Những lo ngại về việc Bắc Kinh tăng cường sức mạnh quân sự và áp dụng chính sách ngoại giao hiếu chiến đã khiến các nước láng giềng của Trung Quốc muốn Oasinhtơn tiếp tục can dự vào khu vực này. Tuy nhiên, họ cũng phải đi nước đôi để đề phòng ảnh hưởng của Mỹ bị lu mờ.

 

Các quốc gia châu Á sẽ chú ý theo dõi những tiến triển trong mối quan hệ giữa hai cường quốc đối địch này khi Tổng thống Mỹ Brack Obama tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong chuyến thăm cấp nhà nước vào tuần tới ở Mỹ. Tại đây, hai nhà lãnh đạo sẽ cố gắng đẩy lùi sự đối đầu giữa họ trong năm 2010.

 

Việc xác định quan hệ với Mỹ và Trung Quốc là điều khá khó xử và nhạy cảm đối với nhiều nước khu vực vốn lo ngại về các ý đồ của Trung Quốc nhưng bất đắc dĩ phải chấp nhận cường quốc mới nổi lên này. Nhà phân tích Narushige Michishita, thuộc của Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia ở Tôkiô, nói: "Chúng tôi đang cố gắng đẩy mạnh vị thế mặc cả của mình đối với Trung Quốc bằng cách tăng cường quan hệ với Mỹ, Hàn Quốc và Ôxtrâylia. Điều đó không có nghĩa là chúng tôi nói với Trung Quốc rằng 'các ngài là kẻ thù', mà chỉ muốn phát tín hiệu rằng 'chúng tôi đã sẵn sàng'".

 

Còn Jeffrey Kingston, Giám đốc phụ trách nghiên cứu châu Á của trường Đại học Temple (Nhật Bản), nói: "Hiện giờ, tại Đông Nam Á và Nhật Bản, người ta ý thức rõ hơn về sự hiện diện của Mỹ như một đối trọng với sức mạnh quân sự của Trung Quốc".

 

Những lo ngại về Trung Quốc đã khiến Nhật Bản nhận thấy cần phải khôi phục liên minh với Mỹ - mối quan hệ đã đã bị xấu đi nghiêm trọng hồi năm ngoái do những tranh cãi về vấn đề căn cứ quân sự của Mỹ và việc chính phủ do đảng Dân chủ Nhật Bản đứng đầu thể hiện lập trường ngoại giao bớt phụ thuộc vào đồng minh chủ chốt là Oasinhtơn.

 

Trong đại cương chính sách quốc phòng mới được công bố hồi tháng trước, Nhật Bản đã cam kết thắt chặt hơn nữa quan hệ an ninh với Mỹ, song cũng đồng thời kêu gọi hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác trong khu vực như Hàn Quốc, Ôxtrâylia và Ấn Độ. Michishita nói: "Thông điệp này khá rõ ràng. Mỹ đang sa sút với sự trỗi dậy của Trung Quốc và Mỹ không phải là đối tác an ninh đáng tin cậy về lâu dài. Để lấp đầy khoảng trống do sự sa sút của Mỹ gây ra, chúng ta cần thêm đối tác".

 

Theo chiều hướng đó, Nhật Bản và Hàn Quốc tuần này đã nhất trí nâng cấp quan hệ quân sự trong bối cảnh Bắc Triều Tiên ngày càng tỏ ra thù địch. Các thỏa thuận này sẽ là những hiệp ước quân sự chính thức đầu tiên giữa Xơun và Tôkiô. Quân đội Hàn Quốc đã tìm mọi cách để biện minh rằng các thỏa thuận này hoàn toàn không liên quan đến bất kỳ động thái nào nhằm kìm hãm Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng chắc chắn Trung Quốc đã xuất hiện trong đầu các nhà hoạch định chính sách.

Moon Chang-keuk, làm việc cho báo "JoongAng" của Hàn Quốc, nói: "Chúng tôi phải ngăn chặn trò chơi quyền lực của Trung Quốc vì an ninh quốc gia của chúng tôi, song lại cần phải hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế. Đây thực sự là một tình thế khó xử".

 

Ôxtrâylia đã thúc đẩy đối thoại ba bên với Mỹ và Nhật Bản, và nóng lòng muốn chứng kiến một sự hiện diện vững chắc của Mỹ ở khu vực này. Rory Medcalf của Viện Chính sách Quốc tế Lowy của Ôxtrâylia nói: "Ôxtrâylia đã nói rõ rằng họ sẽ cảm thấy rất không thoải mái với một châu Á mà trong tương lai do Trung Quốc chi phối, và Canbơrơ rất nóng lòng muốn Mỹ duy trì sự hiện diện hùng mạnh ở châu Á".

 

Quan điểm diều hâu của Trung Quốc trong các cuộc tranh cãi hàng hải cũng khiến Inđônêxia quay sang Mỹ và coi nước này như một đối trọng với Trung Quốc, mặc dù cường quốc lớn nhất Đông Nam Á này vẫn tìm kiếm các mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh. Một số nhà phân tích cho rằng Giacácta có thể lợi dụng sự kình địch Mỹ-Trung để giành lợi thế cho riêng mình. Yang Razaki Kassim của trường Đại học Công nghệ Nanyang ở Xinhgapo nói: "Cả Mỹ và Trung Quốc sẽ ngày càng coi Inđônêxia là một đối tác cần phải ve vãn".

 

Ấn Độ cũng có một hành động cân bằng khá tế nhị. Các mối quan hệ với của nước này với Trung Quốc cũng bị xấu đi bởi cuộc tranh chấp biên giới kéo dài. Chuyến viếng thăm của Thủ tướng Ôn Gia Bảo hồi tháng trước cũng như mối quan hệ thương mại đang phát triển nở rộ giữa hai nước cũng không xoa dịu được sự lo lắng của Ấn Độ. Alka Acharya, thành viên của Ban Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ, nói: "Các nhà hoạch định chính sách rất lo ngại về thái độ quyết đoán gần đây của Trung Quốc. Tuy nhiên, Ấn Độ không muốn đề ra một chính sách khiến họ bị coi là kéo bè kéo cánh với các nước bao vây Trung Quốc".

Theo Reuters