09/05/2017
Thật quá dễ dàng để nói về những lựa chọn quân sự một cách chung chung. Tuy nhiên, chi tiết mới là nơi tiềm ẩn rắc rối. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp Triều Tiên
Thật quá dễ dàng để nói về những lựa chọn quân sự một cách chung chung. Tuy nhiên, chi tiết mới là nơi tiềm ẩn rắc rối – cả về khả năng thực tế để một bên nào đó sử dụng năng lực của mình thực thi các lựa chọn nhất định, cũng như về khả năng dự đoán xem bên kia sẽ phản ứng ra sao và xung đột xảy ra sau đó sẽ leo thang hoặc chấm dứt như thế nào.
Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp Triều Tiên. Nhà lãnh đạo của nước này duy trì quyền lực và sự kiểm soát bằng cách liên tục phóng đại các mối đe dọa mà quốc gia của ông phải đối mặt, khiêu khích các nước bên ngoài như Mỹ và Hàn Quốc, và lợi dụng nhu cầu của Trung Quốc muốn quốc gia của ông trở thành một vùng đệm chiến lược ở biên giới phía Bắc của nước này, đi ngược với mong muốn ổn định và phát triển kinh tế của Trung Quốc. Ông thu lợi nhờ khai thác một cách thận trọng điều mà các quốc gia khác thường coi là chủ nghĩa cực đoan, phản ứng thái quá và “hành động vô lý”.
Điều này cho ông một cách đối phó với thực tế rằng Triều Tiên yếu kém về mặt kinh tế và là một cường quốc quân sự lớn nhưng thường lỗi thời. Mặc dù các ước tính không giống nhau, World Factbook của CIA đã đưa ra những ước tính công khai cao nhất về GDP của Triều Tiên. Các ước tính gần đây của CIA cho thấy dân số của Triều Tiên là khoảng 25,2 triệu so với 50,9 triệu của Hàn Quốc, có nghĩa là có quy mô bằng khoảng 1 nửa nước láng giềng phía Nam. CIA lưu ý rằng mọi ước tính về GDP của Triều Tiên đều có những vấn đề lớn, nhưng báo cáo rằng GDP của Triều Tiên vào khoảng 40 tỷ USD tính theo ngang giá sức mua so với hơn 1.900 tỷ USD của Hàn Quốc, tức là bằng hơn 2% quy mô nền kinh tế của nước láng giềng.
CIA cũng ước tính rằng GDP bình quân đầu người của Triều Tiên chỉ vào khoảng 1.800 USD so với 39.100 USD của Hàn Quốc, tức là thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc lớn hơn khoảng 22 lần. Những thời kỳ xảy ra nạn đói đã cho thấy quá rõ ràng rằng đây là một thành tích kinh tế thực sự nghèo nàn đối với một nước từng phát triển hơn nước kia khi mới lập quốc. Nó cũng giúp giải thích vì sao tuổi thọ trung bình ở Hàn Quốc cao hơn ở Triều Tiên hơn 10 năm.
Nếu nhìn vào các nỗ lực quân sự của mỗi bên, Triều Tiên giữ bí mật đến mức không có ước tính đáng tin cậy nào về chi tiêu quân sự của Triều Tiên, hay tỷ lệ phần trăm GDP mà nước này chi cho các lực lượng quân đội. Hàn Quốc chi khoảng 34 triệu USD trong năm 2016, tức là 2,4% GDP của nước này. Tuy nhiên, điều rõ ràng trong ước tính về các lực lượng quân đội của Triều Tiên của những cơ quan như Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) là Triều Tiên vẫn là một trong số những quốc gia được quân sự hóa nhiều nhất trên thế giới, và có thể dẫn đầu thế giới về chi tiêu quân sự tính theo tỷ lệ phần trăm GDP và bình quân đầu người.
IISS ước tính rằng Triều Tiên có khoảng 1.190.000 binh lính và 189.000 lực lượng bán quân sự tại ngũ trong khi Hàn Quốc có 630.000 binh lính và 5.000 lực lượng bán quân sự tại ngũ – tức là nhân lực tại ngũ của họ nhiều gấp hơn 2 lần. Hàn Quốc có nhiều quân dự bị hơn, nhưng cần có thời gian mới huy động được và hiện phần lớn lực lượng này chỉ sẵn sàng về mặt quân sự ở mức hạn chế.
Về mặt thiết bị chiến đấu, Triều Tiên có khoảng 3.500 xe tăng chiến đấu chính so với 2.400 của Hàn Quốc, 3.092 phương tiện chiến đấu thiết giáp khác so với 3.370 của Hàn Quốc, và hơn 21.000 pháo so với 11.000 của Hàn Quốc. Triều Tiên cũng có khoảng 545 máy bay chiến đấu so với 567 máy bay chiến đấu và 64 trực thăng tấn công của Hàn Quốc. Những con số này thể hiện lợi thế của Triều Tiên, và lợi thế này càng được tăng cường vì nước này sẵn sàng chiến đấu hơn, triển khai nhiều lực lượng gần biên giới và có khả năng pháo binh được che chắn quy mô lớn nằm trong tầm bắn pháo đến Seoul – thủ đô Hàn Quốc.
Nhưng đồng thời, chất lượng các trang bị của Hàn Quốc tốt hơn nhiều ở mọi cấp độ, các lực lượng máy bay và tên lửa đất đối không của nước này tiên tiến hơn nhiều, và hải quân của họ có năng lực cao hơn nhiều. Triều Tiên phải dựa phần lớn vào các tàu ngầm và tàu tuần tra đã cũ để cố gắng hạn chế các lực lượng của Hàn Quốc và Hải quân Mỹ.
Còn đối với Mỹ, mặc dù Triều Tiên đã có các tuyên bố ám chỉ rằng Mỹ có sự hiện diện quy mô lớn ở Hàn Quốc, nhưng theo báo cáo của IISS thì Mỹ chỉ có 28.500 quân, và những đợt chuyển quân gần đây đã nâng con số này lên mức khoảng 34.000. Lục quân Mỹ có khoảng 19.200 binh lính và chỉ có một lữ đoàn thiết giáp thuộc các lực lượng mặt đất đang hoạt động, dù họ còn có các lực lượng trực thăng và pháo binh. Hải quân Mỹ có khoảng 250 binh sỹ và Không quân Mỹ có khoảng 8.800 binh sỹ. Họ thường triển khai 2 cánh máy bay chiến đấu với 40 chiếc F-16, 24 chiếc A-10, và một số máy bay tình báo. Một điều cũng đáng lưu ý là các cuộc tập trận của Mỹ mà Triều Tiên lớn tiếng phàn nàn – đến mức đe đọa chiến tranh hạt nhân – có sự tham gia của chưa tới 20.000 binh sỹ, và chắc chắn không đặt ra mối đe dọa tấn công nào.
Thách thức thật sự của Mỹ là việc triển khai không lực có căn cứ trên mặt đất và trên biển, các tên lửa hành trình và các khả năng tấn công chính xác khác, cũng như khả năng triển khai các lực lượng mặt đất và tái cung ứng quân sự theo thời gian. Mỹ đã rút các vũ khí hạt nhân của mình khỏi Hàn Quốc vào năm 1991, và qua thời gian đã đều đặn cắt giảm các lực lượng của họ. Họ vẫn có hơn 32.000 binh lính ở Hàn Quốc vào năm 1991 – khi Chiến tranh Lạnh kết thúc – và khoảng gấp đôi số máy bay chiến đấu hiện tại. Chính những lời đe dọa và các cuộc tấn công của Triều Tiên nhằm vào nước láng giềng Hàn Quốc - chứ không phải mong muốn tiếp tục triển khai sức mạnh của Mỹ - đã khiến Mỹ không tiếp tục giảm quân trong thập kỷ qua.
Chính những giới hạn định tính rõ rệt của các lực lượng Triều Tiên – chứ không phải các mối đe dọa bên ngoài – giải thích vì sao Triều Tiên lại chọn tập trung vào các vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học, cũng như vào tên lửa. Các lực lượng thông thường quy mô lớn của họ hoàn toàn đầy đủ để tự vệ trước sự xâm lược của Hàn Quốc và Mỹ, điều mà về cơ bản là một mối đe dọa không tồn tại - ngay cả khi người ta bỏ qua tác động răn đe của khả năng đáp trả của Trung Quốc. Chúng cũng cho Triều Tiên khả năng đe dọa Hàn Quốc đến một mức độ nào đó. Tuy nhiên, chúng không cho phép Triều Tiên tiến xa trong việc gây áp lực lên Hàn Quốc.
Seoul có thể nằm trong tầm bắn pháo của Triều Tiên, nhưng nền kinh tế yếu ớt của Triều Tiên có thể bị phá hủy chỉ trong vài ngày bởi các cuộc tấn công trên không vào lưới điện, hệ thống thông tin liên lạc, những cây cầu và tuyến đường then chốt và các cơ sở công nghiệp trọng yếu. Bất chấp các lực lượng và chiến thuật của mình, ở một mức độ nhất định, Triều Tiên tương đương với một ngôi làng Potemkin (ám chỉ việc chỉ có vẻ bề ngoài mà không có thực chất) về mặt chiến lược. Việc quân sự hóa quá mức tạo ra những điểm yếu cho chính mình nếu một cuộc xung đột leo thang quá xa, và giống như Iran, Triều Tiên cần có một mối đe dọa để chống lại nguy cơ đó.
Tuy nhiên, Triều Tiên gần như chắc chắn có thể phát triển và triển khai ít nhất là một dạng tên lửa được trang bị vũ khí hạt nhân nào đó có khả năng vươn tới Mỹ trong nửa thập kỷ tới và đủ chính xác để tấn công các thành phố của Mỹ. Nước này gần như chắc chắn có thể phát triển và triển khai các hệ thống được trang bị hạt nhân có khả năng tấn công Hàn Quốc và Nhật Bản trong 2 đến 3 năm tới.
Họ đã xây dựng một căn cứ sản xuất tên lửa lớn cũng như đều đặn nối dài danh sách các hệ thống đã được triển khai và có thể triển khai. Giờ đây họ cũng có thể tiến xa hơn một lò phản ứng hạt nhân dễ bị nhắm mục tiêu ở Yongbyon và việc triển khai cái dường như là 2 buồng máy ly tâm ở cơ sở Yongbyon, để chuyển sang việc phân tán các cơ sở ly tâm bí mật ở các địa điểm mới.
Các lực lượng tên lửa có khả năng sống sót, các vũ khí hạt nhân và khả năng phóng các tên lửa thông thường có điều khiển chính xác, hoặc các tên lửa mang đầu đạn sinh học và hóa học là tất cả những cách mang lại cho nhà lãnh đạo Triều Tiên khả năng duy trì mối đe dọa của nước này đối với nước láng giềng vốn thành công hơn nhiều của họ. Việc triển khai các lực lượng này và những sự gia tăng về công nghệ hạt nhân của Triều Tiên liên tục hạn chế khả năng của Mỹ tiến hành các cuộc tấn công phòng ngừa. Những điều này cũng cho phép Triều Tiên ngày càng đe dọa Mỹ và Nhật Bản. Chúng cho Triều Tiên nhiều ảnh hưởng đòn bẩy hơn đối với Trung Quốc bằng việc cho phép nước này leo thang tới những mức độ mà có thể buộc Trung Quốc phải hoặc can thiệp thay mặt Triều Tiên, hoặc đối phó với sự sụp đổ của nước này. Đồng thời, sự phụ thuộc ngày càng gia tăng của Triều Tiên vào các vũ khí hạt nhân và tên lửa còn có những tác động khác. Nó liên tục gây thêm khó khăn cho Hàn Quốc trong việc răn đe và kiềm chế các mối đe đọa của Triều Tiên ở những mức độ vũ lực thấp, và Mỹ trong việc đối phó, với các cuộc tấn công hoặc các lựa chọn quân sự hạn chế.
Điều này cuối cùng có thể thúc đẩy Hàn Quốc lập ra các lực lượng hạt nhân của riêng mình. Hàn Quốc muốn có sự ổn định và phát triển, nhưng Triều Tiên có thể đẩy nước này theo các hướng khác nhau. Hàn Quốc đang phát triển các lực lượng tên lửa của riêng họ - mặc dù phần lớn vẫn giới hạn ở những tầm bắn không đe dọa tới Trung Quốc. Một số nguồn tin cho thấy Hàn Quốc từng có các yếu tố của một chương trình vũ khí hạt nhân bí mật, và nước này rõ ràng đã phát triển sức mạnh hạt nhân của mình. Những hành động của Triều Tiên cuối cùng có thể đẩy Hàn Quốc tới việc triển khai các vũ khí hạt nhân và các lực lượng tên lửa lớn hơn nhiều của riêng mình – hoặc đương đầu với Mỹ (và Trung Quốc) với nhu cầu của Mỹ đưa ra cho Hàn Quốc những bảo đảm hạt nhân rõ ràng và các hệ thống phòng thủ tên lửa ngày càng tiên tiến hơn.
Trừ phi Triều Tiên hạn chế hoặc từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa của mình, triển vọng cho tương lai đang ngày càng là để cho một nhà nước liên tục đe dọa sự ổn định của Hàn Quốc và an ninh của Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ - tất cả các nước này đều có thể bị lôi kéo mở rộng cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân ở Triều Tiên. Kết quả cuối cùng của nỗ lực của Triều Tiên nhằm duy trì mối đe dọa của nước này đối với Hàn Quốc rất có thể sẽ kết thúc mà không làm được gì ngoài việc đẩy tất cả các lựa chọn quân sự ở bán đảo Triều Tiên tới những mức độ leo thang ngày càng cao.
Anthony H. Cordesman hiện đang là Chủ tịch Chương trình Arleigh A. Burke tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington, D.C. Bài viết được đăng trên CSIS.
Trần Quang (gt)
Nghiên cứu Biển Đông xin giới thiệu Báo cáo “Tăng cường kết nối giữa Hàn Quốc và các nước thành viên Quad tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”của Kristi Govella, Garima Mohan và Bonnie Glaser, chuyên gia Viện Quỹ German Marshall (GMF) . Theo nhóm tác giả, Hàn Quốc hiện có nhiều điều kiện để tăng hợp tác...
Ngày 28/8, tranh chấp Nhật-Hàn lại tiếp tục rơi vào bế tắc khi Nhật Bản chính thức loại Hàn Quốc ra khỏi “Danh sách trắng” về thương mại. Kể từ đầu tháng 7 đến nay, sau những đòn tấn công “ăn miếng trả miếng” quyết liệt, mâu thuẫn Nhật-Hàn đã leo thang, căng thẳng và phức tạp hơn. Cuộc khủng hoảng này...
Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia chủ chốt ở châu Á – Thái Bình Dương đồng thời cũng là là quốc gia đồng minh chính trong chiến lược của Mỹ ở khu vực. Nhưng thù hằn quá khứ dai dẳng của Hàn Quốc với Nhật Bản vẫn luôn sôi sục từ lâu. Giờ đây, động thái áp đặt hạn chế thương mại của Nhật Bản đối với...
Từ các tuyên bố và thể hiện chính sách thời gian qua của Tổng thống Moon có thể dự báo là trong thời gian tới, Hàn Quốc sẽ thực thi chính sách đối ngoại khác biệt so với thời kỳ Tổng thống Pak Geun-hye; đặc trưng bởi quyết tâm theo đuổi quan hệ độc lập hơn so với Mỹ, củng cố quan hệ với Nhật, duy trì...
Tốc độ tiến triển nhanh chóng của ngoại giao Triều Tiên khiến cho việc Nhật Bản và Hàn Quốc phối hợp chặt chẽ hơn về những thay đổi tiềm tàng đối với an ninh Đông Bắc Á trở nên quan trọng. Nhưng trước tiên họ phải vượt qua một số nỗi oán giận thâm căn cố đế.
Thích ứng và lên kế hoạch cho các tình huống bất ngờ từ Trung Quốc và Triều Tiên sẽ chiếm phần lớn trong chính sách quốc phòng và những vấn đề về việc mua sắm của Nhật Bản.