắc Bán đảo Malay, và phía đông Việt Nam. Các nước có biên giới trên biển gồm có CHND Trung Hoa (Trung Quốc), Cộng hoà Trung Hoa (Đài Loan), và Philipin, Brunei, Malaysia, Campuchia, Việt Nam, Thái Lan, Singapore, và Indonesia (xem Hình 1). Tất cả các nước này, ngoại trừ Đài Loan, Campuchia, và Thái Lan, đều là thành viên của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (sau đây gọi là UNCLOS)[3] và có nghĩa vụ điều ước phải hợp tác với nhau trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo Công ước trong vùng biển nửa kín này. Đặc biệt, các nước được yêu cầu phải: (1) phối hợp quản lý, bảo tồn, thăm dò, và khai thác các tài nguyên sinh vật của Biển Đông; (2) phối hợp thực thi các quyền và nghĩa vụ liên quan đến bảo vệ và bảo tồn môi trưởng biển ở Biển Đông; và (3) phối hợp các chính sách nghiên cứu khoa học và khi thích hợp thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học chung ở Biển Đông.[4]

Hình 1: Biển Đông

Nguồn: http://www.usip.org/files/file/s_china_sea-nation.gif (truy cập 20/6/2010)

Một loạt các đảo, đảo nhỏ, bãi ngầm, bãi đá, và bãi cát, một vài trong số đó chỉ hơi nằm trên mặt nước còn các đảo khác chìm dưới nước, nằm rải rác khắp Biển Đông, và gộp thành bốn nhóm quần đảo chính: Đông Sa (TA:Pratas), Hoàng Sa (TA:Paracels; TQ: Xisha),  Đá Kỳ Vân (TA: Macclesfield; TQ: Zhongsha), và Trường Sa (TA: Spratlys; TQ: Nansha). Một số nước bao quanh Biển Đông đã đưa ra những yêu sách đối nghịch nhau về quyền sở hữu đối với các nhóm đảo và quyền tài phán trên vùng biển bao quanh các hòn đảo tranh chấp. Đối với quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc, Đài Loan, và Việt Nam đều yêu sách toàn bộ chủ quyền đối với quần đảo phía đông bắc Biển Đông này. Còn đối với quần đảo Trường Sa thì có sáu quốc gia đưa ra yêu sách: Trung Quốc, Đài Loan, và Việt Nam yêu sách toàn bộ quần đảo, trong khi Philipin, Malaysia và Brunei yêu sách chủ quyền đối với các phần của Trường Sa nằm ở phía nam của biển Đông. Các tranh chấp chủ quyền và quyền tài phán trên biển ở Biển Đông được coi là điểm xung đột có nguy cơ gây nguy hiểm lớn nhất của Châu Á.

Biển Đông là một trong những khu vực giàu sự đa dạng sinh học biển nhất, với lượng tài nguyên phong phú và đa dạng.[5] Có báo cáo cho rằng bốn mươi lăm loài cây đước trên tổng số năm mươi bảy; năm mươi trên tổng số bảy mươi loài san hô; hai mươi trên tổng số năm mươi loài cỏ biển; và bảy trên chín loài nghêu có thể được tìm thấy ở khu vực gần bờ của Biển Đông.[6] Tính đa dạng lớn của các môi trường sống vùng nước nông, kết hợp với sự đa dạng của bố cục địa mạo, địa lý và cách thức tạo thành đã góp phần vào tầm quan trọng mang tính quốc tế của những sinh vật này ở Biển Đông. Bên cạnh tầm quan trọng trong việc là một trung tâm thế giới về đa dạng sinh học vùng nước nông, Biển Đông còn mang lại một nguồn cá lớn có tầm quan trọng đối với an ninh lương thực và là một nguồn thu nhập xuất khẩu cho các nước bao quanh vùng biển này.  Theo báo cáo, đánh bắt cá ở Biển Đông đã đóng góp 10% cho ngành đánh bắt cá thế giới, tương đương với gần năm triệu tấn một năm và năm trên tám nhà sản xuất tôm trên thế giới là các quốc gia bao quanh Biển Đông, cụ thể là các nước Indonesia, Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, và Philipin. Các nước ven Biển Đông sản xuất 23% sản lượng đánh bắt cá ngừ thế giới và gần ba phần tư tổng số cá ngừ đóng hộp.[7]

Bắt đầu từ năm 1999, các thành viên Hội thảo Không chính thức về Quản lý các Xung đột Tiềm tàng ở Biển Đông (từ đây gọi là Hội thảo Biển Đông) đã thống nhất kiến nghị với các chính phủ liên quan việc khai phá các lĩnh vực hợp tác ở Biển Đông, bao gồm việc bảo tồn và bảo vệ môi trường biển và thực hiện nghiên cứu khoa học biển.[8] Kết quả của cuộc thảo luận là vào tháng 3/2002, một dự án đa dạng sinh học chung đã được thực hiện xung quanh vùng đảo không tranh chấp Anambas của Indonesia ở Biển Đông, với 29 chuyên gia và nhà nghiên cứu đến từ Malaysia, Philipin, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam, Singapore và Indonesia. Vào năm 2003, một dự án chung khác đã được đề xuất nhằm nghiên cứu tình trạng đa dạng sinh học ở vùng biển gần Palawan của Philipin. Sau khi thực hiện các dự án đa dạng sinh học ở Anambas và Palawan, các nước bao quanh vùng phía bắc Biển Đông, cụ thể là Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam và Philipin đã được yêu cầu xem xét khả năng thực hiện khảo sát đa dạng sinh học ở khu vực Đông bắc và Tây bắc của Biển Đông để hoàn thiện bức tranh tổng thể về đa dạng sinh học ở Biển Đông. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một đề xuất dự án nào được đệ trình lên Hội thảo Biển Đông để thảo luận.

Mục đích của bài viết này là nhằm nghiên cứu các nỗ lực chung của các chính quyền tham gia trong tiến trình Hội thảo Biển Đông để hiểu rõ hơn hiện trạng đa dạng sinh học biển ở Biển Đông. Sau phần giới thiệu này, tiến trình Hội thảo Biển Đông sẽ được giới thiệu ở Phần II. Các nỗ lực của các chính quyền tham gia tại tiến trình Hội thảo Biển Đông nhằm nghiên cứu đa dạng sinh học biển ở Biển Đông sẽ được xem xét ở Phần III. Phần này sẽ được tiếp tục bằng việc phân tích mối quan ngại ngày càng tăng của thế giới về tổn hại đa dạng sinh học và tác động của nó đối với sự phát triển và thịnh vượng của con người ở Phần IV. Phần V sẽ giải thích sự cần thiết phải tăng cường đa dạng sinh học ở Biển Đông. Trong phần kết luận của bài viết này, một số kiến nghị không mang tính ràng buộc sẽ được đưa ra, trong đó có lời mời được gửi đến Tổng Giám đốc Ban thư ký của CBD và UNEP đến tham gia sự kiện kỷ niệm đặc biệt của Hội thảo Biển Đông, và thảo luận về ý tưởng đề xuất các nghiên cứu đa dạng sinh học mới ở vùng đông bắc và tây bắc Biển Đông.

II. Tiến trình Hội thảo Biển Đông

Sáng kiến tổ chức Hội thảo Biển Đông là sản phẩm của Đại sứ - Giáo sư Hasjim Djalal của Indonesia, một quan chức hàng đầu về luật và chính sách đại dương và là một trong những người tham dự có ảnh hưởng lớn tại Hội nghị lần thứ Ba của Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Vào cuối những năm 1980 căng thẳng đã nổi lên ở khu vực Biển Đông do sự kết hợp của những diễn biến sau đây: (1) sự kết thúc của Chiến tranh lạnh và suy giảm sự hiện diện của các siêu cường ở Đông Nam Á; (2) những phát triển mới trong luật biển; (3) các hoạt động thăm dò và khai thác ngày càng nhiều của các nước yêu sách đối với tài nguyên dầu ở vùng tranh chấp trong Biển Đông; và (4) sự mở rộng tiềm năng hải quân và không quân của các quốc gia ven biển ở Biển Đông.[9] Vào tháng 3/1988, một trận chiến trên biển đã xảy ra giữa lực lượng Trung Quốc và Việt Nam để tranh giành Đảo Gạc Ma (TA: Johnson South Reef; TQ: Chigua Jiau) tại khu vực Trường Sa thuộc Biển Đông.[10] Lo ngại về các nguy cơ và xung đột tiềm tàng ở Biển Đông và mối đe doạ đối với hoà bình và ổn định ở Đông Nam Á, Ts. Djala đã liên lạc với Giáo sự Ian Townsend-Gault của Đại học British Colombia (UBC) ở Vancouver, Canada để tìm kiếm sự hỗ trợ về tài chính của chính phủ Canada nhằm giúp quản lý các xung đột tiềm tàng ở Biển Đông.[11] Cơ quan Phát triển Quốc tế của Canada (CIDA) đã đồng ý hỗ trợ thông qua một dự án bao trùm là Chương trình Hợp tác Châu Á-Thái Bình Dương (APOC). Kết quả là Hội thảo Biển Đông Không chính thức đã được thành lập ở trường Đại học British Columnbia (UBC), Vancouver và Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á ở Jakarta, Indonesia đã trở thành đối tác của UBC.[12] Chiến lược chi tiết cho việc thực hiện Hội thảo Biển Đông đã được Giáo sư Djalal và Giáo sư Ian Townsend-Gault vạch ra. Vào tháng 1/1990, Hội thảo Biển Đông lần thứ nhất đã được tổ chức ở Bali, Indonesia, nhưng chỉ có thành viên của các nước ASEAN (vào thời điểm đó là 6 nước) được mời.[13] Đến năm 1991, các thành viên Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, và Lào và rồi năm 1994 thì Campuchia mới được mời tham dự Hội thảo Biển Đông.

Các mục tiêu chính của Hội thảo Biển Đông bao gồm:

- Quản lý các xung đột tiềm tàng bằng cách tìm ra một lĩnh vực mà tất cả các bên có thể hợp tác;

- Phát triển các biện pháp xây dựng lòng tin hoặc các tiến trình để các nước yêu sách khác nhau có thể thấy yên tâm về nhau, từ đó tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ hoặc quyền tài phán; và

- Trao đổi ý kiến thông qua các đối thoại về các vấn đề liên quan nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau.[14]

Theo đó, mục tiêu chính của việc thành lập tiến trình Hội thảo Biển Đông vốn không phải là để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán trên biển ở Biển Đông, mà là để “tạo ra ý thức về cộng đồng giữa các dân tộc và cộng đồng quanh khu vực Biển Đông để cuối cùng có thể khích lệ các nước tự giải quyết một trong các vấn đề của mình.”[15]

Bản chất của Hội thảo Biển Đông, với tư cách là một hoạt động kênh hai, là không chính thức, tức là tất cả các thành viên tham gia hội thảo với tư cách cá nhân. Như Giáo sư Ian Townsend-Gult đã chỉ ra, tiến trình Hội thảo Biển Đông “không thể được khởi tạo chứ đừng nói gì đến phát triển nếu như ai đó có ý định thành lập nó như một hoạt động chính thức và diễn ra trên cơ sở liên chính phủ.”[16] Để phù hợp với bản chất không chính thức này, từ “chính quyền” đã được sử dụng thay cho “quốc gia” và “không có thành viên nào là đại biểu hay đại diện”.[17] Trong khi sự tham gia của Đài Loan là một trong những lí do để tổ chức Hội thảo Biển Đông một cách không chính thức, thì thái độ của các quan chức và mối quan ngại của Trung Quốc đối với việc khu vực hoá và quốc tế hoá các vấn đề Biển Đông cũng là các yếu tố trong việc duy trì Hội thảo Biển Đông một cách không chính thức.[18]

Đến nay đã có 20 Hội thảo Biển Đông được tổ chức bởi Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển của Bộ Ngoại giao Indonesia và tổ chức tại các thành phố khác nhau của Indonesia. Trước năm 2001, các nguồn quỹ của Canada đã tài trợ chi phí để mời các thành viên của từng nước đến Hội thảo Biển Đông. Tuy nhiên, các bên Đài Loan, Brunei, và sau đó là Singapore đã tự chi trả bởi ba nước này không nằm trong số các nước được nhận hỗ trợ nước ngoài từ CIDA. Từ năm 1993 đến trước 2001 đã có các cuộc họp của 17 TWG, 11 GE, và 2 Nhóm Nghiên cứu được tổ chức theo cơ chế của tiến trình Hội thảo Biển Đông về các chủ đề nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường biển, an toàn hàng hải, đánh giá tài nguyên và phương tiện khai thác, các vấn đề pháp lý, và vùng hợp tác (Xem Bảng 1).

Từ năm 1996 đến nay một trình tự cơ bản của các cuộc họp theo cơ chế tiến trình Hội thảo Biển Đông đã được hình thành mà theo đó từng cuộc họp GE báo cáo lên TWG phụ trách mình, TWG từ đó lại báo cáo lên Hội thảo thường niên mà trên thực tế đã trở thành một dạng phiên họp toàn thể cho toàn tiến trình. Hội thảo Biển Đông thường được tổ chức vào cuối năm và xác định các cuộc họp hay các hoạt động sẽ diễn ra vào năm sau.[19] Phạm vi của các hoạt động diễn ra theo cơ chế của hội thảo Biển Đông đã thu hẹp lại kể từ năm 2001 khi mà chính phủ Canada quyết định không tiếp tục hỗ trợ tài chính cho tiến trình hội thảo nữa. Hội thảo lần thứ Ba về Dữ liệu Thủy văn học và Trao đổi Thông tin ở Biển Đông tổ chức tại Bali, Indonesia vào tháng 11/2000 và Hội thảo lần thứ Năm của Nhóm Làm việc Kỹ thuật về Các vấn đề Pháp lý ở Biển Đông tổ chức tại Cha Am, Thái Lan vào tháng 10-11/2000 cũng là hai cuộc họp TWG/GE cuối cùng được tổ chức theo cơ chế tiến trình hội thảo với sự hỗ trợ tài chính của Canada. Kết quả là, đến cuối năm 2000 thì trình tự của các cuộc họp trong tiến trình Hội thảo Biển Đông đã không còn tồn tại nữa.

Để phản ứng lại với quyết định của Canada, một cuộc họp đặc biệt đã được tổ chức tại Jakarta vào tháng 8/2001 để bàn luận về việc gây quỹ cho Hội thảo Biển Đông lần thứ 12 cũng như địa điểm và thu xếp tài chính để tiếp tục tiến trình hội thảo. Tại cuộc họp,  các thành viên đã đồng ý tiếp tục các hoạt động hội thảo không chính thức bằng việc tập trung vào xây dựng lòng tin và hợp tác trong khi tránh các vấn đề gây tranh cãi, mang tính chính trị và gây chia rẽ. Cuộc họp cũng quyết định rằng tiến trình Hội thảo Biển Đông cần phải tìm kiếm các khoản đóng góp tự nguyện từ các chính quyền tham dự, các khoản tài trợ tự nguyện từ các tổ chức phi chính phủ, các quỹ hay công ty tư nhân trong khu vưc Biển Đông, và tài trợ tự nguyện từ các tổ chức phi chính phủ, các quỹ hay công ty tư nhân bên ngoài khu vực Biển Đông miễn là không được có một điều kiện chính trị nào đi kèm. Một quỹ đặc biệt sau đó đã được thành lập và điều hành bởi Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (Pusat Studi Asia Tenggara) ở Jakarta. Từ năm 2001 đến nay các Hội thảo Biển Đông đã được tổ chức dựa trên quyết định cấp vốn thống nhất này. Vào các năm 2006, 2007, và 2008 lần lượt các cuộc Hội thảo Nhóm Làm việc về Nghiên cứu Thủy triều và Thay đổi Mực nước Biển và Tác động của Chúng lên Môi trường Ven biển ở Biển Đông đã được tổ chức tại cùng một địa điểm một ngày trước khi Hội thảo Biển Đông được tổ chức.

Bảng 1: Các cuộc Hội thảo hoặc Hoạt động được tổ chức theo Tiến trình Hội thảo Biển Đông

(Bảng do tác giả lập)

Năm

Hội thảo

Địa điểm

1990

Hội thảo Biển Đông lần 1

Bali, Indonesia

1991

Hội thảo Biển Đông lần 2

Bangdung, Indonesia

1992

Hội thảo Biển Đông lần 3

Yogyakarta, Indonesia

1993

TWG-MSR1

TWG-MSR2

TWG-RA1

Hội thảo Biển Đông lần 4

Manila, Philipin

Surabaya, Indonesia

Jakarta, Indonesia

Surabaya, Indonesia

1994

TWG-MSR3

TWG-MEP1

Hội thảo Biển Đông lần 5

Singapore

Hàng Châu, Trung Quốc

Bukitinggi, Indonesia

1995

TWG-MSR4

TWG-SNSC1

TWG-LM1

Hội thảo Biển Đông lần 6

Hà Nội, Việt Nam

Jakarta, Indonesia

Phuket, Thái Lan

Bakipapam, Indonesia

1996

TWG-SNSC2

TWG-MSR5

GEM-BD

Hội thảo Biển Đông lần 7

Bandar Seri Begawan, Brunei

Mactan, Cebu, Philipin

Mactan, Cebu, Philipin

Batam, Indonesia

1997

TWG-MEP2

TWG-LM2

GEM-MEP1

GEM-ETM1

GEM-HDI1

SCSBTC

Hội thảo Biển Đông lần 8

Hải Nam, Trung Quốc

Chiang Mai, Thái Lan

Phnom Penh, Campuchia

Singapore 

Kuching, Malaysia

Singapore

Puncak, Indonesia

1998

TWG-SNSC3

TWG-LM3

TWG-MSR6

GEM-HD12

GEM-MEP 2

GEM-NL/NHR

SGZC1

Hội thảo Biển Đông lần 9

Singapore

Pattaya, Thái Lan

Manila, Philipin

Singapore

Manila, Philipin

Jakarta, Indonesia

Vientiane, Lào

Jakarta

1999

GEM-/IAS

SGZC2

GEM-EL1

TWG-LM4

Hội thảo Biển Đông lần 10

Kota Kinabalu, Malaysia*

Bali, Indonesia

Thượng Hải, Trung Quốc

Koh Samui, Thái Lan

Bogor, Indonesia

2000

GEM-HDI3

TWG-LM5

Bali, Indonesia

Cha Am, Thái Lan

2001

Hội thảo Biển Đông lần 11

Hội thảo đặc biệt Biển Đông

Banten, Indonesia

Jakarta, Indonesia

2002

Hội thảo Biển Đông lần 12

Khảo sát Anambas

Jakarta, Indonesia

Quần đảo Anambas

2003

Hội thảo Biển Đông lần 13

Medan, Indonesia

2004

Hội thảo Biển Đông lần 14

Thi hành Palawan

Batam, Indonesia

Palawan, Philipin

 

2005

Hội thảo Biển Đông lần 15

Hội thảo Nhóm Làm việc lần 1 về Nghiên cứu Thủy triền và Thay đổi Mực nước Biển và Tác động của Chúng lên Môi trường Ven biển ở Biển Đông

Anyer, Banten, Indonesia

2006

Hội thảo Biển Đông lần 16

Hội thảo Nhóm Làm việc lần 2 về Nghiên cứu Thủy triền và Thay đổi Mực nước Biển và Tác động của Chúng lên Môi trường Ven biển ở Biển Đông

Bali, Indonesia

Bali, Indonesia

2007

Hội thảo Biển Đông lần 17

Hội thảo Nhóm Làm việc lần 3 về Nghiên cứu Thủy triền và Thay đổi Mực nước Biển và Tác động của Chúng lên Môi trường Ven biển ở Biển Đông

Yogyakarta, Indonesia

Yogyakarta, Indonesia

2008

Hội thảo Biển Đông lần 18

Hội thảo Nhóm Làm việc lần 4 về Nghiên cứu Thủy triền và Thay đổi Mực nước Biển và Tác động của Chúng lên Môi trường Ven biển ở Biển Đông

Manado, Indonesia

Manado, Indonesia

2009

Hội thảo Biển Đông lần 19

Hội thảo Nhóm Làm việc lần 5 về Nghiên cứu Thủy triền và Thay đổi Mực nước Biển và Tác động của Chúng lên Môi trường Ven biển ở Biển Đông

Makasar, Indonesia

2010

Hội thảo Biển Đông lần 20

Hội thảo Nhóm Làm việc lần 6 về Nghiên cứu Thủy triền và Thay đổi Mực nước Biển và Tác động của Chúng lên Môi trường Ven biển ở Biển Đông

Bandung, Indonesia

TWG = hội thảo Nhóm Làm việc Kỹ thuật;

GEM = hội thảo Nhóm Chuyên gia;

Hội thảo Biển Đông = Hội thảo về Quản lý các Xung đột Tiềm tàng ở Biển Đông;

MSR = Nghiên cứu Khoa học Biển;

MEP = Bảo vệ Môi trường Biển;

SNSC = An toàn Hàng hải, Vận chuyển và Liên lạc;

RA = Đánh giá Tài nguyên;

LM = Các Vấn đề Pháp lý;

ETM = Giáo dục và Đào tạo Thủy thủ;

HDI = Dữ liệu Thủy văn và Trao đổi Thông tin;

NL/NHR = Các Tài nguyên Phi sinh vật và Phi Hydrocarbon;

SGZC = Nhóm Nghiên cứu về các Vùng Hợp tác;

* GEM về Thi hành Pháp luật và Các Hành vi Bất hợp pháp trên Biển và GEM về Tìm kiếm và Cứu nạn đã được gộp chung.

III. Các Nỗ lực Chung đã được Thực hiện để Tăng cường Nghiên cứu Đa dạng Sinh học tại Tiến trình Hội thảo Biển Đông

Đề xuất nghiên cứu đa dạng sinh học biển tại tiến trình Hội thảo Biển Đông xuất hiện 19 năm về trước khi Hội thảo Biển Đông lần thứ hai được tổ chức ở Bandung, Indonesia vào tháng 7/1991. Tiến sĩ Aprilani Soegiarto của Học viện Khoa học Indonesia đã trình bày một bài nghiên cứu có tựa đề “Biển Đông: Các Đặc tính Sinh thái và Tiềm năng Phát triển Hợp tác trong Nghiên cứu Khoa học Biển và Bảo vệ Môi trường”[20] và Tiến sĩ Phạm Văn Ninh của Trung tâm Nghiên cứu Thủy Động lực học của Việt Nam đã chia sẻ quan điểm của ông bằng việc bình luận về một số vấn đề về môi trường, sinh thái và hợp tác trong việc bảo vệ môi trường và nghiên cứu khoa học ở Biển Đông.[21] Kết quả của việc thảo luận tại hội thảo này là các bên đã đồng thuận về một số điểm mà những người tham gia có thể kiến nghị với chính quyền nước mình, chẳng hạn như việc sử dụng và tính cấp thiết của các nỗ lực chung hoặc nỗ lực phối hợp liên quan đến nghiên cứu khoa học, việc thành lập các chương trình giám sát chung về ô nhiễm môi trường biển, và việc thực hiện hợp tác đánh giá tác động môi trường.[22] Sự tự nguyện hợp tác này đã được bao hàm trong tuyên bố chung của Hội thảo Biển Đông lần thứ hai, trong đó nêu lên rằng các thành viên đã nhất trí kiến nghị với các chính phủ liên quan về việc khai thác các khu vực hợp tác trong Biển Đông, chẳng hạn như bảo vệ và bảo tồn môi trường biển và thực hiện nghiên cứu khoa học biển mà không làm phương hại tới các yêu sách về lãnh thổ và quyền tài phán.[23]

Tại Hội thảo Biển Đông lần thứ ba được tổ chức ở Yogyakarta, Indonesia vào tháng 7/1992, khái niệm về hợp tác nghiên cứu khoa học biển và nghiên cứu về đa dạng sinh học ở Biển Đông đã được thảo luận. Các thành viên nhất trí rằng tiến trình hội thảo cần phải tiếp tục hoạt động để phát triển và tăng cường hợp tác ở Biển Đông và để phối hợp các kế hoạch và hành động hợp tác trước mắt, cùng với các kiến nghị hợp lý đối với các chính phủ về các vấn đề quan tâm chung trong khu vực. Họ cũng đồng ý thành lập hai nhóm làm việc bao gồm các chuyên gia về đánh giá tài nguyên và các cách thức để phát triển và nghiên cứu khoa học biển để chuẩn bị tổ chức các hoạt động chung. Trong số các hoạt động trong nghiên cứu khoa học biển, các thành viên Hội thảo Biển Đông lần thứ ba đã nhất trí ủng hộ một cuộc họp giữa các nhà khoa học và một cuộc khảo sát trong vùng Biển Đông sẽ được thực hiện bởi các nhà khoa học thuộc tất cả các nước trong khu vực.[24] Theo đó, cuộc họp đầu tiên của nhóm làm việc kỹ thuật về nghiên cứu khoa học biển (TWG-MSR) đã được tổ chức ở Manila, Philipin từ 30/5 – 3/6 năm 1993 trong đó một trong các vấn đề được thảo luận là sự cần thiết phải khích lệ các nghiên cứu mới trong các lĩnh vực như đánh giá tài nguyên, đa dạng môi trường, lắng đọng và lưu thông trầm tích biển tại Biển Đông.[25]

Năm 1993, sau khi tổ chức cuộc họp riêng biệt của nhóm các chuyên gia về nghiên cứu khoa học biển ở Biển Đông, cuộc họp TWG-MSR lần thứ ba đã đệ trình ba lĩnh vực thực thi để Hội thảo Biển Đông lần thứ tư xem xét: (1) trao đổi cơ sở dữ liệu, thông tin và thành lập mạng lưới; (2) theo dõi mực nước biển và thủy triều; và (3) nghiên cứu đa dạng sinh học. TWG-MSR lần thứ ba được thông qua là sẽ được tổ chức ở Singapore và Việt Nam được giao chuẩn bị một bài viết về nghiên cứu đa dạng sinh học dùng để thảo luận về một đề xuất dự án chung.[26] Vào tháng 4/1994, TWG-MSR lần thứ ba đã được tổ chức và các thành viên thuộc nhóm làm việc kỹ thuật đã lập đề xuất dự án về đa dạng sinh học nhằm đệ trình lên Hội thảo Biển Đông lần thứ 5, gồm các điểm sau:

- Phân tích kiểm duyệt các thông tin khoa học hiện có về đa dạng sinh học ở Biển Đông, tạo điều kiện cho các kiến nghị về khả năng hợp tác nghiên cứu trong tương lai;

- Sự cần thiết phải xác định các khoảng cách về cơ sở thông tin, và xác định những lĩnh vực và nghiên cứu nào khác cần phải được thực hiện để lấp đầy khoảng cách này;

- Sự cần thiết phải xác định những loài cư trú nào ở Biển Đông là quan trọng để bảo vệ, bảo tồn, và tái tạo các loài có tầm quan trọng về mặt sinh thái và kinh tế; và

- Ghi nhận sự cần thiết phải có các dàn xếp tạm thời để tạo điều kiện và phối hợp các hoạt động nghiên cứu.[27]

Tại Hội thảo Biển Đông lần thứ 5, tổ chức ở Bukkittinggi vào tháng 10/1994, Tiến sĩ Djalal đã được ủy quyền tìm kiếm sự ủng hộ cho “Đề xuất Dự án Phối hợp Nghiên cứu về Đa dạng Sinh học ở Biển Đông (từ đây gọi là Dự án Đa dạng Sinh học),” được dự thảo bởi TWG-MSR lần thứ ba. Đề xuất dự án là một chương trình kéo dài ba năm và bao gồm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 giải quyết vấn đề kiểm kê, hợp nhất, và đánh giá các công trình khoa học hiện có. Giai đoạn đầu tiên này được dự đoán sẽ kéo dài tám tháng và tốn khoảng 840.000 USD. Giai đoạn thứ hai giải quyết vấn đề lấp các khoảng trống về kiến thức mà sẽ được làm rõ sau khi hoàn thành giai đoạn 1.[28] Các bên cũng nhất trí thành lập một “Nhóm Chuyên gia” về đa dạng sinh học để hỗ trợ dự thảo các thay đổi cần thiết đối với Dự án Đa dạng Sinh học và mời các thành viên Hội thảo bầu ra một chuyên gia khoa học biển để tham gia vào “Nhóm Chuyên gia” về đa dạng sinh học.[29]

Tại Hội thảo Biển Đông lần thứ 6, Tiến sĩ Hasjim Djalal được yêu cầu kêu gọi tài trợ cho đề xuất Dự án Đa dạng Sinh học.[30] Tiếp theo sau đó là quyết định được đưa ra tại Hội thảo Biển Đông lần thứ 7 về việc tổ chức một cuộc họp nhỏ để khởi xướng các hoạt động theo Dự án Đa dạng Sinh học và tổ chức một chương trình đào tạo liên quan đến dự án đa dạng sinh học vào năm 1997.[31] Đến cuối năm 1996 hầu hết các thành viên tiến trình Hội thảo Biển Đông đã sẵn sàng để bắt đầu quá trình hợp tác thực hiện Dự án Đa dạng Sinh học.[32] Các thành viên Hội thảo Biển Đông lần thứ 8 đã nhất trí rằng tiến trình hội thảo cần phải tập trung vào việc thực hiện các dự án và các chương trình hợp tác đã được thông qua, bao gồm Dự án Đa dạng Sinh học – dự án chung đã được thống nhất. Thêm vào đó, họ cũng nhất trí sẽ yêu cầu các chính quyền của mình nêu cụ thể hoặc cụ thể hóa những khoản hỗ trợ hay đóng góp mà họ đã tuyên bố cho các dự án và chương trình hợp tác đã được thống nhất.[33] Vào tháng 6/1998, đại diện của tiến trình Hội thảo Biển Đông đã được mời đến tham dự cuộc họp ở Băng Kốc để thảo luận việc lồng ghép Dự án Đa dạng Sinh học vào Chương trình Hành động Chiến lược của UNEP.

Vào tháng 11/1998, TWG-MSR lần thứ 6 đã được tổ chức ở Manila, Philipin. Mục tiêu chủ yếu của cuộc họp lần này là thảo luận cách cách thức và phương tiện để tiếp tục đưa Dự án Đa dạng Sinh học và đề xuất theo dõi đến chỗ được thực hiện đầy đủ. Tại cuộc họp Tiến sĩ Hasjim Djalal lưu ý rằng Dự án Đa dạng Sinh học đã nhận được sự quan tâm của Đơn vị Phối hợp Khu vực các vùng biển Đông Á thuộc UNEP liên quan đến việc phát triển một Chương trình Hành động Chiến lược cho Biển Đông.[34]  Các bên quyết định rằng danh sách các Đầu mối Quốc gia cho Dự án Đa dạng Sinh học cần phải được cập nhật thường xuyên và khi cần thiết. Cuộc họp cũng đã thông báo và hoan nghênh sự tự nguyện của Singapore trong việc tiếp tục đi theo Chương trình Đào tạo về Đa dạng Sinh học và thống nhất các dữ liệu trong khuôn khổ thực hiện Dự án Đa dạng Sinh Học.[35] Báo cáo của TWG-MSR lần thứ 6 được thảo luận tại Hội thảo Biển Đông lần thứ 9 và tại đó các bên nhất trí rằng Tiến sĩ Hasjim Djalal và Giáo sư Ian Townsend-Gault sẽ liên hệ với UNEP về vấn đề thực hiện một số yếu tố của Dự án Đa dạng Sinh Học mà có thể được bao gồm trong Chương trình Hành động Chiến lược của UNEP cho Biển Đông. Tiến sĩ John Pernetta, Quan chức Cao cấp của Chương trình các Vùng Biển Quốc tế của Văn phòng Phối hợp Tiện ích Môi trường Thế giới, Nairobi, đã trình bày về công việc và hoạt động của các Đơn vị Phối hợp Khu vực Đông Á (EAS/RCU). Ông chỉ ra rằng UNEP có thể giúp đỡ việc thực hiện một số yếu tố của Dự án Đa dạng Sinh Học. Tiến sĩ Hasjim Djalal đã báo cáo về các nỗ lực của ông trong trong tiến trình thực hiện các đề xuất dự án, đặc biệt là Dự án Đa dạng Sinh Học. Trong khi một số nước khu vực đã đóng góp một số nguồn vốn để thực hiện Dự án Đa dạng Sinh Học, Tiến sĩ Djalal vẫn nhắc nhở các thành viên hội thảo về yêu cầu các chính quyền của họ cụ thể hóa sự hỗ trợ và đóng góp của họ cho các dự án và chương trình hợp tác. Tham vấn cùng CIDA về “các hỗ trợ tài chính bổ sung nhằm tìm nguồn vốn để thực hiện dự án” cũng đã được đề cập tại Hội thảo Biển Đông lần thứ 9.[36]

Vào tháng 12/1999, trong cuộc thảo luận tại Hội thảo Biển Đông lần thứ 10, ông Glenn Hearns, chuyên gia về vấn đề Tài nguyên thuộc Nhóm Làm việc không chính thức tại Biển Đông, Đại học British Columbia, Vancouver, Canada, đã tổng kết công việc của TWG-MSR và báo cáo về tình trạng thực hiện các đề xuất khác nhau được phát triển trong tiến trình Hội thảo. Một chuyên gia tài nguyên khác, Tiến sĩ Yihang Jiang, Cán bộ Chương trình, UNEP, đã nhấn mạnh rằng tình trạng xuống cấp của môi trường biển ở Biển Đông đang diễn ra với tốc độ đòi hỏi các hành động cấp bách trong các lĩnh vực ưu tiên như bảo tồn môi trường sống.[37] Tiến sĩ Hasjim Djalal đề xuất thực hiện đa dạng sinh học trong khu vực xung quanh Đảo Anambas, một hòn đảo nằm hoàn toàn trong lãnh thổ Indonesia và vì thế sẽ không xảy ra vấn đề lãnh thổ và quyền tài phán của các yêu sách lãnh thổ đối lập nhau. Indonesia đã đồng ý cung cấp các tàu phục vụ nghiên cứu. Các thành viên Hội thảo Biển Đông lần thứ 10 đã kêu gọi thực hiện các nỗ lực mới để bảo đảm sự hỗ trợ và tiếp diễn của việc thực hiện các dự án hợp tác, đặc biệt là với Dự án Đa dạng Sinh Học, Theo dõi Mực nước Biển và Thủy triều, Thông tin và Mạng lưới, Theo dõi Hệ Sinh thái Biển, và chuẩn bị cho Cơ sở Dữ liệu của Khoa học Địa lý. Họ cũng đã hoan nghênh đề xuất của Indonesia và yêu cầu Tiến sĩ hasjim Djalal tiếp nhận đề nghị đó và bảo đảm sự hỗ trợ để thực hiện dự án.[38] Theo đó, Tiến sĩ Peter Eng của Đại học Quốc gia Singapore đã được yêu cầu chuẩn bị đề xuất nghiên cứu đa dạng sinh học (cụ thể là Dự án thám hiểm Anambas). Tiến sĩ Eng đã đề xuất rằng dự án được thực hiện xung quanh Đảo Anambas, với chi phí dự tính là $128.000. Khu vực được đề xuất nằm trong vùng biển của Indonesia, tương đối lâu đời và thể hiện được tính đa dạng sinh học của Biển Đông.[39]

Dự án Đa dạng Sinh Học đã được đem ra thảo luận và trình bày bởi Giáo sư Abdul Gani Ilalude của Indonesia và Tiến sĩ N. Sivasothi của Đại học Quốc gia Singapore trong cuộc Hội thảo Biển Đông lần thứ 11, được tổ chức ở Cengkareng, Banten, Indonesia vào tháng 3/2001.[40] Giai đoạn thứ hai của Dự án Đa dạng Sinh Học được gọi là “Thám hiểm Anambas: Một biện pháp xây dựng lòng tin cho việc quản lý xung đột ở Biển Đông thông qua đoàn thám hiểm do Indonesia và Singapore cùng dẫn đầu nhằm thăm dò đa dạng sinh học của Đảo Anambas.”[41] Vào tháng 3/2002, Đoàn Thám hiểm Anambas đã bắt đầu hoạt động ở vùng biển ngoài khơi hòn đảo Anambas và Natuna, hai hòn đảo không bị tranh chấp của Indonesia, với 29 chuyên gia và nhà nghiên cứu tham gia đến từ các nước Malaysia, Philipin, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam, Singapore và Indonesia. Cuộc thám hiểm kéo dài hai tuần đã thu thập được khoảng 300kg mẫu sinh vật bao gồm khoảng 1000 loài sinh vật biển, trong đó có cá, cua, tôm, mực, tuộc, giun và sao biển. Rất nhiều trong số đó mới được phát hiện trong khu vực, và một số cũng là mới mẻ đối với khoa học.[42] Đoàn Thám hiểm Anambas là đoàn đầu tiên có mô hình này, được tổ chức một cách tự nguyện bởi các chính quyền tham gia trong tiến trình Hội thảo Biển Đông và hướng tới xác định các tài nguyên đa dạng sinh học trong Biển Đông với mong muốn và kì vọng rằng kiến thức và các khám phá của Đoàn Thám hiểm sẽ đóng góp tích cực cho kiến thức về đa dạng sinh học và tài nguyên sinh vật ở Biển Đông. Họ cũng hi vọng rằng cuộc thám hiểm chung này sẽ tăng cường hợp tác trung khu vực, bất chấp các tranh chấp có thể tồn tại trong hoặc liên quan đến một vùng nhất định của Biển Đông.[43] Các thành viên Hội thảo Biển Đông lần thứ 12 đã coi kết quả của Thám hiểm Anambas là một thành tựu vững chắc của tiến trình Hội thảo và là một ví dụ tốt về hợp tác và tình hữu nghị giữa các cộng đồng trên Biển Đông. Để tiếp tục nghiên cứu đa dạng sinh học ở Biển Đông, một thành viên đến từ Philipin đã đề xuất thực hiện một đợt thám hiểm tiếp ở Palawan, và phát cho các thành viên Hội thảo một dự thảo đề xuất dự án gọi là “Thám hiểm Palawan”.[44] Đại biểu Philipin được yêu cầu phát nhanh nhất có thể một phiên bản chi tiết hơn của đề xuất trên để các thành viên Hội thảo có thể xem xét trong tương lai.[45]

Tại Hội thảo Biển Đông lần thứ 13 tổ chức ở Medan, Indonesia vào tháng 9/2003, việc thực hiện thành công Thám hiểm Đa dạng Sinh học Anambas đã được lưu ý. Tiến sĩ Hasjim Djalal đã chỉ ra rằng các nỗ lực hợp tác kỹ thuật có nhiều khả năng trở thành hiện thực hơn là giải pháp cho các vấn đề lãnh thổ hay chính trị, an ninh ở Biển Đông. Những nỗ lực hợp tác kỹ thuật đó bao gồm nghiên cứu đa dạng sinh học, an toàn hàng hải, tìm kiếm và cứu nạn và chống cướp biển, và trao đổi dữ liệu thủy văn học. Tại hội thảo, các kết quả và đánh giá của Thám hiểm Đa dạng Sinh học Anambas và thám hiểm tiếp theo đã được đại diện Singapore báo cáo, người này đã chỉ ra rằng cuộc thám hiểm đã thu thập được 3.000 mẫu từ 60 điểm. Thêm vào đó, 11 loài mới cho đến nay chưa được con người biết đến cũng đã được tìm thấy trong quá trình thám hiểm.[46] Kết quả cuối cùng của Thám hiểm Đa dạng Sinh học Anambas đã được công bố trong một tạp chí khoa học vào tháng 3/2004.[47] Để nối tiếp cho Thám hiểm Đa dạng Sinh học Anambas, đại diện Philipin đã điểm qua đề xuất nghiên cứu đa dạng sinh học ở Palawan và được yêu cầu chuẩn bị lại một đề xuất kỹ lưỡng hơn. Indonesia đề nghị sử dụng tàu tìm kiếm của mình có tên “Baruna Jaya VIII” trong Thám hiểm Palawan.[48] Tuy nhiên, vào năm 2004, do Philipin quyết định thay đổi thực hiện Thám hiển Palawan từ hoạt động Kênh Hai sang hoạt động Kênh Một và mở rộng khu vực thám hiểm để bao gồm cả Biển Luzon,[49] một số thành viên đã rút khỏi dự án thám hiểm.[50]

Thám hiểm Biển Luzon Giai đoạn I đã được thực hiện từ 16-28/3/2004 và bao trùm bờ phía đông của miền nam Palawan. 21 nhà khoa học đến từ Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, và Philipin đã tham gia vào cuộc thám hiểm Biển Luzon Giai đoạn I. Là một quốc đảo nằm trong vùng sinh thải biển lớn (LME), Philipin cảm thấy cấp thiết cần phải khởi xướng hoạt động này vì lợi ích của bản thân mình và vì mục đích nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường biển trong phạm vi vùng sinh thải biển rộng lớn. Nền tảng của sáng kiến này là Phần IX của Công ước UNCLOS 1982 về biển kín và nửa kín.[51] Những lí do chủ yếu khiến Philipin thay đổi thám hiểm từ hoạt động Kênh 2 sang hoạt động Kênh 1 còn có: (1) việc thông qua Tuyên bố Ứng xử Biển Đông vào 4/11/2002[52]; và (2) sự xem xét của Philipin để chuyển từ chỗ đơn thuần là hoạt động xây dựng lòng tin sang một nỗ lực để thi hành đầy đủ Phần IX của Công ước UNCLOS về biển kín và nửa kín.[53] Trong khi Philipin tuyên bố rằng các giai đoạn sau (II đến IV) sẽ được thực hiện hàng năm sau khi hoàn thành cuộc thăm dò Biển Luzon Giai đoạn I, nhưng đến nay vẫn chưa có bất kỳ cuộc thám hiểm tiếp theo nào.[54]

Vào ngày 16/3/2004, Bộ Ngoại giao Cộng hoà Indonesia đã gửi công hàm đến đại sứ quán Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Philipin, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và nhắc đến Bản Ghi nhớ của Trung tâm về Biển và Đại dương thuộc Bộ Ngoại giao của Cộng hoà Philipin ngày 12/3/2004 liên quan đến việc chuyển đổi Thám hiểm Palawan thành các hoạt động kênh một. Tất cả chính quyền của các thành viên hội thảo Biển Đông,[55] ngoại trừ Đài Loan, đã được thông báo về bản chất không chính thức của hội thảo, và do đó Thám hiểm Anambas cũng được thực hiện trên cơ sở không chính thức. Các chính quyền tham gia được thông báo rằng:

… Đại diện Indonesia muốn bày tỏ sự phản đối của mình và phê phán hành động đơn phương của Philipin qua việc biến đổi cuộc khảo sát Palawan từ các hoạt động kênh hai thành các hoạt động kênh một bằng cách đi trệch khỏi thông lệ đã được thống nhất và chấp nhận thông qua các thảo luận và quyết định dựa trên cơ sở đồng thuận.

Đại diện Indonesia nhận thấy rằng cuộc Thám hiểm Palawan không còn có thể được coi là việc thực hiện quyết định đã được đưa ra tại … Hội thảo lần thứ 13 và do đó Indonesia không ở vị trí có thể tham gia vào cuộc thám hiểm. Hậu quả là các thành viên đến từ Philipin cũng không thể mở rộng sự đóng góp của các thành viên Hội thảo để tài trợ cho cuộc thám hiểm Palawan.[56]

Kết quả là không một nhà nghiên cứu nào của Trung Quốc, Đài Loan, Brunei, Indonesia, Campuchia, Lào, Myanmar, Singapore, hay Thái Lan tham dự vào Thám hiểm Palawan – sau đó được đổi tên thành Khảo sát Biển Luzon Giai đoạn I. Tuy nhiên, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN tại Cuộc họp Bộ trưởng lần thứ 37, tổ chức vào tháng 6/2004 “đã lưu ý và đánh giá cao sáng kiến của Chính phủ Philipin trong việc triển khai Khảo sát Biển Luzon Giai đoạn 1 – Khảo sát Palawan như một sự áp dụng thực tiễn của Phần IX Công ước Luật Biển năm 1982 về sự hợp tác của các quốc gia trên các biển kín và nửa kín, điều được khích lệ theo Khoản 6 của [Tuyên bố Ứng xử Biển Đông].”[57]

Tại Hội thảo Biển Đông lần thứ 14, tổ chức ở Batam, Indonesia vào tháng 11/2004, đại diện của Philipin đã lí giải lí do vì sao họ đã thay đổi thực hiện Thám hiểm Palawan từ hoạt động kênh hai sang hoạt động kênh một. Ông cũng đã thông báo cho các thành viên khác của hội thảo rằng khu vực thám hiểm đã được mở rộng để bao trùm phạm vi rộng hơn và tên của cuộc thám hiểm đã được đổi thành Khảo sát Biển Luzon Giai đoạn I.  Đáp lại, các thành viên khác đã nhấn mạnh rằng sự thay đổi mô hình này đầu tiên cần phải được hội thảo thông qua. Hơn nữa, các thành viên của hội thảo đã quyết định sẽ không thảo luận thêm về Thám hiểm Palawan, do Philipin lúc đó đang lên kế hoạch thực hiện Khảo sát Biển Luzon Giai đoạn II như một hoạt động kênh một.[58] Tuy nhiên, các thành viên của Hội thảo Biển Đông lần thứ 14 đã quyết định rằng tiến trình hội thảo cần phải xem xét việc tiếp tục dự án đa dạng sinh học để bao gồm Khu vực Đông bắc và Tây bắc Biển Đông. Trên khía cạnh này, hội thảo đã khích lệ các thành viên Trung Quốc, Đài Loan, Philipin và Việt Nam xem xét khả năng thực hiện Thám hiểm Đa dạng Sinh học trên các vùng nêu trên của Biển Đông.[59] Lời kêu gọi này đã được nhắc lại ở Tuyên bố của Hội thảo Biển Đông lần thứ 15.[60]

Năm 2006, tại Hội thảo Biển Đông lần thứ 16, các thành viên Trung Quốc và Việt Nam đã chỉ ra rằng họ chưa sẵn sàng để thực hiện dự án đa dạng sinh học ở vùng đông bắc và đông nam Biển Đông. Đáp lại, Tiến sĩ Hasjim Djalal đã đề xuất rằng nếu chính quyền liên quan có các khó khăn trong việc xác định khu vực để thực hiện nghiên cứu đa dạng sinh học, trên cơ sở thực tế trước đây, họ có thể xác định khu vực trong vùng không tranh chấp ở đông bắc và đông nam Biển Đông mà tại đó các thành viên có thể cùng làm việc với nhau.[61] Sau đó đã không có thêm một buổi thảo luận nào về đề xuất nghiên cứu đa dạng sinh học biển ở các khu vực đông bắc và tây bắc của Biển Đông được đưa ra tại các Hội thảo Biển Đông lần thứ 17, 18, và 19. Một cách giải thích có thẻ là sự cải thiện nhanh chóng của các quan hệ chính trị giữa Trung Quốc và Đài Loan kể từ năm 2008 và cuộc thảo luận về một dự án có tên là “Mạng lưới Đông Nam Á về Giáo dục và Đào tạo (SEA-NET)” do Trung Quốc và Đài Loan cùng đệ trình. Vào tháng 11/2008 tại Hội thảo Biển Đông lần thứ 18 tổ chức tại Manado, Indonesia, các thành viên đến từ Trung Quốc và Đài Loan đã lần đầu tiên thể hiện sự sẵn sàng cùng hợp tác và đã đi đến một đề xuất dự án chung về Biển Đông, dự án này sau đó được các nhà khoa học Trung Quốc và Đài Loan cùng trình bày và được thông qua tại Hội thảo Biển Đông lần thứ 19 tổ chức ở Makassar, Indonesia vào tháng 11/2009.[62] Đề xuất dự án chung Trung Quốc – Đài Loan được coi là “một mốc quan trọng trong tiến trình Hội thảo”[63] và sẽ được thực hiện vào năm 2010 đầu tiên ở Đài Loan và sau đó vào năm 2011 ở Trung Quốc. Nhờ sự phát triển mới này trong tiến trình Hội thảo Biển Đông, một cánh cửa cơ hội mới đã được mở ra cho khả năng đệ trình các đề xuất nghiên cứu đa dạng sinh học chung ở các khu vực đông bắc và tây bắc Biển Đông theo tiến trình Hội thảo Biển Đông.

IV. Mối quan ngại ngày càng tăng của thế giới về Suy giảm Đa dạng Sinh học và Tác động của Nó đối với sự Phát triển và Thịnh vượng của Con người

Mối lo ngại của thế giới về sự suy giảm của đa dạng sinh học và mối đe doạ của nó đối với sự phát triển và thịnh vượng của con người đã ngày càng gia tăng kể từ cuối những năm 1980. Vào tháng 5/1992, Công ước về Đa dạng Sinh học (từ đây gọi là CBD) đã được thông qua và để mở cho các quốc gia ký kết kể từ ngày 5/6/1992 tại Hội thảo Liên Hợp Quốc về Môi trường và Phát triển (“Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất” tại Rio). Công ước CBD có ba mục tiêu chính: (1) bảo tồn đa dạng sinh học; (2) sử dụng bền vững các yếu tố của đa dạng sinh học; và (3) chia sẻ công bằng và thoả đáng các lợi nhuận phát sinh từ việc sử dụng các tài nguyên sinh vật.[64] Công ước có hiệu lực vào ngày 29/12/1993. Tính đến ngày 30/6/2010, đã có 193 quốc gia là thành viên Công ước.[65]

Vào tháng 4/2002, các bên tham gia CBD và các Nguyên thủ Quốc gia cùng các Chính phủ tại Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển Bền vững tổ chức ở Johannesburg đã thông qua Mục tiêu Đa dạng Sinh học 2010. Các bên tham gia đã cam kết đến năm 2010 sẽ giảm được đáng kể tỉ lệ suy giảm đa dạng sinh học ở các cấp độ thế giới, khu vực và quốc gia để đóng góp cho quá trình xoá đói giảm nghèo và vì lợi ích của tất cả sự sống trên Trái đất.[66] Vào năm 2006 tại phiên thứ 66, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã tuyên bố năm 2010 là Năm Quốc tế về Đa dạng Sinh học, với mục tiêu:

- Tăng cường ý thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo tồn đa dạng sinh học và các nguy cơ chủ yếu đối với đa dạng sinh học;

- Tăng cường ý thức về các thành quả bảo vệ đa dạng sinh học đã được hiện thực hoá bởi các cộng đồng và chính phủ;

- Thúc đẩy các giải pháp sáng tạo để giảm các nguy cơ đối với đa dạng sinh học;

- Khích lệ các cá nhân, tổ chức và chính phủ thực hiện các biện pháp tức thời nhằm hạn chế sự suy giảm của đa dạng sinh học;

- Bắt đầu các buổi đối thoại giữa các bên liên quan về các bước cần thực hiện trong giai đoạn sau 2010.[67]

Trong lễ mừng Năm Quốc tế về Đa dạng Sinh học, một Hội nghị thượng định của các Nguyên thủ Quốc gia và Chính phủ về đa dạng sinh học sẽ được tổ chức vào 22/9 ở New York tại phiên họp thứ 65 của Đại Hội đồng LHQ. Nối tiếp sẽ là cuộc họp lần thứ 10 của Hội thảo của các Bên tham gia CBD,  sẽ được tổ chức ở Nagoya, vùng Aichi, Nhật Bản vào tháng 10/2010. Tại cuộc Hội nghị thượng đỉnh Nagoya về Đa dạng Sinh học, các bên dự kiến sẽ thông qua một Kế hoạch Chiến lược mới của Công ước cho giai đoạn 2011-2020, bao gồm tầm nhìn đa dạng sinh học đến năm 2050 cũng như một mục tiêu đa dạng sinh học cho năm 2020 cùng các mục tiêu thứ cấp.[68]

Vào tháng 1/2010, Hội thảo Khoa học và Chính trị của UNESCO về Năm Quốc tế về Đa dạng Sinh học đã được tổ chức tại Trụ sở UNESCO ở Paris. Tuyên bố và các kiến nghị từ hội thảo nêu rằng:

Sự đóng góp của đa dạng sinh học cho cuộc sống và phúc lợi con người không chỉ mang tính thực tiễn, vật chất hay vị lợi, mà còn mang tính văn hoá và tinh thần. Sự đa dạng của thế giới tự nhiên đã là một nguồn cảm hứng bất tận xuyên suốt lịch sử loài người, ảnh hưởng đến các truyền thống và cách thức mà xã hội chúng ta đã hình thành. Tuy nhiên, trong những thập kỷ vừa qua, đa dạng sinh học đã bị suy giảm với một tốc độ nhanh chưa từng có, phần lớn là do các hoạt động không bền vững của con người, trong khi đó Mục tiêu Đa dạng Sinh học 2010 được thống nhất tại Hội nghị Cấp cao Thế giới về Phát triển Bền vững rồi sau đó là bởi các Bên tham gia CBD năm 2002 vẫn chưa đạt được. Với tầm quan trọng của đa dạng sinh học đối với sự phát triển và thịnh vượng của con người, việc ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học đã trở thành một trong các thách thức chính mà xã hội ngày nay phải đối mặt.[69]

Vào tháng 2/2010, “12 thông điệp” đã được vạch ra trong báo cáo của chủ tịch Hội thảo Trondheim lần thứ 6 về Đa dạng Sinh học, bao gồm:

- Mục tiêu 2010 đã khuyến khích các hành động, nhưng sẽ không thể đạt được một cách toàn diện;

- Suy giảm đa dạng sinh học và sự xuống cấp các chức năng của hệ sinh thái ngày càng có các hậu quả nguy hiểm đối với sự thịnh vượng của con người, thậm chí là sự sinh tồn đối với một số xã hội;

- Cần có hành động cấp thiết để đối phó với sự suy giảm đa dạng sinh học, đặc biệt là để tránh hậu quả xấu nhất;

- Đa dạng sinh học là cốt lõi tự nhiên cho phát triển bền vững;

- Không hành động phải trả giá đắt hơn hành động;

- Nhiều ngành kinh tế lệ thuộc vào đa dạng sinh học hơn là chúng ta tưởng;

- Đa dạng sinh học và thay đổi khí hậu có mối liên hệ mật thiết;

- Cần phải thực hiện;

- Cần phải tăng cường khoa học và kiến thức;

- Cần đáng kể nhiều nguồn tài nguyên hơn nữa; và

- Cần phải xác định đúng các mục tiêu đa dạng sinh học.[70]

Vào tháng 5/2010, tái bản lần thứ ba của ấn phẩm Viễn cảnh Đa dang Sinh Học Thế giới đã được Ban Thư ký CBD phát hành, trong đó đã kết luận rằng “chúng ta với tư cách là các cá thể và một tập thể đã không thể đạt được mục tiêu đa dạng sinh học Johannesburg 2010”.[71] Bản báo cáo cho thấy rằng đa dạng sinh học đang tiếp tục biến mất với một tốc độ chưa từng có. Ước tính, tỉ lệ tuyệt chủng của các loài hiện nay đã lên đến 1.000 lần tỉ lệ tự nhiên. Hơn nữa, bản báo cáo cũng cảnh báo rằng “sự thoái hoá không thể đảo ngược được có thể sẽ xảy ra nếu các hệ sinh thái bị đẩy quá giới hạn đỏ, dẫn đến sự mất mát hàng loạt các dịch vụ sinh thái mà chúng ta lệ thuộc rất nhiều, như sự trong sạch của không khí và nước, sự  tái chế độ màu mỡ của đất, ổn định khí hậu và sự thụ phấn của các loài cây hoang dã và cây trồng.”[72] Hơn nữa, bản báo cáo còn cho thấy rằng năm nhân tố quốc tế chủ yếu dẫn đến mất mát đa dạng sinh học trên thế giới, cụ thể là mất mát các môi trường sống, việc sử dụng và khai thác thái quá và không bền vững các tài nguyên, biến đổi khí hậu, các loài lạ xâm lấn, và ô nhiễm đã không chỉ diễn ra thường xuyên trong thập kỷ vừa qua, mà thậm chí trong một số trường hợp còn trầm trọng thêm. Về sự mất mát đa dạng sinh học, bản báo cáo chỉ ra rằng có khoảng một nửa số quần thể biển trên khắp thế giới đã bị khai thác cạn kiệt trong năm 2005, còn một phần tư khác bị khai thác thái quá, dẫn đến cạn kiệt hoặc phải hồi phục từ tình trạng cạn kiệt. 60% các bãi san hô có thể sẽ bị mất đi vào năm 2030 do các tác hại từ việc đánh cá, ô nhiễm, bệnh tật, các loài lạ xâm lấn và tẩy trắng san hô.[73]

Mối lo ngại về sự mất mát đa dạng sinh học và các tác động tiêu cực của nó lên sự phát triển và thịnh vượng của con người đã được báo cáo tại Tiểu Ban Cố vấn Khoa học và Công nghệ của CBD được tổ chức ở Nairobi, Kenya vào tháng 5/2010. Các phát hiện của một cuộc rà soát chi tiết về việc thực hiện chương trình hoạt động về đa dạng sinh học biển và ven biển bao gồm một số điểm như sau:

- Tình trạng và xu hướng toàn cầu cho thấy những suy giảm nghiêm trọng của các tài nguyên sinh vật, sự mất mát các môi trường sống ven biển, tình trạng ô nhiễm gia tăng, và chất lượng nước không đảm bảo ở nhiều khu vực;

- Sự xuống cấp tổng thể của môi trường biển còn trở nên xấu hơn bởi các tác động của biến đổi khí hậu, chẳng hạn như mực nước biển dâng và tăng nhiệt độ trên biển, và các tác động tiềm tàng của sự axit hoá đại dương như một hậu quả trực tiếp của khí thải CO2.

- Các cộng đồng ven biển và các nền kinh tế địa phương đang bị tác động tiêu cực bởi các xu hướng như đói nghèo, thay đổi trong cách sử dụng đất, khai thác cá thái quá, thiếu dinh dưỡng, rác thải, và phát triển các vùng duyên hải, những yếu tố khiến cho sức chứa của môi trường biển bị đẩy quá giới hạn bền vững;

- Áp lực đối với đa dạng sinh học biển và ven biển sẽ tiếp tục tăng, với việc 50% dân số thế giới sẽ sinh sống dọc các vùng duyên hải vào năm 2015, tạo nên sự căng thẳng đối với các tài nguyên ven biển; những áp lực của con người này sẽ kết hợp cùng các tác động của biến đổi khí hậu mà sẽ trở nên trầm trọng hơn trong tương lai;

- Tiến triển hướng tới đạt được mục tiêu 2012 về thành lập các mạng lưới khu vực biển được bảo vệ mang tính sinh thái và được quản lý hiệu quả đã diễn ra chậm chạp, bất chấp các nỗ lực trong một vài năm trở lại đây; chưa đến 1% bề mặt đại dương được bảo vệ, so với tỉ lệ gần 15% khu vực được bảo vệ trên đất liền.[74]

Vào tháng 11/2008, 10/2009, và 6/2010, các cuộc họp liên chính phủ và các bên liên quan đặc biệt lần thứ nhất, lần thứ hai, và lần thứ ba đã được tổ chức lần lượt ở Putrajaya, Malaysia, Nairobi, Kenya và Busan, Hàn Quốc, để bàn về việc thành lâp một diễn đàn chính sách khoa học liên chính phủ về đa dạng sinh học và các dịch vụ sinh thái. Có hơn 90 quốc gia cùng với sự ủng hộ của UNEP, UNESCO và FAO đã thống nhất thành lập một Diễn đàn Chính sách Khoa học về Đa dạng Sinh học và các Dịch vụ Sinh thái (IPBES), với mục tiêu tăng cường giao diện chính sách khoa học cho đa dạng sinh học và các dịch vụ sinh thái để bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, sự thịnh vượng lâu dài của con người và phát triển bền vững.[75]

Tầm quan trọng của đa dạng sinh học và mối quan ngại về tác động của nó lên sự phát triển và thịnh vượng của con người đã được các lãnh đạo của Nhóm G8 nhấn mạnh khi nhóm này họp ở Muskoka, Canada vào 25-26/6/2010. Các nhà lãnh đạo này cũng đã nhấn mạnh mối đe doạ nghiêm trọng của tốc độ suy giảm đa dạng sinh học hiện nay. Thông cáo cuối cùng của cuộc họp nêu lên rằng:

Trong năm 2010, Năm Quốc tế về Đa dạng Sinh học LHQ, chúng tôi rất lấy làm tiếc rằng cộng đồng quốc tế đã không đạt được mục tiêu cho năm 2010 là giảm thiểu đáng kể tốc độ mất mát đa dạng sinh học trên toàn cầu. Chúng tôi ghi nhận rằng tốc độ suy giảm đa dạng sinh học như hiện thời là một mối đe doạ nghiêm trọng, do các hệ sinh thái đa dạng và phong phú về mặt sinh học là rất cần thiết cho sự thịnh vượng của con người, cho sự phát triển bền vững và công cuộc xoá đói giảm nghèo. Chúng tôi nhấn mạnh sự ủng hộ của mình cho Nhật Bản khi nước này chuẩn bị đăng cai cuộc họp lần thứ mười của Hội nghị các Bên trong Công ước về Đa dạng Sinh học vào tháng 10 này và chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thông qua một khuôn khổ đầy tham vọng và khả thi cho giai đoạn sau 2010. Chúng tôi ghi nhận sự cần thiết phải tăng cường giao diện chính sách khoa học trong lĩnh vực này, và trong bối cảnh đó chúng tôi hoan nghênh sự nhất trí thành lập một Diễn đàn Liên chính phủ về Đa dạng Sinh học và các Dịch vụ Sinh thái (IPBES).”[76]

V. Sự cần thiết phải Tăng cường Nghiên cứu Sâu hơn về Đa dạng Sinh học ở Biển Đông

Do sự phát triển kinh tế nhanh chóng và gia tăng dân số, các nước bao quanh Biển Đông, cũng như các nước thuộc các khu vực khác nhau trên thế giới đang phải đối mặt với sự xuống cấp môi trường trên diện rộng. Báo cáo cho rằng đa dạng sinh học biển ở Biển Đông đang bị mất đi do không có các biện pháp chính sách để bảo vệ môi trường biển trong khu vực. Các vấn đề chưa được giải quyết đã tạo thêm sự cản trở đối với sự hợp tác hết sức cần thiết trong việc bảo vệ môi trường biển và bảo tồn đa dạng sinh học trên Biển Đông. Vào tháng 10/2009, Ahmed Djoghlaf, Thư ký Điều hành của Công ước về Đa dạng Sinh học đã phát biểu tại Hội nghị ASEAN về Đa dạng Sinh học năm 2009 rằng “thật vậy, đa dạng sinh học vẫn đang tiếp tục bị mất đi với một tốc độ chưa từng có.”[77] Tình trạng ở Đông Nam Á cũng gây nhức nhối, với 80% các bãi san hô của Đông Nam Á đang bị đe doạ do các thực tiễn đánh bắt cá và khai thác san hô gây ra, và có hơn 50% các vùng đầm lầy đang bị đe doạ. Sự mất mát đa dạng sinh học có thể ảnh hưởng tới 500 triệu người ở Đông Nam Á đến cuối thế kỷ này.[78]

Vào tháng 2/2010, một thông báo mới của COBSEA về Báo cáo Môi trường Biển Đông Á 2009 đã được công bố, trong đó nhấn mạnh tới các mối đe doạ mà các vùng biển Đông Á đang phải đối mặt như hậu quả của các yếu tố như phát triển không nhạy cảm, ô nhiễm, các loài xâm lấn và biến đổi khí hậu. Báo cáo cho biết rằng các môi trường sống và hệ sinh thái ven biển vốn rất quan trọng đối với kinh tế trong khu vực đang phải chịu áp lực với 40% các bãi san hô và một nửa số cây đước đã bị mất đi. Bản báo cáo nhấn mạnh rằng tương lai kinh tế của Đông Á và khả năng của khu vực này trong việc vượt qua đói nghèo đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trừ khi các hành động cấp bách được thực hiện để kiểm soát sự lành mạnh và tính đa dạng của môi trường biển.[79]

Trong suốt một thập kỷ qua, các nước bao quanh Biển Đông đã được yêu cầu phải phối hợp với nhau để bảo vệ môi trường biển, tăng cường sử dụng bền vững các tài nguyên, và hạn chế các tác hại do hoạt động của con người và thiên tai trong khu vực. Đã có các nỗ lực được thực hiện nhằm tăng cường hợp tác về môi trường theo Kế hoạch Hợp tác về Ô nhiễm Xuyên Biên giới của ASEAN,[80] Tuyên bố Jakarta về Môi trường và Phát triển 1997,[81] và thông qua dự án của Chương trình Môi trường của LHQ/Cơ sở Môi trường Toàn cầu (UNEP/GEF) có tên Ngăn chặn Xu hướng Xuống cấp Môi trường ở Biển Đông và Vịnh Thái Lan (Dự án UNEP/GEF ở Biển Đông)[82]. Một số các kế hoạch và chương trình hành động cũng đã được xây dựng nhằm đối phó với các vấn đề về môi trường ở Biển Đông và Châu Á – Thái Bình Dương,[83] bao gồm Cơ quan Điều phối các vùng Biển Đông Á (COBSEA), Kế hoạch Hành động và Chiến lược Dài hạn Đông Á,[84] Chương trình Hành động Chiến lược của Dự án UNEP/GEF Biển Đông,[85] Chiến lược Phát triển Bền vững cho các vùng Biển Đông Á của PEMSEA,[86] Chương trình Hành động Vientiane cho giai đoạn 2004 – 2010 (Mục 3.3) của ASEAN,[87], và Kế hoạch Hành động cho sự Bền vững của Môi trường biển của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC).[88]

Các nước bao quanh Biển Đông, với tư cách là thành viên của các cơ chế hợp tác và tiến trình đối thoại trong khu vực nêu trên, hoặc với tư cách là thành viên của các tổ chức chính phủ quốc tế và khu vực, thực sự đã tiến hành các hành động để bảo vệ môi trường biển và bảo tồn đa dạng sinh học ở Biển Đông trong thập kỷ vừa qua. Tuy nhiên, hầu hết các hành động này đều đã được thực hiện ở các vùng biển gần với các vùng ven biển thuộc quyền tài phán của quốc gia họ. Có rất ít nỗ lực được thực hiện để bảo vệ môi trường biển và bảo tồn đa dạng sinh học ở Biển Đông, đặc biệt ở các khu vực tranh chấp chủ quyền và quyền tài phán trên biển. Sự tham gia của các tổ chức môi trường quốc tế như UNEP trong việc bảo vệ môi trường biển và nghiên cứu đa dạng sinh học ở Biển Đông là vô cùng khó khăn, chủ yếu do Trung Quốc lo ngại về sự quốc tế hoá các vấn đề Biển Đông và các tính toán chính trị nhạy cảm khác. Tại Hội thảo Biển Đông lần thứ 9, các bên đã nhất trí rằng hội thảo sẽ thảo luận về khả năng phát triển hợp tác với UNEP trong việc thực thi một số yếu tố của Dự án Đa dạng Sinh học ở Biển Đông.[89] Tuy nhiên, sự hợp tác giữa Hội thảo Biển Đông và UNEP trong việc thực thi Dự án Đa dạng Sinh học đã không được hiện thực hoá.

Bên ngoài khuôn khổ của tiến trình Hội thảo Biển Đông, như đã nêu ở phần trên, đã có một nghiên cứu đa dạng sinh học chung được thực hiện theo dự án UNEP/GEF có tên “Ngăn chặn Xu hướng Xuống cấp Môi trường ở Biển Đông và Vịnh Thái Lan”. Dự án này phân tích và tổng hợp nhằm cung cấp các đặc tính cơ bản của các hệ sinh thái và tính phong phú của các loài trên biển ở vùng biển phía tây Biển Đông, thuộc thẩm quyền của Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, và Malaysia. Các loài cây đuốc, đảo san hô và thềm cỏ biển là những sinh vật nhiệt đới quan trọng nhất ở khu vực phía tây Biển Đông. Nghiên cứu tìm hiểu được rằng các cấu trúc môi trường sống khá đa dạng và khác biệt giữa các vùng vĩ tuyến từ phía bắc, trung và nam Việt Nam, Vịnh Thái Lan, và rồi đến bán đảo Malaysia. Thêm vào đó, nghiên cứu cũng tìm hiểu thấy rằng các tính chất của đa dạng sinh học biển ở vùng biển phía tây của Biển Đông chịu ảnh hưởng của các thế lực tự nhiên, trong đó có lịch sử địa chất đáy biển, hướng và luân chuyển gió mùa, sự thay đổi nhiệt độ vĩ tuyến, và dòng chảy của sông.[90] Nghiên cứu này không được mở rộng đến các khu vực trung tâm hoặc khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Ngoài Dự án UNEP/GEP, Philipin và Việt Nam đã tỏ chức bốn cuộc Thám hiểm Chung về Đại dương học và Nghiên cứu Khoa học Biển ở Biển Đông (JOMSRE-SCS I đến IV) lần lượt vào năm 1996, 2000, 2005, và 2007.[91] Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Philipin có khoảng 115 nhà khoa học và quản lý của hai nước đã cùng nhau thực hiện nghiên cứu đa dạng sinh học biển tại 18 điểm bãi san hô (đảo nhỏ) và các bãi nửa chìm nửa nổi ở khu vực phía bắc quần đảo Trường Sa.[92] Khoảng 250 loài thuộc 66 giống san hô, 404 loài thuộc 144 giống cá liên đới với san hô, và 53 loài vi sinh vật không xương đã được ghi chép trong cuộc nghiên cứu. Một số loài sinh vật biển mang tính thương mại, quý hiểm hoặc có nguy cơ tuyệt chủng[93] cũng đã được ghi nhận trong khu vực nghiên cứu.[94] Báo cáo cho rằng việc áp dụng thực tiễn ban đầu của các kết quả từ JONSRE-SCS là việc thông qua một đề xuất thành lập một Công viên Hoà bình Xuyên Biên giới trên Biển ở Biển Đông.[95]

Các nghiên cứu về đa dạng sinh học ở quần đảo Trường Sa cũng đã được thực hiện bởi các nhà khoa học Đài Loan vào tháng 6/2009 và tháng 3/2010. 13 loài chim, 3 loài cỏ biển, 19 loài tảo biển, 267 loài san hô, và 310 loài cá đã được ghi chú trong cuộc thăm dò này. Cuộc thăm dò cũng phát hiện ra rằng Đảo Ba Bình (TA: Itu Aba; TQ: Taiping Dao) và Chung-Chau Cay, cách Đảo Ba Bình khoảng 3.1 hải lý về phía đông, là các môi trường sống tái tạo quan trọng cho các loài rùa biển và chim biển, và hầu hết các bãi san hô ở đó vẫn đang ở trong điều kiện nguyên sơ. Một trong các kiến nghị chính sách dài hạn được rút ra từ các nghiên cứu đa dạng sinh học này là sự thành lập một Công viên Biển Hoà bình Quốc tế Trường Sa, tương tự như đề xuất của Philipin cho việc thành lập một Công viên Hoà bình Xuyên Biên giới trên Biển ở Biển Đông.[96]

Biển Đông là một vùng sinh thái biển lớn và là một trong bốn khu vực giàu tính đa dạng sinh học nhất thế giới, với các tài nguyên biển phong phú và đa dạng. Thực sự cần phải xây dựng một cơ sở khoa học để bảo vệ, quản lý và sử dụng bền vững các tài nguyên đa dạng sinh học ở Biển Đông. Bất chấp các nỗ lực chung của các nước bao quanh Biển Đông, dù là theo tiến trình Hội thảo Biển Đông trong việc thực hiện Thám hiểm Anambas, hay các nghiên cứu khác được thực hiện bên ngoài tiến trình hội thảo, thì tình trạng tổng thể của đa dạng sinh học ở Biển Đông vẫn còn chưa được làm rõ. Theo đó, cần phải tăng cường các nghiên cứu đa dạng sinh học biển ở các khu vực khác nhau của Biển Đông, dặc biệt là ở khu vực đông bắc và tây bắc của biển Đông. Các nghiên cứu được đề xuất sẽ dấy nên một số vấn đề chính trị nhạy cảm và các vấn đề pháp lý phức tạp về tranh chấp chủ quyền và quyền tài phán trên biển. Tuy nhiên, như đã đề cập ở đầu bài viết này, các nước bao quanh Biển Đông có nghĩa vụ điều ước theo Công ước UNCLOS 1982 phải (1) phối hợp quản lý, bảo tồn, khai phá và khai thác các tài nguyên sinh vật ở Biển Đông; (2) phối hợp thực hiện các quyền và nghĩa vụ liên quan đến bảo vệ và bảo tồn môi trường biển ở Biển Đông; và (3) phối hợp các chính sách nghiên cứu khoa học và khi thích hợp thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học chung ở Biển Đông. Thêm vào đó, khoản 6 của Tuyên bố Ứng xử Biển Đông 2002 cũng nêu rằng trong khi chờ đợi có giải pháp tổng thể và bền vững cho các tranh chấp, các bên liên quan có thể thai thác hoặc thực hiện các hoạt động hợp tác, trong đó có thể bao gồm bảo vệ môi trường biển và nghiên cứu khoa học biển. Trung Quốc, Việt Nam và Philipin là các bên tham gia UNCLOS và cùng ký Tuyên bố Ứng xử Biển Đông 2002. Do đó có  các cơ sở pháp lý cho nỗ lực chung thực hiện các nghiên cứu đa dạng sinh học trong các vùng biển tranh chấp hoặc không tranh chấp ở đông bắc và đông nam Biển Đông. Điều cần thiết là sự tự nguyện về mặt chính trị của những người hoạch định chính sách của các nước này, những người có thể ý thức được những thông điệp gần đây mà UNEP và Ban thư ký CBD đã gửi đi về sự mất mát đa dạng sinh học và tác động tiêu cực của nó lên sự phát triển và thịnh vượng của con người trong khu vực.

Còn đối với Đài Loan, tuy nước này không phải là thành viên của UNCLOS và không ký kết Tuyên bố Ứng xử Biển Đông 2002, nhưng rõ ràng Đài Loan là một trong các nước yêu sách chính ở Biển Đông vần phải được tham gia vào tiến trình đối thoại để bảo vệ môi trường biển và bảo tồn đa dạng sinh học. Những tiến bộ gần đây của các quan hệ chính trị giữa Trung Quốc và Đài Loan đã khiến việc xem xét dự thảo một đề xuất dự án dưới tiến trình Hội thảo Biển Đông để nghiên cứu tình trạng đa dạng sinh học biển ở vùng đông bắc và tây bắc Biển Đông trở nên khả thi. Vào tháng 11/2008 tại Hội thảo Biển Đông lần thứ 18 tổ chức ở Manado, Indonesia, các thành viên Đài Loan và Trung Quốc đã lần đầu tiên thể hiện sự tình nguyện cùng làm việc với nhau và đưa ra một đề xuất dự án Biển Đông chung, được trình bày chung bởi các nhà khoa học Đài Loan và Trung Quốc và đã được thông qua tại Hội thảo Biển Đông lần thứ 19 ở Makassar, Indonesia vào tháng 11/2009.[97]

Dự án chung của Trung Quốc – Đài Loan có tên là “Mạng lưới Đông Nam Á về Giáo dục và Đào tạo” (SEA-NET), được xem là một “cột mốc trong tiến trình Hội thảo”[98] và sẽ được thực hiện trong mùa hè 2010 ở Đài Loan. Chương trình đào tạo chung sau đó sẽ được thực hiên ở Trung Quốc trong năm 2011.

VI. Kết luận

2010 là Năm Quốc tế về Đa dạng Sinh học. Trong khi các nước bao quanh Biển Đông đã tổ chức các chương trình quốc gia để tham gia vào dịp kỉ niệm quốc tế,[99] họ cũng có thể đưa ra các hành động ở tầm khu vực, hợp tác cùng các nước ven Biển Đông khác, để bảo vê môi trường biển và bảo tồn đa dạng sinh học trong khu vực. Tại Hội thảo Biển Đông lần thứ 19, các bên đã quyết định tổ chức một sự kiện kỷ niệm 20 năm tiến trình Hội thảo ngay trước khi Hội thảo diễn ra. Những nhân vật có ảnh hưởng trong và ngoài khu vực Biển Đông cũng cần phải được mời tới sự kiện này và tham gia vào hội thảo với tư cách là các quan sát viên. Theo đó, một số các kiến nghị có thể được đưa ra cho các chính quyền thành viên, bao gồm (1) mời Thư ký điều hành của CBD và UNEP tham gia sự kiện kỷ niệm đặc biệt này và có buổi nói chuyện về sự cần thiết phải thực hiện các nghiên cứu đa dạng sinh học ở Biển Đông và (2) bao gồm sự cần thiết phải phát triển các đề xuất dự án để nghiên cứu đa dạng sinh học biển ở vùng đông bắc và tây bắc Biển Đông trong chương trình nghị sự của Hội thảo Biển Đông lần thứ 20.

Tiến trình Hội thảo Biển Đông nên chung tay cùng thế giới kỷ niệm Năm Quốc tế về Đa dạng Sinh học 2010. Nếu hội thảo này có thể bao gồm vấn đề về bảo tồn đa dạng sinh học trong chương trình nghị sự của mình, nó có thể giúp tăng cường ý thức của các thành viên hội thảo về tầm quan trọng của đa dạng sinh học và về các mối đe doạ đối với đa dạng sinh học. Hội thảo cũng có thể góp phần tăng cường ý thức về các thành tựu mà các cộng đồng và chính phủ ở Biển Đông đã đạt được trong nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học, hoặc những thất bại của họ trong việc thực hiện các hành động cần thiết để ngăn ngừa sự mất mát đa dạng sinh học ở Biển Đông. Nếu các ý tưởng hợp tác trong nghiên cứu đa dạng sinh học đặc biệt là ở khu vực đông bắc và đông nam Biển Đông có thể được thảo luận và thông qua tại Hội thảo Biển Đông lần thứ 20, và rồi được thực hiện trong tương lai gần, đó chắc chắn sẽ được coi là một “cột mốc” quan trọng khác trong tiến trình Hội thảo Biển Đông, và cũng có thể khiến cho lễ Kỷ niệm tiến trình 20 năm của Hội thảo biển Đông trở nên ý nghĩa hơn.

GS. Yann-hei Song, Nghiên cứu viên, Viện Nghiên cứu Châu Âu & Hoa Kỳ, Academia, Sinica, Đài Bắc, Đài Loan, Cộng hoà Trung Hoa

Bản quyền thuộc NCBĐ

Tải bản PDF tại đây



[1] Điều 122 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển định nghĩa “biển kín hoặc nửa kín” là “một vịnh, lưu vực hoặc biển được bao quanh bởi hai hay nhiều Quốc gia và được nối với một biển hoặc đại dương khác bởi một nhánh nhỏ hoặc bao gồm toàn bộ hoặc chủ yếu các vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của hai hay nhiều Quốc gia ven biển.” Rõ àng rằng Biển Đông là một biển nửa kín theo định nghĩa này

[2] Để biết thêm thông tin, xem “South China Sea”,  Wikipedia, the free encyclopedia, có tại http:// en.wikipedia.org/wiki/South_Chna_Sea (truy cập19/6/2010)

[3] Công ước Liên Hợp Quóc về Luật Biển, thông qua ngày 30/4/1982, mở cho ký kêt ngày 10/12/1982, có hiệu lực 16/11/1994, tính đến 1/3/2010 có 160 thành viên. Để có danh sách theo thời gian của các sự phê chuẩn, tham gia và thừa kế đối với Công ước này và các Hiệp ước liên quan, và văn bản của Công ước, truy cập vào trang của Liên Hợp Quốc tại: http://www.un.org/Depts/los/convention_agreements/convention_overview_convention.htm

(truy cập ngày 20/6/2010)

[4] Xem Điều 123 của UNCLOS.

[5] Nguyên Tấc An và Bùi Hồng Long, “Some significant results and lessons learned form JOMSRE-SCS,” trong Chất vấn của Hội thảo về Kết quả của Thám hiểm chung Việt Nam – Philipin về Nghiên cứu Đại dương học và Khoa học Biển ở Biển Đông (JOMSRE-SCS I đến IV), 26-29/3/2008, Hạ Long, Việt Nam, tr.1. Xem thêm Peter K.L.Ng và K.S.Tan, “The State of marine Biodiversity in the South China Sea,”  The Raffles Bulletin of Zoology 2000 Phụ lục số 8, tr. 3-7.

[6] Xem Dự án UNEP/GEF có tên “Reversing Degradation Trends in the South China Sea and Gulf of Thailand,” UNEP/GEF/SCSproject documentNovember 2001, Background & Context – Baseline Course of Actions, tại http://www.unepscs.org/remository/startdown/381.html (truy cập 19/6/2010), tr. 1. 

[7] Nt.

[8] Xem đoạn 1-2 của Tuyên bố của Hội thảo lần thứ hai về Quản lý Xung đột Tiềm tàng ở Biển Đông, Bandung, 15-18/7/1991.

[9] Xem Allan Shephard, “Maritime Tensions in the South China Sea and the Neighborhood: Some Solutions,” Studies in Conflict and Terrorism, Vol. 17 (1993), tr. 181-187 và Allan Shephard, “Oil on Troubled Waters: Indonesian Sponsorship of the South China Sea Workshop,” Studies in Conflict and Terrorism, Số 18 (1995), tr.1. 

[10] Để biết thêm thông tin về cuộc chiến, xem “John South Reef Skirmish,” Wikipedia, the free encyclopedia, có tại http:// en.wikipedia.org/wiki/South_Chna_Sea (truy cập19/6/2010)

[11] Bài viết về Quản lý Xung đột Tiềm tàng ở Biển Đông của Giáo sư Hasjim Djalal, công bố tại Hội thảo Biển Đông lần thứ 16 ở Bali, Indonesia vào 23/11/2006.

[12] “Brokering Cooperation in the South China Sea,” của Ian Townsend-Gault và có trên trang của Nhóm Làm việc không chính thức về Biển Đông, Đại học British Columbia tại and was made available in the website of the South China Sea Informal Working Group, University of British Columbia tại http://faculty.law.ubc.ca/scs/ (truy cập July 14, 2009)

[13] Để biết thêm chi tiết về Hội thảo Biển Đông lần 1, xem Báo cáo của Hội thảo về Quản lý Xung đột Tiềm tàng ở Biển Đông, Bali, 22-24/1/1990.

[14] Ghi chú 30.

[15] “Transcript of Opening Remarks by Director of Center for Southeast Asia Studies,” của giáo sư Dr. Hasjim Djalal về Hội thảo về Quản lý Xung đột Tiềm tàng ở Biển Đông, Baili, 23/11/2006. Xem Phụ lục 2 của cuốn sách The 16th Workshop on Managing Potential Conflicts in the South China Sea, Bali, 23/11/2006, xuất bản bởi Cơ quan Phân tích và Phát triển của Bộ Ngoại giao Cộng hoà Indonesia, tr. 13.

[16] Ian townsend-Gault, “Preventive Diplomacy and Pro-Activity in the South China Sea,” Contemporary Southeast Asia, Số 20, 2/11, tháng 8/1998, tr. 183

[17] Nt, tr. 184.

[18] Ian Townsend-Gault, nt., tr. 183-184 và xem thêm Hasjim Djalal, “Managing Potential Conflicts in the South China sea,” bài viết được công bố tại Hội thảo Biển Đông lần thứ 18 ở Manado, Indonesia, 28-29/11/2008, tr. 7.

[19] Ian Townsend-Gault, nt., p. 185.

[20] Xem Proceedings of the Workshop on Managing Potential Conflicts in the South China Sea, Bandung, 15-18/7/1991, Phụ lục L, tr. 137-153.

[21] Nt, Phụ lục M, tr. 155-163.

[22] Xem Report of the Second Workshop on Managing Potential Conflicts in the South China Sea, Bandung, Indonesia, July 15-18, 1991, nt., p. 15.

[23] Xem Joint Statement of the Second Workshop “on Managing Potential Conflicts in the South China Sea” Bandung, 15-18/7/1991, Phụ lục G. nt., đoạn 1-2-, tr. 75.

[24] Xem đoạn 7, 10-12 của Statement of the Third Workshop on Managing Potential Conflicts in the South China Sea, Yogyakarta, 29/6 – 2/7, 1992.

[25]Xem khoản 6(2) của Statement of the First Meeting of the Technical Working Group on Marine Scientific Research in the South China Sea, Manila, Philippines, 30/5 – 20/6, 1993.

[26]Xem các khoản 7 & 8 của Statement of the Fourth Workshop on Managing Potential Conflicts in the South China Sea, Surabaya, 23-25/8/1993.

[27] Khoản 6(a) của Statement of the Third Meeting of the Technical Working Group on Marine Scientific Research in the South China Sea, Singapore, April 24-29, 1994.

[28] Để tìm hiểu về nội dung của Dự án đa dạng sinh học, xem ???

[29] Khổ 6 (b), (c) và (d) của Tuyên bố của Hội thảo lần thứ 5 về Quản lý các xung đột tiềm tàng ở Biển Đông, Bukkittinggi, 26-28 Tháng 10, 1994.

[30] Xem khổ 6 của Tuyên bố của Hội thảo lần thứ 6 về Quản lý các xung đột tiềm tàng ở Biển Đông, Bukkittinggi, 9-13 Tháng 10, 1995.

[31] Xem khổ 17 của Tuyên bố của Hội thảo lần thứ 7 về Quản lý các xung đột tiềm tàng ở Biển Đông, Bukkittinggi, 17 Tháng 12, 1996.

[32] Nt, khổ 9.

[33] Xem khổ 8 và 15 của Tuyên bố của Hội thảo lần thứ 8 về Quản lý các xung đột tiềm tàng ở Biển Đông, Pacet Puncak, 2-6 Tháng 12, 1997.

[34] Như một trong 13 Chương trình Biển ở Khu vực, UNEP đã thành lập Cơ quan điều phối khu vực Biển Đông Á (EAS/RCU) ở Bangkok. EAS/RCU thiết lập Cơ quan điều phối ở Đông Nam Á (COBSEA) như là một cấu trúc ra quyết định cho khu vực Biển Đông Á.

[35] Xem khổ 7, 9, 11 và 12 của Tuyên bố của Hội nghị lần thứ 6 của Nhóm làm việc Kỹ thuật về Nghiên cứu khoa học Biển ở Biển Đông , Manila, 25-28 Tháng 11, 1998.

[36] Khổ 9, 10 và 19 của Tuyên bố của Hội thảo lần thứ 9 về Quản lý các xung đột tiềm tàng ở Biển Đông , Ancol, 1-3 Tháng 12, 1998.

[37] Xem khổ 10 của Tuyên bố của Hội thảo lần thứ 10 về Quản lý các xung đột tiềm tàng ở Biển Đông , West Java, Indonesia, 5-8 Tháng 12, 1999.

[38] Nt, khổ 17 (a).

[39] Xem Report on the Development of Bio-diversity Programme of the South China Sea Workshop Process, in the Proceedings of  the Eleventh Workshop on Managing Potential Conflicts in the South China Sea, Cengkareng, Banten, Indonesia, 26-29 tháng 3, 2001, Annex H, tr. 66-71.

[40] Xem khổ 13 của Tuyên bố của Hội thảo lần thứ 11 về Quản lý các xung đột tiềm tàng ở Biển Đông , Cengkareng, Banten, Indonesia, 26-29 Tháng 3, 2001.

[41] Để biết thêm chi tiết về Exercise Anambas, xem e the Proceedings of the Eleventh Workshop on Managing Potential Conflicts in the South China Sea, Cengkareng, Banten, Indonesia, March 26-29, 2001, Annex H, pp. 73-82.

[42] Xem Peter K.L. Ng, Abdul Gani Ilahude, và  N. Sivasothis and Darren C.J. Yeo, “Expedition Anambas: An Overview of the Scientific Marine Exploration of the Anambas and Natuna Archipelago, 11-22 March 2002,” The Raffles Bulletin of Zoology 2004 supplement No. 11, tr. 11-17 and the cruise report on Exercise Anambas presented by Dr. Abdul Gani Ilahude at the 12th  SCS Workshop, held in Jakarta, Indonesia, September 30 – October 4, 2002.

[43] Về kết quả khoa học của Anambas Expedition 2002, xem THE RAFFLES BULLETIN OF ZOOLOGY 2004 Supplement No. 11, edited by Peter K. L. Ng, Daisy Wowor and Darren C. J. Yeo. Về thông tin liên quan đến xuất bản, vào trang http://rmbr.nus.edu.sg/exanambas/ (truy cập 15 tháng 7, 2009).

[44] Xem Technical Proposal, Exercise Palawan: A confidence Building Measures for Managing Potential Conflicts in the South China Sea (South China  Sea Research Expedition II), có trong the Proceedings of the Twelfth Workshop on Managing Potential Conflicts in the South China Sea, Jakarta, Indonesia, September 30 – October 4, 2002, Annex Q, pp. 156-160.

[45] Khổ 11 của Statement of the Twelfth Workshop on Managing Potential Conflicts in the South China

Sea, Jakarta, Indonesia, September 30 – October 4, 2002

[46] Xem khổ 8, 10-của Statement of the Thirteen Workshop on Managing Potential Conflicts in the

South China Sea, Medan, Indonesia, September 17-18, 2003.

[47] Xem chú thích trên??

[48] Xem khổ 14-15 Tuyên bố Hội thảo lần thứ 13, đã dẫn.

[49] Tên gọi của Palawan Expedition được chuyển thành Exercise Luzon Sea Phase I

[50] Hasjim Djalal, “Managing Potential Conflicts in the South China Sea”, tham luận tại Hội thảo Biển ĐÔng lần thứ 16, có cả trong Annex 3 sách về The 16th  Workshop on Managing Potential Conflicts in the South China Sea, Bali, 23 November 2006, xuất bản bởi Policy Analysis and Development Agency of the Ministry of Foreign Affairs of the Republic of Indonesia, pp. 42-43.

[51] Nt, tr.iii

[52] Chính phủ các nước ASEAN và chính phủ nước CHND Trung Hoa đã ký Tuyên bố về các ứng xử của các bên ở Biển ĐÔng vào 4 tháng 11 năm 2002 ở Phnom Penh, Vương quốc Campuchia. Tuyên bố có thể được tìm thấy ở website chính thức của ASEAN: http://www.aseansec.org/13163.htm (truy cập 27 tháng 6, 2010)

[53] Xem Exercise Luzon Sea Phase I (Palawan Expedition), Report on the Status of the Marine Environment and the Marine Resources of Southern Palawan, Philippines, Occasional Papers of the Siliman University – Angelo King, Center for Research and Environmental Management (SUAKCREM), Vol 1, No. 1, January 2005, p. v.

[54] Tác giả đã nhận được một bản sao cuốn sách hướng dẫn dùng cho việc tham khảo được dễ dàng, được viết bởi Exercise Luzon Sea Phase II from Hon. Alberto A. Encomienda, the then Secretary General, Maritime and Ocean Affairs Center, Department of Foreign Affairs, Republic of the Philippines.

[55] Đó là Brunei, Cambodia, China, Lao, Myanmar, Malaysia, the Philippines, Singapore, Thailand, and Vietnam.

[56] Bức thư được giữ trong tập tài liệu của người viết.

[57] Paragraph 6 of the 2002 Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea provides that:

Pending a comprehensive and durable settlement of the disputes, the Parties concerned may explore or undertake cooperative activities. These may include the following:

 a. marine environmental protection;

 b. marine scientific research

 c. safety of navigation and communication at sea;

 d. search and rescue operation; and 

e. combating transnational crime, including but not limited to trafficking in illicit drugs, piracy and armed robbery at sea, and illegal traffic in arms.


See para. 24 of Joint Communique of the 37th ASEAN Ministerial Meeting, Jakarta, 29030 June 2004. For the text of the declaration, see supra note 52; for the communiqué, visit the web site of ASEAN at: http://www.aseansec.org/16192.htm (visited June 27, 2010),

[58] See para. 16 and 17 of Statement of the Fourteen Workshop on Managing Potential Conflicts in the South China Sea, Batam, Indonesia, November 24-26, 2004.

[59] Para. 32, ibid.

[60] See para. 27 of Statement of the Fifteenth Workshop o Managing Potential Conflicts in the South China Sea, Banten, Indonesia, November 24-26, 2005.

[61] See para. 21 of Statement of the Sixteenth Workshop o Managing Potential Conflicts in the South China Sea, Bali, Indonesia, November 23-25, 2006.

[62] See the Statement of the 18th  Workshop on Managing Potential Conflicts in the South China Sea, Manado, Indonesia, 28-29 November 2008, paragraph 21 and the Statement of the 19th Workshop on Managing Potential Conflicts in the South China Sea, Manado, Indonesia, 13-14 November 2009, paragraph 21.

[63] The Statement of the 19th  Workshop on Managing Potential Conflicts in the South China Sea,  ibid., paragraph 21.


[64] For more information about the Convention, visit: http://www.cbd.int/convention/about.shtml

[65] For the list of parties, visit: http://www.cbd.int/convention/parties/list/


[66] For more information about 2010 Biodiversity Target, visit: http://www.cbd.int/2010-target/

[67] International Year of Biodiversity, in Wikipedia, the free encyclopedia, available at: http://en. wikipedia.org/wiki/International_Year_of_Biodiversity (visited June 30, 2010)

[68] See Statement by Ahmed Djogalaf, Executive Secretary of the Convention on Biological Diversity on the Occasion of the Celebration of the International Year of  Biodiversity by the Kingdom of Cambodia, Banteay Kdei Temple, Siem Reap Province, Cambodia, June 20, 2010.

[69] See para. 4 of Statement and Recommendations  from the UNESCO International Year of Biodiversity Science Policy Conference, held at UNESCO Headquarters, Paris, in January 2010. The text of the statement and recommendations can be downloaded at: http://www.unesco.org/mab/doc/iyb/recommendations.pdf   (visited June 30, 2010)

[70] See Summary of the Sixth Trondheim Conference on Biodiversity: 1-5 February 2010, available at: http://www.iisd.ca/ymb/biodiv/tcb6/html/ymbvol88num3e.html (visited June 30, 2010)

[71] See Statement by Ahmed Djogalaf, Executive Secretary of the Convention on Biological Diversity on the Occasion of the Celebration of the International Year of  Biodiversity by the Kingdom of Cambodia, Banteay Kdei Temple, Siem Reap Province, Cambodia, June 20, 2010, p. 2.

[72] Nt.

[73] Statement by Ahmed Djoghlaf, Executive Secretary of the Convention on Biological Diversity on the Occasion of the National Seminar on Biodiversity 2010 (MyBio-D 2010), Kuala Lumpur, June 21, 2010, available at: http://www.cbd.int/doc/speech/2010/sp-2010-06-21-malaysia-en.pdf (visited July 1, 2010).

[74] See In-Depth Review of the Implementation of  the Programme of Work on Marine and Coastal Biological Diversity, Note by the Executive Secretary, Executive Summary, Subsidiary Body on Scientific, Technical and Technological Advice, Fourteenth meeting, Nairobi, 10-21 May 2010, UNEP/CBD/SBSTTA/14/3, January 28, 2010, pp. 1-2.

[75] See Busan outcome, Third ad hoc intergovernmental and multi-stakeholder meeting on an intergovernmental science-policy platform on biodiversity and ecosystem services, Busan, Republic of Korean, 7-11 June 2010, UNEP/IPBEST/3/L.2/Rev.a, 11 June 2010.

[76] See para. 25 of the G-8 Muskoka Declaration, available at:  http://www.washingtonpost.com/wp-dyn/content/article/ 2010/06/ 26/AR2010062602236.html (visited July 1, 2010)

[77]  See statement by Ahmed Djoghlaf, Executive Secretary of the Convention on Biological Diversity on the occasion of the ASEAN Conference on Biodiversity 2009 held in Singapore on October 21, 2009, available at: http://www.cbd.int/doc/speech/2009/sp-2009-10-21-asean-en.pdf (visited June 30, 2010)

[78] Ibid

[79] UNEP Press Release: The New COBSEA State of the Marine Environment Report for the East Asian Seas 2009, East Asia – Sea Change Needed in Management of Crucial Marine Resources, UNEP ROAP News Release 10/01, available at:  http://www.roap.unep.org/press/NR10-01.html (visited June 20, 2010). Copies of the report can be downloaded  at:   http://www.roap.unep.org/publications/State%20of%20the%20Marine.pdf

[80]  The Cooperation Plan is available at http://www.aseansec.org/8926.htm (visited June 20, 2010)

[81]  The Jakarta Declaration is available at http://www.aseansec.org/6085.htm (visited June 20, 2010)

[82] The littoral counties participating in this project are: Cambodia, China, Indonesia, Malaysia, the Philippines, Thailand, and Vietnam. For more information about the UNEP/GEF SCS Project, visit the Web site of the project at http://www.unepscs.org/Project Background.html (visited June 20, 2010)

[83] See Shelly M. Lexomnd, “Review of Instruments and Mechanisms for Strengthening Marine Environmental Co-operation in the South China Sea,” project report presented at the Fifth Meeting of the Regional Task Force on Legal Matters for the UNEP/GEF SCS Project; “Reversing Environmental Degradation Trends in the South China Sea and Gulf of Thailand,” Batam, Indonesia, 18– 21 Sept. 2006, UNEP/GEF/SCS/RTF-L.5/7, pp. 26–27.

[84] The text of the Action Plan is available at  http://www.unep.org/regionalseas/programmes/ unpro/eastasian/instruments/r_profile_eas.pdf  (visited June 20, 2010). See also Hugh Kirkman, “The  East Asian Seas UNEP Regional Seas Programme,” International Environmental Agreements: Politics, Law and Economics, Vol. 6, No. 3, 2006, pp. 305-316.

[85] Information about the program is available at  http://www.unepscs.org/7/7.html (visited June 20, 2010)

[86] Information on the strategy is available at the PEMSEA (Partnership in Environmental Management for the Seas of East Asia) Web site at:  http://www.pemsea.org/knowledge-center/the-sds-sea/the-sds-sea  (visited June 20, 2010)

[87] See ASEAN Documents Series 2004, available at  http://www.aseansec.org/ADS-2004.pdf (visited June 20, 2010)


[88] Information about the Action Plan is available at http://www.apec.org/apec/documents_reports/environmental_ministerial_meetings/1997.html (visited June 20, 2010)

[89] See para. 10 of Statement of the Ninth Workshop on Managing Potential Conflicts in the South China sea, Ancol, Jakarta, December 1-3, 1998.

[90] Vo Si Tuan, “An Analysis on Biodiversity in Western Waters of the South China Sea,” Abstract of the paper to be presented at the International Conference on Marine Environment and Biodiversity Conservation in the South China Sea, July 16-17, 2010, Kaohsiung, Taiwan,  available at: http://mebc-scs.marine.nsysu.edu.tw/images/Text/Abstract_Vo.pdf (visited July 4, 2010)

[91] JOMSRE I was conducted between 18 April and 9 May 1996; JOMSRE II 27 May – 2 June 2000; JOMSRE III 14-26 April 2005; and JOMSRE IV 14-29 April 2007. See Nguyen Tac An and Bui Hong Long, “Some significant results and lessons learned from JOMSRE-SCS,” in Proceedings of the Conference on the Results of the Philippines-Vietnam Joint Oceanographic and Marine Scientific Research Expedition in the South China Sea, supra note ?, p. 1.

[92] These 18 sites were on Scarborough, Triden Shoal, Nares Bank, Menzies, North Danger Reef, and Jackson Atoll. See Nguyen Van Long, Phan Kim Hoag, Hoang Xuan Ben and Brian Stockwell, “Status of the marine biodiversity in the Northern Spratly Islands, South China Sea, supra note ?, p. 11.

[93] These include the fishes Cheilinus undulatus, Bolbometopon muricatum, Pomacanthus imperator and Balistoides conspicillum and the pencial sea urchin Heterocentrotus mammillatus, ibid.

[94] Ibid.

[95] The establishment of a  transborder marine peace park was  proposed by the Philippines at the 4th Meeting of the Philippines-Vietnam Joint Permanent Working Group on Maritime and Ocean Concerns (JPWG-MOC) held between 29 September and 4 October 2007 in Hanoi, Vietnam. The proposal was reiterated by the participating scientists who  attended the Conference on the Results of the Philippines-Vietnam JOMSRE-SCS (JOMSRE I to IV) held in Ha Long City, Vietnam, on 26-29 March 2008. Supra note ? pp. ix-x.

[96] Kwang-Tsao Shao, T.Y, Fan, L.S. Liu, H.J. Lin, I.J. Chen, and D.J. Kuo, “Current Status and Perspective of Marine Biodiversity of Taiping Island in the Spratlys, South China Sea, abstract of the paper to be presented at  the International Conference on Marine Environment and Biodiversity Conservation in the South China Sea, July 16-17, 2010, Kaohsiung, Taiwan., available at: http://mebc-scs.marine.nsysu.edu.tw/images/Text/Abstract_Shao.pdf

  (visited June 4, 2010)


[97] See the Statement of the 18th Workshop on Managing Potential Conflicts in the South China Sea, Manado, Indonesia, 28-29 November 2008, paragraph 21 and the Statement of the 19th Workshop on Managing potential Conflicts in the South China Sea, Manado, Indonesia, 13-14 November 2009, paragraph 21.


[98] The Statement of the 19th Workshop on Managing Potential Conflicts in the South China Sea, ibid., paragraph 21.

[99] China launched the International Year of Biodiversity on January 26, 2010 in Beijing. ASEAN launched the International Year of Biodiversity on March 5, 2010. National progrmmes to celebrate the International Year of Biodiversity have also been planned by Indonesia, Cambodia, Malaysia, Thailand, Singapore, the Philippines, and Brunei. For more information about world celebrations and national celebrations, vist the web site of the Secretariat of CBD at: http://www.cbd.int/2010/countries/ (visited July 1, 2010)